23 May 2019

CHUYỆN TÌNH - Trịnh Y Thư


1.

Tôi yêu cô bé quá mất thôi!

Lần đầu gặp cô gái, tôi bị cô “khống chế” ngay: “Xin lỗi anh nhà văn, em có mấy điều thắc mắc về tiếng Việt . . . muốn hỏi anh, có được không ạ.”

Tôi nhớ hôm đó tôi có cuốn sách mới in và lũ bạn văn nghệ tổ chức ra mắt sách cho tôi. Tự thâm tâm tôi biết cuốn sách chẳng ra gì, một thứ văn chương thời thượng, nhưng cái nếp ra mắt sách đã thành thông lệ ở miền đất này và phần thưởng duy nhất cho người viết sách là những lời tâng bốc lên tận mây xanh (nhưng cũng đầy giả trá).

Cô gái đợi mọi người ra về gần hết mới mon men đến hỏi tôi.

“Vâng, cô cứ hỏi.” Tôi đáp lời cô như thể tôi là vị giáo sư đang chờ đợi câu hỏi từ cô sinh viên ngơ ngác hôm đầu tiên ôm sách đến giảng đường đại học. Dễ chừng tôi hơn cô đến chục tuổi. Có trịch thượng một chút chắc cũng chẳng sao. Cô gái trông như con trai, tóc cắt ngắn, khuôn mặt sáng sắc lẻm, đeo kính trắng gọng tròn. Tôi bị khuôn mặt đó thu hút ngay lập tức.

“Em phải nói trước với anh là em qua Mỹ khi mới năm tuổi nên tiếngViệt em dở lắm.”

“Cô đừng ngại. Tôi sẽ cố gắng trả lời cô với tất cả kiến thức tôi có.”

Cô không ngập ngừng. Hình như cô chuẩn bị sẵn câu hỏi trong đầu, “Điều em thắc mắc là trong tiếng Việt, khi nói một đồng năm mươi xu người ta nói một đồng rưỡi, rưỡi dấu ngã, còn khi nói một trăm năm mươi đồng hay một ngàn năm trăm đồng người ta lại nói một trăm rưởi, một ngàn rưởi, rưởi dấu hỏi. Người Nam, người Trung không phân biệt nhưng tiếng Bắc và nhất là chữ viết, rưỡi và rưởi không được quyền tùy tiện. Em thắc mắc hoài về điều này từ khi bố em dạy em tiếng Việt ở nhà. Em hỏi thì bố em bảo ông bà mình xưa nay nói thế, mày thắc mắc làm gì. Em không thích lối trả lời kiểu áp chế nửa mùa đó của bố em nên định bụng khi nào gặp một nhà văn Việt Nam đem ra hỏi . . .”

Tôi ngớ ra. Mang tiếng là người cầm bút nhưng có bao giờ tôi để ý đến chi tiết cỏn con đó đâu? Trời ạ, vị giáo sư khả kính của chúng ta mặt đỏ lên như gấc chín, tai nóng như hơ lửa và mồ hôi tươm ra ướt đẫm hai bàn tay. Tôi lúng búng mấy tiếng không thành nghĩa trong miệng rồi đành thú nhận với cô là mình cũng không hiểu rõ lắm tại sao người Việt nói như vậy. Tôi vớt vát thêm cho đỡ ngượng, bảo người Việt xưa nay không quen óc phân tích như người Tây phương nên ít khi thắc mắc tại sao thế này thế nọ.

Cô mỉm cười nhìn tôi và tôi thấy đôi mắt cô cũng cười theo.

“Em nghĩ như vầy không hiểu có đúng không. Khi đứng cạnh đơn vị, rưỡi phải là rưỡi dấu ngã như khi người ta nói một đồng rưỡi, một giờ rưỡi. Đồng, giờ ở đây đều là đơn vị. Còn một trăm, một ngàn không là đơn vị nên phải là rưởi dấu hỏi để phân biệt . . .”

Tôi lại ngớ ra. Bán tín bán nghi nhưng không bắt bẻ vào đâu được. Thôi đành nói bừa một câu vô thưởng vô phạt chứ chẳng lẽ độn thổ trốn đi sao?

“Ừ, cô nói vậy nghe cũng có lí đấy. Sao tôi chẳng bao giờ thấy sách vở nào nói về cái quy luật này cả.”

Cô gái không tha mà còn bồi thêm một nhát chí tử, “Theo em nghĩ thì không sách vở nào nói hết được những kẽ ngách của ngôn ngữ. Chỉ có một số quy luật tổng quát gói ghém chung trong cái gọi là ngữ pháp. Còn ngoài ra, ngôn ngữ là những gì được đồng ý qua không biết bao nhiêu thế hệ mà thành. Em nghĩ như vậy không hiểu có gì quá đáng không? Ngôn ngữ là sự đồng thuận vì vậy có nhiều điều trái với quy luật

mà vẫn được số đông chấp nhận như thường. Chẳng hạn, cách đây ít lâu có tờ báo văn nghệ bên Canada cứ bắt người ta phải viết từ chúng cư thay cho chung cư. Họ viện dẫn cư là Hán Việt còn chung là chữ Nôm. Hán Việt không thể ghép chung với Nôm được và vì thế phải viết là chúng cư mới đúng. Em thấy lí luận như vậy hẹp hòi lắm, chỉ khiến ngôn ngữ đứng ì ra một chỗ thôi. Mà ngôn ngữ thì năng động vô cùng, mỗi thế hệ mỗi đổi mới hoài hoài. Về điểm này bố em cũng đồng ý với em. Bố em còn nói trong Việt ngữ, ở môn Hóa học người ta còn dùng những từ như Acít hóa, Ba-dờ hóa. Tiếng Pháp còn ghép chung với Hán Việt được huống chi là Nôm và Hán Việt. Ghép chữ để tạo thành từ mới là sinh hoạt thường xuyên của ngôn ngữ. Mỗi thế hệ, tiếng Anh có thêm chừng mười ngàn từ mới, hầu hết do ghép chữ . . .”

Tôi biến thành gã sinh viên ngờ nghệch ngồi há hốc mồm nhìn lên bục giảng nơi người nữ giáo sư trẻ đẹp đang thao thao bất tuyệt và chỉ biết cười trừ:

“Hình như cô còn thạo tiếng Việt hơn tôi nữa đấy.”

Chúng tôi trở thành đôi bạn thân từ dạo đấy.

2.

Cô gái bố trận đánh tôi bằng những đòn “chính quy” như thế. Còn tôi chỉ lâu lâu “du kích” được một cú chẳng ra gì. Một lần, khi đã thân nhau hơn, trong lúc ngồi ăn cơm tối ở tiệm ăn, cô hỏi tôi lúc này làm gì. Tôi bảo đang cộng tác với mấy tờ báo lá cải ở Bolsa. Cô hỏi, “Anh không viết văn nữa à?” Tôi bảo cô tôi cần tiền để sống, ở xứ này chẳng nhà văn Việt Nam nào sống được bằng nghề viết văn.

“Vậy từ nay em phải gọi anh là nhà văn hay nhà báo?” Cô hỏi tôi.

“Ừm, để xem . . .” Tôi làm bộ ngập ngừng mấy giây rồi nói thật nhanh. “Em gọi anh là nhà tôi đi.” Tôi chụp ngay lấy cơ hội bằng vàng.

Mặt cô đanh lại và mặc cho tôi hết lời xin lỗi cô nhất định không thèm hé môi nói với tôi nửa lời trong suốt thời gian còn lại ngồi trong tiệm ăn.

Cô giận tôi đúng một tuần.

Lần khác tôi vô duyên nằng nặc đòi nắm tay cô. Cô bảo, “Em và anh chỉ có thể cầm kì thôi chứ không cầm tay được.” Tôi bật cười vì lối nói ngộ nghĩnh đó và đành từ bỏ ý đồ đen tối của mình.

Lần này cô chỉ giận tôi khi tôi dồn cô hơi quá. Tôi hỏi, “Cầm tay có gì đâu mà em khó thế! Bọn trẻ ở đây mười ba mười bốn đã yêu nhau loạn xạ rồi.”

“Cầm được tay em anh sẽ được đằng chân lân đằng đầu đòi cầm nhiều thứ khác.”

“Thí dụ như thứ gì?” Tôi nhăn nhở hỏi lại.

Cô hứ lên một tiếng rồi ngồi im, thân hình ép sát về phía cửa xe bên kia, hai tay thu lại như thể sợ tôi bất thình lình thò tay ra chụp.

Vậy mà tôi vẫn yêu cô.

3.

Học xong bốn năm ban Tâm lý học, cô bảo tôi cô sẽ xin vào trường Luật.

“Anh ghét trạng sư lắm.” Tôi bảo cô.

“Tại sao?”

“Trạng sư ăn nói giỏi, kẻ có tội cãi thành vô tội.”

“Vậy em sẽ làm biện lí trừng trị bọn tội ác cho anh vừa lòng nhé.”

“Cũng không được. Dưới mắt người biện lí, người vô tội biến thành có tội.”

“Làm trạng sư biện hộ không được, biện lí cũng chẳng xong. Chắc anh khuyên em nên đi làm cho các đại công ti tư bản?”

“Lại càng không được. Công ti lớn bỏ cả đống tiền mướn luật sư để tìm ra kẽ ngách lươn lẹo qua mặt nhà nước và bóp chẹt các công ti nhỏ khác. Làm công việc đó không . . . văn nghệ chút nào.”

“Vậy anh bảo em làm gì đây sau khi ra trường?”

“Theo anh em nên chọn làm nghề luật sư chuyên về li hôn.” Tôi làm mặt nghiêm gật gù bảo cô. “Luật sư loại này sống nhờ người ta bỏ nhau. Xã hội chưa bao giờ chứng kiến người ta bỏ nhau nhiều như bây giờ. Em làm nghề đó bảo đảm không ngồi không ngày nào mà còn rất phù hợp với con người thời đại mới.”

“Nghề gì mà chỉ mong người ta bỏ nhau để mình có tiền đút túi? Em chẳng thích tí nào.”

“Ừm . . . Anh nghĩ em làm nghề đó mãi sẽ xem chuyện người ta bỏ nhau là cái gì bình thường . . . Mai mốt lấy chồng biết đâu em cũng sẽ bỏ chồng . . . Chỉ lúc đó anh mới có hi vọng được em ra đường nhặt về.”

Tôi nói như thằng điên thằng khùng như vậy mà cô lại có vẻ cảm động. Hình như lần đó cô chịu cho tôi nắm tay lúc ra về. Tay cô lạnh ngắt và xương xẩu chứ không mềm mại ấm áp như tôi hằng mơ tưởng.

4.

Đời sống là cái cầu ván khổng lồ đầy lỗ hổng, trên đó kẻ khôn ngoan là kẻ mọc ra các góc cạnh để tồn sinh còn những tên tròn trịa ngu muội như tôi thì rơi tõm xuống lóp ngóp dưới vũng bùn đen tăm tối. Một trong những điều ngu muội nơi con người tôi là cái lí tưởng ngây thơ nửa mùa. Có dạo tôi nhận viết bài quan điểm cho một tờ báo ở Bolsa. Kiến thức chính trị của tôi thuộc loại hạng bét nhưng tờ báo tôi cộng tác thuộc loại áp bét nên bài tôi viết đôi khi được đem ra đăng chình ình nơi trang nhất. Ông chủ báo không có tài viết lách nhưng nói chuyện rất hay. Ông ta hăng say nói đến văng bọt mép những khi ngồi luận bàn về chủ nghĩa này hay triết thuyết nọ. Tôi phục ông lắm mặc dù mơ hồ tôi thấy những điều thốt ra từ miệng ông

Có vẻ như là cóp nhặt từ các bài giới thiệu in ở tờ bìa đầu và bìa cuối sách vở nhập môn khoa Chính trị học. Nhưng người ông tua tủa những góc cạnh, góc nào góc nấy bề dầy cả thước nên chẳng bao giờ ông lọt xuống vũng bùn đen bên dưới mặc dù cây cầu đời sống ông đang giẵm lên có những lỗ hổng voi chui qua cũng vừa.

Có lần ông đưa tôi một chiếc phong bì màu vàng khổ lớn, trong đựng giấy tờ dầy cộm rồi bảo tôi, “Cậu cầm xấp tài liệu này về đọc rồi viết bài đánh thằng Đại tá Chu nhé. Hắn đang đi đêm với Cộng sản. Về Việt Nam hai lần rồi đấy.”

Tôi hăm hở cầm xấp tài liệu về viết bài “đánh thằng Đại tá Chu” một cách ác liệt, tận tình. Bao nhiêu khẩu hiệu ồn ào nẩy lửa, bao nhiêu lí tưởng trống rỗng sáo mòn tôi quơ hết đem vào bài viết, đâu biết “thằng Đại tá Chu” chính là ông già thân sinh cô gái tôi đang yêu và người về Việt Nam hai lần “đi đêm với Cộng sản” không phải là ông mà chính là bà vợ ông chủ báo tôi hằng kính phục.

Cô gái không biết tôi là tác giả bài báo nhưng một hôm tôi thú nhận với cô về cái tội “có mắt như mù” đó. Tôi nghĩ thà mình thú nhận trước biết đâu được “khoan hồng” còn hơn đợi lúc cô khám phá ra sự thật. Nhưng trái với ức đoán của tôi, nghe chuyện xong cô cười ngặt nghẽo rồi bảo tôi, “Tiếc quá! Biết thế hồi đó em thu băng lại những lời gia đình em chửi anh, bây giờ cho anh nghe thì vui biết mấy.” Nhưng cô cũng nói thêm, “Lúc đọc bài báo mọi người trong gia đình em không ai nghĩ tác giả là một tên nhãi ranh ba mươi tuổi chưa ráo máu đầu.”

Thái độ đó của cô chỉ làm tôi yêu cô thêm.

5.

Đi chơi mãi với nhau có lần tôi thu hết can đảm hỏi thẳng cô một cách rất ư là ngố rừng, “Em có bạn trai . . . ở lứa tuổi em không?”

“Có chứ.” Cô trả lời gọn bâng. Tim tôi nghe như có sợi dây thằng siết mạnh. “Nhưng tụi nó trẻ con lắm. Đi chơi với anh vui hơn.”

A, có thế chứ. Nhưng chỉ vui thôi à?

“Vui như thế nào?” Tôi hỏi lại cô một câu vớ vẩn, mục đích chỉ để nghe cô tán thêm về nỗi vui khi đi chơi với tôi.

“Anh làm em cười.”

Thế à? Hoá ra tôi chỉ là anh hề hay thằng lẻo mép tán dóc giỏi thôi sao? Sao cô ác với tôi thế? Nhưng đã hết đâu, cô còn ác hơn một bậc khi nói tiếp, “Đi chơi với anh nói được nhiều chuyện, từ chuyện đứng đắn cho đến chuyện tào lao. Anh hợp với em nhiều thứ. Những cuối tuần bận học thi không đi chơi với anh, em thấy nhớ. . .” Nỗi đau khổ nhất của kẻ đang yêu là trò mèo vờn chuột này. Nhưng tôi không oán trách con mèo, nó đang vờn mà không biết mình vờn trong khi con chuột thì cứ lăn xả vào để được vờn.

“Anh và em chỉ không hợp nhau ở chỗ anh thuộc trường phái cầm tay còn em trường phái cầm kì.” Tôi vừa nói vừa cười.

Cô lại đanh mặt. Nhưng chỉ một giây thôi vì có lẽ cô đã quá quen với trò cù nhây đó của tôi.

6.

“Anh cần lấy vợ. Ba mươi mấy tuổi đầu rồi. Sống như vầy mãi đâu được.” Lần khác cô bảo tôi. Mẹ tôi dưới suối vàng nghe được chắc sẽ mỉm cười sung sướng thầm cám ơn cô.

“Chó nó lấy anh.” Tôi khật khừ trả lời.

“Em làm mai anh chịu không?”

“Ai thế?” Nói thế chứ tôi chẳng bỏ qua cơ hội.

“Dì em.”

“Dì em? Em có điên không đấy?” Tôi kêu lên.

“Thật mà, em không đùa đâu, dì em ngoài ba mươi, trạc tuổi anh, còn độc thân, mới ở Việt Nam sang, không đẹp lắm nhưng người hiền thục, đảm đang. Anh đòi hỏi gì hơn nữa!”

“Anh đòi em.”

“Anh đừng đùa nữa! Em đang nói chuyện đàng hoàng.” Cô quát tôi như những lần khác tôi giở trò cù nhây.

“Lấy dì em anh sẽ phải gọi em bằng . . . cháu à? Còn bố em? Anh phải gọi ông bằng anh cột chèo? Eo ơi. Chịu thôi.”

“Muốn được vợ anh phải về quỳ gối chịu tội trước mặt bố em về tội viết báo phỉ báng ông già. Có em đứng sau lưng nói thêm chắc ông không đến nỗi cố chấp làm lỡ làng duyên phận em vợ mình. Anh coi vậy chứ em biết anh là người lương hảo, xứng đáng làm . . . dượng em.” Cô vừa nói vừa cười.

“Dượng yêu cháu vẫn được chứ?”

“Anh đừng có loạn luân!”

Tưởng đùa mà hoá thật. Một hôm tôi thấy tôi lái xe chở hai dì cháu ra bờ biển uống cà phê.

Câu chuyện trở nên rắc rối to khi “bà dì” chịu tôi ngay từ giờ phút đầu gặp gỡ, có lẽ chỉ vì cô tán hươu tán vượn thêm vào và dăm ba bài thơ cóc nhái của tôi “dì” đọc được trên mấy tờ báo vứt la liệt như giấy lộn ngoài quán phở, chợ búa dưới Bolsa. “Dì” không đẹp như lời cô nói nhưng nhìn nét mặt, chẳng phải thầy tướng tôi cũng đoán biết “dì” thuộc loại con gái “yêu văn nghệ” và “dám sống chết cho tình yêu”.

Tai hại là chỗ đó.

7.

“Anh không được đùa nữa. Dì là người chân tình. Mẹ em thương dì nhất nhà. Em sẽ không tha thứ cho anh nếu anh làm dì khổ.”

Tôi không dám đùa nữa vì cô bắt đầu khó chịu ra mặt.

“Em thông minh như vậy mà không nhìn ra điều giản dị đó sao? Anh đang yêu em đời nào anh đi yêu người khác được cho dù người đó là . . . dì em.”

“Nếu vậy em sẽ đi xa.” Cô nói giọng đầy quả quyết.

Cô bỏ đi xa thật. Cô sang tận miền Đông nước Mỹ theo học tại một trường Luật danh tiếng bên đó. Cô xa tôi thật sự rồi vì đối với tôi miền Đông nước Mỹ là “nước ngoài.” Biết bao giờ tôi mới có điều kiện sang tận bên đó thăm cô? Vài tháng đầu cô viết thư cho tôi, nhưng tôi làm mặt giận không thèm trả lời. Hình như cô bận bịu chuyện học hành nên ít lâu sau cũng bặt tin luôn.

8.

Ở lại một mình tôi lao đầu vào những thú vui tầm thường, sống như hòn sỏi nằm lăn lóc bên bờ dòng sông chảy siết. Nhưng bạn đừng trách tôi thiếu chung thủy. Tôi sẽ nhờ khoa học biện hộ giùm. Vâng – khoa học – bạn không nghe lầm đâu.

Khoa học ngày nay còn dám giở trò mô phỏng Thượng đế thì ba chuyện tình yêu làm gì chẳng có kẻ ngồi phân tích, chẻ sợi tóc ra làm tư làm tám. Dưới mắt nhà khoa học, tình yêu chẳng qua chỉ là những phản ứng của các hoá chất tự nhiên trong cơ thể con người! Mấy ông ấy cho tôi biết hoá chất nhiều kích thích tố làm người ta yêu nhau thắm thiết có cái tên khoa học dài ngoằng là Phenylethylamine. Nhưng tiếc thay hoá chất này suy giảm từ từ theo năm tháng. Và khi dung lượng nó chỉ còn sót lại vài micrô-lít trong người thì tình yêu cũng “chắp cánh bay cao” như lời bài hát cải lương nào đó. Vì thế giả như một ngày đẹp trời, bạn bị người yêu oán trách là bạn bạc tình, bạn không còn yêu thương người đó như thuở ban đầu nữa thì bạn cứ việc lôi tên cái hoá chất đó ra mà đổ thừa. Bạn bán tín bán nghi ư? Tôi đưa ra bằng chứng đây. Hoá chất tôi nói có nhiều trong kẹo sô-cô-la và đó là lí do vì sao người ta tặng nhau thứ kẹo ấy vào ngày lễ Tình yêu –ngày thánh Valentine – hằng năm với niềm hi vọng người kia mãi mãi ấp ủ mối tình nồng cháy như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Nhưng trước khi bạn vội vội vàng vàng chân không kịp xỏ giày chạy bay ra tiệm kẹo có bao nhiêu sô-cô-la hốt hết đem về thì tôi cũng xin tiết lộ thêm chi tiết nữa là khoa học vẫn chưa hiểu tại sao hoá chất đó trong cơ thể con người có công dụng tốt còn trong kẹo sô-cô-la thì nằm đâu nằm đó, án binh bất động như ngọn núi nằm chờ trăng rơi. Điều này được chính tôi chứng thực với không biết bao nhiêu kẹo sô-cô-la tôi mua tặng cô gái!

Nhưng ông khoa học ơi! Lần này ông hố to. Cái hoá chất quỷ quái kia chẳng tan biến chút nào trong người tôi (và tôi rất ghét kẹo sô-cô-la) khi tám năm từ ngày cô bỏ đi, tôi nhận được lá thư cô gửi từ Santa Barbara, thành phố đẹp nhất miền Tây nước Mỹ, cách nơi tôi ở trên trăm dặm đường. Hình như cô vẫn nghĩ đến tôi và theo dõi việc tôi làm vì lá thư gửi về địa chỉ tờ báo tôi đang cộng tác. Thông thường thư về toà soạn ít khi đến tay người nhận, nhưng lần này trời thương tôi, thương cái thằng lọt cầu lóp ngóp dưới bùn đen.

Tôi vứt ngay mấy bài viết lăng nhăng đang viết dở, phóng xe lên gặp cô.

Bạn đừng bắt tôi phải kể ra những chi tiết dư thừa. Tôi nắm bàn tay xương xẩu của cô dung dăng dung dẻ khắp phố phường, bờ biển Santa Barbara. Thành phố thơ mộng quá. Lúc đó quanh tôi chỗ nào cũng tràn đầy nét thơ mộng.

Không những thơ mộng mà còn đầm ấm nữa vì đi cạnh chúng tôi còn có cô bé Kút-Kít ba tuổi, mắt to tròn, tóc nâu nâu, da trắng muốt, cằm má mũm mĩm, nhìn chỉ muốn nựng một cái, và tiếng Việt nói xoen xoét như bà cụ non.

“Em chỉ muốn có đứa con. Vậy thôi.” Cô bảo tôi lúc chúng tôi ngồi vào quán nước bên bờ biển. “Bố nó làm việc trong ngành ngoại giao. Cha Do Thái mẹ Ý, nên anh ta có cái thông minh của bố và cái nghệ sĩ của mẹ.”

“Và em yêu . . . anh ta vô cùng?” Tôi dò xét hỏi cô như con bệnh dò xét hỏi vị bác sĩ chẩn bệnh về bệnh trạng thập tử nhất sinh của mình.

“Không, em chỉ mến chứ không yêu Jonathan. Anh hiểu sự khác biệt giữa mến và yêu chứ?” Cô nói giọng chắc nịch. “Em và Jonathan chưa bao giờ sống chung một ngày. Chỉ làm bạn.”

Tôi hiểu chứ. Và tôi cũng hiểu ra sự nhầm lẫn tai hại nơi tôi. Cơn giận bỗng bốc lên trong tôi như có người vô cớ tát tôi một cái như trời giáng. Tôi giận cô vì có cảm tưởng mình bị lừa gạt. Tôi tự cho tôi là người chân tình còn cô là kẻ bạc tình (mặc dù cô chưa bao giờ nói lời yêu tôi và tám năm trời không có cô làm bạn, tôi ăn nằm, chung chạ với hơn chục người đàn bà khác nhau, trong đó có hai ba mụ nạ dòng hơn tôi đến chục tuổi).

Cô nhìn tôi hai mắt như van lơn và cơn giận trong lòng tôi tan biến. Tôi chẳng có lí do nào giận cô được. Vâng, cô không thể yêu đàn ông. Điều đó cô có lỗi không? Còn đổ lỗi cho tạo hoá thì ích lợi gì? Cô nhìn tôi như bố hay anh trai cô. Điều đó lẽ ra tôi phải cám ơn cô mới đúng chứ. Địa vị giữa cô và tôi cách xa nhau như vậy nhưng cô lấy chân tình đối đãi tôi, còn tôi là cái thá gì mà cứ nằng nặc đòi làm chủ đời cô? Giờ đây cô là luật sư xuất sắc về luật thương mại quốc tế, có mặt khắp nơi, đứng thuyết trình trước cử toạ hàng trăm nhân vật uy quyền trong cái thế giới tư bản này. Còn tôi? Một tên văn sĩ Việt Nam hạng bét, sống như loài kí sinh giữa đám lưu dân nhếch nhác trong cái ghét-tô Bolsa bé tí tội nghiệp kia. Lẽ ra tôi phải nhận biết mình may mắn vô cùng có được người bạn như cô, có người chia sẻ vui buồn giữa cuộc đời vô vị này chứ. Và hơn nữa cô là người con gái đặc biệt thông minh, bén nhậy; cô hấp thụ cái cao đẹp tao nhã của văn hoá phương Tây (cô dạy tôi biết thưởng thức nhạc Mozart) nhưng cô vẫn không quên nguồn gốc mình và hãnh diện là người Việt (cô dạy con nói tiếng Việt giỏi không kém những đứa trẻ sinh trưởng tại Việt Nam). Một người như cô, khó tìm thấy trên cõi đời này lắm, gần như chẳng bao giờ có người thứ hai, vậy mà tôi ngu muội điên rồ đến nỗi suýt để vuột mất. Chưa bao giờ tôi nhìn sự việc sáng suốt như lúc này.

“Em còn chơi vĩ cầm không?” Giọng tôi hơi trầm xuống.

“Không. Nhưng gần đây em tập lại để dạy con học.” Thấy tôi hết giận mặt cô trở lại nét linh hoạt, sinh động như cũ. “Nó học nhanh lắm, mới ba tháng mà đã kéo được nốt nhạc tròn trịa, chả bù cho em thuở bé học cả hai năm trời kéo vẫn chưa ra hồn.”

“Biết đâu khi lớn lên nó sẽ là Midori hay Sarah Chang của Việt Nam.”

“Ừ, biết đâu đấy, anh nhỉ.”

Thế là tôi và cô cứ thế tán hươu tán vượn về tương lai con bé. Ôi chao, đêm trình diễn ra mắt giới thưởng ngoạn tại thính đường Carnegie New York nhộn nhịp không bút nào tả xiết. Sáng hôm sau tờ New York Thời Báo đăng bài ca ngợi gọi đây là hiện tượng chỉ xảy ra đôi ba lần trong thế kỉ. Các hãng sản xuất đĩa nhạc tranh nhau đòi độc quyền, vân vân. Chúng tôi vẫn nói chuyện như thế về bất cứ đề tài nào chúng tôi ưa thích, và vì thế chẳng bao giờ hết chuyện. Không có chuyện để nói với nhau là vấn đề rất lớn cho những cặp vợ chồng không hạnh phúc, một trong những lí do chính đưa đến tan vỡ hôn nhân. Tôi bảo cô bây giờ tôi mới thấy cái thú của những kẻ thuộc trường phái cầm kì, và không phải ai cũng có cái may mắn đó.

Hạng người cạn cợt tầm thường chỉ có thể gia nhập trường phái cầm tay. Cầm tay (cầm tiền hay bất kì thứ gì khác đại loại) đều mau chóng đưa đến thảm kịch.

Chúng tôi lại cười ngất khi nhắc lại chuyện cũ.

Lúc đó con bé Kút-Kít đã xơi hết li kem lớn. Chẳng thấy nó dao động tí gì về sự nghiệp âm nhạc tương lai lẫy lừng của nó vừa được mẹ và bạn mẹ nó huyên thiên tán dương. Bà vú người Anh (cô nuôi bà trong nhà để chăm sóc con bé) sau khi đi xem cảnh một mình trở lại bế nó về khách sạn sửa soạn giấc ngủ. Ngày mai cô đáp chuyến bay sớm lên San Francisco rồi từ đó dẫn con và bà vú về Việt Nam chơi cả tháng trước khi về lại nhà ở New York.

Trời ngoài kia đã tối. Tôi đứng lên bảo cô tôi phải về vì đường xa. Cô ôm tôi thật chặt, thật lâu trước khi tôi lên xe, nổ máy rồi phóng nhanh ra xa lộ. Đêm nay tôi phải viết xong ba bài báo, mỗi bài được trả hai chục bạc. Tên chủ báo mặt mày sẽ như cái bị lúc ném những tờ giấy bạc cho tôi. Nhưng tôi biết từ đây tôi sẽ không còn thấy tủi hận thiếu điều muốn tự tử như bao lần trước, vì tôi biết tôi là người may mắn đứng trong hàng ngũ những kẻ thuộc trường phái cầm kì. Còn tên chủ báo, mặt đen như lọ chảo kia và tất cả thế gian này là những kẻ bất hạnh, vĩnh viễn ở trong trường phái cầm tay và cầm tiền. Họ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc.

Trịnh Y Thư