Tưởng rằng: Đích thị giai nhân. Có ngờ đâu nàng chỉ là: Thi sĩ.
Khi bạn thốt ra câu đó, bạn cho tôi hay một chuyện: Người đẹp khác với người
làm thơ? Bán tín bán nghi, tuy nhiên tôi vụng nghĩ tới luật bù trừ, về thứ bất toàn
mà thượng đế trao gửi khi nhào nặn ra chúng sinh. Nhan sắc tuyệt vời lại thêm
làm thơ hay tuyệt trù, xưa nay tuyệt không hiện hữu. Tuyệt mệnh! Vấn nạn ấy có
tuyệt đối chăng?
Tôi không có cảm tình với chữ Nàng, Chàng. Nàng vọng cổ mà chàng cải lương,
nôm na là váng vất chút sến. Nhưng trường hợp này tôi nghe thuận tai, bởi
“nàng” không mấy đẹp và thơ “nàng” làm cũng thường bày cảnh trái ngang duyên
phận, có ông phổ thành nhạc điệu boléro mùi như sầu riêng rụng xuống sau vườn.
Vườn cắm dùi trong đêm buồn tỉnh lẻ.
Bạn quen cô ta trên facebook. Ảnh đại diện chỉ là một nụ hồng. Bạn chăm vào
vườn hoa người, khổ công tưới nước và người xiêu lòng cho một cái hẹn: “Tui sẽ
qua thăm ông, một ngày đẹp trời nào đó”. Thi phú không dụng tới, ý muốn gặp
nhau mà bóng gió, chơi trò trốn tìm trong bốn câu lục bát thì nghĩ cũng không
phải. Mấy chữ ngắn gọn, súc tích trong tin nhắn so ra có giá trị hơn thơ thẩn.
Đi thẳng bao giờ cũng đến đích nhanh hơn lượn vòng vo, cà rịch cà tàng cà kê dê
ngỗng. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng từng nói thẳng:
“Dù ai lòng có sở cầu,
Tâm mình xin quyết với nhau một lời”.
Một lời mà bạn sắp nói với cô ấy chắc khác lời bạn vừa nói với tôi. Bạn phải
tập dối gạt để tiếc chi một tiếng ngợi ca “nàng xinh nàng đứng một mình cũng
xinh”. Và thơ nàng như trúc mọc đầu đình, lao xao tiếng gió lậm tình cợt gieo.
Cuộc tao phùng hội ngộ như hẹn ước đầy hồi hộp và háo hức đã diễn ra giữa
song phương. Tôi chưa tận mắt thấy con kỳ đà, vì sao giống vật tai quái ấy lại
ưa cản mũi người ta? Bạn tôi đã thấy và bạn ví tôi là con kỳ đà. Ô kê, tôi ở
nhà chẳng can dự tới. Ngoài kỳ đà tôi cũng chúa ghét con kỳ nhông, con này có
tài biến hoá sắc da khi xanh khi đỏ, tráo trở cho thuận thị hiếu với hoàn cảnh
éo le vừa bày. Kỳ đà không sợ xe tông, kỳ nhông lại thích lông bông đổi trò.
Hai con kỳ này xét thấy con nào cũng kỳ cục, kỳ quái. Kỳ chẳng cần biết tới cột
mốc của định kỳ. Hay đích thực kỳ này thuộc dạng kỳ vô phong?
Tôi vắng bạn một tuần. Bạn như một quân nhân chỉ hưởng được bảy ngày phép,
168 giờ loay hoay lu bu cùng bóng hường nhan. Bạn say máu: Mấy thuở một lần?
Một năm chỉ có một cái rằm, đi bên người thì ba vạn cũng bỏ! Bạn giống tôi ở
chuyện dại gái, ba vạn cũng bỏ là cách nói cường điệu, ưa giựt le; nhưng mấy
trăm đô bỏ ra dùng chi trả vào việc trà đình tửu điếm vẫn xem là chuyện nhỏ,
con mèo rụng sợi lông, nhằm nhò chi tá. Đờn ông mờ, lọ phải ngôn. Nghĩa vụ ấy
phải nên đôn hàng đầu. Mình chơi đẹp nàng khỏi rầu. Địa phương quân đợi vui hầu
mỹ nhơn. Chớ toan tính chuyện thua hơn. Đừng chơi kiểu Mỹ mà đờn đứt dây.
Qua giờ thứ 169, chẳng biết tại vì răng bạn dùng điện thoại gọi tôi, thôi
coi tôi là con kỳ đà nữa. Rứa là bất ngờ, tôi được danh chính ngôn thuận đi gặp
nàng thơ. Bạn tôi người Sè gòn ngọn xanh ngọn đỏ, bạn nói mày lợi Quán Thần
Kinh bữa nay nhen, có ai dè người đẹp là dân mắm ruốc, những ưa ôn nhắc kỷ niệm
với người cùng quê, bấy chầy mày cũng buồn miệng quá rồi, tao tạo cơ hội cho
hai “ôn mụ” mặt đối mặt mà răng ri rứa cho thoả dạ một phen. Hiền hữu mà, bạn
chấm câu, có phúc cùng mang có hoạ cùng gánh.
Tôi ở phía ngoại ô đèn mờ, muốn đến quán đặc sản bún bò giò heo thì phải đi
băng qua cây cầu bê tông cốt sắt mỗi ngày trung bình có hơn triệu người qua về
thông thương giữa hai bờ. Dĩ nhiên là chỉ có xe cộ giao thông chạy hối hả như
bị ma đuổi, không có nón bài thơ chụp trên dáng áo dài tím nhẫn nha cả chiều
hoang biền biệt. Ở khúc ruột ngàn dặm này, thường khi qua sông, đầu tôi xô nhẹ
chút vọng động về cây cầu cố quận. Nhớ Ưng Bình Thúc Giạ có hai câu:
“Trường Tiền bến cũ có đã lâu
Thợ ở bên Tây đến bắc cầu”.
Cầu do thực dân Pháp khởi công xây vào năm 1899, nên họ có gắn vào cầu tấm
bảng nhỏ: “Prenez votre droit, marchez au pas”. Được người hán(g) rộng dịch ra:
Xa mã quá kiều do hữu chi, yếu nghi hoãn hoãn vật tri nghì. Nôm na rằng thì là:
Xe ngựa qua cầu đi bên phải, hãy nên chầm chậm chớ đi mau.
Lại nhớ tới lời (làm đày làm láo) của chính phủ bảo hộ Pháp đưa ra khi nhận
đơn xin giảm thuế của bà con xứ Thần Kinh:
“Ngày xưa vua Việt cầm quyền
Cớ sao không bắc Trường Tiền mà qua
Trách Tây hay đánh thuế ta
Cầu Trường Tiền Tây bắc, Tây không qua một mình”.
Tôi bỏ Trường Tiền đã lâu, vào thời điểm mà với tôi nó đã trở thành một thứ
“cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”, từ tả ngạn qua tới hữu ngạn đều nhìn thấy
chúng sinh lóp ngóp quờ quạng “bơi” khi bị đè đầu cỡi cổ. Ừ, thì cũng đi bên
phải, cũng chầm chậm dật dờ thôi nhưng người cầm quyền thời nay chơi nhiều trò
chẳng giống ai. Mới bữa tê bữa nhiếp tình cờ ngó qua ảnh chụp có thắp sáng dãy
đèn màu, phong cách đồng bóng rất mực phản mỹ thuật, diêm dúa cực đỉnh, cải lương
không khoan nhượng. Trách ai đè cổ dân ra đánh thuế để phung phá tiền nong kia
vào ba hạng mục tầm ruồng vô bổ. Cầu ở đây vẫn xám xịt một khối bê tông, văn
hoá con người ở đây chẳng nhiễm chút phường tuồng, nó khác xa đất nước trầm
luân chốn nọ, nghèo đói mà cứ mãi thích khoe cái bộ vó xấu xa. Tôi qua cầu một
mình, tôi nghĩ quàng xiên có thể vì tôi sắp gặp mặt một o xứ mềnh lang bạt kỳ
hồ sau cơn hồng thuỷ. Nước sông Hương đã phai lạt bộn bề, chẳng rõ o có còn thu
giữ chút nét đẹp của Huế xưa?
Ui, Mạ ơi! Công Tằng Tôn Nữ Thi Ca ni răng có cái chi ẩn tàng trên dung mạo
mà khi nhìn khiến đồng tử đứng tròng chập chộ không nháy mắt. Nước chảy qua cầu
đã mấy chục năm, sỏi đá có mòn phân nao thì mặc sỏi đá nhưng trí nhớ dù có rêu
xanh thì rong rêu cũng bám trụ với hoài nghi. Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm
năm biết có duyên gì hay không? Vô duyên nên đường ai nấy đi, lên đồi xuống dốc
một hồi lại bày ra cảnh năng tương ngộ. Từ sông Bến Hải vô tuốt mũi Cà Mau, bốn
vùng chiến thuật ngó vậy mà to lớn quá mạng. Ở biển ngoài từ Mỹ quốc sang tới
Gia Nã Đại mênh mông trông thế lại bé tẻo teo. Ngộ thiệt. Lúc xưa bóng chim tăm
cá, nay nhạn la đà không ná bắn chim. Rằng ta ôn lại trốn tìm, thót tim bữa ấy
tưởng chìm xuồng luôn.
Mặt bạn ngớ ra. Ngộ hén, bốn mắt bồ tèo chừng ngọn tỏ ngọn lu phút đầu, xem
qua hồi sau chớp sáng như mèo thấy mỡ. Dzậy thì công trạng ta mang lợi cho lứa
đôi bự tổ chảng chớ còn dzì nữa. Cà chớn thiệt! Hổng biết có xôi hỏng bỏng
không? Bún bò vừa múc ra tô chưa kịp húp thì thằng chả đã cắn trái ớt hiểm
trong khi nàng thơ thì xuýt xoa: Trời ơi, ai có ngờ đâu. Biết ông ở đây thì đã
sum vầy niềm thương nỗi giận ngay từ phút ban sơ, đợi đến lúc nhớm đít rời xa
thì ông lù lù dẫn xác tới. Chơi kiểu chi ba lơn rứa bây! Quá hậu đậu! Nàng thơ
phát biểu cảm tưởng, người thường thường bậc trung kia chỉ rót sóng ba đào sang
tôi, chẳng thèm quan hoài tới nhân vật thứ ba. Có lê quên lựu có trăng quên
đèn, từ lâu ca dao đã có bàn qua hoàn cảnh. Trong nhãn tuyến nọ không dưng ngầm
xem bạn tôi đang hoá thân thành con kỳ đà. Bạn tôi chưa tu một giọt rượu bia
nhưng rõ là hắn y hệt kỳ vô phong, ngồi rụt cổ xuội lơ cẳng cò. Như hiền nhân
chẳng màng thế sự diễu ngang.
Tôi nói: Có hai thứ mình chẳng ngờ và chẳng mấy thích, thứ nhất bồ tèo là
nhà thơ, thứ hai là sử dụng bút hiệu lạ hoắc lạ huơ. Cứ thật thà một hai không
đổi luôn mang tên cha sinh mạ đặt thì mình đã tìm cách liên lạc với bồ tèo tự
thuở nào rồi. Nhưng nói nào ngay chúng ta nên cảm ơn bạn đây, người bày ra một
nhịp cầu… Bạn la lên: Bỏ đi Tám, mày dài dòng quá, thà mà nói thẳng tha phương
ngộ cố tri thì sướng chết mẹ luôn. O người Huế chen vào: Thôi thì như ri nè,
mình đã vô ngồi đây thì nên chí thú ăn uống no say một bụng, đây là dịp để cho
kẻ hèn này được móc hầu bao ra chi trả đãi đằng. Không xạo mô, vui dễ sợ! Quán
ni có chịu nhận đô Mỹ không hè?
Một o tóc thề nhưng chả diện áo dài tím cầm bình nước trà bước tới đặt xuống
bàn: Dạ nhận chứ chị, đô Mỹ đô Canada cũng một nghĩa như nhau, chuyện nhỏ. Mấy
anh chị ở chỗ mô bên nớ? Bạn tôi giả giọng Huệ: Ợ trong nhà. Cho tui tô hụ tíu.
O chạy bàn “ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói láo”: Em thiệt tình nì, tới chỗ ni
mà đòi hủ tiếu thì dở ráng chịu nghe anh. Có người xơi phở từng đổ mồ hôi bình
phẩm, sao phở em ninh hương liệu không giống như phở ngoài ta một ly ông cụ. Pha
tạp thì còn gì quốc hồn quốc tuý mí lị bản sắc văn hoá dân tộc, nhẽ? Bún bò tuy
xa quê hương nhưng còn vấn vương chút nhớ mẹ hiền. Không cay chết cha mệ nội mô
mà sợ. Bạn nhìn tôi, liếc sang nàng thơ: Ô kê, nhưng chớ có giò heo rồi vui tay
bỏ cục huyết trôi lềnh bềnh vô trỏng.
Đừng răng ri rứa, cứ thế mà múc cho ba tô. Bồ tèo nói thêm, ba chai bia nữa
nghe, nhãn gì cũng đặng nhưng đừng Huda. Tôi hỏi, bồ tèo vừa nói chữ gì nghe
như thơ Haiku thế? Ơ, Huda là bia của Huế liên doanh cùng tập đoàn Đan Mạch. Họ
ghép chữ thành ra rứa chứ Haiku cái nỗi gì. Bạn tôi lau đũa: Có mình có ta vẫn
hơn chứ riêng mình ên thằng ĐM đứng mũi chịu sào thì cũng khó uống trôi.
Chuyện trò lắc nhắc ba chừng bảy đỗi thì tôi hay ra nàng thơ có nhà người bà
con ở chốn ni, nếu không nàng mô có gan cóc tía để thân gái dặm trường vác xác
qua thăm người vừa quen trên phây bút. Âu cũng là chuyến đi đáng nhớ. Nàng kết
luận. Và nàng xẳng xái cầm hoá đơn đi thanh toán mấy món trà dư tửu hậu. Răng,
ăn được không anh? Nàng hỏi bạn tôi. A, cũng ngon miệng, chắc tại đông vui, chứ
lẻ loi e nuốt không xuống vì cay muốn sặc gạch. Nàng cười, xào nấu thơ người
cũ: Nếu ăn chẳng được bún bò, trời ơi em Huế có buồn không? Có thầm trách lời
nêm cay cú, rồi lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời!
Cả bạn và tôi đưa người về lại nhà bà con chú bác dượng dì chi đó. Người
chẳng biểu lộ chút bịn rịn, chỉ thông tin: Để đồng hồ báo thức, sớm mai năm giờ
sáng đã ra phi trường. Có gì tụi mình email qua về tâm sự nhiều điều chưa kịp
nói. Đợi chút xíu… Người bấm chuông cửa, người lách mình vào, chừng năm bảy
phút phù du lại hiện ra trước bậc thềm đèn vàng hiu hắt, tay cầm cuốn sách mỏng
le: Thơ mình đó, tặng làm kỷ niệm. Nếu có hứng thú, viết cho mình đôi dòng cảm
nhận đặng hiển thị lên báo mạng chơi.
Xong ngay. Xin hứa. Đưa tay ra bắt, lay lay. Xong cái quay lưng, tiếp theo
cửa đóng then cài, hậu sự là ngọn đèn trên đầu liền khi thui chột nhắm mắt
nhường trả bóng tối đêm đen.
Bạn hỏi: Mày thấy người bạn cũ ra sao?
Tôi trả lời: Thay đổi nhiều. Lạ như mùa xuân có trận tuyết thổi qua.
Vì tình bạn, nên chịu khó viết đôi lời tán dương thơ nàng mần, lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau.
Bắt buộc rồi. Thắp đèn chớp nháy bên thành cầu cho thêm phần lãng mạn. Cầu
Tây xây, Tây không qua một mình.
Mày nói gì?
Ham ăn nhậu mà quên mục chụp chung với nhau tấm ảnh.
Tao từng có ý đó, từng cà khịa nhưng nường giả lơ, thoái thác. Đẹp khoe, xấu
che, tui tự nhận là nhan sắc này không nên trưng bày ra công chúng, cộng đồng
mạng. Nàng phát ngôn ra thế.
Chia tay bạn, tôi lại qua cầu một mình. Lên giường nằm, tôi đặt thi tập của
người lên ngực thở, chưa vội xem, dành năm phút thử hồi ức về ngày cũ. Bậc
trung học nàng là học trò môn Anh văn mà chị tôi làm giáo viên chủ nhiệm. Nàng
học kém, nàng sa vào những cuộc tình chóng tan. Nàng phá thai và tôi đã “dại
gái” vào nhà thương săn sóc uỷ lạo tinh thần. Nàng rắp tâm trả thù đứa quất
ngựa truy phong và do lẽ đó, tôi vụt mất tin tức nàng.
Nhan sắc nàng không mấy đẹp, bù lại cơ thể nàng… dạo đó bọn con trai kêu
bằng “múp”, chẳng thơ mộng bằng ngồn ngộn một toà thiên nhiên. Nàng qua nhiều
cảnh đời sóng gió và giờ đây nàng là thi nhân. Tôi hy vọng sẽ nhìn thấy, sẽ gạn
đục khơi trong một nét đẹp ẩn dấu trong những hàng chữ mà nàng cất công vun
quén tác thành ra một thi tập. Mà dẫu tôi mù loà kiến văn, tôi cũng ráng sức
mình đuổi bướm vờn hoa trêu nguyệt ghẹo mây nhằm ca tụng nàng. Ôi, người đâu
gặp gỡ làm chi, để có khi cầu đang đi bỗng sụp đổ sáu vài mười hai nhịp. Giận
lắm thay!
Tôi chuẩn bị dọn lòng để thưởng thức một món còn cay hơn cả bún bò giò heo.
Cay toé khói.
Hồ Đình Nghiêm