11 July 2019

CHIẾC XE TRÂU DẪN THỦY NHẬP ĐIỀN - Phạm Phú Minh


Con trâu to lớn và khỏe mạnh, được thuần hóa đã lâu đời, giúp cho người Việt Nam rất đắc lực trong nhiều việc nặng nhọc. Trên quê hương Quảng Nam ngoài việc cày bừa, trâu còn kéo xe, kéo gỗ, kéo che ép mía, và đặc biệt trong vùng Điện Bàn, Duy Xuyên còn làm công việc đưa nước vào ruộng. Công việc đưa nước này này đòi hỏi một bộ máy công cụ tuy đơn sơ về nguyên tắc chuyển vận, nhưng được thiết kế khá công phu và có lẽ cũng khá tốn kém đối với nền kinh tế nông thôn, nên tuy rất hữu dụng, nó chỉ mới xuất hiện trên một địa bàn hẹp, và đã sớm đi vào dĩ vãng khi những máy bơm nước tưới ruộng chạy bằng máy nổ, rồi bằng điện xuất hiện ào ạt vào hậu bán thế kỷ 20.

Vào những năm giữa của thập niên 1940 khi tôi bắt đầu ôm vở đi học vỡ lòng ở trường làng – làng Đông Bàn, thuộc khu vực Gò Nổi, phủ Điện Bàn – thì một trong những địa điểm tôi thích ghé đến để chơi và ngắm nghía nhất là cái xe trâu đưa nước vào ruộng. Xin nói ngay về tên gọi “xe trâu” vì nó rất dễ gây hiểu lầm: đây không phải là chiếc xe dùng để chuyên chở đồ đạc hàng hóa do trâu kéo, mà như vừa nói ở trên, là một hệ thống công cụ hoạt động bằng sức kéo của trâu nhằm làm quay một cái bánh xe lớn múc nước từ dưới sông, đìa lên để đưa vào ruộng. Nguyên tắc của bộ máy này là con trâu đi vòng tròn làm quay một cái trục thẳng đứng ở giữa (giống như trường hợp ép mía), trên trục này có ráp một bánh xe răng cưa bằng gỗ nằm song song với mặt đất, khi trâu đi vòng tròn thì bánh xe này quay, giống hình ảnh một cái đĩa hát đang chạy. Lực quay này được chuyền bằng hệ thống răng cưa sang một bánh xe đặt thẳng đứng, làm quay một cái trục nằm ngang, mà đầu bên kia có gắn một bánh xe lớn làm bằng gỗ và tre, có mang những ống đặt xiêng xiêng, khi quay thì bánh xe này múc nước đổ lên máng xối để từ đây vào đường mương dẫn đến ruộng. Cái bánh xe múc nước này giống hệt như những cái xe nước đặt trên sông Trà Khúc gần thị xã Quảng Ngãi (được đặt tên một cách vừa thơ mộng vừa kỳ bí là Long Đầu Hý Thủy – đầu rồng giỡn nước), chỉ khác là một bên được chuyển vận bằng sức trâu, một bên bằng sức nước chảy của dòng sông.

Cứ vào cuối xuân, chớm vào hè là các xe trâu kéo nước ấy lại bắt đầu hoạt động, cho đến khi cách đồng lúa sắp chín vàng vào mùa thu mới ngưng. Làng tôi có hàng chục cái xe trâu như thế đặt rải rác ven bờ sông hoặc ở các đìa nước, khi hết mùa tưới ruộng thì người ta tháo hết các bộ phận ra đem về cất giữ ở nhà, để tránh bị nước lụt cuốn trôi. Vào mùa tưới ruộng đây đó trong làng vang lên tiếng kẽo kẹt của xe trâu đang hoạt động suốt ngày đêm. Nông dân ngày xưa không có đồng hồ, thời gian một con trâu kéo xe được đo bằng “chỉ”, khi hết một chỉ thì thay trâu khác để con kia nghỉ mệt. “Chỉ” đây là hai cái trục, một cái quấn đầy chỉ, một cái để trống, gắn một cách nào đấy vào bộ máy chuyển động của xe trâu, khi các trục quay thì hai trục chỉ cũng quay theo, chỉ ở trục đầy chuyển sang quấn vào trục trống, khi chỉ ở trục này được quấn hết vào trục kia thì đến lúc con trâu đang làm việc được nghỉ để con trâu khác vào thay. Vì nhu cầu tưới ruộng phải liên tục vào mùa khô, trâu phải được chuẩn bị để “đạp xe” nối tiếp nhau không nghỉ, cho đến khi ruộng đầy đủ nước mới tạm ngưng. 

Khi còn nhỏ tôi rất thích đứng xem hàng giờ không chán sự hoạt động của cái xe trâu kéo nước ấy. Hệ thống trục vận chuyển là cả một sự kỳ bí. Con trâu đối với tôi lúc ấy là con vật quá to lớn làm cho tôi sợ, mặc dù nó rất hiền lành. Khi trâu đã được mang ách xong và tiến bước, thì cả hệ thống chuyển động, và nước lập tức đổ rào rào vào máng xối. Chiếc xe trâu nào cũng phát ra một nhạc điệu, do các trục gỗ nghiến vào nhau tạo một âm thanh ngân nga rất lạ, cộng với tiếng nước đổ liên tục như mưa rào đã từ lâu trở thành một khúc nhạc của làng quê tôi trong những ngày hè.

Đến khi lớn hơn đi học trung học ở tỉnh, mùa hè về quê tôi vẫn còn thích ghé thăm chiếc xe trâu. Tôi gặp các bạn hàng xóm thuở nhỏ của tôi, nay đã thành những nông dân thiếu niên, điều khiển bộ máy dẫn nước vận hành một cách thành thạo. Chúng tôi thường ngồi dưới mái tranh lợp sơ sài trên chiếc xe trâu hoặc dưới bờ tre ven đìa nước để nói chuyện, bạn tôi bập bập một điếu thuốc thật to quấn bằng lá thuốc, kể cho tôi nghe những nỗi cực nhọc của nghề nông, nhưng chẳng bao giờ có ý ganh tị không được đi học như tôi. Coi như lúc nhỏ chơi đùa cùng nhau, lớn lên mỗi người một phận, chẳng có gì để thắc mắc. Chuyện tôi thích nhất nơi bạn tôi là chuyện ma mà những người đi đạp xe ban đêm hay gặp. Địa điểm thành lập xe trâu kéo nước là ven bờ sông hoặc đìa nước hẻo lánh ngoài đồng, chung quanh trồng tre dày nghịt. Về ban đêm những chỗ ấy rất âm u, người và trâu làm việc tại đó không có đèn đóm gì cả. Những chuyện ma thật và bịa quanh các địa điểm đó rất nhiều, luôn luôn kích thích sự tò mò khiến tôi nghe không chán.

Cũng trong thời gian học trung học, có dịp theo bạn bè về chơi quê của họ tại nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh Quảng Nam, tôi mới khám phá ra rằng không phải vùng nào trong tỉnh cũng có xe trâu. Chỉ tập trung nhiều nhất ở Điện Bàn, và một phần Duy Xuyên và Hòa Vang tiếp giáp với Điện Bàn. Mật độ dày nhất có lẽ là khu Gò Nổi. Thời thiếu niên, tôi chỉ để ý thế thôi, rồi quên đi, nhưng sau này lớn lên, tiếp xúc với nhiều loại tài liệu từ sách vở đến chuyện kể trong gia đình, tôi mới hiểu lý do của hiện tượng ấy. Người mang kiểu mẫu xe trâu về phổ biến cho dân là ông Phạm Phú Thứ, người làng Đông Bàn, khu Gò Nổi của phủ Điện Bàn. Nhân chuyến đi sứ sang Pháp cùng phái bộ Phan Thanh Giản năm 1863, khi ghé Ai Cập ông Phạm Phú Thứ đã quan sát các kiểu lấy nước tưới ruộng ven sông Nil, ghi nhận và mang về phổ biến cho dân làng quê của mình. Vào cuối thế kỷ 19 mà người dân ở vùng quê tôi đã thiết kế được một hệ thống chuyền lực bằng bánh xe như thế để lấy nước tưới ruộng thì thật đáng phục. Các bánh xe răng cưa toàn bằng gỗ, có đường kính khoảng gần 2 mét, các cây làm trụ và trục rất chắc chắn, có đường kính từ 25 đến 30 cm. Tất cả các bộ phận ăn khớp nhau chặt chẽ, khi con trâu bắt đầu kéo thì lập tức cả guồng máy chuyển động và nước được đưa lên máng xối. 

Tôi nhớ chắc chắn một điều là quê tôi không có hình ảnh tát nước vào ruộng, một công việc nặng nhọc kinh người phổ biến tại mọi miền nông thôn khắp nước, đã biến thành câu ca dao nổi tiếng:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Làng tôi chẳng có ai đi múc ánh trăng vàng cả, chỉ có con trâu cắm cúi đi vòng tròn để quay cái trục gỗ, từ động tác ấy mà nước được đưa vào tràn ruộng đồng, đây phải coi là một thăng tiến rất đáng kể trong nghề nông của Việt Nam.

Không có tài liệu rõ rệt nào cho biết chiếc xe trâu dẫn thủy này bắt đầu hoạt động tại quê tôi từ bao giờ. Tôi rất tiếc khi nhỏ ở làng đã không chịu khó hỏi han các vị nhà nông lớn tuổi, chính các nhà nông mới hy vọng biết rõ lịch sử của chiếc xe này. Chỉ có thể đoán nó xuất hiện vào hậu bán thế kỷ 19, và hoàn toàn biến mất kể từ cuối thập niên 1960 của thế kỷ 20, khi cả vùng Gò Nổi bị san bằng bởi bom B 52. 

Trong suốt cuộc chiến tranh với Pháp từ cuối năm 1946 cho đến năm1954 quê tôi là vùng xôi đậu, nhưng người dân vẫn cày cấy được, và những chiếc xe trâu vẫn kẽo kẹt hoạt động để đưa nước vào ruộng. Sau đình chiến năm 1945 công việc đồng áng được thoải mái, nhà nhà ra sức sản xuất lúa gạo và hoa màu, thì làng tôi có thêm một phương tiện dẫn thủy tân tiến hẳn, đó là chiếc máy nổ chạy bằng than để đưa nước vào ruộng. Công suất của máy nổ thì dĩ nhiên hơn hẳn xe trâu, nhưng dân làng tôi vẫn không chịu bỏ xe trâu, vì mình tự tưới ruộng lấy thì không phải chia kết quả mùa màng với chủ máy. Sau 1954 là thời gian học trung học của tôi, và tôi sung sướng có những mùa hè về lại làng quê, bắt đầu biết để ý quan sát cuộc sống của dân làng. Chiều chiều tôi ra chơi ngoài cánh đồng, ghé lại chỗ những chiếc xe trâu đang hoạt động để nghe tiếng nhạc kẽo kẹt của nó, nhìn ngắm sự vận chuyển rất đáng khâm phục của bộ máy đơn sơ nhưng rất khít khao về kỹ thuật, và thấy lòng mình rất trìu mến hình bóng con trâu kiên nhẫn đi vòng tròn để giúp làm nên lúa gạo trên cánh đồng.

Một ông bác của tôi có lẽ cũng có mối đồng cảm với tôi về con trâu, đã làm bài thơ Con Trâu sau đây để nói về thân phận của nó:

Nghĩ mà thương hại phận con trâu
Cái ách mang hoài biết đến đâu
Tháng hạ đạp xe lo cứu hạn
Mùa đông lăn lấm để cày sâu
Mũi vì giây dựt theo rì, tắt
Lưng bị roi đần chán khổ đau
Lúa má ai ăn, ăn chút rạ
Lột da còn đợi một ngày sau.

Bác của tôi, ông Phạm Phú Thuần, qua đời cách đây đã hơn nửa thế kỷ, làm bài thơ này vào thời gian chiến tranh với Pháp, đã nói với tôi rằng ông mượn việc vịnh con trâu để nói về tình cảnh của người dân đen của làng quê tôi trong thời chiến tranh, một cổ hai tròng trong vùng xôi đậu giữa hai bên. Nhưng nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen là tả thân phận con trâu thôi, thì những câu thơ trên cũng nói lên rất đầy đủ nỗi nhọc nhằn của đời sống con trâu, suốt đời làm việc nặng nhọc dưới roi vọt, đến khi sức tàn, lực kiệt thì đã có sẵn một kết thúc sầu thảm được định trước: bị lột da, xẻ thịt. Một cách tổng quát, những điều đó đúng, chẳng thế mà có câu tục ngữ “làm thân trâu ngựa” để chỉ thành phần suốt đời bị khinh khi và bị bóc lột sức lao động. 

Nhưng tôi tin người nông dân không bao giờ tàn ác với con trâu, trái lại họ vô cùng thương yêu con vật sớm hôm cực nhọc với họ. Những lời ca dao đầy âu yếm:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

diễn tả đúng tấm lòng của người nông dân, cái tình thân thiết của cặp “thầy trò” người và trâu. Có ở thôn quê mới thấy cách người nông dân săn sóc con trâu của mình, chẳng khác gì thành viên của gia đình. Dù trâu có lao động nặng nhọc thực đấy, nhưng nó không bị “bóc lột”, nghĩa là làm việc quá sức mà không được bù đắp đầy đủ. Trái lại, nhiều khi người nông dân cưng con trâu còn hơn con của mình, vì biết đó là sức kéo chủ lực cho cả sự nghiệp nông tang của họ, phải luôn luôn lo cho nó được ăn no, được tắm mát và làm việc không quá sức, con trâu có khỏe mạnh thì việc trồng trọt mới tốt đẹp được. Về phần của nó, trâu cũng cảm được cái tình ấy của người. Tôi nghĩ giữa người và trâu có một tương quan thân thiết, hiểu nhau và thương yêu nhau. Nhờ thế mới có sự cộng sinh giữa hai bên từ hàng ngàn năm trên đồng ruộng Việt Nam, trong đó trâu đóng vai trò then chốt trong việc làm ra lúa gạo nuôi sống cả một dân tộc.

Dù bây giờ vai trò sản xuất của con trâu đối với nông thôn Việt Nam không còn như trước nữa, hình ảnh và tình cảm của trâu đối với dân tộc chúng ta hãy còn sâu đậm lâu dài.

Phạm Phú Minh