– Bạn thích đọc truyện dài, ngắn?
– Tuỳ thuộc vào cái dở hoặc hay. Nhưng nói nào ngay dạo này tôi lười lắm.
– Đương hưu non mà, biết làm gì cho hết ngày? Thổi lửa nấu cơm vẫn tốt hơn
là trụng mì ăn liền chớ?
– Tuổi này tự dưng mắt mờ, tay yếu, chân run, làm gì cũng chẳng ra đầu ra
đuôi. Không làm bà xã hài lòng, đêm hôm nghe bả ngầy ngà cho tới sáng.
– Chữ ngầy ngà đồng nghĩa với rầy la, thấy không tới, không thơ mộng cho
bằng ba chữ “nghe chim hót”.
– Ừ, thương người thì nên hoán đổi. Chim quyên ăn trái nhãn lồng, chích choè
cao giọng đèo bồng ngũ cung. Chào mào sợ ná dây thun, riêng con chim sẻ mình
thu nhỏ dần.
– Coi mòi bạn thích đọc thơ?
– Ừa, bị ít chữ, ngó mát con mắt hơn. Thơ như giọt cà phê ứa ra từ phin lọc.
– Có nghĩa là sao? Nước mắm nhĩ rỉ rả chớ hổng phải nước chấm công nghệ tràn
lan ngập mặt? Nhiều quá thì sanh đổ đốn đổ hư, lắm hoá chất?
– Na ná là thế, nên tinh ròng, nên trì chí, dục tốc bất đạt. Bột cà phê hoà
tan uống nhạt bỏ mẹ.
– Lời phân giải này bạn chôm từ chim sau khi nghe chim hót?
– Sao biết hay thế? Chim bảo: Ông nên chịu khó tập yoga hoặc tập bài “suối
nguồn tươi trẻ” hoặc xuống trung bình tấn vận khí vào huyệt đan điền mà vung
tay. Chăm làm thế thì khi trả bài ắt sẽ có đôi phần tiến bộ thoát cảnh đêm dài
lắm mộng.
– Ờ, nhưng mà chúng ta đặt câu có sai văn phạm, vì bấy chầy khi nói tới chim
người ta vẫn xem nó là giống đực, khổ nỗi bướm thì chẳng biết hót, ngao sò hến
thì không mở miệng. Chim với cu cũng một nghĩa như nhau.
– Bạn thích thơ hai-cu không?
– A, một câu hỏi đáng đặt ra. Thích, nhưng thú thật có nhiều bài tôi chưa đủ
sức lĩnh hội cái cô đọng thâm sâu nọ; và tôi chợt nghĩ, cớ sao họ dùng chữ hà
tiện quá, dài hơn chút e dễ “làm bà xã hài lòng”?
– Thế còn một cu?
– Thôi đi ông tướng, cho em nhờ tí. Tại hạ xuống núi đã lâu chưa hề gặp qua
độc cô cầu bại. Đứa luyện thành Tịch Tà kiếm phổ thì có nghe danh, nghe đồn hắn
sang Thái Lan tìm cách phế hết võ công để tháp lại báu vật của đời.
– Vì hai cu mà tôi liên tưởng rách việc ra thế, nói một cú ắt đúng hơn?
– Thơ một cú? Căng nhỉ?
– Tôi lấy làm tâm đắc chưởng pháp của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. Phải dày công
thâm hậu mới tung được một chưởng “Rán đốc phách”, như sau:
em cứ phóc lên lưng anh cõng đi chơi
bề gì
thằng gù cũng đã ở nhà thờ đức bà.
Giản lược tối đa, đưa ra hình tượng nhiều thâm ý. Khi cõng ai thì lưng anh
cong xuống, và thờ đức bà… Khà khà, thấu tình đạt lý. Suối nguồn tươi trẻ mà
làm gì cho má nó khi. Chim nên hiểu, gừng càng già càng cay, chớ hót vội. Chữ
“bề gì” cũng là tuyệt cú.
– Tôi học vẽ, tôi nghiệm ra những hoạ sĩ có bản lãnh, họ thường tìm cách bôi
xoá đi những vật thể, họ muốn giản lượt đường nét, họ bày những khoảng trống và
họ ký tên vào bức tranh trông có vẻ bất toàn nọ. Không một lời giải thích khi
treo lên, kẻ thưởng ngoạn là đứa tự tìm ra vẻ đẹp, tính cân bằng đọng ở sự
chênh vênh gợi mời kia.
– Điều này bạn phải nương nhờ vào một sự đồng cảm của tha nhân, một tâm hồn
đồng điệu. Tôi e là thời buổi máy móc này đã khiến con người xơ cứng những cảm
xúc, họ sống hối hả trong thực dụng. Nôm na họ thích xơi mì ăn liền. Cách họ
nghiện facebook là một chứng minh.
Câu chuyện ngưng lại ở đó. Ban đêm chim hót giọng khác, ban ngày có vẻ uốn
lưỡi nỉ non dịu dàng một cung bậc:
– Chạy ra chợ Maxi’s đi anh, họ đang xeo lắm thứ. Gà nông trại hẳn hoi, nhổ
lông làm sạch tươm tất một con chỉ có 6.99. Giấy vệ sinh 16 cuộn chỉ có 5.99.
Dầu ăn olive extra virgin chai 1 lít giá có 8.99. Gạo thơm Thái Lan bao 8 kí
xeo còn có 10 đô… Chiều nay anh ở lại dùng cơm với tụi này chứ?
– Dạ, cảm ơn chị. Lần khác vậy, bị tôi có hẹn thằng bạn ở quán phở 75 rồi.
– 75 hay 79? Mỡ màng không à, bột ngọt mì chính không à. Cholesterol cả tỉ,
mất tiền thêm lo. Lạ, đàn ông sao giống nhau quá, cứ mãi thèm phở !
Khách xỏ chân vào đôi giày đặt ở bậu cửa. Mùa tuyết tan nên chim về đậu trên
cành trụi lá chưa đơm nụ hoa. Cây sống qua mùa đông dài là đã mang phúc phận
đời cây thầm lặng hên nhờ rủi chịu. Chim đang hót, thấy người xô cửa ra sân nên
chim bay đi. Tiếng chim của chính con chim hót ra bao giờ cũng khiến người nghe
tâm thân an lạc.
– Chào chị tôi về ạ.
– Phải. Chào anh. Ra hối tiệm phở kẻo người ta đợi người ta mong.
Máy nổ hậm hực khiến chiếc xe Mazda hai cửa đời 2008 run như thằn lằn đứt
đuôi. Trời xám ngoét như trời muốn cảm hàn. 75 hay 79? Ừ nhỉ, tại sao không có
một tiệm phở mang thương hiệu khác, do một chị nhà thơ đứng ra làm chủ? Một anh
nhà văn đứng bếp chất xương vào nồi canh me củi lửa vớt bọt các thứ? Bước vào
hàng quán ấy thì ha hồ mà nói chuyện văn chương thả giàn, cợt nhã những thứ
trần tục bà nấu ông khen ngon. Tuyệt đối chỉ có hành trần ngò gai giá sống
chanh ớt. Bát đũa cọ nhau xì xà xì xụp. Và quan trọng hơn hẳn, tuyệt không nghe
ra một tiếng chim kêu.
Hồ Đình Nghiêm