1.
Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ? Câu thơ xót xa cho hình
ảnh quá khứ bị vùi chôn chợt hiện lên như phép lạ đánh bật dậy dĩ vãng lâu nay
lấp kín dưới sâu thẳm của địa tầng ký ức khi người ca sĩ có vẻ mặt rất trẻ thơ
vừa mới được hoan nghênh nồng nhiệt trên sân khấu một hai màn trước rụt rè hỏi
tên tôi, rồi mừng rỡ xác nhận nàng từng ngồi trong giảng đường nghe thầy thao
thao trên bục giảng.
Thầy giảng hay lắm. Cách nói xác định, trang phục lộng lẫy nổi bật
vẻ sang trọng đối diện bộ quần áo bình thường, bày bán trong những tiệm bình
dân nhan nhản khắp nước Mỹ trên mình tôi lúc đó, cộng với bộ mặt bơ thờ – chợt
nhớ lại khi mình chắc lưỡi chải vội mái tóc trước khi đến đây – khiến tôi mỉm
cười, vừa tội nghiệp vừa chua xót. Tội nghiệp cô học trò cũ, thật thà như đếm.
Chua xót mình, tang thương, lạc lõng, vẫn còn mang bộ mặt ngái ngủ, dật dờ
trong cuộc mộng du mười năm dưới lời trù ếm của những tên phù thủy thời đại.
Người ca sĩ vẫn đứng im trong vị thế cũ, ké né, khép nép, tay chân như thừa
thãi, trrái hẵn với vẻ mặt tươi mát, tự tin lúc trình diễn. Thấy một chút gì đó
hảnh diện về quá khứ. Ít ra điều mình nói đã có người nghe, thời gian làm tròn
vai trò người thầy đã tạo được hảo tượng – hay nhờ nền giáo dục, luân lý Việt
Nam? Tôi lại mỉm cười. Câu nói thiệt tình, nhưng chuyện xưa đã nhạt nhòa, mất
hút theo những thay đổi. Chỉ còn chuyện có thật là là nảy giờ tôi đã ngồi im,
Mắt dán chặt lên sân khấu, đắm chìm trong âm thanh ngọt ngào, tưới trẻ, phủ
tràn không khí tình tứ của những điệu ngâm, chẻ, láy duyên dáng, ngọt lịm.
Tiếng hát thuần túy quê hương, tiếng hát của tuổi trẻ yêu đời, của duyên hải
nên thơ rót thành chuỗi âm thanh sóng vỗ rì rào trong đêm thanh lặng gió, trên
bờ cát hun hút dài, hòa điệu tiếng thùy dương xào xạc gợi nhớ bãi dứa thân mật,
bãi dâu sang trọng, bãi cát mộng mơ trong những đêm thức suốt sáng thưởng thức
nhạc sóng bất ậtn, mơ làm một con tàu băng mình vào những cuộc hải hành… Lời ca
đam mê, hóa thân vào hoàn cảnh, đã đùa giỡn, xô đuổi, lả lướt, mê hoặc lòng tôi
sau thời gian dài chai đá, kéo hồn ra khỏi xác, lâng lâng với nỗi buồn nhè nhẹ,
xao xuyến về cuộc tình tan vỡ xa xưa…
Ngó khán giả chung quanh, nhìn người trước mặt, cảm nhận về mình, bất giác
mặc cảm xa cách len lỏi vào lòng. Cuộc đời đổi thay dìm mình và biết bao người
khác xuống tận cùng xã hội, lột bỏ kiến thức thủ đắc lâu nay liệng vào xó xỉnh
lãng quên, nâng bổng cô học trò trắng tay vào đời thập niên trước lên đỉnh cao
danh vọng. Tôi lạnh nhạt ừ hữ đóng lại cánh cữa thâm tình vừa mở.
Những câu hỏi dồn dập về chuyện cũ, về đời sống bây giờ, bằng một sự nồng nhiệt
khó ngờ – tuy dùn duỗi đứt khoảng bỡi hình ảnh mấy ngày hấp hối của chế độ và
sự lơ đãng cố tình của tôi – theo diễn biến câu chuyện cột lại tình thầy trò
cũng là tình thân của những người có một vài kỷ niệm chung về một trường hợp
nào đó cảu đời sống riêng đáng nhớ.
Dựa lan can lầu ba của giảng đường II, tôi xót xa nhìn đám sinh viên dưới
đất. Lố nhố, như trên nầy, đông nghẹt. Một không khí lạ lùng gì đó đang bao
phủ, thiếu sự ồn ào cố hữu của lúc đổi giờ, đổi lớp. Thiếu tiếng kéo ghế ầm ầm,
tiếng tập vỡ sột soạt mở ra vội vàng, tiếng ồn ào của những câu nói kết thúc
cuộc trò chuỵên dang dở – như điệu nhạc quân hành trật nhịp. Im lặng chết chóc,
đưa ma! Cái im lặng tang thương sau một tin buồn. Những ánh mắt lo âu trên
gương mặt nam, những cái nhìn thảng thốt trên gương mặt nữ. Lo âu, thảng thốt
nhưng ẩn tàng vẻ chấp nhận, chịu đựng. Làm sao khác hơn được? Cả nước đang bị
tê liệt vì trò chơi trao đổi quyền binh, vì những cuộc mặc cả bẩn thỉu trong
bóng tối do những người dự chơi nhiều tham vọng, không cần để ý đến vực thẳm để
lại cho người khác sau bước đi. Các thanh niên thiếu nữ này không dự phần cuộc
hơi nhưng lại chịu ảnh hưởng thật sâu đậm, thật phũ phàng. Bất lực đợi chờ
chuyện sẽ đến – tuy đã thoáng thấy tối tăm trong viễn tượng, nhưng họ vẫn đến trường,
vẫn cần mẫn, yên lặng chăm chỉ nuốt từng kiến thức, ghi từng ý nghĩ người thầy
– nhiều khi chợt đến trong trí, bùng vỡ theo lời giảng, chưa được kiểm chứng.
Đó đây chỉ còn những cặp mắt mở to, nai tơ tội nghiệp. Tiếng cười vô tư dòn
dã thường ngày bao quanh cái xe đậu đỏ bánh lọt ở đầu dãy lớp học tiền chế đã
không còn. Thỉnh thoảng vài nụ hoa e dè nở góp khi một nhận xét hóm hỉnh được
đưa ra để giải tỏa không khí. Cử chỉ giờ đây được suy tính đắn đo, bộc lộ thật
giới hạn. Trạng thái người mới lớn đang phải đối đầu với khó khăn trước mặt.
Tôi lắm khi ngừng nói, rít một hơi thuốc thật dài, trí lơ mơ theo làn khói tìm
vui trong âm thanh sột soạt nhè nhẹ, của gió thoảng lay động tàu lá chuối trong
đêm, của tiếng viết nguyên tử chạy nhanh trên giấy, đầu đầu, mơ hồ như tiếng
suối xa xa, hay đưa mắt khám phá những cặp mắt đợi chờ trong từng cái ngước
nhìn ngạc nhiên.
Bỗng nghe buồn lạ lùng! Biết đâu hôm nay ngày chót cùng nhau tụ hội ở đây,
đọc bài thơ xưa, nói chuyện thời trước. Có vẻ gì đó vô bổ, thực tại đau nhức
không thể khỏa lấp khi tiếng súng vẫn vọng về, sự lo âu tương lai không thể
quên khi từng loạt hỏa tiễn thỉnh thoảng rớt quanh đây, bước chân
người-anh-em-ruột-thịt-lạc-đường trở về sẽ là đổ vỡ tang tóc, sẽ là những đổi
thay tột cùng. Cơn động đất giận dữ của ác thần, cái trở mình trật nhịp của
lịch sử rồi sẽ không chừa ai. Tôi có thể rồi sẽ bị bắt, bị giết hay bị bắt buộc
nói những điều hôm nay còn cho là sai trái. Điều nào cũng vậy thôi, ít nhất một
thời khoảng của đời bị tước đoạt, con người thật bị bóc bỏ, cách này cách khác.
Được thôi! Nhưng những người trẻ ngồi kia tội tình gì? Nụ mầm còn quá tươi non
để chịu đựng cơn hồng thủy! Không lâu, rồi đây chỉ còn lại héo úa tàn tạ, những
hình nộm ngác ngơ, lang thang, lếch thếch trong một xã hội mà mặc cảm phạm lỗi
là yếu tính của mỗi cá nhân. Tấm màn đen kịt đầy những móc sắt đang giăng cao,
dọa nạt sẵn sàng bủa sụp xuống. Sự tan tác, tản lạc như thú nhỏ chạy chết trong
trận cháy rừng, hình ảnh đau xót thấy ngay không cần cầu viện đến khả năng tưởng
tượng.
Âm thanh tôi xúc động nhão nhẹt, lê thê chữ này nối chữ kia, rè rè qua cái
micro nghe càng não nề. Tay chân tôi nổi da gà, lông tay dưới lớp áo sơ mi bật
dậy khi nghe chính giọng mình kết luận bài giảng. Lịch sử chỉ là sự lập lại sự
kiện quá khứ. Đất nước Nam Hà xuống dốc vì Chúa Nguyễn và bầy tôi xa hoa, bất
lực. Miền Nam giờ đây cũng đang có quá nhiều sai trái, sợ rằng sẽ dẫn đến ngả
cụt đen tối.
Tôi đọc lại bài thơ vừa giảng, nghe xót xa trong từng câu từng chữ, bài học
người xưa viết ra gần ba trăm năm nay nhưng biết bao nhiêu người không thuộc.
Giảng đường im phăng phắc, tiếng gió quạt máy vù vù, tiếng thở ra nghe rõ
mồn một. Một thứ huyết dịch âu sầu đang chuyển vào hồn mọi người. Nửa dân tộc
thoát khỏi lưới chụp hơn hai chục năm nay như sắp bước vào thảm trạng. Tiếng
thì thầm đâu đó, giọng nữ thật ấm, thật buồn, như giọt nước mắt cố nén tới lúc
phải rớt xuống:
‘Giống hệt như bây giờ. Tin thua trận dồn dập, quân rã ngũ tan tác…’
Cả lớp ngó dồn về phái đó, nhiều tiếng xì xào. Tôi giả tảng như không, tiếp
tục tóm lược những điều đã trình bày sau khi liếc thấy cô học trò quen thuộc
với cặp mắt đỏ hoe.
Lớp được giải tán bằng lời an ủi xác quyết bi kịch không thể xảy ra sớm, bàn
cờ chính trị thế giới sẽ nghiêng cán cân nếu có cảnh bất lợi tuyệt đối cho miền
Nam.
Nghe như mình tự dối bằng ảo tưởng. Nhột nhạt về sự trơ trẽn mà chính mình
cũng lấy làm lạ.
Ngồi nguyên trong vị thế cũ sau khi người sinh viên cuối cùng bước ra khỏi
giảng đường, tôi nghĩ về đoàn người đứng dưới đường gần đó. Tòa Đại Sứ Mỹ. Thật
đông. Thật nhiều. Thật ồn ào. Hi vọng bỏ lại được nguy hiểm và đổ vỡ sau lưng,
phún xuất thạch của ngọn núi lửa phun máu đã chảy đến chậm nhưng chắc chắn, họ
tụ tập ở đó, ngày nào cũng vậy, cả nửa tháng nay, áo quần mốt mới, sang trọng,
giấy tờ sẵn sàng trên tay. Thỉnh thoảng vài người bên trong bước ra bộ điệu hớn
hở pha lẫn đôi chút hảnh diện. Càng ngày đám đông càng mở rộng, mỗi lần đến
trường, chạy ngang, tôi đều có một cảm giác kỳ quặc, nhào trộn giữa hai đối
nghịch: ước muốn có điều kiện như họ và cảm phục những sinh viên cách đó mấy
con đường ngồi trong lớp, im lặng, tâm trí thực hiện những cuộc hành trình vào
thế giới văn chương.
Hai thái cực, hai khái niệm sống, hay hai hoàn cảnh?
Chiều xuống với con mắt đỏ chạy trốn ngoài sau dãy lầu trường Dược. Lác đác
mấy tiếng máy xe về muộn nổ bình bịch, lạc lõng. Đâu đó vài câu nói của họ với
nhau vô tình nghe mấy phút trước đập lùng bùng bên tai đau nhói: con X, con Y…
đã theo chồng, theo gia đình đi Guam từ hôm qua. Thằng A, thằng B. .. đã nằm ở
đảo Phú Quốc mấy ngày nay…
Cuộc đào thoát nào cũng đáng được biện minh. Thiên tai đáng trách chớ không
phải kẻ tìm đường sống. Cảm thức đơn dộc đến tận cùng tri giác khi nhìn bàn ghế
trống không lệch lạc, hun hút tới tận cuối giảng đường thênh thang, vây quanh
bỡi mấy bức tường cao trắng nhạt…
2.
Phòng khách rộng. Bộ sofa nhung bông đỏ xanh nổi bật lên tương phản với màu
tường. Bức hình nữ chủ nhân phóng lớn treo phía trên lò sưởi, nụ cười hé nở
nhẹ, tưới tắn phô bày hàm răng trên duyên dáng với hai cái răng nhỏ xinh xinh.
Mấy người đàn ông đang ngồi phun khói thuốc trước tách cà phê. Trẻ con nằm ngồi
quây quần chung quanh một loại game Mỹ. Đằng sau cái quày ngăn cách giữa living
room và nhà bếp hai người bạn gái và đứa con gái lớn lăng xăng với nồi phở và
những món ăn phụ.
Không khí thật ấm cúng, gia đình.
Dung hỏi bạn, sau một cái liếc nhìn về phía phòng khách:
‘Hải, mi có đem cuộn băng theo không, để lên cho hai thầy thấy tài của đệ
tử. Hơn mười năm rồi, chuyên nghiệp chứ không phải học trò như ngày xưa.’
Nụ cười che giấu bối rối:
‘Mầy nói… Nhưng mà chỉ có bản gốc chưa mix, ca sao thì nó vậy. Sợ mấy thầy
chê thì quê…’
‘Ai không biết vậy? đừng khớp. Mấy thầy bây giờ hiền hơn hồi đó nhiều.’
‘Ờ! Sao hồi đó gặp hay nói chuyện với thầy, tao run quá. Bây giờ trạng thái
đó không còn nữa.’
‘Chắc lúc trước mi mặc cảm xin điểm chứ gì.’
Cô ca sĩ biết mình bị chọc, ngây thơ đính chính:
‘Tao chưa từng xin điểm, gạo bài thâu đêm tới xấu như ma lem như mầy biết
đó. Không biết tại sao gặp cả thầy không dạy mình tao cũng run. Lính quýnh,
láng quáng…’
Dung làm tội làm tình người bạn đến cùng:
‘Hay mi mặc cảm là mới bước vào năm thứ nhất Đại Học đã bày đặt bồ bịch, mèo
mỡ sợ thầy biết được thì quê.’
Hai người bạn gái đấm nhau thùm thụp như dạo nào còn rất trẻ ở quê nhà, vô
tư với những hoạt động sinh viên và các dự phóng thật thanh bình.
Tôi rời phòng khách, định gọi điện thoại thì gặp cảnh đó, hỏi để đem không
khí về vẻ tự nhiên:
‘Mấy chị nói chuyện gì vui vậy? Cho nghe ké được không?’
Ca sĩ đỏ mặt như lần đầu tiên đứng trước micro. Người bạn kể lại những đối
đáp nảy giờ.
Tôi cười:
‘Không phải bây giờ hiền hơn hồi đó. Ngày xưa chỉ nhờ uy. Ngày nay đâu còn
uy nữa. Mà lại tang thương. Mấy chị xem, chúng tôi ngơ ngác, xác xơ. Mỗi tuần
khám phá thấy dung nhan mình tàn tạ hơn.’
Một cô nào đó an ủi:
‘Thầy nói vậy, chứ hai thầy đâu đã già…’
Tôi cảm thấy câu nói sáo ngữ, lúng túng và bốn cặp mắt thông cảm lướt qua
mặt mặt mình. Mặt đỏ lên vì biết mình được thương hại. Tại sao tôi luôn
luôn bị đẩy vào cảnh này? Thời gian đã chất đầy chán chê cho cuộc sống lứa đôi
hay hoàn cảnh mới mở ra những cửa ngỏ có vẻ đáp ứng ước mơ ấp ủ nơi người đàn
bà nhiều tham vọng nọ? Tội lỗi chất chồng từ muôn kiếp trước hay cuộc chạy đua
với thời gian để viết lách, lãng quên nhiệm vụ làm chồng? Sự đổ vỡ đã có. Đã
quất vào tâm tư tôi quá nhiều đường roi lóc thịt. Sự thương hại càng khiến cho
tôi nhớ lại mình đang thiệt thòi. Tôi trốn chạy thực tế để quên sự thua thiệt
đeo đẳng bao nhiêu năm nay và phủ nhận bất cứ một sự nhắc lại nào. Tôi cố lấy
vẻ tự nhiên bằng cách tự động mở tủ lạnh tìm cho mình một thứ nước uống.
Cô ca sĩ vô tình hỏi tới:
‘Chỉ thấy thầy và mấy em, cô có qua được không thầy?’
‘Có!’
Một phút ngập ngừng và rụt rè:
‘Cô ở đâu mà lâu nay không nghe thầy nhắc tới.’
Ngăn chận không cho câu chuyện đi vào riêng tư, cấm kỵ, tôi trả lời nửa đùa:
‘Ở trên nước Mỹ nầy chứ ở đâu. Hai cô hỏi lạ.’
Tôi cười lớn rồi cố tình gợi ý cho họ đoán. Mấy bà, mấy cô hễ gặp là hỏi
chuyện đó. Câu hỏi này năm tám năm nay tôi nghe không biết bao nhiêu lần rồi.
Tôi bưng lon coke lại bấm số điện thoại. Hai người bạn gái trao đổi cái nhìn
ngụ ý đã hiểu.
Chuông reng. Một tráng tiếng Mỹ giọng bà-chã-bà-chẹt: Tiệm X, tôi có thể
giúp được gì ông? Không cần, ông có đến cà phê văn nghệ với tụi này thì đến.
Không được ông ơi, coi ca tôi, tôi còn phải bao luôn ca của bà xã. Bữa nay bà
ấy mệt, chỉ có hai vợ chồng thay phiên canh cái tiệm 24 giờ một ngày mệt đứ đừ.
Thằng cu nhỏ quá chưa nhờ gì được. Thì làm ít thôi, đừng ham làm giàu. Ở
apartment, đi xe cũ như tụi nầy. Tiếng cười gượng gạo. Chỉ cố gắng tới
đâu hay tới đó. Lo làm giàu mẹ gì… Hắn biện giải gì nữa tôi không cần nghe
mà còn chọc thêm. Hơn nửa đời người rồi, quá chậm để trở thánh triệu phú.
Học hành ngày xưa chẳng lẽ ông đành đoạn bỏ hết để hứng lượm bạc cắc năm này
qua năm khác? Làm gì ích lợi hơn cho đời xem nào. Hắn chống chế yếu ớt.
Đừng nói vậy chớ bạn, tôi làm nhiều việc lắm đó… nhưng mà lúc này phải rán để
nữa cho con nó có cái nhà. Mình đã biết cái khổ lúc mới start rồi, muốn con sau
nầy khá hơn, nhưng mà rồi ông đừng buồn nhe. Đâu phải viết lách lăng nhăng như
mấy ông là có ích lợi cho đời đâu. Không cần thiết phải khơi dậy một cuộc
thảo luận về quan niệm sống, tôi chuyển câu chuyện. Thôi chắc ông đang bận,
cứ nghe mấy thằng Mỹ mua đồ và ông đếm tiền, thối tiền, nói chuyện mất hứng.
Chừng nào rảnh mình đến chơi.
Sư anh, nói dóc vừa vừa chứ, muốn tạo cho mình lại nói là vì con. Con nó
thèm vào cái nhà của anh? Tốt nghiệp, đi làm chỗ nào nó mua nhà chỗ đó vừa ý
hơn căn nhà anh đổi mấy chục năm đời đứng tiệm.
Tôi nói một mình nhưng để phân trần với hai cô học trò cũ:
‘Vậy không! Mời họp mặt văn nghệ thì từ chối, tối ngày đứng đằng tiệm, nhưng
hễ động dao động thớt chủ tịch, đại diện này nọ thì có mặt có mặt có tên. Phải
phục là họ hay, nhanh chân, lẹ miệng.’
Tôi trở lại phòng khách. Câu chuyện vẫn dòn tan về tình hình văn nghệ hải
ngoại, về thị trường băng nhạc, về những bài viết mới, về những người viết về ý
thức trách nhiệm và vì ước muốn thủ đắc một điều gì đó trong cuộc sống.
Tốt hơn mình nên nghe. Nhân tâm tùy ý thích, tùy bản tính và khả năng từng
người. sự tốt xấu không thể nói hết trong một buổi họp mặt ngắn. Tôi lơ đảng
hút thuốc để hồn theo điệu nhạc êm đềm của những bản nhạc tình phát ra từ hai
cái loa đặt ở hai góc phòg đối diện. Tiếng hát nức nở, thê lương, réo rắt phảng
phất từng chút của những giọng ca nổi danh.
Tôi hỏi T., người luôn hảnh diện khi kể về những phi vụ nguy hiểm và những
công tác khó khăn lúc chịu trách nhiệm phi đoàn ở miền Trung. T. lắc đầu. Tôi
chịu. Người bạn văn nhăn trán như để phân biệt hơn âm thanh. K. đợi cho mọi
người có một thời khoảng đủ để chú ý mới thong thả:
‘Ca sĩ X. đó xuất hiện từ lâu rồi nhưng không lên, cứ ở hạng B hoài.’
Tôi cười:
‘Như T. mới tài. Dạy vợ thế nào không biết mà ca càng ngày càng hay. Bây giờ
Hải là một giọng ca ăn khách ở hải ngoại đó.’
T. được dịp kể công, giọng một chút gì đó hảnh diện:
‘Ca hay thì có, nhưng mình giữ hai đứa nhỏ mệt đứ đừ. Mỗi tuần mấy tối. Mới
đây nàng lại làm một vòng Cali thâu băng cả tháng, hamburger làm chuẩn. Chán
tới cổ họng.’
K. chọc:
‘Cái khổ không phải ở chỗ coi con một tháng. Khổ ở chỗ vắng nàng 30 đêm. Hèn
chi lúc Hải đi Cali, cứ nghe ông than thiếu tiền. Ăn hamberger làm sao thiếu
tiền được. Sợ trách nhiệm tối đâu dám cho mượn.’
Người bạn văn nhìn tôi, trao đổi ý. Có sự thân mật trong lời châm chọc.
‘Cười cho quên đời.’ Hai người chồng của hai cô học trò thường nhắc lại điều
này.
Người bạn hội nhập vào không khí vui của gian phòng thật nhanh:
‘Còn có khả năng để mượn tiền, đời còn chút nào có ý nghĩa, ông nầy từ lâu
không còn khả năng để mượn tiền nữa. Đời hiu hắt từ lâu.’
Cả bọn cười vang vui vẻ. Chợt nhớ đến hoàn cảnh mình. Người đi hẵn có lý do,
nhưng người ở lại đối diện với nhiều vấn đề. Câu đùa trên là một. Con cái là
hai. Đứa con gái lớn, nhiều khi có những chuyện không nói được với cha, nằm
khóc rấm rứt trong phòng. Đang tuổi lớn, nguyên tắc căn bản của con gái, phải
tự khám phá, không có một người đàn bà để giảng dạy. Cô đơn và tủi phận thiệt
thòi. Tại ai? Vì sao? Tôi đưa tay sờ vào túi áo trên. Cái thư đứa nhỏ viết cho
bạn, bỏ không gửi, tình cờ thấy được, giữ như một tài liệu chứng minh sự thiếu
sót bổn phận của mình với con, như một sự thúc thủ trước hoàn cảnh. Theo thời
gian rồi hai đứa sẽ lớn lên, bắt chộp được đó đây vài điều khôn giúp cho đời
sống, nhưng chắc chắn sẽ thiếu sự tế nhị cần thiết của thiếu nữ Việt, không đủ
niềm tự tin và tính phớt tỉnh rất dễ sống của phụ nữ Mỹ. tội nghiệp của những
nụ hoa đương nở thiếu bàn tay chăm sóc vun phân, tưới nước , tỉa cành. Từng
chịu đựng và coi đời như không như tôi lắm khi còn xót xa lúc tự mình tìm viên
thuốc khi bịnh hay về nhà nửa khuya sau buổi học muộn phải ăn quấy quá miếng
cơm lạnh tanh, huống chi tuổi trẻ dễ dao động và nhiều mặc cảm?
Tôi hết hứng thú góp chuyện, ngã lưng vào ghế trường kỷ, đốt điếu thuốc, thả
trí lông bông theo tiếng nhạc. Cuộc thảo luận bàn tán vẫn sôi nổi. Mấy đứa nhỏ
vẫn cải nhau chí chóe bằng thứ tiếng Mỹ 100%. Không ai ngạc nhiên trước chuyện
đó. Trừ tôi, với một nỗi niềm tiêng tiếc và một sự bi quan vô bờ về nền tảng
gia đình và tương lai cộng đồng Việt.
Bưng hộp sữa ra tiếp tế thêm cho nhóm đàn ông. Dung nói với mấy đứa nhỏ:
‘Lại gambling, các con nên chơi gì khác hơn là trò chơi đó. Cãi nhau ồn
quá!’
Mấy đứa được dịp nhao nhao:
‘This isn’t a gambling Mom! You see, this is something helps to study.’
Tiếng ai đó nhận xét:
‘Tụi nhỏ bây giờ như vậy không, nói tiếng Mỹ tối ngày! Mình nghe câu được
câu không.’
Có trời mà cản nổi! Tụi nó đâu muốn bị rầy la, cũng không muốn cha mẹ bực
mình, có đứa còn mắc cở khi phải nói với người lớn bằng tiếng Mỹ nữa, nhưng lỡ
bị nhét vào vị trí 8 giờ mỗi ngày ở trường, độ 3, 4 giờ được kèm ở tư gia bằng
mấy cái đài truyền hình, do một hệ thống giáo chức lẫy lừng, với một ngân khoản
vô tận giảng bài cho mấy trăm triệu người thì tất nhiên không muốn chúng cũng
khó lòng không quên tiếng Việt.
Tôi thấy mình nên góp ý:
‘Đó là tình trạng thoát qua. Như bọn mình qua đây trên dưới ba mươi,
lưỡi cứng, tế bào ngôn ngữ trong não đã định hình, khó sữa chửa nên phải
nói ngọng nghịu – tôi tán rộng chuyện tế bào ngôn ngữ – cuối cùng thích yên
lặng với người Mỹ cũng sở hơn là tía lia như gặp Việt Nam. Tụi nhỏ cũng vậy,
nói, nghe tiếng Mỹ ở nhà, ở trường từ lúc còn bé thì nó sợ tiếng Việt là chuyện
đương nhiên.’
Người bạn bi quan:
‘Điệu nầy ngại cộng đồng Việt Nam sau nầy bị hòa tan quá.
Người mình mà thua những cộng đồng Á châu khác trong việc bảo tồn thì đáng buồn
thiệt.’
Tiếng T. hăng hái:
‘Phải viết bài kêu gọi các bậc cha mẹ ngăn chận và sữa chửa chuyện con cái
mất gốc. Vẽ cho họ thấy tương lai, gia đình ai lo cho con cái nấy thì chuyện có
thể giải quyết được.’
Vâng, ai cũng thấy điều đó, không ai muốn cho con cái mình trở thành Tây,
thành Mỹ, nhưng còn công ăn chuyện làm? Thành ra những điều viết lách hôm nay
có thể trở thành vô ích. Biết vậy, nhưng làm được gì khác hơn! Đứa con gái nhỏ
của mình đó. Tôi cười trong đau khổ:
‘Anh em coi bức thư của con nhà văn nè. Mấy ông nghĩ sao? Cha làm thầy con
bán sách? Nhiều nguyên nhân lắm, chuyện không dễ như mình tưởng đâu.’
Tôi lúi húi đọc lớn cho mọi người nghe;
Dear Hà, Hà có mạnh khỏe không? Vân thì same as usual. Summer nầy Vân và
family của Vân sẽ đi Vacation ở Illinois, chỗ nhà cousin của ba Vân để thăm họ
hàng. Vân don’t like it, nhưng mà ba Vân đi đâu Vân phải đi theo đó. Gần bãi
trường Vân fell sad vì… thằng Jack cute với thằng John baby face đó mà. Tụi nó
nice với Vân lắm. Hổng có gì, you know, nhưng mà sometime, I’m proud of myself.
Tuần trước Vân took some pictures trong lớp, this is one of them… Cho Vân xin
lỗi cái gà bới hand writing của Vân…
Mấy ông thấy đó!
Đâu có thể qui lỗi tại một ai! Cha mẹ, con cái, hoàn cảnh, lòng tham lam,
tình quê hương càng ngày càng héo hon, và cả “tụi nó” ở quê nhà nữa, đã đẩy
chúng ta ở đây nên mới có vấn đề.
Mọi người xì xào bàn tán, mỗi người một ý. Bức thư buồn cười thiệt, nhưng
không ai cười. Tôi mệt mỏi đứng dậy thay băng mới vào tape. Chữ viết tay “Những
chuyện tình bé bỏng”, băng mẫu, chưa mix. À thì ra tác phẩm thai nghén mấy
tháng nay. Tôi trở về ghế mơ màng trong không khí nhạc.
Từng tiếng bass, tiếng trống nâng âm thanh bài ca mới… giọng ca véo von tái
tạo những cuộc tình đẹp ngày xưa. Người tình áo tím, tóc thề, má hồng như nụ
hoa buổi sớm mơn mởn những lông tơ, thẹn thùng nắm tay nhau trên đường phố Chợ
Lớn của tôi. Người tình áo trắng nữ sinh rạng rỡ khi người lính về phép của
bạn, của anh. Những mối tình có thật hay ước vọng, đau đớn xót xa hay kết thúc
viên mãn, nhưng chắc chắn tiếng hát đã tạo trong trí tôi một người tình để nhớ
về, để quên muộn phiền tự mang hiện tại. Những ray rứt chập chờn về người vợ
phiêu hốt, đứa con lớn thiếu bàn tay mẫu từ, đứa con nhỏ trên đường quên tiếng
Việt, sự mất hút đã hé mở trong viễn tượng của cộng đồng, tiếng ồn ào nhức đầu
trong xưởng máy, những nhố nhăng của người chung quanh, những tiếng kêu chới
với trên biển, tiếng thở dài vọng lại từ quê nhà ngục tù. Tất cả tan biến theo
tiếng hát thênh thang, kéo dài trogn trí não người nghe khi đã dứt.
Mười năm bềnh bồng với tảng đá ưu tư mang nặng trong hồn một phút nào đó như
được trút bỏ.
Tôi uống cạn ly cà phê bỏ dở lạnh tanh nảy giờ. Chưa bao giờ thấy ngon lạ
lùng như vậy.
‘Thời gian thiệt ngộ nghĩnh, mười năm trước mình đâu có ngờ ngày hôm nay,
lạc lõng ở quê người, ngồi nghe tiếng hát học trò cũ để tạm quên thân phận
phiêu bạt.’
Không ai chú ý đến câu triết lý vụn không phải chỗ của tôi. Tiếng hát vẫn tiếp
tục ru mọi người vào thời gian tươi đẹp xa xưa. Âm thanh giao động không gian
ấm cúng của căn phòng. Trên tường bức ảnh chủ nhân vẫn mỉm cười, nụ cười bức
họa La Joconde.
Nguyễn Văn Sâm
San Marcos, TX. 11-1985, Xứ người năm thứ sáu.