Lễ Phật Đản, theo lời mời của cô Tâm, Đặng đến quán bán bún bò để ăn trưa.
Cô Tâm có gọi thêm hai đứa học trò cũ nữa, bốn người ngồi thong dong trong quán
bán bún nổi tiếng ngon. Bình thường ở đây luôn đông chật thực khách, hôm nay
vắng lặng như chùa Bà Đanh vì nhằm lễ Phật Đản, đa số không ưa ngã mặn. Họ treo
lồng đèn, họ mua cá mua chim về phóng sanh và họ quyết tâm ăn chay niệm Phật.
Có một vài ông trước đây nhảy núi lên xanh trang bị vũ khí súng dài súng ngắn
đến tận răng, tuy vô thần nhưng khi về làm chủ phố phường đã “tâm sự”: Ở Trường
Sơn tôi chưa từng bắn đi một viên đạn, đang di chuyển gặp đàn kiến dưới chân
phải tránh, đôi dép râu này không nỡ chà đạp chúng. Mọi người đóng vai hàng
thần lơ láo ngồi nghe, tịnh khẩu như bình, cố thực thi ép mình theo lá bùa ba
không: Không nghe, không thấy, không biết.
Cô Tâm cho hay thời buổi này sao lạ kỳ quá, ngày cũ học trò học bè đông vô số
kể vậy mà chúng vượt biển vượt biên trốn biệt những đâu chẳng nghe tăm hơi, chỉ
còn gọi tên đúng ba em. Trong ba em, có ai là gia đình Phật tử không? Đặng lắc
đầu. Hai đứa kia nói tụi em thì thờ cúng ông bà thôi cô ạ, được cô vị tình kêu
đi kéo ghế thì mừng vui vô hạn. Cô Tâm hỏi: Mấy em còn nhớ Tiến, em trai của cô
không? Ba năm trước nó chết vào ngày này, khi sống khó khăn đói kém nó luôn
thèm khát món bún bò. Cô mời ba trò tới đây là một cách để tưởng nhớ em cô, xem
như mỗi trò ăn thế nó một tô vậy. Phật Đản mà không ăn chay, chuyện nhỏ. Ăn mặn
xong, có trò nào chẳng bận việc gì thì cô dắt đi thăm mộ Tiến luôn thể.
Tiến chết, dạo đó mấy trang báo mạng có đăng tải, hiển thị tin tức chỉ trong
một ngày rồi biến mất, ngôn ngữ đời thường kêu bằng chìm xuồng. Tiến cùng người
yêu lên chùa dâng hương bày tỏ lòng thành, đôi lứa khấn nguyện chưa tròn câu
thì tai ương ập xuống, nhang vừa thắp đã vội phỏng tay; một bọn người vừa trần
vừa tục vây lấy, vu oan giá hoạ đôi uyên ương này khẩu Phật mà tâm xà, chính
chúng bấy lâu đã tính toan lên phương án, giở mọi thủ đoạn để ăn cắp tiền cúng
dường, moi trộm thùng phước sương. Đôi co lời qua tiếng lại chừng tàn cây nhang
thì sinh ra cảnh đánh hội đồng, máu rơi ngay chánh điện và Tiến đành hồn lìa
khỏi xác tựa một phân cảnh trong vở kịch Thiếu Lâm trường hận. Người yêu Tiến
áo quần tơi tả bị dẫn về đồn công an làm rõ tội trạng, nghe đâu sau ba ngày
khóc hết nước mắt, cô đi tìm am khuất xuống tóc quy y, tham sân si ôm ấp riêng
trong tâm một linh hồn lạc lối mang tên Tiến. Người ta tiến lên xã hội chủ
nghĩa riêng đôi ta tiến xuống địa ngục Tiến ơi! Ngày Phật đản, ngày anh qua đời
xúi em đoạn lìa cõi ta bà, đi là đi vậy chớ ni cô này nào mong đạt đạo, thí chủ
hẳn đã rành sáu câu!
Cô Tâm duy tâm: Kiếp trước mình làm điều chi không phải mà giờ đây bị quả
báo. Mấy trò e không biết, là mỗi khi đi thăm mộ đứa em, cô vẫn dành thì giờ
đặng nhổ cỏ hốt rác làm sạch quanh những mộ phận hoang lạnh, còn sống thở thì
nên biểu lộ chút tử tế. Mà tử tế thì đó là thứ muôn năm chúng ta cần trang bị.
oOo
Mỗi chủ nhật, bắt đầu từ bảy giờ sáng. Đây là địa chỉ, cứ đến đó sẽ có người
chỉ bày công việc.
Khi nói bà Diệu quan sát “chú em”, giọng chất thêm sự ngờ vực: Có hiểu chữ
từ thiện là chi không? Là chú bỏ công ra giúp người ta mà chẳng thu vào được
thứ gì cả. Chú tên chi?
Thanh niên lên tiếng, vừa đủ nghe: Tui tên Đặng. Tui hiểu được hai chữ từ
thiện mới tìm tới cô.
Được rồi, lại đó có ai hỏi cứ nói là dì Diệu giới thiệu. Chủ nhật. bảy giờ
sáng. Chỗ ấy cũng dễ kiếm.
Đặng nắm tờ giấy nhỏ có ghi địa chỉ bước ra khỏi chợ. Bà Diệu có gian hàng
bán rau xanh và trái cây. Chủ nhật bà sẽ nhờ đứa con gái ra trông coi việc mua
bán để bà giỏi chân đi làm từ thiện. Chú Tư chạy xe ôm là người chở bà đi, cũng
từ thiện không nhận một đồng trả công. Qua chú Tư, Đặng gặp bà Diệu để hỏi xem
liệu có giúp được gì không.
Chú Tư là người bà con với má Đặng, ở dưới quê chú làm nghề nông, một sáng
ra đồng cuốc đất trời xui đất khiến đào nhằm quả mìn, may mà “không sao cả”.
Chú thuật chuyện, chỉ nằm bệnh xá hai tuần với giấy chứng nhận mất khả năng lao
động nặng. Chú bỏ quê lên đây sống, chú kêu má Đặng bằng chị: Chị nghĩ coi,
việc chạy xe ôm thì chớ nên xếp vào hạng lao động, nhàn nhã nào khác gì cỡi
ngựa xem hoa. Quờ quạng lạc đường thời gian đầu thôi, rồi đâu lại vào đấy,
người quê mình quen cực khổ, quen chịu đựng. Ôi, nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ!
Người đàn ông tuổi gần năm mươi từng thoát chết nhờ đụng phải “quả mìn
hiền”. Mặt hơi méo mó khi nói: Nếu thằng Tư này là đứa ác đức bất nhơn thì ông
Diêm vương đã lôi đầu đi từ bữa nọ. Ổng chỉ cảnh cáo mình, làm một cú tới điếc
con ráy nhằm nhắc nhở mình nên ăn lành ở hiền. Thồ người đi tui chưa từng chặt
chém hét giá cao, ai lặt lìa nhờ chở vô nhà thương tui cũng chẳng thu tiền mãi
lộ. Đời bây giờ sao nhiều người quá cực khổ, tui làm từ thiện được chút gì hay
chút đó nào dám kể công.
Đặng im re, Đặng dấu má bởi sợ bả ngầy ngà. Quét nhà ra rác, việc chán khối
bầy hầy ra đó không ngó ngàng tới lại ưa đi vác ngà voi. Má luôn càu nhàu: Mày
liệu kiếm thêm việc mà làm, ngồi không thì hổng tốt đâu. Đặng hiểu ý má, kiếm
thêm việc có nghĩa là kiếm thêm tiền. Làm không công, làm từ thiện thì hẳn bà
sẽ phản đối. Với bà, tu tâm dưỡng tánh tuyệt đối chẳng mắc mớ gì tới chuyện làm
từ thiện cả, ngồi câm lặng mình ên diện bích so ra hay hơn là lăng xăng hoà
nhập trong đám đông, dù đám đông kia bỏ công ra giúp đỡ kẻ lỡ sa cơ.
Chủ nhật, má thường “đi có công chuyện”. Đặng khoá cửa nhà tìm tới địa chỉ
kia. Không rõ mặc áo dài tử tế như má khi đến chùa thì bà gặt hái được gì? Chắc
chắn là vô bổ, chẳng thiết thực bằng công sức của đứa đi mần từ thiện. Thà làm
điều tốt gần nhà, hơn đi xa thắp nhang mà cúng vái, nhìn quanh thập phần oan
trái, tay không gõ mõ mắt đái lệ tràn. Qua sông sóng nước tương tàn, chìm xuồng
số phận buông màn tử sinh. Mần từ thiện việc linh tinh, chiếc phao trôi nổi tâm
mình nhẹ đi.
Đến nơi, sau khi trình bày thiện ý, Đặng được quý bà tuổi tác không đồng đều
hỏi han một hồi mới chỉ cách chia thực phẩm họ vừa nấu xong vào mỗi hộp giấy
xốp. Một bà xưng tên Lắm nói:
Hôm nay mình mang thức ăn vào trong nhà thương giúp đỡ những nạn nhân có gia
cảnh khó khăn, em cứ ưu tiên mần cho chị ba mươi hộp. Nếu còn dư, sẽ có người
giúp mang hết ra chỗ quán cơm từ thiện. Nếu không có gì thay đổi, tuần sau mình
làm chuyến đi xa về phía ngoại thành lá lành đùm lá rách.
Một chị tên Hường bước tới ngó Đặng hồi lâu:
Có thanh niên trai tráng như em phụ đỡ một tay bọn chị cũng được nhờ, chốc
nữa em chở chị Lắm đi giao cơm hay sao? Đi đường khoác tạm chiếc áo gió của chị
mà che thân.
Chị Lắm hỏi: Chuyện chi vậy bà?
Chị Hường chỉ tay vào ngực Đặng: Bị chú em này chơi cái áo thun in hàng chữ
“Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch” e dễ đón đầu tai ương. Đằng nhà thương
cũng có lắm đứa sứt đầu bể trán nằm lăn nằm lóc than trời trách đất vô tội vạ
vì từng diện chiếc áo “rắn mắt” y trang. Thôi, cẩn tắc vô ưu, chị nói vậy em
thông cảm không?
Chị Lắm: Ừ, nghe cũng phải. Mình nên linh động tuỳ lúc tuỳ nơi. Công mình
nấu nướng bới xách có đứa ăn không được cũng tìm cách đạp đổ, xôi hỏng bỏng
không.
Thời trước, phụ nữ ngồi yên sau đều thu hai chân về một bên. Giờ này chẳng
còn ai “khép nép” vậy cả. Đặng chở chị Lắm và chị Lắm dạng chân như thiên hạ,
ngồi ôm đống thực phẩm nóng sốt mà miệng bày đường cho Mạnh lòn lách tới bệnh
viện. Chị Lắm có lắm kinh nghiệm, nhắm lối vắng xe cộ mà vẽ đường cho huơu
chạy. Chị nói, mình đâu phải gặp nạn thập tử nhất sinh hòng hối hả tìm tới nhà
thương bằng lối ngắn nhất, do vậy cứ rề rà lựa ngả an toàn tránh dẫm lộ đoạn
trường. Cứu người hơn xây am, lẽ nào mình chưa cứu được ai thì mình đã bổ nhào
chỏng cọng dơ que, cơm canh máu me cứ thế mà vô tư chảy tràn ra đường cái ruồi
bu kiến đậu!
Gửi xe xong, điểm danh thấy đủ mặt cả nhóm, bầu đoàn tay xách nách mang mới
khởi sự đi vào khu dưỡng thương được chỉ định. Bệnh viện cho dù được cắm dùi ở
thành phố đáng sống nhất hành tinh, giờ đây họ đã làm sạch, sát trùng hàng chữ
“lương y như từ mẫu”. Từ mẫu là gì? Hỏi trẻ lên mười, chúng bù trất một đáp án.
Nhưng trẻ lên ba thì biết rõ mười mươi câu “tiền bạc là thượng đế” vì ông cha
chúng từng mạnh miệng: Có tiền mua tiên cũng được.
Khu vực được chỉ định vào thăm là hạng bệnh nhân suốt cả cuộc đời chưa hề có
diễm phúc thấy mặt tiên cô. Nằm mộng cũng hổng thấy. Giấc mơ hỗn độn thường
chứa một cục thịt, ba hột cơm trắng. Giấc mơ dày xéo làm thức dậy đầm đìa những
giọt mồ hôi và rồi tựu thành một công án: Có chăng trời đã sinh voi thì phải
sinh cỏ? Thứ triết thuyết đầy cam chịu, một than van đầy buông xuôi. Ăn cỏ để
sống cầm chừng. Bệnh nhân ở đây đều thoi thóp, vật vạ. Quá tải, y tá bảo vậy,
nhằm vẽ ra quang cảnh giường hai người nằm ngược đầu nhau, trong khi dưới nền
xi-măng có hai kẻ khác trải chiếu nhìn đời hiu quạnh, mặt cắt không ra giọt
máu. Một bức tranh tĩnh vật bỗng biến thành tranh trừu tượng, dã thú thuộc
trường phái phục hưng. Từ gam màu lạnh chuyển đổi sang màu nóng khi toàn bộ
nhân vật trong tranh phát hiện ra một bọn từ vượn đi dần tới người: Mang cơm từ
thiện.
Một ông trung niên gầy khô như cây củi cười rộng miệng với chị Lắm, chất
giọng ướt đẫm thi phú: Vì tôi đợi nên sau cùng người đã tới. Một thiếu nữ bé
như cây kẹo ngó mặt Đặng: Trời không mưa em cũng lậy giời mưa, cơn giải hạn của
ơn mưa móc. Họ có thân nhân, nhưng thân nhân vào ngồi ké né mép giường chỉ để
quạt ruồi, chỉ vắt khăn lau mặt giúp, xức chút dầu sau lưng và rót hộ cho ly
nước. Giữa đôi đàng chẳng biết ai hứng chịu sự đau khổ hơn? Con bệnh nằm dát
mỏng người trên manh chiếu và ruột thịt lành lặn chưa suy sụp ngồi còng lưng
mãi than vắn thở dài. Đời là bể khổ, đó là câu kinh chẳng nói rõ một điều gì
cả, mông lung.
Đặng giúp chị Lắm đi phân phát muỗng nhựa. Ở chiếc giường sắt đã tróc lớp
sơn xanh, Đặng nhìn thấy một thiếu phụ xanh xao tóc ngắn như một đứa vừa vào
quân trường tập huấn ngồi xếp bằng. Ốm o làm chiếc áo lam thụng thịnh trông như
phục sức của bù nhìn cắm giữa cánh đồng hù doạ chim muông. Dẫu sầu muộn phủ
đầy, ám chướng trì nặng, Đặng vẫn nhìn nhận dung nhan ấy vốn chẳng xa lạ gì.
Tôi đi giúp việc cho mấy chị kia, một phần cũng nhờ vào chuyện kể của cô
Tâm. Ngày ấy tôi học lớp 11 và cô Tâm dạy môn Lý Hoá… Lúc đó người em cô Tâm đã
thi đậu tú tài hai… Xin lỗi, chị tên Duyên phải không ạ?
Bệnh nhân chắp tay trước ngực. Ngực nhỏ, không rung động khi phát tiếng:
Duyên đã chết. Tôi tên Diệu Tưởng. Tôi vào đây đã hai ngày và tôi nghĩ chẳng
lâu nữa tôi mang tên Hư Không. Cảm ơn từ tâm của quý vị nhưng Diệu Tưởng này
không thể ăn mặn. Lại nữa nhìn quý vị, tôi thấy lòng mình đã no nê. Ăn bằng mắt
chứ không cần mồm miệng.
Theo chỗ tôi biết, Thượng Toạ Thích Vô Thuật vì mưu cầu chuyện lớn đã bỏ quá
tiểu tiết, ông đổ bệnh và ông quyết định ngã mặn, ăn những thực phẩm chứa nhiều
chất đạm, lắm kháng sinh hòng mong chóng hồi phục sức khoẻ. Nếu chị một mực
kiêng cử… Ngay cả thuốc thang, họ cũng ghi chú: Uống trước hoặc sau bữa ăn…
Tôi không biết Thích Vô Thuật đầy tham sân si nọ là ông nào cả. Với tôi, đi
tu là tìm kiếm một lối giải thoát, sao lại tự mình trói buột vào những vướng
mắc?
Mạnh nhìn cái “chướng” bao quanh vị ni cô đổ bệnh: Tôi chỉ là người trần mắt
thịt, khát thì uống đói thì ăn bệnh thì cậy nhờ vào thuốc. Hay là để tôi chạy
ra ngoài mua tạm một tô cháo?
Sao lại nhọc công thế? Tôi nuốt sao xuống? Nếu được, xin cho tôi một chén
cơm trắng và tuyệt đối đừng gạn hỏi tôi về cớ sự dẫn tới việc đau ốm khiến phải
nhập viện ra nông nổi này.
Khi việc thiện nguyện của nhóm hoàn tất, Mạnh đi lấy xe, lòng nổi sóng muốn
biến cái không thành có khi chợt nhìn ra bóng một người mặc áo nâu sòng. Mạnh
chắp tay trước ngực:
Thưa chị, tôi là người quen cô Diệu Tưởng, sẵn đây xin hỏi cớ sự gì khiến cô
Diệu Tưởng phải vào nằm viện?
Mô Phật. Có những sự việc mà câm lặng thì không giải quyết được gì cả. Đôi
lúc hoàn cảnh bức bối buộc mình phải vượt khỏi bao điều răn, mình ý thức đó là
chuyện mà lương tâm cho phép. Số phận Diệu Tưởng quá cay nghiệt, bị một quan
huyện đảng viên xâm hại làm nhục. Trước đó họ đã từng chiếm đất, buộc am tự
phải thu hẹp diện tích. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, chúng tôi hội ý và đã
viết đơn gửi lên tỉnh, lên trung ương trình bày rõ thực trạng có kèm giấy chứng
thương của bác sĩ, chứng nhận qua xét nghiệm cửa mình Diệu Tưởng có dính tinh
dịch của bạo quyền. Họ bồi thường 20 triệu đồng, tôi vào thăm cốt là để hỏi ý
kiến của Diệu Tưởng. Muốn dấu nỗi ô nhục ấy thì có khác gì giúp họ ăn quen bén
mùi. Nơi chúng tôi tu tập có cả thảy 7 vị phụ nữ, cứ mang nỗi sợ lần lượt sẽ bị
họ mang đi làm nhục. Phía họ thì tiền đâu mà nhiều như rơm như rác, sẵn đó tha
hồ mà hiếp đáp dân lành, trẻ không chừa già không tha. Càng kể tôi càng run,
càng tức giận. A di đà Phật!
Mạnh chở chị Lắm đi về: Chị ơi, việc mình làm cũng giống như hạt muối ném
xuống biển, đúng không chị? Hạt muối thì nhỏ nhoi trong khi biển quá đỗi lớn to
mênh mông vô lượng. Mà vị mặn của hạt muối, của đại dương sánh sao được so với
nỗi đau rất “mặn” của chúng sinh.
Chị lắm cười bên vành tai Mạnh: Hê hê, mới ngày đầu xuống núi chưa gì đã
“đắc đạo” rồi sao cưng? Mẹ nó chứ! Đã xa lánh bụi trần rồi, đã nhắm mắt không
muốn dây dưa ô trọc, vậy mà cũng bị chúng thò cánh tay lông lá ra ngắt cành, bẻ
hoa, hút nhuỵ. Đích thực chúng mang lòng lang dạ sói uống máu người không tanh!
Con Lắm này thua, không tìm ra đủ chữ để chửi băng đảng chúng!
Hồ Đình Nghiêm