17 August 2019

CƠN GIÓ BỤI - Lê Nguyễn Nga

Nguyễn Duy Liễu, Hoàng Hải Thủy, Phụng, Thái Thanh…

Saigon, Ngày 1 Tháng 5 Năm 1975.

Một không khí nặng nề với sự hốt hoảng quanh vùng Saigon Chợ lớn và Gia định. Trên gương mặt của mọi người, từ già đến trẻ, ai cũng đều ngơ ngác, sợ hãi và gần như là đang chờ đợi một hung tin, một đoàn quân hung bạo sắp đến. Vài chiếc xe thiết giáp nằm trên vài con đường, với những xác của chiến sĩ VNCH vẫn còn nằm tại đây. Các anh đã chết để bảo vệ quê hương với những viên đạn cuối cùng. Can đảm thay người chiến sĩ Cộng Hoà! Những người chiến sĩ còn lại đa số cởi bỏ quân phục, bỏ súng và đang ngồi chờ đợi những gì sẽ đến với số phận mình. Tôi đang ngồi trong nhà. Đóng cửa, khóc cho số phận tôi và số phận của đất nước Việt Nam. Tôi thầm nghĩ, thôi cuộc đời đã chấm dứt rồi!
Sau hơn một tuần lễ. Chính quyền mới ra lệnh các nhân viên công sở và công nhân hãng xưởng, trở lại làm việc. Chúng tôi đến trình diện tại nhiệm sở. Chúng tôi không dám mặc đồng phục của Hàng Không Việt Nam. Ai cũng tìm lấy chiếc quần đen và chiếc áo chemise trắng mặc vào. 

Vô đến nhiệm sở với những người bạn, những gương mặt sợ sệt, nói chuyện để hỏi nhau, ai còn ở lại, ai đã ra đi. Chúng tôi bị đi học tập tại chỗ. Tôi rất sợ, vi gia đình tôi, có một anh trai là thiếu tá, và một anh rể là thiếu tá không quân. Cả hai anh đều là phi công và đã ra đi. Bài giảng đầu tiên, người ủy viên Cộng Sản đã nói. Mở đầu anh ta chỉ trích “ngụy quân, ngụy quyền” mà đặc biệt nói mạnh về tội của “mấy tên giặc lái” (phi công). Ngày hôm sau chạy về bên nhà mẹ tôi. Căn nhà đã bỏ trống, tôi thu dọn tất cả quần áo sĩ quan, quần áo khaki của anh tôi. Tôi phải chờ đêm đến, đem tất cả đồ đạc của anh tôi ra gốc cây, rồi bỏ nơi đó. Anh Lê Trọng Nguyễn, làm chức vụ cao trong Hãng Xưởng Lọc Dầu Mekong của Nguyễn Ngọc Linh. , Anh bị coi như là một tư chức cao cấp, phải đi cải tạo chung với “ngụy quyền”. Anh LTN còn phải nhận thêm một tội nữa là tội của một nhạc sĩ đã làm ra nhiều bài nhạc uỷ mị, sau nầy gọi là “nhạc vàng”. Anh LTN cũng đi học cải tạo thêm một tuần chung với anh chị em văn nghệ sĩ thời đó. Nhưng được học tại Saigòn. Sáng đi học cả ngày, tối đi về nhà. 

Những chuyến baỵ Air VN đã ngưng hoạt động trên 3 tháng. Nhân viên ngồi chờ lệnh, chờ người thủ trưởng của chính quyền mới đến để tiếp thu. Vào khoảng tháng 7 năm 1975, đường bay được mở lại với Hồng Thập Tự Quốc Tế, (International Red Cross). Một phản lực cơ 707 rất lớn. Lá cờ của Thụy sĩ ngang nhiên được tô đậm trên thân chiếc phi cơ. 

Đối với người dân VN nói chung, và chúng tôi nói riêng, đoàn đại diện Red Cross là hiện thân của “Tình Người”. Họ là hình bóng của Thiên Thần trong khoảng thời gian nầy. Họ đến để rước các người có quốc tịch Pháp về nước và Ấn Kiều đưa trả về Ấn Độ. Nhìn họ rước nhiều người ra đi. Chúng tôi cùng khóc, khóc cho thân phận mình còn ở lại. 

Đời công chức, sống bằng lương hàng tháng, từ vài tháng nay chúng tôi đã sống bằng “tự mình lo” có nghĩa là kiếm được gì thì sống như vậy. Bộ đội và người miền Bắc đã vào và bắt đầu đi tim kiếm để mua đồ đạc, cái gì cũng mua. Việc đầu tiên chúng tôi phải lo bán là bán chiếc xe hơi vì không có xăng để chạy. Bán xong chiếc xe hơi Simca, đủ tiền để chúng tôi đi mua 2 chiếc xe đạp. Ôi! Thời sung sướng nay con đâu! Suốt ngày những bài hát Việt cộng oang oang ngoài cửa nhà:

“Mùa xuân nầy về trên quê ta
Khắp đất trời đẹp tươi như hoa …”

Thật là mỉa mai. Tôi bịt lỗ tai và bước ra hiên để đóng cửa lại. Giọt mưa còn đọng trên mái nhà rớt xuống mặt tôi hay giọt nước mắt của tôi! Đồng hồ, rađio của gia đình ngày xưa không xài, đã bỏ vào garage. Bây giờ đem ra bán với giá rất cao. Nhờ vậy mà sống được qua những ngày đầu của cuộc đổi đời nầy. Đặc biệt các phụ nữ miền Bắc đi tìm kiếm mua quần áo của các phụ nữ miền nam, và miền nam thì cái gì cũng đem ra bán để đổi lấy gạo cơm cho gia đình. 

Cũng là may, ngày xưa cứ mỗi tháng lãnh lương đi may áo mới, nên bây giờ có được một số áo dài, từ từ đem ra bán. Tôi đem áo dài hoa đủ màu, đem ra “chợ trời” bán để kiếm tiền mua sữa ( sữa ngoại quốc rất mắc) cho 2 đứa con 3 tuổi và 2 tuổi. 

Từ 5 tháng trước, các sĩ quan đã được lệnh đi trình diện cải tạo với lời tuyên truyền là phải đem theo lương thực trong mười ngày. Nhưng đã mười tháng rồi chưa được về. Các người vợ, người mẹ mới rõ hơn về sự nói láo của cả một chế độ CS, từ trên xuống dưới. Vài tháng kế đó, nhiều gia đình bị “đánh tư sản” và bị đuổi đi ra ngoài làm ruộng gọi là đi “kinh tế mới”. Lần đầu tiên đổi tiền. Mọi người chỉ đổi được 200 tiền VC, còn bao nhiêu thì đưa nhờ người khác đổi, hoặc là hủy bỏ!

Sự thật đau lòng. Hình ảnh của một đoàn người đi “tiếp thu” măc quần áo xốc xếch giống như những người ở rừng sâu về! Vào đến văn phòng, ngồi co hai chân lên, chúng ta gọi là ngồi “chồm hổm”. Nói chuyện bằng những danh từ rất tự cao tự đại, nói khoác, như là biết tất cả sự việc. Nhưng thật ra là đầu óc trống rỗng. Than ôi! tôi nghĩ trong bụng: đây là những lớp người tiêu biểu cho chế độ mới, đây là những người cầm vận mệnh của lớp tuổi thanh niên Việt Nam!

Tương lai của thế hệ trẻ sẽ đi về đâu?

Tôi được Hàng Không VN chỉ thị huấn luyện cho một vài người đến làm việc. Trong lúc làm, một chị cán bộ kêu tôi đến xem chị đang làm list Tài Chánh, chị ta nói chị đang làm danh sách “chè, que”. Tôi ngẩn người, sau một lúc tôi mới biết là làm list cho các cheques (checks) của chế độ cũ để lại. Nhưng rồi sau sáu tháng lưu nhiệm, tôi đã được “cám ơn”, về nhà nghỉ việc. Tôi đã hoàn toàn thất nghiệp. Tôi tự hỏi những cơn giông bão miền Trung, rồi đến những con mưa ngập đường Sàigòn, có não lòng bằng cơn mưa trong lòng tôi chăng ? Tôi phải tự sống còn nên chuyển qua việc buôn bán, qua đường giây chuyển ngân, và mua thuốc tây bằng cách gửi quà về VN, đem về bán sỉ tại chợ Tân Định. Thời gian nầy, tôi nhờ chị Hồng, tức là bà bác sĩ Kim Thanh Xuân, một người bạn làm chung Air VN, đã đến sinh sống tại Pháp 2 năm nay. Chị Hồng gửi thuốc tây cho tôi bán để kiếm lời và sống qua ngày. Tôi tạm sống qua ngày. Mỗi tuần tôi dành thì giờ đến tâm tình với nhóm bạn tôi: An phạm và Bùi T Lang, Minh Thăng, để tâm sự và rồi tìm cách kiếm sống cho gia đình và cho chính mình. 

Khi tôi ra ngoài chợ, hay xem Tivi, thấy được những tiếng Việt Nam mới rất kỳ quái, xuất hiện trên “thị trường văn chương mới”. Tại các nơi buôn bán, tôi thấy có khách người miền Bắc tìm kiếm mua rađio cũ, anh ta nói muốn mua một “cái đài”. Các người trong chợ lúc đầu không hiểu là anh muốn mua một cái ra-đio nhưng sau nầy họ đều hiểu và buôn bán qua lại vui vẻ. Ban ngày thì lo kiếm sống. Tối về, niềm vui duy nhất là nghe đài BBC và VOA để biết tin tức ngoại quốc. Đôi khi đang xem tivi bị trục trặc, phải ngưng, chúng tôi được báo tin là “sự cố kỹ thuật”. Vào làm việc với người thủ trưởng, ông ta muốn nói làm nhanh lên thì lại nói là “khẩn trương”. Một bữa tiệc đãi các người khách với các món ăn ngon, trong những nhà hàng sang trọng, các thủ trưởng nói là bữa tiệc thật “hoành tráng”. Một số cán bộ, bộ đội đã bắt đầu thích uống cà phê trong tiệm. Vào trong quán gọi ngay một ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ( cafe fin). Cá nhân tôi đã không còn tiền để có thể ăn sáng mỗi ngày như xưa, nên vào cửa hàng quốc doanh. Tôi thấy ở đây bán phở với 2, 3 giá khác nhau. Giá rẻ nhất, đó là “phở không người lái” tức là phở với nước súp không có thịt. Danh từ thô thiển đã được phát xuất từ tầng lớp “cách mạng” từ lâu rồi. Có thể từ trong thôn quê miền Bắc những danh từ quá khác biệt và không thể tưởng tượng được. Xã hội, nền văn minh của Bắc và Nam khác nhau xa quá. Những người “cách mạng” nầy không dùng ngôn ngữ trong sách vở văn chương Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, là những cử chỉ khi nói chuyện thì quá ư là không lễ phép chút nào. Một chế độ mà từng lớp người nòng cốt phải là “chuyên chính vô sản” và có thể là không được đi học nên đã sanh ra những danh từ mới nầy. Một ông thủ trưởng chức vụ là bác sĩ đã đến tiếp thu một bịnh viện, nhưng mỗi tuần ông bác sĩ phải đi học “bổ túc văn Hóa” vì ông ta chưa học hết lớp 6. Là những chứng nhân của cuộc “đổi đời”, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện nầy, chúng tôi rùng mình. Nguy hiểm thay, những người nầy sẽ là những người sẽ “giáo dục” đàn con của chúng ta. Nghe thật là đau đớn. Thật là cười ra nước mắt, khi nghĩ đến các con mình phải tiếp nhận sự dạy dỗ của những người đại diện cho “đỉnh cao trí tuệ” nầy. 

Năm 1976, tôi lại sanh được một con gái, đặt tên là Minh Thư. Chồng tôi đưa tôi đến sanh tại dưỡng đường Saint Paul như mấy lần trước. Nhưng hôm nay đến, dưỡng đường Saint Paul chỉ còn là bốn bức tường và những chiếc giường. Những máy móc tối tân đã bị tháo gỡ đem về miền Bắc. Nằm trên giường sanh, tôi lo sợ thiếu thuốc, phải nhờ người nhà từ ngoại quốc gửi về. Sau cuộc đổi tiền, vật giá vẫn leo thang đã làm người đân càng nghèo hơn trước nhiều. Chợ trời là nơi buôn bán để kiếm ăn qua ngày. Trộm cắp và lường gạt nhiều hơn trước. Ông chồng tôi ngày nào cũng dạy 3 đứa học trò đến học nhạc, xong là xách xe đạp đi tìm các bạn: Mai Thảo, Phạm Đình Chương, nhà văn Hoàng Hải Thủy ở các quán nhậu đã hẹn hò. Sau nầy tôi mới biết, không phải chỉ nhậu không thôi, mà các nhóm nầy họp để tìm đường đi, không phải ra đi “tìm đường cứu nước” như ông HCM, mà ý muốn là tìm đường vượt biên. 

Những năm 79- 80 chồng tôi và tôi vẫn có dịp gặp gỡ các bạn nghệ sĩ. Thỉnh thoảng gặp nhau nơi một villa sang trọng trên đường Yên Đỗ. Đó là tư gia của cha mẹ người bạn tên NXN. Anh NXN, một sinh viên tốt nghiệp từ Pháp về. Chúng tôi thỉnh thoảng họp mặt với các văn nghệ sĩ Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Mai Thảo và hai anh bạn nữa. Có một đêm đang vui, chị Thái Thanh hát nhạc xưa. Các ông đang say mê đàn hát, tôi sợ quá phải chạy ra đóng chặt cửa lại, nếu không thì sẽ bị đem về bót. Anh LTN không bao giờ nghĩ đến chuyện ra đi một mình vì anh nặng tình vợ con. Cuối cùng nhà văn Mai Thảo đã đi được sang Mỹ, kế đến là nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng ra đi êm xuôi. 

Bạn bè còn lại là anh Hoàng Hải Thủy và Nguyễn Duy Liễu, chủ bút Saigon Post. Chúng tôi có dịp đến chơi nhà anh chị HHT, một nơi rất ấm cúng của đôi uyên ương tuyệt vời. Và sau đó ít lâu, anh HHT đã bị bắt và đi tù lâu dài. Việc này làm Anh Lê Trọng Nguyễn rất lo sợ. Thường là vậy, bạn bè cũng sẽ bị lây. Anh HHT bị tù và đem đi nhốt cách biệt ở một nơi xa. Anh LTN trở thành kẻ cô đơn thêm nữa nên tính tình càng xuống dốc. Đã có một lần tôi có ý định bỏ lại tất cả, ôm ba đứa con ra đi, để anh lại với Mẹ già và một người cháu. Anh LTN kinh hoàng, bớt đi ra ngoài đường để uống rượu. Nhiều người bị bắt quá, anh sống trong lo sợ phập phòng. Anh bắt đầu làm đàn guitar mandoline để bán. 

Tôi sống trong nỗi khổ nhưng cố gắng tìm nguồn an ủi là đến chơi gần gũi với các bạn. Tôi tìm được niềm vui nơi các bạn HangKhongVietNam: An Phạm, có chồng là anh Hiệp đi cải tạo lâu dài. BTlang, Minh Thăng và vài bạn nữa. Gặp gỡ nhau cùng với anh Nguyễn Duy Liễu. Nhân dịp nầy anh Liễu đã làm bài thơ “Let’s Come Closer”, và anh LTN đã phổ nhạc thật hay. Anh Liễu là thầy dạy Anh Văn cho các con của An Phạm. Cuộc đời đau khổ bên nhau, niềm vui chưa được lâu dài thì một người bạn thân yêu của chúng tôi, Minh Thăng cùng hai con đã chết, và hai con của An Phạm đã mất trên đường đi vượt biên tìm tự do. Ôi! Cái giá của tự do, người Việt Nam đã phải trả quá đắt!

Năm 1981 tôi nhận được tin gia đình từ USA, với giấy bảo lãnh của ODP (Orderly Departure Program) duới sự bảo lãnh của mẹ tôi. Tôi đã có giấy nhập cảnh và đang chờ xuất cảnh. Chạy giấy xuất cảnh là một chuyện rất gian nan. Một nhân vật cao cấp tôi được quen, vì tôi làm bên Hàng Không và ông làm bên Bộ Nội Vụ ông là người rất tên tuổi, ông Năm Thạch. Kế đến là ông Đại tá Mai ( đại tá vc làm trong phi trường ). Mấy ông nầy đã gặp tôi và bằng lòng giúp tôi. Tôi nhận được giấy xuất cảnh, vào tháng 10 năm 1982. ( Khi chúng tôi đi phỏng vấn anh LTN cố gắng đưa vào 2 tờ giấy chứng nhận anh đã làm cho MACV- 1965-68). Chúng tôi được xuất cảnh, và được lên danh sách chuyến bay, sẽ ra đi trong 3 tuần tới. Nhưng thật là trở ngại, tôi đang mang bầu và sắp sanh, phải tự chạy đến văn phòng HKVN, bây giờ toàn người mới, tôi xin đình hõan chuyến bay nầy. 

Đầu tháng 12, 1982, tôi sanh được một cháu trai, đặt tên Lê Trọng Phúc. Ngày đầy tháng của cháu Phúc, bạn bè nhiều người đã trốn thoát, chỉ còn anh Hoàng Hải Thủy đến cho một hộp sữa ngoại quốc, món quà nầy, lúc đó thật đầy tình thương và rất quý giá. 

Tôi đã dời được chuyến bay, ra đi vào 3 tháng sau, ngày 11 tháng 3, 1983. Một sáng thật đẹp trời, chúng tôi đã đến phi trường Tân Sơn Nhất làm đủ thủ tục xuất ngoại. Họ khám xét tỉ mỉ quá làm anh LTN cũng khiếp vía, xanh mặt tưởng bị bắt ở lại. Tiếng khóc của trẻ thơ cũng làm chúng tôi thêm bối rối. Sau cùng chúng tôi đã ra khỏi vòng đai kiểm soát của Công An. Cả gia đình đã bước lên phi cơ. Các người tiếp viên đến giúp buộc giây an toàn cho các con nhỏ. 

Tiếng nổ của phản lực. Kế đến là tiếng báo tin của tíếp viên là phi cơ sắp sửa cất cánh. Không khí hơi khó thở. Một giờ sau, tiếp viên hàng không nói là phi cơ sắp đáp xuống phi trường. Tiếng bánh phi cơ chạm vào đất, ngay lúc đố chúng tôi biết là đã hoàn toàn đến Bangkok. 

Anh Lê Trọng Nguyễn, bình tĩnh hơn, uống một ngụm nước, cười và nói: “Yên rồi, đã ra khỏi Việt Nam rồi”. Niềm vui pha lẫn niềm cay đắng của một gia đình phải bỏ xứ ra đi, chỉ mong được hai chữ tự do cho hiện tại, và xây đắp tương lai cho những đứa con của mình.

Nhã Ca, Kiều Chinh và Nga Nguyễn.


Lê Nguyễn Nga
March 30, 2019