26 September 2019

BÁO TỬ - Hồ Đình Nghiêm


Bạn tôi năng buồn, buồn mang nặng. Để trám lấy, mong khinh khoái, bạn làm thơ. Tơ lơ mơ thôi cũng gặt được gần hai chục cái like. Ai đó nói, bữa nay hắn sinh đổ đốn, bạn nghe, bỏ ngoài tai. Đẹp trai không bằng chai mặt. Bạn kêu ngặt, làm thơ khó mà tìm đứa hiểu ta, lại càng khó hơn. Tôi vỗ vai bạn, một ngày kia rồi sẽ ngộ, chẳng hạn có kẻ tâm đầu ý hợp lò dò quá bộ lại tìm quen.


Tính bạn tôi chướng, ưa cãi bướng, thích Bùi Giáng ở câu “Suốt đời phải thức trắng đêm, suốt ngày ngủ nướng mới nên con người”. Mày chưa đắc đạo thì chớ cười. Tao nào phải dân chây lười. Lại đọc thơ Tô Thuỳ Yên “thức cho xong bài thơ, mai sớm ra đi, cài hờ lên cửa tặng”. Nghe đã mặn chưa? Có khi thức dậy ban trưa, chưa lại thần hồn đã phán: Mày mần cho tao cái bìa, đôi ba bữa nữa tao gom thơ đi in thi tuyển. Chừng trăm quyển cũng đủ trôi cơn hạn. Đã là bè bạn, không phải nói trạng hãy đợi chạng vạng cùng bá cổ nhau đi đánh chén. Xem như ăn mừng trước đi, hén?
Ngoài thể thơ lục bát, có bài bạn xem là lục nồi. Rổ rá cặp nhau chuyện vàng thau, vợ chồng có khi còn y như đôi đũa lệch. Tính suy làm chi cho mệt, ngay cả mấy thằng chệt xà quần ngoài khơi cũng chả biết cách chơi, có ngày rồi nó sẽ bơi vào bờ. Không có đạn đưa lên nòng, chờ. Chỉ toàn một bọn gà mờ. Bạn thắp ba cây nhang cắm trên bàn thờ, điệu bộ thành khẩn. Tưởng khấn nguyện cho nước nhà an ổn ai dè chỉ cầu xin thuận buồm xuôi gió việc in thơ. Bạn chửi thề tỉnh bơ, mẹ nó chứ, nếu tao là con gái post hình mát mẻ thì giờ này đã có thằng vác ngà voi in cho ba tập thơ, chí ít. Ai biểu anh không có ngực cho nên trời sinh ra mỹ nhân! Bạn tôi ưa phát ngôn linh tinh, hiểu tính bạn tôi đành mần thinh.

Và tôi nghe lời, tôi nhúng bút lông vào tách cà phê đen uống thừa để vẽ cho bạn một bức tranh siêu thực. Chỉ một thôi, hết đường lựa chọn, đừng bực. Tôi mài mực, kẻ nét phăn-ta-dzi hai chữ Màn Trinh. Đó là tên tập thơ mà bạn suy nghiệm, chọn lọc để trình làng. Bạn nói nên dùng chữ màu đỏ, vất nó vào cõi ta bà cho chúng phá xem rách tới ngang đâu. Sao mày chừa ra bảy cái đốm trắng trên tranh bìa? Ờ, mày thắc mắc bị mày chưa nghe chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Nghệ thuật nằm ở cái sự chừa ra ấy. Nghĩ mà xem, Bạch Tuyết muôn đời vẫn còn trinh. Bạn tôi cười rộ, lấy làm tâm đắc. Của chùa nhé, tao không giả tiền đâu, nhớ? Bố mày chỉ còn đúng hai ngàn nhằm trang trải việc in sách. Chơi ngông cách này nghĩ cũng hách. Có gặm bánh mì thì đừng trách. Bạn nói mình ên, tuyệt không mang âm hưởng của sự rên.
Sách về hai thùng đầy kè chất ở nhà kho xây sau hè. Màn Trinh nhện giăng bụi bám giấy đổi màu mặt ủ mày chau. Hoá ra nhân thế “đương đại” này hết ai còn hứng thú chuyện phá trinh? Bạn chấm câu: Đau thế! Dại thế! Tao đâu ngờ thơ mà bị ế! Tâm hồn thi nhân bị lay động, ô uế: Bỏ hai ngàn mua vé số không chừng mà trúng được lô ba ngàn. Đi lãnh, bỏ túi một ngàn khoẻ re, chêm một cục cho ấm đít. Lạnh lòng bèn mang Kiều ra đọc, rít róng:

Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần…
Lỡ từ lạc bước bước ra
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi…
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh…
Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.

Thân bèo bọt là cái chi chi? Ra đường, nhánh rong phiêu bạt trăm khi vẫn đăm chiêu với vần điệu thi ca, lộn hồn lộn vía chẳng màng thế sự vây quanh, luôn gầm đầu đếm bước như thể tìm nhặt câu thơ lỡ rơi. Băng qua đường, băng qua triền hạn để nghe tiếng bốn bánh xe cày bỏng khét mặt nhựa. Rầm, chơi bài tới đụng phải con Ầm. Hay con Nghèo? Hay con Học Trò? Hay con Nọc Đượng? Hay con Rốn? Con gì đi nữa thì cũng xúi vận sự: Nằm thẳng cẳng. Xe ambulance chở bạn vào nhà thương, y như Việt kiều yêu nước đi xe có còi hụ. Khi phone về cho tôi, giọng chẳng hư hao: Chết thế chó nào được, bố mày vẫn còn sống đây.
Tôi vào thăm thằng ranh con lúc nào cũng ưa làm bố người ta. Gãy mất hai cái xương, chân bó bột, mặt trầy trụa, lồi lõm. Không có giấy bút, bạn ghim thơ trong bộ nhớ, từ đầu hôm tới giờ vẫn chưa quên, quay mặt sang bắt tôi ghi vào sổ: “Đêm rồi cởi áo thiên thần, Sa đoạ rụng cánh tần ngần hôn anh. Này môi thơm ngát hương chanh, Cam lê nho táo mọc quanh cửa mình. Thời đi để nhớ cuộc tình, Dưới giường quỷ sứ vẫn rình giao hoan”.
Y tá cho hay, mông-xừ này tối qua ngáy khiếp quá. Tôi giải thích cho bệnh nhân nằm giường bên rằng, đau đớn thì rên la, chuyện thường hằng. Ngáy là hồi nào trong giấc mơ chẳng gặp ác mộng. Thương tật mang gần 40% thì mộng đẹp sao đặng, có là tài thánh! Để chiều nay cho uống thuốc ngủ tăng đô xem có còn “ngáy” nữa thôi.
Bạn biểu tôi lấy iPhone ra “tự sướng” một bức ảnh chụp bạn nằm trên giường bệnh, thuốc thang đầy đủ, sướng rên mé đìu hiu. Mày đưa lên Facebook cho những đứa yêu thơ tao thấy “thi bá” đang long thể bất an, hẹn tuần sau sẽ xuống núi, tâm thần vẫn chưa phân liệt. Có ai nhốt được một ngọn gió? Tôi lại phải nghe lời chỉ dạy, mừng bạn khi bị xe đụng những sợi thần kinh nằm trong sọ chưa thay đổi vị trí, bởi có mệnh hệ gì thì thơ bạn làm ra ắt sẽ gây sóng gió vũ lâm. Hình ảnh kẻ thương tật post lên chừng nửa ngày thu được có tới 19 cái like. Lạ đời, tự cổ chí kim chưa có ai bày tỏ sự thích khi nhìn ngó đứa bị sao quả tạ chiếu. Thù ghét nhau mới vậy. Thơ tình ướt át của đứa bị quấn băng bông đầy người kia khổ sở làm ra thì chỉ có ba “em” like thôi. Thơ ngang trái hăm thik, chỉ thích nghía thân thể mà tứ chi đã thôi lành lặn của người khác.
Bác sĩ có ghé thăm, đứng dưới chân giường hỏi han đôi câu và dặn dò, chớ nên để luỹ vọc tay vào cái ipad. Đang ở thời gian chờ bình phục, đang tĩnh dưỡng, đang yếu đuối mà đụng phải bao tình huống bao hình ảnh bao vấn nạn khóc cười trong cõi ấy thì luỹ sẽ bị sốc thôi, thuốc men ích gì cho buổi ấy?
Luỹ sốc thật. Luỹ nghi ngờ câu “Trust Me, I’m a Doctor”. Luỹ chẳng nghe nghiêm lệnh, lén lút “vượt bức tường lửa”. Nhà thương hàn gắn vết thương thôi mà, nào phải trung tâm cai nghiện mà cấm cản ông lục lạo facebook? Thở dốc xong bèn cười nửa miệng: Đêm qua tao bị thuốc hành, chả ngủ được. Mắt thao láo mà chẳng rình thấy thơ thẩn gì cả, ngược lại một ý tưởng sáng suốt vụt loé lên. Mày nghe bố mày bảo này, mặt mày tao đương bơ phờ tàn tạ lắm phải không? Bây giờ tao nằm vẹo cổ sang bên, há hốc mồm, một cánh tay rớt xuống khỏi giường, ngón co quắp… Mày chụp lấy, sao cho ảnh hình nọ thuyết phục được người xem, đấy là một tử thi, da thịt bắt đầu lạnh… Chơi liền đi, năm mười phút nữa bà y tá vào giục uống thuốc thì hỏng.
Trước khi post hình ảnh cuối cùng của kẻ vắn số lên, người bạn kỳ dị nọ bắt tôi viết đôi dòng tâm trạng: “Chúng tôi vô cùng bàng hoàng, đau đớn trước tin xấu là nhà thơ Không Như vừa đột ngột từ bỏ cõi tạm để rong chơi miền xa có tên gọi Như Không sau hơn hai mươi năm ăn nằm mặn nồng một lòng một dạ cùng nàng thơ, hưởng dương 58 tuổi. Trong lúc buồn đau, chúng tôi tạm thời loan báo có vậy. Mọi chi tiết khác sẽ sớm cập nhật sau. Một số thân hữu của nhà thơ đồng kính báo”.
Tôi nói cho bạn nghe nỗi lo ngại chẳng chính đáng, là giả như trong bệnh viện này có một người Việt mang tên Như Có từng đọc thơ Không Như, chàng ta hoặc nàng ta sẽ lắm mồm nói này nói nọ để đến tai ban điều hành bệnh viện: Cậu điên à? Tập thể bác sĩ chúng tôi có gì không tốt. Rõ là làm ơn mắc oán, đã chữa lành không nhận một đồng trả công, không luôn một tiếng cảm ơn, lại còn loan báo đột tử. Điều này ảnh hưởng trầm trọng tới uy tín của nhà thương này.
Bạn nhăn răng: Mày lo bò trắng răng. Một cái lon nằm giữa đồng, cả triệu con chim bay qua về mỗi ngày, có cục phân nào rơi vào trong lon không? Thử hình dung đi. Mày suốt đời không thể làm thơ được vì mày chẳng tạo ra những bước đột biến, những thứ mà trong nước kêu bằng siêu bức xúc, choáng, khủng.
Ở đời, bá tánh thường rộng lòng chúc mừng khi nghe ai kia vừa lên xe bông. Thường nhỏ xuống đất ba giọt lệ khi nghe kẻ nọ đang sống chuyển sang từ trần. Vận số Không Như cũng không tránh khỏi, mấy thằng cha căng chú kiết lạ hoắc lạ hươ chẳng rõ từ đâu cũng mạnh tay gõ lời chia buồn rất mực thắm thiết. Trong 13 dòng phản hồi, có hai “quới nhơn” viết ra điều đáng quan tâm vì nó quá… sáng giá. Dòng thứ nhất của người mang tên Sa Mạc: “Tôi biết nhà thơ có in ra tập Màn Trinh. Xin hỏi giá mỗi cuốn là bao nhiêu? Thôi thì nhà thơ đã qua đời, tôi xin mua ủng hộ 10 cuốn và sẽ gửi ngân phiếu 1000 đô tới những ai đứng ra lo hậu sự. Chia buồn nha”. Dòng thứ hai của người mang tên Thuỳ Dương: “Xin cho biết ngày giờ và địa điểm hôm động quan đút vào lò thiêu. Người ta bảo nghĩa tử nghĩa tận gì đó, tôi có khi là vợ cũ của anh Trần Văn Mau, tự cái hồi ảnh chưa là Không Như. Tôi mong được thắp cho ảnh ba cây nhang. Vĩnh biệt”.
Bạn Không Như nằm trên giường, điều khiển cho tấm nệm gập lại. Chỉ có đầu tóc là rối như ổ quạ, mặt mày râu ria lún phún; nhưng thần sắc đã có phần lanh lợi của một kẻ vừa chế ngự và đánh thắng nỗi đau. Chính bà y tá cũng gia giảm liều lượng thuốc xuống, bà cho hay: Cực chẳng đã thôi, uống ba thứ này vào thêm mụ người. Mai mốt thử xuống giường lần mò đi quanh xem sao. Phải bắt cơ thể vận động, có hiểu nghĩa “nằm liệt giường” là gì không? Không Như đùa: Đau khổ chi bằng bắt lần mò, đến buồn ríu mắt lại nhảy lò cò. Tôi nói với bà y tá giàu lòng nhân: Bạn tôi thuộc loại nắng mấy hoa cũng không héo. Bon, bon. Tốt, tốt. Nghị lực là phương thuốc quý báu nhất trần đời. Người ta nên bỏ công đi săn lùng cái vui của nụ cười để xem đó là nghĩa sống. Buồn sẽ khiến mình thối đi.
Có một điểm đáng ca ngợi thượng đế, là khi nhào nặn ra chúng sinh, “ngài” tạo ra ngay sự khác biệt, chẳng ai giống ai. Niềm vui, nỗi buồn cũng thế, cung bậc hoàn toàn riêng tư dành cho mỗi cá nhân. Bi kịch xẩy tới là cá nhân ấy không biết cách thụ hưởng hoặc chống đối và như vậy, hài kịch phát sinh.
Bạn tôi nói, lắm khi tao như một sinh vật thật hèn mọn, có khi thức giấc trên giường bệnh thèm sáng mai được ăn một dĩa bánh bèo cho sướng cái lỗ miệng, dĩ nhiên là ăn chùng vụng kẻo y tá thấy họ sẽ ngầy ngà. Trên đường về nhà, thuận lối tôi tạt vào một cái siêu thị lớn. Tôi sẽ mua bánh Trung Thu và vớt thêm dĩa bánh bèo cho đứa buồn miệng. Siêu thị chộn rộn, hỏi ra mới biết “người ta” đang có chiến dịch thanh lùng và vừa bắt được hai tên chuyên xài bạc giả, thanh toán toàn giấy bạc hai chục. Một “bạn hàng” đẩy xe trong chợ nói: Vú giả, mông giả, chồng giả vợ giả, giả tuốt luốt cho tới tờ hai mươi gia kim. Xem ra cuộc đời này đã chẳng còn thứ gọi là sự thật!
May mà mấy tờ 20 của tôi không bị giả mạo, đưa vào máy dò chẳng tìm ra tì vết. Có phúc cùng mang có hoạ cùng gánh, tôi mua hai dĩa bánh bèo, lát nữa tôi ăn phần tôi trước để xem bụng dạ có gây đột biến, nếu êm thì ngày mai sẽ mang vào nhà thương cho bạn dĩa còn lại. Cả bánh Trung Thu cũng vậy, chả dính kẽ răng nhưng ăn nó là nhai với bao kỷ niệm cũ, thuở thơ ngây. Hình bóng cũ làm no bụng? Ai biết được, hãy cứ tin vậy, cho khỏi mắc nghẹn.
Mai tôi sẽ nói cho bạn Như Không biết, rằng tôi sẽ “mu” qua thành phố khác sống, hòng kiếm ra môt công việc thích hợp; tiêu phí khoảng thời gian sau chót của đời mình vô vị kiểu này nghĩ không đành lòng. Lời thưa thật ấy hoàn toàn giả dối, nhưng bạn hiểu cho, tôi chẳng thích lui tới với một đứa vừa tự khai tử, một hồn ma? Khi mình rút vào bóng tối, tự thân sự khiếm diện kia cũng nói lên biết bao điều, cần gì phải đánh trống khua chiêng. Ôi, Không Như, mày không biết cách binh 13 lá bài mà đời chia đều cho những đứa nhập cuộc. Hoặc mày mậu binh?
Xin thôi được nhìn thấy nhau. Hoặc ở kiếp sau? (xin chớ làm người).

Hồ Đình Nghiêm