13 August 2019

ĐỌC THƠ LƯU NGUYỄN - Phan Tấn Hải


Nhà thơ Lưu Nguyễn

Nhà thơ Lưu Nguyễn là bạn học với tôi từ thời xa xưa, thời trước 1975, khi cùng học Ban Triết ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và cùng hoạt động trong Nhóm Nghiên Cứu Triết Học, cùng làm báo thời sinh viên. Đó là một thời rất mực thơ mộng, thời của giấy mực, đúng nghĩa là giấy mực, vì thời đó chưa có máy vi tính, cũng chẳng hề có điện thoại… nghĩa là, thời của “viết” thực sự, không hề có động từ “gõ” trong sáng tạo, dù là làm thơ hay viết văn.


Lúc đó tôi nhớ hình như anh bạn này chưa hề dùng bút hiệu Lưu Nguyễn. Và cũng lúc đó, tôi có một thành kiến rất lạ là, hễ sinh viên nào từ xứ Quảng vào Sài Gòn học đều phải là nhà thơ, bởi vì đó là những gì tôi thấy trong tiếp cận ở sân trường. Sau này lưu vong ra xứ người, tôi mới nhạt dần thành kiến đó (không phải ai cũng có cái hào quang xứ Quảng như thế, hơi tiếc).
Thế rồi, bạn Nguyễn Thế Nghiệp, với bút hiệu Lưu Nguyễn, đã nổi tiếng trong cương vị một nhà thơ vùng Bắc Mỹ — nếu tính từ thời vượt biên và rồi định cư ở Canada từ năm 1980 tới giờ, anh đã ấn hành ba tập thơ: Tri Âm (NXB Sông Thu ấn hành, 1990), Ngày Qua Rất Vội (NXB Nắng Mới, 1993) và Trái Tim Người Biết Yêu (NXB Nắng Mới, 2009). Tôi không biết chính xác anh còn tác phẩm nào khác hay không. Hiện thời tôi chỉ còn lưu giữ ba tập thơ trên của anh.

Thơ Lưu Nguyễn hiền lành, dễ thương, chữ đọc lên dịu dàng như ca dao. Ngay cả khi kể những chuyện lẽ ra có thể gay cấn (thí dụ, khi viết về người đẹp ra tắm ở bãi Tiên Sa), anh cũng viết rất mực hiền khô. Thế đấy, đó là văn thơ của thời thế kỷ xa xưa rồi, khi thấy nàng ra tắm ở bãi (có phải nàng cởi hết như công chúa Tiên Dung?), chàng liền quay mặt chỗ khác để ngó núi (sao không như chàng Chử Đồng Tử đưa mắt ra ngó thẳng công chúa?). Do vậy, thơ Lưu Nguyễn trong bài “Đầu Nguồn” là bốn câu như sau:

như cơn mưa đổ đầu nguồn
chợt nghe mát rượi từ hồn mát ra
em về tắm bãi Tiên Sa
ta về ngắm ngọn Sơn Trà nhớ ai?
(Tri Âm, trang 20)

Thế rồi sau nhiều năm ở hải ngoại, quay cuồng với dòng đời xuôi ngược, tới lúc tự thấy như dường vô nghĩa, và nhà thơ như điên như cuồng, bực dọc, tự trách. Bài thơ “Si Sân” của Lưu Nguyễn ghi lại cảm xúc này:

sao ta bỗng chốc điên cuồng
bỗng say ngây ngất, bỗng buồn rứt ray
xứ người tay vẫn trắng tay
ngày qua ngày lại kéo cày nuôi thân
nuôi cho mập cái si sân
một đời như thể phù vân mây trời.
(Tri Âm, trang 84)

Bực dọc như thế, tự trong thâm sâu là mối tình với quê nhà và các bằng hữu đang mong đợi. Tập thơ Tri Âm ấn hành năm 1990, vào thời điểm cảm xúc với quê nhà còn sôi nổi. Bài thơ nhan đề “Bài tạ lỗi” của Lưu Nguyễn như muốn giãi bày với bằng hữu về hào khí năm xưa đang mờ dần, trích:

xin hiểu cho ta bạn bè thương mến
muốn rất nhiều nhưng sức chẳng bao nhiêu
có nắng sớm mai, có gió ban chiều
có kẻ ở, có người đi, có dùng dằng nửa đi nửa ở


xin đừng trách ta bạn bè thương mến
hào khí năm xưa bay mất tự bao giờ
tiếng sáo Cao Tiệm Ly vẫn chờ đưa tiễn
mà Kinh Kha mãi uống rượu ngâm thơ.
(Tri Âm, trang 74-75)

Thân phận xô dạt về Canada rồi cũng có lúc thẩn thờ, như dường cứ xoay vần mãi với cuộc đời. Nhà thơ lúc nào cũng lơ đãng, tự thấy như đang bước xa khỏi thực tại trước mắt và bên tai. Thế giới như là cõi lạ. Trong bài thơ “Dấu hỏi buồn,” nhà thơ Lưu Nguyễn ghi nhận, trích:

bởi là ta nên cuối đời lẩn thẩn
trong mênh mông cứ đuổi bắt mệt nhoài
tìm trở lại chính mình, mình ngơ ngẫn
đêm buông rồi, bóng tối phủ hai vai


mắt vẫn mở sao không nhìn thấy bến
tay vẫn sờ mà có cũng như không
thực tại đó biết bao giờ mới đến
bởi vô cùng nên ngôn ngữ mông lung.
(Tri Âm, trang 103)

Khi chí lớn như dường mệt mỏi với thực tại, nhà thơ Lưu Nguyễn có lúc nhìn thấy như mình đang cầm thanh kiếm gỗ. Trong bài thơ nhan đề “Này thanh kiếm gỗ” nhà thơ Lưu Nguyễn kể rằng chàng luyện kiếm cả sáng, trưa, chiều, tối… nhưng là thanh kiếm gỗ chẳng thể nào cứu được đất nước. Bài thơ này gói trọn một đời ước mơ của chàng, toàn văn như sau:
NÀY THANH GƯƠM GỖ

sớm mai cưỡi ngựa vào rừng
vung thanh kiếm gỗ tưng bừng lá rơi
chém nhằm một cụm mồng tơi
trái vừa chín mọng tưởng rơi máu đào


chiều chiều luyện kiếm bên hồ
chém phăng mặt nước xôn xao vỡ trời
nào ngờ một đám bèo trôi
ngang qua vướng phải hỡi ơi kiếm sầu


khuya về cưỡi ngựa qua cầu
vung tràn kiếm gãy chém nhầu bóng trăng
lung linh đáy nước chị hằng
bên cành rong nhỏ kiếm văng mất rồi


buồn tình phi ngựa lên đồi
lấy tay làm kiếm rạch đôi sơn hà
tưởng chừng thiên hạ mình ta
vườn hoang mặc sức vào ra múa cuồng


giật mình tóc trắng như bông.
(Ngày Qua Rất Vội, trang 12-13)

Chuyện lớn như đất nước đã rất là xa vời, chuyện bạn hữu thời thơ ấu muốn gặp lại cũng gian nan vì cách trở. Trong bài thơ nhan đề “Hội ngộ đêm nay” đề tặng Phan Tấn Hải, người bạn thời đi học, nhà thơ Lưu Nguyễn viết về nỗi nhớ bạn, trích:

những lúc lang thang khắp thành phố lạ
dõi mắt kiếm tìm một dáng người quen
từng bóng thoáng qua như đời nghiệt ngã
còn lại trong ta khoảng trống mông mênh


có những ước mơ trở thành xa lạ
gặp gỡ ình cờ bè bạn năm xưa
phiêu bạt nơi đâu lũ mày khốn nạn
ta ở phương này rất đỗi xót xa
(Ngày Qua Rất Vội, trang 47)

Nhưng ẩn sâu trong tim nhà thơ vẫn là những Hội An, Đà Nẵng… những hình ảnh chàng mang theo đi xa thật xa và không thể mờ nhạt. Một bài thơ rất dài, nhan đề “Hội An, những mùa xuân tuổi nhỏ,” ghi lời nhà thơ Lưu Nguyễn xót thương, khi ra đứng ngó đêm và đếm sao trời, trích:

bạn bè xưa giờ đâu vắng cả
thằng đi cải tạo, thằng bôn đào
ta ngơ ngác giữa phố phường tàn tạ
đêm mịt mờ ta đứng đếm trời sao


thôi tạm biệt Hội An
những mùa xuân tuổi nhỏ
thôi tạm biệt Hội An
thành phố buồn bỏ ngỏ
ta cúi đầu lặng bước nỗi mênh mang.
(Tri Âm, trang 44)

Hình ảnh quê nhà cũng là ký ức về người xưa. Thơ tình của Lưu Nguyễn chở theo những hình ảnh nhẹ nhàng nhưng rất mực thiết tha, dùng chữ đơn sơ nhưng vô cùng lãng mạn, ghi lại ký ức lung linh nhưng cũng là lời trách móc đất trời sao để tìm nhau cứ mãi khó như mò kim đấy bể. Bài thơ nhan đề “Chiều nội thành” của Lưu Nguyễn có những câu như, trích:

Cứ mỗi hạ ta lại về với Huế
hy vọng mong manh một buổi tình cờ
em xuất hiện như chuyện tình em đã kể
những chuyện tình quanh chiếc nón bài thơ


Mùa hạ đến, mùa hạ đi, cứ thế
phượng nở, phượng tàn, em vẫn biệt tăm
dẫu đã biết là mò kim đáy bể
mà có sao chẳng thể cam tâm.
(Trái Tim Người Biết Yêu, trang 21)

Nhà thơ Lưu Nguyễn có tên khai sanh là Nguyễn Thế Nghiệp, sinh ngày 5.8.1947 tại Quế Sơn, Quảng Nam. Từng học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Cùng Vũ Ngọc Hiến và một số bạn hữu điều hành tạp chí Nắng Mới tại Canada nhiều năm (đã đình bản). Cư ngụ tại Canada từ cuối năm 1980. Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Quebec (1991-1993).
Nhà văn Võ Kỳ Điền trong bài viết “Vài Nét Lạ Trong Thơ Lưu Nguyễn” đã nhìn thấy “thơ Lưu Nguyễn phảng phất cái không khí ngày xưa. Cái thời của kẻ sĩ, của nhà nho…. Cái không khí đời Đường, đời Tống bàng bạc! Thế nào là mối tình cao quí? Tình vua tôi, tình cha con, tình vợ chồng, tình bè bạn… Giữa hai người khi thương mến nhau, diễn tả tình thương bằng ngôn ngữ với thái độ ồn ào, hay ngồi im bên nhau để nghe tiếng lòng của nhau? Người quân tử xưa kia hằng mấy năm không gặp, khi gặp nhau ngồi im lặng bên nhau cả giờ không nói, hoặc nói rất ít…”
Trong khi đó, nhà thơ Luân Hoán khi viết lời tựa cho thi tập Tri Âm của Lưu Nguyễn, trong bài “Tựa Nhỏ Của Luân Hoán” ở trang 5 và 6, ghi nhận, trích:
“…Khi được Lưu Nguyễn dành cho cái vinh dự viết lời bạt hay lời tựa, tôi đã hí hửng nhận lời và vẽ ngay trong đầu những lời lẽ óng mượt để được đứng ké trên da thịt đứa con tinh thần đầu tiên của anh. Nhưng bây giờ, trước những trang thơ ấm áp tình người, tôi chỉ muốn ngồi yên cảm nhận hơn là vẽ vời bừa bãi những lời vô bổ. Và thấm thía nhận cái khả năng hạn hẹp của mình. Viết gì cho một tập thơ tự nó đã dẫn dắt những đọc giả của nó đến gặp được tác giả ? Cố tình nhặt một vài hạt sạn trong nguồn nhạc điệu điều hòa để chỉ trích ? Hay nức lời bốc thơm, coi thường những bạn đọc khác? Không. Tôi không dám…
…Tuy vậy, tôi đã được nghe và bây giờ xin phép lặp lại chung chung một số nhận xét của bè bạn tác giả Tri Âm: ‘Thơ Lưu Nguyễn bình dị, nhẹ nhàng. Cảm xúc của anh chan hòa trong mỗi dòng thơ thật gần với đại đa số quần chúng. Đẹp nhất là những bài 7 chữ hay 8 chữ…”
Nhà thơ Luân Hoán trên trang web riêng, qua bài viết nhan đề “Lưu Nguyễn và cõi Thiên Thai giữa đời” kể chuyện khi định cư ở Canada đã gặp ngay một nhà thơ xứ Quảng, trích:
“…Tôi kết thân với Lưu Nguyễn Nguyễn Thế Nghiệp khá nhanh vì anh là một người đồng hương của tôi. Cái giọng nói Quảng Nam thường được đem lên sân khấu làm trò cười công cộng, nhiều lúc nghe thật thân thương, ấm lòng. Nghiệp phát âm lớn và rõ đó là thói quen rất đặc biệt của anh. Xuất thân từ làng Đông Phú thuộc quận Quế Sơn, một địa danh không lạ với người Quảng Nam như tôi. Đông Phú là một làng nhỏ trù phú dù nằm trong màu xanh trùng điệp của núi rừng. Từ ngày 05 (lại ngày mùng năm) tháng 8 năm 1947, Nghiệp bắt đầu hít thở hương đồi, hương đá, cỏ hoang dã, nên tích tụ được một tấm lòng yêu thiên nhiên. Thời niên thiếu, anh đã từng một mình, một xe đạp lang thang rong chơi qua nhiều thôn làng, ruộng đồng, đình chùa. Anh có cơ duyên tốt nghiệp tiểu học trường làng là một thú vị đáng kể của thời trẻ thơ. Hơn thế nữa anh học Đệ thất đến Đệ tứ tại ngay quận Quế Sơn. Lên bậc đệ nhị cấp, Đệ tam đến Đệ nhất anh mới làm một cậu học sinh của trường trung học Trần Qúy Cáp Hội An. Con đường học vấn của anh bằng phẳng, suông sẻ. Sau một năm học môn Triết ở Văn Khoa Sài Gòn, Nguyễn Thế Nghiệp vào Đại học Sư phạm Sài Gòn rồi tốt nghiệp, được bổ về dạy tại Phước Tuy đồng thời dạy tại một số trường tư thục ngay trong địa bàn Sài Gòn. Là một nhà giáo hiếu học, nên anh có thêm được văn bằng Cử Nhân Giáo khoa Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn cấp. Vững vàng với trình độ học vấn, Nguyễn Thế Nghiệp bắt đầu tham gia sinh hoạt văn học. Anh có tên trong nhóm Nghiên Cứu Triết Học tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Những đoản văn, những bài thơ của anh khởi đi từ thời trung học đã được phổ biến trên một số báo chí. Nhưng chưa kịp hoàn hảo, Nguyễn Thế Nghiệp đã phải thi hành nghĩa vụ quân sự, qua ngả Bộ Binh Thủ Đức. Khóa 2/72 là chặng đầu đến với đời lính của anh. Dù là phó thường dân, hiền lành hơn bạn Tưởng Năng Tiến, sau 1975 nhiều ngưòi còn bị lùa vào trại cải tạo, huống chi đã làm duyên với quân đội, nên Nghiệp được cho vào K4 Long Khánh vài năm để hưởng cái ơn chiêu đãi của chính thể mới…”
Thế là Nguyễn Thế Nghiệp gian nan, và rồi mấy phen lên ghe vượt biển.
Tôi đọc thơ anh từ lâu lắm rồi, từ nửa thế kỷ trước, vào lúc còn làm báo sinh viên với. Và bây giờ mới viết những dòng đọc thơ này. Không chỉ viết cho nhà thơ Lưu Nguyễn và là một người bạn thân, nhưng cũng là viết cho một Nguyễn Thế Nghiệp từng có chung với mình một thời ước mơ và hoạt động từ những ngày còn ở sân trường đại học.
Để kết, xin ghi hai câu thơ của Lưu Nguyễn cuối bài “Đêm trăng ngày cũ” trong thi tập Ngày Qua Rất Vội, để nhớ về một lời tỏ tình trong một đêm trăng ở quê nhà:

trăng vẫn sáng như đêm trăng ngày cũ
mà lời người đã vọng tự thiên thu.


Phan Tấn Hải