14 September 2019

HAI MƯƠI LĂM NĂM TÌM LẠI HƯƠNG XƯA - Trần Huy Sao


Đôi hia ngàn dặm…
Nhìn tấm ảnh này, bỗng dưng tha thiết, muốn viết đôi dòng cho thỏa. Bởi vì, tháng 7, có liên quan tới giày, dép…
Hình tượng chung: mang giày, xỏ dép là để chuẩn bị đi còn như nếu cởi giày bỏ dép là thôi, không đi nữa…
Tháng 7, hai-mươi-lăm-năm trước, mang giày xỏ dép để ra đi, chuyến đi dài hơn nửa cuộc đời. Và còn đi, đi mãi…

Đôi giày, đôi dép của một thời vượt đoạn đường dài qua sông qua núi qua đồi qua biển lớn nay đã lạc loài bơ vơ mất dấu, tìm không thấy nữa!
Đã cất công tìm hoài mà không hề thấy trong mớ đồ bề bộn xếp xó garage (để chờ garage sale!!!). Nhưng nếu cố tình nhìn ngó lại thì còn thấy, còn mường tượng đâu đây, và cả hình dung được bụi đất quê nhà còn bám víu đế giày, đế dép suốt chặng đường quá giang.

Hai-mười-lăm-năm qua vùng đất mới cứ mãi lo chuyện áo cơm đời để vươn lên như tuồng cây cỏ giữa trời cao đất lạ nghiệt ngã khí hậu nắng gió trở mùa, thổ ngơi Đông Đoài khác biệt.
Nay, nhìn lại, những đôi giày đôi dép tự nhiên nghe nặng nhẹ nhớ thương ngậm ngùi…
Đông đảo, ngổn ngang giày dép không có nghĩa (cởi giày bỏ dép) là thôi, là không đi nữa.
Vẫn đi. Vẫn còn cứ đi!
Dẫu là đi vào chốn đông vui của một ngày (cuối tuần thư giản, hay là dịp lễ hội ở quê người) họp mặt bạn bè, người thân, người sơ, người xả giao công việc làm… Đại khái là những người cô đơn không còn có quê hương chỉ còn có người cùng quê hương…
Cởi giày bỏ dép ở xứ người không phải là thôi, là không đi nữa. Vẫn đi. Đi cho tận cuối cuộc đời.
Đứng lại, không đi, là thua cuộc.
Nay, bất chợt, nhìn ngó đôi giày đôi dép trong hình thấy vẻ dáng hàng hiệu tân kỳ. Ngậm ngùi nhớ lại mà thương một thời lê dép (mòn) chốn quê nhà.
Đôi giày ngày nào không còn thấy!
Giờ, chỉ thấy, đôi giày (mới) của mình nằm riêng lẻ ở cuối hàng.
Một đôi giày cô đơn hay là chưa quen hội nhập!
Một đôi giày da chính hiệu ôm chầm đôi chân quê!
Hay là một đôi giày cố gìn giữ đôi bàn chân đã mỏi!!!
Hai-mươi-lăm-năm!
Thoáng chốc đã là tre tàn măng mọc!!!!
Tháng tám bâng khuâng
Vẫn, hiên trước, ngồi một mình nỗi nhớ.
Sợ vô nhà lại, tránh mà vẫn cứ quen, nhìn rộng rinh trống vắng… Biết là nỗi nhớ rồi sẽ nguôi. Trống vắng rồi sẽ quen. Nhưng tới bao giờ rồi sẽ nguôi rồi quen đây? Không biết tới bao giờ!
Hôm qua tình cờ gặp anh Th… Anh vỗ vai tôi, cười:
– Anh thường vô trang nhà của chú. Bài thơ Tháng Bảy Chỉ Còn Thơ Ở Lại, tâm trạng quá mạng luôn. Chia mừng nghe. Mừng là mừng chú buồn hơi ít đó. Gặp anh, buồn rũ rượi luông tuồng…
Tôi thoáng ngỡ ngàng, anh lại vội vuốt vai tôi:
– Mừng là chú còn phong độ ngày nào, chưa nhão nhoẹt. Hồi xưa anh thường cứ tuyên bố là nỗi buồn đàn ông cứ giú kín rồi chảy ngược trong lòng chớ có bày hàng chi cho…ốt dột. Nay thì anh phá mồi bữa nhậu, nói ngược mà cũng nói thiệt lòng mình. Nỗi buồn đàn ông cứ như bom rải thảm, không có vùng da beo da cọp chi trơn…
Tôi ngỡ ngàng nhìn anh. Lâu lắm rồi gặp nhau, e dạo này anh có điều chi bất ổn! Thấy anh cười hiểu ý, vỗ vỗ vai tôi:
– Chú lại nghĩ ngợi xa hơn anh rồi! Anh tới chặng đường này, vẫn bình thường, không bất thường tai ương không có vấn đề gì đâu, chú đừng ngại. Có muốn anh nói rõ hơn không? Hay lại cứ như ngày xưa, cãi chày cãi cối…
Tôi giật mình nhớ lại. Hồi xưa, là hồi còn trai trẻ, anh em gặp nhau vẫn cứ trái ngược nhiều vấn đề trong cuộc sống. Anh, tự bên trong, rất điềm đạm chính chắn. Bề ngoài thì rất xã giao, vui tính, khôi hài.
Con cắc kè hóa màu xanh đỏ tím vàng theo từng hoàn cảnh sống không phải vì lòng dối trá lươn lẹo mà vì cuộc mưu sinh thoát hiểm.
Anh theo dòng đời đổi trắng thay đen nên chi cũng khi là trắng có lúc là đen để tồn tại sự hiện hữu của mình. Nguyên lý nhị nguyên có đen thì có trắng, có tìm thì gặp, có đi thì có đến…
Anh đạt tình thấu lý nhân sinh qua trải nghiệm cuộc đời.
Tôi hồi đó như ngựa non háu đá như cá chưa tới thời đã muốn vượt vũ môn…
Đời có dạy cho dại khôn nhiều hơn chút nhưng vẫn chưa thấy mình trường trải. Vẫn dạ (thì không còn) non mà lòng (thì e chừng đã) yếu…
Nghe anh nói:
– Ngày nào mình vẫn còn phong độ và nhiều hoài bão, chuyện buồn vui cuộc sống như nắng, mưa qua thường tình. Nỗi buồn, hồi đó, giú trong lòng. Chỉ có tiếng cười là hào sảng. Nay thì mãnh long quá giang ngó lại mình đã, hồi nào không biết, cứ nhừ nhuyễn câu lực bất tòng tâm. Đời luống tuổi về chiều dễ cảm lạnh phong hàn. Có muốn gượng gạo vớt vát chút ngày xưa mà đâu còn có được..
Là anh đang nói gì đây, tôi chưa hiểu.
Thấy tôi có vẻ ngớ ngẩn, anh vuốt lưng tôi, cười, nụ cười giống thời xưa:
– Cứ thư giản lòng mình theo cảm tính chớ đè nén, giữ gìn làm chi. Tuổi tụi mình đang ở khoảng thời gian oanh kích tự do không giới hạn. Buồn thì cứ thiệt là buồn, vui thì cứ thiệt là vui sẽ thấy lòng thơ thới hơn. Thôi, chú về đi. Về mà ngồi một góc hiên trăng phơi trải nỗi buồn cùng cá cảnh lá hoa thoải mái cho khuây khỏa lòng mình. Con cái giờ lớn rồi, có đời sống riêng, tự do thoải mái riêng không ưng chú chen ngang vô giành lại ngày xưa đâu…
Tới đây thì tôi hiểu. Ngỏ ý mời anh cùng tới một quán cà phê gần nhất, hai anh em ngồi tâm sự lâu ngày gặp lại. Anh lắc đầu:
– Thôi, bỏ đi. Nói thiệt với chú, bây giờ tôi đang vui mà chú thì ngó bộ dạng đang buồn. Ngồi uống cà phê tâm sự thì chẳng khác chi nói chuyện tào lao, uổng phí thời giờ. Cái thằng đang có tâm trạng vui mà tâm sự chia xẻ với thằng có tâm sự buồn thì chẳng qua lời tâm sự cũng chỉ là lời giả ngôn, nói chỉ để cho qua lời nói. Chẳng khác chi ăn hamburger, thay vì thêm chút mặn ketchup, lại chấm nước mắm quê nhà cho đồng điệu tình quê! Thôi, chú về đi. Anh cũng đi về. Bữa khác nghe.
Anh lên xe, rồ máy, lả lướt một đường “de”, khựng một chút, rồi rấn tới nhẹ nhàng. Thiệt đúng là tâm trạng đang vui, lái xe cũng thấy thiệt là gọn, nhẹ.
Tôi trở về, lại góc hiên trăng chiều mây vần vũ để chiêm nghiệm lời anh, tuy có mích-lòng-nhau, nhưng mà đúng.
Cứ một mình trầm tư để tha hồ buồn nhớ. Dẫu nỗi buồn có rơi rớt quanh nhà xưa một thời đông vui đầm ấm thì đừng lượm lên nhìn ngó chi ưu phiền.
Còn nữa, vẫn còn có thêm một nửa của mình cùng chung chia góp-vốn-với-mình, thành ra hai- mình, sớm hôm chung chịu.
Vậy là đâu chỉ có mình một mình. Đang còn có hai mình chiều (như mọi chiều) ngồi mát hiên trăng bữa cơm thanh đạm rau (không cỏ, không rác) vườn nhà. Món bánh-tráng-cuốn tôm thịt quê xa chấm nước mắm mặn-chua-ngọt dáng vẻ quê nhà. Lâu lâu đổi món nhớ quê hương: mắm tôm, rau, thịt ba rọi. Đại khái nỗi buồn chia đều nhau nỗi nhớ. Vậy thôi…
Đêm (nhiều quá là nhiều) đêm ngồi dưới hiên trăng làm (ủa,sao không gọi là viết!) Thơ, viết (ý,sao không gọi là làm!) Văn tả cảnh, tả tình. Nói chung, là ghi lại những mẫu chuyện rất đời thường…
Cám ơn anh, trước giờ từng coi nhau như là bạn, râu ria xồm xoàm nói năng bộc trực (giành uống ghé thêm cà phê Starbuck), nhắc khéo nỗi buồn, mới nên nổi ngẫu hứng tập-làm-văn câu chữ thành bài viết ThángTám Bâng Khuâng.
Vậy là như anh nói…
Không có chi lớn lao. Không có chi nhỏ xíu. Chỉ là tại mình to huyênh hoang nhỏ thầm thì mới bày rách việc đó thôi…
Hóa ra là buồn ơi chào mi… Mrs. Francoise Sagan… bonjour tristesse…
Xóm nghèo nỗi nhớ Trăng
Tôi nhớ, rất nhớ, dù đã bao năm xa nhà xa quê xa những đêm trăng vàng mượt xóm quê nghèo.
Quê tôi Đà Lạt nhưng gốc ngọn chôn-nhau-cắt-rốn là xóm nghèo Đa Cát. Xóm Đa Cát liên lụy cận thân với xóm Đa Thuận, xóm Đa Trung. Ba Xóm gộp chung lại gọi là Đệ Nhị phường, sau này nữa đổi là Phường 6.
Hồi tôi răng sún trọc đầu trải nắng đầm mưa chân dẫm bùn quen thân với đất thì nghe gọi là xóm đình Đa Cát, xóm đình Đa Thuận, xóm đình Đa Trung bởi vì ở Xóm nào cũng có một ngôi Đình riêng.
Khi lớn trộng thêm một chút thì không còn nghe chữ Đình, chỉ đơn thân độc mả chữ Xóm. Rồi lớn thêm hơn thì lại nghe ra là chữ Khóm!
Danh xưng theo thời thế, đổi thay dù cuộc đất và con người vẫn không thay đổi.
Hồi xửa hồi xưa, khi tôi chưa ra đời hay ra đời rồi mà còn quá nhỏ, gọi là Thôn Đa Cát.
Nghe tiếng Thôn, tôi nuột cả lòng bởi thiệt quá thân tình đầm ấm. Sau, nghe tiếng Xóm, coi như cũng còn não lòng dù sao cũng tình Làng nghĩa Xóm. Tới thời nghe tiếng Khóm thì thiệt là lạc hồn quê, bởi đã đi vào thời hiện đại ngó nhau mà không thấy nhau, chỉ thấy trời cao đất rộng vượt ranh qua khỏi lũy tre làng. Là thời kỳ đổi mới, con người cũng đổi mới luôn!

Nhắc tới chữ Thôn lại nhớ thiết tha đến mũi lòng khi nghe bài hát “Nắng Chiều” của ông Lê Trọng Nguyễn:
“khi đến cuối Thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa…”

Ông thì về tới Thôn nhớ chỉ một người xưa còn tôi khi nghe bài hát này cũng nhớ Thôn xưa, nhớ những người xưa đã gắn bó đời sống nắng mưa (ở quê tôi, nắng thì chỉ đủ vừa vừa sưởi ấm, mưa thì bùn trơn nhão đi trên những con đường đất phải bấm mấy ngón chân cho không trơn trượt).
Hai nỗi nhớ cùng gặp nhau khi trở về Thôn cũ. Tôi, có về Thôn cũ, nhớ sao là nhớ những người ngày xưa. Ông về Thôn cũ, nhớ sao là nhớ tới người ngày xưa. Đến nỗi chân bước không hồn!
Những người ngày xưa của tôi buồn vui lẫn lộn trong cuộc sống đời thường. Người ngày xưa của ông, sao mà dịu hiền, thiệt tình tôi cũng ghé lòng yêu:

“Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi …”

Tôi thiệt không giấu, quá lòng yêu người con gái có cái nết dịu hiền, đến nỗi nắng chiều cũng phải ngừng trôi.
Có không, có người em gái dịu hiền như vậy không? Hay là ông đang nhớ người em gái dịu hiền, nhớ, nỗi nhớ thiết tha đến nỗi nắng chiều phải ngừng trôi! Dù thế nào chăng nữa, cũng phải nhận biết là cái nét dịu hiền của người phụ nữ, đá cũng phải mềm nói chi tới trái tim của người nam tử!
Đi lòng vòng ra khỏi Thôn rồi! Quày trở lại thôi! Để ngắm vầng Trăng xưa, nhớ những người xưa một thời đã thành câu chuyện kể. Ngày xưa…

Có những đêm Trăng rượt-bắt-cứu-tù
Thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ
Thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ
Nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè…

Những hình ảnh đó chỉ còn thấy trong hoài niệm, trong Thơ chớ có thấy đâu nữa rồi, ngày tháng cũ! Ngôi Đình bề thế đã không còn. Những người xưa đã lang bạt tha hương đã yên ngủ rồi!
Lớp tuổi tôi, coi như là lớp trẻ hồi đó, còn nhận diện tháng ngày xưa thì cũng đã có đứa ra đi, có đứa còn ở lại chờ chuyến xe sau!
Đã là tri thiên mệnh… Buổi đêm nay ngồi Hiên Trăng ngắm Trăng mà rưng rưng nhớ… Nhớ Xóm nghèo qua dâu bể tang thương đã mất dấu yêu xưa. Người xa lạ đâu về chen lấn… Xóm Đình xưa, người ngày xưa đã lạc dòng dâu bể…
Chuyện Xóm Làng khi ở gần gụi sớm hôm thì thấy bình thường như cơm ngày ba bữa nhưng khi xa thì thấy in như là ba bữa cũng chưa đủ no. No cái bụng khác với no cái lòng.

Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người yêu 
(ca dao)

Nếu hiểu đói lòng là đói bụng mà ăn chỉ nửa trái sim thì còn lâu mới no. Khát hạn mà chỉ cầm chừng lưng bát nước thì còn lâu mới đã khát. Tìm người yêu kiểu cách như vầy không khéo khi gặp được, chưa kịp tay nắm chưa kịp miệng cười, đã cơ hồ vì còn đói vì còn khát mà không chừng, xỉu. Với nửa trái sim với lưng bát nước thì lấy sức tình đâu mà bươn chải chặng đường tìm kiếm người yêu!
Chỉ là kiểu cách ví von cho giòn thơm chuyện tình yêu trai gái để nửa trái sim còn lại và lưng bát nước còn lại phải ngỡ ngàng. Hay là là nửa trái sim và lưng bát nước không đành ăn không đành uống, mà chỉ để dành cho người yêu! Người thiệt tình yêu…
Chuyện này thì chỉ những người yêu nhau mới tỏ tường. Cái bụng với cái lòng cứ mãi lòng vòng làm rối cái dạ. Thôi thì thôi! Cứ để cái bụng yên tâm lo cơm ngày ba bữa. Còn cái lòng cái dạ xin để buổi nhàn cư! Bụng đói cơm. Lòng dạ đói hoài niệm.
Ngày qua vùng Đất Hứa, cái bụng không còn là vấn đề nan giải. Chỉ còn có chút vướng vì cái bụng thì no (tới to). Cái lòng thì đói. Thêm cái dạ cứ hoài chưa no. Mà no chi nổi!
Mảnh đất chôn nhau cắt rốn khi xa đi ai mà không nhớ. Có nỗi nhớ da diết. Có nỗi nhớ thi thoảng. Nói chung là có nhớ.
Cuộc sống trên đất-người-đất-quê-xa-đất-hứa vốn không dễ dàng thanh thản để có thời giờ thương nhớ bởi suốt ngày tất bật chuyện áo cơm tranh sống. Vật chất hưởng thụ đầy đủ tới mức dư thừa nhưng nếu không “tay làm hàm nhai” như ông bà xưa từng nói thì khó mà nhớ mà thương khi cái bụng trống không. Cái bụng mà trống không thì cái lòng cái dạ cũng Đông Tây lạc lối.
Do lẽ đó, và vì vậy, nỗi nhớ chỉ đong đầy sau mấy ngày cày bừa tất bật có được hai ngày nhàn cư cuối tuần để bạn bè, bà con, con (giờ thêm cháu) gặp nhau (chỉ) ăn uống chuyện trò nhắc nhớ chuyện ngày xưa, làng xóm xưa. Và thương nhớ!
Khi ngồi một mình côi cút (với điều kiện là đang có công ăn (no) việc làm (tàm tạm đủ sống) nhìn mây bay, nhìn Trăng lên, nhìn mưa rớt hột, nhìn ngó lung tung mà nhớ mà thương. Cứ nhớ, cứ thương, thoải mái.
Còn như đang lúc xất bất xang bang lang thang thất nghiệp thì nỗi nhớ niềm thương, chắc chắn là không, hay nếu có, xin cứ dành lại sau buổi phỏng vấn kiếm việc làm. Nếu như mà không, hay nói chữ nghĩa nước người là say No, thì thương thương nhớ nhớ gì gì đó xin để dành cho dịp nào, nếu có, thêm một lần phỏng vấn nữa!
Có thực mới vực được Đạo. Phú quý sinh lễ nghỉa. Người xưa có nói rồi, quên sao!
Lòng thương nỗi nhớ cứ như dề lục bình trôi sông chưa biết tới khúc nào để yên bề, bám trụ!
Thời buổi kinh tế khó khăn…
Tháng, năm, mùa nắng nổi, gió nổi… Cái nắng hanh se nóng rớt nóng hiên nhà dù đã là buổi chiều, sau một ngày cày bừa giả bữa áo cơm. Ngồi nhìn ngắm bâng quơ mây trời bay tản mạn về hướng núi. Bên kia núi mịt mờ xanh thẳm là chốn quê hương. Nơi chốn một thời bỏ lòng bỏ dạ tới ray rức không đành xa.
Vậy mà đành xa… Vậy là bỏ lại bao nhiêu nhớ theo ngày theo tháng theo năm.
Vụng dại lắm cũng không quên được những buổi chiều khói bếp lan tỏa mọi nhà. Bữa cơm rau dưa đạm bạc có nhau. Năm, tháng đậm đà tình Làng nghĩa Xóm.
Tôi lớn lên từ nồi cơm đun củi lọ nghẹ đen ngòm. Miếng cháy cuối nồi giòn tan rưới lên chút mỡ, chan sương sương chút nước-mắm-tỉn mà cắn mà nhai rau ráu… Chén cơm gạo mới có mắm-nêm-ghém-rau và đầy một bụm, nhai ngồm ngoàm nghe hương mùi biển mặn, nghe hương đất xóm quê quyện lẫn mùi thơm rau.
Sau này, khi lớn lên xa Xóm Làng, theo đời đưa đẩy, theo cuộc chiến dằng dai gót giày saut ngược xuôi mọi nẻo đường đất nước. Vẫn cứ nhớ cứ thèm hương thơm ngày thơ và niên thiếu ở Xóm Làng quê…
Nay, dâu bể tang thương quá nửa địa cầu, chân bước đi xa, dặm ngàn núi sông cách trở! Mùi hương Xóm Làng quê vẫn còn thơm lựng mỗi khi nhớ về!
Miếng cháy giòn, chén cơm mặn mòi hương mắm hương rau vẫn canh cánh bên lòng. Con đường xưa, góc sân nhà cũ, chuyện Xóm Làng trải nắng đầm mưa vẫn còn in dáng y nguyên trong hoài niệm…
Người Xóm cũ ra đi kể ra cũng khá nhiều nhưng gặp lại nhau, mấy khi, gặp lại!
Một lần có gặp anh Đá, Huỳnh Đình Đá, người cùng xóm quê nhân buổi họp mặt Hội Đàlạt. Anh em, gặp lại nhau. Tâm sự đầy vơi chưa hết chuyện quê nhà thì, vài tháng sau đó, anh đã vội vã đi, đi khỏi cuộc đời không bao giờ quày trở lại.
Một lần gặp lại chị Tư (con bà Côn) ở sát cạnh nhà. Chuyện Xóm quê cũng đang dang dở thì chị đã mất tăm. Mấy lần Hội họp mặt thường niên là mấy lần tìm về để mong gặp chị. Vẫn hoài không gặp! Nếu có một dịp tình cờ nào đó, chị đọc những dòng chữ này, xin nhớ liên lạc để chị em mình còn gặp lại nhau.
Và nhiều, rất nhiều, gặp lại người xóm cũ, nhưng chỉ qua email. Nguyên nhân gặp là tình cờ đọc được một (hay vài) bài Thơ, Truyện trên web viết về Xóm quê của mình. Vào google, đánh tên tác giả, search một cái nhẹ hều là tìm ra tác giả và địa chỉ điện thư liên lạc. Lại có dịp tâm sự đầy vơi.
Đa phần là đã xa quê, ít phần còn ở lại quê nhà nhưng không còn nương Xóm cũ. Nói chung, đã lưu lạc phong trần.
Xóm quê, người xóm quê, đã theo đời dâu bể!

Trần Huy Sao
viết dưới hiên trăng hai-mươi-lăm năm xa quê…