10 September 2019

DẠ MỘ KHÚC - Thuyên Huy


Để nhớ HTN – người lẻ loi mang theo những gì muốn nói nhưng chưa nói được xuống lòng mộ lạnh.

Giữa tháng giêng, cuối hạ, buổi sáng, trời vẫn nắng như những ngày đầu mùa, vài ba cơn gió bắc gay gắt nóng hậm hực tụ nhau về rồi lửng thửng bỏ đi không chào không hỏi, chủ nhật, nghĩa trang Altona vắng tanh, không bao nhiêu người thăm, dọc theo mấy hàng mộ bia, cùng kích thước vuông, lớn cở hai gang tay, cùng loại đá, đặt nằm thẳng, cách đều nhau, trên cái đồng cỏ xanh trải đầy xác hoa phượng tím, sâu hút phía trong cùng, lác đác đôi ba người đứng ngồi ở cuối đường. Ngồi đó lâu rồi, trước mộ, nói là mộ nhưng ở đây, mộ là những khoảnh đất xanh cỏ, bằng phẳng, tro cốt chôn bên dưới, chính giữa phía trên, người ta đặt một cái bình đựng hoa bằng sứ đen, mộ nào cũng như mộ nào, chỉ khác nhau ở chỗ là hàng chữ khắc trên bia và loại hoa cắm trong bình, Đạm chưa nói được trọn những gì mình muốn nói, hơn năm năm gặp lại nơi xứ người, cùng cảnh đời lẻ loi, vui buồn có nhau, vậy mà cuối cùng, ngày anh Huỳnh mất, Đạm đã không tiễn anh lần đi sau cùng, không như lần tiễn nhau tại một góc quán cà phê, ở chợ Nancy, đêm chờ khuya ra biển, hẹn ngày gặp lại, tay vuốt nhẹ mộ bia, khắc vỏn vẹn tên người và ngày sinh ngày chết, chợt dưng Đạm nức nghẹn, thì thầm, rấm rứt khóc “vậy mà em đã thất hẹn với anh rồi”.
Tuần trước, trưa thứ sáu, khi đến phụ anh điền một số giấy tờ, để tái xin trợ cấp tiền thuê nhà hàng tuần, nộp cho văn phòng “Nhà Cửa” của chính phủ tiểu bang, anh cho biết bệnh tình, từ tim tới phổi, từ đầu gối tới bàn chân, vốn đều trải qua hơn một lần giải phẩu, xem ra tệ hơn, mấy ngày nay anh trông rã rời, mệt mỏi và không đi đứng lâu được, cũng như thường ngày, hai anh em ngồi nhìn ra trời bên kia sông, nói qua hỏi lại chuyện chợ búa chuyện tin tức thường ngày, anh cười mà buồn rười rượi “không biết còn chịu được bao lâu nữa”, ra về, Đạm hẹn ngày mai, thứ bảy, đến cắt đám cỏ đã lên cao ở sân trước, rộng chừng đủ cho hai chiếc xe hơi đậu, lần này anh ngồi dựa vào tường nhìn theo, không còn đủ sức đứng lên ra tới cửa như mọi khi, đám bồ câu hoang chờ ăn thường ngày, không đủ kiên nhẩn, bỏ bay đi từ lâu vì cũng đã nhiều ngày, anh không rải gạo khô dư cho bọn chúng. Mây bất chợt kéo về xám xịch và chùng xuống thấp bên kia sông, trời có chút gió mát muộn, chắc sắp mưa, xe ra khỏi ngã tư đường, nhìn từ kính chiếu hậu, cửa nhà anh Huỳnh không thấy mở.

Đi loanh quanh tìm mua vài thứ lặt vặt, nhìn người qua kẻ lại ở khu thương mại gần nhà cho đở buồn, về đến nhà, nhận điện thoại của vợ chồng người bạn quen thân từ trên Wollongong kêu xuống, nhắn một hai lên gấp, giúp giùm ai đó một số giấy tờ để sáng thứ hai họ kịp ra tòa, tìm chuyến bay qua mạng điện tử, Đạm đi chuyến bay Jetstar sáng sớm thứ bảy vì vé hạ giá chuyến trễ trong ngày không còn nữa. Tối lại, Đạm gọi điện thoại cho anh Huỳnh biết không tới được ngày mai như đã hẹn, vì phải lên Sydney vài ngày, khi về lại sẽ cho anh hay và không quên nhắc anh nhớ uống đủ thuốc như thường lệ. Không như lấy lần trước, vì có một vài trục trặc, chờ xong xuôi, Đạm ở lại Wolongong thêm mấy ngày, trưa hôm về Melbourne, tới nhà, vội gọi điện thoại cho anh Huỳnh ngay mấy lần mà không được, nên gọi cho cô Hương, người đã sống gá nghĩa vợ chồng với anh một hai năm qua, cô có nhà riêng trên miệt Coburg, nhưng anh Huỳnh thường ở nhà mình, đi đi về về một tuần hai ba ngày, một căn vi la nhỏ đầu dãy trong khu nhà của chính phủ cấp cho người già cả ở Seddon, Đạm gặp chị đôi ba lần, chuyện anh chị như thế nào, anh Huỳnh chưa lần nào nói tới, biết thì biết vậy thôi, Đạm cũng chưa lần hỏi, Đạm buột miệng, chết nghẹn “trời ơi” khi chị cho biết anh chết rạng sáng chủ nhật, trên đường từ nhà chị tới bệnh viện St Vincent, bỏ điện thoại xuống bàn, Đạm ngồi bất động, nhìn ra bên kia sông, theo nhau chút mây xám đong đưa hửng hờ xuống thấp rồi thật thấp, không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn dài trên mặt.
***
Hôm cùng thiếu tá Huỳnh, quận trưởng, đi qua bàn vài chuyện với bên quận Bình Lâm về, ngồi ăn trưa ở một quán cơm trong chợ quận Lạc Tánh, không mấy người qua người lại, chợ vắng tanh, lâu lâu mới thấy vài anh lính nghĩa quân, thượng có kinh có, súng khoát hờ trên vai, nhìn lên nhìn xuống, thả bộ tán gẫu về hướng chi khu, chim rừng đậu từng đám trên nóc gọi nhau ồn ào cả chợ, trời nắng và nắng nóng, cũng như thường lệ, từ ngày đổi về quận Tánh Linh, Bình Tuy, làm việc với thiếu tá Huỳnh sau tết, đầu năm 1974, cho tới giờ, ông ít khi nào hỏi han gì về chuyện hành chánh văn phòng, trừ khi cần có chữ ký của ông cho công văn nào đó, ký tên mà miệng lúc nào cũng bảo Đạm “mọi thứ ông phó cứ tự quyết định, không cần phải chờ tôi”, ông vui tánh và ít nói, bình dân, giúp người nên trong quận chẳng ai phiền hà than vản, lính tráng thì coi như con cháu anh em, lầm lỗi gì nặng lắm ông mới rầy rà chút đỉnh rồi thôi, không nhắc tới, trước đây không biết sao, an ninh trong cả quận giờ tạm gọi là khả quan, quân du kích thỉnh thoảng phối họp với quân chính quy Bắc việt đánh phá nhiều lần, nhất là sau mùa hè đỏ lửa nhưng chưa chiếm giữ được gì, lính quận, có chết có bị thương nhưng chưa đến nổi tản cư, hồi cư như mấy tỉnh cao nguyên, ăn xong, trên đường chở Đạm qua văn phòng quận, ông cười cười, nửa đùa nửa thật “tình hình này cả nước, xem ra cũng găng lắm chứ không dễ như mình tưởng đâu, thôi ông phó về Sài Gòn nghỉ phép vài ngày đi cho đở buồn”.
Đạm nhận chuông, đứng chờ ngoài cổng rào, thấy người lạ, cô con gái chừng khoảng mười chín hai mươi, khá đẹp, bước ra cửa nhìn rồi quay nói gì đó với ai trong nhà, ở một góc vườn trước, xác phượng rụng ngập đỏ bầm một khoảng sân, Sài Gòn bây giờ là những ngày cuối hè, cũng còn nghe tiếng ve nấn ná và rã mệt đâu đó, trời sắp giữa trưa, không nhiều nắng, cô gái chậm bước ra cổng gật đầu chào mời vào. Vào nhà, Đạm giới thiệu mình và trao lại lá thư của ông gởi cho gia đình, cầm lấy thư, bà thiếu tá Huỳnh hối hả gọi vào trong “ Nhã Quyên, Nhã Tuyền ơi, ra đây con chào anh Đạm nè, ông phó quận của ba ngoài Tánh Linh về đó”, bẽn lẽn ngồi xuống bên cạnh, bà thiếu tá nhìn hai cô con gái, cô lớn, Nhã Quyên, là cô ra mở cổng hồi nãy, tựu trường năm nay vào năm thứ nhất dược, cô nhỏ, Nhã Tuyền, lên đệ nhị ở Gia Long, bà hỏi Đạm đứ thứ chuyện, cười nói luôn miệng, từ ba mẹ dưới Mỹ Tho tới chuyện ngoài Tánh Linh, đầu câu cứ “một ông phó hai ông phó”, Đạm chỉ biết cười trừ, bỡ ngỡ lúc đầu, trước lạ sau quen, quen thân quen thiết hồi nào không ai biết, anh anh em em rộn ràng trong nhà vườn trước sân, sau đó, suốt hai ba ngày còn lại ở Sài Gòn, chiều nào Đạm cũng đến ăn cơm chiều với ba mẹ con bà thiếu tá Huỳnh như đã hứa. Buổi sáng, hôm trở lên Tánh Linh, hai chị em đưa Đạm ra tận bến xe, nhắc lần sau có về, nhớ đến nhà, ở lâu hơn lần này, xe rời bến, khuất cuối đường, nhìn lại sau, chợt dưng Đạm thấy lòng mình như có chút gì nhung nhung nhớ nhớ.
Tình hình chiến trận xem ra có vẻ sôi động hơn trước, Bắc quân xe người, ùn ùn, rầm rập vượt đường mòn “HCM”, tràn qua tam biên, bủa vây kìm hảm cao nguyên, các tỉnh dọc biển còn có chút dễ thở hơn nhưng không biết được bao lâu. Buổi chiều, tại văn phòng quận, sau buổi họp nghe mấy anh trong ủy ban Phượng hoàng quận báo cáo tình hình “ta địch” xong, Đạm qua chi khu ăn cơm tối với thiếu tá Huỳnh, bây giờ là những ngày vào đông, trời lành lạnh mang theo hơi gió biển, đêm xuống mau hơn mọi khi, ngồi bên nhau, một lần nữa, thiếu tá Huỳnh cười cười, nhắc lại câu hỏi mà ông đã hỏi hôm Đạm từ Sài Gòn trở ra “ông phó thấy con Nhã Quyên thế nào, cũng được hả”, không đợi Đạm trả lời, ông gục gặt đầu tiếp “hy vọng mình còn làm việc chung ở đây lâu hơn, nếu không có gì trở ngại, có ngày nào đó mình cùng về Sài Gòn một chuyến, chắc là vui lắm”, hiểu ý ông, thêm một lần Đạm chợt nhớ Sài Gòn, Đạm không nói gì thêm ngoài tiếng “dạ” rất nhẹ. Có tiếng súng nổ liên hồi phía cuối hàng rào phòng thủ chi khu, tiếng chân người dồn dập chạy tới chạy lui ngoài cổng, anh lính cận vệ quen, tay cầm súng, mặt đăm đăm đẩy cửa vào cho biết chi khu bị tấn công rồi đứng yên chờ lệnh, thiếu tá Huỳnh đứng dậy, anh lính đưa khẩu súng M16 cho Đạm, ba người bước nhanh ra ngoài, rồi mất dạng giữa tốp lính địa phương quân, nghĩa quân chừng mười mấy người súng ống chờ tự nãy giờ, có tiếng đạn pháo kích của quân Bắc việt rớt đâu đó phía bên phố chợ, súng nổ nhiều và nghe gần hơn, lửa cháy lập lòe trong màn đêm tối đen và đen thăm thẳm.
Cuối tháng ba, những ngày giữa tháng tư năm 1975, vùng Một, rồi vùng Hai, các tỉnh cao nguyên, tới Phú Yên, Qui Nhơn Khánh Hòa, xuống Ninh Thuận lần lượt bỏ trống vào tay quân Bắc việt, Bình Tuy cũng không khá hơn, đường quốc lộ Một về Sài Gòn bị cắt đứt, người hàng hàng lớp lớp chạy giặc tràn xuống ngả Hàm Tân ra biển xuôi Nam. Theo dòng người, bằng đường bộ thiếu tá Huỳnh, Đạm cùng một số sĩ quan trẻ của chi khu, bỏ Tánh Linh đi, xuống tới Hàm Tân giữa khuya đêm trước ngày có lệnh buông súng đầu hàng từ Sài Gòn, bờ biển Hàm Tân người đông như kiến, ghe tàu đánh cá đèn tối mù mờ cả một vùng, chiếc nào chiếc nấy đầy ắp, lính tráng dân thường, trẻ già lớn bé, chòng chành sóng vỗ chen nhau bỏ bờ ra khơi, người còn lại trên đường gọi nhau nhắn nhau ơi ới, át cả tiếng súng tiếng đạn đại bác từng chập dọa nạt đuổi theo, cứ vậy lẳng lặng nhấp nhô trên sóng biển âm u. Quá giữa khuya, trời bổng dưng nổi gió, gió gào gió thét, mây đen một màu ma quái, mưa bất chợt trút xuống như thác, bão nổi lên gầm gừ, che kín người và nước, người nhìn người, hớt hãi lo sợ, đoàn tàu nối nhau cố bám sát dọc theo bờ, vì chở quá đông, nhiều chiếc đã lật ngang, lật úp, mất hút giữa những con sóng cao hơn nhà, chiếc có thiếu tá Huỳnh và Đạm, không may đã cùng chung số phận trong đám tàu đó, tàu họ chìm, người chìm theo, người còn lại từ các chiếc tàu khác muốn cứu cũng không làm sao mà cứu, biển cứ lồng lộng đen ngòm, nhìn lại, thở dài, đoàn ghe tàu cứ đi, trời vẫn mưa, bão vẫn vậy cho tới rạng sáng. Đạm nằm bất tỉnh trên tấm ván nắp đậy hầm chứa cá nhấp nhô ẩn hiện, được một chiếc ghe nhỏ, hư hết một máy, chở ít người, lẻ loi phía sau cứu, có phần muộn nhưng cuối cùng cũng tấp vào được bờ Long Hải, Phước Tuy, rạng sáng ngày 30 tháng 4, đành thôi, ngồi thừ người trên bải cát, nhìn ra biển nước mênh mông, nước mắt mặn pha chút nước biển trên môi, tim đau nhói, Đạm rươm rướm khóc “thiếu tá ơi thiếu tá”.
***
Đem mớ bánh ba-tê-sô giao cho tiệm cà phê quen ngay góc đường như mỗi sáng xong, đẩy cái xe đạp cũ, người dì họ cho mượn làm chân, có mà chạy đi chạy lại kiếm sống chờ thời, xuống lề đường, sau ngày ở tù về, ở Mỹ Tho bị làng xã hạch hỏi dòm ngó quá, nên bỏ lên Sài Gòn tìm chốn dung thân, mặc dù phải rày đây mai đó, lang thang bến xe bến tàu, may gặp lại chị Trang, có sạp bán vải trên đường Lê Lợi trước đây, vốn quen nhau vì là khách hàng thường xuyên trong những ngày còn đi học, giờ chị mở tiệm làm bánh ngọt Tây tại nhà, ở cuối hẽm ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, nhận làm người đi giao bánh cho mấy tiệm cà phê còn mở cửa, nên tạm yên thân, có chút đồng ra đồng vô, bữa cơm bữa bánh mì, cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, đội cái nón kết xám bạc màu lên, định đạp đi thì chiếc xích lô trờ tới bỏ khách xuống chặn ngang, Đạm cầm ghi đông chờ, người đạp xe xích lô giở nón khỏi mặt nhìn lên nhỏ nhẹ “cám ơn”, Đạm buông xe đạp ngã xuống đường, cùng lúc cả hai, há hốc buột miệng “thiếu tá, ông phó”, Đạm nắm tay thiếu tá Huỳnh, hai người ngồi đại xuống bờ lề xi măng, nghèn nghẹn.
Đêm tàu chìm, thiếu tá Huỳnh được một chiếc tàu khác, chở không đông người lắm, lính nhiều hơn dân, cứu lên, nhưng không may, chiếc này máy bị hư sau đó, thả lềnh bềnh ngược chiều gió bão cuốn trôi tấp vào bờ Phước Tỉnh chiều 30 tháng 4, ngồi thở dốc trên đám cát phủ màu rong úa, nhìn ra xa chập chùng biển dữ, thiếu tá Huỳnh thì thầm “ông phó ơi ông phó”, nhờ nhà này miếng cơm nhà kia miếng cháo, mấy ngày sau, thiếu tá Huỳnh quá giang đám xe hàng từ miền trung vào về đến Sài Gòn, căn nhà vẫn còn, cả nhà ôm nhau, đóng cửa kín lại khóc ròng, khóc mà sợ người bên hàng xóm nghe. Trước ngày có lệnh gọi công chức quân nhân VNCH trình diện, tập trung đi tù, tình hình phường khóm vẫn còn nhập nhằng mới cũ, nên chưa đến nổi cùng đường, bà thiếu tá thay chồng, chạy về Long An, gặp người bạn cũ, cùng dạy ở trường tiểu học Mộc Hóa trước khi bà nghỉ dạy, có chồng cũng là sĩ quan làm việc dưới tiểu khu Sa Đéc, hỏi thăm liệu còn đường nào ra đi không, lên xuống vài lần, cả gia đình thiếu tá Huỳnh quyết định theo vợ chồng người bạn cô giáo đi chuyến tàu của người em bà con của bà này ở Trà Vinh.
Ngày đi, chạng vạng chiều, từng nhóm nhỏ được mấy người tổ chức đón từ một số nhà tạm trốn quanh chợ Trà Vinh, đưa xuống tàu trót lọt, trong đó có nhóm bà thiếu tá Huỳnh, hai cô con gái và bà bạn cô giáo, xui xẻo đi sau cùng, chiếc xe lam chở nhóm thiếu tá Huỳnh, người chồng cô giáo bạn và ba người thanh niên khác, bị đám công an đi đâu đó về ngang chận xét hỏi, rồi đem về nhà tù tỉnh nhốt vì tội vượt biên, dưới bải biển, đêm xuống tối mịt, chờ cũng đã lâu, sợ bị bể, nên tàu lớn đành phải ra khơi, có người khóc có người than, có người lâm râm cầu nguyện, trời vẫn đen một màu đen rùng rợn. Hơn một ngày đêm ròng rã trên biển nước mênh mông, sườn phía hông tàu sau bị nứt, dây kéo máy bơm cũng bị đứt, máy nóng quá không chạy được nữa, tàu quay vòng loanh quanh, nhấp nhô hụp lặn, nước bắt đầu vô ngập các hầm khoan dưới, người lôi kéo nhau lên sàn, la hét, tàu bể ra, gần một trăm, ai nấy gào khóc, bám víu cái gì cứ bám để mà sống nhưng không ai biết sẽ kéo dài bao lâu giữa biển cả mênh mông, sóng phủ sóng chập chùng, từng người một xa nhau dần và trời lặng thinh, đâu đó chút mây tan, rớt xuống vài ba vạt ánh trăng thiểu nảo, cũng may, một số người chừng mười mấy, còn bập bềnh trên nước được chiếc tàu chở hàng lớn Nhật, trên đường từ Tân Gia Ba về ngang, cứu lên đưa về tạm trú ở Okinawa.
Sau gần ba tháng tù, nhờ có mớ giấy tờ giả, hai người, chồng cô giáo và thiếu tá Huỳnh được thả, về Sài Gòn thì căn nhà của ông đã bị tịch thu làm trụ sở ủy ban nhân dân phường, vợ con chưa biết đi đứng ra sao, không thể về quê cũ vì ở đó ai cũng biết ông, đầu đường xó chợ vài ngày, ông đành tìm tới nhà trung sĩ Thưởng ở bên Rạch Cát, người tài xế theo ông từ ngày còn ở tiểu đoàn, trung sĩ Thưởng cũng cùng đi với ông bỏ Tánh Linh, nhưng lạc mất nhau không biết khi nào, vợ chồng trung sĩ Thưởng mừng rơi nước mắt, một “ông thầy hai ông thầy”, vợ chồng nhờ “ăn chia ăn chịu” gì đó với đám phường khóm trong việc buôn bán chợ trời, trung sĩ Thưởng chạy chọt cho thiếu tá Huỳnh tạm có tên trong sổ hộ khẩu, cơm nước tuy không nhiều nhưng họ lo mọi thứ, không lâu, ông quyết định đi đạp xich lô, dù cho vợ chồng trung sĩ Thưởng cản ngăn ngày này qua ngày nọ.
Thiếu tá Huỳnh, ngưng ở đó, lấy khăn lau chút mồ hôi của nắng Sài Gòn vừa lên, nhìn mông lung, dường như muốn nói thêm nhưng lại thôi, ông nhìn Đạm chờ, cũng như ông, anh kể lại chuyện đêm chìm tàu và những ngày “ăn bờ ngủ bụi” sau ngày ở tù về, bổng dưng nhớ lại, Đạm chợt buột miệng hỏi “còn bà và hai cô”, thiếu tá Huỳnh bóp chặt hai bàn tay, nghiến môi “còn đâu nữa mà hỏi, chết giữa biển rồi”, hai người bật khóc, đám bộ đội mặt mày trắng bạch thiếu nắng, ngồi trên chiếc xe jeep cũ của cảnh sát VNCH chạy ngang qua, quay đầu lại nhìn, nói với nhau gì đó.
Những ngày sau đó, cứ hai ba hôm, chiều chiều, Đạm đạp xe đạp qua thăm thiếu tá Huỳnh bên Rạch Cát, gặp lại Đạm trung sĩ Thưởng mừng mà muốn khóc, nhắc hoài chuyện cũ, qua anh, Đạm mới biết là bà thiếu tá và Nhã Quyên, Nhã Tuyền đã chết ngoài biển đêm vượt biên, tin do người bạn cô giáo, viết thư cho chồng là người sĩ quan bị bắt và nhốt cùng khám ở Trà Vinh biết, bà là một trong mười mấy người được tàu hàng vớt đưa về Nhật. Đêm cuối tháng ba, gần sáu bảy tháng sau, Đạm đưa thiếu tá Huỳnh cùng gia đình anh trung sĩ Thưởng vượt biên, ngồi bên ông lần sau cùng, giọt cà phê cuối cùng không ai cạn, bỏ lửng, tiễn nhau hy vọng có ngày gặp lại đâu đó nếu trời còn thương.
***
Đạm không ngăn được nước mắt khi gặp lại thiếu tá Huỳnh ở chùa Quang Minh, hôm theo anh bạn tới đó ăn cơm chay cho biết, sau lễ cầu siêu, không hỏi Đạm cũng đã biết lý do, không ai ngờ được, mừng không biết là bao nhiêu, chuyện trước chuyện sau rưng rưng, cũng như lần hai người ngồi bên lề đường Phan Thanh Giản năm xưa, hỏi nhau nói nhau không hết, ông hiện sống một mình và ở cũng gần đây. Đạm đưa ông về, nhà ông ở là một căn vi la nhỏ trong dãy nhà chính phủ cất dành cho người già, ông ở thui thủi một mình, sống nhờ vào tiền trợ cấp, trong nhà trống trơn, chỉ có cái giường ngủ, cái tủ gỗ cũ nứt nẻ vài chỗ, cái bàn viết nhỏ kê bên cửa sổ ngó ra đường, ba bốn cái ghế ngồi, không cái nào giống cái nào, cũng rách bươm không thua bộ sa lông bằng vải đen bạc màu, dán băng keo đầu này đầu kia, chằng chịt, ngồi lõm xuống tận đáy và cái tủ lạnh nhỏ, đứng khiêm nhượng trong nhà bếp, trên đầu tủ, là bàn thờ nhỏ, tấm hình bà và hai cô con gái đen trắng để sau lưng cái ly làm lư hương, bên cạnh là bình bông đen, ít khi thấy hoa tươi, vậy đó, ông lặng lẽ ra vào, theo tháng ngày quanh quẩn, nhưng chưa thấy ông buồn và than phiền gì cả, thiếu tá Huỳnh, xuất thân từ sĩ quan thời Pháp, tiếng Pháp khỏi nói nhưng không nói được tiếng Anh nhiều, nhưng vẫn hỏi thăm hỏi lom được ông già Bill nhà bên cạnh bằng “ngôn ngữ tay chân” sáng nắng trong chiều mưa xám. Bạn bè, cựu sĩ quan có, bác sĩ dược sĩ có, công chức cũ có cũng đến thăm đôi ba lần, nhưng ai nấy còn lo phần mình, không thường trở lại, năm khi mười họa mới tạt ngang.
Tháng ngày sau đó, cũng đơn độc như ông, hể tới cuối tuần, thứ bảy chủ nhật là Đạm tới, nhà ông, so tuổi tác thì thiếu tá Huỳnh lớn như cha nhưng quen rồi, Đạm cứ gọi là anh, khi thì mang theo mớ đồ ăn mua ở chợ mình, khi thì đem bánh ngọt của ai đó ở chỗ làm cho đến, hai người chia nhau ăn chút cho vui, thỉnh thoảng cũng ra chợ ăn phở này phở kia, với chút tiền còn dư lại trong tuần, cứ như vậy anh em an ủi nhau, chia sẻ buồn vui ngọt bùi của đời người nơi xứ lạ, ngày thường, khi cần đi ngân hàng, bệnh viện hay văn phòng chính phủ về chuyện gì đó, ông gọi một tiếng, Đạm tạm bỏ sở làm, vài tiếng đồng hồ đến đưa ông đi làm ngay. Ông hút thuốc nhiều, Đạm không dám cản, còn gì khác hơn đâu, một hôm ông bị nghẽn tim, ngã quỵ trong nhà, xe cứu thương hụ còi chở ông vào bệnh viện, suốt mười ngày trong đó, chiều nào Đạm cũng vô thăm ở tới khuya, bệnh khỏi về lại nhà, ông bỏ thuốc, chưa xong lại phải trở vào vì cứ khó thở hoài, giờ sang qua tới phổi, cuối cùng, tim phổi được giải phẩu hai ba lần, thuốc uống cả chục thứ đủ loại mỗi ngày, trời còn thương, những lần tái khám sau đó, bác sĩ cho biết bệnh không còn đáng ngại nữa, ông xem ra khỏe và tươi tắn hơn trước. Chừng nửa năm sau, không biết ở đâu và làm thế nào, ông quen với cô Hương, góa chồng, người gá nghĩa vợ chồng với ông, cô có hai ba người con, đã lớn, đã lập gia đình ở riêng, cô còn đi làm ở một công ty may mặc đồ mẫu, không giàu nhưng tạm dư giả, Đạm mừng cho ông, ít ra cũng còn chút gì vui mà sống, ông không ở với cô mà vẫn ở nhà mình, đi về hai ba ngày trong tuần. Chuyện ông với cô Hương, Đạm chưa bao giờ nhắc tới, coi như biết rồi, chỉ có một lần, trưa chủ nhật, trời mưa lớn, bây giờ là những ngày lập đông, gió lạnh thật lạnh, loay hoay nấu mì ăn, Đạm vô ý hỏi sao ông không về ở trên đó với cô Hương cho khỏe, ông cười lắc đầu “dù sao trên đó cũng là nhà của người ta, nhà mình dù nghèo nhưng là của mình”.
***
Trời chớm thu, khắp nghĩa trang Altona, đường ngoài đường trong cây trở mình rụng lá, sáng chủ nhật, vắng người, đâu đó đôi ba con bướm lẻ bạn, ngập ngừng vờn quanh mấy chiếc lá rụng sớm, lả tả bay theo chiều gió hắt hiu, man mác lạnh, ngồi chờ người phụ trách việc chăm sóc mộ phần như đã có hẹn từ tuần trước, sau khi có sự đồng ý của ông giám đốc, Đạm đặt tấm hình chụp gia đình thiếu tá Huỳnh, tấm hình tìm ra được từ trong xấp hồ sơ bệnh tình của ông mà anh còn giữ, trên tấm mộ bia, giữa khoảnh cỏ, chết lặng. Phần giữa mộ được đào lên, trống một khoảng, cầm cái hủ đựng tro cốt thiếu tá Huỳnh lên đưa cho Đạm, người làm của nghĩa trang đứng thụt lùi lại phía sau chờ, Đạm xếp tấm hình bỏ vào, mân mê một hồi lâu rồi đặt xuống, người làm của nghĩa trang từ nãy giờ lẳng lặng chờ, giờ cũng lẳng lặng lấp đất lại, không nói tiếng nào, mặt buồn xo. Một chút nắng rực lên phía trên đồi, trời hâm hấp giữa trưa, người thăm mộ bắt đầu đông dần, có tiếng ai đó đọc kinh lâm râm và tiếng ai đó khóc nho nhỏ ở mấy hàng mộ gần bên, cắm bó hoa chi chit nhỏ vàng, không biết tên, mua từ sạp bán hoa ngoài cổng vào bình, nước mắt chảy dài xuống mặt, Đạm nghèn nghẹn khóc theo “thôi em về, hẹn anh lần tới, em nói cho anh nghe nhiều hơn chuyện em chưa kịp nói về cái tên Nhã Quyên”.

Đầu mùa thu 2017
Thuyên Huy
(Mượn chút phần đời của một người có thật, tình tiết, bối cảnh và những gì còn lại của truyện được viết bằng tưởng tượng.)