Tên chị là gì?
- Thưa em tên Mơ.
- Mơ gì? Mộng mơ hay quả mơ?
- Tùy, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu...
- Quê quán ở đâu vậy?
- Em ở Thạch Thất, Hà Tây.
- Chị công tác ở cơ quan nào?
- Thưa, ở ty Văn Hóa Thông Tin Hà Sơn Bình.
- Chắc chưa vào Ðảng...?
- Vâng, em mới phấn đấu ở cương vị đoàn...
- Chị lập gia đình chưa?
- Em chưa lập, nhưng đối tượng thì có rồi!
- Các cụ nhà ta còn cả chứ?
- Vâng, thầy u em vẫn còn.
- Gia đình được mấy anh chị em nhỉ?
- Thưa, được tám cả thảy...
- ...
Một bản sơ yếu lý lịch? Một cuộc hỏi cung ngắn?
Tôi thò đầu ra khỏi gầm ghế, hé mắt nhìn về cuối toa xe lửa.
Cửa vẫn còn mở có nghĩa là đội công an, thuế vụ trên tàu chưa làm việc, nếu
không họ đã đóng chặt hai đầu toa cho hành khách không có đường đi lại hoặc tẩu
tán hàng hóa.
- Chị đi đâu mà hành lý cồng kềnh thế này?
- ...
Bỏ mẹ rồi, đội kiểm tra cơ động đặc biệt! Tôi rụt đầu vào gầm
ghế, cay đắng lo cho số phận hai bịch thuốc lá sợi của mình. Hôm nay thứ sáu,
nhưng 15 tây, 8 âm lịch: ngày lành. Tử vi tôi tháng này không xung với tuổi,
trong năm không có sao Ðịa Không, Ðịa Kiếp ghé thăm để mà lãnh tai họa, trộm cắp.
Chuyến tàu khởi hành chậm hai tiếng đồng hô như lệ thường. Nếu
chả may nó chạy đúng giờ thì người ta còn coi như báo trước một điềm gở... Khổ
quá, tôi đã tham lam đóng hết hàng, chỉ chừa lại số tiền vừa đủ ăn đường và nộp
hụi chết cho cánh công an thuế vụ thường trực trên tàu, đám đột xuất này mà sờ
đến thì chỉ còn nước bỏ của chạy lấy người.
Tàu lắc lư chạy trong đêm. Hành khách ba miền của bao nhiêu
âm ngữ đã đồng tiếng ngáy. Ngay sát mặt tôi, dưới gầm ghế là hai bàn chân giao
chỉ với ngón cái xòe ra, dính đầy bùn đất của anh nông dân vừa lên tắt hai bao
sắn qua cửa sổ. Trên ghế đối diện, thuộc về giai cấp khác, mấy ông cán bộ đi
công tác với cặp táp, điếu cày đang ép nhau ngồi. Thỉnh thoảng, những khi tàu lắc
mạnh, các vị lại xón cho giai cấp dưới cùng tí nước điếu. Hai con bé con tóc
khét nắng, áo bà ba đen, quần đùi, đang ôm lấy bao than củi ngủ, chả hay biết
nước thánh cam lồ chảy tong tỏng trên lưng mình. Trên đâu tất cả là mấy ông con
trời bộ đội đang nhịp nhàng kẽo kẹt thượng tọa trong võng. Chú lính treo gần
tôi nhất đầu ngoẹo ra khỏi võng ngủ, môi trề ra, nước dãi nhểu nhảo chảy xuống
bụng chị có con mọn đang tốc áo cho con bú ngáy khò khò trên ghế.
Trời ơi, muốn ra được cũng thật khó, tôi gồng sức đẩy hai
bàn chân chắn ngang mặt mình mà không được. Sau mỗi cố gắng, anh nông dân lại
cho tôi một cái đạp hoa cả mắt. Ðau vì bị đạp thì ít, mà ức vì bị đèn nén thì
nhiều, tôi nghiệm thấy, quy luật đấu tranh của xã hội cũng đúng cả dưới gầm ghế
này. Nhưng thôi, tất cả đều đã mệt, cần được ngủ để có sức chiến đấu cho lúc xuống
tàu.
*
Tỏng tỏng... róc rách... Tàu chạy vào khúc xuôi gió thì vẳng
lên tiếng nước chảy, rồi âm ấm ở đầu. Nghiến răng chịu cho cái chân ghế cứa vào
cổ, tôi ngỏng đầu lên để nhìn. Trời đất, suối nguồn thiên thai được bắt từ cái
cần câu cong vút của thằng bé đang nằm nghiêng trên ghế ngậm ti mẹ. Xung quanh
không ai để ý. Tôi rút tay, vuốt vuốt tóc rồi đưa lên mũi ngửi. Cũng may, trẻ
nhỏ nó chưa ăn mặn nên tè ra không khai lắm, chứ như cái mùi thường trực bốc
lên từ cầu tiêu đầu toa thì bỏ mẹ. Hành khách đi xe lửa Thống Nhất chả bao giờ
bị cảm mạo, trúng gió cũng là nhờ cái mùi này chủng ngừa trước.
- Chị có tranh thủ mang ít hàng để cải thiện không ?
- ...
Cái giọng lấy cung kia lại quái ác nổi lên, tôi đã tỉnh ngủ,
nghe rất gần, ngay khoang bên cạnh. Khổ nổi không làm sao chui người ra được để
còn biết đường mà chuồn. Thôi thì trăm sự đành cậy nhờ cây đèn bão tù mù này.
Giá có ngọn gió nào thổi tắt nó đi thì đỡ biết mấy.
Lúc vừa nhảy lên tàu tôi đã chọn ngay cái toa toàn các khuôn
mặt hao hao đói của cán bộ, ngô nghê chất phác của nông dân này để trao thân.
Tôi định mập mờ đánh lận con đen giữa đám người lương thiện hòng trốn tránh các
toán kiểm tra bất ngờ. Tôi đã mừng rơn khi những «thành phần cơ bản», chủ nhân
của toa tàu giương cặp mắt tò mò, đố kỵ, sợ bóng sợ gió nhìn mấy bà «ngụy» đi
thăm nuôi chồng con cải tạo ở miền Bắc về rồi từ chối không cho họ ngồi ké.
Tuy đã đuợc thực tế phũ phàng của những trại tù, cuộc sống đầy
tương lai của miền Bắc XHCN nhuộm xanh lè cả mặt, nhưng mớ áo quần bằng vải tốt,
đống guốc dép, đầu tóc khác lạ, nhất là thói quen nhìn lại chỗ ngồi, phủi phủi
vài cái rồi mới e dè đặt mông xuống của mấy bà khiến cho hai miền không thể lại
gần nhau được. Tôi tiếc rẻ vận cổ nhìn tiễn theo mấy cái gót chân thon nhỏ,
dính chút bùn đi tìm bến đậu khác. Nhưng đời là một cuộc chiến đấu lớn, phải biết
tiêu diệt những tình cảm phù phiếm trong mình để đi tới đích. Than ôi, những hy
sinh lẻ tẻ đó cũng không cứu được hai bao hàng, đám con chiên hiền lành kia
cũng không giúp tôi được chút gì, cái mánh mung của tôi đã hại tôi, chuyến này
thì tiền mất tật mang rồi. Không còn cách nào hơn, tôi đành dọn mình, chuẩn bị
đón tai họa sắp tới. Trong bóng tối, dưới gầm ghế, bên cạnh hai bàn chân chỉ chực
đạp vào mặt với mùi khai của nước tiểu, tôi chợt nhớ đến bài hát của Trịnh Công
Sơn «Nơi đây tôi chờ... nơi kia anh chờ... » để được ngồi trên «...chuyến xe
qua ba miền...». Phải rồi, bên đây tôi nằm, bên kia em nằm, cũng chuyến xe qua
ba miền. Cái bậc nghệ sĩ họ thật giàu tưởng tượng và lãng mạn.
- Rụt chân lại !
Tôi hét to, cấu mạnh vào chân anh nông dân. Một cái đạp
tương xứng với cái cấu tung vào mặt tôi nhanh nhạy như phản xạ co giật của con ếch
khi bị truyền điện. Anh ta cằn nhằn trong miệng rồi tiếp tục ngáy.
- Xê ra cho người ta đi... tiểu !
Không dám cấu nữa, tôi chỉ biết, cũng cốt ý cho đám công an
bên cạnh nghe thấy để hợp pháp hóa việc bỏ đi của mình. May làm sao anh chàng
nông dân trở mình đổi thế nằm, hai hòn đá chắn cửa hang rụt lại, tôi vội nhoài
người ra, đứng dậy leo trèo qua đống thịt ngổn ngang nằm kín lối đi để ra
ngoài. Ðứng trong cầu tiêu một lúc cho vừa đủ thời gian tiểu tiện, tôi hé cửa
nhìn ra. Toa tàu hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có gió lùa ở hai bên cửa sổ, tiếng
bánh sắt nghiến xuống đường rầy. Quái lạ, công an biến đâu hết rồi ? Ðánh bạo,
tôi mò lại gần. Hai bên thành toa võng giăng kín thành hàng, đưa đẩy. Hành khách
trên ghế gật gù ngủ. Chả có bóng áo vàng nào hết! Tôi nằm mơ chăng ? Rất có thể
vì dân chạy hàng bọn tôi suốt ngày đêm bị rình rập, phải đề phòng, trốn chạy
nên riết rồi méo mó nghề nghiệp, nó theo cả vào giấc ngủ. Cứ sống với cái nghề
này có ngày vỡ tim mà chết. Tôi đứng tựa lưng vào thành ghế, định thần lại. Chị
có con mọn đã ngã choãi lên người tay thiếu úy trẻ để ngủ, vú vê bày thõng thượt.
Ðứa con lọt vào kẽ nách mẹ, ngỏng cổ mân mê cái đầu tí. Chả biết họ có chồng vợ
gì không, nom chị ta vẫn còn trẻ, giá độ hai ba năm về trước có ai động đến tí
của «trời cho» đó sẽ bị nhảy lên đùng đùng tru tréo chửi. Người thứ tư trên ghế,
một ông cụ già râu tóc lưa thưa, nghiêng người cho đủ chỗ ngồi, tay bám với lên
thành ghế, đầu cúi gục xuống gần ngực chị có con mọn gật gù ngủ. Bao nhiêu mật
ngọt lòng thòng rỉ từ miệng chú lính trên võng, cái đầu ông hứng hết. Ba ông
cán bộ tóc điểm muối tiêu, áo sơ mi trắng cọc tay, khư khư ôm cặp táp trong
lòng đang nhịp nhàng lắc lư trên ghế đối diện. Ngay trong giấc ngủ họ cũng có
cái vẻ «nhất trí» như khi làm việc. Tàu sắp đến ga Nha Trang, vùng đất bão lửa
đối với dân buôn chuyến. Chỉ còn một ngày đường nữa những sứ giả nguyên thủy của
CNXH sẽ đổ bộ vào Sài Gòn, thành phố đang trên đường cải tạo để trở về với miền
Bắc, với CNXH. Tôi cúi xuống nhìn vào gầm ghế. Hai bao hàng vẫn ngủ yên trong
đó. Cái bào thai đã đi được chín tháng chín ngày. Cầu trời cho nó được mẹ tròn
con vuông. Khoang bên cạnh cũng toàn các khuôn mặt trong biên chế, những lá bùa
dán đè lên bản mặt «bất chính» của tôi. Ðừng rẻ xuống ga lẻ dọc đường, bỏ tôi
côi cút một mình nhé, hỡi các bạn yêu dấu. Tôi sẽ chi viện cho miền Nam ruột thịt
ít sợi thuốc lá vàng, do chính tay vợ con các bạn trồng. Những ông ba tàu chợ lớn
với kỹ nghệ làm giả tuyệt hảo, hơn hẳn nền đại công nghiệp XHCN sẽ vấn thành những
điếu thuốc CAPSTAN thẳng thớm, đẹp đẽ trong hộp carton giấy bóng kính để các bạn
trầm tư, đắn đo, quyết định tốn kém, mang ngược về miền Bắc làm quà cho anh em
bè bạn.
Một cặp trai gái vẫn còn thức, họ ngồi nép vào nhau, thỉnh
thoảng trao đổi những cái nhìn. Gã trai với cây đàn ghi ta treo trên đầu, tóc dợn
sóng, có dáng dấp của một vĩ nhân tỉnh lẻ, ông chủ hiệu may, hiệu chụp ảnh, một
bậc văn hóa lớn ở phố huyện ( ?) không ; gã có vẻ là anh đội trưởng đội chiếu
bóng huyện hơn là những vị kinh doanh thẩm mỹ vì cái kính râm nội hóa cài khéo ở
ngực, áo sơ mi trắng loại vải không pha ny lông, quần kaki xanh mua phân phối, ở
cổ tay thiếu cái đồng hồ. Cô gái ngồi bên cạnh tuổi chừng đôi mươi, tóc dài,
hoe màu nắng cháy. Khi cô ngước mặt lên nhìn tôi thì trời đất ơi, một trang tuyệt
sắc giai nhân. Ðôi mắt có đuôi, mở lớn hiêng hiếng xếch đang cười lăn tăn. Mũi
cô thon nhỏ, thường tìm thấy nơi tượng Ðức Mẹ hoặc trong hình thiếu nữ e lệ in
trên băng, đĩa vọng cổ. Cặp môi cũng chúm chím cười như mắt, phơn phớt hồng, nổi
trên miền da trắng. Những đường nét, màu sắc đó được ướp trong vẻ hồn nhiên
tươi tắn của cô gái mới mập mờ linh cảm về nhan sắc của mình. Toa tàu như tỏa
mát hương sen, tôi ngó vội xuống quần áo của mình, lúng túng dấu mấy ngón tay dắt
kín đất đen ở kẽ móng. Trong phút chốc tôi quên bẵng hai bịch thuốc lá, mũi tôi
điếc với mùi khai, mắt tôi mù với thân thể nếu được phơi bày ra hết sẽ diệt dục
trai tráng của thiếu phụ có con mọn bên cạnh, tôi ngây người như đười ươi giữ ống
chiêm ngưỡng cô gái. Gã trai cảm thấy bị hao mòn mất mát bởi đống tình si chảy
nhão nhoẹt trước mắt mình bèn đưa tay kéo cái vạt áo hở của cô gái, ra điều hoa
đã có chủ. Gạt nhẹ tay gã ra, cô sửa lại thế ngồi rồi thẹn thò liếc tôi. Gã
trai húng hắng ho. Như để chạy đua vũ trang với tôi, khẳng định với cô gái, gã
xoay hẳn người lại, cặp mắt nhừa nhựa la liếm lần trên gò má hồng, bò quanh miệng,
rồi chui xuống cổ cô. Cảm thấy gã sắp trườn vào lòng người đẹp đến nơi, tôi «e
hèm» đánh tiếng, quay mặt đi chỗ khác. Sự buồn giận vô cớ chợt xâm chiếm lòng
tôi. Hương hoa thế kia dãi gió dầm mưa làm chi trên chuyến tàu này. Vẻ đẹp mong
manh bên cạnh sự lố bịch. Vâng, người là hoa của đất, là bà chúa của thiên
nhiên, bao nhiêu cuộc đời mới dâng hiến một khuôn mặt đẹp, cũng chỉ đẹp trong
tích tắc, một lần phát hương rồi trơ mình ra cho cuộc sống chìa hàm răng vẫu
thô lậu nghiền nát. Chỉ sau lời tuyên bố ngắn ngủi của đồng chí chủ tịch xã
kiêm chủ hôn, sau ba năm sống không có ca nhạc, ti vi chiếu bóng đêm, người đẹp
ngồi kia sẽ biến thành cái máy đẻ, con đường đi đến thiếu phụ sau lưng tôi sao
mà gần. Quần xanh, áo trắng mới tinh khôi, tôi nổi giận với cả sự ăn diện của
cô gái. Ở xã hội này mỗi khi muốn chứng tỏ «Tôi đi chơi », «Tôi làm đẹp », người
ta không có chọn lựa nào khác ngoài màu trắng để tách mình ra khỏi màu nâu lam
lũ với đất, màu tím than đánh lẫn với dầu máy, màu áo lính nhuộm xanh cả đất nước.
Từ đồng chí Tổng Bí Thư trên diễn đàn đại hội đảng, chú cai ngục hỏa lò Hà Nội
hai tay đút túi quần bước vào quán phở, cho đến cặp trai gái đi dạo quanh hồ
Hoàn Kiếm, ai ai cũng chỉ một màu áo trắng. Cái màu trắng đẹp đẽ thanh khiết bị
lạm dụng, bị cưỡng hiếp trở nên nhàm chán, làm nhòe nhoẹt các khuôn mặt đời vốn
đa dạng, biến nó thành một thứ đồng phục ngớ ngẩn.
- Mặt mũi không đến nỗi nào mà ăn mặc bẩn thỉu như mọi rợ...
Gã trai thì thầm với cô gái. Cô ngước mắt nhìn tôi. Họ cùng
cười với nhau.
- Chị đã mệt chưa ? Cứ ngả lên người tôi mà nghỉ... ?
Gã đề nghị, ngồi lấn vào cụ già đang ôm cái tay nải bên cạnh
để nhường chỗ. Tôi ngờ ngợ, dỏng tai chờ đợi
- Không. Cảm ơn anh em còn ngồi được.
Cái giọng «lấy cung» khi nãy ? Tôi nhìn chăm chăm vào mặt họ.
Cô gái ngượng ngùng quay mặt đi chỗ khác. Gã trai nghĩ tôi là chướng ngại cản
trở dịp may chờ đợi đã lâu nên lừ mắt hằn học xua đuổi. Thấy địch thủ vẫn không
nhụt chí, chả cần bóng gió xa xôi, gã ném thẳng vào mặt tôi câu chửi :
- Chỉ có đồ vô văn hóa mới thò mõm vào việc người
khác!
Thôi đúng rồi, chả có Công An nào hết, tôi cũng không nằm
mơ, cũng không có ma quỉ gì quấy phá, anh bạn trẻ ngồi trước mặt chính là tác
giả bản «hỏi cung» khi nãy. Tôi sờ lên túi áo ngực. Trong cuốn chứng minh thư
(cũ) của Công An cấp, ngoài tên tuổi, địa chỉ, quê quán, đã can án lần nào
chưa, còn những mục về cha mẹ, vợ con, còn sống hay đã chết... Tôi nhớ đến những
lúc mới làm quen, người ta cũng hỏi và trả lời đầy đủ những điều cần thiết
trong một bản sơ yếu lý lịch. Hỏi như một thói quen, nhiều khi chả để làm gì và
sau đó ai đi đường nấy. Thói quen méo mó đó ngấm sang cả địa hạt yêu đương.
«Nơi em về trời xanh không em... » Bên này vĩ tuyến 17 không
có một câu hỏi thơ mộng, lãng mạn như vậy, còn các Vũ Hoàng Chương, Khái Hưng,
Hàn Mặc Tử... đã bị đánh bật rễ khỏi người đọc, gom lại trong cái nghĩa địa văn
hóa cổ, le lói trong ký ức người già. Các tay «yêu» lừng lẫy một thời vẫn còn đấy,
nhưng đã biến thành Xuân Diệu Xuân Xang Xuân... Tóc đỏ. Người ta đã tiêu thổ
kháng chiến đến cả yêu đương. Nói đến «yêu» cũng phạm húy, phải gọi là «tìm hiểu»,
người yêu là «đối tượng tình cảm» (đối tượng đoàn, đối tượng đảng, đối tượng của
pháp luật ). Hôn nhân được xây hào đắp lũy thành «lập gia đình». Chữ «chàng» và
«nàng» được cách mạng hóa thành những chữ «anh», những chữ «chị», những «gã»,
những «hắn» trong văn học hiện hành. Người ta lập pháp hóa cả tình yêu, vớ vẩn
có thể bị qui là «quan hệ bất chính», «tác phong thiếu lành mạnh». Ða sầu đa cảm,
yêu lăn yêu lóc cả trong nhạc lẫn ngoài đời như ông Phạm Duy dám đi cải tạo
không có ngay về.
Tình yêu không được thi ca ấp ủ, dẫn dắt, hướng thượng, thè
lè đi ngoài đường trong những dịp quốc khánh, hội hè đông người để sờ mó, gỡ gạc
lẫn nhau, «hủ hóa» với nhau trong nhà kho công sở, hoặc nếu đúng đắn nghiêm chỉnh
hơn thì đặt ra tiêu chuẩn «3B» (Bôn sê vích, buồng ở, bia cung cấp) để «tìm hiểu».
Vì vậy những lời yêu đương được mở đầu bằng «Ðồng chí công tác ở cơ quan nào
?...»
Tôi cười rú lên giữa toa tàu. Gã trai giật mình rụt vội bàn
tay có mắt về. Một vài hành khách luống tuổi tỉnh giấc, khó chịu nhìn thằng
điên đang sắp ngửa leo qua đống người nằm giữa lối đi để ra ngoài. Ông bạn trẻ
cay cú tiễn với theo...
- Thật đúng là đồ quái dị!
*
Chuyến tàu đó đã dừng lại ở Việt Nam. Hai năm sau, trên chuyến
tàu ở xứ tị nạn, tôi lủi thủi đi lại một mình giữa toa tàu trống vắng. Lác đác
vài cặp mắt xanh sợ gió máy đóng kín cửa sổ, khụt khịt mũi nhìn con người dị hợm
cuồng cẳng. Không được chen chúc, hằm hè chửi bới nhau, không sợ cảnh sát bằng
mấy con chó cảnh chạy lăng xăng bên cạnh mấy bà già, buồn, tôi lẩn thẩn ước lượng
số ghế trống rồi nao lòng nhớ về những anh em bè bạn ở quê nhà. Xót xa với máu
mủ mình chưa hết, tôi còn thương lấy cả cái ngành hỏa xa của xứ người. Làm ăn
như thế này thì lỗ chết. Tôi quên béng đi mất, rằng tiền vé chém rất nặng, cuốc
đường ngắn như thế này nếu gửi quà về Việt Nam thì «chúng nó» lai rai quán cóc
cả tháng trời. Tôi nhớ về bên nhà như một kẻ thiếu nợ. Con thú hoang dã đã được
thuần giống bằng trợ cấp thất nghiệp (cho mày đủ ăn để tự giam mình trong chuồng,
đừng có nhìn sang túi khác). Tôi đã «quên» chưa trả lời gần chục cái thư, thư
nào cũng giống nhau một điểm là ngắn (đỡ tiền tem). Chữ nghĩa tiết kiệm rồi, lại
còn bóng gió xa xôi, nhưng cái bóng gió xa xôi tài tình đến độ lồ lộ hiện ra
khuôn mặt dài ngoẳng vì đói vì chờ của ông bạn. Trước khi đi, tôi đã dại dột bốc
đồng «Tụi mày yên tâm đi, tao mà...» Cái «tao mà...» ấy cho đến giờ này cũng chỉ
tiến thêm được một bước thành «tao sẽ...» nhưng tôi cũng không ân hận là đã cho
họ ăn bánh thánh. Có vị bác sĩ nào đủ can đảm nói với người bệnh đang hấp hối của
mình «Xin thưa, tôi bất lực, tôi không có thuốc...?» Những con tin của lương
tâm ở bên nhà hiện đang sống bằng hy vọng. Tôi lừa họ chưa đủ, họ còn phải tự lừa
mình nữa thì mới sống nổi. Méo mặt trả xong tiền tem, cầm bằng mua xấp vé số, họ
xoa tay yên tâm chờ đợi. Nhưng mấy chục cái đơn xin việc của tôi mất hút không
về, sổ vẫn chưa mở, lại tiếp tục «quên».
Xuống tàu phải mua ngay mấy tấm vé số! Tôi hạ quyết tâm cho
lòng yên ổn (lại tự lừa mình?) để còn nghĩ sang chuyện khác. Ðúng lúc đó thì có
tiếng «hèm» sau lưng. Lại một cụ ông, cụ bà bản xứ với những câu hỏi đầy bác ái
như cho kẹo trẻ con về cảnh ngộ, sự hội nhập, phong cảnh quê hương? Tôi gắn vội
nụ cười ba phải lên môi, chuẩn bị sẵn mấy câu thuộc lòng để trả lời.
- Xin lỗi, anh là người Việt Nam?
Trời ơi tiếng Việt! Tôi quay phắt lại ngó sững người bắt
chuyện.
- ...
- Xin lỗi ông tôi lầm lẫn...
Người đàn ông tuổi trạc bốn mươi, mắt sáng, ăn mặc buông thả
lúng túng xin lỗi bằng tiếng bản xứ, vẻ mặt đầy thắc mắc. Tôi hiểu ngay sự thắc
mắc đó. Người Việt gặp gỡ tình cờ ở ngoài đường ít khi nhìn nhận nhau vì họ
không nói được tiếng Việt.
- Không, tôi là người Việt!
Tôi vội vã xác quyết.
- Anh đi từ miền Bắc?
Người đàn ông vồ vập. Tôi cũng nhận ra ngay cái giọng Bắc toang
toác của ông ta.
- Dân tỉnh nào đấy?
- Hà Nội đây!
- Ðây cũng Hà Nội!
Khỏi cần nói về nỗi mừng. Chúng tôi xoắn xuýt ôm lấy nhau mà
hỏi chuyện. Chuyện bên nhà, chuyện đi đứng, chuyện ổn định đời sống bên này...
Khi đã cạn những vấn đề thời sự (miếng trầu của đầu câu chuyện) trong tiếng xe
xé gió, chúng tôi ôn lại những ngày tháng xa xưa của Hà Nội. Như hai anh lính
trẻ đi giữa Sài Gòn, cái phố huyện hẻo lánh giáp vùng thượng du Bắc Bộ của họ
là nhất thì Hà Nội đối với chúng tôi là vô địch. Bát phở Quyền ở ngã tư Phú Nhuận
(té ra anh cũng đã nếm) thịt thà hùng hậu, nước độc đáo thật, nhưng độc đáo
trên cái nền nhòe nhoẹt đánh lẫn với nước hủ tiếu ở Sài Gòn, không «ác ôn» bằng
phở Thìn đối diện đền Ngọc Sơn ngoài Hà Nội.
- Cậu thử tưởng tượng xem, về khuya đi ngược gió đông, cách
cả trăm thước mà cái thằng phù thủy ấy nó dở nắp thùng phở lên có sởn gai ốc
không hả...? Trong túi không có tiền thì bỏ mẹ!
Tôi cảm thấy hơi phở nóng phả ra từ mặt anh nên gật gù.
- Thế mới là phở chứ những chỗ cậu kể đi sắp ngã vào nồi
cũng không hay, bát phở bưng đến trước mặt, mở mắt ra mới biêt thì còn gì là phở?
Sau khi đi một vòng các hàng quà Hà Nội, anh dắt tôi đến
quán cà phê. Cà phê Hà Nội cũng lại nhất. Anh kể ra tên mấy cái quán ít ỏi của
đất Thăng Long với từng «gu» của nó. Quán «Moka» phố Bùi Thị Xuân có cô con gái
đẹp như Kiều, nhưng không át được mùi thơm của cà phê ông bố. Quán «Nhỉ» phố
Hàng Cá đậm đà chút nước mắm nhỉ (nên mới gọi là ông Nhỉ). Quán «Nhân» đầu Hàng
Gai có hương vị huyền ảo khó tả, người không biết, tưởng ông đánh thuốc phiện
khách... Anh thừa nhận không gì sánh nổi hạt cà phê Ban Mê Thuột, nhưng Sài Gòn
có vẻ chưa để ý đến nghệ thuật pha trộn. Cà phê nó có nhiều loại. Vối cho vị
chát, mít cho vị chua, và chè cho vị đắng. Nếu nhiều chè một chút, tí vối, tí
mít thì thành gu « Moka», hoặc đổi lại thì thành Nhân thành Nhỉ... Rốt cục tròn
trịa, óng ả, no đủ như hạt cà phê Ban Mê Thuột chỉ cho được mùi thơm choáng ngợp
khi mở nắp phin. Hết!
- Nhưng hình như các ông Nhân, Nhỉ, Moka bây giờ pha hơi nhiều
muồng muồng trong đó thì phải...?
Tôi rụt rè phát biểu. Anh xìu người, gãi đầu rồi cười. Dù
sao cũng phải công nhận anh là bậc thượng tọa trong cái đạo ăn uống này.
Hết chuyện ẩm thực, chúng tôi xoay sang chuyện người đẹp.
Trong địa hạt này anh không dám cục bộ địa phương nữa vì biết tôi cũng đã chui
qua cái xã hội lấy chiêu bài «bình đẳng, giải phóng» để đẩy người phụ nữ xuống
bùn, chui rúc trong hầm mỏ, lẫn lộn ngoài chiến trường như nam giới. Bên cạnh
đó là hệ thống tuyên truyền đồ sộ, ăn ý như dàn nhạc giao hưởng luôn gõ trống
thúc dục cho bắp thịt nở nang của phái yếu trong bức tranh «ai nhanh tay cuốc bằng
tay em...» trong nhịp nhạc «niềm vui cô gái mở đường Trường Sơn» trong văn học.
Gái Bắc Hà đã bị déformée biến dạng thành cái vai nở, thân hình trùng trục vì
lao động nặng.
- Cứ nhìn thấy gái Sài Gòn là tớ nghĩ đến chuyện ly dị...
Anh đốt điếu thuốc, phả khói lên trần toa lim dim mắt cười.
Tôi nói đến gái Cần Thơ, Vĩnh Long, đất gạo trắng nước trong da thịt mơn mởn
như xoài. Anh kể về mấy chị Huế nhu mì e ấp dưới mái tóc thề, ẩn dật kín đáo với
làn da trắng xanh, nhưng con mắt thì đi nhiều hơn chân, làm nhiều hơn tay, nói
nhiều hơn miệng, quả tim như núi lửa chỉ chực bất tử phun nham thạch.
- Ờ lạ thật... Sài Gòn là đất tứ xứ, nhưng bất cứ người ở
đâu hễ nhập vào nó ba bốn năm là thay da đổi thịt, biến thành dân Sài Gòn. Ðâu
như Hà Nội mình, anh từ Hải Phòng lên, sống cả hai chục năm, đẻ con ra vẫn lơ lớ
giọng nước lợ, tính tình tềnh toàng của dân thành phố cảng. Chị ở chiến khu về,
sống đến mấy đời hộ khẩu vẫn không tẩy được cái cách nhấm nước bọt đếm tiền. Sức
cảm hóa, khả năng hội nhập ở Sài Gòn nó khác...
Tôi lấy Huế để giải thích hiện tượng đó cho anh. Nếu chính
anh có dời cư về đó ở, không phải hai chục năm mà bốn-sáu chục năm, cho đến chết,
chất Huế cũng không thắm vào anh được. Vùng đất nào đã được chọn làm kinh đô
trên một thế kỷ tự nó sẽ tạo nên bản sắc riêng biệt cho mình, hội nhập sẽ rất
khó...
Chúng tôi cãi nhau như mổ bò (dấu hiệu đã thân thiện) về những
vấn đề cả hai đều không nắm vững, hoặc chả có gì đối nghịch nhau. Ðể đừng đập
vào đầu nhau trong lần gặp gỡ đầu, tôi lái câu chuyện trở về người đẹp Hà Nội.
Thế là lại một màn truy tìm các bóng dáng xưa. Ðể chứng tỏ mình cũng là tay
cung kiếm một thời, những con nhà nọ, em gái thằng kia... Câu chuyện trở nên gần
gũi, tôi râm ran bồi hồi với tên tuổi một vài người đẹp đã làm mình điêu đứng.
Lần mò một lúc, anh dẫm trúng phải cô em vợ tôi ở phố Hàng Ngang. Người đồng
hành, đồng hương càng trở nên thân thiết. Tôi như thấy cả Hà Nội đang thở nóng
bên tai mình.
Ðêm đó tôi không ngủ được. Khi chia tay chúng tôi cho nhau địa
chỉ, hẹn nhất định phải gặp lại. Tôi sắp xếp thời gian rãnh rỗi trong đầu rồi sốt
ruột mong sớm được ăn tục nói phét với ông bạn còn quí hơn vàng ở cái xứ buồn
hiu này. Cũng nhờ anh mà ký ức vốn trí tuệ vì mưu sinh của tôi được khai thông.
Tôi trằn trọc nhớ Hà Nội, tưởng tượng rõ ràng từng quán cà phê, góc phố, cô
láng giềng với từng tiết xuân, hạ, thu, đông. Thơ thẩn đi hết một vòng thành phố,
bắt đầu mỏi mệt với ký ức, tôi trở về với con người anh. Lứa tuổi ấy, nghề nghiệp
ấy, số nhà ấy, la cà ở quán cà phê ấy với những người quen ấy... Tôi cười tủm
trong bóng tối vì sự trùng lặp những ham hố, thói hư tật xấu của mình với anh bạn.
Ờ, tại sao không biết anh từ trước nhỉ? Tôi lần mò những mối quan hệ trong đầu,
vẫn không lòi ra con người ấy. Khuôn mặt này cũng chưa nhác thấy ngoài phố một
lần. Tôi lay vai vợ để hỏi xem có biết anh nào tên Q. hồi trước có đến tán em
gái không. Nàng đang ngủ, sẵng giọng trả lời là không cho xong chuyện.
Tôi lại trằn trọc hâm nóng trí nhớ sét rỉ để tìm kiếm. Cái
phố nhỏ ấy, với số nhà, không nhớ chính xác, nhưng tôi có thể mường tượng được
anh ở đâu gần quán phở mậu dịch, nơi tôi thường đến tán tỉnh mấy cô bán hàng để
được mua bia hơi không kèm đồ ăn. Mắt mày cũng là bợm nhậu, sao chưa tặng nhau
mũ cối vào đầu trong những lần chén nhỉ? Hay ít nhất cũng hối lộ vài điếu thuốc
để được nhường khéo đứng trước mình với lý do gửi chỗ? Lạ thật, Hà Nội nó nhỏ
như cái túi vải dắt trong cạp quần của bà bán rau, đồng xu cắc bạc cọ xát nhau
luôn xoành xoạch mà sao không bật ra khuôn mặt này. Tôi điểm lại trường hợp ra
đi của anh. Theo như lời kể thì lẫn trong làn sóng người Hoa năm 79, vợ chồng
anh không đủ tiền, phải sang lại căn buồng cho người khác để lấy tiền hoa hồng.
Ðồ đạc trong nhà bán sạch từ quạt bàn, giường tủ, xoong nồi, chổi cùn, rế
rách.v.v... Anh là người Việt, để che mắt mọi người về chuyện bất thường này,
hai vợ chồng phải đóng kịch, cứ tối tối đóng cửa chửi nhau toáng lên ở trong nhà,
ra cái điều cơm không lành, canh không ngọt. Ðược hơn một tuần, ngó chừng màn kịch
đã ngấm sang hàng xóm, họ mới mở cửa đi rêu rao với mọi người rằng không thể sống
với nhau được nữa, phải bán nhà, bán đồ chia đều tiền rồi ai đi đường nấy. Cũng
có thể đúng vì ngoài Bắc rất nghèo, ở những chốn nghèo nhất cử nhất động đều bị
để ý. Tuy mỗi xuất đi thời đó chỉ ba ngàn đồng (một lạng vàng) nhưng không sang
lại nhà thì tiền đâu mà đóng. Tất cả mọi chuyến tàu ra đi từ Hải Phòng đều cặp
bến Hồng Kông, tôi cũng ở đó cả năm trời mà sao không thấy mặt anh? Có điều gì
bất ổn rồi! Tôi khựng người như húc phải bức tường, ngồi bật dậy đi tìm thuốc
hút. Mường tượng lại khuôn mặt anh, thái độ vồ vập của anh khi bắt chuyện, tôi
đưa lên kính hiển vi rọi chiếu, phân tích từng câu nói rồi ráp những dữ kiện rời
rạc lại với nhau để tìm sự mâu thuẫn của chúng. Không lòi ra một kẻ hở vô lý
nào. Anh không hề vờn dứ, dò dẫm tôi về thái độ chính trị. Những chuyện anh đã
nói với tôi được toát ra từ lỗ chân lông của con người, không có sự nhào nặn, gửi
gắm của mưu tính, thậm chí còn có phần luông tuồng phàm tục thái quá của con
người bị ức chế, đè nén lâu ngày mới được giải phóng.
Tôi mừng như chính mình được minh oan đốt thêm điếu thuốc tự
thưởng. Có thế chứ, chưa gì đã để cho thói đa nghi hàm hồ của mình giết chết một
người bạn, một con người! Ra đi từng vùng đất nghi kỵ, tỵ hiềm, vô tình tôi đã
mang theo thói quen của ông bác sĩ sống trong thế giới bệnh tật, nhìn đâu cũng
thấy vi trùng.
Nhưng niềm lạc quan đó không kéo dài, điếu thuốc chưa kịp
tàn thì từ bên trong cất lên tiếng nói ma quái «mày vẫn còn phổi bò, nhẹ dạ như
đàn bà. Kết luận một cách dễ dãi về con người là khởi đầu một tai họa!»
Tôi dụi vội điếu thuốc, vò nát mớ tóc, bực bội với thằng người
ma quỷ trong mình. «Tao nói không sai đâu, đời mày vẫn bao lần vấp ngã, hộc máu
mồm cũng chỉ vì tính cả tin đó. » Tôi thù ghét thằng người này. Nó luôn canh chừng
nhắc nhở tôi, nó đông lạnh con mắt nhìn đời của tôi, đục đẽo khuôn mặt tôi, xoá
nhoà bóng mát trên mặt người khác. Nhưng tôi nể sợ nó, vì chính nó đã cứu tôi
bao lần thoát khỏi tai họa, đưa tôi đến được bến bờ tự do. Sao lại không nhỉ, với
những thằng nằm vùng thì lần sơ kiến nào cũng bao bọc mình cẩn thận, nó chuẩn bị
lương khô cho cả quãng đường dài mười, hai mươi năm, nó chống Cộng hơn ai hết,
nó kháng chiến hơn ai hết để sau khi «hoàn toàn nhiệm vụ cách mạng» nó được tha
bổng bên cạnh những án tử hình khác với lý do «thành khẩn» rồi thay áo ngồi viết
bản báo cáo thành tích. Ðã vậy thì việc đội lốt, hoá thân vào một mẫu người có
thật ngoài đời chỉ là trò vặt. Tôi rùng mình vì những điều vừa phát hiện. Chế độ
chỉ dạy cho tôi vài thủ thuật điều tra sơ đẳng của thói quen, một thứ Công An
theo bản năng, đụng đến vấn đề phức tạp có tính phản gián này thì ôm đầu chịu
thua.
Ðốt hết nửa gói thuốc, đầu óc tôi càng thêm rối. Vợ tôi bị
ngợp khói, tỉnh ngủ. Nhìn bóng chồng in nghiêng trên tường, sau ánh đèn mờ, im
lặng hút thuốc, nàng bực mình cằn nhằn rồi với tay tắt cái đèn ngủ.
- Khuya rồi không đi ngủ còn ngồi sừng sững như ma hiện
hình!
Tôi không trả lời, đầu thuốc lá vẫn lập loè cháy sáng. Nàng
ngạc nhiên bật lại đèn, tung chăn vùng dậy.
- Có chuyện gì thế anh?
- Không... Anh nghĩ chuyện kiếm việc làm...
Tôi trấn an, ấn nhẹ nàng xuống giường, phủ chăn lên người.
- Anh nói đi, em thấy có chuyện gì không thường thì phải...?
Nàng nhỏm dậy, lo âu hỏi. Tôi thấy khó trả lời, nấn ná hút
thuốc câu giờ. Từ lo âu chuyển sang hoảng sợ, nàng bấu mạnh lấy tay chồng tìm sự
che chở. Phụ nữ thường có linh cảm bén nhạy trước tai họa. Khi còn ở Việt Nam,
mỗi lần bị mối nguy hiểm đe doạ, biết nói với vợ mình cũng không ích gì, tôi lặng
lẽ hút thuốc trong đêm một mình để nghĩ cách thoát hiểm. Nàng đánh hơi được,
không dám hỏi, chỉ rón rén đến bên cạnh sửa lại cổ áo cho chồng, tìm hộ bao diêm,
tay cũng bấu chặt lấy vai chồng như để truyền thêm sức. Từ ngày sang đây cuộc sống
của chúng tôi đã an toàn, những khó khăn về mưu sinh được bạch nhật hoá giữa
hai vợ chồng, tôi không còn trầm ngâm trong bóng tối một mình để tìm kẽ hở lách
qua tù đày nữa, và nàng cũng mất đi thói quen đánh hơi tai hoạ trên mặt chồng,
hồn nhiên sống với tiền trợ cấp thất nghiệp. Thật không ngờ đằng sau vẻ mơn mởn
hồi sinh đó sự lo sợ vẫn tìm ẩn trong nàng, nó như cuốn phim lắp sẵn trong máy,
chỉ đợi chồng bật đèn là hiện hình ra mặt mũi, cử chỉ hành động. Tôi chợt hiểu
nàng đã lo hơn tôi lo, đã sợ hơn tôi sợ trong những ngày còn ở Việt Nam.
- Không có gì đâu em ạ.
Tôi ôm chặt bờ vai nhỏ của vợ, kéo vào lòng mình. Biết không
dấu được nàng, mà bịa ra chuyện khác chỉ làm nàng nghi ngờ lo sợ thêm, tôi kể lại
đầu đuôi chuyến gặp gỡ trên tàu của mình. Vẻ mặt nàng biến đổi dần theo câu
chuyện. Cặp mắt lạc thần bình tĩnh trở lại, nàng đứng dậy mở cửa sổ cho loãng bớt
khói thuốc trong nhà, vừa làm vừa nói:
- Con Quyên nhà mình không có ai là bạn tên Q. cả, nhưng có
thể anh ta lẫn trong đám bạn trai từng tới nhà, hoặc đứng từ xa phải lòng thì
sao?
- Không, nghe cách kể qua tay này thì có vẻ thân thiết lắm,
những chi tiết về gia đình em anh ta còn biết cơ mà?
Nàng cười, vẻ mặt rạng rỡ như thơm lây với nhan sắc của cô
em gái mình được người khác để ý.
- Thì cũng như anh đấy. Khi em chưa biết mỗi tối trời mưa có
thằng trộm khoác áo đứng ngóng trước cửa sổ nhà mình thì anh đã kể vanh vách với
cô em gái về em rồi cơ mà?
Tôi cười ngượng nghịu, nhưng cố vớt vát:
- Anh vẫn thấy có gì bất ổn em à...
Nàng gạt phắt đi:
- Anh chỉ vớ vẩn, sang đến đây rồi còn sợ. Cứ mời tay đó đến
đây chơi, thật giả trắng đen gì rồi mình kết luận vẫn còn chưa muộn!
Tôi không đồng ý cách giải quyết của nàng, nó có vẻ thụ động
theo cảm tính đồng bóng của phụ nữ. Tôi cũng không muốn mời khách vào nhà để rồi
đóng cửa vĩnh viễn những lần gõ sau. Còn dung dưỡng một quái thai trong bụng
mình thì chả khoái chút nào.
Tôi bỏ dự định đến thăm anh ta. Q. gọi điện thoại tới hai lần,
mời đến nhà anh chơi. Nại cớ con ốm, tôi từ chối khéo. Ðến lần thứ ba thì anh
ngỏ ý muốn lên tôi chơi thay vì tôi xuống. Thật khó trả lời, tôi ậm ừ cho xong
chuyện rồi cầu mong anh lạc đường kiếm không ra nhà.
Q. mò đến được, vẫn cái áo khoác lần trước, trên tay ôm đồm
mấy gói quà cho vợ con chủ nhà. Tôi đứng trước cửa ra vào, lúng túng không biết
nên chọn thái độ đón tiếp nào cho thích hợp. Còn anh thì tự nhiên như người
trong nhà, thấy chủ nhân ngần ngại đứng sau cửa, tưởng bị nhắc khéo đôi giày
dính tuyết nên vội quẹt quẹt vào miếng thảm nhỏ rồi cảnh cáo nhẹ:
- Ở Hà Nội người ta không bắt khách cởi giày khi vào nhà
đâu...
Tôi cười gượng gạo, đỡ giúp mấy gói quà cho anh cởi áo
khoác. Ðống đồ của nợ này khiến tôi thêm khó chịu, nó có vẻ “gài” cho mối quan
hệ mới mở đầu. Q. tinh ý nhận ra ngay thái độ đó, cười hềnh hệch:
- Thủ tục bắt buộc khi đi hỏi vợ, tớ cũng giả vờ làm cho
xong chuyện. Nhưng xuống nhà tớ cậu đừng dở lại trò này nhé, một lần là đủ.
Tôi phì cười vì lối giải thích ba bứa, đi treo giúp anh chiếc
áo khoác nặng chình chịch.
- Ấy, nhẹ tay thôi... – Q. nhắc nhở rồi chạy theo – Có cái
này cho tụi mình...
Anh moi từ cái túi to tổ bố khâu bằng tay ở mặt trong chiếc
áo ra nào thuốc sợi, tẩu, khăn giấy hỉ mũi dở, rồi một chai rượu mạnh.
- Dân “quốc lủi” tụi mình thì phải “chơi” cái này. Uống khắp
mặt rượu ở đây tớ chỉ thấy mỗi nó là gần gũi với rượu lậu Hà Nội.
Anh nháy mắt cười với tôi. Tôi thì e ngại với đống đồ nghề
anh mang tới, nó chứng tỏ anh không dừng lại ở mức xã giao. Vợ tôi biết khách sẽ
đến từ hôm trước nên chuẩn bị sẵn sàng để tiếp. Khi thấy chúng tôi đã yên vị
trên ghế, nàng kín đáo nhìn qua khe cửa bếp, quan sát khách. Q. không hay biết
gì, đảo mắt nhìn quanh nhà rồi hỏi thăm vợ con tôi. Lúc đó nàng mới bưng cà phê
ra để chào khách. Anh nói chuyện ồn ào, về đủ các vấn đề mà phụ nữ quan tâm tới
ở xứ này. Vợ tôi khép nép nghe đầu luôn luôn gật, thỉnh thoảng mới thêm vài ý
kiến nhỏ. Thật oái ăm, khách thì ăn nói hoạt bát tự nhiên như chủ nhà, còn
chúng tôi thì rụt rè giữ ý như làm khách vậy. Q. không nhận thấy điều đó, chiều
đến, vợ tôi nhấp nhổm đắn đo hai ba lần rồi mới mời khách ở lại ăn cơm, giọng
thăm dò. Anh sốt sắng nhận lời rồi buộc miệng kêu đói. Tuy chỉ định bụng mời
rơi, nhưng nàng chuẩn bị khá kỹ càng. Thịt, rau được thái ướp từ sáng sớm, đống
đồ biển này mới lấy khỏi ngăn đá từ lúc khách nhấn chuông cho nó tươi. Chuyện
vãn giữa hai gã đàn ông trở nên uể oải, anh xắn tay áo đòi vào bếp giúp bà chủ
nhà làm cơm. Tôi cản cho có lệ rồi nằm dài ra ghế, vớ bừa một cuốn sách để đọc.
Nếu ở Việt Nam thì tôi không ngạc nhiên với thái độ tự nhiên thoải mái của anh,
nhưng ở đây, nhất là sau những thắc mắc tôi thấy nó có vẻ đi đúng bài bản “hoà
mình xâm nhập quần chúng” nên những nghi ngờ càng có điểm tựa.
Ngoài tài ăn tục nói phét, ông khách còn chứng tỏ khả năng nấu
bếp có hạng. Ngồi trên phòng khách nghe tiếng dầu sôi lửa cháy phừng phừng một
cách hết sức đàn ông, tôi biết vợ tôi đã bị gạt ra ngoài. Tài năng của nàng chỉ
riu riu ở món kho, sình sịch ở món hầm. Cái rón rén của phụ nữ khi dùng lửa
khác với sự phóng khoáng của đàn ông nên món ăn không bao giờ lên tới cỡ, chỉ
lưng chừng ở ngang dốc rồi nhoè nhoẹt giống nhau ở trong tất cả các món xào nát
nhũn.
Mặt đỏ bừng, chiếc khăn bàn làm bếp trên vai, hai tay bưng
đĩa cá đút lò bốc khói. Q. nghiêng mặt như mấy ông bồi bàn có ngạch bước lên
phòng khách. Tôi luống cuống nhỏm dậy thu dọn đĩa tách cà phê cho anh có chỗ
bày. Tưới một chút rượu mạnh trong chai mình mang tới lên đĩa cá. Q. bật diêm
cho lửa bùng cháy rồi hãnh diện nhìn chủ nhà. Tôi trố mắt như trẻ xem trò ảo
thuật. Vợ tôi đứng sau lưng Q. cười ngượng ngùng như muốn đổ lỗi sự vụng về cho
thái độ sốt sắng của khách. Anh rút chiếc khăn trên vai thấm mồ hôi gáy rồi chả
hiểu sao lại lau bừa lên mặt, bất kể mùi đồ ăn ngấm lưu cửu trong đó.
Phong cách giang hồ của mấy món ăn quyến rũ tôi ăn, uống nhiều.
Có chút hơi men Q. nói càng hoạt bát, mà ăn cũng không kém. Anh kháo chuyện Hà
Nội, tự diễu mình về những bỡ ngỡ khi mới đặt chân lên xứ văn minh. Những câu
chuyện bình thường được anh diễn tả bằng thứ ngôn ngữ giang hồ như món ăn trở
nên có duyên đến tức cười. Lũ trẻ ngồi quanh bàn cứ há hốc mồm nghe ông khách lạ,
quên cả ăn. Tôi bị cuốn vào câu chuyện hồi nào không hay, vừa nhồm nhoàm nhai vừa
kình cãi với khách. Vợ tôi ăn ít, nàng chống hai khuỷu tay lên bàn, xoa xoa hai
bàn tay vào nhau nghe chúng tôi nói chuyện và tiếp thức ăn cho mọi người. Q. gắp
cho nàng một khúc cá, khi đưa đến gần chén của nàng thì nó trượt khỏi đôi đũa
rơi tòm xuống chén nước sốt.
- Ðấy, chết rồi mà vật lộn với nó còn khó. Tôi luôn luôn chỉ
bắt được vẩy cá trong những lần tát ao.
Anh chữa thẹn rồi thản nhiên lấy tay chùi nước sốt văng trên
áo mình, đưa lên miệng liếm .
Tối đó anh ngủ lại nhà tôi. Cơm nước xong thì đã chín giờ rưỡi,
chuyến xe lửa cuối cùng hai giờ sáng mới chạy, tôi buộc lòng phải giữ anh lại.
Q. thấy đó là điều đương nhiên, không một câu từ chối khuôn sáo, anh hăng hái
giúp chủ nhà dọn dẹp để lấy chỗ ngủ. Nhà chật nên chúng tôi dùng chiếc ghế sa
lông lớn kéo ra làm giường cho khách. Ngồi trên đống chăn gối mới mang ra, anh
nạp một mẩu thuốc, nhìn vợ tôi và mấy cháu nhỏ như dò hỏi rồi tự cho phép mình
mồi lửa hút.
Nằm trong phòng ngủ tôi sốt ruột đợi vợ vào để nghe nàng đưa
ra những nhận xét về ông khách mới. Nàng còn lịch kịch rửa chén dưới bếp, chuẩn
bị nồi cháo gà cho bữa điểm tâm sáng mai. Tôi ngủ quên lúc nào không hay.
Nửa đêm tôi tỉnh giấc vì khát nước. Uống xong ly nước lạnh
thì tỉnh ngủ hẳn, tôi lần ra phòng khách kiếm thuốc lá hút. Cả nhà đã ngủ say,
tiếng Q. ngáy rền cả phòng khách. Anh đã uống khá nhiều rượu, hơi thở nặng nề,
nồng nặc mùi men. Tôi định vào phòng ngủ hút, nhưng sợ nàng thức dậy lại phát
hoảng lên như lần trước nên lộn trở ra ban công. Tuyết rơi nhiều, lún phún rắc
trong ánh đèn đường, bay cả vào nhà. Ðứng một lúc người đã thấm lạnh, tôi lập cập
mở cửa bước vào phòng khách. Q. vẫn ngáy như sấm, thỉnh thoảng nói lảm nhảm điều
gì không rõ rồi cười khì khì trong mơ. Tôi nảy ra ý định quan sát anh khi đang
ngủ. Phải rồi, con người không thể dấu mình được trong trạng thái này. Những
nét nhuần nhuyễn của kịch cợm lúc tỉnh sẽ bị lột sạch, cái ưu cái khuyết, những
hang hốc mối mọt của cái tủ cũ sẽ bị cạo mất lớp son lẫn ghét phủ ngoài, trơ ra
chất gỗ thật của mình dưới vòi nước xịt mạnh. Không cưỡng lại được ý định ngắm
anh, tôi dò dẫm lần đến cây đèn mờ đứng ở phòng, bật nhẹ. Ánh sáng vừa đủ rọi tới
mặt Q., anh hơi nhíu mày, rồi mặt dãn nở lại, ngáy tiếp. Mớ tóc cứng, bồng bềnh
những nếp quăn tự nhiên lúc này bết mồ hôi bám quanh sọ. Chân mũi vuông, vun đọng
thịt ở chóp của con người thiên về hành động, ăn nhậu. Những chân rễ chằn chịt
như dây võng bắt nguồn từ đuôi mắt toả rộng ra hai bên thái dương hằn rõ mồn một.
Lúc tỉnh, cặp mắt sáng tia điện nghịch ngợm đã toả lấp phần nào cái nhàu nát ở
vùng mắt anh. Trán anh cao, gồ, sần sùi những nếp nhăn xếp sóng. Quai hàm
vuông, ngay trong giấc ngủ cũng bạnh ra như đang ngấm ngầm chịu đựng cơn đau bụng.
Khuôn mặt đó là dương bản của bộ não sau khi trải qua thuở thiếu thời cơ cực,
tuổi thanh niên lận đận với mắm muối củi lửa bám rêu trong đầu.
Không thấy quen, cũng chả phát hiện ra điều gì bất thường
khi đưa khuôn mặt này rọi chiếu trước quang tuyến, tôi tắt đèn ngồi hút thuốc.
Con người thật thảm hại, đáng thương trong giấc ngủ, nếu đẹp có chăng chỉ là nàng
công chúa được tạo hóa sàng lọc những đường nét thanh tú từ đời ông bà cha mẹ,
ướp mình trong nhung lụa rồi nằm mơ bị con sâu bò đến gần đe dọa. Không biết vợ
tôi có thường ngắm chồng trong giấc ngủ? Hôm nay rõ ràng Q. đã kiếm được nhiều
điểm của mẹ con nàng. Cứ nhìn con mắt, nụ cười trong trẻo của nàng thì rõ, những
điều cảnh giác trước của tôi tan biến ngay khi con người xù xì này lướt vào
nhà. Thật đúng là đàn bà với con nít. Giá họ có ác cảm với anh ta thì ngược lại,
tôi sẽ chú tâm tìm kiếm những điểm dễ thương để biện hộ trước vợ con, xác tín với
mình. Tôi ngồi trong bóng tối hàng giờ, nghi ngờ phủ nhận, đốt sạch gói thuốc
Q. vẫn say sưa ngủ, không hay biết chủ nhà đang trăn trở thắc mắc về mình, thỉnh
thoảng lại đưa tay quệt nước dãi ở miệng.
Sau đó đều đều mỗi tháng anh vẫn đến nhà tôi chơi, còn dắt
theo cả vợ con (để làm tin?). Tôi bị xô đẩy vào mối quan hệ như ép duyên, rồi
cũng quen dần với nó. Hai người đã làm tốn khá nhiều thời giờ và rượu bia của
nhau. Mặc dù vậy, sau mỗi lần trò chuyện, chi bộ nhỏ trong tôi vẫn họp lại để
kiểm thảo, đào bới xem anh có mặc áo giấy đi đêm không. Một nửa con người tôi
phải lòng anh, chấp nhận anh, đi với anh trên bề nổi cuộc sống, nhưng phần
chìm, khuất trong bóng tối vẫn nhắc nhở, cảnh tỉnh khiến tôi khổ sở như ăn hộp
cá ngon mà không biết date, xuất xứ của nó.
Hai bà vợ thân thiết với nhau hơn cả chị em ruột. Họ đã tìm
lại Hà Nội thuở ấu thời, hàng quà hàng bánh, chợ Ðồng Xuân, chợ Cửa Nam trong
nhau. Lũ trẻ mất dần đi những câu “con bác Q.”, “tụi nó...” mà thành “anh
R...”, “chị H...”. Chúng xóa nhoà ranh giới giữa hai nhà, ôm tất cả vào lòng rồi
chia đều theo thứ tự tuổi tác.
Không được phép đầu độc cuộc sống của vợ con bằng những nghi
ngờ, tôi thu mình lại bên cạnh những mối quan hệ cởi mở đó. Những lời tâm sự giữa
hai vợ chồng tắt dần, thỉnh thoảng buột miệng đưa ra một nhận xét lạc lõng về
Q. làm cả nhà ngạc nhiên, khó hiểu, tôi vội xoá nó bằng nụ cười gượng gạo rồi
giải thích sang hướng khác. Mỗi lần bị quỷ ám, nửa đêm tôi không dám ngồi trong
phòng ngủ, ngoài phòng khách mà chui vào toilette khoá cửa lại đốt thuốc trong
đó. Tôi cố gắng chặt lìa con ma nghi ngờ ra khỏi người mà không được, sau mỗi
nhát dao chém nó càng bấu chặt lấy ruột gan tôi hơn, xác nhận tính cấu thành vững
chắc trong tôi. Tôi kinh hoàng nhận ra mình là kẻ tàn tật đi trên cõi đời này.
Tôi không phải đoàn viên, chả phải đảng viên, chưa một ngày đứng trong cơ chế Cộng
Sản, trong tôi không có những cuộc đấu tố rùng rợn, không có bội phản, giả trá,
nhưng thói đa nghi, đề phòng cảnh giác luôn bắt tôi phải soi mói, phân tích và
phê bình con người. Tôi không hài lòng với thời trang, tôi bực bội với đầu tóc
của kẻ khác, tôi tuyên chiến với những cặp nhân tình ôm hôn nhau ở ngoài đường,
tôi nhìn vạn vật với con mắt cần cải tạo. Tôi trở thành kẻ thù của con người
lúc nào không hay. Những cố gắng đẽo gọt, cạo rửa bản thân mình trở nên vô ích,
tôi là viên gạch vô tình nằm trong lò sát sinh và đã bị ám khói lửa thiêu người.
Jean Paul Sartre sau khi phản tỉnh đã thổ lộ “Tôi ly khai chủ
nghĩa Cộng Sản, có nghĩa đã ghê tởm, phỉ nhổ nó, đoạn tuyệt hẳn với nó, nhưng mỗi
sáng ngủ dậy đứng trước bồn rửa mặt tôi vẫn thấy một thằng cán bộ đang rình mò,
xoi mói nhìn mình trong gương...” Không biết ông đã đập vỡ bao nhiêu miếng
gương, còn tôi, tôi luôn sống với cảm giác sau lưng mình có mọc một cái đuôi.
Thế Giang
6/ 1986