Đường bộ thì sợ Hải Vân.
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi
(Ca dao)
Sáng 01 tháng Tư 1975, tôi quyết định ra Huế bằng chiếc Yamaha vẫn dùng từ
lâu. Đà Nẵng xem như đã yên được ba ngày nay. Hỗn loạn chấm dứt từ trưa 29.3,
sau khi vài chiếc T54 chạy dọc bờ sông Hàn từ trên Viện Cổ Chàm xuống rồi vòng
vào phố.
Xe nào cũng cắm đầy cờ Mặt trận GPMN và cờ Phật giáo. Trên xe ngoài ba bốn
người mặc quân phục, đội mũ cối hay mũ tai bèo, còn lại là thanh niên áo quần
lộn xộn, có giải khăn đỏ trên bắp tay. Có xe còn thấy một hai vị sư đắp y vàng,
ngồi dựa vào pháo tháp của xe và vẫy tay chào đám đông tụ tập ven đường.
Mới ba hôm trước thôi, thành phố náo loạn với tiếng súng khắp nơi. Người chạy
loạn từ phía Bắc, phía Nam đổ vào Đà Nẳng làm dân số thành phố tăng lên năm,
sáu lần. Kho gạo trên Xa cảng bị phá, người ta chen chúc vào lôi gạo vác ra, bị
đè sập bỏ mạng nhiều người. Rồi hảng bia BGI bị đập cửa, thiên hạ kéo ra không
biết cơ man nào là bia, khiến nhiều người, ngay cả đám con nít, say tuý luý,
nằm lè nhè ở các góc đường.
Súng nổ đì đùng mọi hướng. Có lúc vang lên hàng loạt như có bắn trả, dành
giật một điểm nào đó. Thiên hạ ở yên trong nhà, cho đến khi nghe tiếng xích T54
và tiếng động cơ gầm rú, họ mới kéo ra đứng đầy hai bên đường và hiếu kỳ nhìn
những người lính lạ, đang vẫy tay chào và mĩm cười thân thiện.
Ngày 30.3 tôi đến trường Trung học Phan châu Trinh trình diện như xe phóng
thanh loan báo. Một ngày dài loanh quanh trong sân trường, gặp mặt dân đi dạy
quen thuộc, trao đổi nhau những suy luận, những câu hỏi, mà ai cũng biết chắc
không ai trả lời được nhưng cứ nói ra cho yên tâm. Cũng không thiếu những dọa
dẫm nhau. Thân thiện chọc đùa có, gieo sợ hãi có, và ngầm ý đe dọa kiểu biết
nhau rõ lắm nghe, liệu hồn. Rồi cuối ngày tôi nhận được tấm giấy chứng nhận đã
trình diện, giới thiệu về nhiệm sở cũ, với khuôn dấu đỏ của Uỷ bạn Quân Quản
Thành phố Đà Nẳng.
Ngày 31.3 tôi nhờ đứa em gái cắt đầu tóc ngang vai thành carre mà hôm qua để
tránh dị dạng khi đi trình diện, tôi đã cột thành củ hành và dấu trong chiếc
mũ. Mạ tôi là người vừa ý nhất với đầu tóc cụt vì mấy hôm nay nghe chuyện thanh
niên tóc dài, quần ống loa bị tóm trên chợ Hàn, bà đã nói lui nói tới chuyện
cắt tóc trước khi đi Huế.
Đến gần trưa tôi chạy qua xóm nhà ở Nam Ô, và bắt đầu lên đèo. Đường thênh
thang, không xe cộ ngược lẫn xuôi chiều. Thỉnh thoảng gặp vài người gánh gồng
lên hay xuống núi, chắc họ đi thăm nương, thăm rẫy.
Trưa đứng bóng, tôi lên đỉnh đèo. Trời hơi se lạnh mặc dầu nắng lên, khi
trong vắt, khi hơi mờ vì từng đám mây dày trôi qua sát đầu. Nghỉ một chút lấy
sức, tôi mở gói xôi muối mè Mạ tôi gói theo. Thêm một ngụm nước và điếu thuốc,
tôi chạy 70km còn lại và tính trễ lắm đến 4 giờ chiều tới Huế.
Đang đổ đèo ngon trớn gần nửa đường xuống Lăng Cô, tôi thấy lố nhố ba người
cầm súng chận ở khúc quanh. Tôi tấp vào vệ đường, dựng xe và chào họ. Một thanh
niên có vẽ là trưởng toán hỏi tôi đi đâu. Tôi rút tờ giấy chứng nhận trình diện
ở Đà Nẳng, và nói mục đích ra Huế để nhận chổ dạy cũ. Thanh niên trưởng toán
nhìn tôi từ đầu đến chân và hỏi:
– Còn có giấy tờ gì nữa không?
Tôi vội vàng rút ví và lôi ra thẻ giáo chức đưa cho anh ta. Anh ta bước lui
một bước, lên đạn khẩu súng K54 và chĩa vào tôi. Một tay anh đút tấm thẻ vào
túi áo. Tôi hoảng hồn không biết chuyện gì và la lên:
– Tôi đi dạy học, tôi dạy học thiệt mà.
Anh ta lồng lộn lên và chỉa thẳng súng vào màng tang tôi, đồng thời hô hai
người kia bẽ quặt hai tay tôi ra sau lưng trói lại. Sự việc diễn tiến quá nhanh
tôi không biết phải ứng xử thế nào, nên cúi đầu yên lặng để hai người kia trói
thúc ké, dẫn tới ngồi trên một mô đất ven đường.
Chiếc xe được họ phụ nhau đẩy lên triền dốc và dựng khuất vào trong một bụi
cây. Họ vẫy nhau đi tới một góc khác, hơi xa chổ tôi ngồi và bàn bạc thì thầm.
Tôi không nghe được gì cả, nhưng nhìn lén điệu bộ cả ba người thì đoán chừng
không đồng ý với nhau về một quyết định nào đó.
Một lát sau, họ trở lui, ra lệnh cho tôi đứng dậy. Tên trưởng toán lại chỉa
súng vào màng tang tôi và dẫn lên con dốc ra phía sau núi. Hai tên kia theo
sau. Phía sau dốc này là biển. Tôi thoáng nghĩ tới và thấy lạnh chạy dọc xương
sống. Không lẽ?
Nhưng cũng không dám hỏi vì tên trưởng toán dữ quá. Nói năng sợ hắn nổi
nóng. Phần khác, triền dốc đầy những gốc cây tràm, tôi phải chú ý bước vì sợ
vấp ngã. Thêm nổi sợ tên trưởng toán, vấp gốc cây, và súng cướp cò, thì ôi thôi
cái màng tang tôi…
Tới đỉnh dốc, hắn ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Nhìn qua bên kia dốc, một con
đường ngoằn ngoèo đi xuống mé vực, và mất dạng sau một lùm cây um tùm. Tôi định
lên tiếng hỏi thì hắn tiến lại gần, chụp một bao cát vào đầu tôi. Sau đó là một
băng vải cột ngoài bao cát. Tối đen.
Tôi bắt đầu tấm tức khóc và chung quanh yên lặng. Một sự yên lặng ghê rợn,
ngoài tiếng gió biển, tiếng chim hót, là khoảng trống bất động, im đặc. Rất
lâu, e chừng hơn cả tiếng đồng hồ, có tiếng bước chân tới gần. Tôi niệm danh
hiệu Quan Thế Âm Bồ tát và nghĩ chắc giờ lâm tử đã đến. Bỗng một bàn tay xốc
tôi đứng dậy dẫn đi. Đúng là con đường tôi đã thoáng thấy, cảm nhận từ những
khúc quanh co và độ dốc xuống lần.
Hồi lâu, chừng như xuống đã khá sâu, tôi nghe tiếng sóng đập ầm ầm vào vách
núi. Tôi được ấn ngồi xuống và được mở băng vải cùng rút bao cát ra. Chổ mới
đến là một khoảng bằng phẳng, rộng chừng hai mặt bàn pingpông, lõm vào thân núi
như một sơn động. Một góc có bếp đun và một cái son lớn. Nhìn xuống biển là một
khúc vịnh ăn sâu vào trong núi. Phía xa là một bãi cát dài có ghe thuyền chắc
là Lăng Cô.
Nhìn kỹ tên dẫn xuống đây thì không phải tên trưởng toán. Tôi gợi chuyện.
Hắn coi bộ còn dữ tợn hơn tên trưởng toán. Mới hỏi vì sao các anh bắt tôi. Hắn
nạt nộ om sòm, nói im miệng đi, nếu không hắn sẽ bịt mắt lại. Tôi ngồi yên và
bắt đầu niệm Quan Thế Âm Bồ tát cho đở bớt sợ.
Tôi nghĩ không ra nguyên do vì sao tên trưởng toán nổi doá lên, khi cầm cái
thẻ giáo chức. Tôi trùng tên với một tên ‘ác ôn’ nào đó mà nó có nhiệm vụ tìm?
Tôi với tấm hình trong thẻ không giống nhau do tóc dài, tóc ngắn chăng? Suy
luận, tưởng tượng nào cũng không dẫn tới câu trả lời. Hỏi thêm một câu, lỡ hắn
bịt mắt lại càng khổ hơn. Hắn cầm khẩu CKC ngồi ở cửa hang, im lặng chỉa súng
vào tôi.
Tôi đoán ba đứa hắn còn đợi cấp chỉ huy cao hơn quyết định, và bao lâu chưa
có mặt cấp chỉ huy này thì mình vẫn không sao. Như vậy không nên làm ba tên nầy
nổi giận, hoặc xô mình, hoặc bắn rồi vứt xuống biển…sẽ không ai biết. Hô hoán
mình bỏ chạy và bắn chết là giải thích hợp lý nhân danh Giải Phóng trong lúc
này.
Bây giờ trong hang đã mờ mờ tối, muỗi bu đầy mặt nhưng tay bị trói sau lưng,
không cách gì đuổi, tôi đành ngúc ngắc cái đầu mỗi lúc muỗi cắn quá đau. Tôi
lết tới một góc nhìn xuống mặt biển. Từ đây xuống mặt nước khoảng 30m. Mỗi khi
sóng đánh vào, mặt nước lên cao khoảng cả 5m đến 8m, cho tôi cảm tưởng rất gần,
có thể phóng xuống được. Tôi mơ màng đoạn Papillon liệng bè dừa khô, rồi nhảy
xuống vịnh sâu từ trên đảo Diable và nhờ con sóng Lisette cuốn ra khơi. Hiện
trong xách tay tôi còn nằm trên xe có một cuốn Papillon của Henri Charrière do
nhà Robert Laffont xuất bản, dày như một cuốn Tự điển, đi đâu tôi cũng lè kè
như vật bất ly thân. Tôi đọc lui, đọc tới những đoạn mình thích gần như thuộc
nằm lòng.
Hôm nay, khoảng vài ngày sau rằm, trăng lưỡi liềm vẫn còn soi mờ mờ trong
hang. Tôi bắt đầu ngủ chập chờn. Lâu lâu có tiếng ho vọng vào cho tôi biết tên
áp dẫn mình vẫn còn nằm trên miệng hang. Tôi trở mình, giả ú ớ vài tiếng như mê
ngủ, nhưng thiệt tình không sao ngủ được. Phần muỗi cắn, phần nghĩ đến sáng mai
mình bị bắn thì làm sao đây. Bây giờ tìm cách mở trói, lao xuống hang, vào Lăng
Cô tìm học trò, nhờ tụi hắn vài hôm rồi kiếm đường lên Huế, hay vô lại Đà Nẳng.
Chuyện này không đơn giản. Mà thoát đi đâu khi lý lịch ghi rõ trong tờ xác nhận
đã trình diện ở Đà Nẳng.
Chịu khó động não, suy nghĩ lại từ đầu. Vì sao thằng trưởng toán nổi điên
lên khi cầm cái thẻ giáo chức? Một ngàn nghi vấn vì sao, vì sao…lẫn quẫn trong
đầu. Không có câu trả lời khả dĩ chấp nhận được. Một hồi, trong đầu cũng vo ve
tiếng muỗi kêu như đang bu đầy trên mặt tôi. Mệt lã, tôi thiếp đi.
Khi tôi thức giấc trời đã mờ mờ sáng. Khát nước đến khô rốc cổ, nhìn quanh
không thấy lu vại gì mà cũng không dám kêu thằng áp dẫn. Tôi nằm nghiêng cho đở
đau vai, lắng nghe tiếng sóng buổi sáng đập nhè nhẹ vào vách núi. Tôi nghĩ hang
này chắc không phải là hang Dơi, vì nếu đã thành danh thì phải có nhiều dơi, mà
đã nhiều dơi thì muỗi đâu quá trời thế này.
Trời sáng dần lên, đã thấy rõ phía bãi Lăng Cô. Ngồi đây nhìn xuống vịnh
biển dưới sâu, ước lượng vịnh này nằm khoảng giữa chân và đỉnh đèo. Hang tôi
đang nằm như một mõm núi nhô ra ngay trên đầu vịnh. Sóng biển nhè nhẹ thấy
không nguy hiểm như chiều qua. Cở này chắc chẳng cần con sóng Lisette nào, cũng
có thể nhảy xuống, bơi qua bãi Lăng Cô. Nhưng rồi làm gì sau đó…
Loanh quanh lại trở về thế phải chịu đựng, mềm mỏng, coi thử sáng nay mọi
chuyện tới đâu. Đang miên man suy nghĩ thì nghe ba tiếng súng từ phía ngoài
đường xé tan im lặng của buổi sáng. Tiếng vang trong hang ngân dài, làm chim
chóc vụt bay tán loạn. Phút sau có bước chân tên áp dẫn trên miệng hang lần
xuống. Tôi nhỏm dậy, chưa kịp xoay mình, đã nghe tiếng sột soạt của bao cát
chụp vào đầu, rồi một giãi khăn bịt mặt cột ngoài bao cát như chiều qua. Lại
tối đen, lại bàn tay nắm cổ, dẫn bước lên con đường quanh co ngược lên triền
dốc.
A! Như vậy ba phát súng vừa rồi là ám hiệu dẫn tôi ra trở lại bên đường. Tôi
được cất miếng vãi và bao cát, được cỡi trói. Đúng như vậy, tôi đang đứng ngay
ở chổ hôm qua xét giấy. Trước mặt cũng ba người nhưng tên trưởng toán không
thấy mà thay vào đó là một người trung niên, đen, tầm thước, và có nụ cười thân
thiện.
Tôi được chào hỏi lịch sự, được hoan nghênh chuyện ra Huế, trở về nhiệm sở
cũ. Sau đó tôi nhận lại tờ giấy xác nhận trình diện ở Đà Nẳng và thẻ giáo chức.
Tấm thẻ bị đập nát góc có lá cờ VNCH, đập manh mún và tưa ra y như đã dùng đá
hay đế bán súng chần nát.
Người trung niên còn nói về chuyện kiểm soát nghiêm nhặt do có tin tàn quân
Mỹ Ngụy kéo ra Huế vì nghe tên tướng Trưởng còn cố thủ trên Trường Sơn, nên chi
mới có chuyện giữ tôi một đêm. Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện, và được phép
dùng xe lên Huế. Chiếc Yamaha đã được đưa xuống sát bên đường, và xách tay vẫn
được buộc ở yên sau. Tôi chỉ đợi lúc này, và sau khi chào ba người, tôi rú xe
xuống đèo. Mức xăng xuống gần cạn, chứng tỏ chiếc xe được dùng rất nhiều trong
đêm rồi. Chắc để tìm người trung niên chỉ huy vừa gặp.
Tới Lăng Cô, tôi dừng xe trước một quán nhỏ, mái hiên lăn lóc các bộ khung
để vá hấp ruột xe. Một người đàn bà đang quét dọn. Tôi hỏi mua vài lít xăng và
bà ta ngoái ra phía sau kêu lớn:
– Nghệ ơi! đem xăng ra bán.
Một thanh niên cầm ống hút và can xăng bước ra buột miệng:
– Thầy đi mô mà sớm rứa?
Té ra là Nghệ, một học trò đang học lớp 12A. Tôi nói Nghệ đổ đầy cho thầy
rồi nói chuyện. Tôi kể từ đầu chuyện xảy ra từ hôm qua đến sáng nay, tả hình
dáng, thái độ tên trưởng toán và đưa cho Nghệ coi tấm thẻ giáo chức bị dần nát
góc lá cờ VNCH. Người đàn bà là mẹ của Nghệ chăm chú nghe và vụt ra sau bếp bắt
nồi cơm.
Nghệ kéo tôi vô nhà và ôm vai tôi thì thầm:
– Thầy may lắm đó. Gặp thằng Trân mà không chết. Thằng này nỗi tiếng trong
vùng từ Đá Bạc lên chân đèo. Hắn chính là tên trưởng toán. Hắn đúng ra là cu
Trâu, vì lúc nhỏ giữ trâu, rồi nhảy núi. Bây giờ hắn thành tên Trân.
Tôi cãi lại Nghệ:
– Nhưng thầy đã đưa giấy tờ và thẻ giáo chức cho nó biết rồi mà.
Nghệ lắc đầu:
– Thằng Trân đâu có biết chữ. Chắc nó thấy cái thẻ có cờ VNCH tưởng là thầy
cấp cao trong chế độ cũ. Vậy mà nó chưa bắn thầy là mạng thầy to lắm.
Tôi rùng mình và kể tiếp chuyện xãy ra đêm rồi. Mẹ Nghệ bưng nồi cơm từ dưới
bếp lên. Bà nói đùa, giọng vui vẽ:
– Mời thầy dùng chén cơm buổi sáng cho ấm bụng. Chỉ có cơm ăn với mắm sò
thôi nhưng xem như ăn mừng. Xin cám ơn Trời, Phật.
Tôi thắc mắc vì sao lại bị bịt mắt khi dẫn vô và ra sau núi, rồi mô tả vị
trí cái hang, quang cảnh trong và ngoài hang, xem Nghệ có biết và có đúng là
hang Dơi không. Nghệ quả quyết:
– Đó là phần phía trên núi, phía dưới mặt biển mới là hang Dơi. Tụi nó dùng
phần hang trên làm nơi đóng quân, cho chốt kiểm soát ngoài đường. Chắc vì lý do
bảo mật, mà tụi nó bịt mắt thầy khi dẫn ra dẫn vào.
Tôi ăn đến hai chén cơm đầy, ngon miệng với mắm sò. Chào từ giã Nghệ và bà
mẹ Nghệ, tôi đùa:
– Cháu phải đi. Chỉ cầu mong giữa đường không gặp thêm ông Trân nào. Nếu
không nhờ ơn Trên, giờ này cháu đã bập bềnh trong hang Dơi rồi.
Tôi rú xe lên Huế, nơi có chắc chắn cả chục thằng Trân đang chờ.
Lê Quang Thông
Frankfurt, Germany