Chị nắm tay tôi không “đi trên con đường làng dài và hẹp” mà đi trên một con
đê vừa cao vừa rộng vừa dài. Chỉ tay xuống xa xa phía dưới chị bảo: sông Hồng
đấy, em có thấy nước đỏ ngầu?
Dưới ánh mặt trời đang lên vào buổi sáng tôi thấy một dòng sông bao la sắc
hồng vô cùng rực rỡ. Xa hơn nữa là những làng quê mờ mờ với lũy tre xanh, cồn
cát, nương dâu mà cơn gió lạnh sáng hôm nay theo sông thổi về vi vu se sắt. Đó
cũng là cảm giác đầu tiên khi tôi trông thấy sông Hồng. Sau này đọc văn, có
người ví dòng sông nước đỏ như nghiên son và con thuyền như con muỗi chết trên
nghiên son ấy. Có người nhìn từ máy bay lại thấy dòng sông như con rắn đỏ đang
bò. Lâu về sau đi qua đê Yên Phụ tôi thấy những đứa trẻ con nhà thuyền chài bơi
lội dưới sông, khi leo lên thuyền người chúng phủ một mầu hồng phấn và phù sa
con sông vương cả lên đầu tóc và mi mắt chúng. Có lẽ mầu đỏ hay hồng hiện ra là
tuỳ theo khúc sông, con nước lên xuống, vị trí đứng của người xem và quan trọng
là ánh sáng mặt trời lúc ấy.
Chị lại bảo: sáu năm trước mẹ sinh ra em trong một nhà thương nhỏ bên bờ sông
Như Nguyệt… không xa đây lắm, đúng ngay nơi danh tướng Lý Thường Kiệt dàn binh
đánh quân Tống. Chị năm ấy mới mười một tuổi, đang học năm đầu trung học, phải
đưa mẹ đi sinh vì bố cùng hai cậu em đi kháng chiến đánh Tây đuổi Nhật.Thế cho
nên suốt thời thơ ấu tôi cứ mơ được thành Lý tướng quân, con người tài kiêm văn
võ, nhưng binh nghiệp của tôi vừa ngắn ngủi vừa thảm sầu. Phải chi trên bờ sông
ấy, mẹ ngài sanh sớm một chút, vào thời Hai Bà Trưng chẳng hạn, ngài sẽ làm
tướng của Hai Bà và sẽ đánh cho tên Mã Viện một trận què lê què lết cho nó chừa
cái tật chỉ giỏi ăn hiếp phụ nữ… nước ta qua được cơn ngàn năm nô lệ.
Cha tôi đi đầu, người cao gầy đeo kính trắng, da ông cũng trắng bóc cho dù
dãi nắng dầm mưa qua bao gian khổ. Phía sau là mẹ các anh chị và vài người nữa
có thể là đồng chí cuả ông; có người đã gánh tôi một bên thúng mỗi khi tôi đuối
sức hay buồn ngủ theo không kịp. Tất cả lôi thôi lếch thếch như một lũ ăn mày
vì đói khát và vì đã vượt suối băng rừng nhiều ngày đêm. (Hình ảnh này tôi đã
gặp lại rất nhiều lần trên quê hương miền Nam) trừ những đứa trẻ con, người lớn
đều nửa mừng nửa lo, mắt cứ lấm la lấm lét dù đã trở lại được nơi an toàn vùng
tự do. Bỗng mẹ lui xuống đẩy tôi lên đi cạnh cha tôi rồi bảo: nắm lấy tay thằng
bé đi bố. Chắc mẹ nghĩ: đứa bé lon xon đi đầu cạnh cha nó vẫn là hình ảnh đẹp
dễ đánh động lương tâm những kẻ cầm súng, đem an toàn cho mọi người. Rồi những
kẻ cầm súng cũng đến. Họ chia thành hai hàng, súng trường cầm tay đi hàng một
cách xa nhau doc theo hai bên con đê. Tôi thấy cha đưa hai tay khỏi đầu, tôi
biết là ông đang đầu hàng họ và tôi cũng làm theo y hệt.
Tuổi thơ tôi trôi qua trong những lần chạy loạn cuống cuồng của người lớn,
bom nổ đạn bay, những người đi bên cạnh gục chết như mơ. Có khi tôi còn hỏi: mẹ
ơi sao ông này chẩy máu. Nhưng tôi cũng được nghe và được dạy để thuộc đến bây
giờ những câu ca: Chiều về trên cánh đồng xanh, có nàng gánh lúa cho anh ra đi
diệt thù.., u ù từ ngày chinh chiến mùa thu… Cờ phất phới trên ngọn tre, trông
xa xa bóng quân về đồng một lòng cất cao tình quê. Ôi quê hương với nước nhà
kháng chiến, dân theo cụ Hồ đã phất cờ bùng lên… Đây quả moọt chê (đạn súng
cối) một hôm rơi xuống, anh em lên đường thấy Tây đang bò… đùng đoành hai thằng
Tây chết lăn cò quèo, còn thằng Việt gian cuống lên bắn liều. Và những thằng
Việt gian đang thận trọng tiến lại gần, cái lối tiến bước mà mười lăm năm sau
tôi cũng thực hành: Trung đội mở đường. Một tay tôi vẫn đưa cao, nhưng một tay
vỗ vào lưng bố nói: không được hàng, không được hàng mà… Trong những lần chơi
tập trận giả các anh chị trong đoàn dặn: Không được hàng chỉ có Tây mới hàng,
thế là tay tôi vuốt mạnh trên tàu lá chuối. Súng bằng tàu lá chuối nổ lốp bốp
và những đứa đóng giả Tây với Việt gian đang đầu hàng ngã lăn ra đất… cười sằng
sặc. Nhưng những người lính quốc gia không dữ dằn như mọi người tưởng, trái lại
họ có vẻ hiền lành và thân thiện vui đùa, có anh còn nhấc bổng tôi lên. Rồi sĩ
quan đi xe jeep đến ngay.
Lần đầu tiên tôi trông thấy một ông Tây. Trong câu chuyện nói với cha tôi,
tôi nghe được nhiều chữ trè biêng, com biêng phô tin đờ tăng… a lê… Thai Nguyen
à Hanoi. Sau đó mọi người được đưa về nơi tạm cư. Mấy năm trước cha đi kháng
chiến cùng với hai cậu em nhưng hôm nay ngày về chỉ còn mình ông, ưu tư, bơ phờ
với mái tóc bắt đầu chớm bạc. Hai chú Cơ và Vỹ đã bỏ mình trên chiến trường
trong một trận đánh xe bọc thép và một trận công đồn. Bên mẹ mất hai quận
trưởng: Cậu Quý và bác Đàm. Cậu bị Việt Minh chặt đầu, còn bác bị đốt cháy đen.
Tôi đến Hà Nội vào một sáng mùa thu, ngày những đứa trẻ con cùng tuổi được
cắp sách tới trường đi học lần đầu, nhưng vì những thủ tục tạm cư này nọ khiến
cho tôi cũng bị trễ học hết mấy tháng. Có lẽ cha quyết định về thành là muốn
cho tôi được đi học đúng tuổi, nhất là không phải trông thấy cảnh người ta xử
tử rất sớm các địa chủ, đánh lẫn với đảng viên các đảng phái khác bằng nhiều
cách cực kỳ dã man; cho nên tôi không thể chọc phá hay ném đá những đứa con địa
chủ, rách rưới đói khát, vật vờ như những bóng ma đang trên đường lao cải chờ
chết dần mòn.
Bấy giờ cha mẹ thuê nhà ở phố Sinh từ, là số một trăm linh bảy đối diện chùa
Bà Ngô. Mẹ bảo chùa Bà Ngô là chùa Ngọc Hồ và mẹ kể chuyện thư sinh Tú Uyên gặp
Tiên nữ Giáng Kiều với tích lá đỏ đề thơ. Tôi chạy qua ngay, chẳng thấy tiên nữ
nào từ trong tranh bước ra hết, toàn là các sư bà sư cô hiền lành, trắng xanh.
Phố Sinh Từ cũ kỹ, dạo ấy chưa có “mưa sa trên màu cờ đỏ”, những ngày lễ lạc có
ông cảnh binh ghé mắt qua khe cửa dặn dò: bảo u treo cờ nhanh lên cu, thế là cả
phố rực một màu vàng. Đường phố vắng lắm, lâu lâu mới có một chiếc xe đen bóng
chạy qua còn toàn là những xe phải đạp mới chạy.
Tôi ở phố Sinh Từ. Ai đã viết câu đó? Tôi nhớ ra rồi, đó là nhà thơ Trần
Dần, câu đó là lời mở đầu của một bài thơ dài có tên Nhất Định Thắng. Ba năm
sau Công Sản tiếp thu miền Bắc, không biết ông ở căn nào trên phố cổ Sinh từ.
Phố chỉ dài có hơn 500m, một đầu đụng vào con đường Văn Miếu, một đầu giáp chợ
Cửa Nam và cắt ngang con đường xe điện ga Hàng Cỏ đi về phía Bắc. Vui làm sao
nếu ông lại ở đúng căn nhà gia đình chúng tôi đã bỏ đi! Bài thơ Nhất định thắng
làm cho phố nhỏ Sinh Từ nổi tiếng hơn, nhưng Trần Dần phải trả một giá quá đắt
cho những trù đập suốt đời và những đớn hèn, quỳ gối cúi đầu mà rất nhiều văn
nghệ sĩ khác đã phải làm như Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân để đổi lấy mang sống; một
kiểu sống vật vờ, sống mà như đã chết.
Vài tháng sau hồi cư, cha tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường tiểu học
Lý thường Kiệt. Mặc dù trước đây cha tôi đã là thanh tra tiểu học, nhưng những
năm tháng vào đời sau này tôi vẫn còn khâm phục giới chức điều hành bộ Giáo Dục
hồi đó: thật là rộng lượng và biết nhìn người. Cho nên kẻ có phúc mới được làm
vua, kẻ có gan mới làm được ăn cướp, làm tể tướng phải có lượng lớn, bao dung.
Nếu cứ nghi kỵ nhỏ nhen, xét lý lịch đến ba đời thì đất nước bao giờ mới khá?
Tôi được gửi vào lớp năm A, là lớp nằm kế bên sân chơi, chuông reo chưa dứt
hồi, tôi đã có mặt ngoài sân. Chỉ có điều rất phiền là cả lớp đã biết đọc biết
viết còn tôi hoàn toàn mù chữ. Thầy Dương kim Phái xếp chỗ cho tôi ngồi bàn đầu
cạnh Hoàng tích Xuân. Từ đây thằng Xuân học giỏi thông minh sẽ là trợ giáo của
tôi và cũng từ đó tôi không thấy thày để ý gì tới tôi nữa. Thằng Xuân có nghĩa
vụ phải chép tất cả những gì thầy viết trên bảng vào vở tôi, điều gì chưa thông
thì cứ hỏi nó. Dù sao Xuân cũng chỉ là một thằng nhóc, nên ngày tháng trôi mau,
tôi vẫn mù chữ như xưa. Những lúc thầy giảng bài hay Xuân chép bài thì tôi vẽ
lung tung, mà tôi lại đặc biệt có khiếu vẽ và khéo tay nên tới giờ vẽ hay làm
thủ công, nhiều bạn có được nhờ. Giờ đã quen trường quen lớp lại giỏi vẽ, tôi
giựt vở về không cho thằng Xuân chép dùm bài học nữa. Những chữ lòng thòng như
xích chó ấy vẽ đâu khó gì. Thằng Xuân trố mắt ra nhìn khâm phục rồi dựt lại
quyển vở ấy lên trình thầy. Xem xong thầy nở một nụ cười mãn nguyện, xoa đầu
khen ngợi thằng Xuân (cuối năm mà thằng nhóc tôi không biết đọc biết viết thì
cũng rất phiền với ông hiệu trưởng đây). Thầy đâu biết rằng: tôi vẽ chữ nên không
theo một quy luật nào hết, như chữ học, có thể tôi vẽ chữ c trước. Tối về nhà
mang tập vở ra khoe và nhờ các chị mỗi người đọc vài lần, tôi lẩm nhẩm đọc theo
và thuộc làu làu. Từ lâu trả bài là việc của những đứa khác trừ tôi. Một hôm
tôi giơ tay tình nguyện xin trả bài trước con mắt ngạc nhiên đến sững sờ của
thầy và bạn. Hai tay khoanh trước ngực, đọc một hơi bài thơ ba chữ mà tôi nhớ
đến bây giờ:
Thêm còn treo
Nơi ngón trỏ
Mực một lọ
Tít mù quay
Đúng năm nay
Tôi đi học
Hư là cóc
Lẩn ở nhà
Chú bé ta
Đi hay lẩn?
Thầy vui quá giờ chơi lật đật mang quyển vở của tôi lên gặp hiệu trưởng, ông
bố cũng giật mình tưởng đâu thần đồng xuất hiện, mới có hơn tháng mà cậu út đọc
thông viết đẹp. Nhưng hôm sau bố đi tìm thầy thông báo khẩn cấp: Thầy ơi, thầy
bị cháu nó lừa rồi!
Thật là một cú lừa ngoạn mục nếu người ta chỉ nhìn kết quả cuối cùng. Như
một cây cầu đẹp đẽ bằng ciment lại có cốt tre bên trong. Ờ mà đó chỉ là chuyện
nhỏ, quả lừa cực lớn là lừa nhiều triệu sinh linh để giải phóng Việt Nam!
Thầy giáo lớp tư là một cụ già khăn đống áo the. Thầy có tên rất dài: Phạm
Quang Bật tức Cống. Thầy có câu nói nổi tiếng khiến tôi còn nhớ mãi: bụng ta
không phải cái thùng đổ rác, thầy khuyên chúng tôi, những đứa rất tham ăn,
không nên ăn nhiều, ăn ít mới khoẻ mới tốt. Cho đến những năm sau khi miền Nam
lọt vào tay Cộng Sản, tôi mới thấy lời thầy thật chí lý. Thầy lại có tài giữ
lớp yên phăng phắc, lặng như tờ. Số là ngồi bàn cuối có một thằng tên Đồng: to
lớn, ngăm đen, mặt rỗ hoa và con mắt trắng dã. Đồng chẳng chơi với ai, lúc nào
cũng ngồi yên như bụt, còn lũ chúng tôi nói chuyện như ong vỡ tổ. Một hôm thầy
giới thiệu với chúng tôi Đồng sẽ là trật tự viên của lớp. Chỉ thế thôi, vâng
chỉ có thế thôi, nhiều đứa vẫn chưa hiểu nghĩa trật tự viên là cái quái gì cứ
tiếp tục nói chuyên, bị thằng Đồng chạy tới nắm cái mũi kéo dài ra rồi thẳng
tay tát mạnh một cái nẩy đom đóm mắt! Có lần tôi quên bẵng nói chuyên râm ran
với Hưng béo thằng bạn thân ngồi bên cạnh. Đồng chạy lên kéo mũi Hưng béo tát
một cái rồi về chỗ. Tôi hỏi Hưng: có đau không? Nó bảo không đau lắm, nhưng mãi
tao mới lại trông thấy mày. Tôi lại hỏi: tao mày cùng nói chuyện trong lớp sao
nó chỉ tát có mình mày? Tại mày là con ông hiệu trưởng, nó trả lời. Tôi nói:
không phải, rồi mày xem.
Từ nhà đi qua phía trái trước khi gặp Văn Miếu là ngõ Yên Sơn, các chị bảo
ông Vũ Hoàng Chương ở trong ngõ này. Sáng sáng ông hay mặc bộ vét nhạt màu ngồi
xích lô đi qua nhà… Những trưa di hành, ba lô súng đạn mệt nhoài quên cả sợ hay
những chiều tối mưa rơi đời tù binh, hai đứa khiêng tre về, đi chừng vài chục
bước lại ngã cái oạch. Đứa đi sau than thở: Chúa ơi, đỡ dùm con bó tre này,
nặng hơn cả thập giá. Còn tôi bảo: Đừng than thở nữa, “lũ chúng ta đầu thai lầm
thế kỷ”, nhưng có thế kỷ nào vui bằng thế kỷ này? Tôi thường la cà ngõ Yên Sơn,
không phải ngưỡng mộ thi sĩ Vũ Hoàng Chương; mới bảy tuổi biết khỉ gì thơ, mà
là ngưỡng mộ đàn anh Nguyễn văn Thắng. Có hôm, trong ngõ Yên Sơn Thắng đứng
chân trước chân sau, thế đinh tấn, đang chuẩn bị đánh nhau với một thằng du côn
mà tôi rất ghét. Thắng chỉ tôi: giữ cặp cho tao (dù lúc đó chưa quen), rồi vọi
giọng của những đứa du côn Ô Đồng Mác Thắng nói: Hôm nay tớ không dạy cho cậu
một bài học thì tớ làm con gái của cậu. Nói xong đánh liền, dũng mãnh hiên
ngang, lúc thằng kia ngã xuống Thắng đứng yên không đánh tiếp, rồi thằng kia
thua, lủi mất. Rất hâm mộ thần tượng mới, tôi đem cặp trả lại Thắng thế là
chúng tôi thành bạn vong niên, vì Thắng lớn hơn đến năm tuổi. Không phải tôi kể
chuyện vớ vẩn ba thằng con nít đánh nhau đâu: Du côn nhiều khi cũng cần thiết.
Đời tôi chỉ đánh nhau có ba lần: một lần huề, học lớp nhất, một lần hai mươi
tuổi thua đậm, bị đánh te tua, hư cả chiếc xe Solex, nhưng lần cuối ở trên sông
Lòng Tào thắng lớn, vinh quang đến nỗi những tủi nhục đớn hèn trong đời vì trận
đó được rửa sạch.
Sau này Hưng béo theo thầy Tâm Giác, trở nên tay võ nghệ cao cường. Nó càng
mập bự hai tay khuỳnh ra, con mắt gườm gườm, nhiều băng đảng du đãng cũng ớn
nó. Có thể trong lần trừng trị thằng Đồng, có Hưng béo giữ dùm cặp, tôi đã là
thần tượng của nó.
Phiá trước cửa trường là một con đường rộng, người ta chận hai đầu không cho
xe đi qua, là chỗ chúng tôi chào quốc kỳ. Đối diện với trường lớn qua con đường
ấy là khu trường nhỏ, có sân chơi thứ hai rất rộng với cây cao bóng mát. Lúc
này tin chiến sự dồn dập loan hàng ngày qua đài phát thanh. Hà Nội buồn bã, mưa
rơi âm u lạnh lẽo trên những cây bàng, cây sấu. Bố khiêng về môt máy thu thanh
hiệu Philip to bằng nửa cái tủ. Tôi có dịp nghe giọng ca ngọt ngào của Minh Đỗ,
sang trọng của Tâm Vấn, xa vắng của Anh Ngọc; đôi khi có bé Kim Chi thở hổn hển
hát bài Thuyền Viễn Xứ.
Tuần nào cũng có người quen ở dưới quê lên thuyết phục cha mẹ tôi ở lại,
không nên đi Nam. Người nào cũng có luận điệu giống nhau: bây giờ nước nhà độc
lập rồi, sao phải bỏ đi đến nơi xa lạ đồng đất quê người. Đôi khi cha cũng hơi
bị lung lạc vì tình quê hương nghĩa gia tộc, nhưng mẹ thì không, một lòng cương
quyết rũ áo ra đi. Một hôm mẹ mang ở đâu về một quyển sách dày cộp, bìa màu đỏ
có in hình ba người: bên phải là một ông đầu tém mặt thịt, có vẻ hiền lành, bên
trái là một lão già xương xẩu, hai tai vêu ra, hai con mắt sắc lạnh rờn rợn. Ỡ
giữa in nhỏ hơn là một ông Tây. Mẹ nói với cha: đấy ông xem kỹ đi lão có phải
là người không? hay là oan hồn dân Chàm nhập vào báo oán dân mình! Sau này tôi
mới biết đó là quyển L’histoire du Viet Nam, in hình ông Bảo Đại, ông Hồ Chí
Minh, một ông Tây có thể là Bollaert người chủ chiến. Có lẽ mẹ đã nói đúng:
không có cách nào lý giải được là tại sao dân tộc Việt lại chịu những đau
thương thống khổ nhiều đến như vậy! mà không được làm trái độn như Thái Lan,
độn giữa hai cường quốc thục dân Anh Pháp?
Trường đã đóng cửa, tôi hay ra sân sau rông lớn của khu trường nhỏ thơ thẩn
một mình. Gõ vào thân to lớn, tôi hỏi: cụ Lim ơi, mẹ bảo đấu tranh giai cấp là
gì hả cụ. Gõ vào thân xù xì tôi hỏi: ông Bàng ơi, bố bảo cái gì mà đưa năm châu
đến đại đồng? Lay lay thân nhỏ của những cây mới trồng tôi gọi: anh Sấu ơi, chị
bảo cả nhà sắp phải vào Nam, em chớ nói cho ai biết nhé. Ừ thôi anh Sấu ông
Bàng cụ Lim ở lại bình yên mạnh khoẻ nha.
Chị cả không còn đèo tôi sau xe đap quanh hồ Gươm, lên chùa Láng, vào đường
Cổ Ngư, hay có khi lại được ăn phở Hói hoặc vào quán kem Hùng. Chị lại hay dẫn
tôi vào ngõ Chùa Tầu đi thăm chị Tường Vân. Chị Vân đẹp như tranh. Khác với các
thiếu nữ đương thời phần lớn còn kẹp tóc, mái tóc chị uốn quăn buông lơi trên
vai áo mầu óng ả. Hai chị tíu tít nói chuyện chẳng để ý gì đến đứa em đang thơ
thẩn trong phòng khách ngắm nghía những đồ vật đắt tiền. Các chị nói về thầy
Bùi hữu Sủng, Bùi hữu Đột… khen ông này giỏi, ông kia tếu ông nọ điệu. Có lúc
lại cười tít lên, đấm nhau bịch bịch, còn gọi nhau là đồ Nỡm! Mãi, chi cả mới
nhắc đến tôi: Nó đi chợ trời với bố, đòi mua một cái đàn lục huyền Tây Ban Nha,
đàn gì mà bé tí teo như quả bầu nậm! đâu mày lấy đàn ra đánh cho em tao nghe
đi. Chị Tường Vân ngắm nghía tôi với cặp mắt nhung rồi vào trong mang ra một
hộp da đen lớn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thấy một guitar cổ điển đẹp
lộng lẫy.
Như người đi xa về lại cố hương, Như một linh hồn lìa thế giới đã lâu, nay
nhập vào thế kỷ mới và tìm lại được những yêu thương đã mất. Chú bé ngây người
xem chị biểu diễn; Mà hình như chị rất hứng thú với người tri kỷ bé con nên
tiếng đàn bay lượn thênh thang. Nhưng có khi hai chị đang vui vẻ lại ôm lấy nhau
khóc sướt mướt. Tôi hiểu ngay rằng hai chị sắp phải chia tay, kẻ ở người đi.
Năm sau, nhận những bưu thiếp màu trắng của chị Tường Vân, một cách khéo léo
chị cho biết nhũng đau thương đã đổ xuống gia đình chị và toàn dân Bắc; Để ngày
tôi mới lớn, lòng ngậm ngùi nghe Mưa Sai Gòn, Mưa Hà Nội mà thương: “thương mầu
áo ngà thương mắt kiêu sa “.
Tôi đến Hà Nội vào một sáng thu có gió lạnh theo sông Hồng thổi về vi vu se
sắt và rời Hà Nội vào một chiều thu mưa bay lất phất có lá vàng rụng cuốn dưới
bước chân. Cả thành phố xám ngắt vắng hoe u buồn tiễn đưa đoàn người lữ thứ.
Xe qua cầu Long Biên để tới phi trường Gia Lâm, nước sông Hồng xám xám đỏ
bầm như máu cuồn cuộn chảy; xưa cuốn xác vạn quăn Thanh, nay cuốn theo bao muộn
phiền của một ngày non nước chia phôi.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kẻ tha hương ai cũng lận đận, không vật chất thì
cũng tinh thần.Tôi thường mơ một giấc mơ thật buồn và mỏi mệt. Cứ dang đôi tay
bay mãi trên bầu trời quê hương. Chỗ này cửa sông Đồng Tranh nơi tôi lái thuyền
vượt biển, đem tính mạng mình, của người thân, của bạn bè đổi lấy tự do. Chỗ
kia là đèo Măng Giang bạn tôi mặc áo hoa dù gục ngã. Kìa con đường Võ Tánh đã
bao lần tôi đi bộ đến trường: con đường nối trường với khu Hoà Bình, qua quán
sinh viên T2, qua xóm học, Lữ Quán Thanh Niên của những ngày ngơ ngác bước chân
vào vườn hoa văn học dân tộc. Còn nữa, những cây thông mơ màng tay giăng ngang
trên đồi cù như tình anh vẫy gọi, hồ xanh xanh em mặc áo sương mù… Cứ giang tay
bay hoài trên bầu trời quê hương, mỏi rã rời mà tôi không thể nào hạ cánh xuống
được.
Bây giờ thành phố bụi mù không chỗ chen chân. Nơi căn nhà cũ của thầy Hiệu
Trưởng Hoàng Thế Mỹ ở khu Nam Thiên đã mọc lên một cái nhà nghỉ to vật vã. Cha
mẹ tôi đã lâu nằm trên đồi dưới những cội thông già xơ xác. Hình như có ai vừa
dùng thơ thổi dùm bụi phấn thông vàng bám vào những ngôi mộ ấy. Xin cám ơn thi
sĩ. Cám ơn cha, cám ơn mẹ đã ban cho những ngày Miền Nam tươi đẹp tuyệt vời…
Tha tội cho con bất hiếu.
Cao Hoàng