Theo dõi phản ứng của Trung Cộng (TC) trước mọi biến cố quốc
tế nhất là về tranh chấp lãnh thổ sẽ thấy các lãnh đạo đảng CSTQ từ Đặng Tiểu
Bình đến Tập Cận Bình chỉ áp dụng một chính sách, đó là đối phó riêng biệt với
từng quốc gia xung đột và qua đó có biện pháp thích nghi.
Có những trường hợp TC nhượng bộ như đối với Bắc Hàn, thỏa
hiệp như đối với Brunei hay cứng rắn không khoan nhượng như đối với CSVN. Với một
ASEAN không thống nhất quan điểm về Biển Đông, sách lược cổ điển trích trong
chương đầu của Binh Pháp Tôn Tử này đang đem lại thành quả cho TC.
Nắm được chủ trương của TC, TT Philippines, Benigno Aquino
Jr., tháng Giêng 2013, đã tranh thế thương phong bằng cách thách thức TC trước
tòa trọng tài quốc tế và Philippines đã thắng.
Chính phủ Philippines không sa vào cái bẫy “đàm phán song
phương” do TC bày ra để kéo dài từ năm này qua tháng nọ như TC đã từng làm với
Liên Xô từ thập niên 1960 cho đến khi Liên Xô tan rã 1991.
TC, ngoài miệng phủ nhận giá trị của phán quyết nhưng cùng
lúc tìm cách làm dịu với Philippines thay vì dùng các biện pháp cứng rắn
để trả đũa.
Tập Cận Bình thỏa hiệp với Brunei, một nước nhỏ nhưng là một
thành viên của ASEAN và một trong bảy nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền
Trường Sa.
Tập Cận Bình biết mục đích của Sultan Hassanal Bolkiah đơn
thuần là quyền lợi kinh tế và ổn định chế độ độc tài chứ không phải là chiến lược
quân sự. Mục đích của Hassanal Bolkiah đã được Tập Cận Bình thỏa mãn khá
dễ dàng như y đã áp dụng với các nhà độc tài Phi Châu. Với việc thành lập Brunei-China
One Belt One Road Association vào cuối năm 2018, Brunei coi như chính thức đội
trên đầu cái vòng kim cô của họ Tập ban cho.
Với Việt Nam, Tập Cận Bình chủ trương cứng rắn, đe dọa, hiếp
đáp.
Lý do, không giống như Philippines và TC, quan hệ giữa CSVN
và TC thực chất là quan hệ giữa hai đảng CS chứ không phải hai nước. Tập
Cận Bình đi trong gan ruột của giới cầm quyền CSVN. Y biết CSVN không dám kiện
như Philippines đã làm.
Đưa nhau ra tòa là một hình thức chiến tranh, chặt đứt cầu
quan hệ. Cả hai đảng đều biết CSVN không thể tự đứng một mình. Nếu tách ra khỏi
quỹ đạo TC và mở rộng quan hệ mật thiết về kinh tế chính trị với các nước dân
chủ phương Tây, không sớm thì muộn đảng CS sẽ mất quyền cai trị đất nước.
Dù đã nhiều lần bị “cho roi cho vọt”, trong năm nước CS tàn
dư chỉ có TC và CSVN là hai nước có cùng một cơ chế độc tài gần như rập khuôn
nhau. CSVN phải biết tựa vào TC về mặt lý luận, tư tưởng và đường lối cai trị để
tồn tại. Ban Tuyên giáo Trung ương CSVN hợp tác chặt chẻ, viếng thăm và học tập
hàng năm với Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới cai trị CSVN sợ mất quyền cai trị đất nước nên từ 1990
đến nay đã cam tâm đứng nhìn bầy chuột đồng TC gặm nhắm từng phần đất nước. Sau
chiến tranh biên giới 1979, TC tiếp tục các trận chiến xoi mòn như trận Cao Bằng
1980, Lạng Sơn và Hà Tuyên 1981, Vị Xuyên Hà Tuyên 1984, Lão Sơn Hà Giang 1984,
Vị Xuyên lần nữa 1985, 1986, Gạc Ma 1988.
Quyền lợi của đảng CSVN luôn được giới lãnh đạo đảng đặt
trên sự sống còn của dân tộc. Đất nước, biển trời, quê hương, tổ quốc chỉ là những
khẩu hiệu tuyên truyền treo trước cổng ngân hàng của các ủy viên trung ương, ủy
viên Bộ Chính trị đảng CSVN.
Chính sách quốc phòng “ba không”
Để làm vừa lòng TC, CSVN theo đuổi một chính sách quốc phòng
“ba không”: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng
minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân
sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Chính sách quốc phòng “ba không” về căn bản là
nguyên tắc trung lập về quốc phòng và chỉ có hiệu quả nếu các bên trong vòng
xung đột tôn trọng luật quốc tế, các cam kết quốc tế và tôn trọng nhau.
Trong tranh chấp Biển Đông, chính sách quốc phòng “ba không”
chỉ có lợi cho TC.
Việt Nam là một nước nhỏ, và cũng chính vì là một nước nhỏ,
lẽ ra phải biết từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại, biết nâng cao
vị thế quốc gia trong bang giao quốc tế, biết linh động trong việc mở rộng các
mối quan hệ song phương và đa phương, gần và xa để tạo thế đứng thuận lợi trong
hòa bình, và nếu cần, tạo thế chiến lược trong chiến tranh.
Không. Thay vì tận dụng mọi công pháp quốc tế, gây cảm tình
trong dư luận thế giới, gây căng thẳng, gây chú ý và nếu cần chủ động gây bất ổn
giữa các cường quốc có quyền lợi trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, CSVN chọn
chính sách ngoại giao “du dây”.
“Đu dây” (tightrope diplomacy) là tự sát.
So sánh các không ảnh chụp Biển Đông năm 1995 và Biển Đông
năm 2017 sẽ thấy khác nhau rất nhiều. Chính sách chuột đồng của TC không hề
thay đổi. TC tiếp tục gặm nhắm từng phần lãnh thổ Việt Nam và đặt thế giới vào
chuyện đã rồi qua các “status quo” đang được họ Tập cho xây dựng. Trong lúc đó
CSVN tiếp tục “đu dây”, tiếp tục nhún nhường và tiếp tục lùi dần trước những lấn
áp, răn đe của TC.
Hai bài học về bang giao quốc tế cần phải học.
Tito của Nam Tư và mầm mống tai họa của chính sách đối ngoại
“đu dây”.
Josip Broz Tito, nhà độc tài Nam Tư từng áp dụng chính sách
đối ngoại “đu dây” trong Chiến tranh Lạnh để duy trì quyền cai trị. Các nước
trong phe dân chủ Tây phương o bế Tito hơn bất cứ một lãnh đạo CS nào, nhưng
sau khi phong trào CS Châu Âu sụp đổ, Mỹ buông đầu dây và quốc gia liên bang
này rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu suốt mười năm.
Ismet Inonu của Thổ Nhĩ Kỳ và chọn lựa sáng suốt đứng về
phía Tây phương.
Một buổi sáng tháng 4, 1946 bên bờ vịnh Istanbul, cả Tổng thống
Ismet Inonu và Thủ tướng Sukru Saracoglu của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đều có mặt để
chào đón chiến hạm USS Missouri.
Trong diễn văn chào mừng, Thủ tướng Sukru Saracoglu phát biểu:
“Nước Mỹ, người con yêu quý của thế giới cũ mà chúng ta đang sống, đang bước những
bước can đảm, vững chắc trên con đường tạo ra một trật tự quốc tế hòa bình và một
thế giới đoàn kết bằng việc cầm chắc ngọn cờ nhân đạo, công lý, tự do và văn
minh.”
Sau chuyến viếng thăm của USS Missouri, Stalin ra lịnh gia
tăng sự hiện diện quân sự tại Hắc Hải nhưng không dám bắn một viên đạn nào và
cuối cùng rút êm.
Về mặt địa lý chính trị, xung đột Eo Biển Thổ giữa Thổ và
Liên Sô khá giống xung đột giữa Việt Nam và TC.
Nếu chính phủ Thổ cũng áp dụng chính sách “đu dây” giữa Mỹ
và Liên Sô, số phận của Eo Biển Thổ chưa biết ra sao và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đã
không là thành viên của NATO.
TC năm 2018 không khác gì Liên Sô năm 1946. Vị trí chiến lược
của Biển Đông đối với Việt Nam cũng quan trọng như Eo Biển Thổ đối với Thổ Nhĩ
Kỳ.
So sánh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam để thấy có một điểm khác
nhau duy nhất, đó là quyết tâm của giới lãnh đạo hai quốc gia. Từ một con người
cho đến một đất nước, tại một thời điểm nào đó trên hành trình phải chấp nhận
những thách thức và hiểm nguy để thay đổi hướng đi.
Thổ dứt khoát thay đổi để thích ứng với xu thế thời đại và
CSVN tiếp tục bang giao theo kiểu “đu dây” giữa Mỹ và TC để duy trì chế độ.
Làm gì?
Bạn có thể là người ủng hộ chiến lược bao vây TC của Mỹ, có
thể là người ủng hộ chính sách “đu dây” của đảng CSVN, hay là người quan tâm đến
nền dân chủ và thịnh vượng lâu dài cho dân tộc.
Trong ba mẫu người đó, chỉ có những ai quan tâm đến lối
thoát dân chủ mới là người thật sự đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Như lịch sử các quốc gia cựu CS cho thấy chỉ có dân chủ mới
bảo vệ được đất nước và cũng chỉ có dân chủ mới tập trung được sức mạnh tổng hợp
của dân tộc làm nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài.
Trong số 35 người thành lập Phong trào Độc Lập Lithuania
không phải ai cũng là trí thức, học nhiều hiểu rộng mà từ nhiều thành phần xã hội
khác nhau. Một giáo sư đại học ngồi chung bàn với một anh kéo màn sân khấu để
cùng lo chuyện nước non. Cách mạng dân chủ Lithuania thành công vì tất cả cùng
có một thái độ dứt khoát với chế độ CS và một mục đích “thoát Liên Sô”.
Lithuania giành được độc lập và bước vào tiến trình dân chủ hóa trước khi Liên
Sô sụp đổ.
Việt Nam cũng thế. Đây là thời điểm lịch sử để những người
yêu nước ở mọi nơi, mọi thành phần cùng bước ra ánh sáng để nhận lãnh trách nhiệm
bảo vệ chủ quyền đất nước bắt đầu bằng nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam trong thời
gian nhanh nhất. Yêu dân chủ là yêu nước, bởi vì, dân chủ hóa Việt Nam là con
đường “thoát Trung” bền vững, lâu dài và hiệu quả nhất.
Trần Trung Đạo