25 May 2019

CHUỒNG BỒ CÂU - Hồ Đình Nghiêm


Để tránh lôi thôi, Thục My quyết định mang tôi đi trình diện Clementine. Cô giáo trẻ gọi thêm bà Beatric đến, ba bốn mặt một lòng ngầm thoả thuận rằng, đừng hô hoán mông-xừ Tran là l’étranger, kẻ lạ ngác ngơ bất chính đột nhập vào sân trường với mục đích xấu. Ông Tran này nếu không bố, thì bác, chẳng bác thì chú, tóm lại là người thân thích của cháu Annie, đại diện mẹ bận lu bu công chuyện mần ăn, Tran sẵn lòng dang tay đón Annie về nhà trong an toàn, cho dẫu bé ngoan có làm bộ làm tịch phụng phịu mặt mày.


Thục My đã đi mài dũa một chiếc chìa khoá nhà, ân cần trao phó bản vào tay tôi. Tôi móc cái chìa vàng ấy nằm chung đụng với ba cái của riêng tôi, kiếm sợi dây tròng vào cổ, đong đưa trước ngực cùng thẻ nhựa đi xe buýt mua hằng tháng. Tay My bao giờ cũng ấm khi chạm phải. Mười ngón, hai mươi ngón khác biệt chỉ giống nhau ở chỗ, cả đôi lứa đều không đeo nhẫn, trống vắng. Thục My bảo: Đã nhớ chưa, đúng ba giờ rưỡi, chịu khó đừng để con bé mầm non mẫu giáo lạc loài hoang mang khi đứng đợi, tội nghiệp.

Như vậy, tự dưng tôi có job mới, chủ không trả lương, không cả quan hoài trao bonus hai chữ “tội nghiệp” cho ông Tran xứng đáng đón nhận một chia sẻ thân thương, cả tin, đong đầy uy tín.

My xong việc lúc 5 PM. Về tới nhà nếu hanh thông đường sá cũng bóng đổ tà dương lu mờ cảnh sắc. Tôi làm quen với Annie mới non tháng, con bé 5 tuổi “chảnh” như một thiếu nữ dậy thì vui buồn bất chợt. Trời giông, trước khi đổ nước cũng biết làm khúc dạo đầu bằng mây đen kéo về bưng bít. Annie khác, tính khí trời sợ, không quỡn để đưa lời cảnh báo trước. Xem chừng nó biết kẻ lạ là mông-xừ Tran này sẽ “từ ngoài sân sau lần vô bếp”, là bad guy muốn soán đoạt bớt cảm tình mà má nó dành riêng cho cục cưng. Nhưng nói nào ngay tôi biết học bài nhẫn nhục, Tran là đệ tử ruột của thằng cha nội Hàn Tín xem việc lòn trôn thiên hạ chỉ là chiện nhỏ, chẳng hề lấy đó làm điều. Căn tu thâm hậu do vậy hôm giới thiệu với mấy cô giáo coi trẻ, Annie đã nắm lấy tay tôi biểu hiện tình hữu hảo môi hở răng lạnh.
Về ngón đòn tâm lý chiến thì dễ như ăn ớt, ba rưỡi đến hẹn lại lên, tôi xẵng xái đặt chân vào vùng cấm địa, toét miệng cười, chào hỏi thắm thiết tới quý vị phụ nữ xong, liền dắt con bé đi thơ thẩn tới cửa hàng Mách Đô. Tôi có xem tờ báo chợ, thống kê cho rằng 90% các đấng nhi đồng thảy mặn khoai tây chiên đi cùng cái hamburger hoặc cục thịt gà bọc bột chiên, tu một hơi gần cạn ly coke. Mặt tươi như hoa được phun nước, tiếng cười trong trẻo vi vút hơn lệ thường. Bận ngồm ngoàm cứng miệng, nếu không đã ghé tai tỏ tình: Je t’aime.
Thục My luôn khuyến khích tôi trao đổi tiếng mẹ đẻ cùng Annie. Mới 5 tuổi khả năng đàm thoại của con bé y như tôi khi sử dụng tiếng Pháp với người bản xứ, có nghĩa là còn giới hạn lắm. Nó đã vất bỏ chữ ông Tran, nó gọi tôi lúc bác lúc chú. Không riêng nó, ngay cả già đầu như tôi cũng chẳng biết cha nó, papa, ba, bố còn sống hay đã chết. Ổng giang hồ vất vưởng phương nao. May cho Annie, nó chưa một lần thắc mắc, gióng hỏi. Nó biết cái đáng biết, Tran, bác, chú nọ không thể là người khiến má nó mang bầu rồi hạ sinh ra một con bồ câu bé nhỏ. Bồ câu là tên ở nhà của Annie. Tôi từng ra sức vẽ nên một con bồ câu giống thật vào giấy rồi biểu nó tô màu tuỳ thích, xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ cũng ưa. Đó là kế điệu hổ ly sơn, để bác và má có cơ hội đứng trong bếp cùng sát vai thổi lửa nấu ăn chung. Thục My nói: Bồ Câu biết hôn, ngoài tài vẽ đẹp, bác còn biết nấu nhiều món ngon lắm. Và như thế, lắm khi tôi nai lưng thêm chức sếp bếp, hoặc ngửa tay nhận tiền cậy nhờ đi chợ mua sắm nguyên vật liệu ở nhà đang thiếu thốn. Ghi ra giấy kẻo quên, lần trước xớn xác dặn một đường tha đồ về một nẻo, trật chìa, lộn tùng phèo. Người gì mà cứ dật dờ, để tâm trí rơi tận đâu đâu á!
Tôi mần thinh, chưa phải lúc để thưa thốt: Dạ thưa em, lòng dạ Trần này bận tơ tưởng tới hình dáng em. Đứng gần em thì băn khoăn không rõ sau áo xống lụa là che đậy kia là thức gì ẩn dấu? Trần khờ khạo lắm, mong được em chỉ giáo một lần để sớm mở mắt, có vậy con bồ câu mới đâm quyến luyến với con chim cu này.
Có bữa mát trời ông địa, đón Annie về, nó đòi vào công viên coi ông già vô gia cư ngồi yên trên băng ghế đá mặc tình cho đàn chim mổ thức ăn rơi bám thân ông. Phải hiền từ đôn hậu lắm chim mới thân tình ríu rít vây quanh xem nhau như bạn được. Chân tay tôi có biến thành bốn ổ bánh mì e chim chóc cũng nhác ăn, cạy mặt cái đứa đến từ nơi chốn “con gì nhúc nhích đều xơi ráo”. Tôi không phải “tự nhiên như người Hà Nội” ghiền món thịt cầy, chưa hề thử “ngon nhức răng” vậy mà đi ngoài đường có nhiều con chó gầm gừ, mắt long lên kỳ thị thấy rõ. Chuyện nhỏ! Chuyện nhớn là Annie càng lúc càng “mặn nồng” với bác, Bồ Câu xem tôi là người bạn đồng minh có thể chơi được, có thể gặp cảnh bất bình rút đao tương trợ, đừng hòng có đứa nào lén phén tới ăn hiếp tao, nhớ. Mông-xư Tran biết kung-fu đấy.
Coi cảnh ngoạn mục chim ăn chim ỉa trên đầu ông già rách rưới có thể là xem phim quảng cáo phút đầu, anh thanh niên đạp xe ba bánh chứa thùng kem nhiều màu tựa bên thân cây rậm lá mới là bộ phim chính lâm ly bi đát hơn hẳn. Chưa coi mà đã chảy nước miếng. Bác, con thích ăn kem. Ơn trời, may mà trong túi có chêm chút bổi, làm đứa khố rách áo ôm thì chẳng biết mần răng giải quyết. Ô kê, kem thì kem, sợ gì. Kem múc hai cục rõ to ém vào cái ly làm bằng loại bánh xốp. Của cháu là chó-có-lát của ông là va-ni, vị chi là tám đô chín mươi chín xu. Va-ni dắt chocolat tìm bãi cỏ mượt nhẹ nhàng buông thân nửa nằm nửa ngồi mút lấy mút để hai cục đường mát ngọt cần cổ. Tôi nhìn vẻ say sưa của con bé, thè lưỡi liếm cho mòn, cho triệt tiêu cục kem trơn láng: Bồ Câu thích có em không? Là sao? Con thấy mấy con chim đậu sát bên người ông ấy không? Lúc nào chúng cũng có bạn, chúng chẳng đi một mình. Em là bébé, là đứa bé sẽ được chị Bồ Câu bồng bế ẵm ru. Môi con bé ướt ngọt: Nếu con thích em bé thì phải xin má, hay xin bác? Ai cho con?
Đàm thoại cho có, cho khỏi quên tiếng mẹ đẻ, tưởng sẽ chìm vào dĩ vãng, ai có ngờ đâu chữ “em bé” đã ghim vào trí nhớ nhỏ nhoi kia. Hồi nào con lớn bộn bề, ắt con “về nhà dối mẹ”, hiện tại con tẻo teo như cây kẹo, con thật thà như đếm: Má, con muốn có em bé. Có lửa mới sinh ra khói, má rùng mình đón nghe lời trần tình quá sức cực đoan, má nhìn bác bằng đôi mắt biết nói: Ô là la, mông-xừ Tran đã đầu độc trẻ thơ, còn ai trồng khoai đất này? Gieo rắc tai hoạ là hậu quả của việc giao lưu tình cảm chùng lén giữa song phương bấy chầy, ưa bắt đương sự viết bản kiểm điểm quá. Em bé đâu phải từ trên trời rớt xuống dưới đất chui lên. Muốn tựu thành ra em bé thì biết bao cơ man là gay cấn buộc phải nhắm mắt liều mạng bước qua cầu tre lắc lẻo. Có rớt xuống sông làm ướt cái quần ny-lông thì tai kíp nghe lời ai hát hỏng: Dô đây em đợi quần khô anh sẽ đưa em dìa. Cởi quần phơi cho ráo nước, trong khi chờ đợi thời khắc từ ướt tới khô, em nào biết mần chi, há lẽ anh biểu em ngồi không? Hoàn cảnh ấy rất mực căng thẳng, thót tim trong e ấp. Búi xờm xờm chớ hổng giỡn chơi đâu nhen. Hèn chi người xưa dạy: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Chốn cô quạnh khiến tim mềm, ta dễ nghe lọt tai lời rù quến.
Tôi vụng tu. Tôi vụng về. Tôi không biết cách xử thế. Tôi chẳng thông hiểu mức nông sâu của lòng người. Tôi thất nghiệp. Người ta đã từ chối bao công sức tôi trao chẳng toan tính. Người ta đã gài số de, lùi một lèo, không thèm nháy đèn chẳng cần đạp thắng. Lỗi tại tôi mọi đàng. Tiên trách kỷ hậu trách nhân.
Điện thoại im re. Bước lên bậc thềm cửa đóng then cài bấm chuông chẳng ai mở, đút chiếc chìa khoá vàng mãi tòn teng trước ngực vào ổ, đút hoài chẳng vô. Ai kia nhẫn tâm đã thay ổ mới, nhìn qua cửa kính, thấy đen thui một sự từ khước lạnh tanh. Thất bại, đứng dáo dác nghe gối mỏi chân mòn, chẳng biết làm chi tôi rảo chân đến ngôi trường với lấn cấn dấu hỏi: Chuyện gì? Tại sao? Sao quay lưng mà chẳng bảo gì nhau?
Chào cô Clementine, cô khoẻ không? Ah, chào ông Tran. Cảm ơn, tôi tốt. Ông đến có việc gì không ạ? Mẹ của Annie đã thốt lời chào tạm biệt chúng tôi, dọn tới chốn khác thuận tiện hơn, có lẽ vậy. Ơ, đợi tôi một chốc nhé, chừng hai phút thôi, tôi có cái này trao ông.
Tôi đứng nhìn vào cánh cửa vừa mở rộng, một hành lang sạch bong thắp sáng những đốm điện vàng, thế giới êm ả đó vừa gửi trao một hương mùi đặc thù nó riêng thu cất. Mùi bàn ghế hao mòn của bao thế hệ từng mài đít, mùi giấy ẩm của sách vở, bục gỗ, bảng đen, phấn trắng chừng cũng biết phát hương. Hít phải, nghe lòng bồi hồi trong hoài niệm tự ùa đến. Đã là ngôi trường thì buộc chúng phải có linh hồn, thứ linh hồn luôn tỉnh thức. Nó không đời nào chợp mắt, dẫu nó thoi thóp nằm yên trong ba tháng hè. Nó tựa chứng nhân, bao dung, sẵn lòng hàn huyên cho bạn nhớ về một thời vụng dại tuổi học trò. Thời gian đã lạnh lùng soán đoạt cái kho báu giá trị ấy. Bạn nghe ra một nỗi đau dịu dàng, buồn tủi. Cắm cúi học vạn điều hay lẽ phải để về già vẫn thấy mình chưa thật sự khôn lanh.
Đây, ông xem. Annie vẽ nhiều bức nhưng tôi vẫn thích bức tranh này nhất. Cô Clementine đã trở lại, tay nắm tờ giấy vung vẫy khi bước ra. Trong các lớp, chúng tôi vẫn trang hoàng chật vách bằng chính thành quả các em say sưa vọc màu. Trẻ con bao giờ cũng đáng yêu, hồn nhiên thể hiện rõ qua màu sắc, đường nét. Clementine trao cho tôi bức tranh vẽ bằng màu nước có ghi tên Annie bên dưới. Tranh vẽ một gã đàn ông tay chân lòng khòng ngồi trên ghế đá, trên đầu có đậu con chim rõ to. Màu chim xanh, xanh nhỏ giọt chảy tràn trên bãi cỏ, lốm đốm. Con bé giải thích, mông-xừ Tran là người còn con chim mang tên Annie. Mình thương ai thì mình để trên đầu, con bé khẳng định thế. Trên đầu chứ không trong tim. Ông giữ làm kỷ niệm.
Cảm ơn nhiều. Tôi nói, cẩn trọng gói tròn tờ giấy nhăn nhúm vì màu nước tấp dày. Tôi bắt tay Clementine, chào tạm biệt. Tôi đón xe buýt về chỗ trọ. Có lẽ tôi sẽ kiếm tìm một công việc nào đó để cứu vớt phần nào, không ai an lòng sống với những ngày vô tích sự. Trước, tôi có chiếc xe hơi mua trả góp, làm chân cẳng vì hãng xưởng nằm tuốt ngoài xa lộ. Một ngày băng giá tự dưng có chiếc xe tải lảo đảo lạc tay lái đâm thốc một bên thân. Tôi nằm viện hơn tuần lễ, không biết cách viết đơn kiện tụng. Theo giám định hiện trường nơi xẩy ra tai nạn, hãng bảo hiểm đã bồi thường cho tôi một số tiền khá lớn. Tôi thong dong quên việc cày bừa đã được hai năm, tôi sợ ngồi vào tay lái do vậy tôi quyết định dùng phương tiện vận chuyển công cộng. Tôi trình bày rõ mọi chuyện cho Thục My nghe, cô nói nhàn cư vi bất thiện, chi bằng tới giúp cô những việc cô không kham nổi. Nhỏ nhặt như bóng điện bị hỏng bất chợt cũng chẳng biết cách thay cái mới.
Tôi ghé ngang một cửa hiệu chuyên bán khung ảnh. Người bán hàng muốn giúp tôi việc lồng bức tranh vào trong. Ông ta bảo, bức vẽ này quá dễ thương, hãy cho tôi xén bớt khoảng trống, như vậy bố cục sẽ hoàn chỉnh hơn. Tôi gật đầu. Cháu được mấy tuổi rồi? Picasso từng nói: Mỗi một đứa bé đều là nghệ sĩ…
Tôi trả tiền. Tôi cầm lên “tác phẩm” của Bồ Câu vừa được gói giấy cẩn thận. Tôi bước ra, tôi băng qua đường vì chợt thấy một quán nước lộ thiên có trương dù che nắng gió.
Ông dùng cà phê loại gì ạ? Không, hãy bán cho tôi một cốc kem, loại chocolat, xin vui lòng.
Tôi nghe như có tiếng cười trong trẻo của Bồ Câu vừa vọng vào đôi tai. Tôi đồ rằng Thục My chê tôi nghèo khó. Tôi mút cục kem, ngậm bồ hòn làm ngọt. Tôi là ông già rách rưới ngồi trong công viên mà chim chóc ái ngại chẳng dám đáp xuống ríu rít hót ca quanh thân. Chẳng có con chim nào đậu ngay đỉnh đầu tôi cả. Yêu ai nên để trên đầu. Ai đã dạy con chuyện ấy? Trên đầu là nơi chỉ dành riêng cho bố mẹ thôi, con ạ. Tôi cầu mong cho Bồ Câu ở được trong một cái chuồng vững chắc, che kín nắng mưa, tránh tai ương vụt đến tước đoạt đi hạnh phúc má vừa ra công gầy dựng. Annie, toa có thương moa không? Moa treo bức tranh này bên chỗ nằm cho tới mãn kiếp.

Hồ Đình Nghiêm
25. 02. 2019