“…Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta.”
(Văn Cao- Thiên Thai)
Các triết gia thường nhắc nhở chúng ta, “để có được bình
an trong cuộc sống, cần hiểu rõ, đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện
tương lai, hãy sống vui với hiện tại !”
Nhưng sự thật người đời, mấy ai đã bằng lòng với hiện tại,
tương lai thì chưa cần nghĩ nhưng luôn luôn hoài niệm, nghĩ về dĩ vãng như là một
khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Phải chăng những điều gì đã qua, mất
đi chúng ta mới thấy thương tiếc?
Bởi vậy, mới có những “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Những Ngày Xưa
Thân Ái,” “Gợi Giấc Mơ Xưa,” “Hoa Bướm Ngày Xưa,” “Mối Tình Xa Xưa…”
Bởi vậy, Phạm Duy mới ước mơ “Cho tôi thời niên thiếu- Cho
tôi lại từ đầu- Cho đi lại từ đầu- Chưa đi vội về sau…” Bởi vậy mới có: “Tuổi
Thơ Ơi!” “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ!”
Chúng ta ai cũng có một thời thơ ấu, quây quần bên gia đình,
háo hức nghe một câu chuyện kể rằng: “Ngày Xửa Ngày Xưa…” (One Upon A Day….)
Nhà thơ Pháp Lamartine trong “Le Lac” như muốn níu lại thời
gian, muốn sống lại những gì đã mất: “Ô temps, suspends ton vol!” (Ôi thời
gian, xin hãy ngừng trôi!) Không những muốn thời gian ngừng trôi, mà còn muốn
trở lại quá khứ nữa, vì thực sự mối tình với nàng Elvire đã là những gì của dĩ
vãng, qua rồi.
Trong “Đi tìm thời gian đã mất” (À la recherche du temps
perdu) của nhà văn Marcel Proust, dù dĩ vãng ấy cũng đã từng đem lại đau khổ
cho tác giả, nhưng cuối cùng, Proust cũng đã phải công nhận “Những thiên đường
thật là những thiên đường đã mất.”
Trong đời sống thường, chúng ta vẫn thường nhắc nhở, nhớ lại:
lúc trước, ngày xưa, hồi nẳm… Bây giờ, so với dĩ vãng, lòng ta không vui bằng,
đời sống không hạnh phúc bằng, miếng ăn không ngon bằng, đời sống không hồn
nhiên bằng, vật giá không rẻ bằng, con người không nhân hậu bằng, đạo đức thời
nay không bằng, liêm sỉ của con người không bằng, giọng hát của ca sĩ không bằng,
lòng ta không vui bằng, và nhất là chế độ này không bằng…
Trong ký ức của mỗi người đều chứa đựng những điều tốt đẹp
nhất, đó là những kỷ niệm thời ấu thơ mà những hương vị của ngày cũ đã ghi dấu
đậm nét không hề phai nhạt.
Những điều chúng ta đã trải qua trong quá khứ, ngày nay chúng
ta hồi tưởng lại, có phải là những cảm giác thật sự không hay chỉ là những ảo
giác. Sao ngày xưa chúng ta ăn một tô bún bò của một cái gánh bún nhỏ, từ An Cựu
lên sao ngon đến thế? Sao tô phở nước trong veo, đơn giản với mấy sợi bánh, lát
chả nhỏ, chút tiêu hành, của gánh phở ông già đầu xóm, sao mà ngon đến thế? Miếng
thịt quay Chợ Cũ, ổ bánh mì nóng ngày ấy, bây giờ làm sao tìm thấy lại. Những
buổi tiệc “sơn hào hải vị” này nay trên những bàn tiệc xa hoa ở xứ người, làm
sao bằng bát canh rau và những con cá kho ngày ấy của mẹ?
Mọi người đều nói, làm sao tìm được hương vị của một món ăn,
thuở nhỏ, của ngày xửa ngày xưa, đã thật xa rồi.
Khẩu vị của chúng ta đã bị “điều kiện cách” nên không làm
sao tìm lại được miếng ngon nếu miếng ăn không ở trong một hoàn cảnh nào đó! Có
người lại cho rằng, trong hoàn cảnh một đời sống thiếu thốn, nên ngày xưa món
ăn nào cũng ngon!
Sự thật một tô phở thiếu thốn, đơn giản ngày xưa, không đủ
xương hầm, thiếu thịt, thiếu gia vị, so với thời đại no đủ ngày hôm nay, có thể
là một tô phở ngon hay không? Một giọng hát thiên phú, không có nhiều nhạc khí
hỗ trợ, thiếu hòa âm, không tập luyện, thiếu bài bản có thể là một giọng hát
hay, hay không?
Nếu có người hỏi chúng ta, thời gian nào là thời gian đẹp đẽ
nhất của cuộc đời, hẳn câu trả lời là “thời niên thiếu” hay “tuổi ấu thơ!” Ai
cũng có một giai đoạn không quên về bạn bè thuở nhỏ, thầy cũ, mái trường xưa và
những kỷ niệm vui buồn một thời hoa niên.
Trong dòng đời, tuổi trẻ phấn chấn, hăm hở lao mình về phía
trước, với những mơ ước về tương lai, nhưng với tuổi già, khi bước đi bắt đầu
chậm lại, chúng ta thường có lúc dừng chân, đứng lại, quay đầu nhìn lui về dĩ
vãng, sống bằng hồi tưởng, và những gì thuộc về quá khứ đều quý cả: bạn cũ, rượu
lâu năm, gỗ già, đồ cổ…
Nhà văn Rudyard Kipling từng viết: “Đừng bao giờ ngoái lại
phía sau, nếu không bạn sẽ ngã xuống cầu thang,” nhưng sao đến tuổi già,
chúng ta vẫn thường quay đầu nhìn lại quá khứ quá vậy? Cứ nhìn một đám đông người
già gặp gỡ nhau, hay trong một quán cà phê, nơi tụ tập quý vị cao niên, câu
chuyện nào lại không bắt đầu bằng hai tiếng: ngày xưa- hồi trước- lúc đó- chuyện
như thế này- tôi kể cho anh nghe… Đó có thể là một chiến công thời trận mạc, một
mối tình thời xa xưa, một chuyện đào hoa thời trai trẻ, hay là chuyện một quãng
đời hạnh phúc…
Phải chăng kỷ niệm đẹp không phải vì nó vui hay buồn, mà vì
nó không bao giờ trở lại.
Tiếc nuối dĩ vãng, đem những ngày quá khứ so với hiện tại để
thấy sự hơn thua. Dưới thời Tần Thủy Hoàng bạo ngược, người ta nhớ lại và tiếc
nuối thời thạnh trị an bình của Nghiêu Thuấn. Xã hội cần đi tới, cần tiến bộ,
nhưng đừng để cho những người dân thấy cách cư xử với dân, sưu cao thuế nặng,
còn hơn thời Pháp thuộc, và cái chế độ mà chúng đã giải phóng, giẫm nát còn đẹp
đẽ hơn ngàn lần, hơn những con người và chế độ đi “giải phóng!”
Thời nay, trong chế độ này, y tế xuống cấp, giáo dục băng hoại,
người dân nghĩ đến những chuyện tốt đẹp của… ngày xưa, chuyện của thời trước.
Trong lao tù, người ta luyến tiếc những ngày tự do, trong nghèo đói làm ta nghĩ
đến những ngày no đủ, khổ đau làm cho chúng ta tiếc nuối những ngày hạnh phúc.
Xót xa vì cảnh ly hương, lòng ta luôn luôn hồi tưởng lại nhũng ngày ở quê nhà.
Người đời khuyên: “Cho dù vui cũng được, khổ cũng được, đã
trôi qua rồi thì đừng nên nhắc lại, khi bạn trốn tránh hiện tại bằng cách sống
với hồi ức, thì cũng là lúc hạnh phúc trôi đi mất…”
Nhưng phần lớn con người, không ai bằng lòng với cuộc sống
hiện tại, trần trụi, thô ráp vất vả… và lúc đau khổ, người ta muốn đắm mình
trong hồi tưởng.
Ngày xưa! Ngày xưa ấy! Đó là thơ, nhạc hay là những lời réo
gọi của một thời gian đẹp đẽ đã qua rồi!
Huy Phương