22 June 2019

MỘT TAY - Hồ Đình Nghiêm


Tuy đi qua cuộc chiến đã lâu, hơn nửa đời người chú Bê vẫn còn sống với những ám ảnh, với bất mãn, với hằn học khôn nguôi. Cũng dễ hiểu và nên thông cảm cùng chú ấy, ngoại hình chú bị mất một cánh tay còn trong lòng thì thu gom biết bao đổ vỡ chất chồng, khó lành lặn, vô phương cứu chữa.


Tôi đi Việt Nam, xuống tới Sài Gòn, khi hay tin, chú Bê từ Hà Nội lật đật bay từ thủ đô vào thăm tôi. Ông bà nội tôi đẻ ra ba người con: Ba tôi, bà o xong đến chú Bê. Cả ông anh bà chị đều ở trong nam, riêng chú từ hồi bé nhỏ dại khờ đã bốc đồng đi theo cách mạng, có khi nổi trôi ra tận Cao Bằng Lạng Sơn để rồi đụng độ với bọn bành trướng Trung quốc, xém chút là mất mạng, hồn du địa phủ. Trước đây chú từng lên án tôi về việc bỏ trốn quê hương để chạy đi bám đít bọn thực dân xơi bơ thừa sữa cặn. Sau này chú thay đổi tư duy, lập ngôn kiểu phản động tựa như “cột điện mà có chân cũng biết tháo chạy như ai”.
Tuy quê quán là miền Trung, nhưng khi phát âm chất giọng chú Bê rất chuẩn mực người-ngoài-ta, thủ đô văn hoá. Chú thường đệm chữ “đéo mẹ” với “tao đếch ngán” trong một câu xét bình thường, chả có gì để phải lên gân ăn thua đủ. Vui cũng đéo mà buồn cũng đếch. “Xem, mầy làm chó gì được với một thằng cụt tay như ông nào?”.

Chú Bê không có thói quen sắp hàng, cả đám đông lố nhố đứng đợi thân nhân bị xô giạt ra khi chú trông thấy tôi đang kéo hành lý, mắt đảo quanh. Chú gọi tên tôi rõ to, có vẻ hãnh diện và khi đến gần, chú biểu lộ nỗi mừng vui bằng cách ôm cứng tôi, dù chỉ một tay. Áo sơ-mi của chú cũng may đủ hai tay đàng hoàng, ống tay áo kia thì bỏ vào trong quần, thắt nịt hẳn hoi cho khỏi phất phơ trong gió. Tôi nghe có gã bặm trợn nào đó lên tiếng: Đù má một tay mà ưa chơi cha thiên hạ. Chú giả tảng, bỏ ngoài tai. Cho hay khi vui, người ta không gây ra chiến tranh, chín bỏ làm mười, niệm tình tha thứ.
Trên đường về khách sạn, ngồi trong xe taxi, chú nhận xét: Lạ thật, ông nội đẻ ra ba đứa con ruột, hai trai một gái chả đứa nào giống đứa nào, trong nhà chỉ còn lại mày với tao là giống y bon, nếu mày cụt tay thì đã là hai giọt nước. Chú cười to rồi chấm câu: Đéo mẹ thế mới gọi là cuộc đời chứ!
Không ngại có đệ tam nhân xa lạ là anh thanh niên lái xe taxi, chú Bê kể chuyện xưa tích cũ, bằng vào thứ giọng ăn to nói lớn cố hữu: Lần đó đụng nặng, cả tiểu đoàn bị tổn thất rất lớn, cánh tay trái tao ăn phải ba viên đạn tiểu liên, triệt thoái vất vả gần hai tuần, đến lúc chuyển về bệnh xá hậu cần thì dòi bọ đã ăn vào xương tuỷ, hai thằng y tá đè tao ra cưa mất mẹ một khúc tay. Có thằng nói, giọng tỵ hiềm: Nhất ông rồi, từ nay được hạnh phúc giã từ vũ khí trở lại đời sống dân dã, hàng tháng lại xơi tiền cấp dưỡng thương phế binh. Mẹ nó chứ, ban đầu chúng cưa ngang khuỷ tay, về thấu Hà Nội xét nghiệm sao đó nó cưa thêm cho lút cán, xem như đi đong, cụt mất toàn tập. Chú quay sang làm khó anh lái xe: Có thu tiền mãi lộ cũng chừng mực nào đấy thôi nhé, đừng chặt chém tớ nghe cậu. Anh tài lè lưỡi: Không dám đâu!
Vì cụt một cánh tay, chú Bê liền bị người vợ son trẻ trở mặt cái xoẹt, ôm đít dông một lèo chả thèm ư hử ra tuyên ngôn, ra cáo trạng, ra thông cáo lời buồn cho chuyện tình không đoạn kết. Bọn con nít trong xóm làm tài lanh kể lại khúc tình sử người bộ đội kém may: Bác Bê buồn bã bởi bị bà Ba bán bánh bò bảo ban, bắt buộc bà binh bài bỏ bác Bê. Bữa bác bực ba, bữa bác bệnh bảy. Buồn bất băng bó. Bảnh bao bỏ bác Bê biền biệt, biết bê bối bày bài bù …
Năm khi mười hoạ, chú Bê gặp được tay bạn đồng đội cũ, dắt cho đi nhậu thịt chó, ực rượu đế sương sương: Bê ạ, mầy buồn làm cái đếch gì cho héo người ra! Thân tao lành lặn cả tay cả chân đếm đủ hai chục ngón, vậy mà con vợ còn bỏ nhà theo trai huống hồ… Cạn cái nầy đi, vô tư đi mầy, có gì tao sai thằng đệ tử sang lại cho mầy đĩa phim Hồng Kông chính hãng “Độc Thủ Đại Hiệp”. Mẹ nó chứ, nắm cây đao gẫy mà cũng khuấy động vũ lâm, hắc bạch giang hồ đều xanh máu mặt, khiếp vía. Ngẫm ra thời xưa có quy luật lớp lang hơn thời nay, bây giờ toàn cả bọn ma giáo ăn trên ngồi trốc ba đầu sáu tay cả!
Về tới khách sạn ba sao tôi hỏi chú Bê: Mướn phòng có hai giường ngủ hay sao? Chú Bê thắp thuốc hút với năm ngón tay thành thục, phun khói: Khéo hỏi, vào đây tao đâu có ai thân thích, mầy làm khúc ruột ngàn dặm thì phải biết thể hiện nếp sống văn minh. Tôi hiểu ý chữ văn minh của chú Bê, chú từng bảo, sống bên đó cho dù mầy lao động đi bê phở trong quán ăn lợi tức thâu vào cũng cao hơn thằng giáo viên có bằng tiến sĩ ở đây. Ở đời người ta quý nhau ở chỗ lá lành đùm lá rách.
Khi làm thủ tục nhận phòng, chú nói với cô tiếp tân: Tớ là thương phế binh trong cuộc chiến tranh thần thánh vừa qua, vậy khách sạn nầy có ưu đãi tớ không? Cô ấy thành khẩn khai báo mà chả thèm nhìn mặt chú: Không dám đâu. Cô chỉ ngó tôi: Chúng em rất hoan nghênh nếu anh thanh toán bằng đô la của Mỹ, khỏi mỏi tay khi đếm. Trước ngày đi tôi có đổi 5 triệu, sau khi cà phê thuốc lá mừng đoàn tụ với chú Bê, trả tiền taxi vừa rồi, còn lại bao nhiêu tôi đút túi quần chú Bê, chú giỏi chi tiêu cân đo đong đếm thứ tiền bạc ấy hơn tôi. Hơn nữa tôi thích làm người văn minh, ghét bị mang tiếng là lạc hậu.
Lên phòng, ngồi thử độ nhún trên giường, lạc hậu tâm sự với văn minh: Theo chỗ tao biết đa phần mấy cha nội Việt kiều về đây cốt để chơi gái, cao lương mỹ vị gì thì rốt cuộc cũng thèm cũng nhớ chén mắm nêm, vừa mặn mà vừa giá bèo vừa cùng ngôn ngữ. Thế mầy có là một dạng y trang thứ Việt kiều đó không? Thú thật là từ khi con vợ nó bỏ đi tao những đâm thiếu vắng mùi vị đàn bà… Tôi nói trước khi vào phòng vệ sinh: Ô kê, khách sạn này chẳng biết có dịch vụ ấy không. Có gì chốc nữa chú cháu mình đi ăn cơm chiều, no say xong tui đi dạo một vòng ngoạn cảnh còn chú tranh thủ mà chơi gái. Đừng chân dài mà làm gì, cỡ 50 đô trở xuống là đủ ngon cơm, đúng không? Chú Bê cười tít mắt: Giá mà nhà nước nầy có mầy làm chủ tịch hội thương phế binh thì những gì chúng nó từng hy sinh nghĩ không uổng phí, nhỉ? Nhất Việt kiều nhì bia ôm ba tiền đô bốn gái làng chơi. Tứ khoái nầy e đã có cải biên, nhuận sắc?
Ở Sài Gòn đúng ba hôm, chúng tôi bay ra Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất nước theo sự bình bầu của tuyệt đại dân chúng. Chú Bê bảo, ờ cũng nên đi thực tế một chuyến xem bọn nhà báo có nói láo ăn tiền không? Rằng ở đấy chả có tệ nạn chặt chém, không thủ đoạn chèo kéo cướp giật, ai cắp bị đi ăn xin sẽ bị phạt tiền và chơi đĩ thì giá mềm đến vô tư. Đéo mẹ, được thế thì không ghé chân thăm thú một lần thì phí cả cuộc đời. Làm đếch gì mà nghe tới chữ đĩ thì mặt mầy nhăn như khỉ ăn ớt vậy? Đã bảo là giòng họ nhà mình còn sót lại hai đứa giống nhau là mầy với tao cơ mà. Cơ khổ! Đời ngắn lắm mầy ạ, có cơ hội thì vội chụp lấy mà thụ hưởng. Tao cực lực lên án thành ngữ “sướng con cu mà mù con mắt”. Mất đi một cánh tay thì việc chó gì mà hãi sợ thiệt thòi thứ khác.
Thời xưa tôi lên ghe vượt biển ở bên quận 3, giờ này tôi thoát xác chơi bảnh ngụ khách sạn đình đám ở ngay quận 2 rậm rật đèn màu. Đà Nẵng đổi thay đến chóng mặt, thuật ngữ ở đây kêu bằng “nâng cấp vượt mức quy định”. Bạch Đằng Hùng Vương Độc Lập và mọi con đường khác đều nhìn không ra dấu vết chôn nhiều kỷ niệm thời học trò, rõ là chẳng ai tắm được hai lần trên cùng một dòng sông (Hàn)!
Sáng đầu tiên khi ăn điểm tâm vớ phải tờ báo, đọc ngay bản tin: Thiếu uý Công an Nguyễn Trương Nam Hải, 24 tuổi, tạt hết bình chứa 750 ml a-xít vào người cô vợ sắp cưới, phá huỷ dung mạo, gây thương tích trầm trọng đến 46%. Công an TP Đà Nẵng đã tước quận tịch, cho ra khỏi ngành, tạm giam Nguyễn Trương Nam Hải chờ ngày ra toà xét xử. Phía dưới cột báo có đăng tin “theo dòng sự kiện” về trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng vừa bị bắt, có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù vì đương sự “lỡ dại” ôm ấp sờ mó (ấu dâm) một bé gái trong thang máy. Dẫn nguồn báo Tiền Phong là dư luận rất bức xúc, đơn cử như cử tri TPHCM đề nghị “chặt tay tội phạm xâm hại trẻ em”.
Tôi chuyển tờ báo cho chú Bê xem: Mẹ chúng nó chứ, gây ra tội thì phải vào tù mà ngồi, sao chưa gì đã manh nha ra thứ luật rừng thế kia? Lòng dạ nào mà mang tay người ta ra chặt, hử? Ông trời sinh bọn đàn ông, nếu không có tay, lấy gì cầm chim khi đứng đái? Rõ là đồ bất nhân! Tôi đùa nghịch ông chú cựu bộ đội: Xét cũng hợp lý thôi chú ạ, quýt làm đừng bắt cam chịu, y như bà gì đó ở bên Thanh Khê, người làm cách mạng đầu tiên đã xử thằng chồng ham của lạ bằng cách mài dao thật bén để thiến đi cái vật “cà chớn” kia, vất ra sân cho chó tha đi mất, chấm dứt cảnh giả mù sa mưa.
Chú Bê mặt nặng như đeo chì: Luận việc theo như mầy thì đàn ông con trai xứ Việt thảy đều bị đoạt mất bộ tam sự, hoặc chỉ còn hai hòn mà thiếu một gậy, còn chó gì nữa mà mần ăn. Hay là mầy đương nói bóng nói gió tới thằng Bê nầy? Sợ tốn tiền bao chú đi ngắt hoa bẻ cành, một trong tứ khoái. Chưa gì đã nghe ra sứt mẻ chút tình cảm giữa song phương.
Sau khi “ăn chơi thả giàn” mươi ngày nửa tháng, sắp cạn kho nhiên liệu của thằng cháu tha phương cầu thực, chú Bê đã “nhạy cảm” tình huống và quyết định thôi bòn rút niềm vui nỗi khổ của thằng cháu nữa. Hắn văn minh và hắn từng thực thi chơi đẹp sai quy trình, đành lên đường từ giã trở ra lại thủ đô thôi. Trước ngày thực thụ xa nhau, tôi đi cùng chú Bê ra chợ Hàn mua tặng chú bộ áo quần hàng hiệu may nhãn Burberry (London) sản xuất hàng loạt ở Trung quốc. Nếu chính hãng, bày trong thương xá chốn tôi ở, bộ này chúng hét giá hơn ngàn đô. Ừ, thì áo xống không làm nên thầy tu nhưng khi diện vào thân, chú Bê trông “ngon lành” hẳn, giá mà chú còn đủ cả hai tay thì mấy con bò lạc e phải bu quanh chú bẹo hình bẹo dạng kêu bằng đại gia: Chú chơi con đi.
Chú ra Hà Nội tôi vào Sài Gòn, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Có ai ngờ đâu, một ông cựu bộ đội từng cầm súng vào sanh ra tử đánh đuổi bọn đế quốc như chú tôi lại phát ngôn: Mầy về rồi mầy đi xúi tao đâm nhớ mùi Mỹ bám thân ở người mầy. Cả đời cầm súng oanh liệt đi qua cuộc chiến thật chả có gì ấn tượng cho bằng những giây phút thư giãn bên mầy khi mầy cho phép được voi đòi tiên. Tôi nhìn ông chú, định thốt lời chia tay nhưng kịp ngậm miệng. Dùng chữ chia tay thật không phải phép khi cái tay áo ông cứ đong đưa què quặt khi có gió thổi qua. Thậm chí nói chữ ông chơi gái e cũng vấp sai lạc, gái chơi ông thì có, vì gái chủ động nằm trên, chỉ còn một tay thì nên lễ độ nằm dưới, ta trao thân, muốn chém muốn giết cứ tuỳ nghi sử dụng.
Nhìn bóng chú Bê dần khuất tôi đổ tức cười khi nhớ lời ông nói: Cả giòng họ nhà mình chỉ có mi với tao là giống nhau như hai giọt nước. Thôi đi cha! Đã mất một tay còn thích mù một mắt nữa sao? Về soi gương lại đi nha. Tôi mà giống y như chú thì hoạ có trời sập. Tôi đi học, tôi không vào lính, nếu cầm súng M-16 ra chiến trường, chống trả sự tấn công từ phía chú nắm AK-47, đường 9 nam Lào chẳng hạn. Mặt chú lạ hoắc như thế kia, hô xung phong thì buộc tôi phải lia băng đạn tới thôi. Giống nhau thì sự tình e có khác, lần khân, ngờ ngợ, do dự, ái ngại, truy vấn. Mà thôi, suy diễn chi cho lôi thôi dài dòng, giờ đây cả hai đã quay lưng, đi theo số phận về lại đường xưa lối cũ, mãi hoài lạc mất nhau giữa đường đời muôn vạn nẻo. Nhẹ người khi tôi hết nghe hở tí là đéo, ba chừng bảy đỗi lại đếch. Chú có hiểu văn minh là gì không, chú Bê cụt tay chưa tốt nghiệp trung học phổ thông? Vĩnh biệt nhé, bận sau tôi đếch về thăm chú đâu. Về cái đéo gì nữa khi tối ngày đi bê phở muốn rụng cả đôi tay!

Hồ Đình Nghiêm
1/6/2019