Có nhiều cách để học bơi. Cách của chúng tôi khám phá ra có vẻ dễ nhất.
Thường thường vào mùa nghỉ hè, bốn, năm đứa kéo nhau sang công viên Nguyễn
Du chơi. Công viên này ở tận bên Bình Đức, đi xe đạp cũng phải 20 phút từ xóm
của chúng tôi, phía bên chợ. Ở đây, chợ, không chỉ có nghĩa là nơi người ta tập
trung buôn bán mà bao gồm luôn nơi có đông dân cư, nơi có hai rạp hát, nơi có
bến xe đò. Và ở xóm chợ tôi có đám bạn cùng lứa tuổi, cùng sở thích…
Trời nắng chang chang vậy mà chẳng đứa nào đội nón cả. Thời này việc đội nón
chưa thịnh hành với chúng tôi, đám học trò lớp tư, lớp ba. Hình như thầy cô
cũng không hướng dẫn về việc này. Ấy vậy mà hay, không phải vướng bận thứ gì
trên đầu, trên cổ.
Cái nắng thì nhằm nhò gì, cùng lắm chỉ làm hung vàng mái tóc, sạm đen làn da
học trò. Trông khỏe hơn thôi. Cái khó khăn đôi khi làm nản lòng chiến sĩ là
phải đạp xe qua cầu Hoàng Diệu. Đạp một mình thì chẳng sao nhưng phải đèo theo
một thằng nữa thì đôi chân mỏi rời khi tới nơi; bắp đùi, bắp vế làm việc tối đa
mới làm hai cái bánh xe lăn lên dốc từ từ, mặc dầu cây cầu không cao chút nào.
Nhưng lên đến giữa cầu rồi thì kể như khỏe ru chỉ việc thả xuống dốc. Lên đến
giữa cầu thì nhận được phần thưởng ngay, đó là những ngọn gió mát từ dưới sông
thổi lên, đứng chừng chốc lát mồ hôi mồ kê bay hết, người lại khỏe ngay. Nghĩ
cũng ngộ, người ta thường phải quạt để gió làm lửa cháy trong lò, còn bây giờ
gió lại làm bay mất hơi nóng trên da thịt.
Đôi khi chúng tôi đứng trên cầu hơi lâu để tận hưởng phần thưởng này. Có cái
gì trong gió thổi trên cầu mà mát quá? Ở giữa cầu nhìn xuống, nước chảy chậm
rãi có lẽ còn chậm hơn tốc độ đạp xe của chúng tôi. Có lẽ nước chảy chậm để
khoe chút phù sa, những hồng huyết cầu mang sức sống cho giòng máu. Khi nước ròng,
ở cách chân cầu chừng nửa tầm nhìn, một khoảnh đất nhỏ chừng ba thước đường
kính, trồi lên mặt nước làm thành một cù lao, vào dịp Tết tha hồ mà ngắm nghía
cây trái, hoa quả đầy ghe thuyền được chở đến chợ ở cách đó chừng một cây số.
Cái cù lao này cách bờ, phía bên chợ, chừng khoảng 20 thước, nên thỉnh
thoảng cũng có người bơi ra đó chơi.
Một hôm anh em tôi cũng rủ nhau bơi ra cái cù lao này chơi. Không biết học ở
đâu mà thằng em, chỉ nhỏ hơn tôi một tuổi, bơi giỏi hơn tôi nhiều. Nó xung
phong bơi ra trước. Ra tới cù lao nó ngoắt tay ra dấu bảo tôi bơi ra. Tôi liền
nhảy xuống nước, bắt đầu bơi. Nước lạnh hơn tôi tưởng nhưng không sao em tôi đã
bơi ra tới nơi dễ dàng quá mà… vậy mà gần tới nơi tự nhiên người tôi cứ chìm
xuống, hết sức lực, tay chân quờ quạng mà chẳng xê dịch được chút nào. Thằng em
nhìn thấy, lanh trí liền bơi ra, sau khi qua sau lưng tôi nó lặn xuống mà đẩy
tôi đi tới từng chập và tôi cứ ráng sức bơi, chẳng mấy chốc đạp chân lên được
cái cù lao. Thoát chết.
Ở cái tuổi đó, từ lằn ranh cõi chết bước trở lại cõi sống, nói đúng hơn, bơi
trở lại cõi sống, sao tôi đã không cảm thấy sợ hãi chút nào. Người ta thường
nói đó là tuổi thơ dại nhưng không thấy thơ đâu cả. Chỉ có dại!
Nghỉ mệt xong chúng tôi bơi trở vô. Lần này tôi bơi trước và thằng em bơi
ngay sau lưng để có thể ra tay (lẫn chân) nghĩa hiệp cho kịp, may sao mọi
chuyện êm xuôi tôi bơi vào tới bờ an toàn. Thôi cứ kể như tôi được đậu vớt
(nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) kỳ thi bơi lội này vì từ ngày đó tôi bơi khá hơn.
Nhưng đây không phải là cách tôi học bơi.
Cách của tôi học bơi dễ hơn nhiều, trước đó mấy năm, ở bên công viên Nguyễn
Du.
Đây là công viên nằm sát bờ sông gồm mấy chục ghế đá, rải rác đây đó mấy
vườn hoa và đủ loại cây kiểng. Những ghế đá kê thẳng hàng sát mé sông như những
anh lính gác trong thế nghiêm. Cũng nhờ màu xám nhạt của chúng đã làm bớt đi
cái sặc sỡ của những vườn hoa và mấy cây kiểng xanh tươi. Nếu ai thích vẽ chắc
sẽ có được một bức tranh ấn tượng thật đẹp.
Cũng dọc mé sông phía bên kia công viên là hai sân tennis, không có cây cỏ
gì cả, một hình ảnh đối nghịch với bên này công viên. Thời này chơi tennis chỉ
có những người lớn tuổi, nhà giàu mà ngày thường còn bận rộn đi làm. Quả là
thời này giá cả đất đai còn quá rẻ, vì sân tennis thường bỏ trống.
Giữa công viên và sân tennis là một cái quán nhỏ, được cất gie ra mé sông.
Phía sau cái quán này là một hành lang mà bề dài chính là bề ngang của cái
quán, bề rộng chỉ chừng một thước đủ để người ta thoải mái đứng hóng gió hoặc
đứng nhìn ghe thuyền qua lại mà thả hồn trôi theo sóng nước. Để tránh cho người
ta lọt xuống sông, một lan can bằng cây, cao gần một thước được dựng lên đó.
Tuy vậy mấy thanh cây đóng dọc xuống khá thưa, cở trẻ nhỏ như chúng tôi đều
chui qua lọt. Ngó ra hướng sông, phía bên trái hành lang là ngõ thông ra công
viên và phía bên phải có cầu thang bắt xuống tận mặt sông, cách mặt hành lang
từ ba tới bốn thước tùy theo nước lớn, nước ròng. Có lẽ họ cất thêm chỗ này để
ghe thuyền có thể cặp vào, tuy là chúng tôi chưa bao giờ thấy chiếc nào cả.
Dù cho nước lớn, nước ròng
Thuyền không ghé lại, giữa dòng thuyền trôi…
Nhưng chính chỗ này là nơi chúng tôi thường tới chơi, không phải để hóng gió
mà để chơi nước. Cách chơi này không hiểu đứa nào bày ra nhưng lúc nào qua đây
chúng tôi cũng làm. Ba hay bốn đứa xuống dưới cầu thang, trèo qua mấy cái đà
ngang và ôm vào mấy cái cột, chờ một thằng từ trên hành lang nhảy xuống. Khi
nghe cái “bùm” là cả bọn thò tay ra lôi vô. Có khi chụp trật hay chưa kịp thì
đứa nhảy xuống ráng mà quạt hai tay, hai chân để cố trôi vào ôm mấy cái cột. Có
khi nước chảy xiết, loay hoay một lúc mới vô được sau khi uống một bụng nước.
Có khi hai thằng ở trong nắm tay, nắm chân, nối người ra để có thể vói xa hơn
mà kéo thằng vừa nhảy xuống vào vì quá một tầm tay. Sau đó là tới phiên một
thằng khác nhảy xuống.
Không đứa nào biết bơi nhưng không đứa nào chết đuối. Riết rồi cũng biết
bơi. Dễ không? Đó là cách tôi học bơi.
Sau này nếu trong đám chúng tôi có đứa nào đi lính nhảy dù thì chắc vì còn
mê say cái trò chơi này.
Nếu bây giờ trở lại được thời này, không biết tôi có còn học bơi kiểu như
vầy nữa không? Nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn không tìm được câu trả lời thật sự cho
chính mình. Thì ra sự giằng co giữa trí khôn và niềm đam mê vẫn bất phân thắng
bại.
Trần Thụ Ân
8/2019