Thủ tướng Bob Hawke (1929–2019) - Photo: Wikipedia
Tin ông qua đời hôm qua 16.05.2019, dù ở tuổi thượng thọ 89,
đã làm lòng tôi chùng xuống trong niềm xúc cảm sâu xa.
Không phải chỉ vì ông là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của nước
Úc thời hậu chiến – và ông hoàn toàn xứng đáng với sự công nhận đó từ nhiều người
cùng thời cũng như của thế hệ hậu bối – mà còn là một con người bình dị, gần
gũi và thân thiện.
Tôi, cũng như nhiều bạn đồng niên khác thuộc “thế hệ thứ nhất”
của dòng người tỵ nạn từ Việt Nam, đã sống hầu như gần trọn cuộc đời trưởng
thành của mình dưới bóng che bao trùm của ông dù ông đã rời chính trường gần 30
năm. Những cải cách mang tính chất viễn kiến và nhân bản của ông đã xây nên một
nền tảng phát triển vững bền cho nước Úc – trong đó có cộng đồng người gốc Việt
chúng tôi.
Có thể một số người không đồng ý với ý kiến này, nhưng xin
hãy công tâm nghĩ lại dù bạn có khuynh hướng chính trị hay đảng phái nào. Khi
ông trở thành Thủ tướng thứ 23 của Úc, cộng đồng người Việt tỵ nạn lúc ấy vẫn
còn rất mong manh, non trẻ với hàng trăm mối lo toan cho cuộc sống mới. Tuy vị
Thủ tướng tiền nhiệm được ghi công chính đáng như là “người mở cổng” cho việc
thu nhận thuyền nhân tỵ nạn đến Úc định cư nhưng trong 4 nhiệm kỳ cầm quyền
liên tiếp của ông (từ 1983 đến 1991), sự thu nhận định cư cho người gốc Việt ở
Úc đã gia tăng đến con số cao nhất so với bất cứ thời kỳ nào về sau. Về nhiều
phương diện, đây cũng là thành phần định hình diện mạo của cộng đồng người Việt
bây giờ.
Với các chính sách cải cách về việc làm, giáo dục, y tế, an
sinh xã hội… ông đã tạo ra cơ hội vô giá cho chúng tôi hội nhập và phát triển ở
xứ sở kangaroo thanh bình và nhân ái này sau những cuộc vượt thoát thập tử nhất
sinh khỏi chế độ cộng sản ở quê nhà. Tôi rùng mình tưởng tượng nếu không có một
hệ thống y tế đại chúng Medicare, nếu không có sự giúp đỡ cho học sinh tiếp tục
con đường học vấn miễn phí ở bậc đại học, nếu không có chính sách quỹ hưu trí bắt
buộc, nếu không có một mạng lưới an sinh xã hội cho những người thuộc thành phần
thiệt thòi – và hàng chục thứ “nếu không có” khác mà ông đã thực hiện – có lẽ cộng
đồng người gốc Việt đã không có sự thành công như ngày nay.
Với một tỷ lệ khá cao trong cộng đồng người Việt bây giờ là
thành phần chuyên viên tốt nghiệp đại học, là những thương nhân thành đạt hoặc
ít ra là có cuộc sống ổn định, không ai có thể phủ nhận sự giúp đỡ ấy trong bước
đầu định cư của họ. Và sự thụ hưởng những chính sách nhân đạo, công bắng và tiến
bộ đó mà ông khởi xướng còn tiếp tục lan tỏa đến nhiều thế hệ sau.
Tôi không viết lại về tiểu sử và những thành tích của ông
trong bài tưởng niệm và tri ân ngắn ngủi này vì điều đó đã được nhiều sử gia
ghi nhận, trong đó có một điểm son đáng chú ý: ông là nhà lãnh đạo có lúc đã được
75% dân Úc ái mộ, một tỷ lệ mà bất cứ chính trị gia nào cũng ngã mũ nể phục.
Một điều tôi muốn nói thêm: ông là người đã trao cho nước Úc
bản quốc ca mới để thay thế cho bài “God Save The Queen” mang âm hưởng mẫu
quốc Anh được hát từ nhiều thập niên trước. Theo đề nghị của ông, Tổng Toàn Quyền
lúc đó (năm 1984) đã chuẩn thuận bài “Advance Australia Fair” là quốc ca
chính thức của Úc. Bài hát có đoạn: For those who’ve come across the seas /
We have boundless plains to share / With courage let us all combine / To
Advance Australia Fair (Với những người đến đây từ bốn biển / Chúng ta có
những bình nguyên bao la để chia sẻ / Với lòng quả cảm tất cả chúng ta hãy kết
hợp / Để tiến tới ngày hội của nước Úc). Có lẽ trong nhiều bài quốc ca khác, hiếm
có nước nào nói đến sự đón nhận và chia sẻ với những người di cư bằng lời lẽ
khoan hòa và thân thiện như thế.
Ông còn để lại trong lòng dân Úc hình ảnh của một con người
với những biểu lộ tình cảm rất đời thường. Ông xấu hổ khi thú nhận chuyện ngoại
tình khi còn sống chung với người vợ đầu. Ông đã khóc nức nở trong một cuộc họp
báo năm 1984 khi bị hỏi về việc con gái của mình bị truy tố về tội ma túy. Ông
cũng ràn rụa nước mắt trên màn ảnh truyền hình trước tiền đình quốc hội ở
Canberra khi cùng các sinh viên Trung Quốc tưởng niệm hàng ngàn nạn nhân bị tàn
sát trong biền cố Thiên An Môn năm 1989…
Cá nhân tôi, trong nhiều năm làm báo, đã có đôi lần hân hạnh
phỏng vấn ông nhưng có lẽ kỷ niệm tôi nhớ mãi lại không phải là chuyện nghề
nghiệp. Hôm ấy, hồi giữa năm ngoái, tôi tình cờ gặp ông ở phi trường Sydney.
Ông ngồi trên xe lăn và được một nữ nhân viên phục vụ đẩy đến lối đi ưu tiên
cho người cao niên. Tôi cúi đầu chào ông theo lối Úc “G’day, Sir!” và xin phép
cô nhân viên ấy cho tôi được đẩy ông một đoạn. Dĩ nhiên, đây chỉ là một cử chỉ
nhỏ như một lời cám ơn của tôi vì trong số hàng ngàn người ông từng tiếp xúc
ông chẳng thể nào nhớ được gã trung niên Á châu ấy là ai. Lúc chào tạm biệt,
ông quay lại, thoáng cười và nói một câu rặt Úc “G’on ya, mate!”
Bây giờ ông đã ra đi nhưng nụ cười ấy tôi còn giữ lại trong
lòng.
Với truyền thống “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của nền văn hóa
Việt Nam, tôi biết ơn ông, Thủ tướng Bob Hawke, người không những chỉ cho chúng
tôi cơ hội làm lại cuộc đời mới trên quê hương thứ hai mà còn trao cả một tình
người bác ái và bình đẳng.
Thành kính chia buồn cùng gia đình ông và cầu mong ông nghìn
thu an giấc.
Lưu Dân
(Sydney), 17.05.2019