22 August 2019

NHÂN NGÃI - Hồ Đình Nghiêm



1.
– Nếu mày có vợ, người ta câm lặng. Nếu mày ở chung với một người con gái, người ta xí xọn rêu rao: Thằng ấy có mèo.

Quân nâng ly cà phê đen đá lên, tợp một hớp. Xong nói tiếp: Khi đã có vợ mà còn vụng chùng, còn đèo bồng thêm một nhan sắc, đối tượng kia được mang hỗn danh bồ nhí.
Sĩ thắp một điếu thuốc, thở khói:


– Mày chúa lý sự lôi thôi, luôn áp đặt những từ không chính xác. Mèo với bồ nhí là cái thá gì? Cơm với phở cũng thuộc dạng hồ đồ. Bà kia là vợ chính thức, bà nọ là người tình, đơn giản là thế, minh bạch là thế. Mày có mèo rồi à? Hay mày đang thậm thụt cùng bồ nhí?
Quân đổi thế ngồi:

– Cà phê chỗ này uống được quá đi chớ.
Sĩ nhìn ra bóng nắng đang nới rộng dần, bắt đầu ăn vào dãy xe gắn máy dựng sát trên hè phố:
– Vì tiện đường thôi chứ thực chất tao chẳng mấy thích quán này. Làm cái méo gì mà trương bảng hiệu “Thơm Như Tình Nhân Cũ”?
– Chê bai là quyền của mày, nghĩ ra tên gọi khác lạ là quyền của họ. Thực chất thì đổi mới cũng cần thiết.
– Nhằm đổi mới hoàn cảnh sống, kiếm một con mèo có cần thiết không?
– Tao chẳng rõ. Cũng tuỳ. Mèo tao nói đằng ấy to gan thật, thế nào cũng có lúc phải ra chuồng heo mà nằm… Sao mày cười?
– Tại tao nhớ lại một chuyện tiếu lâm, có anh chàng nọ khai bệnh với bác sĩ: Đêm qua tôi ho như gà, nằm co quắp như tôm, run như thằn lằn đứt đuôi, lệ tuôn như nước mắt cá sấu… Vị bác sĩ xua tay: Anh sang phòng bên kia, nơi ấy mới có bác sĩ thú y.
– Ờ, thì con người đôi khi phải nương nhờ vô thú vật vậy. Hàng xóm tao có con bé luôn kêu tao là đồ dê chúa. Có sao đâu? Dễ thương hơn đồ rắn mắt với lại đồ chằn ăn trăn quấn.
Sĩ hỏi:
– Có gọi thằng Long không? Sao chưa thấy rồng đất tới?
Quân cười:
– Thì phải chờ nó dàn xếp ổn thoả chuyện vợ con đã chứ. Đâu phải thong dong muốn đi là đi ngay.
– Nghĩa là sao? Nó tử tế? Nó đạo đức? Nó gương mẫu? Nó không thích dây vào chuyện mèo mả gà đồng?
– Nghĩa là được chúng bạn phong cho danh hiệu hội viên hội sợ vợ. Chưa nghe nó phân bua à? Tuy mang tên Long nhưng tao tuổi Tý lấy nhằm bà vợ tuổi Mẹo. Cái số nó vậy, cọp hay mèo thì chuột phải ngán, lẽ thường tình. Ông bà vẫn nói một sự nhịn chín sự lành. Long này tuyệt không biết sợ vợ. Chiến hữu gật gù, nói cũng đúng, vậy từ nay mày đổi qua làm hội trưởng hội thích hoà bình. Long gật đầu: Phải đa, súng ống ích gì cho buổi ấy?
Dưng không, Sĩ lớn tiếng:
– Linh như cái miễu, vừa nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo lộ hình!
Long đi vào:
– Trên đường đi tao nhảy mũi liên hồi kỳ trận. Chúng mày nói xấu gì ông đấy?
– Thưa ông, chúng cháu chỉ thắc mắc, chẳng rõ ông có biết thơm như người tình cũ là gì không ạ?
– Vợ tao từng đặt đít ở đây rồi, nàng khen quán này được a, chẳng thấy bóng dáng mấy em phục vụ viên ăn vận ít vải bẹo hình bẹo dạng ở đâu cả. Nom lành mạnh ra phết.
– Vậy là ngon cơm rồi. Trời phán không bằng vợ phán. Lính tráng cũng có hai mươi bốn giờ phép vậy. Nhưng cớ sao đến trễ thế, cha nội?
– Bị tao mang bộ đồ vía đi giặt khô. Coi tóc tai thằng Quân kìa, không tính hớt tém cao ráo sạch sẽ gọn gàng sao?
– Con ghệ tao bảo trông tướng tá anh rất mực nghệ sĩ, anh mà xuống tóc thì cái mặt ngó cộc cằn dữ tợn như dân anh chị vậy đó. Ẻm nhận xét thì mình phải nghe thôi. Cái đáng quan tâm là tao chưa tậu được một bộ đồ ăn nói nào cả.
– Đi ra chợ hàng bành, đồ xi-đa mà bới tìm, giá đã bèo lại còn thơm ngát cả mùi Mỹ. Đi ăn đám cưới mà trần thân nghĩ cũng kỳ, lâu lâu mới có một lần chứ nào như mỗi tháng trăng lại rằm. Thằng Huỳnh tâm sự bằng mọi giá chúng mày phải đến chung vui, biểu dương lực lượng chớ phía đàng gái quân số đông cấp đại đội. Mẹ, phút đầu mà thấy cán cân chênh lệch thì còn thế giá gì cánh mày râu nữa!
– Lỗi ở thằng Huỳnh cả. Hay là do trời sắp đặt? Khi không lại làm tài khôn đi chọn vợ chợ đông. Rước một nàng ở tiệm hớt tóc không dao kéo về dinh. Đứa nào thích xơi phở thì lo quan hệ thắm thiết với vợ thằng Huỳnh là vừa.
– Đừng vẽ đường cho hươu chạy chớ. Thân này lẽ nào ví xẻ làm tư!
Đang chuyện trò rôm rả thì có tiếng chuông điện thoại đổ dồn trong túi quần của ai đó. Nhìn qua ngó lại thăm dò, sau cùng Sĩ moi cái iPhone ra: A lô… Hắn đứng lên, áp sát tai vào cái vật khởi sự lôi thôi rồi đi tìm chỗ vắng tiếng động.
Long nhìn theo:
– Tao chúa ghét điện thoại thông minh, mình trốn trong góc kẹt ở hóc bò tó nó cũng định vị được. Nôm na là chạy trời không khỏi nắng. Rồi mưa giông, rồi sấm sét; báo đăng tin có anh chạy xe ôm đứng núp bên mái đình móc di động báo cáo cùng vợ hiền liền bị thiên lôi vác búa đánh xuống một tia chớp gọi là bắt sóng, người nám đen như khúc củi ẩm còn hun khói. Vợ vào bệnh viện thăm hỏi nghe chồng thều thào, tại em đó, cứ bắt đi thưa về trình cho cố xá. Câm lặng đã là vàng, bẩm thưa đành chịu đen đúa thôi!
Sĩ trở lại, đón nhận mấy con mắt săm soi ngầm tra vấn. Sĩ nhún vai: Đám cưới thằng Huỳnh xong, e tao cũng nên dẫm vào vết xe đổ của hắn. Đã mang lịch ra tính ngày, đã mang bao cao su cẩn tắc vô áy náy vậy mà cũng tắt kinh. Tao về nha. Bực cả mình.
Quân nói, cứ y như quân sư: Trước mắt chỉ có ba phương án, một là chở em đi phá, đi trục của nợ ra. Hai là ăn cơm trước kẻng, vợ chồng e thẹn ra mắt bà con cô bác. Ba là tam thập lục kế tẩu vi thượng sách.
Long đưa lời bình: Trong ba điều, mục thứ hai là nghe ổn nhất, hợp công đạo nhất. Tao vui vẻ đóng vai phụ rể. Đã là bạn bè của nhau, nỡ lòng nào bày chuyện tào lao làm thắt họng hiền hữu.

2.
Cha ăn mặn con khát nước. Người ta nói sao thì mình nghe vậy, chẳng phản bác. Tôi không dám phạm tội bất hiếu, chỉ trích, lậm bàn. Ba tôi có một bà lớn, một bà bé và một cô non tuổi lúc nào cũng nũng nịu chú với cháu. Tôi rất nể phục, tim ông đã lớn mà xem chừng đầu óc ông cũng cực kỳ lanh lợi chuyện dương Đông kích Tây, đâu ra đó chẳng gây ra thảm cảnh nhà tan cửa nát. Nay ông an giấc điệp ở giường này, mốt ông ngơi mộng thắm trên giường khác. Một kẻ cô đơn hẳn sẽ không ngủ thẳng cẳng một giấc an lành suốt năm canh như ông.

Ba tôi có lắm con, chuyện dễ hiểu, mặc dù ông chẳng đoái hoài gì tới phương thuốc “Lục giao sinh ngũ tử” của vua Minh Mạng. Một hoàng hậu thì nói làm gì, đằng này có thêm thứ phi rồi lai rai cung tần mỹ nữ vào ra những hôm trái gió trở trời. Cảnh buồn người có buồn đâu bao giờ. Xem ra ba tôi vui suốt hai mùa mưa nắng. Tôi là con bà hai, trên tôi có ba anh chị của con bà một. Má ruột tôi chép miệng: Mấy ông có thói trăng hoa thích đèo bồng những lê với lựu thì họ cũng có sẵn vạn lý do để cả vú lấp miệng em. Ba mày đã có được thằng con trai làm vốn, vậy mà còn hối tao đẻ thêm ra mày, ổng lập luận “để dành đặng phòng hờ, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, hai ba bốn hợp quần thì phải hơn mình ên đơn độc”.
Thằng con trai làm vốn kia lớn hơn tôi năm tuổi, là trai trưởng nên toàn gia một mực nể nang kính mến. Một dọc em út đều là gái nên ảnh không mặn với “ngũ long công chúa” kia, coi bộ thằng chả gần gũi với tôi hơn. Đàn ông con trai với nhau, có ẩn ức gì cũng dễ thổ lộ cho nhau nghe.
– Mày tính đi tu hả? Sao cứ nghe êm ru bà rù miết.
– Êm chuyện gì?
– Chuyện gái gú chớ còn chuyện gì nữa? Có con nào chưa?
– Chưa.
– Còn trinh hả?
– Còn.
– Nghe thảm. Thua cả mấy người đi tu. Sư cũng có khi phá giới.
– Muốn phá giới thì phải làm sao?
– Hổ phụ sanh hổ tử. Ông già nghe được ổng thêm rầu mày. Tướng mạo mày đâu đến nỗi nào. Mấy đứa em, như con Mận con Đào nhà mình cũng rậm rật đi đốn cây si trước cổng đến mỏi cả tay. Không ấy mày thử xuống nước nhờ hai chị em nó mai mối cho một con bò lạc.
Tuần sau, Mận cho tôi tấm ảnh: Nhỏ này tên Ninh Kiều. Chịu đèn không? Kiều này chẳng ân oán gì với Thuý Kiều đâu nhen. Anh hai biểu em ra tay tế độ chớ thực bụng con Mận này chẳng dại làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu.
Anh hai đi vô, bộ dạng rất quyền huynh thế phụ:
– Bằng mọi cách mày phải chứng minh cho tao thấy, rằng mày là em tao, mày không định đi tu, mày vui thú đâm đầu vào đường tình muôn vạn nẻo.
Mận góp lời:
– Quan trọng là đừng để bị nghi ngờ mình đích thị dân bóng, mình pê-đê chính hiệu con nai vàng.
Và như vậy, phải có mợ chợ mới đông. Hết mợ tới dượng thôi bàn ra tán vào, thôi dị nghị. “Hắn đã chịu xuống núi”. Họ thở phào. Hắn kè được con bò lạc. Tôi ê a, ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ… Bồ tôi mang tên Ninh Kiều, mỹ miều thế chứ chẳng sinh quán ở Cần Thơ đâu nghen. Tơ lơ mơ cầm tay nghe em nói, ờ có khi màu nắng không chói bằng sắc áo em mang. Em ghét tên Kiều bị hồng nhan bạc phận vận vào người từng qua một lần dang dở, xin anh thật lòng đừng gây thêm trắc trở buồn đau. Thì mình đang có nhau chung tay lựa nhặt vàng thau. Kiều nhắm mắt chìa môi cho tôi hôn mau, ngực nàng thở gấp đôi vú cau. Có hơi trai nựng nịu rồi hôm nào nó sẽ lớn bộn, tôi nghe đồn bưởi Biên Hoà ngọt nước sờ mềm mềm bóp êm êm, nào còn biết gì thêm.
Lâu lâu anh hai liếc mắt vô giường làm bài sát hạch: – Đến đâu rồi? Vẫn còn ăn chay à? Chưa ngã mặn sao mầy? – Hết Mận thì tui đổi sang hỏi con Đào, em cho hay rằng dục tốc bất đạt, con gái mà dễ chuyện đó thì thiệt thòi mình chịu chớ trách móc ai, phàm đã chơi dao thì ai cũng biết tránh cầm đằng lưỡi. – Vậy thì mày đã bú mồm nhỏ Kiều chưa? – Đã. – Ờ, có vậy chứ. Hôm nào đẹp trời mày dắt Kiều qua cầu để nhỏ về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. Ngoài áo quần, thân thể con gái cũng có lắm thứ để bay biến trốn biệt. Khi mất đi nó sẽ đâm quyến luyến mày, bu như sam. Nhỏ Kiều qua tuổi vị thành niên chưa, sao ngực em bé thua cả ngực tao vậy? Bụng tao có sáu múi đây nè, bụng nó thì sao? – Thì thấy có lỗ rốn và hai nốt ruồi.- Chỉ nhiêu thôi hả? Mày bắt chước con chuồn chuồn thử cắn rốn nó xem nó có biết bơi không?- Thử mà hổng đặng, em kêu đời là bể khổ anh đừng quẳng em xuống, em chìm mất tiêu.
Để bổ túc làm rõ vì sao tôi lâm vào cảnh khát nước, nói cách khác tôi đành thuật lại ở đây một chuyện tình không đoạn kết. Hôm đó mặt Kiều xanh lè, em kêu nhác chơi ăn gì vào liền nôn ra chẳng khoan nhượng. Tưởng ngộ độc thực phẩm tôi hối em vô bệnh viện súc ruột. Kết quả giám định, chắc như đinh đóng cột, em đã cấn thai, bầu bì gần ba tháng. Sao nỡ lòng nào đối đãi với nhau như thế? Anh hai biết chuyện, lầu bầu:- Tao tin mày và tao biết trên đầu mày vừa mọc sừng. Xong cái ảnh hát: Đừng buồn nghe em, cố nén đau thương ngóng chờ… Thua keo này bày keo khác. Bò đi lạc thì tìm heo nái, tìm gà mái, tìm nai ngơ ngác. Thiếu chi. Hà rầm.
Mận trách: -Anh cù lần quá, nó ngủ với đứa khác mà anh hổng hay biết sao cà! Đào đi chợ về, thu nhập tin tức nóng sốt: – Kiều lặng lẽ phá thai, nó xù luôn em, nó kín tiếng đi thuê phòng trọ ở đâu đó, Kiều qua cầu rút ván.
Ba ăn mặn con khát nước. Tôi không tin điều đó. Tôi cũng chẳng trách cứ oán hận gì Kiều, lỗi tại tôi mọi đàng. Tiên trách kỷ hậu trách nhân.Tôi chỉ lao đao hụt hẫng một thời gian ngắn, tháng ngày đó nhằm khuây khoả tôi viết được truyện này. Ba tôi giao tiếp rộng, nhà bà nội tôi dưới quê từng là nơi chứa chấp mấy ông du kích đặc công nằm vùng. Có ông giờ này làm lớn ở bộ Thông tin văn hoá, coi ngó một tạp chí văn chương đình đám trong tỉnh, tôi gửi truyện tới ông những mong chúng bạn khỏi khinh khi dè bỉu khi đọc thấy tên tôi in trang trọng lên mặt báo. Người chịu trách nhiệm tạp chí văn nghệ gọi tôi, thẳng thắng từ chối, dập tắt bao mưu toan tôi ấp ủ: Cậu bày ra một đội ngũ trai tráng chỉ biết đàn đúm ăn chơi bàn toàn chuyện trai gái, chây lười lao động, lánh xa thành ngữ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Chí ít, văn chương phải tải đi một thông điệp cao cả nào đấy. Hỏng! Nhà văn phải được đào tạo từ trường ốc hẳn hòi chứ nào thuộc hạng thiếu đẳng cấp như cậu, chúng phải đại diện cho đám đông để ngợi ca những gì tốt đẹp mà nhà nước ta bỏ công xây đắp. Lý lịch gia đình từng có công với cách mạng chứ không thì lôi thôi to.

3.
Vẫn hẹn nhau ở quán cà phê “Thơm Như Tình Nhân Cũ”. Vẫn chơi theo kiểu Mỹ là tự lực cánh sinh, tiền ai nấy trả tránh mang nợ nần nhau. Một ly cà phê thôi mà, làm gì chẳng có mang theo 45 K trong túi quần? Chừng nào ngồi vòng tay tịnh khẩu như bình thì bạn bè sẽ quan hoài tới, hỏi han, chiêu đãi. Và có khi khác biệt, như hôm nay bạn bè dành mua cho Mẫn thức uống, lý do giản dị: Không ngờ thằng Mẫn lụt lịt mà địt ra khói, kết giao đã lâu, ai có ngờ đâu hắn mà bày đặt làm nhà văn tỉnh lẻ ngoại ô đèn mờ. Bài hắn sẽ đăng lên trang trọng một mai, nếu hắn hư cấu chuyện tình một o bộ đội hy sinh hạnh phúc lứa đôi để ra án tuyến đầu cầm tiểu liên AK-47 ngăn chận giặc bành trướng xâm lược.

Sĩ thắc mắc: Bây giờ em Kiều em ở phương nao?
Quân nói: Tao biết có dạo Kiều làm việc trong quán Cô Chủ Mồ Côi.
Long vỗ vai Mẫn: – Tao không tin là mày chả bỏ công sức ra để đi điều tra. Vết thương đó khó lành miệng quá mà! Không nhớ em chết cha thì cũng phải chết mẹ!
Mẫn cười: – Rõ là biết đi guốc trong bụng nhau. Kiều làm bà chủ tiệm hớt tóc thư giãn không dao kéo, chẳng tông-đơ. Kiều phất lên như diều gặp gió, sung túc, giàu có, đồng vào đồng ra. Nàng ta sắp thành hôn và con chuột đực vừa sa hũ nếp kia chính là thằng Huỳnh.
– Cái gì? Vợ thằng Huỳnh là Kiều vú nhỏ sao ta? Mới hay ra thế giới này vốn không lớn.
– Hai bữa nữa thôi. Huỳnh nó cần phe ta đến đông đủ phô trương thanh thế, vậy mày có tính đi dự không Mẫn?
– Đi chứ. Tao muốn nhìn sâu vào mặt cô dâu. Tao sẽ cảm ơn Kiều, cảm ơn em quẳng anh xuống bể trầm luân. Anh bơi và anh thấu hiểu, những đứa nuôi mộng nhà văn thường là kẻ bị sặc nước, bị hà bá xơi, bị rong cuốn, bị vọp bẻ trước thiên hạ. Tao sẽ mượn bờ vai đứa em gái tao để sánh đôi cho có cặp. Sẽ mua một cọc vé số nhét phong bì làm quà cưới. Có trúng lô độc đắc thì đừng quên anh nha.
Có tiếng chuông điện thoại kêu nhát gừng. Quân moi ra, cau mặt mó tay vào vật thông minh biểu nó thôi réo gọi. Mặt hắn đổi sắc: – Con mèo tao chạy xe tay ga đang đợi ở ngã tư đèn đỏ, không dưng có chiếc ô tô điên vượt lên cán em, lôi ẻm đi cả chục thước, giờ sứt mẻ toàn tập, thở ốc-xy ở bệnh viện, toe tua một đời hoa thầm kín.
Sĩ khuấy ly cà phê đá đến sủi bọt: – Vậy là có một người vui một người buồn. Bà xã mày khỏi mất công đánh ghen. Không phải đùa chứ chuyện đời của băng đảng mấy đứa mình mà mang từng chương hồi ra kể hết cho thằng Mẫn thì có ngày sách hắn in ra sẽ bán chạy như tôm tươi.

Mẫn cười hê hê. Kể đi, tao tôn trọng chúng mày, giữ nguyên tình tiết. Chẳng
thêm mắm dặm muối, tuyệt không thèm hư cấu cho nhọc sức. Tiểu thuyết hiện thực đời thường.

Có thằng nào đó vừa thở dài: Vậy thì in chui à? Tính in lậu không có giấy phép sao? Toàn bộ các trang giấy chả có chữ nào thèm mang ơn cách mạng, chả ca ngợi cái lu đậm đà bản sắc dân tộc lấy một tiếng. Từ đầu chí cuối chỉ bàn tới chuyện cái lon. Lon to lon nhỏ, lon chưa khui và lon đã qua sử dụng. Quá nguy hiểm nếu thêm dấu vào chữ lon. Mẫn, mày nghĩ ra bút hiệu nào chưa đặng kéo dài thêm tuổi thọ. Không ấy thì xài tên Cu Đỏ, thử thời vận một phen!

Hồ Đình Nghiêm
31.07.2019