13 July 2019

CỤC KẸO BỒ HÒN - Hồ Đình Nghiêm


Nude
Hồ Hữu Thủ


1.
– Cô đưa tay ra. Nam tả nữ hữu, bàn tay phải ấy.

Mộng nghe lời. Như số đông, Mộng thuận tay phải, thử nắm bút tay trái chữ viết xuống xấu tệ nét run như gà bới. Con dao gọt hoa quả cũng vậy, láng cháng sẽ khiến cho mấy ngón ở tay phải đổ máu. Mộng không rõ cớ sao vận mệnh con người lại chỉ định riêng lối: Con trai nằm ở bàn tay trái mà ẩn khuất lại bày ra trên bàn tay phải của con gái, đàn bà, phụ nữ. Có gì khác nhau giữa trái, phải?


Thầy bói là một gã trung niên, dĩ nhiên hai con mắt còn lành lặn, long lanh soi mói là đằng khác. Nếu mù, gã đã chẳng hành nghề việc xem chỉ tay. Tay gã nóng khi mân mê trăn trở bàn tay Mộng, cầm lên đưa gần mắt rồi đặt lại xuống bàn. Bàn nhỏ, trải tấm khăn đỏ chỉ bày ra một bộ bài tây có 52 lá cơ rô chuồn bích đã chất chồng dồn xếp lại nguyên trạng. Không hiểu do đâu Mộng mọc lên cái ý nghĩ, rằng nếu chia bài ra sát phạt xì-lát, cát-tê, xì-phé, xập xám chướng… ắt Mộng sẽ sớm cháy túi trước gã thầy bói. Đứng ngoài mép bàn là cái ly đựng gạo dùng để cắm nhang, nãy giờ cây nhang thắp từ phút trước đang cháy ngún gần hết chiều dài nó mang, cà kê dê ngỗng gì thì cũng sẽ đến hồi chung cuộc.

– Cô sở hữu một bàn tay đẹp, dầy dặn, tròn đầy, nói chung là tốt tướng. Bao đường chỉ chằng chéo đều rõ ràng minh bạch. Đường giao cắt này đâm lên gò vệ nữ cho tôi thấy số cô luôn gặp may mắn mặc dù đường tình duyên thường bị đứt đoạn. Quá khứ, cô từng chịu hai lần đổ vỡ, nếu tôi đoán không lầm; nhưng chẳng sao cả bởi hậu vận của cô rất tốt. Sau này cô sẽ có lắm con, tạm gọi là vượng phu ích tử.

Cũng bằng tay phải, Mộng dùng nó để trao những tờ giấy bạc đến tay người không đủ tài sức huyền nhiệm để nhìn thấy bao bí mật của Mộng. Từng đi chùa cúng vong, nữ thí chủ Mộng luôn thành tâm nguyện cầu đặt tiền vào thùng phước sương nhưng Mộng chẳng mấy tin vào sự độ trì chứng giám của các vị thần linh khuất mặt. Mộng cũng nghi ngờ việc gieo ác thì gặp quả báo nhãn tiền, đứa giết người không gớm tay vẫn sống hùng sống mạnh và chúng đã là một bộ phận không nhỏ nhởn nhơ giữa cuộc sống này. Chúng vào chùa thắp nhang và tâm hồn nghe thanh thản khi nghe câu “vất đao xuống có thể thành Phật”. Chưa thấy biến chuyển thì lại nắm đao lên, tay vấy máu chỉ là bởi hoàn cảnh buộc phải thế. Không có cách chọn lựa.
Mộng đi ra, chẳng gửi tiếng chào đến gã thầy bói. Người đàn ông ngồi vắt chân chữ ngũ trên chiếc xe máy liền sửa thế, khởi động máy nổ chạy lại gần:
– Thấy sao? Người ta đồn thổi có đúng với tài nghệ không?
– Thì có cái đúng có cái sai. Điều mà em không thích là ổng mân mê sờ soạn bàn tay em quá lâu, không chịu buông tha. Xem chỉ tay thôi mà! Làm gì như kiểu muốn bào mòn da tay người ta luôn vậy đó!
Người đàn ông thôi hỏi han. Ông quành xe trở lại thành phố.

2.
Đến một lúc nào đó, rồi hắn cũng có được vợ. Vợ biểu hắn thề nguyền một dạ không đổi chuyện yêu thương. Hắn thề, kiểu như nói láo cho bà vật. Kiểu nói sai thì trời đánh thánh đâm, kiểu phụ tình thì ra đường bị xe cán dẹp lép như con tép. Vợ dán kín môi hắn bằng một nụ hôn mê man, cướp mất dưỡng khí, hài lòng không ưa nghe thêm viễn cảnh bi thương nào khác.

Vợ cấn thai, chuyển bụng. Ì ạch lặt lè vô thấu nhà thương máu chảy luôn tuồn giữa hai chân. Cửa mình ù lì không chịu mở rộng thêm, đỏ mặt tía tai bặm môi nín thở rặn hụt hơi vẫn cứ trơ trơ mắt thị. Họ quyết định ngăn tiếng rên la nọ bằng cách mổ bụng hòng cứu hài nhi tím tái bèo nhèo khỏi chết ngạt. Đứa bé cao số đó không phải là con hắn. Mất đến mấy phút mới khóc oe oe chào cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Cha mày họ gì thế hử? Mày mang cùng họ với tao thì có ô kê không nè? Địt mẹ mày nhé. Má mày chết đi sống lại vì mày đấy, ông tướng ạ!
Sau này nghe vợ kể, thật thà khai báo rằng tuổi thơ cô chẳng mấy khi được ấm êm, sở dĩ bố mẹ cô mãi cơm không lành canh chẳng ngọt đơn giản là vì cô không phải con ruột của bố, mẹ cô âm thầm đi làm cuộc cách mạng bản thân dấm dúi với một gã làm chung trong cơ quan.
Hắn dắt bố vợ ra quán rượu khi trong túi dư bạc thừa tiền. Đồng bệnh tương lân sương sương giải sầu rượu vào mà lời không ra. Hai mặt trời cùng thắp đỏ chẳng màng thế sự vây quanh kể cả những ánh mắt nhìn đểu, tì tì cứ ly này sang ly khác. Vô đi bố, hồi nào cho chó ăn chè mới hạ hồi phân giải. Mầy nói phải, chuyện gì cũng còn có đó, bởi chăng hai ta nào phải là Tào Tháo để đởm lược lộng ngôn: Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta!
Bên ngoài quán nhậu bình dân chạng vạng lần khân liếm tới bậc thềm u muội, nhọ mặt người trông nhau không rõ hình tướng thoạt gần thoạt xa. Bố vợ hắn hất mặt lên ngọn đèn đường vừa cháy đỏ:
– Quái, chúng đang bận việc gì mà chẳng bỏ thời giờ chạy ra réo chúng ta về xơi cơm nhỉ? Chúng đi lâu thì mình sốt cả ruột mà đến phiên mình giận lẫy bỏ ra ngoài nầy thì chúng cứ mặc xác. Mẹ nó chứ, mấy thằng láng giềng vai u thịt bắp khiến mình đâm mất thế giá hẳn. Này, mày có thông hiểu câu ngạn ngữ “ngựa quen đường cũ” là gì không?
Thấy thằng con rể ngậm câm, ông bố lè nhè vào khoảng trống: Thằng Mạnh Tử bên Tầu từng nói mà chẳng ai nghe “yêu thì xác nhận rằng yêu, không yêu thì cứ nói thẳng là không yêu, như thế mới đích thực là yêu”.

3.
– Buông em ra cho em về kẻo muộn mất.

– Vì hoạ sĩ, có thể anh hơi bị méo mó, ngay phút đầu anh nhìn nhận ra ngay là em có đôi bàn tay quá đẹp.
– Anh không phải là người đầu tiên đâu nhé, em từng nghe gã thầy bói mân mê ca tụng.
– Bao giờ thì em chịu khoả thân làm người mẫu?
– Hồi nào anh minh hoạ trình bày bìa và hoàn tất bốn cái phụ bản cho tập thơ em rồi hẳn tính.
Người đàn bà nhìn ra song cửa vừa mở hé, xong lại đảo mắt tới chiếc áo mưa móc gần cửa chính, thì thầm:

“Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa đêm tàn chậm mưa chiều đổ nhanh”.

– Chắc không phải thơ em làm. Hoài Khanh hả?
– Không, của Trần Huyền Trân. Hai câu này mới là của Hoài Khanh:

“Mai kia đốm lửa tan rồi
Về trong gió bụi nhớ thời vong lưu”.

– Liệu tập thơ em in ra có người tìm mua không?
– Nào có hề gì. Đôi lúc niềm vui đâu có ai ban cho, phải tự mình tìm kiếm lấy. Tranh anh góp chung với thi tập em khổ công làm, kỷ niệm ấy không khiến anh vui sao?
– Vui, đáng yêu, đáng nhớ. Nhưng em phải lường trước một chuyện, đó là thứ niềm vui quá lộ liễu, sợ thọ chẳng được lâu.
– Vì sao?
– Vì ác khẩu, vì tiếng ong ve. Vì sự thật vốn là sắc xám.
– Lỗ Tấn nói, phải không?
– Không. Mệnh đề sau là của ông André Gide. Hạnh phúc có khi là một kho báu, chúng ta nên đào chôn thu cất nó ở nơi thật kín đáo. Lạy bà tôi ở bụi này thì niềm vui của đôi ta bị soán đoạt mất. Trước khi chúng giũ áo đoạn lìa ta, anh muốn hối hả vẽ cho em một bức khoả thân là vì vậy. Một người có đôi bàn tay đẹp, người đó hẳn còn phát tiết tinh hoa ra ở những khu vực khác.
– “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách” nhưng cơn mưa đang trút nước ngoài kia e xúi em nán lại bên anh dài lâu. Bóng tối nhiều thế kia thì làm sao anh vẽ được?
– Khéo lo! Anh có ba cây đèn đặt ở chỗ đáng đặt nhằm làm tương phản sắc độ giữa ánh sáng và bóng tối. Em nằm nghiêng thân trên giường, tấm chăn mỏng đắp ơ hờ từ mông xuống giữa hai đùi…
Câu nói không đi hết đường vì người nói vừa nhìn ra tấm thân trắng đục màu sữa từ tốn leo lên giường. Không riêng đôi bàn tay suông dài, toàn bộ nhúm tóc người mẫu cũng thuộc dạng đẹp ngất ngây.

Nằm đây ủ mộng cho tròn
Chăn đơn gối lệch hao mòn màu xưa.

Người tự nhận là hoạ sĩ đọc lên câu thơ của tác giả Lệ Mộng đang trần như nhộng. Một con ngài cựa mình thành bướm, một con ve sầu lột vỏ thoát xác, hoá thân nào cũng khiến gã xúc động. Không bấn loạn phút ban đầu, nghệ thuật tạo hình làm sao hiện hữu?

4.
– Má bận công chuyện, má giao con trách nhiệm xuống thu tiền nhà. Khoai Lang nói sau khi gõ cửa. Chú có đó không?

Cửa mở, đủ rộng để đứa con trai chừng mười hai tuổi lách thân vào. Bà Tám từng vui miệng giới thiệu “cục cưng” cho kẻ đến mướn thuê phòng: Thời mang thai nó gặp khó khăn nên tui chỉ biết ăn khoai, âu cũng nên vin vào tay chân cứng cáp nó mà nhớ lại thời hột gạo phải cắn làm đôi. Cứng cáp dường nào thì chưa có cơ hội chứng minh, nhưng mặt mày thằng Khoai Lang coi bộ lanh lợi, sẵn sàng đại diện cho bà Tám làm hậu phương vững chắc để đối phó những việc linh tinh, ví như đi đòi nợ.
– Mùi gì khó ngửi vậy chú?
– Ờ, mùi sơn, mùi dầu cá, mùi xăng rửa cọ, mùi bột màu.
Khoai Lang nhìn những tấm tranh treo chật vách. Tĩnh vật, phong cảnh, người ngợm, xanh xanh đỏ đỏ làm hấp lực dẫn dắt đôi chân Khoai Lang đi thăm thú nhìn ngang liếc dọc.
– Chú là hoạ sĩ à? Đơn thân trong phòng luôn khoá cửa, không ra ngoài tìm công ăn việc làm, chẳng có ai lại mua tranh, chú sống bằng cách gì?
– Hỏi má xem, có bao giờ chú thiếu tiền nhà đâu, bất quá chỉ trả muộn một đôi hôm. Uy tín quá đi chứ.
– Má nói chú thiệt lạ đời, lủi thủi mình ên như một chiếc bóng. Má thích chú ở chỗ đó, không tùng tam tụ tứ, không nhậu nhẹt, không ti-vi, không giàn máy nhạc, suốt ngày nghe êm ru bà rù. Í, ngay cả bếp lò cũng hổng thấy, chú ăn uống kiểu gì đây?
– Khoai Lang nhiều chuyện ghê nơi. Nghe câu này chưa? “Quân tử thực bất cầu no”. Má cũng có khi làm quân tử, cứ nhai khoai lang riết. Hề hề, chú ra đầu đường ăn cơm bụi, hoặc kẹt quá thì thổi harmonica cũng ô kê.
– Thổi harmonica là sao?
– Là gặm khúc bánh mì, chút tương ớt chút xì dầu là đủ để phát tiếng hít hà. Không biết hồi đó má của Khoai Lang có hít hà khi cắn lựu đạn?
– Cớ gì mà kêu là cắn lựu đạn? Sao chú ưa đổ tiếng ác cho má vậy?
– Thì hình dáng mấy củ khoai hổng giống quả cà na lựu đạn sao? Nè, tiền đây, Khoai Lang đếm lại dùm cái, chừng nào đủ số viết cho chú cái biên nhận. Mình cá mè một lứa, xếp chung là dạng người lắm tình cảm, nhưng tình cảm cũng phải có giấy xác nhận giữa đôi đàng cho thêm phần vững chắc khỏi sanh hậu sự lôi thôi.

5.
Bà Tám phân bua cùng bà con lối xóm: Tui ra ngoài chợ, đến khi về mới hay cớ sự. Nghe thằng Khoai Lang kể có hai ông một già một trẻ chạy xe máy vô sân đập cửa phòng trọ rồi vây lại hỏi chuyện anh hoạ sĩ. Ông trẻ gọi ông già bằng bố, mặt ông nào ông nấy đỏ lừ xem chừng khí thế hung hăng ngó rất căng. Rồi sao nữa mày?

Khoai Lang tiếp lời: Họ to tiếng với nhau, hai người khách không mời đòi bồi thường thiệt hại tới mười triệu đồng. Ông trẻ tuổi đội nón bảo vệ nên không thấy sừng mọc ở đâu cả, mặc dù ổng nói bị vợ cắm sừng trên đầu. Ổng chỉ mặt chú hoạ sĩ nói thằng chả là tác giả giọt máu vô thừa nhận khiến ổng tự nhiên hành xác phải nuôi con mọn. Mười triệu là giá mềm, nếu nhắm hổng đủ sở hụi để thanh toán thì ổng chở cục thịt ngu ngoe tới dụt vô phòng, đến khi ấy mới biết thế nào là lễ độ. Nhắm mình ên nuôi con mọn có ổn không, bớ thằng tía chạy làng?
Chòm xóm hết ngó bà Tám tới nghía thằng Khoai Lang, có cô gái đại diện đám “dư luận viên” chõ mỏ vô: Hai má con này ghiền phim nhiều tập của Hàn quốc Trung quốc hay sao á, ưa lê thê trên từng cây số chả biết ngã ngũ như nào!
Khoai Lang lớn tiếng: Trong khi hai người trung niên lời qua tiếng lại thì ông già chạy tuốt vô phòng lôi từ đâu ra bức tranh vẽ một bà ở truồng nằm hở hang bức xúc. Ông già la: Tang chứng vật chứng rõ ràng, mày vẽ xuất thần quá mà, nhìn là biết con Mộng ngay. Riêng mình nó chứ còn ai trồng khoai đất này? Ổng hỏi người con rể: Mày làm chồng nó vậy chớ có khi nao đã nhìn rõ ngọn ngành thông thoáng như thế nầy chưa? Mang về nhà mà treo mà thưởng ngoạn kẻo phí của giời con ạ! Chúng ta sẽ gọi xe ba gác để khuân hết toàn bộ tranh ảnh đồi truỵ kia làm vật thế chân, gia hạn trong hai hôm phải kiếm ra mười triệu chúng ta mới trả lại thành quả công sức lao động của nó.
Giọng cô gái hồi nãy lại cất lên: Chuyện nhạt như nước ốc, chưa thấy có cảnh đánh ghen nào mà hiền lành đến thế, chí ít ở hiện trường phải dây chút máu đổ thịt rơi chớ. Tiếng một cậu thanh niên chận ngang: Người ta đàn ông với nhau thì xử sự phải theo cách của nam nhi chi chí, hồi nào có mặt đàn bà xía vô mới làm cho rách việc ra, xé áo lột quần cắt tóc tung nắm ớt bột vào mặt rồi la chết con đĩ mẹ mày chưa, đồ đi giựt chồng thiên hạ. Bà chị thấy tui nói có đúng không?

6.
Thìn học trên tôi một lớp. Ra trường trước tôi một năm. Thìn thích giang hồ, xuôi nam, rộng cẳng đi đây đó để mở rộng tầm nhìn, học hỏi. Tóm lại, ngoài chất nghệ sĩ phong sương lăn lóc gió bụi, Thìn còn cao tay nghề hơn đám bạn cũ mãi loay hoay tìm đủ mọi cách mưu sinh, cuồng chân không thoát khỏi địa phận chôn nhau cắt rốn, sống thấp hèn chẳng đơm nổi một mộng ước nào, an phận thủ thường, sợ sóng gió.

Bữa ấy mưa đổ mù trời, tưởng đi mất đất bất ngờ Thìn năm xưa hiện về tìm đúng nhà hỏi thăm tôi, hình hài ướt như chuột lột. Thìn cho hay làm chuyến tàu quy cố hương vừa từ nhà ga bắt xe ôm về. Thìn có bà chị ruột định cư ở Mỹ, mượn tên và địa chỉ tôi để đón nhận một món tiền “cứu đói” từ phương xa lá lành đùm lá rách. Chậm lắm là ngày mai. Thìn nói: Tôi hết đường binh, đành réo người cật ruột xa xôi hơn cả một đại dương sóng lớn.
Tôi cùng Thìn đội mưa đi tìm một quán vắng kiếm thức dằn bụng. Tuy không uống bia rượu, Thìn đổ dốc ra hết những chén đắng. Đại loại Thìn đang là đứa trốn chạy tai ương, chưa tìm ra một giải pháp vẹn toàn hòng tìm nhặt chút an ổn, vật chất lẫn tinh thần. Quá tàn tệ! Thìn chấm câu. Tôi tìm cho Thìn một nhà nghỉ giá bèo đặng ngủ qua đêm, một giấc tiều tuỵ. Rồi tạm chia tay, tin vào số đô-la đầy hứa hẹn, thứ ánh sáng thắp lung linh nằm cuối đường hầm.
Hôm sau, khoảng mười giờ sáng có người đến gõ cửa, gọi tên tôi. Đưa giấy tờ chứng minh để ký nhận một phong thư hào sảng nhét đủ trong đó 500 Mỹ kim. Tôi chạy tới nhà nghỉ, dừng xe ngang phố đèn đỏ để kịp thấy bắt mắt tranh minh hoạ ngoài bìa một tập thơ của tác giả mang tên lạ: Lệ Mộng. Thìn là người hoạ sĩ trình bày bìa cho thi tập “Đổ Cạn Tin Yêu”. Tôi bỏ ra 85.000 và cầm lên săm soi nét vẽ tài hoa của Thìn. Nói theo kiểu thường tình: Hiểu ở mặt nào đó Lệ Mộng và Thìn chính là đồng tác giả, là bố mẹ đẻ ra đứa con tinh thần gần 200 trang mong manh èo uột.
Chúng tôi ngồi uống cà phê trước sân ga. Ở đó, không mấy lâu tai sẽ nghe vang vọng những hồi còi khi tàu chuyển bánh. Trời quang mây tạnh, Thìn nheo mắt nhìn màu nắng rơi từng đốm trên chùm lá me: Tôi lại xuôi nam, số tiền 500 đô này tôi sẽ trao tận tay nhà thơ, tôi không muốn người ta nghĩ xấu về tôi. Ít ra tôi cũng là một người cha đàng hoàng, dẫu không danh chính ngôn thuận.
Tay bắt mà mặt không mừng. Nhà ga muôn đời là sân khấu xúi người ta đóng tuồng xa nhau. Đợi bóng Thìn khuất lấp biệt dạng, tôi mở tập thơ ra:

Đừng bắt em trở dáng nằm
Ngoài kia sương lạnh trăng rằm bỏ đi.

Thơ của Lệ Mộng. Thơ của người đàn bà ngoại tình lén đi ăn nằm với bạn tôi, thằng hoạ sĩ nghèo. Nghèo mà ham!
Tàu Thống Nhất rùng rùng chuyển động. Không một bàn tay vẫy cho kẻ quay lưng, không một khăn tay vày vò vừa chặm xong nước mắt, bởi đời sống này đã quen thuộc, đã chai mặt với những biệt ly.

Hồ Đình Nghiêm