01 June 2019

THÂN PHẬN ĐÀO BINH - Phan Ni Tấn


– Nào! Ta chào sân cái đi.
– Mời anh
– Mời… Vào ba, đúng không?
– Dạ, đúng
– Ly thứ hai. Cụng. (Khà…) Dám hỏi anh bạn đây thứ mấy?
– Dạ, tôi thứ sáu
– Chào anh Sáu. Được rồi. Mình cạn cái nữa rồi vô đề nghe.

***

Tôi họ Hồ tên Mạnh Được. Hồ Mạnh Được, mới nghe tên ai cũng méo mó nghĩ chắc tôi “được” cái gì, nhưng thật ra từ ngày Cha sanh Mạ đẻ tới chừ Mạnh Được tôi có được cái chi mô.
Bọ Mạ tôi… À không. Cha Mạ tôi người làng Phe Điền, huyện Hương Cần, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng Cha Mạ tôi sinh tôi trên một con đò bên bờ sông Hoài, tỉnh Hội An. Sông Hoài là nhánh của sông Thu Bồn, anh Sáu biết rồi. Lên năm tuổi thay vì học mẫu giáo tôi vô thẳng lớp năm, trường tiểu học Gia Hội, Huế. Năm năm sau tôi thi đậu vào trường Quốc Học, cũng là năm tôi lên mười được một ông thầy người Minh Hương bán mì gõ ở chợ Đông Ba dạy võ cho tôi. Biết chút võ nghệ, ngựa non háu đá, tôi thường hay sanh sự đánh lộn với đám du côn ngoài chợ bị Thầy Cô mắng vốn, Cha Mạ la rầy hoài.

Năm 17 tuổi tôi nổi máu giang hồ bỏ xứ vô Sài Gòn sống đời du thủ du thực. Đặt chân lên đất Sài thành không bao lâu, Hồ Mạnh tôi (khấu đầu lạy Cha Mạ con xin lược bỏ tên Được) trở thành tay đâm thuê chém mướn, vào tù ra khám như đi chợ. Có lần sau khi hạ bệ một tay anh chị ở Bàn Cờ tôi trở thành đại ca của lũ lâu la xóm này. Từ cái tên vô danh Hồ Mạnh được bọn đàn em nói trại là Mãnh Hổ. Từ đó địa bàn hoạt động của băng đảng Mãnh Hổ càng ngày càng mở rộng xuống bến Hàm Tử, lan qua bến Chương Dương, lấn lên tới chợ Cầu Muối thì dừng lại. Vì từ lằn ranh này qua bên Thủ Thiêm, Tôn Đản, Khánh Hội là địa bàn của một đại ca người Tiều (Ca-kỳ-nán), có vợ người Việt (An-nàm-nán) gốc Hội An tôi quen biết hồi xưa. Dần dà trường đời nặn tôi thành quân đầu trộm đuôi cướp khét tiếng đất Sài thành. “Đầu trộm” là trộm của nhà giàu chia cho người nghèo và cho bọn lâu la ăn chơi phè phỡn. Nhưng “Đuôi cướp” mới là thứ dữ: cướp tiệm vàng, sòng bạc, nhà băng.
Một hôm đang bù khú ăn nhậu với bọn đàn em ở góc đường Bùi Viện thì một đám mặt rô kéo tới sanh sự. Chẳng nói chẳng rằng tôi lôi chính tên đầu sỏ ra đánh trẹo quai hàm, móc lòi con mắt trái, máu me phủ mặt. Kết quả tôi bị Cảnh Sát tó vì tội hành hung, phá rối trị an. Có điều, thay vì xộ khám như những lần trước thì lần này tôi bị đẩy thẳng vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ-Nhập Ngũ. Sau khi ra trường thay vì cầm sự vụ lệnh lên Quân Đoàn II trên Pleiku trình diện, tôi vù cha nó ra Huế.
– Xin lỗi anh Sáu. Ta vô một cái nữa đi.
Thương thằng con đi hoang lủi thủi trở về, Cha Mạ đem tôi đi giấu nhưng không sao thoát khỏi cặp mắt bàn dân thiên hạ. Anh binh nhì Hồ Mạnh Được lại bị bắt ra Tòa Án Quân Sự, xử tôi phạm tội đào ngũ xong đưa thẳng ra đơn vị tác chiến ngoài vùng I làm lao công chiến trường từ sáu tháng tới một năm. Nhiệm vụ của lao công đào binh là làm các công tác tạp dịch khổ sai, tải thương, khiêng vác đạn dược, đào hầm đào hố. Cái ác nhất của thân phận đào binh là không được hưởng bất cứ tiêu chuẩn nào của người lính, dĩ nhiên, càng không được trang bị súng ống, khi đụng trận thì đi đầu làm bia đỡ đạn. Nhiều đồng đội lao công đào binh lần lượt gục ngã bên cạnh tôi, trước mắt tôi khiến lòng tôi đau thắt, hoảng loạn lẫn căm hờn. Lao mình trong cuộc chiến tay không tấc sắt, tôi cảm thấy mình không còn là một con người, tôi trở thành cái khiêng đỡ đạn, cái bia để bắn. Rõ ràng tôi đang đón đợi cái chết hãi hùng đang rình rập mình trong đường tơ kẽ tóc.
Mỗi năm cứ tới tháng Tư là tôi hay nhớ tới cuộc chiến man rợ của đất nước mình. Tôi còn nhớ mùa mưa năm 1972, trong một trận đánh xáp-lá-cà dưới chân núi Ngok Linh, tỉnh Kontum đã ám ảnh tôi tới tận bây chừ. Ngủ hay thức quên đi thì thôi, hễ nhớ tới là trận cận chiến cứ như vừa xẩy ra mới hôm qua đây thôi. Quân lính hai bên gào thét xông vào nhau, thọc lưỡi lê, dọng báng súng, đấm đá, vật lộn. Có tiếng súng lục nổ cùng lúc tiếng người gào thét. Có tiếng dao đâm ngọt xớt. Có báng súng thùm thụp dọng vào thân người. Người ngã xuống, máu đổ thịt rơi. Đất và cỏ trở thành thảm lót xác người. Đây là một cuộc tàn sát không gớm tay, không lợm máu. Anh Sáu có bao giờ nghe thấy hoặc so sánh giữa tiếng người sống và tiếng người đang giẫy chết không?  Vì bị đâm, bị chém, bị bắn nên tiếng chết nghe lạ lắm, phải nói là kỳ lắm, anh Sáu. Cái âm thanh lúc đó không còn là âm thanh của con người nữa mà là âm thanh oặt òa oặt oại cực kỳ quái gỡ, rất ghê người của thần chết.
Trong trận này, lao công đào binh gồm năm người không tấc sắt trong tay đồng loạt gục xuống. Những ngày tháng lao động khổ sai, thiếu ăn thiếu mặc khiến thân thể họ gầy mòn, ốm yếu, làm sao còn sức mà chống chọi với kẻ thù khát máu, có vũ khí trong tay. Còn Hồ Mạnh Được tôi, nhờ ba miếng võ trơn tru do ông thầy Tàu dạy năm xưa mà thoát chết bao nhiêu là lần. Kẻ thù của tôi trong trận cận chiến này là anh chàng bộ đội trẻ măng, nhưng sức vóc không thua gì tôi, chỉ khác tôi ở bản tính cực kỳ hiếu chiến. Chính anh này vừa giết chết người bạn đào binh của tôi nên quần áo, mặt mũi, tay chân anh ta dấy đầy máu. Giết người xong anh ta xoay qua tôi, cầm con dao đẫm máu trong tay, y gầm lên lao tới. Vì tôi thuận tay trái nên mỗi lần bị kẻ thù tấn công tôi hay lạng qua phải. Chờ con dao lướt qua vai, tôi vận công thọc hai ngón tay vào cặp mắt anh bộ đội nghe một cái “soơp…ơ… ợp!” bẹt nhè bẹt nhẹt…
Tôi cũng còn nhớ trong một trận đánh trên đèo Bình Đê, nối Quảng Ngãi với Bình Định. Lúc đó trời mưa hay lệ trời khóc người giết người không gớm tay, tôi không còn biết. Là lao công đào binh, cổ tôi đeo dây đạn trung liên, tay xách thùng đạn chạy lúp xúp tới mục tiêu phía trước, vừa lao tới chân gò đất tôi chợt giật mình khựng người trước nòng súng của địch đang chỉa thẳng vào mặt tôi từ lúc nào. Anh ta cách tôi chỉ vài bước, lạnh lùng bóp cò. Không biết tôi mang nanh heo trước ngực, linh thiêng hay không mà đạn bắn không trúng hay đạn kẹt trong nòng đã cứu tôi thoát chết. Không đợi kẻ thù kịp lên cơ bẩm, tôi lao tới, thuận tay quất nguyên dây đạn trung liên mạnh đến nỗi đầu những viên đạn cắm thẳng vào cổ anh ta, máu phun có vòi.
Ngơ ngác trước cái chết hết sức kỳ lạ và vô cùng tàn bạo, mắt anh trợn trừng, đứng như trời trồng rồi ngã ụp xuống kéo theo khẩu AK cấn lên ngực tôi đau đến nỗi làm tôi ngất đi. Lúc tỉnh lại trời cũng vừa chạng vạng tối đủ để tôi kịp thấy cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt. Vương vãi khắp nơi súng ống, xác người nhòe nhẹt máu óc ướt sũng nước mưa. Trận đánh kinh hoàng, thảm khốc, vô nhân tính đến nỗi lúc rút lui không một ai kịp mang theo xác đồng đội của mình.  Xác ta và địch chết xấp, chết ngửa, chết co quắp, chết phanh thây vì vết dao đâm, vì báng súng đánh nát mặt, nát người.
Ở rừng trời mau tối. Nhưng nhờ tạnh mưa nên trăng trong mây lờ mờ đủ soi đường cho tôi chạy thục mạng khỏi vùng đèo tử thần một quãng khá xa. Nhưng vừa xuống tới chân đèo thì trời lại mưa, tôi lủi đại vào một bụi cây núp mưa.
– Sau đó “ông lao công đào binh, bí danh Mãnh Hổ” chắc dông luôn…
– Tôi có khùng đâu mà đâm đầu ra trình diện, anh Sáu. Lúc mò về tới Qui Nhơn chú tôi mới cho hay Cha Mạ tôi phần vì già yếu phần vì nhớ tôi nên lần lượt qua đời, tôi nghe mà khóc hết nước mắt. Từ đó, tôi thay tên đổi họ theo tàu của chú ra biển đánh cá chờ cơ hội tìm đường về Sài Gòn. Đầu tháng Giêng 1975 tôi về tới Sài Gòn thì hai tháng sau, tức ngày 10 tháng 3, 75 Ban Mê Thuột thất thủ kéo theo Nha Trang, rồi Cam Ranh, Ba Ngòi. Khi nghe tin trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (Tư lệnh Quân đoàn 3) và chuẩn tướng Không quân Phạm Ngọc Sang bị bắt sống ở Phan Rang, tôi nhắm tình hình đất nước không yên nên nhanh chân chạy xuống Rạch Giá ở ẩn sống qua ngày. Nói ở ẩn cho có vẻ “thời thượng” chớ thật ra tôi đi đánh cá với thằng chủ ghe tên Nghệ, tức một thằng đàn em năm xưa ở Bàn Cờ giải nghệ về Hòn Nghệ sắm tàu đánh cá. Hòn Nghệ là hòn đảo thuộc Kiên Lương cách bờ khoảng mươi mười kí-lô-mét. Hồi đó, nhà cửa còn thưa thớt, dân chài không nhiều, biển bây chừ chắc cũng rứa, còn nhiều phù sa.
Anh Sáu thấy không. Đã mang tiếng là “đào binh” thì đời Mãnh Hổ tôi lênh đênh rầy đây mai đó cũng  điệu nghệ lắm rồi. Nói thiệt với anh Sáu, lúc mất Sài Gòn tôi mới nghĩ tới chuyên vượt biên. Sẵn “ghe nhà” tuần trước tuần sau tôi và nguyên gia đình thằng “Hòn Nghệ” vượt biên qua tới Nam Dương. Nửa năm sau thì qua Mỹ lủi thủi sống tới bây chừ.
– Nào. Cạn đi anh Sáu. Úi chao! Mới đó mà đã 44 năm qua cái vèo, anh Sáu hỉ. 44 năm tôi chưa từng trở về quê nhà lần nào. Anh Sáu về lần nào chưa hè? Mà nhà cửa, nước non chi mô nữa mà về. Mãnh Hổ tôi đã lọi giò sút móng từ khuya.
Người ta nói càng về già càng ít nằm mơ. Ấy rứa mà có lần tôi nằm lơ mơ thấy lá cờ vàng năm xưa của Việt Nam Cộng Hòa mình bay phấp phới ở Ngọ Môn trước kinh thành Huế, anh Sáu tề.

Phan Ni Tấn