“Chúng nó đến rồi! Chúng nó đến nơi rồi!” Bà hàng xóm – nhà ở
tận cuối ngõ – vừa chạy từ đầu ngõ vào, vừa hớt hải gào không ra hơi.
“Đến đâu rồi?” Bà cụ nhà bên ngóng cổ ra khỏi cửa, hỏi.
Một tràng súng liên thanh lốp đốp nổ. Tiếng đạn chiu chíu
bay, nghe như tiếng ai dùng móng tay tuốt sợi dây cước.
Bà hàng xóm đứng sựng lại, trợn tròn con mắt, hai tay ôm chặt lấy ngực, miệng
há hốc ra thở, “Gần lắm rồi! Gần lắm rồi!”
Con bé em vừa chạy ra tới cửa, thụt ngay lại nhưng cũng cố
ngóc cổ ra, “Gần lắm là ở đâu vậy bác?”
Người đàn bà lắc đầu quầy quậy, “Hết rồi! Hết cả rồi!”
Mẹ ở tận dưới bếp, gọi với ra, “Có vào phụ mẹ một tay hay không, con bé kia?”
Bố đi ra đi vào. Cái radio cầm chắc trong tay như sợ nó sẽ biến đi bất cứ lúc
nào. Dưới bếp tiếng nồi niêu bát đũa chạm vào nhau lanh canh. Mấy đứa em luống
cuống không biết làm gì. Tôi cũng đi ra đi vào. Rồi tôi đứng. Tôi cũng không biết
làm gì. Tôi nhìn mẹ, nhìn qua bố, rồi nhìn lũ em. Qua cánh cửa mở toang. Tôi thấy
những con ruồi bay vòng vòng. Vẫn những con ruồi của mọi ngày. Nắng vẫn lên cao
trên khóm tre trước nhà. Con mèo vàng lại vừa bắt được một con gián từ rãnh nước
trước nhà, nó tha con gián vào bậc thềm, thả cho đi, rồi vồ bắt lại. Bà hàng
xóm vẫn đứng trước sân, cúi gập thân người xuống để thở. Miệng lẩm bẩm. “Hết thật
rồi!”
Bà cụ nhà kế bên vẫn lom khom chờ câu trả lời của bà hàng
xóm cuối ngõ. Con bé em cũng nóng ruột, đầu vẫn thò qua khung cửa, “Chúng nó đến
đâu rồi bác?”
“Đến ngã tư chợ rồi! Chúng nó bắt…”
“Bắt ai hở bác?” Con bé em xớn xác.
Một tiếng nổ vang làm rung rinh những cành tre đang đu đưa trong nắng, phá vỡ
cái lao xao buổi sáng. Người đàn bà ngồi thụp xuống sân. Hai tay kéo cái nón,
che vội lấy đầu.
Con bé em chạy ra kéo người đàn bà, “Vào đây đi bác ơi.”
Người đàn bà đổ xuống trong cánh tay yếu ớt của con bé. Tôi chạy ra phụ với nó
kéo người đàn bà vào nhà. Tôi nhìn lướt thật nhanh thân thể bà ta. Chỉ thấy lớp
da nhăn nheo. Và mớ áo quần nhăn nhúm. Không chỗ nào loang đỏ. Không lạc đạn. Vậy
là mừng. Nhưng thân hình gầy guộc của người đàn bà bỗng dưng nặng như cối đá.
Chúng tôi ì ạch kéo bà vào nhà.
Cửa đóng sập lại. Bóng tối ập lấy căn nhà. Bố đứng ở góc nhà, loay hoay rà đài
trên cái máy thâu thanh. Bố bảo cái đài bố đang nghe tự nhiên bị cắt mất. Tôi với
con bé em đỡ người đàn bà ngồi xuống chiếc ghế đẩu.
“Chúng nó bắt ai hở bác?” Mẹ ngẩng đầu lên khỏi chỗ cơm đang
vắt thành nắm, hỏi.
Người đàn bà vẫn ôm chặt lấy ngực, “Thanh niên. Chúng nó bắt
thanh niên đi trước…”
“Để làm gì hở bác?” Con bé em tròn mắt.
“Để làm bia đỡ đạn chứ còn làm gì nữa!” Người đàn bà trừng mắt
nhìn con bé.
Tôi chờ cái câu kế tiếp. Nhưng bà hàng xóm không nói thêm cái câu cửa miệng bà
vẫn dùng để mắng thiên hạ. “Sao mà ngu thế!” Giờ phút này ngu hay không thì
cũng cùng chung số phận. Tôi nghĩ.
Mẹ bỏ vội nắm cơm xuống đĩa, “Bắt thanh niên à bác?”
“Bắt thanh niên đi trước, chúng nó đi sau để lính mình không
dám bắn…”
Ngực tôi thắt lại. Tôi nhìn bố. Bố nhìn tôi. Tôi đọc trong mắt nhìn của bố niềm
tuyệt vọng của con bệnh trong phút lâm chung không nói lên được một lời trăn trối.
Tôi nhìn mẹ, bắt gặp trong ánh mắt mẹ chao chao nỗi sợ hãi.
“Anh phải trốn đi thôi,” con bé em nói.
Mẹ lẩm bẩm, “Biết trốn đi đâu bây giờ?”
“Vào nhà thờ. Hồi Mậu Thân mình cũng vào nhà thờ đấy, có
Chúa, có Đức Mẹ…” Con bé em nhanh nhảu. Dù hồi chạy loạn Tết Mậu Thân, mẹ còn bế
đứa bé gầy như que củi là nó trên tay.
“Chúng nó mới pháo kích sập tháp chuông nhà thờ dưới ngã tư
đấy!” Bà hàng xóm cảnh báo, tay vẫn chèn cái lồng ngực lép kẹp.
Tiếng rột roạt tĩnh điện phát ra từ chiếc máy thâu thanh của bố. Và giọng xướng
ngôn viên xớn xác, ngột ngạt như người ngạt mũi. Rồi giọng ai đó đều đều như tiếng
đứa con hoang đàng vừa mới trở về, đang lẩm nhẩm những lời tạ tội với mẹ cha.
Bố ép sát tai vào
cái máy sắp hết bin.
Rồi bố bỏ cái máy thâu thanh quý giá của bố xuống bàn. “Bà ấy nói đúng. Hết rồi!
Đầu hàng rồi!”
Và bố thở dài.
Mẹ nhìn tôi. “Phải đi thôi con à.”
Hồi nãy, trên đường chạy về nhà, tôi thấy người ta đổ xô ra đường. Chạy tới chạy
lui, chạy xuôi, chạy ngược. Toàn người là người. Kẻ chạy hướng bắc, người chạy
phía nam. Đông tây nam bắc chả còn đâu là phương hướng. Người ta réo gọi nhau
trong tiếng súng lẻ tẻ vung vãi, trong tiếng đạn pháo kích bất kể nơi nào,
trong tiếng động cơ gào rú của những chiếc xe nhà binh mà trên ấy chất đầy những
người không mang áo lính; giữa khói đen mịt mù, trong mùi khét của nhà cửa bị
cháy thiêu, của thịt người bị đốt.
Tôi cắn môi, “Biết đi đâu bây giờ?”
Biết đi đâu bây giờ! Câu hỏi chạy vòng quanh trong đầu.
Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được câu trả lời.
Mẹ chèn nắm cơm trong cái hộp nhựa. Gói giấy nhỏ đựng muối
mè nhét một bên. Một cuốn sách giáo khoa, The Merck Manual; sách gối đầu giường
của sinh viên trường Y. Và mẹ làm dấu Thánh Giá lúc tôi đẩy chiếc xe gắn máy ra
khỏi cửa. Tôi vừa đạp máy, sắp sửa sang số thì mẹ gọi giật lại, “Còn quên cái
này!”
Con bé em chạy ra quàng cái ống nghe lên vai tôi. Nó vẫn thích hình ảnh anh
mình mặc áo blouse trắng, ống thính chẩn vắt ngang vai. “Cẩn thận nhé
anh!” Con bé dặn. Tôi thoáng thấy tia nhìn đục ngầu lo âu trong mắt nó. Tôi gật
đầu, gỡ cái ống nghe xuống, nhét vội vào cái túi vải. Và tôi lao mình vào cái hỗn
loạn chưa từng thấy.
Sài Gòn của tôi đang hấp hối. Việt Nam của tôi đang đổ xiêu
vào phút sinh thì.
Người và người. Trước mặt đầy người. Sau lưng cũng chật cứng những người. Tôi
luồn lách trên đường phố chật cứng những người và xe cộ. Những chiếc xe hung
hãn leo cả lên lề đường, cán nát những khóm hoa. Những chiếc xe cuồng nộ lủi
vào những chiếc xe gắn máy chạy chậm phía trước. Người ngã gục. Những vòi máu
phun tung tóe mặt đường tráng nhựa. Máu tuôn vào những ổ gà trên phố. Máu kéo
thành những vệt dài đến những khung cửa đóng chặt. Những chiếc xe phóng như bay
trên phố, với bọn rừng rú đeo băng vải màu đỏ ở cánh tay này, và súng AR-15 hay
AK-47 ở tay kia. Những tràng đạn bắn lên trời. Tiếng súng lẫn vào tiếng hò hét
của những con thú sổng chuồng.
Tôi vào bệnh viện. Bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu chết ở giờ phút cuối
cùng của chiến tranh. May ra tôi có thể cứu được một vài người. Những con người
vô tội. Tôi vội vã khóa cổ, khóa chân chống chiếc Honda Dame bố mẹ mua cho ngày
thi đậu vào trường Y trong bãi đậu khu sinh viên thực tập, và tất tả băng qua
sân bệnh viện. Một tràng đạn nổ dòn. Tôi cúi đầu tuông chạy. Tiếng đạn xé gió
trên cao. Lũ lâu la nhặt được súng, chuyền tay nhau bóp cò. Tôi len lỏi, luồn
lách giữa đám người xớn xác trong hành lang bệnh viện, chạy vào phòng cấp cứu.
Tôi trượt chân trên vũng máu loang cửa phòng cấp cứu, loạng choạng vung tay đập
vào thành cửa đau nhói.
Một dãy xác người nằm nghiêng ngả trên nền nhà loang lổ. Tôi trợn tròn mắt
nhìn. Những thân người nhúc nhích. Không phải là xác chết. Không có ai chết.
Hay đúng hơn là chưa có ai chết. Những hình người đứng, ngồi nhấp nhổm trên những
thân xác co quắp hay duỗi dài trên nền gạch hoa lấm lem. Tiếng rên rỉ, tiếng la
hét, tiếng réo gọi, tiếng khóc trộn lẫn nhau thành một khối kinh hoàng.
Một người đàn ông khoác áo choàng trắng đang loay hoay trên
một xác người. Những dây truyền nước biển đan vào nhau rối mắt. Người đàn ông
khoác áo choàng trắng ngước lên. Chúng tôi nhìn nhau. “Vào tìm thêm nước biển,
mau lên!” Người đàn ông nói như gào.
Tôi cuống cuồng luồn lách giữa những thân người.
Kéo vội cái ống nghe, quăng đại cái tủi vải vào góc phòng, tôi cuống cuồng
khoác chiếc áo blouse lên người.
Một cô gái khoác áo blouse trắng loang máu đỏ hình dạng
bàn tay với những ngón dài vạch trên lưng áo. Cô đang xớn xác mở tung những
ngăn tủ đựng thuốc và dụng cụ y khoa. Tôi chạy đến bên cạnh. “Còn nước biển
không?”
“Hết sạch rồi!” Cô gái quay lại nhìn tôi, cánh tay buông thõng hai bên thân người.
Tôi nhìn vào từng ngăn tủ trống trơn. Bao nhiêu là chai đựng nước biển, bao nhiêu
là bọc plastic chứa dịch truyền, tất cả đều đã hết sạch.
Tôi chạy ra chỗ người đàn ông, cố tránh để không dẵm lên những
thân người vặn vẹo, “Hết sạch rồi!”
Người đàn ông vẫn loay hoay làm hô hấp nhân tạo cho một bà cụ.
Tiếng khóc tiếng la xớn xác từ hành lang đổ vào cửa phòng cấp cứu. Hết thuốc, hết
nước biển, hết tất cả mọi thứ mà bệnh nhân càng lúc càng đông.
Tôi ngồi xuống bên cạnh người đàn ông áo trắng. Tôi đọc vội cái tên thêu bằng
chỉ đỏ trên túi áo anh. Bác Sĩ Phước. Bà cụ mà anh làm hô hấp nhân tạo vẫn
trợn trừng hai con mắt, và thân thể cứng đờ.
“Em đi tìm thật nhiều vỏ viết BIC nhé. Mình làm tracheotomy!”
Bác sĩ Phước nói.
Tôi đứng bật dậy. Cô gái khoác áo blouse trắng chạy tới bên chúng tôi,
“Hết sạch rồi!”
Hết rồi; hết sạch rồi! Điệp khúc ấy vang vọng suốt phần đời
còn lại của tôi.
Tôi nhìn ngôi sao thêu bằng chỉ đỏ trên ngực áo cô gái. Cô
sinh viên năm thứ nhất. Tôi nhìn qua anh bác sĩ đang vuốt mắt cho bà cụ. Giờ
này người ta chạy ra bến tàu, chạy vào Tòa Đại Sứ Mỹ. Anh với cô sao lại ở đây?
Và tôi nữa, cậu sinh viên y khoa với ba ngôi sao trên túi áo, sao lại chạy vào
đây?
Chúng tôi lục lọi tất cả hộc tủ, chúng tôi chạy lên các trại bệnh. Nhân viên y
tế đi đâu hết cả thế này! Chúng tôi mở banh những hộc tủ và lục soát hung hăng
như hai đứa cướp cạn. Gom tất cả những cây bút nguyên tử, chúng tôi tháo ruột
bút bỏ lại, chỉ lấy cái vỏ ngoài. Bao nhiêu là bệnh nhân bị thương tích ở mặt, ở
cổ, ở ngực… đường hô hấp bị tắc nghẽn. Để vậy nạn nhân sẽ chết ngạt. Chúng tôi
dùng dao mổ khoét một lỗ ở cuống họng, chúng tôi nhét cái vỏ bút BIC vào khí quản.
Bệnh nhân (hay nạn nhân) thở khì khọt qua cái vỏ bút BIC. Biết đâu rồi họ sẽ sống
sót, qua cái thời khắc ngặt nghèo.
Chúng tôi chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống. Chúng tôi quên thời gian,
chúng tôi không biết đói, chúng tôi không còn thấy mệt. Áo blouse của
chúng tôi đỏ lòe đỏ loẹt. Chúng tôi nói bằng giọng khao khao không còn hơi hướm.
Chúng tôi không còn thuốc men, không còn nước biển. Nạn nhân mất máu chúng tôi
khâu vết thương cho máu thôi chảy; hết chỉ để khâu, chúng tôi dán mép vết
thương bằng băng keo; hết băng keo, chúng tôi xé áo, xé quần họ làm băng; nhưng
không có nước biển chúng tôi đành truyền cho nạn nhân và thân nhân họ niềm hy vọng.
Một trái đạn pháo kích nổ đâu đó thật gần. Đất cát và mảnh đạn
ném rào rào vào kính cửa sổ phòng cấp cứu. Tai tôi điếc đặc không biết bao lâu.
Tiếng khóc bên ngoài nghe mịt mù xa xăm như vọng lại từ cõi khác. Lại những
thân người được kéo lê trên nền nhà nhơm nhớp máu.
Tôi nhìn khu vườn kinh dị của những vỏ cây bút BIC mọc tua tủa lên từ những cổ
họng con người. Khi cơn điếc đặc đã loãng đi, tôi thấy tôi chìm vào vùng âm
thanh khọt khẹt tiếng thở đọng đầy đàm nhớt và máu từ những lồng ngực rạn nứt,
qua những khúc cây nhựa màu trắng mọc lên từ những cổ họng khẳng khiu chen chúc
giữa những bàn tay co quắp, cạnh những thân người tay xuôi tuyệt vọng.
Tiếng khóc rộn rã. Tiếng khóc của một cô gái nhỏ ùa vào phòng cấp cứu. Một người
đàn ông và một người đàn bà kéo lê một thân người đã rũ xuống như hình nộm nhồi
bông mà bông gòn bên trong ai đó đã moi ra hết. Cô gái – đầu tóc rối bù – lếch
thếch bám theo cái hình nhân ấy.
Tôi nhìn quanh. Anh bác sĩ đang lúi húi cạnh một thân người.
Cô sinh viên năm thứ nhất đang kiểm soát rừng cây bút BIC mọc trên cổ những thân
người. Tôi nhìn cái hình người mà thân nhân vừa đẩy hai thân người nằm trên nền
nhà sang hai bên lấy chỗ đặt xuống nền gạch bông loang máu. Tôi vạch mắt ông cụ.
Con mắt trắng đục. Đồng tử dãn hết rồi. Tôi đặt ống nghe lên những chiếc xương
sườn. Không có tiếng động nào ngoài tiếng đạn réo từng chặp bên ngoài, tiếng
khò khè từ rừng cây bút BIC và tiếng khóc sụt sùi của cô gái. Tôi tìm động mạch
cổ, tôi tìm mạch cổ tay. Tất cả lạnh băng và tĩnh mịch. Cái im lặng đáng sợ của
Tử Thần.
Tôi ngước lên nhìn người nhà của ông cụ. Tôi không biết nói gì với họ. Rồi tôi
lại nhìn xuống cái thân người khô khốc. Rồi tôi lại đặt tay lên cái lồng ngực
trần trụi. Băng giá xoáy vào bàn tay tôi, len vào từng lỗ chân lông, buốt lạnh.
Muộn rồi. Hết rồi!
Và tôi chống tay đứng dậy, hai mắt hoa đi trong giây lát. Cô
gái lại khóc òa. Tôi nhìn cái bóng nhòe nhoẹt của cô. Khuôn mặt mếu xệch thảm
thương. Chợt hai bàn tay mỏng mảnh vồ lấy hai mép cổ áo blouse tôi, giằng
giật như người đi đòi nợ. “Bác sĩ cứu giùm Ông Ngoại em! Bác sĩ phải cứu Ông
Ngoại em!”
Rồi hai bàn tay mỏng mảnh ấy buông cổ áo tôi ra, cái dáng nhỏ ấy ngồi thụp xuống
bên xác ông cụ, “Ngoại ơi, hòa bình rồi mà Ngoại chết chi dzậy! Hòa bình rồi
mà!” Và tiếng khóc nức nở ấy loang ra, bồng bềnh như con sóng, tràn ngập không
gian phòng cấp cứu.
Tôi đứng đó. Tôi biến thành tượng đá. Tôi muốn hỏi cái hình người đang nằm trên
nền nhà phòng cấp cứu, kế bên chỗ tôi đang đứng, và bao nhiêu người đang ngổn
ngang trên nền gạch bông loang máu rằng hòa bình rồi, sao lại bỏ đi như thế!
Bất chợt cô gái đứng dậy, và lại vồ lấy hai mép cổ áo blouse
tôi, giằng giật và nhìn thẳng vào mắt tôi, con mắt đen tròn tung tóe những tia
lửa hận, “Bác sĩ tàn nhẫn lắm! Bác sĩ hổng cứu Ngoại tui! Ngoại tui chết là tui
bắt thường bác sĩ cho coi!”
Tôi không cưỡng lại đôi cánh tay con gái. Tôi nín thở. Tôi lắc lư như gã bù
nhìn quăng quật trong gió chướng. Người đàn ông có hai con mắt sâu hoắm tần ngần
nhìn những thân người xếp lớp dưới chân. Những nếp nhăn chợt mọc đầy vầng trán.
Người đàn bà để mặc nước mắt lăn dài trên má. Khi cơn gió thôi quăng quật, gã
bù nhìn tôi lặng lẽ đứng nhìn. Cô gái buông tôi ra, quay qua người đàn bà, “Đưa
Ngoại về cho rồi! Ở đây làm chi nữa!”
Ba người lại nhùng nhằng với cái thân thể gầy guộc của ông cụ. Họ len lỏi giữa
những thân người la liệt trên nền gạch bông trơn trượt. Hai bàn chân đen đúa của
ông ngoại cô gái kéo lê trên nền gạch, để lại một vạch màu nâu nhợt.
“Hòa bình rồi Ngoại ơi, hòa bình rồi, mắc mớ chi Ngoại chết
Ngoại ơi!” Giọng con gái loãng ra và chìm dần vào vũng âm thanh hỗn độn cuối
ngày.
Vài ống bút BIC bị nghẹt vì máu đọng, cô sinh viên tất tả đem vào nhà vệ sinh để
thông cho hết nghẹt. Tôi nhìn những thân người sắp lớp cạnh nhau rồi quay qua
anh bác sĩ, thì thầm, “Những người chết, mình phải làm sao đây?”
Anh bác sĩ khẽ lắc đầu. Và tôi biết mình hỏi cho có hỏi, thế thôi. Đừng để người
đang chiến đấu với Tử Thần phải nằm cạnh những người đã chết. Tinh thần của họ
bị ảnh hưởng và họ sẽ suy sụp nhanh chóng. Ai mà chẳng biết điều đó. Nhưng biết
làm sao bây giờ. Ngày Sài Gòn hấp hối. Chúng tôi đếm không hết những người đã
chết ngoài hành lang, trong phòng cấp cứu bệnh viện. Và phố xá ngoài kia. Và ở
khắp nơi trên miền Nam nước Việt. Ngoài những tiếng cầu kinh rời rạc của thân
nhân, không Linh Mục nào có mặt để xức dầu thánh cho họ, không Thượng Tọa, Đại
Đức nào hiện diện để đọc cho họ một câu niệm Phật cuối đời, không bác sĩ nào có
mặt để ký cho họ mảnh giấy khai tử. Chúng tôi ở đó. Một bác sĩ, một sinh viên y
khoa năm thứ ba, một sinh viên y khoa năm thứ nhất. Chúng tôi sắp kiệt sức, sắp
ngã gục vì kiệt sức, cũng có thể chúng tôi sẽ chết banh xác vì một trái hỏa tiễn
122 ly người ta bắn vào thành phố để dằn mặt những ai kháng cự.
Chập tối, tôi ra trước sân, tò mò nhìn những chiếc T-54 rầm rộ cày nát đường phố.
Toàn thân nhức mỏi, tôi đi vào bãi đậu xe, bởi tôi không biết phải đi đâu. Hai
gã thanh niên đang lẩn quẩn bên chiếc Honda
Dame. Chúng làm gì với xe tôi thế này. Một đứa đỡ nghiêng chiếc xe qua một bên,
đứa kia chĩa mũi súng M-16 vào ổ khóa. Rồi chúng dắt xe của tôi đi. Tôi thản
nhiên đứng nhìn. Và tôi lủi thủi lẫn vào đám đông đang lũ lượt đi lên, đi xuống,
đi qua, đi lại.
Phòng cấp cứu tanh nồng. Tiếng rên đan lẫn vào nhau, như tiếng côn trùng, tiếng
giun dế sau cơn mưa. Cái ống nghe ban nãy để trên bàn làm việc, bây giờ mất đâu
rồi. Một người đàn ông lảo đảo bước vào, dẵm lên cả những thân người xếp lớp
trên nền nhà. Anh ta mặc độc một chiếc quần lính trận, bàn chân trần trụi lấm
lem bùn đất. Cái thân người ấy áp chặt bàn tay lên một bên má đã lõm sâu, máu ứa
qua những kẽ ngón tay. Máu đỏ loè trên ngực. Tôi đỡ vội lấy thân người ấy.
Tôi không biết tên người thanh niên ấy. Tôi không kịp hỏi anh ta câu nào hết. Vậy
mà anh ta cũng cố lết được vào tới phòng cấp cứu. Chắc anh ta nghĩ bệnh viện là
chỗ an toàn. Như hồi sáng mẹ tôi nghĩ vậy.
Tôi về nhà để bố mẹ và bầy em yên lòng. Xe tăng đã vào thành phố nghĩa là bọn họ
không cần ai làm bia đỡ đạn nữa. Hơn nữa ở lại bệnh viện tôi cũng chẳng còn sức
để làm bất cứ thứ gì. Tôi đón xe lam về nhà. Không dám nói cho bố mẹ biết là đã
mất xe và mất cả ống nghe. Nhưng chuyện mất xe thì không giấu được. Tôi nhớ mãi
những tiếng thở dài của bố mẹ. Bố mẹ chắc cũng nghĩ như tôi rằng những mất mát
của mình có thấm vào đâu so với cái mất mát của của bao nhiêu con người trên nửa
quê hương này.
Và tôi cũng không dám kể lại rằng có người nhà bệnh nhân níu áo tôi, bắt đền.
Buổi sáng hôm sau tôi cọc cạch xe đạp trở lại bệnh viện. Tôi
vào chỗ giữ xe cho sinh viên thực tập. Một cô gái chặn tôi lại. Giọng nói hằn học,
“Đi đâu vậy?”
Tôi nhanh nhảu, “Tôi đi thực tập. Tôi là sinh viên Y Khoa.”
“Đem xe đi chỗ khác.”
“Chị là ai vậy? Cái anh mọi khi vẫn giữ xe ở đây đâu rồi?”
“Tôi là sinh viên chi đoàn Văn Khoa.” Cô ta nói và giơ tay
lên cho tôi thấy băng vải đỏ viền quanh cánh tay. Chi đoàn Văn Khoa. Tôi
lạc hậu quá rồi. Cái tên chưa bao giờ bắt gặp.
Tôi nhì nhằng, “Lúc trước tôi vẫn gửi xe ở đây.”
“Bây giờ khác rồi!”
Tôi lầm lũi bỏ về. Tôi nhớ mãi câu nói ấy. Tôi nhớ mãi cái giọng gầm gừ của một
sinh vật vừa mới gỡ bỏ cái vỏ duyên dáng của nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn. Bây
giờ khác rồi!
Mấy mươi năm qua, tôi vẫn không quên chốn ấy. Cái bệnh viện mà tên mới Trung
Tâm Thực Tập Y Khoa luôn phải kèm theo tên cũ Nguyễn Văn Học khi chỉ
đường cho ai đó. Tôi cũng nhớ hoài anh bác sĩ với cái tên vỏn vẹn một chữ Phước
và cô sinh viên Y Khoa năm thứ nhất – mà hôm ấy – tôi không có thời gian và không
còn tâm trí để đọc tên.
Ơi, những con người có tấm lòng nhân ái ấy! Mong họ được
bình yên.
Và tôi vẫn tự hỏi sẽ nói gì với cô gái níu cổ áo tôi năm xưa, nếu như tình cờ gặp
lại? Còn cái cô sinh viên Văn Khoa đeo băng đỏ ở chỗ gửi xe bệnh viện ngày cuối
tháng Tư năm ấy, giờ này cô ấy ở đâu? Và dây băng đỏ đeo trên cánh tay có còn cất
kỹ trong một ngăn ký ức?
Thứ Bảy 20 tháng Tư, 2019.
Hoàng Chính