Họa sĩ Albert Namatjira (1902-1959)
Albert Namatjira không hề vẽ theo truyền thống Thổ dân Úc như vẽ trên
đá hay trên vỏ cây… mà cũng chẳng theo phong cách vẽ theo dấu chấm /
dot painting (1) như tổ tiên ông đã làm trên đất nước này từ 50,000 năm
trước. Ông vẽ mầu nước, theo hội hoạ Tây phương kiểu hiện thực với
nhiều chi tiết của vùng outback là vùng nội địa hoang vu tiếp cận
với sa mạc, rất xa lạ với quần chúng Úc đương thời thường sống trong
các thành phố lớn.
Albert Namatjira thuộc bộ lạc Aranda vùng phiá Tây (2) của rặng núi
MacDonnell ở Trung thổ Australia. Là người tiên phong trong nghệ thuật
Thổ dân hiện đại, ông là người nổi tiếng nhất trong thế hệ đó. Sinh
ra với tên Elea và từ 1905 theo gia đình vào sống trong Trung tâm truyền
giáo Tin lành Hermannsburg Lutheran (3) cạnh thành phố Alice Springs giữa
nước Úc. Sau lễ rửa tội với tên mới, Albert Namatjira tỏ ra có năng
khiếu về nghệ thuật từ nhỏ nhưng phải đến 1936 (khi 34 tuổi), dưới
sự hướng dẫn của Rex Battarbee, một hoạ sĩ mầu nước, ông mới trở
thành hoạ sĩ chuyên nghiệp.
TỪ NHỮNG BƯỚC ĐẦU…
Đời sống trong Trung tâm truyền giáo hoàn toàn khác biệt với lối
sống của bộ tộc trong sa mạc vùng Lãnh thổ phương Bắc (Northern
Territory). Phải đến năm 13 tuổi, theo phong tục của người Aranda, các
thiếu niên nhận Lễ Truyền Thọ (Initiation), một nghi thức rất quan
trọng của người Thổ dân, Albert mới có dịp sống sáu tháng trong vùng
đất hoang vu với cây bụi (thường được gọi là the bush). Các thiếu niên
được các bậc trưởng lão trong bộ tộc trao truyền cho các luật lệ
truyền thống, những phong tục qua các huyền thoại, hát ca hay vũ
điệu… cùng những thử thách thân xác để thành ngưởi trưởng thành.
Trở lại Trung tâm truyền giáo, Albert học nhiều nghề thủ công, vẽ những
bức tranh nhỏ để bán kiếm thêm vì lấy vợ năm 18 tuổi vả có nhiều
con. Do những bất đồng trong bộ lạc, nhiều năm Albert phải đi xa chăn
lạc đà và qua đó, du hành nhiều nơi, để lại trong ký ức những hồi
tưởng sau này thành các bức hoạ ghi dấu Thời Giấc mộng (4) mà toàn
Thổ dân Úc đều chia sẻ.
QUA THIÊN BẨM NGHỆ THUẬT…
Năm 1934 hai họa sĩ từ Melbourne đến triển lãm tranh của họ tại
Trung tâm truyền giáo khiến Namatjira phát khởi nhiều cảm hứng muốn
vẽ nghiêm trọng. Hai năm sau, một trong hai hoạ sĩ đó là Rex Battarbee
đã trở lại vì muốn vẽ phong cảnh đặc biệt của vùng Trung thổ này
và chính Namatjira đã tình nguyện đưa Battarbee đến những vị trí
thuận tiện nhất để vẽ qua kiến thức địa hình mà ông đã thu lượm
được trong nhiều năm trước. Đẻ đáp lại tấm thịnh tình, Rex đã chỉ
cho Albert cách vẽ mà ông tiếp thu nhanh chóng khiến Rex phải thán
phục.
Cuộc triển lãm solo đầu tiên của ông được tổ chức tại Melbourne
vào năm 1938. Sau đó ở Sydney và Adelaide, các tranh đều được bán hết.
Liên tục trong 10 năm, tên tuổi của Namatjira nổi như cồn, trở thành từ
ngữ cửa miệng. Các tranh hoặc phóng bản tranh của ông được treo trong
phòng khách khắp mọi gia đình, cả nước như một tiếp cận đặc biệt
với người Thổ dân..
Namatjire ký tên lưu niệm cho khách mộ điệu (khoảng cuối 1940)
VỀ SỰ THẦM LẶNG…
Namatjira có một phong cách nghệ thuật độc nhât vô nhị. Tranh phong
cảnh của ông diễn tả vùng đất khô cằn lởm chởm đất đá trong hậu
cảnh mà cũng hiển bầy những thực vật đặc trưng của vùng Trung thổ
nước Úc trong cận cảnh với những cây bạch đàn uy nghi quấn chung quanh
bởi đám cây bụi. Thay vì sử dụng các hình tượng, biểu tượng truyền
thống của văn hoá Thổ dân, ông hoàn toàn vẽ mầu nước theo kiểu Tây
phương khiến người Úc da trắng dễ cảm nhận và nhiệt liệt tán
thưởng.
Phẩm chất của những bức tranh chính là nguồn ánh sáng
(illumination) soi rọi phong cảnh hoang vu vốn đơn độc và đồng điệu
nhưng ánh và sắc của mầu đã diễn bầy những tâm cảm khác biệt trong
mỗi bức tranh. Namatjire hầu như chỉ dùng ba mầu chính là đất đỏ,
tím và hoàng thổ (ochre) như tổ tiên ông đã dùng để vẽ.
Palm Valley, thập niên 1940s
Mt Hermannsburg, Finke river, 1948
Ghost gums, Mt Sonder, Macdonnell ranges, 1955
Bố cục tranh Namatjira khá là cổ điển: đường chân trời ở khoảng
1/3 phiá dưới bức tranh, cảnh vật được phối hợp ở giưã, phần còn
lại, ở trên là khung trời. Có lẽ một phần cũng khó tìm được một
địa thế cao để có cái bird view nhưng ông không hề bỏ lỡ cơ hội để
vẽ các hẻm núi giưã các vách đá cao sừng sững hay các cây bạch đàn
ngoằn ngoèo nhìn từ dưới lên. Loài cây này trở thành chữ ký trong
tranh của Namatjira bởi nó xuất hiện khá thường trong vùng Trung thổ
Úc và ông đã ghi lại tại những địa danh gắn bó với truyền thống
Thổ dân. Tên khoa học của nó là Corymbia aparrerinja (bạch đàn hay
khuynh diệp), là loại cây bản địa thường xanh, thường được gọi là gum
tree hay ghost gum theo Thổ dân. Nó mọc cao đến 20 thước, có vỏ trơn,
mầu trắng như kem hay ửng hồng. Hoa nở vào mùa hè, cho qủa. Ghost gum
mọc ở những vùng khô cằn, trên các sườn núi, các bãi cát đỏ hay ở
lòng các lạch cạn. Gọi là cây “gum ma” vì cái vỏ trắng của nó ban
đêm dễ gây những ấn tượng khích động. Có nhiều chuyện kể về ghost
gum trong truyền thuyết Thời giấc mộng của người Thổ dân và trong thế
kỷ XX trở thành phổ biến qua tranh của Namatjira.
Ghost Gum tại Palm Valley, Northern Territory
Namatjira ở gần Alice Spring vào năm 1950
Ngược lại với A. Modigliani (1884-1920), hoạ sĩ chỉ vẽ người mả từ
chối vẽ cảnh (hình như cũng có hai bức ngoại lệ thì phải), hầu như
toàn bộ tranh của Namatjira chỉ vẽ phong cảnh. Một lãnh đạo cộng
đồng Thổ dân Úc đã giải thích cho người không-Thổ dân rằng các cây
ghost gum trong tranh của Namatjira chính là biểu tượng của người Thổ
dân, trường kỳ tranh đấu với thiên nhiên khắc nghiệt để sống còn cả
mấy chục ngàn năm trên đất nước này mà đối với Namatjira, những đồi
núi trơ trọi đó cũng có thể là những “lăng miếu trùng vây” của quê
hương ông như một cách diễn đạt của Trịnh công Sơn.
ĐẾN DANH VỌNG TỘT ĐỈNH…
Portrait of Namatjira
by A.W. Cook
Năm 1944 Namatjira là người Thổ dân đầu tiên được ghi trong Who’s Who
của Úc. Nữ hoàng Elisabeth Đệ nhị (nay, 2019, vừa sinh nhật 93 tuổi),
cũng là fan của ông, đã tặng Huy chương Đăng quang năm 1953 cho Namatjira
và tiếp kiến ông khi thăm Úc vào năm 1954. Qua năm sau, ông lại được
bầu làm Hội viên Danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia của tiểu
bang New South Wales. Là người Thổ dân đầu tiên sử dụng phương cách hội
hoạ Tây phương và được quần chúng mến chuộng, ông thường được chính
quyền tâng bốc như một thành công của chính sách hội nhập
(assimilation).
TỚI TÁM NGỌN GIÓ ĐỜI VỚI VINH VÀ NHỤC.
Nhưng ở giữa hai nền văn hoá, cuộc đời của Namatjira không dễ dàng
chút nào. Sự nghiệp vinh quang lại phản ảnh sâu đậm vết rạch giữa
các tu từ hoa mỹ và thực tế gai góc của vấn đề hội nhập.
Trước hết là trong thế giới nghệ thuật. Một số nhà phê bình cho rằng
tranh của ông là tranh bắt chước, vẽ theo quy ước (Âu châu), một số chê
là sự dồn dập thu nhập văn hoá mới, mất tính truyền thống bộ lạc.
Tiêu biểu hơn cả là phát biểu của H. Missingham, giám đốc Art Gallery
của tiểu bang New South Wales (1945-1971) một cách cao ngạo không hề dấu
diếm: “Chúng tôi sẽ xét đến tác phẩm của ông ta khi nó đạt tới cao
điểm.” Ông giám đốc này cũng là họa sĩ nữa nên thêm một chỉ dấu
“nặng ký” để có thể thêm lời nhạc của ban nhạc AVT (thập niên 1960’s
ở Saigon) vào đây mà không sợ thừa: “… như hai cô ca sĩ có khen nhau bao
giờ…”
Mặc dù được quảng đại quần chúng ngưỡng mộ, sinh thời, Namatjira
đã bị giới nghệ thuật ở xứ này cố tình lờ đi.
Sau Namatjira hai thế hệ mới có một họa sĩ Thổ dân khác đem lại
vinh dự cho người Thổ dân hay nói thận trọng hơn là ít nhiều danh dự.
Đó là Harold J. Thomas (sinh năm 1947), thuộc bộ tộc Luritja ở Trung thổ
Úc, 1969 tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật ở Nam Úc, hạng danh dự. Là
tác viên xã hội nhiệt thành trong phong trào đấu tranh đòi quyền sở
hữu đất đai của Thổ dân, ông đã vẽ lá cờ biểu tượng cho người Thổ
dân Úc vào năm 1971 mà 24 năm sau (1995) mới được chính thức công nhận
vị thế “Flag of Australia”, song song với quốc kỳ có từ 1903 mang trên
góc trái lá cờ Anh, biểu hiện của Union Jack. Ngày nay lá cở này
được treo cùng với quốc kỳ ở quốc hội, các công sở hay trong các
sinh hoạt hoặc lễ hội của Thổ dân. Tuy nhiên, đó là chuyện thời hậu
bán thế kỷ XX khi nước Úc đã mở cửa và người Úc đã mở lòng ra để
tiếp nhận các trào lưu tư tưởng mới của thời hiện đại.
Cờ của người Thổ dân trong Liên bang Úc
Cờ có ba mầu: Đen, Vàng và Đỏ.
– Đen tượng trưng cho người Thổ dân –
– Vàng biểu hiện cho mặt trời, ban phát và che chở sự sống
– Đỏ là đất, ám chỉ đất son hay hoàng thổ được dùng trong nghi
lễ, tượng trưng sự liên hệ tâm linh giữa ngưởi Thổ dân và đất.
Thử trở lại với những năm đầu thập niên 50’s trong khung cảnh của
Namatjira.
Mặc dù đã thảnh công trong sự nghiệp hội hoạ và có một lợi tức
đáng kể so với những người Thổ dân khác nhưng Albert không có quyền
sở hữu đất đai. Ngay cả việc thuê mướn một nông trại cũng bị từ
chối, ông và gia đình sống nheo nhóc trong một khu hộ tồi tàn gần
Alice Springs. Điều này gây phẫn nộ trong quần chúng, một vấn đề đem
đến nhiều tranh cãi sôi nổi vì ông hầu như là người Thổ dân duy nhất
được biết đến trong thời gian này, nhất là lại được Nữ hoàng chiếu
cố.
Năm 1957, Albert (cùng vợ) được ban cho quốc tịch Úc khiến ông đi
vào lịch sử của đất nước này trong khi đã có rất nhiều Thổ dân
khác trước đó đã từng tham gia với người Úc da trắng trong các lãnh
vực thể thao hay quân sự qua hai cuộc Thế chiến. Mang quốc tịch Úc,
ông được quyền bầu cử, sở hữu đất đai, mua (và uống) rượu, những
đặc quyền mà mãi đến 10 năm sau (1967), trong một cuộc Trưng cầu dân ý
để thay đổi Hiến pháp, 91% dân chúng Úc đã công nhận Thổ dân Úc mang
quốc tịch Úc, được đếm trong các Kiểm tra dân sổ, di chuyển ngoài
vùng mình ở không phải xin giấy phép… và hoàn toàn là… người Úc!
Cao điểm danh vọng tột cùng của Albert cũng là dấu hiệu cho một
định mệnh nghiệt ngã không ai ngờ được. Theo truyền thống bộ tộc, sở
hữu của ông cũng được chia sẻ với họ hàng, các thành viên trong bộ
lạc như một điều tự nhiên. Năm 1958 một người bạn đã uống rượu của
ông và Albert bị khép vào tội “cung cấp rượu cho người Thổ dân”, lãnh
án 6 tháng tù + lao động trong một Trung tâm định cư. Quần chúng lại
phản đối kịch liệt và sau hai lần kháng án, ông được tha sau 2 tháng
tù vì lý do nhân đạo và sức khỏe. Chán nản, Albert không vẽ nữa. Năm
sau ông mất vì bệnh tim ở tuổi 57.
Trịnh công Sơn trong nhiều sáng tác của ông đã để lại một số “tâm
bệnh” của chính trái tim mà không thấy sách bệnh lý học (pathology)
Âu-Mỹ nào ghi vào cả như: con tim tật nguyền, trái tim phiền muộn, con
tim mù loà, con tim căm hờn… mà tiếng Anh thông dụng thường chỉ nghe
có broken heart. Không biết Albert Namatjira khi buông cọ có mắc chứng
bệnh nào như kể trên chăng?
Cuộc đời ông biểu hiện toàn bộ mâu thuẫn, nghịch lý, bất công trong
luật lệ kỳ thị chủng tộc và những thay đổi cần thiết dù khá trễ
cho người Thổ dân.
DI SẢN TINH THẦN VÀ DI SẢN THỰC TẠI
Grass trees
Illara creek, 1945
Trong sự nghiệp hội họa khoảng 25 năm Namatjira đã để lại cỡ 2,000
bức tranh mầu nước vẽ trên giấy. Đề tài đặc biệt về vùng Trung thổ
và phong cách diễn đạt cá biệt của ông đã tạo cho ông một vị trí
duy nhất trong hội hoạ Úc.
Liên tục trong hơn nửa thế kỷ qua, sau cái chết của Namatjira, gần
như trong mọi lãnh vực xã hội, văn hoá, nghệ thuật… đều có những
thực hiện, trình diễn liên quan đến con người và tác phẩm của ông như
phim ảnh, âm nhạc, sách vở, truyền thông đại chúng… nhiều không đếm
hết. Viện bảo tàng quốc gia, các bảo tàng tiểu bang, các phòng
tranh…đổ xô tranh nhau mua đấu giá cho bộ sưu tập tranh Namatjira của
mình. Bảo tàng viện riêng cho ông được dựng lên ở Alice Springs. Sự
phát triển đó bắt nguồn tử nhiều nguyên nhân tương quan lẫn nhau xuất
hiện trong thời đại mới do ở sự thay đổi chính sách của chính phủ
với ngưởi Thổ dân, sự trưởng thành ý thức và tranh đấu cho công bằng
xã hội của họ cũng như thái độ tích cực của dân chúng Úc trong vấn
đề dân quyền và nhân quyền.
Di sản tinh thần mà ngưởi Thổ dân thích dùng chữ “tâm linh” hơn của
cá nhân Albert Namatjira coi như bảo đảm, vẫn được lưu truyền nhưng cái
di sản thực tại, thực tế và cụ thể hơn, đó là bản quyền toàn bộ
tranh của Albert, nay thuộc về ai? Hơn nửa thế kỷ trước, luật pháp Úc
áp dụng cho người Thổ dân khá là tùy tiện, tùy theo sự diễn giải
của chính quyền địa phương. Sau cái chết của Namatjira, vợ con ông trở
về sống với bộ tộc mà có lẽ cũng chẳng ai biết luật pháp ra sao
nên di sản các tác phẩm của ông được trao cho một cơ quan của chính
phủ Lãnh thổ phương Bắc trông nom, gọi là Ủy nhiệm Thừa kế Công cộng
(Public Trustee).
Năm 1957 chính Namatjira đã có một giao kèo với nhà xuất bản Legend
Press cho họ độc quyền sản xuất những phóng bản tranh của ông và trả
tiền bản quyền là 12% mỗi năm cho gia đình ông. Đến 1983, chẩng biết
có phải những ngưởi quản trị Public Trustee vỉ dốt nát, không hiểu
biết giá trị đương thời tranh của Namatjira đã lên đến hàng trăm ngàn
hay vỉ lý do nào khác, đã quyềt định bán toàn bộ bản quyền tranh
của Namatjira cho nhà xuất bản trên với một cái giá “bèo” là 8,500 đô
Úc (tương đương với hiện giá là 30,000 đô Úc hay 20,500 US$) mà cũng
không buồn hỏi đến ý kiến của vợ con ông hay lý tới di chúc ông để
lại là trao bản quyền cho họ.
Nhưng thời thế, dân trí cũng thay đổi, chính gia đình Namatjira và
những người trong bộ tộc đã lập ra Namatjira Legacy Trust vả đâm đơn
kiện một quyết định bất công của chính phủ. Vụ án kéo dài hơn ba
thập niên (!) và sở hữu bản quyền đã trở về với gia đình Namatjira
vào năm 2017, không riêng cho con, cháu ông mà nay đã đến đời chắt!
Tất cả đền bù thiệt hại đều cho vào Namatjira Art Center ở Alice
Springs, nơi Namatjira bắt đầu nghiệp hoạ sĩ và con cháu ông vẫn tiếp
tục vẽ để nối tiếp di sản ông để lại như con của họa sĩ Bùi xuân
Phái, con của hoạ sĩ Đinh Cường… nhưng thoát ra được khỏi cái bóng
lớn và tên tuổi của thế hệ trước cũng không dễ dàng gì mà khó
khăn, trở ngại thì không thiếu.
Tiêu biểu là mối đe dọa hiện thực và trực tiếp nhất trong lúc
này chính là những tác phẩm nghệ thuật của người Thổ dân bán đầy
trong các souvenir shop ở Úc, dán nhãn “Made in China”!
Nguyễn T. Long
24.5.2019
CHÚ THÍCH
(1) Một loại pointillism nhưng thường chỉ sử dụng một ít mầu căn
bản tạo nên các dấu chấm, diễn bầy hình tượng người, vật, cảnh…
mang tính biểu tượng.
(2) Khi người Anh chiếm nước Úc làm thuộc địa (1788), Thổ dân Úc
(Australian Aboriginee) sống rải rác khắp nước Úc, có hơn 200 thứ
tiếng khác nhau, được nhận dạng tính danh qua phân biệt ngôn ngữ, bộ
lạc và địa phương. Nay 1/3 người Thổ dân sống trong các thị trấn và
dùng tiếng Anh. Họ chiếm khoảng 3% dân số 25 triệu người của Úc
(2019).
(3) Từ 1890 cho đến thập niên 1970, với chính sách đồng hoá, trẻ em
Thổ dân từ mới sinh ra cho tới tuổi thiếu niên bị cưỡng bức phải giao
cho chính quyền. Chúng bị cắt đứt với ngôn ngữ mẹ đẻ, truyền thống,
kiến thức, phong tục… và được trông coi trong các Hội truyền giáo,
các trung tâm quản thúc hay cha mẹ nuôi da trắng. Mục đích là biến
chúng thành “trắng” trên mọi phương diện.
Rất ít trong số ước lượng 16,000 trẻ em bị bắt cóc (do hồ sơ thất
lạc hay bị hủy nên chỉ có thể phỏng đoán) thâu nhận được học vấn;
phần lớn con gái bị cho đi làm đầy tớ, con trai làm việc trong các
nông trại với lương thấp hoặc không lương. Tình cảnh không khác người
nô lệ Phi châu được mang sang làm việc trong các đồn điền trồng bông ở
miền Nam nước Mỹ trước cuộc nội chiến 1861-65.
Chính sách đồng hoá của Úc kéo dài hơn nửa thế kỷ nên ảnh hưởng
tới nhiều thế hệ Thổ dân, nay được gọi là “Những thế hệ bị đánh
cắp” (Stolen Generations); nó không có cái lãng mạn của The Lost
Generation mà E. Hemingway đã trải qua sau cụộc Đại Thế chiến thứ I
(1914-18) bởi vì nó gắn liền với nhiều máu và nước mắt.
(4) Dreaming hay Dreamtime là một chuỗi khái niệm phức tạp và toàn
bộ của một triết lý, bao gồm ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai
cũng như hầu hết mọi khiá cạnh của đời sống từ thế giới quan đến
vũ trụ quan của người Thổ dân…
Thần linh từ thời khởi thủy khai thiên lập địa như những sứ giả
truyền thông với con người, mang đến những tri thức mới cho tập thể…
Qua giấc mơ hay trong những trạng thái biến đổi của tâm thức con
người tiếp xúc được với thế giới thần linh và để nhận được liên
tục sức mạnh của sự sống từ đó, họ phải thực hành những nghi lễ,
vũ điệu, hát xướng và lòng tin vào huyền thoại thần linh.