Cây quýt này vốn mọc ở một địa phương nọ thì rất to và ngọt, đem trồng ở
một nơi khác, không hợp thủy thổ, thì vừa nhỏ vừa chua. (Bá Dương)
Nhà văn Bá Dương phàn nàn rằng đồng bào của ông bị “dị ứng” với hai chữ
cám ơn:
“Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người TQ ra cái câu cám ơn ông e
rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng
ta thì không thể được.”
Ngoài cái bệnh dị ứng với chuyện ơn nghĩa, vẫn theo như lời của
tác giả Người Trung Quốc Xấu Xí (The Ugly Chinaman) dân Tầu
còn mắc cái tật hơi lớn tiếng:
“Nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp.”
Những ghi nhận đọc được qua trang FB của Nguyễn Chương về người Đài Loan lại hoàn toàn khác:
– Tại bến xe mọi người đều tự giác xếp hàng. Khi lên xe, nhân viên nhiệt
tình hỏi bạn muốn đi đâu, và khi thu tiền hoặc thối lại tiền, họ đều nói “cảm
ơn”vì bạn đã thịnh tình chiếu cố.
– Khi mua cơm ở cửa hàng, mỗi lần kêu món hoặc đến lúc trả tiền, tôi đều
nghe nhân viên nói “cảm ơn” luôn miệng.
Kinh nghiệm của tôi ở Singapore cũng thế, cũng khác. Có lần bước
vào một tiệm ăn ở Đảo Quốc này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy hình
một tô hoành thánh mì, cùng dòng chữ song ngữ (Please Keep The Volume
Down While Eating After 10:30 PM) dán ngay trên tường.
Ảnh (tnt) chụp năm 2019
Thảo nào mà quán đông nhưng không ồn. Hoá ra không phải ở đâu người
Trung Quốc cũng là những kẻ vô ơn, và lúc nào họ cũng lớn họng, như
lời than phiền của Bá Dương. Có nơi – và có lúc – họ cũng thường
“cảm ơn luôn miệng” và cũng ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng, rất mực.
Thế mới rõ là có nhiều giống người Hoa chứ không phải một: Tầu
Singapore, Tầu Hồng Kông, Tầu Đài Loan, Tầu Đại Lục … Và họ khác nhau
một trời/một vực – theo như ghi nhận của một người cầm bút khác, Tạ Duy Anh:
“Không phải vô cớ mà người Đài Loan kiên quyết không nhận mình là Trung
Quốc, dù họ phần lớn từ Phúc Kiến sang. Người Đài Loan hiền lành, tinh tế,
trung thực thuộc loại nhất thế giới. Trong khi người Trung Quốc đại lục thì
luôn tạo ra ác mộng cho bất cứ đâu họ đặt chân đến.”
Ở bình diện thể chế cũng thế: “Điểm khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật
tại Đài Loan và Trung Quốc sâu và rộng gấp mấy lần vài trăm dặm eo biển chia
cắt hai quốc gia này. The gulf between legal systems across the Taiwan Strait
is far wider than a hundred miles.” (Margaret K. Lewis. “Taiwan’s Human Rights Revolution and China’s Devolution.”
The Diplomat 10 Mar 2017 translated by Quỳnh Vi).
Sao kỳ vậy cà?
Tác giả Huy Phương lý giải như sau: “Cũng giống quýt đó, trồng ở
Giang Nam thì chua, trồng ở Giang Ðông thì ngọt. Ðó chính là nhờ phân, nước,
khí hậu mỗi nơi cho những thứ trái có phẩm chất khác nhau… Bây giờ hầu hết
giống quýt đều muốn được trồng ở Giang Ðông, chứ không muốn mọc ở Giang Nam.”
Tương tự, “bây giờ hầu hết” người Trung Quốc cũng đều muốn “được
trồng” lại ở một nơi nào khác, cho nó bớt chua, chớ không phải ở nơi
quê hương (bản quán) của mình:
Đất lành chim đậu. America, Canada, Australia thì không nói
làm chi, chớ ngay tới Châu Phi mà cũng được người Tầu coi như là đất
lành thì ai cũng phải thấy rằng Trung Hoa Lục Địa (quả) là dữ
thiệt, và dữ lắm – trừ ông Tập Cận Bình.
Chủ quan và kiêu ngạo cộng sản là chứng bệnh chung của rất nhiều
đồng chí lãnh đạo cấp cao, chớ chả riêng chi bác Tập. Bởi thế, bác
ấy rất bất bình (và bị chạm tự ái) vì người dân Trung Cộng đã bỏ
chạy tá lả bùng binh – theo tôi – là điều hoàn toàn thông hiểu và
thông cảm được.
Tôi chỉ phàn nàn mỗi ở điểm là ông Chủ Tịch Nước đã có cái
thái độ quá đáng, hay nói chính xác hơn là quá quắt, khi đòi hỏi
Nước Trung Hoa Là Một – One China
Policy. Ổng muốn thâu tóm tất cả vô cái phần đất dữ dằn (và chua
lè) của mình cơ.
Ngày 1 tháng 7 năm 2017, Tập Cận Bình đến dự lễ kỷ niệm Hai Mươi
Năm Trao Trả Hồng Kông – Hong Kong Handover 20th Anniversary. Bữa đó, tôi tình
cờ cũng có mặt tại Hương Cảng và đang ngồi ăn mì (nên suýt ói) khi
nghe thằng chả nói – y như thiệt – trên TV rằng: “Hong Kong has always been in my heart.”
Biểu tình phản đối TCB tại H.K. Ảnh: South China Morning Post – July 01, 2017
Tui quen cả đống người dân Hồng Kông, đủ mọi thành phần, chả hề
nghe ai nói là trong trái tim họ lại có Tập Cận Bình cả. Họ cũng
hoàn toàn không có chút xíu xiu thiện cảm, hay gắn bó gì với Trung
Hoa Lục Địa. Giới truyền thông cũng phản ảnh y như thế:
– Reuter: Người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người
Hong Kong, không phải Trung Quốc.
– Le Monde: Thất bại của một đất nước, hai chế độ.
– RFI: Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc.
– BBC:
Đừng ảo tưởng rập đầu trước Trung Quốc.
– RFA: Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương
lai.
Người Đài Loan cũng vậy, cũng sợ thấy bà luôn. Đối với họ (chắc)
hai chữ “cộng sản” cũng có nghĩa tương tự như “dịch tả” hay “dịch
hạch,” chớ không là gì khác cả – dù Tập Cận Bình vẫn luôn miệng trấn an:
“Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân
sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của
‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không
gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa.”
Chuyện của thiên hạ nhưng FB Nguyễn – Chương Mt (VN) vẫn nhất định xía vô, và bàn
ra, cho bằng được:
“Cái này kêu bằng ‘nằm mơ giữa ban ngày’ từ phía Bắc Kinh… Đài Loan đã và đang
là một lãnh thổ độc lập gần 70 năm rồi đa! Bảy thập kỷ (từ 1950 tới nay) sống
mình ên, mọi chính sách đối nội lẫn đối ngoại do Đài Bắc tự quyết định (Bắc
Kinh chớ hề được phép nhúng tay vào mà ‘chỉ đạo’). Ở đời, có ai đang độc lập mà
không chịu sướng, lại đi chui vào một thiết chế để cho người khác chỉ đạo? Mà
phải chi Bắc Kinh văn minh hơn, mức sống dân chúng cao hơn, an sinh xã hội tốt
hơn thì… cũng dám xin thôi độc lập để được nâng khăn sửa túi lắm à.”
Nguyễn – Chương Mt còn làm tài hay, cầm đèn chạy
trước ô tô, mau mắn cho độc giả biết rằng: “Danh xưng ‘Cộng hòa Đài Loan’
(tức ‘Đài Loan dân quốc’ 台灣民國) đang rục rịch để một ngày đẹp trời thế chỗ, không còn
xài danh xưng ‘Trung Hoa dân quốc’ (中華民國), khỏi dính tới vòng kim cô ‘One
China’ làm chi cho má nó khi…”
Theo VOA, nghe được hôm 02/01/2019, Tổng Thống Thái Anh Văn cũng mới vừa tuyên bố: “Đại đa số người dân
Đài Loan kiên quyết chống đối khái niệm ‘một quốc gia, hai chế độ,’ đây là sự
đồng thuận tại Đài Loan.” Hai tháng sau, ngày 8 tháng 4, Taiwan
News đưa tin: “Thousands of Taiwanese protest against ‘one country, two
systems’ in Kaohsiung. Hàng ngàn người Đài Loan xuống đường phản đối ‘một nhà
nước, hai chế độ’ở Cao Hùng.”
Chưa hết, RFI
nghe được hôm 7 tháng 5 năm 2019, lại vừa hớn hở cho hay: “Hạ Viện Mỹ
thông qua luật bảo vệ Đài Loan … Với 414 phiếu thuận và 0 phiếu chống.”
Tui thì không rành (và cũng không mặn mà) chuyện chính trị/chính
em nên không dám xía vô, hay bàn ra gì ráo, chỉ trộm nghĩ rằng: hiện
tại dân số Trung Cộng đã lên tới 1/5 tổng số nhân loại rồi, gieo
trồng 1,418,804,794 trái quýt chua (lè) như vậy bộ chưa đủ
sao mà còn muốn ấn thêm vô làm chi nữa, cha nội? Bộ không thấy hằng
triệu người dân Hồng Kông đang xuống đường biểu tình phản đối và cả
loài người đang nhăn mặt hay sao?
Tưởng Năng Tiến