08 June 2019

CHUYỆN TỪ XÓM QUÊ (TƯỜNG TRÌNH THÁNG NĂM) - Cung Tích Biền


“Đất nước tôi, điều luôn tối kỵ đối với nhà đương quyền là ‘Phải sống thành thật và phải tôn trọng sư thật’. Họ luôn đứng phía mặt trái của nó, sự dối lừa. Dụng cái vô lý để triệt tiêu cái hữu lý. Sự dối trá luôn là chiếc áo giáp che chắn sự sợ hãi”. 
1

Lão Trần đứng trên đỉnh đồi hoàng hôn. Màn đêm sắp ăn hết mặt trời. Mặt trời, lúc này trở nên hiền từ, một tròng mắt đỏ hỏn, an phận chìm dần xuống. Mõm núi đen phía trời tây cắt mất từng phần khối máu tròn vạnh. Bóng tối sẽ đầy.

Lão gắng leo lên đồi, để chờ sóng. Chỉ một ít sóng hắt hiu, chập chờn lúc có lúc không. Đồi cây trơ trụi, cháy thiêu, vì lòng trời bất nhẫn. Đã nhiều tháng liền không giọt mưa. Ai đã “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”.

Mấy tháng trước đứa cháu ngoại tặng lão một chiếc điện thoại loại rất cũ, hiện nay chẳng mấy ai xài. Thực ra lão, nơi hoang dã, lão chắng cần “cái loại trang trí tân thời” này. Nhưng cháu tặng, ông phải vui mà nhận. Cũng như những ông già lọng cọng của thế hệ ông, nội việc lưu cái số điện thoại của một ai vào máy, trả lời một tin nhắn đã rất chậm chạp, mày mò rất khó khăn. 

Hóa ra muốn hữu dụng, cục nhựa đang cầm trong lòng tay lão già phải có sóng. Một vài cán bộ ở xa đôi ba tháng về thăm nhà, bảo rằng, “Muốn bắt được sóng điện thoại, phải leo lên đỉnh đồi”. 

Một chiều, Lão Trần nhận một tin nhắn, từ đứa cháu đang ở rất xa gởi về.

“Ông Ngoại hà, cháu tin cho ông biết một tin rất buồn, đau đớn vô cùng. Có hằng nghìn “cái chết” dọc bờ biển Hà Tĩnh. Hằng trăm nghìn xác chồng lên nhau đầy ngập bờ biển mấy tỉnh miền Trung.” 

Lão Trần giật mình kinh hãi, tự nhủ, “Vậy bà con ngoài đó đã chết ráo trọi cả rồi.” 

Lão là một người nhạy cảm, luôn những dày vò hối hận, rì rào trong trí não xám màu, như muỗi mòng vo ve. 

Nhiều buổi chiều, ngồi trên đỉnh cao nhìn về miền xuôi xanh ngắt lũy tre làng, lão hiểu, có một thời nội chiến tương tàn, súng cầm tay, lão đã từng đốt nhà trong ấy. Đốt trụi một xóm làng luôn. Không đốt không được. Cũng rất đau, khi một bọn đàn bà con trẻ ngồi co cụm một góc vườn, lao xao chỗ rìa làng khóc than, nhìn mái tranh của mình cháy thiêu. Nào ai tha thứ, con ơi, đấy là vùng địch đóng, là đất thù. 

2

Dù sao lão cũng chẳng thể kéo dài nỗi kinh hoàng về nội dung của một tin nhắn. Lão có chút tinh khôn nghĩ rằng, có thể thằng cháu nhầm lẫn, hoặc trong tin nhắn có một ẩn ý nào đó. Nhưng mặt trời lặn mất tiêu rồi. Phải bôn ba trở về nhà. 

Đường núi vắng. Đêm không trăng. Mấy hôm nay voi rừng về quậy phá nương rẫy. Thằng Quá bị voi quật chết tươi lúc sớm mai chỗ bìa rừng. 

Lần đầu trong đời tám mươi tuổi, lão Trần mới thấy một cái chết do voi chà. Đó là một xác người được Cái-cối-định-mệnh làm biếng giã qua sơ sài. Xương không nát vụn mà bể ra từng đoạn thòi lòi. Thịt không nhừ, nhuyễn giống như chị làm thịt bò viên. Mà là từng mớ lẫn lộn trong bụi lá, cỏ rừng. Nó réo gọi sự kịch liệt rùng mình. 

Xóm Núi hiu hắt. Lão đã bị ruồng bỏ nơi quê cũ, cùng một số bà con đến khai hoang lập ấp nơi này. Nhà vườn hãy còn thưa thớt, đất thổ ngơi khô cằn, rất xa cái thị trấn huyện lỵ. Bọn trẻ không chịu nổi đời sống cơ cực, buồn tênh nơi đây, chúng đã cùng nhau đến các phố thị kiếm ăn bằng đủ thứ nghề, thợ mộc thợ nề, phụ xế, gác gian, lượm ve chai. Nhục nhằn, mồ hôi nước mắt nhưng có đồng ra đồng vào. 

**

Đường đêm. Lão Trần bước thấp bước cao. Gió rất rộng. Xa xa, một vài ánh đèn “điện khí hóa xã hội chủ nghĩa” lờ mờ, giống những mắt một lũ mèo ma chập chùng. Núi rừng đen, suối bờ đen, tình làng nghĩa xóm chìm sâu bóng đen. Vậy mà chiều hôm qua, chính quyền nơi cô quạnh này đã dựng một cái cổng “hoành tráng”, “Mừng 41 năm ngày chiến thắng30 tháng Tư”. 

Thời tiết khô hạn. Nhiệt độ bình thường 38 độ C. Bò heo trâu chó thè lưỡi, sùi bọt mép trắng nõn như bông. Ông già bà cả con trẻ xuống sức, ngã bệnh rất nhiều. 

Không bệnh viện, không bệnh xá, Xóm Núi của lão chỉ có một cô y tá– không xuất thân từ trường lớp nào, nghề dạy nghề -- chuyên chích dạo cho bà con. Dược sĩ, bác sĩ cũng là cô. Ác nhơn, cô thầm lặng đến như người câm điếc. Ai nói gì thì nói, cô chỉ làm mỗi việc của cô. 

Mời cô, cô tới thăm bệnh. Sờ, nắn, bắt mạch, đo huyết áp, cho bịnh nhân vài viên thuốc, rồi thở dài. Nhìn cái nhà bệnh nhân hoang trống, thở dài. Nhìn cái nắng chếtngười trên bãi đồi khô cháy, cô thở dài. Rồi cô mang cái xắc lên vai, lại thở dài, tới nhà một bệnh nhân khác. Chừng cô buồn khổ hơn cả những bệnh nhân èo uột. Cô mang một số phận chung, một mẫu số thiếu máu, lẫn thiếu những nụ cười.

3

Thời sự ngày ngày nơi xóm Núivẫn âm thầm diễn tuồng. Buổi sáng người mẹ chết xỉu khi hay tin thằng con trai hai mươi tuổi vừa cưới vợ tháng trước, bị xe nhà của con trai bí thư huyện cán chết trên đường ra chợ Huyện. 

Hồ sơ vụ tai nạn, cơ quan điều tra kết luận rõ ràng. Người bị nạn là anh thanh niên, lại hóa ra người gây ra tai nạn. Lý do, chính là anh thanh niên đang cơn say rượu, không tôn trọng luật đi đường, gây trở ngại cho người lái xe, tức con trai viên bí thư. 

Chuyện lạ, mới tám giờ sáng, giờ cà phê đâu phải giờ rượu chè, nhưng “người ta” đã tìm mọi cách để gỡ tội, che chắn an toàn cho con nhà quan lớn. Tội lỗi y chang nhau, nhưng con cái nhà thường dân có thể ba năm tù giam, con nhà quan chỉ ba năm tù treo. Có khi, cán chết người, anh Ba chỉ cần một lá thư tay, không cần viết đúng chính tả, là em út xử lý nội bộ với nhau, cho qua thôi. 

Khoảng xế trưa có hai đứa nhỏ hàng xóm tới nhà Lão Trần xin cơm ăn. Chúng nói, Nhà mẹ hết gạo, ông cho bọn con mấy củ khoai cũng được. Cùng lúc lão Trần nhận được giấy mời. Bảy giờ sáng ngày mai ra hội trường xã bàn việc đóng góp tiền của mừng Liên hoan Tháng Tư, đất nước thống nhất. Giấy mời có phần ghi chú rõ ràng, “Khi đi nhớ mang theo một cái ghế để ngồi. Số ghế có tựa lưng chỉ dành cho đại biểu”. 

Xập tối, thời tiết vẫn 38 độ C. Người trong xóm bàng hoàng nghe tiếng cô Lam khóc thảm thiết. Lúc chiều, thằng con bốn tuổi nóng quá, giựt kinh phong, trào bọt mép. Người mẹ nghe người ta chỉ vẽ là phải chằm nước đá lên cơ thể khi đang bị nóng sốt thì hạ nhiệt. Xóm Núi làm gì có nước đá. Cô đem thằng nhỏ ra suối, đến chỗ cái hố nước hiếm hoi còn sót lại, nhúng gọn thằng con vào vũng nước núi. Mụ nghĩ, nước núi lạnh, thằng nhỏ sẽ hạ nhiệt. Một hồi lâu, đứa con thơ dại quả có hạ nhiệt. Rồi nó run rẩy, co quắp, nó…“hạ quyết tâm” ngủ cơn mơ dài, trong lòng đất.

Núi rừng hãy còn nhiều gỗ. Nhưng cô Lam đơn chiếc, lại nghèo, thằng con nhỏ được bó chiếu, chôn đơn.

4

Còn một chén cơm nguội, một con cá kho mặn. Con cá bống cơm, to cỡ bằng con cu thằng nhi đồng. Lão Trần ngồi nhìn. Ăn không vô. 

Bóng đèn tròn “điện khí hóa” xã hội chủ nghĩa năm mươi oát, được kéo từ huyện về. “Qua đồi núi trập trùng ta tiến lên”. Hôm ấy có liên hoan mừng công, hạ một con chó để đồng bào phấn khởi. //Sống dương gian ăn miếng dồi chó/ xuống âm phủ gặp khó đành cam// Lão Trần không ăn được thịt chó, nhưng phải đóng góp cho liên hoan năm mươi đồng, theo chỉ tiêu đầu người.

Lão nhìn cái bóng đèn tròn điện khí hóa tòn teng từ mái tôn thòng xuống, qua một sợi dây điện. Sợi dây đong đưa, tuồng như đang thắt cổ cái bóng đèn tròn din bên dưới.

Gió núi thổi một ít, bóng đèn tung hứng một nhiều. Chiếc bóng lão Trần trên vách tường đêm thòi ra một cái đầu đen thui, chao đảo. Lão lại mơ màng theo cái tin nhắn vô lý của thằng cháu. Lại kịchliệt tự cằn nhằn. Ngổn ngang rối rắm. Sao mà bỗng nhiên lăn đùng chết nhiều đến vậy? 

Xác chết ngập dài mấy trăm cây số bờ biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế. Mà sao chết? Bịnh chi? Dịch gì? Ai đã tàn sát một lúc hằng trăm nghìnmạng người? Chỉ Hitler, là Mao Trạch Đông, họa chăng Stalin cùng bọn đệ tử Sa Tăng đỏ hoét mới coi cái mạng sống con người như lũ rận, bầy ruồi. Ai đã giết triệu người hôm nay? Trên quê hương này? 

Ăn không vô. Nghĩ không ra. Ngủ không được. Trần pha một ấm trà. Chỉ là trà đậm. Lòng dạ khuya khoắt nóng ran. Vì nước trà hay vì cái vị đời quá cay chà xátruột non ruột giàcủa lão. Muốn rõ việc chẳng rõ được. Xác chết mà đắp dài mấy trăm cây số, có nghẹt mũi đứng trên đỉnh Trường Sơn cũng chẳng chịu được mùi. Người mà thối, thì thối hơn bất cứ xác một loại súc vật nào. Cho là xác hổ báo hùm beo, cá mập cá xà, cũng chào thua cái sức thối của Người. 

5

Trần chợt nhớ ở xóm dưới có thằng con Hai Lý. Độc nhất vùng quê này chỉ hắn là có cái điện thoại “Trái táo cắn dở” gì đó, ắt rõ ngay sự tình.

Lão tra vào người một bộ áo quần đầy đủ vải. Cầm cây gậy phòng thân. Tắt ngọn đèn sáng chẳng ra sáng tối chẳng phải tối. Khép cánh cửa tre đan. Bước ra. Đêm bao la. 

Đường đi trong “nông thôn mới” nhiều nơi gần phố thị đã được đúc bê tông mặt đường. Nhưng đường lão đang lẫn mò bước đang là con đường đất. Muốn bê tông hóa, đi cho sướng cái bàn chơn, dân chúng phải cùng góp tiền vô, được phủ dụ rằng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Xóm Núi của lão, trẻ nhỏ đói ăn, đàn bà không nịt vú, đàn ông thiếu quần lót, tuổi già đau yếu kinh niên không thuốc men. Thằng Hàm chưa đầy bốn mươi đã ho lao, còn phải ra phố thị đi làm thuê nuôi thân, mỗi cơn ho một bãi máu, lấy vạt áo mồ hôi bụi bẩn chùi máu mồm. Chúa Trời đã bỏ quên những thân phận khốn khó một đôi nơi. Lão mong Chúa đoái hoài. Xóm Núi chúng con nghèo tó chỉ, tiền không đủ mua gạo, đem con cu hòn dái góp vô mà “xã hội hóa” con đường hà? 

6

Tháng rồi Lão Trần cùng bà con xóm Núiđược triệu tập lên huyện, đi bộ mệt nghỉ, dự lễ khánh thành tượng đài Hồ Chủ Tịch. Hồđứng chàng hảng từ trên cao đưa cánh tay bê tông cốt sắt vẩy chào. Các cháu, trong đó có nhiều “cháu” nay đà bảy tám mươi tuổi, tóc trắng phơ, đều phải “ngẩng cao đầu” mới nhìn ra bànchân Hồ trên bệ tượng. 

Công viên rộng lớn, lối đi lát gạch hoa, đó đây những luống hoa tươi, lắm màu. Rất chi hoành tráng. Ngay lúc, chủ tịch huyện, vô vài ba chai, “hồ hởi” ba hoa, chẳng sợ vạ mồm: 

Cái chi chớ bỏ tỷ tiền mần lễ kỷ niệm, tưởng niệm, tuyên dương. Mần nhà bảo tàng. Xi măng hóa địa đạo, phục vụ tuyên truyền. Mỹ thuật hóa các cơ sở cách mạng mái tranh vách đất xiêu vẹo trong các chiến khu xưa. Rồi mần đài liệt sĩ, lại liên hoan khánh thành, tưng bừng thơ văn o bế, văn nghệ nâng niu, trìu mếnbợ bưng, càng rầm rộ tốn hao tiền của càng thành công mỹ mãn.Rồi lại, đúc tượng, bảo tàng, lễ nghi …là nhà nước ta hân hoan mở hầu bao, xổ tiền tỷ, cho xài mệt nghỉ, ban thưởng rất mực. Tiệc tùng bao la rượu, thịt, nhạc, gái, bao bì tiền, huy chương”. 

Nhìn tượng đài Hồ cao cao khí thế, mần thêm vài chai “ngất ngư con tàu đi”, bí thư huyện lại so bì:

“Ở Sàigòn, để hoàn tất phố đi bộ Nguyễn Huệ, dài chỉ mấy trăm mét, đã mất nghìn tỷ bạc. Lát đá gra-nít lề đường, cho riêng một phần nhỏ nội ô Sàigòn, chính quyền đã xài một nghìn tỷ bạc. Đống tiền cao hơn đống rơm. Đất nước ta có trăm nhà bảo tàng hoành tráng, có nghìn tượng đài to lớn. Nếu huyện ta giàu có, tôi dám chi ba trăm tỉ đúc cái tượng Bác cùng công trình hoành tráng hơn, đâu chỉ gói ghém tiềnbạc như vầy”.

Lão Trần đứng yên, nhìn cái hoa tươi công viên trong nắng, lòng buồn nghĩ tới bữa cơm nhà lão, một con cá kho mặn to bằng con cu một em nhi đồng, ấy là bữa ăn có con cá.

7

Để tới nhà Hai Lý, còn phải qua một con suối, một cây cầu tre bắt ngang. Những nụt lạt mây rừng dùng bó đám tre làm thân cầu lâu ngày đã bung đứt. Phải thậtcẩn thận, bàn chân đêm khuya của lão già có thể lọt vào giữa hai ống tre. Nếu trượt tay vịn, cái đầu tòn teng trở ngược xuống lòng suối, hai bàn chân còn mắt kẹt giữa những cây tre thân cầu.

Lão Trần qua con suối đêm. Ước gì có một cây đèn bấm. Suối cạn trơ những viên đá nước trăm năm bào mòn, tròn lĩn. Mấy tháng trường, không cỏ xanh trên đồng cháy, trụi lá non trên sườn đồi, bọn trâu bò chỉ còn trơ bộ khung xương. Chúngthường đi lung trong lòng suối cạntìm những màu xanh sót lại. Chúng ăn cả rong rêu. 

Nhiều khi, qua ánh đèn vàng quạch “điện khí hóa xã hội chủ nghĩa”, nhìn màu nước trà pha rất đậm trong cái chén sành thô tháp, lão Trần thầm nghĩ “Mình uống nước đái bò”. 

Con bò nhà lão mỗi ngày đi “sưu tầm” đó đây, lượm cỏ trên cánh đồng cháy một mớ cỏ,khi gom lại, chừng bằng một bó rau muống. Lại khó tìm ra nước uống, thường trực nhịn khát, khô cái thân gầy, nên mỗi ngày nó đái không quá vài lần. Lão nghĩ, bao tử lũ bò thân ái từ lâu vắng cỏ, co lại tựa trái bầu khô, ruột non ruột già nó quánh đặc. Lão thương con bò quá. Nó đái rất khó khăn, chảy hẩm hiu ra một thứ nước gần như máu.

8

Bọn dân quê thường đi ngủ sớm. Mười giờ đêm nhà Lý còn chong đèn. Một cây tre khô trồng trên nền đất, thân khum khum, tựa vào vách nhà. Đó là cây trụ điện. Mùa đông năm rồi, một cơn mưa gió lớn, dây điện đứt rơi xuống một vũng nước, đúng lúc thằng cháu Hai Lý đứng đó, bị điện giựt chết toi. 

Vừa bước vào nhà, lão Trần hỏi ngay:

- Ông Lý, có cháu Tạo ở nhà không?

- Từ từ nào, uống một cốc nước đã.

- Ông có biết ngoài Hà Tĩnh Quảng Bình có hằng trăm nghìn người chết dọc bờ biển không, mà tỉnh queo vậyhả?

Lý cười lớn:

- Chỉ là cá thôi.

Lý quay mặt vào trong gọi lớn:

- Tạo ơi, ra ngay, giải thích cho bác mày, Cá hay Người.

Nhìn gương mặt bạc lạnh, mất máu của lão Trần, tuồng như lão đang cầm cố linh hồn cho một đám ngạ quỷ, Hai Lý cảm động nói:

- Chỉ là cá chết thôi. Hổm rày cũng lùm xùm chuyệnchính quyền hạn chế, không cho loan tin cá chết. Chỉ tại ông nhạy cảm quá. Ông đã phí một tấm lòng.

Tạo vòng hai tay:

- Thưa Bác vì sao bác cho là người chết? 

- Thì đây, thằng Quỳnh nhắn tin rõ ràng cho bác là hằng nghìn “xác chết”! 

- Đúng rồi bác, phải nói khác đi như một mật mã. Lúc này, dùng cái từ ‘cá chết” là bị tổng đài chặn lại, không chuyển tin nhắn. 

Lão Trần giọng cụt lủn:

- Cái này là có thật không? Hay tụi bây tưởng tượng ra, sáng tác cho não nề?

- Dạ thưa bác, quả thật là một thời gian đầu thảm họa, chính quyềncó ý cấm cách nhắn tin, nói thật về vụ nhiễm độc này. Bác ạ, bác phải quen đi, như chúng cháu từng quen, mới sống qua ngày. Khi bác nghe hai từ “tàu lạ”, chính là tàu của Trung quốc đấy ạ. Sự thật nào cũng có một cái nắp để che đậy. Đơn giản vậy thôi.

Nhìn bình trà, Trần nói với lão Lý:

- Rót cho Ta một ly nước đái bò.

Gia Định, tháng Năm, 2016
Cung Tích Biền