Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, cho tới nay, Tàu
chưa lùi bước trước hăm dọa và áp lực của Mỹ, mà vẫn cố giữ lập
trường không khoan nhượng. Phát ngôn nhân của Bộ Thương mại tàu nói
với báo chí “Chính Mỹ mới là nguồn gốc của cuộc chiến thương mại
này, chúng tôi không muốn nhưng chúng tôi không có chọn lựa nào khác
là chúng tôi phải đánh trả vì quyền lợi của nhân dân. Và Tàu đang
đánh động lòng yêu nước để vận động dân chúng chống Mỹ, bài Mỹ. Nghĩ
sẽ bán trái phiếu Mỹ nhưng có lẽ Tàu sẽ không bán mà sẽ tung ra một
đòn mới là khóa vòi đất hiếm mà Mỹ và các nước công nghệ phát triển
Âu Châu, Nhật và Đại Hàn đang cần trong công nghệ cao.
Một thứ chiến tranh mới mà Tàu sẽ khai chiến. Người
ta gọi đó là một cuộc “chiến dơ bẩn”!
Chiến tranh thương mại và chiến tranh lạnh
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang
nhanh chóng leo thang thành một trận đấu sinh tử nhằm tranh giành ngôi vị thống
trị thế giới về kinh tế, công nghệ và quân sự. Nhưng khi quyển “Chiến tranh là
không tránh được: Mỹ và Trung Quốc có tránh được Bẫy Thucydides?” (Destined
for War can America and China Escape Thucydides’s Trap) của Giáo sư Đại học
Harvard, ông Graham Allison, xuất bản (tác giả nhắc lại trong 16 cuộc cạnh
tranh giữa các nước mới phát triển và các cường quốc, thì có 12 trường
hợp đã dẫn đến chiến tranh), thì Xi Jinping mở lời trấn an mọi người
rằng “Trung Quốc sẽ không xâm phạm tới an ninh và quyền lợi của
bất kỳ nước nào khác”. Tức câu chuyện xưa Thucydidesngày nay sẽ
không thể là một ám ảnh nữa được.
Sau những biện pháp trừng phạt bằng thuế quan và
đánh thẳng bằng những cú trí mạng vào những xí nghiệp công nghệ
lớn của Trung Quốc, Mỹ còn lên án Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng hiện
nay. Trump nhắc lại từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001,
Trung Quốc đã thu về được những lợi ích của hệ thống thương mại và đầu tư
toàn cầu, mà vẫn không chịu thực hiện các nghĩa vụ của mình, chỉ biết lợi
dụng triệt để luật lệ và hệ thống kinh tế tự do. Trung Quốc đã giành được
những lợi thế một cách bất công, còn ăn cắp tài sản trí tuệ, bắt buộc các
công ty ngoại quốc làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, trợ cấp
cho các công ty trong nước,... Đồng thời, nhà cầm quyền Trung Quốc ngày
càng độc tài hơn, càng trắng trợn vi phạm nhân quyền hơn, đặt caméra
khắp nơi giám sát từng biểu hiện thái độ của dân chúng để kịp
trừng phạt,...
Còn Trung Quốc thì không chấp nhận sự việc là Mỹ
ngăn không cho họ vươn lên thành siêu cường hoặc không cho họ thể hiện sức mạnh
và ảnh hưởng hợp pháp của họ ra thế giới như Mỹ đã làm. Cho rằng mình
cũng là một cường quốc, Trung Quốc có mở rộng sự hiện diện của mình trên
trường quốc tế, đó chỉ là điều tự nhiên. Và các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh
khẳng định rằng chế độ của họ đã cải thiện phúc lợi vật chất cho 1, 4 tỷ người
Trung Quốc trong thời gian nhanh nhất. Đó là Trung Quốc không chỉ tôn
trọng nhân quyền mà còn thực thi nhân quyền một cách thiết
thực!
Mỹ đang đẩy cuộc chiến thương mại, kinh tế với Trung
Quốc lên một nấc thang mới nữa: hạn chế những khoản đầu tư trực tiếp của
Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm và theo đuổi bảo đảm thế thượng phong của
phương Tây trong các ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo và 5G,
áp lực các đối tác và các đồng minh để những nước này không hợp tác với 5G
của Trung Quốc và không tham gia “Một vòng đai, Một con đường”, một
chương trình tham lam của Trung Quốc nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở từ Á qua
Âu và Phi châu. Mỹ cũng đang gia tăng các cuộc tuần tra hải quân ở Biển Hoa
Đông và Biển Đông, những khu vực mà Trung Quốc tự khẳng định hoàn là
lãnh thổ và lãnh hải của họ một cách hoàn toàn vô căn cứ và ngang
ngược.
Thực tế thì căng thẳng về kinh tế, thương mại, công nghệ
và địa chính trị giữa 2 nước Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở thành một
thứ “chiến tranh lạnh kiểu mới”. Trump coi Trung Quốc là đối thủ cạnh
tranh chiến lược, phải ngăn chặn trên tất cả các mặt trận.
Cuộc xung đột hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc gọi là
“chiến tranh lạnh kiểu mới” vì nó nghiêm trọng hơn cuộc chiến tranh lạnh
trước đây giữa Mỹ và Liên Xô và cũng khác nhau về đặc tính. Lúc bấy
giờ, Liên Xô ngày càng suy yếu do chạy đua vũ khí với Mỹ, kinh tế xã
hội chủ nghĩa thất bại, thì nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế
giới, và tiếp tục phát triển. Hơn nữa, Mỹ và Liên Xô giữ vị thế hai khối
đối lập với nhau, trong khi Trung Quốc đã thâm nhập hoàn toàn vào hệ thống
thương mại và đầu tư thế giới, và mạnh trên đất Mỹ.
Do đó, cuộc chiến tranh lạnh mới này có thể làm thay đổi
nền kinh tế và chính trị toàn cầu hóa ngày nay. Khi tham vọng phát
triển công nghệ và viễn thông bị giới hạn bởi áp lực của Mỹ, liệu
Trung Quốc sẽ bảo đảm nền công nghệ cao và hệ thống viễn thông của
mình vẫn đủ sức tiếp tục hoạt động, vẫn giữ được vùng ảnh hưởng
của mình hay không?
Trung Quốc tuyên bố không đóng cánh cửa đối thoại nhưng đã
sẵn sàng đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Vừa cho công bố “Sách
Trắng”. Đồng thời, tại Hội nghị An ninh Shangri-La, Singapour, Bộ
trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa vừa gởi đi thông điệp:
“Quân đội Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để xác định chủ quyền cũng như
không loại trừ giải pháp chiếm Đài Loan bằng quân sự, cảnh báo Mỹ không nên
khinh thường quyết tâm đối đầu của Trung Quốc”.
Để bác bỏ các cáo buộc Trung Quốc xâm lăng, cũng
tại diển đàn Shangri-La, hôm 2/6/2019, Tướng Ngụy Phương Hòa mạnh dạng
nói bằng lưởi gổ rằng “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước,
Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc
gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”.
Về hồ sơ Biển Đông, tuy không gọi đích danh Mỹ và Pháp, tướng
Ngụy Phượng Hoà lên án hành động mà ông gọi là một số thế lực “ở bên ngoài” xâm
nhập biển "Nam Trung Hoa" để phô trương sức mạnh.
Cùng với những lời đe dọa tại diễn đàn Singapore, Hải quân
Trung Quốc phong tỏa một vùng Biển Đông để khẳng định chủ quyền bằng hành động.
Theo AP, cuộc tập trận kéo dài từ chủ nhật 02/06/2019 cho đến ngày 04/06/2019 tại
vùng Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam sau trận hải chiến vào
tháng giêng 1974 (Theo RFI, Paris).
Chiến tranh “dơ bẩn”
Tân Hoa xã Trung Quốc, hôm 29/05/2019, đưa ra món vũ
khí mới hăm dọa Mỹ “Nếu một nước nào đó muốn sử dụng các sản phẩm chế tạo
từ đất hiếm mà chúng ta xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, thì
nhân dân Trung Quốc sẽ phản đối”.
Đất hiếm gọi đúng tên, đó là kim loại đất hiếm. Khi
các nước sử dụng đất hiếm làm vũ khí đánh nhau, người ta gọi đây
là chiến tranh dơ bẩn.
Nhiều người theo dõi sát tình hình leo thang trong
cuộc chiến thương mải hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ đều nghĩ Bắc
Kinh chắc sẽ sử dụng ngón đòn tối hậu để hạ đối thủ. Đó là thế
mạnh của Trung Quốc vì họ là nước duy nhất trên thế giới đang làm
chủ trong tay 80% đất hiếm. Mà Mỹ, Nhật, Đại Hàn và các nước Tây âu
đều nhập cảng thứ khoáng sản này của Trung Quốc cho nhu cầu sản
xuất của các ngành công nghệ dân dụng và cà quốc phòng của họ. Mỗi
năm, Trung Quốc sản xuất được 105 000 tấn. Ngăn cấm hoặc giới hạn bán
đất hiếm cho Mỹ sẽ không tránh khỏi gây khó khăn cho các ngành công
nghệ của Mỹ, ít nhất là trong nhất thời. Đất hiếm vì công dụng thiết
yếu của nó nên nó hoàn toàn do đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát
và định giá cho thị trường.
Năm 2015, để trừng phạt Nhật trong vụ tranh chấp đảo
Senku/Điếu ngư, Trung Quốc ngưng bán đất hiếm cho Nhật. Nội vụ liền
được Nhật đưa ra Tòa án và Nhật được xử có lý.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 thứ kim loại hiếm. Nói
hiếm, thật ra trong vỏ trái đất lượng đất hiếm không hiếm. Nói nó
hiếm vì phải qua đải lọc, tuy không phức tạp nhưng nó gây ô nhiễm môi
trường nặng nề, có thể làm chết người. Nhưng nó đem lại tiền nên
Trung Quốc không sợ.
Những nơi có đất hiếm được biết là Trung Quốc, Mỹ,
Brésil, Ấn độ, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Viẹt Nam, Úc, Nam Phi,…Trữ
lượng đất hiếm trên toàn cầu ước tính khoản 120 triệu tấn.
Như đã nói đất hiếm không hiếm trong vỏ trái đất.
Hiếm chỉ vì vấn đề khai thác. Nay nếu đất hiếm bị ngưng bán ra thị
trường hoặc giới hạn khối lượng xuất khẩu thì trong nhất thời sẽ gấy
khó khăn cho các ngành công nghệ cao nhưng sau đó mọi việc sẽ trở lại
bình thường. Vì đất hiếm không hề hiếm.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), đất hiếm được
xếp vào nhóm “khá phong phú”, có nghĩa là số lượng đất hiếm được đánh giá
tương đương với Đồng và Chì, hai thứ không phải khó tìm trên thế giới.
Trên thực tế, từ những năm 1960 đến 1980, Hoa Kỳ là nước dẫn
đầu sản xuất đất hiếm với mỏ Mountain Pass tại California. Nhưng việc khai
thác đã bị chính phủ Hoa Kỳ đình chỉ vào năm 1998 vì gây ô nhiễm môi trường.
Thấy được cơ hội tốt, Trung Quốc lập tức nỗ lực sản xuất
đất hiếm, chấp nhận đánh đổi lấy hậu quả về môi trường để trở thành một thế lực
lớn.
Mai này, nếu Trung Quốc quyết tâm cắt nguồn cung cấp đất
hiếm cho Mỹ, thì biết đâu lại không có hàng loạt quỹ đất hiếm cả tư nhân lẫn
của chính phủ các nước khác sẽ sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong những ngành trọng yếu
nhất. Và theo quy luật cung cầu của thị trường, hàng loạt nhà cung cấp mới sẽ
xuất hiện để lắp chỗ trống của Trung Quốc để lại.
Chỉ vừa mới nghe tin Trung Quốc sẽ sử dụng con bài
chủ đất hiếm đối với Mỹ, các tập đoàn hóa chất lớn như Blue Line và
Australian đã vội đề xuất xây dựng nhiều khu vực sản xuất đất hiếm trải khắp nước
Mỹ. Tại nhiều quốc gia khác, khai thác đất hiếm cũng bắt đầu tăng tốc độ để
đón đầu thị trường sắp tới.
Riêng phần Mỹ, nếu như tình tình trở nên xấu hơn, Mỹ sẽ
cho tái hoạt động mỏ đất hiếm ở California, toàn bộ cơ sở vật chất tại
đây vẫn còn xử dụng được. Và việc khai thác sẽ không phải bắt đầu từ
bắt đầu. Theo giới biết chuyện thì sản xuất đất hiếm không khó, chỉ cần 6
tháng để bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường (Theo soha.net).
Trung Quốc sẽ khuất phục được Mỹ bằng đất
hiếm?
Sự hăm dọa của Xi Jinping nhằm vào Mỹ bằng vũ khí
đất hiếm không biết sẽ dẫn đến kết cuộc ra sao. Có điều lạ là hiện
nay nhu cầu của Mỹ nhập khẩu kim loại đất hiếm thô từ Trung Quốc được sử dụng
trong các nhà máy gần như đã biến mất? Những dữ liệu hải quan của Trung Quốc
cho thấy năm 2018 Mỹ chỉ mua có 3, 8%.
Hôm 04/06/2019, Mỹ cũng vừa công bố kế hoạch tránh phụ thuộc
đất hiếm từ Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cho biết sẽ thực hiện những “bước đi chưa
có tiền lệ” nhằm bảo đảm nguồn cung cấp đất hiếm cho các ngành sản xuất thiết bị
quân sự và công nghệ cao, tránh phụ thuộc vào nguồn nhập từ Trung Quốc trong
tình hình chiến tranh thương mại chưa có hồi kết.
Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross, hôm 04/06/19
cho biết một bản báo cáo 61 trang đã nêu ra 35 nguyên tố và hợp chất có vai trò
chiến lược cho nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Trong số đó có uranium,
titan và các loại đất hiếm được sử dụng trong chế tạo điện thoại thông minh,
máy tính, máy bay, các thiết bị định vị, cũng như các ứng dụng khác.
Báo cáo cũng kêu gọi gia tăng nguồn cung cấp bằng cách “đầu
tư và giao thương với các đồng minh”, bao gồm Nhật Bản, Úc và Liên Hiệp Châu
Âu, đồng thời hợp thức hóa việc cấp giấy phép nhằm thúc đẩy khai thác nội địa.
Trước tình hình mới này, liệu Xi Jinping sẽ xử dụng
vũ khí đất hiếm để triệt hạ Mỹ hay sẽ thấy tầm hiệu quả của vũ
khí hảy chưa hoàn toàn được bảo đảm?
Nguyễn Thị Cỏ May