Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng về đạo đức
nghề nghiệp: gian dối, tiêu cực, lãng phí, quan liêu… đã tàn phá giáo dục trong
nhiều năm đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cái lỗi hệ thống cơ bản này.
(G.S Hoàng Tụy)
Tôi đến Thái Lan, lần đầu, khi còn là một thanh niên chưa đến tuổi
ba mươi. Ở đất nước này nhìn đâu cũng thấy hình ảnh của đức vua và
hoàng hậu khiến tôi không khỏi “chau mày” và cảm thấy hơi khó chịu.
Xứ sở còn nghèo, ngân qũi quốc gia nên dùng vào những việc khác,
cấp thiết hơn (cải thiện cơ sở hạ tầng hay đời sống của dân nghèo,
chả hạn) thay vì chi phí quá nhiều vào việc “phấn son/trang điểm” cho
hoàng gia như vậy.
Vài chục năm sau, tôi lại có dịp ghé qua đất Thái thêm nhiều lần
nữa. Hình ảnh đức vua và hoàng hậu vẫn hiển hiện khắp nơi nhưng tôi
(thôi) không “chau mày” và “khó chịu” như xưa nữa. Nhờ thời gian, mãi
đến lúc đời đã xế chiều, tôi mới suy nghĩ và suy xét hơn – chút
xíu!
Chế độ quân phiệt ở Thái Lan vốn hơi nhiều tai tiếng nên cần một liên
minh chính danh, có truyền thống lịch sử, đứng kề (cho nó đỡ khó
coi) nên vua chúa luôn phải được tôn vinh là chuyện tất nhiên. Bên cạnh
hoàng tộc, giới tăng lữ cũng là một đồng minh thế giá trọng nên
cũng phải được trọng vọng ít nhiều.
Bao giờ mà đám tướng lãnh và chính khách Thái vẫn còn sẵn sàng
qùi mọp trước hoàng gia, và dân chúng vẫn kính cẩn qùi dâng thực
phẩm cho những đoàn sư khất thực thì chế độ quân chủ lập hiến vẫn
cứ còn có đất sống. Đám quân phiệt ở xứ sở này, rõ ràng, láu cá
(và khôn ngoan) ra phết.
Ở Việt Nam thì chế độ phong kiến đã bị loại bỏ từ lâu, tôn giáo
cũng chỉ còn sống ngắc ngoải, và ni sư đã được “đoàn ngũ hoá” và
đang xếp hàng nghiêm chỉnh dưới ngọn cờ vẻ vang của đảng cầm quyền
(CS) với vài triệu đảng viên vẫn thường được “mệnh danh” là đầy tớ
của nhân dân.
Người dân ở đất nước này, tuy thế, cũng vẫn cứ phải quỳ lậy đều
đều. Lý do, theo nhận xét của nhà báo Mai
Quốc Ấn : “Quá nhiều đời sống ‘chạm đáy’ đến mức phải quỳ xuống để kêu
cứu. Kể cả kêu cứu những kẻ đã tước đoạt tài sản, lợi ích, sức khoẻ, nhân phẩm,
tự do và thậm chí là tính mạng của họ.”
Có kẻ qùi xin việc làm, có kẻ quỳ lậy cảnh sát giao thông vì phạm lỗi lầm chi
đó. Có người phải “qùi xin lỗi phụ huynh học sinh” vì đã “lỡ” phạt con
cái của họ. Những người khác thì tự nguyện “quỳ khóc lóc van xin để được tiếp tục hợp đồng dạy học”
hay “qùi
lậy quan chức xã ấp” ngưng việc thu hồi ̣đất đai canh tác.
Ảnh: internet
Tuần rồi, một cô giáo đã qùi trước UBND tỉnh Darlac để đưa đơn kêu
oan vì bị điều chuyển “không đúng qui định.” Trao đổi với phóng viên
của Tuổi Trẻ Online, hôm 6 tháng 8 năm 2019, cô Nguyễn Thị
Hoa Anh cho biết:
“Mình phải làm vậy mới nói lên được những bức xúc chất chứa hơn
một năm nay… Tôi chỉ dạy từ thiện cho các em, và đã nói rõ trong biên
bản như vậy, nhưng vẫn bị lập biên bản vi phạm quy định dạy thêm … Tôi
cảm thấy bị xúc phạm chứ không phải chê trường xa.”
Về sự kiện này, FB Tam Nguyen có chia sẻ đôi chút kinh nghiệm (hơi cay
đắng) của chính ông, gần bốn mươi năm trước:
Năm 1985, sau khi đi tù (cải tạo) 10 năm trở về, tôi dậy Anh Văn cho con
trai tôi khi đó đang học lớp 7. Để cho cháu có tinh thần vui học tôi bảo cháu
kêu mấy đứa bạn cùng lớp tới học nếu muốn. Dĩ nhiên là miễn phí. “Lớp” vẻn vẹn
có 5 em. Học được đúng 1 tuần, một buổi sáng sớm, khi “lớp học” đang diễn ra,
một phái đoàn phường hùng hậu gồm bí thư đảng ủy, chủ tịch phường, công an khu
vực, công an văn hóa, phó chủ tịch phường phụ trách dân quân ập vào nhà tôi.
Ông bí thư đang ủy nghiêm mặt hỏi tôi giấy phép dậy học, tôi ngớ người
trả lời tôi chỉ dậy không lấy tiền con tôi và mấy đứa bạn nó nên tôi tưởng đâu
cần giấy phép. Liền đó, ông bí thư “nâng quan điểm”: Anh đã đi học tập về sao
còn dậy “tiếng đế quốc”? Sau câu hỏi này thì tôi chột dạ, vì tôi nghĩ một khi
đã nâng quan điểm như thế này thì tôi có thể bị bắt đi tái cải tạo như chơi,
nên tôi xuống giọng xin lỗi, cam kết sẽ không dậy nữa. Các em ra về.
Ngày hôm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh lại phạm đúng cái “tội ghê gớm”
giống tôi cách nay 39 năm …
Tôi không chắc là ông Tam Nguyen biết chuyện dậy học của ông Võ
Quang Hiền (bào huynh của nhà văn Võ Văn Trực) hồi giữa thập niên 1950
nên xin phép được ghi chép lại đây dăm ba dòng chữ, phần lớn, được
trích nguyên văn từ tác phẩm Cọng Rêu Dưới Đáy Ao:
Ngay từ lúc thiếu thời ông Hiền đã hăng hái tham gia vào cuộc cách mạng vô
sản ở Việt Nam. Sổ tay của ông “trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm
ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve
Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp,
Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng
Quốc Việt…
Lòng nhiệt tình của Võ Quang Hiền với cuộc cách mạng vô sản chỉ (chợt)
nguội, sau khi ông tham dự vào Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất và hốt hoảng
nhận ra rằng: “Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút.”
Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang: sĩ quan
quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối
cùng là phó thường dân…. Anh nẩy ra ý định mở lớp học ngay tai nhà mình.
Học trò là lũ trẻ lên chín lên mười. Đang kỳ nghỉ hè thì dạy mỗi ngày
vài tiếng vào buổi sáng. Khi vào niên học thì chuyển giờ dạy vào ban chiều sau
lúc trống trường tan học…
Anh chí thú chuẩn bị chu đáo cho việc mở lớp. Đem bộ phản anh thường nằm
hàng ngày kê thành hai dãy bàn. Anh tìm gỗ và tự tay đóng hai cái ghế dài. Bàn
ghế xếp ngay ngắn. Phía trước có tấm bảng đen và viết nắn nót một câu “Tiên học
lễ hậu học văn”.
Không có một cuộc họp chính thức nào của các ông lãnh đạo xã và thôn cấm
chỉ anh Hiền dạy tiếng Pháp hoặc cấm mở lớp dạy học. Nhưng người ta xì xào bàn
tán rất nhiều về lớp học của anh. Sao thằng Pháp cai trị ta tám mươi năm, bây
giờ lại dạy tiếng của nó” Sao ông Hiền đi đánh Pháp chín năm, bây giờ thắng nó
rồi, lại đem tiếng của nó ra mà dạy” Ông Hiền dạy tiếng Pháp làm gì nhỉ, đào
tạo bồi cho Tây à’ Đào tạo thông ngôn cho Tây à.”
…
Cả sáu học trò lần lượt bỏ học. Gian nhà trở lại hai tấm phản với hai chiếc
ghế dài, ảnh ông Khổng Tử với câu ‘Tiên học lễ hậu học văn’, và một… thầy đồ
tân thời mặt buồn rười rượi.
Hoá ra là đường lối chính sách của xuyên suốt của Đảng và Nhà
Nước Cách Mạng ở nơi đâu, vào thời nào cũng thế: cũng nhẩy xổ vào
cuộc sống của muôn dân, cấm đoán nghiêm ngặt, hay răn đe hạch sách hoặc
doạ nạt đủ điều. Thế mà nhiều sự kiện mới đây liên quan đến những
tệ nạn của nền giáo dục nước nhà, như chuyện những cô giáo bị qùi
(hay tự qùi) thì dư luận chỉ chăm chăm xỉa xói vào mỗi cá nhân ông
Phùng Xuân Nhạ mà thôi.
Tôi thành thật không nghĩ rằng ông đương kim Bộ Trưởng Giáo Dục có
điểm gì xấu xa hay tệ hại hơn những người tiền nhiệm cả. Vấn đề,
chả qua, là ông ấy (không may) sinh bất phùng thời.
Giữa thời đại thông tin nên đương sự phải sống như một kẻ trần
truồng, chả dấu được ai bất cứ điều gì: từ dáng ngồi (vênh mặt)
cách đứng (đút tay vào túi quần) đến những câu nói ngô nghê (hay
ngọng nghịu) và ngay cả những đoạn văn (đạo trích) cũng đều bị phơi
bầy trước bàn dân thiên hạ.
Sự việc tệ hại đến nỗi có người xỉ vả, mắng nhiếc rằng: “Thằng
bộ trưởng giáo dục này chỉ đáng ăn cứt.” Ủa, nói vậy, không lẽ với
chế độ hiện hành mà vẫn còn có thằng ̣– hay con – bộ trưởng (nào
đó) đáng được ăn cơm sao?
Tưởng Năng Tiến