Ở làng Cổ Lũy có nhiều người làm thơ, nhưng người viết truyện
ngắn thật hiếm hoi. May mắn có Nguyễn Đặng Mừng, anh mê viết văn, làm thơ từ thời
học sinh. Năm lớp 11 đã có truyện ngắn được chọn đăng trong tập san Hội mùa
xuân, của trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Thời quân trường sĩ quan Thủ Đức, anh
có nhiều bài thơ hay trên đồi Tăng Nhơn Phú. Sự nghiệp thơ văn của NĐM khá dày
dặn kể cả số lượng và chất lượng. Điều đó không phải ngẫu nhiên mà có, mà do được
hun đúc từ nhỏ, mê thơ văn, ca dao, tục ngữ, tiếng hò tao nôi của mẹ, đời sống
dân dã của làng quê, cuộc chinh chiến dai dẳng nghiệt ngã của vùng ven giới tuyến
tạo nên một diện mạo NĐM.
Rời quân trường SQ Thủ Đức, Mừng chọn Pleiku, nơi anh từng bị
mê hoặc bởi ‘Má đỏ môi hồng’, ‘trời thấp thật gần’ nhưng không biết rằng thực tế
thật là ác liệt, chiến trường đang ngấm ngầm sôi động chuẩn bị cho cuộc chiến lớn.
Bài thơ dưới đây là tâm sự thật lòng của 1 sĩ quan Địa Phương Quân mới rời khỏi
quân trường, bỏ lại những giọt mồ hôi pha chút lãng mạn nơi quân trường và cả
những giấc mơ đẹp của tuổi học trò hoa bướm, tham gia vào cuộc chiến không lối
thoát, báo hiệu cho một kết thúc buồn của người trong cuộc. Ví mình như con muỗi
vo ve quay trong mùng là hình ảnh độc đáo và đầy tâm trạng.
Mùa mưa ở Pleiku
Mùa mưa về dài thêm những khúc quanh
Bong bóng mưa – ảo ảnh chuyện tình
Ngày – những mùa sương xanh lá núi
Đêm – những mùa trăng vỡ quanh mình
Mùa mưa về dài thêm bóng đêm
Đêm hoang mang đêm gọi em về
Đêm bịt bùng làm sao anh chạy trốn
Quay trong mùng như con muỗi vo ve
Ở tuổi 20, chưa được cầm tay con gái, đã vào quân trường rồi
ra lính; nên gặp người em nào là cứ vận vào mình, tạm cho là thương nhớ mình, để
mình có cớ thương nhớ lại, để có cớ làm thơ. Nhưng nhờ vậy có những câu thơ
hay: Nhớ em không chừng tôi khóc/ Phố quen trống trải thế này.
Hương đã về xuôi!
Sáng nay Hương về dưới ấy
Mùa thu ở lại trên này
Lá vàng rơi theo lối cũ
Buồn nghiêng vàng phía chân mây
Hương về làm chi cho vội
Để chiều Pleiku heo may
Nhớ em không chừng tôi khóc
Phố quen trống trải thế này
Đã tới đèo Mang Giang chưa?
Mà sương mù trong cõi nhớ
Ai bảo sương tan rồi hợp
Để tôi khấp khởi mong chờ
Hay là Hương không trở lại?
Mà lòng tôi chẳng hề hay
Rằng xứ sương mù ẩn hiện
Những giấc mơ buồn lắt lay
Pleiku 1974
Viết về Pleiku rất thật như nó hiện hữu khiến một người chưa tới Pleiku như tôi
tưởng như phố buồn u uất pha chút lãng mạn hiển hiện ngay trước mắt mình thời
1974, bên cạnh cái thèm thuồng thương nhớ của lứa tuổi 20. Buồn, u uất, mà sao
vẫn thương, vẫn nhớ vẫn cuốn hút. Đơn giản vì cách viết tự nhiên, tả đúng hiện
thực, ẩn hiện trong đó là mơ màng, ao ước hẹn hò yêu đương của tuổi trẻ, điều
mà ai cũng có một thời trải qua.
Cuộc đời NĐM nhiều mơ màng, nhiều nông nổi, thơ văn NĐM có
lúc cũng chạy theo mốt thời thượng, tuy nhiên những bài hay và ghi dấu ấn đều
chảy ra từ giọt mồ hôi và những dòng nước mắt. Khi đời sống khấm khá, đầy đủ
chúc tụng, thơ văn từ anh cũng được viết ra nhưng đi vào quên lãng; khi cuộc sống
khốn khó, tưởng chừng như tuyệt vọng, thì thơ hiện ra cứu chuộc anh, bù đắp cho
anh qua những ngày gian khó.
Làng Cổ Lũy có chiếc cầu bắc qua làng Đa Nghi qua con khe nhỏ, mùa hè đỏ lửa
năm 1972 cầu bị đánh sập, quân đội miền Nam thay bằng chiếc cầu nhôm dã chiến.
Sau 1975, cả nước đói khổ, nhờ chiếc cầu này trai làng có nơi tụ họp, đọc những
bài thơ hào sảng của Quang Dũng, thơ Giang Nam và thơ Lê Văn Ngăn…, Công an xã
thì ở xa, vả lại may mắn họ cũng không đến nỗi khắt khe lắm nên cũng chưa bị nhắc
nhở lần nào.
Đa số những bài thơ tôi được nghe các anh đọc hồi đó là những bài thơ về tình
yêu đất nước, cuộc kháng chiến chống Pháp, và những bài về tình yêu.
Trên chiếc cầu này, tôi đã được nghe anh Đẵng đọc “Những bài thơ cũ”, do NĐM gửi
về từ trại cải tạo. Trong đêm tối mịt mùng đó, tôi sửng sờ khi nghe bài thơ
này, khác với giọng thơ tôi đang học ở trường.
Những hình ảnh như “Tay em xưa vuốt ánh trăng mềm”, “Xưa hoang vu tóc lộng
buông rèm”, “Hoàng hôn vàng chờ cúi hôn đêm” trước đó được thay bằng “Tiếng
giun tiếng dế”, “đom đóm chập chờn” hay “tiếng lá vông đồng” của
phiên chợ nghèo ngày xưa. Đó mới là đích thị Nguyễn Đặng Mừng.
Những bài thơ cũ
Trăm lốí mòn về với ngày xưa
Cho gió mùa thu lật trang sách nhỏ
Em thấy gì không những bài thơ cũ?
Khiến nỗi buồn ta thức dậy thì thầm
Ôi con tim đập lại nhịp xưa
Một ngọn gió heo may cũng đủ run nhè nhẹ
Lay hồn ta trầm tiếng giun tiếng dế
Và tiếng lá vông đồng rụng giữa đêm khuya
Hay con bướm con chim chập chờn dạ khúc
Hát tiễn anh qua những chặng cuối cùng
Sao em cười mắt liếc bao dung
Hãy cắn tóc mím môi đưa nhau về chặng cuối
Những bài thơ xưa chừ như tóc rối
Xui khiến anh ngồi gỡ lại đường tơ
Bóng dáng tình nương đi về ngại lối
Lòng lại dặn lòng hãy chối cơn mơ
Những bài thơ là những giấc mơ
Mà bóng tình nương là bóng sương mờ
Đêm nay ngập ngừng như con đom đóm
Bay lại vườn xưa chẳng thấy ai chờ…
Trại cải tạo Ái tử 1975
Nguyễn Đặng Trí Tín