Hoá ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà nước
thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt như
hiện nay giữa Đảng Cộng sản với người dân. (Đến Già Mới Chợt
Tỉnh, Hồi ký Tống Văn Công).
Mãi đến năm 17 tuổi tôi mới được giáo sư Đào Phú Thọ giới thiệu
đôi lời về Sigmund Freud. Nghe xong, tôi quyết định ngay là sẽ theo
ngành Phân Tâm và trở thành nhà phân tâm học đầu tiên của đất nước
mình … cho nó bảnh!
Tôi “định” thế nhưng Trời “định” khác. Ổng quyết định cho tôi vào
quân trường để học làm lính, thay vì tiếp tục ngồi ở giảng đường
để nghe mấy chuyện (“trời ơi”) giữa lúc quê hương đang tơi bời lửa
đạn.
Đi lính xong, tôi đi cải tạo. Rời trại tù không lâu thì tôi lại
bước vô mấy cái trại tị nạn ở Á Châu … Sau vài ngàn đêm, nằm trên
những cái giường đôi (trong những cái trại thổ tả này) tôi mới “ngộ”
ra được điều giản dị này: làm một thằng dân Việt mà không bỏ mạng
hay thương tật vì chiến tranh, không tù mọt gông là phước đức lắm
rồi, còn bầy đặt học đòi những chuyện xa xôi và xa xỉ (cỡ như Phân
Tâm Học) thì hơi quá đáng. Thế là thôi, thôi tôi quyết định chia tay
vĩnh viễn Bạch Thu Hà và Sigmund Freud.
Vậy mà (không dè) thằng chả lại tái xuất vào khúc cuối đời. Tình
ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về. Và khúc cuối đời
là lúc này đây. Mấy tháng nay bỗng có chút chuyện lùm xùm về nạn
ấu dâm ở Việt Nam. Quần chúng vốn mau quên nên trí nhớ của đám đông
thường rất ngắn. Riêng việc ông Nguyễn Hữu Linh ôm ấp một bé gái
trong thang máy là một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ.
Sự việc xẩy ra từ tối ngày 1 tháng 4 năm 2019 nhưng đến nay dư luận
vẫn cứ còn nóng như hơ. Mọi diễn biến liên quan đều được những cơ
quan truyền thông, trong cũng như ngoài nước, ghi nhận đầy đủ và chi
tiết.
Ảnh: báo Thanh Niên & Lao Động
Vào ngày 26 tháng 4, phu nhân của ông NHL đã gửi một “bức tâm thư” bầy tỏ nỗi khổ tâm, với nhiều lời lẽ
thống thiết:
Tôi mong rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây. Các bạn không nên có những
hành vi gây tổn thương cho bản thân tôi và các con tôi. Sự chịu đựng của chúng
tôi đã vượt quá giới hạn của bản thân mình.
Bức thư, viết trong cơn hoảng loạn, của bà Trần Thị Thanh Tâm – tiếc thay – đã không mang lại
kết quả mong muốn (“mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây”) mà còn có
tác dụng ngược như … thêm dầu vào lửa. Đến ngày 23 tháng 5, báo Dân Trí loan tin: “Viện KSND quận 4, TPHCM đã hoàn tất cáo
trạng truy tố bị can Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, cựu Phó Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Bị can
Nguyễn Hữu Linh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 có
khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù… Cũng theo cáo trạng, ông Linh được áp
dụng các tình tiết giảm nhẹ là: phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm
trọng, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên đề nghị HĐXX xem
xét trong quá trình lượng hình.”
Bản cáo trạng thượng dẫn, xem ra, cũng không được dư luận đồng tình:
– FB: Đỗ Ngà: “Tình tiết giảm nhẹ là một chiêu bài nhằm phá bỏ
sự công bằng khi kẻ phạm tội không còn đường chối cãi.”
– FB Đỗ Trung Quân: “Kẻ thi hành luật pháp mà cố tình phạm pháp:
phạt gấp đôi! Kẻ quan lại có thẻ đỏ ăn trên ngồi trốc dân mà xâm hại dân: phạt
gấp 10!”
– Báo Tiếng Dân: “Vì sao chưa xử Nguyễn Hữu Linh đã bàn tới
tình tiết giảm nhẹ ?”
– Báo Lao Động: “Áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho ông Nguyễn Hữu
Linh là vô lý.”
– Báo Tuổi Trẻ: “Vụ Nguyễn Hữu Linh đáng lẽ phải tăng nặng chứ không
giảm nhẹ.”
– Báo Tiền Phong: “Cử tri TPHCM đề nghị chặt tay tội phạm xâm
hại trẻ em.”
Theo cẩm nang hiện dụng của Khoa Tâm Thần Học DSM – 5 thì tỷ lệ nam
giới mắc bệnh ấu dâm từ 3% đến 5%. The highest possible prevalence
for pedophilic disorder in the male population is approximately 3%–5% (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fifth
Edition). Con số tuy hơi cao nhưng có vẻ tương ứng với hiện trạng ở
VN – theo tin vừa loan của BBC:
“Trong khi dư luận Việt Nam vẫn sôi sục về vụ án dâm ô trong thang máy hồi đầu
tháng, thì chỉ trong 3 tuần qua, đã có thêm ít nhất 7 vụ ấu dâm gây chấn động
khác.”
Điểm “khác” là 7 trường hợp kia tuy cũng “gây chấn động” nhưng không
khiến công luận sôi sục không dứt như vụ NHL.
Tại sao? Lý do, tất nhiên, không ít:
– Thái độ quanh co của NHL cũng như dấu hiệu bao che cho đương sự
của giới cầm quyền khiến dư luận bất bình.
– Người dân không tin vào sự công minh của hệ thống pháp lý hiện nay
ở VN.
– NHL nguyên là Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, và
là kẻ đã có nhiều hành vi khuất tất trong thời gian tại chức.
Còn một nguyên do quan trọng nhưng “tiềm ẩn” khác nữa nhưng gần như
không ai muốn đề cập đến, trừ nhà thơ Đỗ Trung Quân: NHL là một “kẻ
quan lại có thẻ đỏ ăn trên ngồi trốc” – một đảng viên của Đảng Cộng Sản
Việt Nam, cái Đảng đã độc quyền lãnh đạo đất nước từ hơn 2/3 thế
kỷ qua.
Trong suốt thời gian này, Đảng đã gây ra không biết bao nhiêu là tai
hoạ và oan khiên cho cho mấy thế hệ người. Đảng đẩy cả nước vào
những cuộc chiến tranh liên tiếp, kéo toàn dân lê lết qua hết thời kỳ
khó khăn này đến khó khăn kia, gây oán thù với toàn thể nhân loại,
và hiện trạng thê thảm là “sự suy thoái xã hội đã đến bước trầm trọng,
không ai cứu vãn nổi nữa” – như kết luận của K.T.S Trần Kim Vân.
Hệ quả, nhà văn Đào
Hiếu nhận xét: “Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ, thì đại đa số nhân
dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay.”
Tuy “căm ghét” nhưng phần lớn đều giữ thái độ nín lặng vì Đảng
rất chuyên quyền và vô cùng ác độc, không từ một thủ đoạn nào nhỏ
nhen hay bẩn thỉu nào đối với người dân – nhất là những người bất
đồng chính kiến. Đụng vào Đảng, cho dù chỉ là đụng nhẹ (theo kiểu
nhận xét, phê bình, hay góp ý) thôi, cũng đều có thể bị ám hại hay
tù tội như thường. Do thế, nỗi phẫn uất của mọi người buộc phải
dồn nén vào vô thức – theo cách nói của Sigmund Freud. Khoa Phân Tâm
Học của ông có đề cập đến một khái niệm gọi là “chuyển dịch” và
được diễn giải như sau:
“Displacement (German: Verschiebung, “shift, move”) is an
unconscious defence mechanism whereby the mind substitutes either a new aim or
a new object for goals felt in their original form to be dangerous or
unacceptable.” Sự dịch chuyển (displacement) là một cơ chế phòng thủ vô thức,
theo đó các mục tiêu được cảm nhận ở dạng ban đầu là nguy hiểm, hoặc không thể
chấp nhận, sẽ được tâm trí (mind) thay thế hoặc bằng một mục tiêu mới, hoặc
bằng một đối tượng mới.” (Transalated by Bùi Xuân Bách). Nguyễn Hữu Linh
chính là cái “đối tượng mới” (hay cái “mục tiêu thay thế”) này nên
đã lãnh đủ mọi sự thù ghét, oán hận, phẫn uất của đám đông.
Kiểu phân tích của Sigmund Freud không chắc gì đã đúng nhưng nhận
xét sau của của nhà báo Tống Văn Công thì chắc chắn là hoàn toàn
không trật: “Hoá ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà
nước thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt
như hiện nay giữa Đảng Cộng sản với người dân.”
Tưởng Năng Tiến