Để tưởng nhớ Nhatrang
Cởi bỏ cặp kính mát ra, Khuê đưa mắt nhìn qua một lượt khắp
gian nhà từ đường. Gian nhà này mãi cho đến khi sắp mất đi cha Khuê mới chịu
làm giấy tờ để lại cho Hương, người con gái út, vì lý do tất cả những người con
khác đều lần lượt ra đi.
Đôi mắt Khuê không khỏi dừng lại nơi cái trần nhà gỗ mục,
nơi từng cánh cửa tróc sơn, nơi cái nền nhà lót gạch ca-rô miếng sứt miếng bể
miếng biến mất đàng nào. Khuê chợt có ý nghĩ là nếu không chịu khó đi đứng cẩn
thận thì chắc chắn thế nào cũng có lúc nàng sẽ vấp ngã chổng gọng ngay trong
gian nhà mà ngày xưa nàng đã từng sinh sống suốt thời tuổi trẻ. Ôi, cái thời tuổi
trẻ! Lòng Khuê bỗng dưng buồn rũ xuống.
- Tí ơi, me và dì về rồi.
Tiếng gọi bất thần của Hương giúp Khuê cơ hội dứt bỏ dòng ký
ức để quay về với hiện tại. Từ trong gian phòng đối diện, Khuê nghe có tiếng «dạ»
lớn xen kẽ giữa tiếng rì rầm chuyện vãn của nhiều người khác. Phải một lúc sau
cánh cửa phòng mới bật mở và cái bóng cao lớn của đứa cháu trai phóng ra nhanh
như tên bắn.
- Con xin lỗi me, con đang dạy tụi nó học nửa chừng...
Chưa nghe dứt câu, Hương đã sừng sộ lên bằng cách quắc ngược
hai con mắt, mở rộng miệng ra, nạt lại ào ào.
- Vòng tay lại thưa dì liền đi!
Vẫn đóng đinh tại chỗ, Khuê đưa mắt trân trối nhìn cảnh tượng
đang xảy ra quanh nàng. Đứng trước mặt Khuê là Tí, cậu con trai thứ hai của
Hương đồng thời cũng là đứa cháu gọi Khuê bằng dì ruột. Nó cũng lớ ngớ vụng về
không khác gì Khuê. Có khác chăng là nét trẻ trung tươi thắm và sự hiền lành bẩm
sinh in rõ mồn một trên nét mặt và trên nụ cười nở rộng đến mang tai của nó.
Thoạt nghe tiếng mẹ nhắc, nó vội vàng nhích chân tới trước, hai cánh tay khoanh
tròn, lễ phép cất tiếng chào Khuê.
- Dạ thưa dì, con là Tí, con rất sung sướng được...
Miệng cười cười, điệu bộ lúng ta lúng túng; phần sau của câu
nói đó bị nuốt chửng đâu từ trong cổ họng. Nhìn nó, Khuê ngạc nhiên quá đỗi.
Mãi sau, nhớ sực lại, nàng mới gượng gạo trả lời .
- Bỏ tay ra đi, Tí ơi ! Cháu của dì cao lớn và chững chạc
như vậy rồi mà me Hương còn bày đặt bắt ne bắt nét .
Làm như câu nói thậm... vô duyên của bà chị không hề để lại
một dấu ấn to nhỏ nào trong nếp suy nghĩ thường nhật của mình, Hương cứ tỉnh
bơ, ngoay ngoảy bỏ đi xuống bếp. Vừa đi vừa đay đảy nói với lại:
- Không lo xách va-li của dì vô phòng đi, còn đúng ỳ ra đó
làm gì nữa.
Thằng cháu thả vội hai vòng tay ra , lại “dạ,” lại cúi đầu
cúi cổ lo khệ nệ xách hai chiếc va-li to tổ bố vô phòng. Đợi nó đi khuất, Khuê
cũng lần mò đi xuống dãy nhà sau. Vừa đặt chân tới cửa bếp, chưa gì Khuê đã tần
ngần đứng lại. Một nỗi hồi tưởng xa xôi từ đâu chợt trờ tới làm Khuê muốn nhân
tiện thử nhìn ngắm lại cái khoảng không gian tưởng chừng như không có giá trị
bao nhiêu nhưng lại là nơi chốn gói ghém và gìn giữ của nàng rất nhiều kỷ niệm
êm đềm. Vì gian nhà bếp, coi vậy, lại chính là chỗ ở thời niên thiếu ấy, Khuê
thường có thói quen la cà nhiều nhất. Vì đói bụng, vì ham ăn, vì khoái... tán
dóc, Khuê hay mò xuống đó, lúc lăng xăng nếm thử món nầy pha chế món khác, khi
bịa chuyện ba hoa chích choè cả giờ dài mà số thính giả lúc nào cũng chỉ gồm có
mẹ và đám người làm. Giờ nầy bóng mẹ không còn nữa, đành rồi, mà ngay cả bầu
không khí nhộn nhịp đầm ấm và đầy đủ xưa kia cũng không thấy tăm dạng đâu nữa.
Còn lại chăng là một gian phòng bề bộn, xuống cấp đến thảm hại với bốn bức tường
đen đủi vì khói bếp, u ám vì mạng nhện và bồ hóng phủ đầy.
- Chị ngồi xuống đây đi, chị.
Đang bần thần, nghe tiếng mời, Khuê lật đật ngồi xuống trên
chiếc ghế đẩu kê sát bên Hương. Không muốn tâm trạng mình cứ ngụp lặn hoài
trong vũng lầy lê thê của dĩ vãng, Khuê bèn tự ý gợi lại trong đầu hình ảnh của
thằng Tí, đứa cháu nàng vừa gặp mặt, rồi lên tiếng trước.
- Nè Hương, lúc nãy cháu Tí đang bận dạy học trò, tại sao em
lại kêu réo nạt nộ nó kiểu đó? Mà, kể ra nó cũng quá dễ thương, chị không thấy
nó tỏ vẻ nhăn nhó hay bực bội gì hết. Chẳng lẽ lúc nào nó cũng dễ dạy dễ bảo
như vậy sao, Hương?
Vẫn tiếp tục cúi xuống lo sắp dọn bàn ăn, Hương thờ ơ đáp lại:
- Ai cho phép nó nhăn nhó, hả chị? Em nói năng với nó như vậy
có thấm thía gì đâu mà chị gọi là nạt nộ? Hồi nãy, nếu không có chị đứng đó thì
em đã thẳng tay tặng cậu ta năm bảy cái tát đến toé lửa ra rồi.
Hai con mắt Khuê trợn ngược lên thiếu điều muốn lọt tròng ra
ngoài.
- Trời đất! Em nói thật hay nói giỡn vậy, Hương? Bộ em có
đánh đập tụi nó nữa sao, Hương?
Dừng tay xếp rau, ngước mặt lên chăm bẵm nhìn chị, cặp mắt
Hương cũng tròn xoe không kém.
- Tại sao lại không dám đánh tụi nó, hả chị? Gặp phải trường
hợp con cái hư đốn thì kẻ làm cha mẹ có bổn phận phải lo uốn nắn dạy dỗ chúng lại.
Điều đó có gì lạ lùng và sai trái đâu mà chị phải thắc mắc.
Nói xong, không đợi nghe câu trả lời Hương thả rơi cọng rau
xuống bàn, đưa hai tay lên múa may, miệng nói huyên thiên đến sùi cả bọt mép
ra.
- Chị biết không, mới tuần trước đây chớ có lâu lắc gì cho
cam có một bữa sau khi tan sở, cậu Tí nhà ta nổi hứng bất tử đi ta bà tán dóc ở
đâu không chịu về nhà liền, làm cả nhà phải đợi cơm. Mãi đến khi trời tối mịt
anh chàng mới lót tót mò về. Nổi xung thiên lên, em xách chổi chà xông ra xán
cho một trận... nhớ đời.
Đôi mông Khuê cơ hồ muốn nhổm hẳn lên trên ghế.
- Cha mẹ ông bà ơi! Vậy, nó phản ứng ra sao?
- Nó quýnh quáng lo dựng xe rồi nhào đại vô, quỳ gối xuống
dưới chân em, miệng van xin trối chết: “Con lạy me tha cho con; từ nay con xin
chừa.”
“Đến nước đó nữa sao?” Khuê dừng nghe, lẩm bẩm nói. Trong
phút chốc, quê hương xưa, gian nhà cũ, chị em con cháu, thân bằng quyến thuộc tất
cả cùng một lần tiêu tan theo mây khói để Khuê đứng lại một mình bơ vơ với biết
bao nỗi niềm cách biệt, với biết bao thử thách, cam go và trắc trở liên tục mà
cuộc đời đã đặc biệt dành riêng cho nàng kể từ lúc mới cất bước ra đi.
- Dì Khuê ơi, con đây: thằng Tèo!
Có tiếng người vang lên đâu đó lẫn lộn giữa tiếng động ồn ào
của máy xe hông-đa. Giật mình, Khuê ngơ ngác nhìn quanh; bên cạnh nàng tuy vẫn
đứng yên tại chỗ, nhưng Hương đã quay mặt ra sân, ngoác miệng quát lớn:
- Tèo, nói với ai mà oang oang cái miệng kiểu lạ đời vậy?
Con với cái, thiệt tình!
Khuê xô ghế đứng dậy. Ngoài sân, bóng dáng cậu con trai trưởng
của Hương đã lồ lộ hiện ra. Vì vừa từ nơi xa về, gió bụi đường trường phủ lên
cơ thể nó một màu đất lấm lem bê bết. Vừa lúi húi lo dựng xe, nó vừa xuýt xoa
lên tiếng biện minh.
- Mừng quá con sơ ý! Con xin lỗi me và dì.
Nói xong, ba chân bốn cẳng nó phóng lên, sà tới ôm siết tấm
thân còm cõi của mẹ nó, hôn hít tới tấp. Hôn mẹ xong, nó ngập ngừng tiến lại
bên Khuê. Một tay đưa lên gãi lấy gãi để mái tóc bờm xơm dựng đứng, tay kia nó
xoè ra túm chặt khừ phần áo bị rớt đâu mất đôi ba hột nút. Nó nhìn Khuê, cặp mắt
hoe đỏ chớp lia chớp lịa, vành miệng hé mở nửa muốn nói nửa muốn dừng. Lom lom
nhìn lại nó, bỗng nhiên Khuê bồi hồi xúc động, nàng cuống quít đưa tay ra ôm chầm
lấy nó.
- Tội nghiệp cháu tôi! Xa xôi quá cháu về làm gì?
- Con về thăm dì, mấy mươi năm rồi con chưa được gặp dì.
“Mấy mươi năm rồi!” một lời than thân hay một lời trách móc?
Khuê cúi mặt, ngó lơ qua chỗ khác. Vừa may, không biết đang đứng xớ rớ ở đâu
Hương lại chen vô nói, cũng cùng một giọng kênh kiệu của người trên quen ban lệnh
cho kẻ dưới.
- Tèo, bỏ mấy cái xắc trên vai xuống đã. Cái thằng nầy, lúc
nào mày cũng luộm tha luộm thuộm in hệt gã đánh bạc vừa rã sòng bài.
Nghe khôi hài, Khuê nhếch mép cười, buông vội thằng cháu ra,
giả lả nói:
- Hai cháu đã là ông nầy ông nọ với người ta, tại sao em
không gọi chúng bằng tên ghi trong khai sanh mà cứ Tèo với Tí hoài vậy,
Hương ?
- Kệ cha tụi nó, chị ơi! Chị cứ “đội” tụi nó lên, hai ông nội
này hư mấy hồi.
“Thì ra...” Khuê lại thần người ra, lại loay hoay giữa hai ý
nghĩ xô đẩy nhau trong đầu: nàng đang ngoái nhìn vào chỗ nội tâm sâu kín nhất của
lòng mình hay đang thật sự đứng ngoài để săm soi nhìn người khác sống. Thấy nét
mặt của Khuê đột nhiên đờ đẫn hẳn ra, tưởng đâu bà chị buồn lòng vì câu trách
móc vừa rồi, Hương bèn đánh trống lảng.
- Chị coi, thằng Tèo từ Ban Mê Thuộc chạy về cho nên người
ngợm bị xách gì của nó cũng phủ đầy đất đỏ.
Lấy tay chỉ hai cái xắc may bằng thứ vải bố mòn vẹt, phồng
to như sắp rách, Hương kể lể tiếp.
- Thằng Tèo hiện hành nghề bác sĩ tại bệnh viện trung ương
Ban Mê Thuộc. Cứ mỗi đầu tháng lãnh lương xong nó lại vượt núi vượt đèo xông
xáo chạy về đây đem theo một phần tiền lương gọi là để bố mẹ tiêu thêm. Phần
còn lại chỉ vừa đủ để nó lo trả tiền nhà, tiền cơm tháng, tiền...
Nghe đã lạ tai, lại nhìn quanh quất chẳng thấy bóng dáng thằng
cháu đâu, Khuê nảy ý định tạm thời thử gác qua một bên mọi chuyện đúng sai xa gần
để tìm hiểu cặn kẽ thêm chút nữa một vấn đề đã từ lâu vẫn làm nàng canh cánh
bên lòng.
- Vậy, cháu Tèo lấy tiền bạc đâu ra để mua quà cáp? Chị muốn
biết đã có bao giờ em lên tiếng khuyên bảo hai anh em chúng nó phải đối xử thế
nầy thế nọ với bố mẹ hay không?
Đưa tay lên miệng che một tiếng ngáp dài, Hương đáp, giọng mệt
mỏi hẳn đi.
- Ôi, nó lớn chừng đó rồi, cần gì ai khuyên bảo nữa, chị?
Còn chuyện nó lấy tiền bạc đâu ra để mua quà cáp và để lo đổ xăng đổ nhớt chạy
về chạy lên thì thiệt tình em cũng không biết. Chắc cậu ta chạy vạy quanh quẩn
hoặc có đi khám bệnh, chích thuốc dạo chút đỉnh thêm chăng.
Vừa nói Hương vừa cúi xuống mở tung hai cái xắc to tướng ra.
Liếc nhìn qua, Khuê thấy nào măng, nào nấm, nào mật ong, nào... Còn nhiều thứ lỉnh
kỉnh khác nữa nhưng phần vì lâu ngày quên mất tên, phần vì cám cảnh riêng tư
Khuê giả lơ không buồn nhìn tiếp.
*
Ăn uống qua loa, tắm rửa qua loa, Khuê hối hả đi tìm chỗ ngả
lưng. Đèo đẽo theo sau chị, Hương đưa tay ra chỉ cái giường đôi có đặt sẵn cặp
gối song song, áy náy nói:
- Chị ngủ đỡ ở đây, với em.
- Còn chú San, chú ấy ngủ ở đâu?
San là tên chồng Hương, cũng là người em rể độc nhất của
Khuê.
- Ảnh ngủ ở ngoài kia kìa. Chị đừng lo, chồng em tánh vốn xuề
xòa ăn ngủ thế nào cũng được; miễn sao vợ con no ấm là ảnh sung sướng lắm rồi.
Làm như không nghe, Khuê chuồi đại lên giường. Hương cũng
lên theo, miệng lảm nhảm những gì mà chính Khuê biết rõ là nàng không còn lòng
dạ nào để lắng tai nghe tiếp. Nằm dài trên chiếc giường có lót tấm nệm chỗ lồi
lên chỗ lõm xuống, duỗi thẳng hai ống chân giữa khuôn viên cái mùng tuynh vàng
khè thấp chủn, Khuê có cảm tưởng như nàng vẫn còn đang ngồi gật gà gật gưỡng giữa
lòng chiếc máy bay bịt bùng từ mấy ngày trước. Vì, chỉ nội trong một khoảng thời
gian kỷ lục chưa tới hai ngày tròn, cái tâm trạng chao đảo của Khuê đã phải bứt
lìa một thế giới này để chập choạng bước tới và tập tành làm quen với một thế
giới khác, vừa cách xa vời vợi vừa gần gũi trong gang tấc. Một thế giới hứa hẹn
sẽ mang đến thật nhiều cơ hội để trở thành lạ lẫm ngay với kẻ đã từ đó mà ra,
đã vì đó mà về.
Có tiếng ai vừa khóc rỉ rả kế bên tai. “Cái gì đến, không đến
trước cũng đến sau...” Nghĩ bụng vậy, Khuê đành nén tiếng thở dài, quay qua Hương
lên tiếng an ủi:
- Chị đã về đây rồi có chuyện gì buồn em cứ việc nói ra,
khóc lóc làm gì nữa.
Hình như đó chính là câu nói Hương đang mỏi mắt chờ nghe.
Như giòng sông đầy ứ chỉ cần một vết nứt nhỏ ở bờ đê là vùng lên, chảy tràn lan
ra tứ phía.
- Chị thử tưởng tượng coi... Thời anh San còn ở tù, em một
nách hai đứa con dại. Mọi kẻ thân sơ đều xa lánh. Của cải, phần bị tịch thu phần
bán dần bán mòn. Đến khi sạch bách, thú thật với chị là đã có nhiều lúc em muốn
lấy dao cứa cổ hai thằng con rồi tự tử theo. Nhưng, khi nghĩ đến cảnh chồng tù
tội, cảnh cứ mỗi bận thăm nuôi, anh ấy lại dài cổ ra đứng nhìn về phía cổng trại,
ngóng chờ bóng dáng của vợ con... Em đành...
Dừng lại một lát, Hương tức tưởi kể tiếp:
- May mà, về sau thỉnh thoảng chị thương tình có gởi quà về
giúp đỡ cho.
“Về sau, thỉnh thoảng,” Khuê lặng ngắt cả người. Tại sao lại
về sau? Tại sao lại thỉnh thoảng mà không thường xuyên và lập tức như hoàn cảnh
cho phép và như những ân tình trọn vẹn của biết bao kẻ ra đi khác đã chu toàn với
thân nhân của họ? Đưa tay lên miệng chặn lại một tiếng khóc sắp bùng ra, Khuê cố
tình dí sát sống lưng nàng xuống sâu dưới mặt nệm. Làm như cái cử động âm thầm
và tự phát đó có mang theo công dụng vừa quơ quào về vừa đẩy lùi xa mọi thứ tội
lỗi của nàng vào tọt dưới giếng sâu hoặc vào tuốt tuột trong vũng tối mịt mù.
Không phải vậy sao? Không phải vì cái tội dám lận lưng trọn gói, rồi bằng một
cú một, dám đem đánh cá cả cuộc đời dài lâu của mình cho một ván bài mà lời lãi
thâu về hứa hẹn thuần bằng một thứ tương lai phù du và huyễn hoặc hay, quá lắm,
một loại ngày mai, họa may ra, chỉ hiện diện trong những trang tiểu thuyết rẻ
tiền. Một khi đã đành hanh, đã tự ý tự thị đến nông nỗi đó thì đừng hòng còn cơ
hội để có thể hết lòng hết dạ với bất cứ một ai. Năm thì mười hoạ, được chăng
hay chớ. Đáng lẽ ra...
- Ở đây ai cũng nói vì chị khôn ngoan cho nên chị luôn luôn
thành công còn em vì ngu dại cho nên lúc nào em cũng thất bại.
Từ lúc nào, Hương đã thôi khóc để trở giọng than thân trách
phận. Tuy nằm im, Khuê vẫn bật miệng mỉm cười chua chát.
- Em căn cứ vào đâu để định nghĩa mấy từ khôn dại, thành
công hay thất bại? Theo chị, giữa hai chị em mình em mới là người thành công
đúng nghĩa nhất.
- Thành công gì! Em nghèo rớt mồng tơi.
Khuê chống tay ngồi rột dậy, cho những lời nàng sắp sửa nói
ra còn có vẻ chân thật và sống động hơn chút nữa.
- Hãy nói cho chị nghe, em định nghĩa ra sao về hai chữ hạnh
phúc. Dầu định nghĩa thế nào chăng nữa thì em cũng không nên quên rằng hạnh
phúc nhất định không phải là một kiện hàng đóng gói sẵn; vì vậy không thể lấy
tiền bạc ra mua sỉ rồi ký cóp mang về nhà, cất giấu, xài dần.
Đợi cho cái ý tưởng bất ngờ có đủ thì giờ xâm nhập vào sâu
trong bộ óc của người nghe đâu đó cả rồi, Khuê mới từ từ hạ câu kết luận đầu
tiên.
- Nếu có thể khởi đi từ con số một thì chị long trọng thề
nguyền rằng: chị sẽ ngày đêm cầu xin ơn trên cho gia đình chị được kẹt lại suốt
đời ở đây. Rồi, người ta sao, mình vậy.
- Chị nói vậy chớ ở đây từ đứa con nít cho đến ông già chống
gậy ai ai cũng muốn đi.
- Vì họ chưa nếm thử. Vì họ chưa biết hết. Vì họ cũng như chị.
Vì thói đời hễ “đứng núi nầy thì trông núi nọ.”
Nằm im một hồi, Hương lại ngập ngừng cất tiếng. Lần nầy, giọng
nói đã mang hơi hướm của một kẻ đứng ngoài.
- Em nghe nói ở bên đó ông anh rể của em học hành đỗ đạt còn
các cháu thì đứa nào như đứa nấy đều...
Như vừa bị nọc con ong vò vẽ chích nhằm chỗ nhược, Khuê đùng
đùng nổi giận.
- Đó là cái giá chị phải trả. Ở đời, được cái này thì mất
cái khác. Hương ơi, em đừng bao giờ quên rằng thành công là một chuyện còn hạnh
phúc lại là một chuyện khác. Hạnh phúc giả tạo dùng để che mắt người khác, hay
hạnh phúc đích thực ngự trị ngay trong lòng mình?
Đầu mối câu chuyện, chỗ gút mắt của vấn đề đã có mòi ló dạng
ra rồi. “Đành vậy!” Chép miệng, Khuê hạ giọng thủ thỉ.
- Em có tin rằng ở bên kia, bầu không khí trong gia đình chị
hoàn toàn không phải như ở tại nhà nầy. Nếu ở đây ấm thì bên chị lạnh, nếu ở
đây gần thì bên chị xa...
- Tại sao vậy, chị? Có thể nào chị nói hết cho em nghe, được
không?
Khuê bật cười thành tiếng lớn.
- Có gì hay ho và mới mẻ đâu mà em đòi nghe? Luật đời, cứ
“giang sơn nào thì anh hùng đó.” Bột pha cùng liều lượng, cùng phẩm chất nhưng
sau khi được trút từ cái khuôn ra thì cái bánh lại mang hình dạng y nguyên của
cái khuôn.
Ngưng nói, lục tìm lại trong ký ức xem có hình ảnh nào sát
nghĩa và cụ thể hơn chăng, cuối cùng Khuê ngại ngùng nói tiếp:
- Em còn nhớ câu “ai đem con sáo sang sông. Cho nên con sáo
sổ lồng bay xa,” không? Con sáo vốn là con vật có cánh có lông, bản năng thích
bay nhảy, thích trời cao mây rộng; vậy, đâu ai hoài hơi đi trách móc nó vong ân
bội nghĩa; có trách chăng là trách kẻ đã... thày lay mang con sáo sang sông.
Hình như sự cố gắng đến tối đa của Khuê vẫn chưa đủ sức làm
thoả mãn sự tò mò to lớn của người nghe. Không còn dừng được nữa, Hương hỏi đại:
- Chị... có ý định gì không?
- Có một ngày không xa chị sẽ trở về luôn.
Có tiếng cựa quậy, rồi Hương ngồi hẳn dậy:
- Trở về luôn? Bộ chị định bỏ hết...
- Đã được gì đâu mà bỏ với không bỏ? Suy cho cùng, rồi đâu vẫn
hoàn đó, em ơi!
Mò tìm bàn tay chị, cầm giữ tro tro giữa lòng bàn tay mình,
giọng Hương sũng nước mắt .
- Tội nghiệp chị! Mà, chị đã suy nghĩ kỹ chưa? Chị về, em mừng;
nhưng ở đây, ngoài vợ chồng em và hai cháu ra, chị đâu còn ai, đâu còn gì?
Giật nhẹ hai bàn tay ra, Khuê xoay lưng nằm lại xuống giường.
Quay mặt vào vách, nhắm tịt hai con mắt lại, Khuê nói, nói liên miên; không
thèm để ý đến chuyện bà em có hết lòng lắng tai nghe hoặc nếu có chịu nghe thì
có hội đủ khả năng để thấu hiểu hết cái ý nghĩa mơ hồ lộn xộn ngầm chứa trong lối
lý luận hồ đồ mà nàng sắp sửa xổ tung ra, hay không.
- “Trăm dâu đổ đâu tằm,” lỗi tại chị. Ngay từ thuở ban đầu
chị đã không hiểu chị. Chị cứ nhắm mắt nhắm mũi đi theo con đường kẻ khác vạch
sẵn mà quên bẵng đi rằng mỗi người ra đời với những yếu tố di truyền khác nhau,
khả năng khác nhau, hoài bão khác nhau. Chị mải miết đi tìm cái xa xôi, cái của
người, cái mình ghét mà xao lãng cái cận kề, cái của mình, cái mình thương mình
quí. Điều chị cần và cần thật, cái chị thương và thương thật là chị được sinh
ra, lớn lên và chết đi ngay trên chốn chôn nhau cắt rốn của mình. Để khi sống,
chị còn được hả hê khóc cười với thứ văn minh... tụt hậu của quê hương. Lúc trẻ,
chị được nuôi dưỡng bằng loại đạo đức quê mùa và lúc già nua tuổi tác chị được
đoanh vây ấp ủ bằng nếp sống và lối cảm nghĩ... xưa như trái đất của ông bà tổ
tiên mình lưu truyền lại. Và truyền lại đời đời kiếp kiếp cho đến tận thế hệ của
hai đứa cháu nhà nầy nữa. Đáng khen thay!
Đang ú ớ, Hương đã nghe bà chị lên giọng lại, để phán câu cuối
cùng.
- Ngày nào chị trở về... Ngày nào chị mất đi... Đây là lời
chị dặn: em đừng bao giờ bận tâm về việc lo xây mồ dựng bia cho chị. Cứ việc lấp
sơ sài, rồi để mặc cho mưa nắng dãi dầu. Về sau, lúc nào thư thả em hãy tìm mua
vỏ sò vỏ ốc vỏ nghêu đắp vun chùn lên ngôi mộ đất đó; hai bên mộ em trồng thêm
hai loại cây, một bên là một bụi môn sáp vàng cho ba và bên kia là một dây trầu
không cho mẹ. Đó là cái chị còn. Đó là điều chị có.
Québec, tháng 04/07
Hồ
Phổ Lại