27 July 2019

CHUYỆN BÁO THE NEW YORK TIMES VÀ BIẾM HỌA CHÍNH TRỊ - Nguyễn T. Long


Một bức tranh đáng giá bằng cả ngàn chữ. (Ngạn ngữ cổ)

Họa sĩ biếm họa bị xử bắn bởi The Gray Lady bẳng súng trường trong khi Trump chơi khẩu đại liên Gatling Gun cho “enemy of the people” như ông thường gọi báo giới!
(13/6/2019 Tranh của họa sĩ Pat Bagley – The Salt Lake Tribune, UT)

Tất cả bắt đầu với thông báo vào ngày thứ Ba 11/6/2019 của James Bennet, chủ nhiệm của trang xã luận The New York Times Ấn bản quốc tế, là từ 01 tháng 7 năm nay, báo này sẽ chấm dứt, không đăng tranh biếm họa chính trị nữa.


Có lẽ nó cũng không MỚI gì nếu theo dõi thường xuyên tranh biếm họa trên báo này nhưng nó LẠ là ở chỗ xứ tự do dân chủ như Hoa Kỳ mà Bản tu chính Hiến pháp Thứ nhất từ 1791 đã bảo đảm, trong nhiều quyền khác, còn có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, vậy mà tờ báo trên lại tự động từ bỏ một truyền thống báo chí có tự lâu đời như tranh biếm họa là làm sao?
Vì đâu nên nỗi?

Thứ Năm, 25/4/2019, The New York Times Ấn bản Quốc tế có đăng bức biếm họa dưới đây gây nhiều tranh cãi, phản ứng sôi nổi, trong và ngoài nước.
Tổng thống Trump đeo kính đen như người mù, đội mũ chóp của người Do Thái, được một con chó săn chồn dẫn đường có khuôn mặt của Thủ tướng Do Thái Netanyahu với cái vòng cổ có ngôi sao David sáu cạnh trên cờ Do Thái. Không cần hiểu biết nhiều lắm về tương quan chính trị Mỹ-Do Thái, ở Âu Mỹ ai cũng có thể phỏng đoán ngụ ý của bức tranh này là thế nào rồi.
Nhưng với người Do Thái thì khác. Nó không phải là chuyện cháy nắng ngoài da, vài ba ngày là hết mà đây là cháy cấp bốn như hơn 6 triệu người Do Thái đã bị Đức Quốc xã tàn sát và hỏa thiêu. Mặc dù Đệ nhị Thế chiến đã qua hơn 70 năm nhưng cái chấn động tâm lý của các thế hệ sau thì vẫn còn đó, nhất là với người Do Thái sống trên đất nước họ, tuy là có phần khác với người Mỹ-Do Thái. Nhưng với người Do Thái nói chung thì bức biếm họa này đúng là cái khuôn mẫu được tiêu chuẩn hóa (stereotype) từ thời bài-Do Thái ở Đức vào đầu thế kỷ trước, không thể nào chấp nhận được trong thời đại này dù tự do ngôn luận, tự do phát biểu… đến đâu đi nữa.
Nhưng ở Mỹ không có chế độ kiểm duyệt báo chí, chỉ có… tự kiếm duyệt, làm sao cho “vừa phải”, “thích hợp”, “phải đạo” (political correctness), đi dây giữa nhứng thế lực chính trị, sức ép của đủ loại truyền thông đại chúng cho đám đông (mop) vốn dễ huà theo cảm ứng, lười suy nghĩ… và mặt khác, họ còn phải trung thành với lương tâm chức nghiệp, đi tìm, nói lên và bảo vệ sự thật. Vụ phát giác Watergate là chuyện tiêu biểu qua hai nhà báo của The Washington Post đã làm cho TT Nixon phải từ chức.
The New York Times (NYT – Nữu Ước Thời báo)
The New York Times là nhật báo của Mỹ có ảnh hưởng lớn và đông đảo độc giả khắp thế giới. Ra đời vào năm 1851, tờ báo này cho đến nay đã nhận được 127 lần giải thưởng Pulitzer, một giải thưởng về báo chí, văn chương giá trị nhất của Mỹ mà không có báo nào qua mặt được. Kể từ năm thành lập đến 2017 NYT đã có 60,000 bản in, 3,5 triệu trang giấy và 15 triệu bài viết. Ngoài biệt danh “tờ báo của kỷ lục” nó còn được gọi là “The Gray Lady”, thuộc loại bà già… Ba Tri!
Cấu trúc của NYT trong nước có ba phần chính là Tin tức, Dư luận và Các tiết mục đặc biệt. Theo truyền thống báo giới Mỹ, ngoài bài xã luận hàng ngày nói lên quan điểm của tờ báo về các vấn đề sống động, sôi bỏng… đang được nhiều giới chú ý, các nhật báo còn có thêm tranh biếm họa xã luận (editorial cartoon) do họa sĩ trong ban biên tập đảm nhiệm hay tờ báo có thể mua tranh của các nghiệp đoàn họa sĩ biếm họa bên ngoài. NYT đặc biệt là KHÔNG có tranh biếm họa, chỉ đăng lại tranh của các báo khác trong phụ trang Điểm báo cuối tuần.
NYT Ấn bản quốc tế (NYT International Edition)
Kể từ 2002 tờ NYT trở thành chủ nhân duy nhất của Ấn bản quốc tế (trước đó cộng tác với The Washington Post có tên là The International Herald Tribune), được dành cho độc giả ngoài nước Mỹ và có khuynh hướng tiến dần đến kiểu cấu trúc của tờ báo trong nước.
Nhưng khác với tờ báo trong nước, Ấn bản quốc tế CÓ tranh biếm họa xã luận của hai họa sĩ không-toàn thời trong toà soạn. Tờ báo vẫn có thể mua thêm tranh của các nghiệp đoàn họa sĩ biếm họa bên ngoài cho thích hợp với đề tài bài vở theo quyết định của người chủ biên. Đây là các nghiệp đoàn (syndicate) như một công ty tư mà thành viên là các họa sĩ biếm họa góp tranh; họ phân phối cho các báo thành ra một tranh có thể được đăng trên nhiều báo. Điểm khác biệt quan trọng là họa sĩ trong các nghiệp đoàn chịu trách nhiệm với nghiệp đoàn của họ, không trực tiếp bị ảnh hưởng theo quan điểm của toà soạn như các họa sĩ được tờ báo mướn.
Khuynh hướng chính trị do tờ báo chủ trương cũng có thể mâu thuẫn với quan điểm của họa sĩ nên năm ngoái đã có hai họa sĩ Mỹ (N. Anderson và R. Rogers) trên hai tờ nhật báo “được cho nghỉ việc” vì họ thích vẽ diễu… TT Trump! Giải Pulitzer cũng dành cho tranh biếm họa nữa nên những người nổi tiếng quốc tế rất độc lập, tự tin, sáng tác theo ý kiến của họ và được nhiều báo chiếu cố.
Khuynh hướng chung của NYT
Xã luận của NYT vẫn thường được xem như theo khuynh hướng tự do (liberal) nhưng chẳng bao giờ tờ báo muốn bị lôi cuốn vào khuynh hướng thiên vị đảng phái trong nước. Vào năm 2004 chủ biên xã luận D. Okrent cũng phải than thở rằng rất khó tìm được sự cân bằng giữa các bài phản biện (Op-ed) trong mục Dư luận với chủ trương của tờ báo. Riêng nói về mối xung đột giữa Do Thái và Palestine cùng với người Ả Rập vốn không phải mới có từ thời Do Thái lập quốc (1948) mà trước đó đã cả nhiều thế kỷ theo như Kinh Thánh! Gần đây hơn, xuyên qua hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ XX dẫn tới việc tạo dựng một quốc gia Do Thái giữa những mâu thuẫn, hận thù chằng chịt, chẳng thể nào có những nhận xét vừa lòng cả hai phiá.
Khuynh hướng chung của báo chí Âu Mỹ Úc là ủng hộ Do Thái (trong đó có NYT) nhưng cũng có những phát biểu, phản kháng cá nhân cho là Do thái đã lạm dụng quyền tự tồn mà đối xử với người Palestine như Đức Quốc xã đã đối xử với người Do Thái. (Xin xem: Lại nói chuyện ông già bóc hành [Guenter Grass]: Từ vết chàm đến vết thương (chưa lành) – tháng 5. 2012 – Mạng Tiền Vệ – Nguyễn T. Long).
Thôi thì ai muốn nói gì thì nói, chủ biên xã luận H. Coyt trong bài viết vào tháng Giêng. 2019 của NYT đã cho rằng dù phe Do Thái và phe Palestine có những điểm KHÔNG đồng ý với tờ báo chăng nữa, NYT đã làm tròn bổn phận của mình trong bom đạn một cách công bằng, bình đẳng và đầy đủ.
Trở lại với tác giả bức biếm họa 25/04/2019 khiến NYT quay 180 độ, giã từ vũ khí
Họa sĩ biếm họa Moreira Antunes với bút hiệu António là họa sĩ nổi tiếng của Bồ Đào Nha, cộng tác viên lâu năm của tuần báo The [Lisbon] Expresso rất có uy tín trong nước (BĐN) và Âu châu tuy ảnh hưởng quốc tế của nó không thể nào sánh được với NYT. Mặt khác, António cũng không xa lạ gì với người Do Thái. Tranh đã được chọn đăng trên NYT ngày 25/4/2019 không phải là bức đầu tiên về đề tài Do Thái của António mà nó phản ảnh nhận thức chính trị không đổi của họa sĩ mà người Do Thái cho là có khuynh hướng bài-Do Thái (anti-Semitism).

Tranh biếm họa của António Moreira Antunes năm 1982

Bức tranh diễn tả lính Do Thái với sao David trên mũ sắt đang lùa đàn bà và trẻ con Lebanon với khăn trùm đầu tiêu biểu của dân Palestine và Ả Rập. Nó ₫ược dựa vào bức hình nổi tiếng chụp ngày 19/4/1943 sau cuộc nổi dậy của dân Do Thái trong ghetto ở Warsaw (Ba Lan) và lính Đức Quốc xã đang lùa họ, chở tới các trại tập trung để thủ tiêu.

Hình chụp đàn bà và trẻ con Do Thái bị bắt năm 1943 ở Warsaw, Ba Lan

Làm như bức tranh của António chưa đủ gây phẫn nộ cho người Do Thái, điều trớ trêu khiến họ sững sờ hơn là giận dữ là bức kích họa này lại được một trong những giải thưởng cao nhất trong Triển lãm Quốc tế Tranh biếm họa lần thứ 20 tại Montreal, Canada vào năm sau (1983).
Khỏi cần phải nói thêm về làn sóng phản kháng của người Do Thái qua các công bố, tuyên cáo, báo chí, thư ngỏ… của chính phủ và các hội đoàn của họ trên toàn thế giới. Một bác sĩ tâm thần ở Do Thái viết comment trên mạng mỉa mai: Họa sĩ António đã khéo chọn Do Thái để đả kích vì sẽ chẳng có người Do Thái nào muốn dùng bạo lực đối xử với ông. Thử nhìn lại 12 họa sĩ Đan Mạch sau khi vẽ biếm họa về giáo chủ Mohammed năm 2006 đã phải trốn tránh vì bị dọa giết. Toà soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Pháp bị đốt năm 2011 rổi sau đó là vụ thảm sát 10 nhân viên của toà báo năm 2015 cũng vì tiếp tục diễu cợt với Hồi giáo….
Bức tranh với TT Trump (như người mù) được dẫn đường bởi con chó với khuôn mặt của Thủ tướng Do Thái Netanyahu thật ra là tranh của nghiệp đoàn, do chính ban biên tập NYT lựa chọn, không phải là tranh của hai họa sĩ biếm họa của toà soạn là Patrick Chappatte (quốc tịch Pháp) và Heng Kim Song (người Singapore), thuộc hạng nổi tiếng quốc tế. Đây cũng là điều gây bất bình cho Chappatte vì một bức tranh từ bên ngoài đem vào khiến NYT phải từ bỏ tranh biếm họa. Cái ngược ngạo khác là chuyện được gọi là “vụng về” của ban biên tập NYT: chỉ hai ngày sau khi bức tranh của António được gỡ xuống vì bị phản kháng dữ dội, lại in thêm một bức biếm họa của nghiệp đoàn, chế diễu Thủ tướng Netanyahu! Không ai hiểu nổi chủ trương chính trị của tờ báo là gì khi có lời bình phẩm: Nói như kiểu Shakespeare, có người mở lời xin lỗi như rút kiếm ra khỏi bụng của địch thủ. Thông báo của toà soạn NYT được đăng trên báo ngày 11/6/2019 qua chủ biên J. Bennet thì ngắn gọn, ngỏ lời cảm ơn sự cộng tác của hai họa sĩ biếm họa với tờ báo và cho hay sẽ chấm dứt đăng tranh biếm họa chính trị trên NYT Ấn bản Quốc tế theo đường lối của tờ NYT trong nước. Hứa hẹn sẽ theo đuổi cấu trúc cũ của tờ báo nhưng hoàn toàn không nhắc gì tới thư phản biện của Chappatte.
Hẳn nhiên ngay sau đó đã có hàng chục bài viết phê phán, phê bình, phản kháng…, hàng chục tranh biếm họa không phải chỉ riêng ở Mỹ mà cả trong báo giới Âu Mỹ… về thái độ nhu nhược, đầu hàng, bỏ cuộc, giã từ vũ khí… này của NYT. Trong các bình luận còn có thêm một “thuyết âm mưu”, cho rằng NYT đã cố tình dàn xếp, “đặt chuyện” ra như thế để có cớ tháo lui! Thật chẳng biết đường nào mà lần!

Họa sĩ biếm họa bị nghiền bởi máy in quay tay hồi giữa thế kỷ XV.
(24/6/2019 – New York Toonless Times – Hoa sĩ Steve Sack, The Minneapolis Star-Tribune, MN)

Phát biểu của họa sĩ biếm họa đã vẽ cho NYT hơn 2 thập niên
Khi được loan báo trong nội bộ là Ấn bản Quốc tế sẽ bỏ tranh biếm họa, một ngày trước khi toà soạn chính thức ra thông báo, hôm 10 th 6, họa sĩ Chappatte đã viết một bài về việc này và phổ biến khắp báo chí có uy tín trong thế giới tự do. Ông là người đã vẽ cho NYT hơn 20 năm, mỗi tuần góp 2 tranh nhưng không phải tranh nào cũng được chọn đăng vì người chủ biên vẫn có quyền mua tranh của nghiệp đoàn bên ngoài tùy theo nhu cầu thích ứng với bài xã luận. Dù sao giữa hai bên cũng có một sự độc lập nào đó.
Dưới đây là trích đoạn một số quan điểm, kinh nghiệm, nhận thức… của họa sĩ biếm họa Chappatte về tranh biếm họa và báo chí.

8/1/2015/ – Tranh của P. Chappatte trên NYT website một ngày sau vụ thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo ở Paris.

“Trong suốt cuộc đời vẽ tranh biếm họa của tôi, tôi luôn luôn được hướng dẫn bởi niềm tin sự tự do duy nhắt trong biếm họa chính trị đi liền với ý nghiã của trách nhiệm. [… ]
Đó không phải chỉ là về tranh biếm họa mà là nghề báo (journalism) và ý kiến, dư luận nói chung. Chúng ta sống trong một thế giới với đám đông hỗn loạn (mops), nhân danh đạo đức trong các truyền thông xã hội đang nổi lên như một cơn bão, dồn dập trên các thông tin đầy áp đặt. Điều này đòi hỏi ngay cả những nhà xuất bản các biện pháp phản công, không cần chờ suy tư lâu dài hay các thảo luận có ý nghiã.. Twitter chỉ là nơi chốn diễn bầy sự giận dữ, không phải cho sự tranh luận. Những câu nói bực dọc nhất sẽ dẫn đường cho đám đông đang bực tức ồ ạt chạy theo. […]
Nếu tranh biếm họa trở thành mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến bởi vì bản chất và phương cách thể hiện của nó: nó cô đọng một ý tưởng, một hình ảnh gọn sắc với một khả năng đánh động tăm thức không cách nào bì kịp. Đó là ưu và cũng là nhược điểm cũa nó. Bức tranh có thể khai mở những gì sâu xa hơn mà thông thường, mục tiêu thật sự lại chính là môi trường sản xuất ra nó. […]
Tranh biếm họa vượt qua mọi biên giới. Ai dám diễn bầy “hoàng đế” Erdogan (Chú thích của người viết: Erdogan là đương kim Thủ tướng Thổ nhĩ kỳ, có khuynh hướng độc tài) một cách “trần truồng” như Musa Kart, họa sĩ biếm họa đăng ngồi tù ở TNK không hay bao họa sĩ từ Venezuela, Nicaragua và Nga đang phải lưu vong. Chưa kể hai họa sĩ Mỹ đã bị “mất việc” như đã nói ở trên tại xứ sở mang danh tự do dân chủ nhất. Biếm họa chính trị được sinh ta từ chế độ dân chủ và nó bị thách thức ở nơi có tự do. […]
Chưa bao giờ mà hình ảnh có một quyền lực lớn lao như vậy
Thật lạ lùng, tôi lại có một cái nhìn tích cực về vắn đề này. Đó là thời đại của tranh ảnh. Trong thế giới mà sự tập trung tư tưởng (attention span) rất là ngắn hạn thì sức mạnh của hình ảnh thật khôn lường.
Đây cũng là lúc mà thông tin đại chúng cần phải xét lại, tự lảm mới và thích hợp với một quần chúng mới. Hãy chấm dứt sự sợ hãi với đám đông tạp nham giận dữ.. Trong thế giới đảo điên hiện giờ của chúng ta, nghệ thuật phê bình bằng tranh ảnh còn cần thiết hơn bao giờ hết. Cũng như tinh thần hài hước vậy.”
***
Vậy thì tương lai của tranh biếm họa sẽ đi về đâu? có thể sẽ mai một, không bao giờ còn xuất hiện nữa hay tiếp tục như thế nào?
Từ hàng chục (và sau đó tăng lên đến cả trăm, đếm không xuể) tranh phản đối của thế giới tự do về phản ứng của NYT từ bỏ tranh biếm họa, chưa kể những bài viết; mới đây ở Mỹ vẫn xuất hiện đề tài cổ điển, muôn đời trong chính trường Mỹ, jhông thể tránh khỏi, ảnh hưởng đến chính trị thế giới, trực tiếp hay gián tiếp: Thủ tướng Netanyahu như người mù, dẫn đường Bộ tham mưu của TT Trump gồm Cố vấn An ninh John Bolton, con rể Jared Kushner, Cố vấn cao cấp của TT và sau Trump là Uncle Sam, đại diện cho dân Mỹ… sắp sửa bước xuống vực vì “chiến tranh” với Iran.

Người mù dẫn đường kẻ mù
(26/6/2019 – – Tranh của Sean Delonas, Easton, PA)


Bài ngụ ngôn về kẻ mù (theo tựa nguyên thủy)
(Peter Bruegel – 1568)

Bức biếm họa trên dựa vào tranh của họa sĩ Pieter Bruegel the Elder, người vùng Flemish (nay thuộc Bỉ) vẽ năm 1568. Cái tính châm biến đó vẫn còn tiếp tục mãi đến ngày nay. Có thế tin tưởng chắc chắn một điều: khi nào còn tự do tư tưởng, tự do diễn đạt, còn tự do báo chí… thì vẫn còn biếm họa và vẫn còn hài hước, như xưa được gọi là u mặc, diễn âm chữ humour!

Nguyễn T. Long
04/7/2019 – Kỷ niệm Lễ Độc lập 243 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ