1.
Ông Tùng ngồi bó gối trên chiếc ghế cạnh phích nước lọc, bên
mâm cơm dọn riêng cho ông, nhìn đám sinh viên lao nhao chạy từ lầu hai xuống
sau tiếng hô lớn “cơm nghen!”của cô hai An, vợ ông. Hai bàn ăn tròn, mỗi bàn
tám chỗ ngồi, đã đầy thức ăn, đũa muỗng... hai chồng dĩa đặt cạnh hai nồi cơm lớn.
Mỗi người tự xới phần cơm của mình vào dĩa và ngồi vào bàn, họ vừa ăn vừa nói
chuyện vui vẻ. Cảnh này gần như quen thuộc vì ngày hai bữa được lập đi lập lại
như thế từ hơn mười năm nay.
Cơ ngơi của ông là một phố lầu ngay tại mặt tiền, hơn sáu
mét bề ngang, sâu gần hai mươi mét trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Tầng
dưới, phía trước là một tiệm may y phục phụ nữ nhỏ, phía trong là giang sơn của
ông Tùng với ngổn ngang máy móc của một cửa hàng chuyên sửa radio, như bảng hiệu
trước mặt tiền: “Nova Radio, chuyên sửa radio”; phần trong cùng, rộng nhất, là
của cô hai An, cũng là nhà bếp, nhà tắm và trăm thứ linh tinh khác của một căn
nhà.
2.
Ông Tùng là một người trung niên có dáng của một người đàn
ông thô kệch: chân khập khiểng, lưng khòm và mắt hơi lé; những lệch lạc về cơ
thể trên người ông là do việc làm trong nghề sửa radio của ông, trừ đôi chân
cao thấp không bằng nhau là do dị tật bẩm sinh. Thời đó chưa có transitor, còn
chạy bằng đèn điện tử, radio cái nào cũng to đùng, bề ngang năm bảy tấc, cao bốn
năm tấc; và nặng trịch. Loại này mỗi lần mở lên, máy phải nóng, mắt thần xanh
lè ở trước chập lại rồi mới có thể rà đài. Ông và một người thợ học việc, cũng
là em vợ ông, làm ở đó, với một quạt trần và một quạt để bàn mở hết tốc lực
cũng không xua hết được cái nóng do mấy bóng đèn điện tử tỏa ra trong căn phòng
không thông gió.
Vóc dáng thô kệch, khắc khổ lạnh lùng, ông lại là người ít
nói. Với giọng Quảng Trị, tuy không quá nặng như những người cùng quê vì ông
vào Sài Gòn làm ăn từ lâu, nhưng đôi khi cũng chen những tiếng địa phương nghe
không hiểu. Ông lại bị nói lắp nên gần như ông chỉ nói khi cần giao tiếp với
khách hàng. Cũng không thấy ông cười thành tiếng, có gì vui lắm ông chỉ nhếch
mép, mặt hơi có vẻ giãn ra một ít. Người ta cũng không mấy khi nghe ông to tiếng
với ai, chỉ thỉnh thoảng với người em vợ phụ và học việc khi không làm đúng ý
ông. Y phục của ông cũng có vẻ lạnh lùng như ông, quần kaki vàng, áo thun ba lỗ
khi đang làm việc... có khách hay đi đâu ra ngoài, ông mặc thêm chiếc sơ mi trắng
ngắn tay, không thấy ông có những y phục cầu kỳ nào khác!
Nhưng ông Tùng lại là một chuyên gia rành nghề về radio, lại
là người làm ăn thành thật, đúng hẹn và lương thiện trong việc tính tiền công
và linh kiện thay ráp, lại có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình nên
khách hàng của ông luôn tin cậy; quanh năm, không lúc nào ông ngồi không vì thiếu
việc. Ông học nghề hết năm năm từ lúc ông rời bỏ làng quê khô cằn vào Sài Gòn từ
năm mười lăm tuổi. Bây giờ tuổi đã ngoài bốn mươi, có cơ ngơi, việc làm vững chắc,
tiền bạc không thiếu, nhưng có lẽ đã quen với lối sống lúc còn ở làng quê nghèo
khó, ông sống khắc khổ như một thầy tu. Bữa cơm không bao giờ quá hai món, trên
hai dĩa nhỏ bằng nắm tay, một món mặn và một chút rau luộc; cơm không quá hai
chén, buổi tối có thêm ly rượu thuốc nhỏ. Ông bảo “người ta ăn để sống, chớ
không phải sống để ăn.” Người ta không thấy ông đi xem hát, ăn nhậu la cà, cũng
không thấy ông có những thú vui giải trí nào. Có lẽ hai nguồn vui đơn giản của
ông là cà phê và thuốc lá, sáng một ly cà phê nhỏ không đường, cả ngày dùng cà
phê đá để giải khát trong cái không khí tù túng nóng bức của căn phòng sửa
radio, còn thuốc lá, ông hút Bastos đỏ, thứ rẻ tiền và nặng, mỗi lần ông mua cả
cây, hết mua thêm, không bao giờ thiếu; thuốc thơm khách mời, ông để đó cho em
vợ học việc với ông.
3.
Ngược lại, cô hai An lại là người đàn bà thanh tú, có đủ hết
cái quyến rũ, mặn mà và nẩy nở của một người đàn bà có chồng, tuổi mới ngoài ba
mươi với nước da trắng hồng, giọng nói thanh, nhẹ và ướt rượt của Nam bộ. Người
ta thường nói “người đẹp vì lụa,” nhưng với cô hai, không quá đơn giản như ông
chồng, cô mặc gì trông cũng đẹp, dù chỉ là bộ bà ba giản dị hàng ngày. Không
son phấn gì nhiều, cô vẫn đẹp tự nhiên. Nhưng những lúc cô dự tiệc, hay đi đâu
có việc quan trọng, với áo dài, dây chuyền vàng mặt cẩm thạch hợp với vòng tay
xanh bóng với chút phấn hồng trên má, người ta không nhận ra được cô là con gái
ruộng ở Gò Công Đông gần hai mươi năm về trước.
Cô là người đàn bà đảm đang, nấu cơm tháng cho học sinh,
sinh viên và công tư chức, có người ăn ở đó, có người xách mang về. Trong nhà
lúc nào cũng có hơn một tá người ở trọ, nam ở lầu trước, một phần nằm ngay phía
trên phòng sửa radio của ông Tùng, nữ chiếm một gác nhỏ phía sau , sau một hành
lang hẹp cũng là ranh giới của hai phái. Giang sơn của cô là phần nhà sau, mỗi
sáng cô tính toán rồi đi chợ lo cơm nước cho non ba mươi người, vừa cho đám thợ
may của cô út Túc, em cô Hai, ở phía trước, vừa cho số người ăn cơm tháng, vừa
cho người trong gia đình; phụ giúp cho cô là người em dâu và một người đàn bà đứng
tuổi. Lợi tức mang về do việc nấu cơm tháng và cho ở trọ không phải nhỏ, dù hầu
hết người ở trọ là học sinh, sinh viên ở tỉnh về Sài Gòn học, nên giá cả cô
tính không quá cao. Tính ra nguồn thu nhập này trang trải mọi chi phí hàng
tháng trong nhà và cô vẫn còn dư chút đỉnh.
Cô là người bặt thiệp, niềm nở và khả ái với mọi người, nụ
cười lúc nào cũng ở trên môi. Gần cô ai cũng mến và có cảm tình. Với đám sinh
viên ăn ở trọ, cô xem như em cháu, có gì không phải, cô cũng rầy la khuyên giải
như người thân, ngược lại, họ cũng coi cô như người cô, người chị của mình. Có
người tới tháng chưa có tiền trả tiền nhà, tiền cơm vì gia đình chưa gửi vào kịp,
nói với cô một tiếng, cô vui vẻ chấp nhận cho triển hạn, không một lời khó dễ.
Nam sinh viên, cô còn dễ dãi chút ít, đi sớm về khuya không sao, với nữ, cô đặt
điều kiện rõ ràng với người giới thiệu hay cha mẹ khi mới vào: không ăn cơm tối
phải báo trước và không được về nhà trễ hơn mười giờ tối; không nhận hai điều
kiện này, xin kiếm chỗ khác. Cô cũng không quá tham, khi không còn chỗ trống,
cô không cố nhận thêm, dù chịu trả cao hơn. Nói vậy chớ chỗ cô cho ở trọ ít khi
còn chỗ trống, dư chỗ là có người đến trám ngay.
Khác với lối sống khắc kỷ của chồng, cô cũng biết tiêu xài,
dù không có gì quá hoang phí. Thú vui của cô, như bao người đàn bà trung lưu
nam bộ khác là thích coi cải lương và mua sắm, thỉnh thoảng cũng gầy sòng tứ sắc
với chị em, nhưng cũng với chừng mực, chơi một hai chến thì thôi, dù ăn hay
thua. Hè đến, khi sinh viên ở trọ về quê nghỉ hè, cô cũng tự thưởng cho mình
vài ngày vắng nhà, khi thì về Gò Công thăm bà con, khi cùng vài chị em bạn đi
Vũng Tàu, Đà Lạt hay Nha Trang. Cũng có lúc cô mua sắm nữ trang, tuy không phải
là loại hiếm quí nhưng cũng đủ chưng diện với chị em khi có tiệc tùng đình đám.
Lạ một điều hai vợ chồng khác nhau như nước với lửa, nhưng
không ai thấy hai người to tiếng cãi lộn. Một phần, ông Tùng ít nói, phần khác
do cô hai mềm mỏng. Có lẽ cũng do ông thương người vợ trẻ hơn ông cả chục tuổi,
lại đẹp người, đẹp nết nên dù không tham dự gì vào sinh hoạt của vợ, ông cũng
không phản đối, gần như mặc nhiên nhận rằng, cô hai có quyền được thụ hưởng
thành quả do công sức cô tạo ra. Ông không tham dự vì bản tính ông khắc khổ
không thích ăn chơi. Ông Trời khéo ghép hai người có bản chất trái ngược vào
nhau mà không biết có phải nhờ vậy mà người này bổ khuyết phần nào cái khiếm
khuyết của người kia hay không.
Từ hai năm nay, ông Tùng đồng ý với vợ, cho cô út Túc và vợ
chồng cậu tư Nhàn, em cô Hai, về ở chung. Cô út mở tiệm may nhỏ ở phía trước,
và cho cậu tư học nghề sửa radio với ông, ông cũng nuôi hai đứa cháu kêu ông bằng
chú vì ông và cô hai sống với nhau gần hai mươi năm mà không có mụn con nào.
Lương duyên của hai người không biết bắt đầu thế nào, nhưng
xem chừng cô Hai vẫn một lòng lo cho ông Tùng, quần áo ông, do chính cô giặt, ủi
xếp cẩn thận vào tủ, bữa ăn của ông do chính tay cô dọn, lúc đó công việc bếp
núc cũng không còn gì nhiều, cô thường ngồi cạnh khi ông ăn cơm, nói chuyện
linh tinh trong nhà, hay sai bảo ra lệnh gì đó cho nhà bếp, ông chỉ ngồi ăn, im
lặng nghe, không bình luận hay góp ý nào hết. Có lẽ quá quen tánh chồng, nên cô
nói, cười một mình, có khi với ông, có khi với người khác, không chờ đợi sự hưởng
ứng hay ý kiến gì từ chồng... mà cũng không thấy cô phật ý hay bực bội gì, người
ta có cảm tưởng cô coi việc đó như chuyện bình thường, cô làm tròn phận sự của
người vợ một cách tự nhiên, cho đó là chuyện phải như vậy.
4.
Ông Lâm đến xin trọ và ăn cơm tháng ở nhà cô hai được ba
tháng nay. Ông là một tư chức làm kế toán cho hãng Dennis Frères trên đường
Nguyễn Huệ. Sáng đi, chiều về, quần áo bỏ giặt ủi, hồ thẳng, sạch sẽ láng bóng.
Tuy không chải chuốt, nhưng lúc nào cũng tươm tất, gọn gàng. Ông ăn nói bặt thiệp
và nhanh chóng chiếm cảm tình của đám sinh viên cùng ở trọ, họ gọi ông là chú
Mười Lâm, và xem ông như một huynh trưởng từng trải. Ông ăn riêng một phần,
nhưng những lúc có ai ăn cùng giờ, ông cũng mang sang ngồi cùng ăn chung, trừ
khi người đó là nữ, ông bảo:
- Ăn một mình, không nói chuyện, thường ăn một mạch cho
xong, dễ đau bao tử lắm. Sống một mình cũng vậy, trúng gió chết không ai biết.
Người ta hiểu, với nghề nghiệp và tiền bạc kiếm được, ông dư
sức sống một mình, nhưng ông không muốn.
Cũng ít thấy ông la cà ở trà đình tửu quán gì, ngày ngày đi
làm bằng taxi, cuối tuần nghỉ đi xem xi nê, hay lang thang dọc phố Lê Lợi - Tự
Do, ghé hết tiệm sách này đến tiệm khác, thỉnh thoảng cũng mua vài cuốn vừa ý
mang về, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Đọc xong, đem bán sách cũ. Qua lời kể,
ông cho biết quê ở Phong Điền, Cần Thơ, nhà có ruộng, tương đối khá giả, mấy
anh chị, ai cũng theo nghề nông, chỉ có mình ông là út được cho ăn học đến xong
tú tài Pháp, làm cho Michelin một thời gian, sau đó học thêm về kế toán rồi làm
cho Dennis Frères từ hơn mười năm nay. Có người hỏi ông về đường vợ con, ông chỉ
cười khổ, đáp:
- Tôi có vợ chớ, nhưng nó bỏ tôi theo người khác từ lâu rồi,
tôi cũng có một thằng con trai, tính ra năm nay cũng mười sáu tuổi, nhưng nó sống
với má nó và cha ghẻ nó, má nó không cho biết tôi là cha ruột.
Ông Lâm sống như vậy đó, không quá mực thước, cũng không quá
sa đà. Với ông, hình như chỉ có hiện tại là quan trọng, ông không kể lể về quá
khứ nếu không ai hỏi, mà cũng không thấy ông nói về những dự tính trong tương
lai.
*
Hôm đó, ông về trễ hơn thường lệ. Hơn chín giờ rồi, đám sinh
viên đang chúi đầu vào bài vở trên lầu, thợ may cũng về hết, chỉ còn cô út Túc
ngồi đơm nút đàng trước, ông Tùng cũng lên lầu vào phòng riêng dành cho vợ chồng
ông; bà ba phụ việc cũng về rồi, chỉ còn cô hai đang ngồi tính sổ chi thu ở nhà
sau. Thấy ông bước vào, cô ngừng lại nói:
- Ông Lâm về đó hả, phần cơm của ông còn đây, để tôi hâm lại.
- Cám ơn cô hai! Chà, tôi về trễ làm phiền cô quá!
- Có gì đâu ông!
Ông Lâm cắm cúi ngồi ăn, cô hai ngồi bàn bên kia, tiếp tục
ghi chép vào sổ chi thu, miệng lẩm bẩm mấy con số. Khi ông xong bữa thì công việc
cô cũng xong.
- Cực quá hả cô hai?
- Cũng quen rồi, bây giờ cái gì cũng cao, tôi đang tính tăng
tiền cơm tháng và ở trọ mỗi người ba chục mà sợ tụi nhỏ có đứa không kham nổi.
Hai người ngồi yên một lát, ông Lâm xoay xoay trong tay ly
trà đá chậm rãi nói:
- Hôm trước cô út có nói với tôi về dự tính sang tiệm may
trên Lê Văn Duyệt, việc đó tới đâu rồi?
- Nó thấy người ta làm ăn được thì ham vậy, chớ tiền đâu mà
sang, ba chục cây vàng chớ ít sao! Dạo này ông Tùng thưa khách vì ít người dùng
ra-dô cũ, người ta mua ra-dô trăn-si-to vừa gọn nhẹ lại vừa rẻ. Vốn liếng tôi để
dành được đâu có là bao.
Ông Lâm trầm ngâm không nói, một lúc sau lên tiếng:
- Cơ hội tốt ít khi gặp lại, mình không sang, người khác
sang mất. Tôi có thể cho cô mượn chút ít. Cô út giỏi nghề, mai mốt trả lại tôi
mấy hồi.
- Làm vậy coi sao được ông Lâm.
- Đâu có sao, tiền tôi để đó cũng chẳng sinh lợi gì, cái đó
tự ý tôi nói ra mà. Ngặt một điều, tôi không để trên này, phải về Phong Điền lấy.
Cô hai bàn thảo với ông Tùng và cô út đi, rồi cho tôi hay sau.
Ông Lâm lên lầu, cô hai vẫn còn ngồi đó trầm ngâm. Người chị
em cùng quê, cũng là thợ may, mở tiệm trên đường Phan Đình Phùng chỉ mấy năm
sau là phát, sang luôn hai căn phố liền nhau, bỏ thêm tiền sửa sang thêm, bây
giờ thành tiệm lớn, thợ may, thợ học việc hơn chục người mà may không kịp. Tuần
trước đi với út Túc coi chỗ trên Lê Văn Duyệt, thấy cũng được, ngặt họ đòi cao
quá, suy tính lại hai chị em tính buông trôi. Của riêng tư hai chị em cộng lại
chỉ được đâu hơn mười lăm cây, mà hỏi ông Tùng, cô không dám. Cho dù ông có gật
đầu, cô biết cũng không đủ. Từ một năm nay, kỹ thuật radio transitor làm ông trở
thành kẻ nhàn rỗi vì ông không biết chút gì về transitor. Lâu lâu mới có một
người mang loại máy cũ đến để sửa, khách cứ thưa dần... Đã nhiều lần cô thấy
ông ngồi thừ người, bất động trên ghế, hay nằm im nhìn trần nhà, không nói tiếng
nào. Đã vậy, giá cả nhu yếu phẩm cứ ngày một tăng cao... Bây giờ lại có người
muốn giúp, hiềm một nỗi, quan hệ giữa cô và ông Lâm chỉ là quan hệ chủ nhà và
người ở trọ, chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của ông ta coi sao được.
Mấy ngày sau, út Túc gặp riêng cô, nhắc lại việc ông Lâm hứa
cho mượn tiền, cố gắng thuyết phục cô:
- Chị không mượn, chị để em đứng tên mượn, mình làm giấy tờ
cho ổng đàng hoàng, bỏ qua cơ hội này uổng lắm chị hai à.
- Anh hai hay được, ổng rầy chị chết.
- Rầy gì? em mượn làm ăn, chớ chị mượn hay sao mà ảnh rầy chị.
Chị giúp giùm em đi chị hai!
Cuối cùng cô hai xiêu lòng, coi như cô góp sức cho út Túc
làm ăn. Ông Tùng có biết chắc cũng không rầy la gì.
Cô gặp ông Lâm, nhắc lại lời đề nghị cũ của ông.
- Việc cô út muốn làm giấy tờ thì cũng được, ông Lâm nói,
tôi nhận để đó cho cô và cô út khỏi áy náy. Thứ sáu này, tôi không ăn cơm, xin
nghỉ buổi chiều về Phong Điền, trước thăm nhà, sau lấy tiền mang lên cho cô mượn.
- Í, không! Ông đừng mang lên đây, tôi không cho ông Tùng biết,
việc này coi như tôi và em tôi mượn.
- Vậy tôi tính như vầy, thứ bảy, cô và cô út xuống Cần Thơ,
tôi sẽ mang lên Cần Thơ gặp cô ở nhà hàng Tây Đô ngay tại bến Ninh Kiều. Chỗ
này dễ tìm, xuống xe, cô kêu xe lôi đưa về đó, ai cũng biết. Chừng mười hai giờ
tôi gặp hai cô ở đó.
5.
Thứ bảy, cô hai phải đi một mình vì cô út phải về Gò Công
gom thêm tiền để sẵn sàng sang tiệm khi mượn được tiền của ông Lâm. Kẹt bắc Mỹ
Thuận, cô hai bỏ xe, qua bắc đón xe khác đi tiếp qua Cần Thơ cho kịp, vậy mà
cũng hơn một giờ cô mới tìm tới được nhà hàng Tây Đô. Ông Lâm đã ngồi chờ sẵn ở
đó.
- Xin lỗi ông Lâm, bị kẹt một lúc hai cái bắc, tôi đến hơi
trễ
- Không sao đâu cô hai, tôi đến dây cũng chưa bao lâu. Cô gấp
như vậy chắc chưa cơm nước gì, tôi mời cô dùng cơm trưa luôn rồi hãy về.
Không muốn mang tiếng bất nhã vì chỉ đến gặp mặt, nhận tiền
rồi về, cô nhận lời. Bữa cơm diễn ra trong không khí vui vẻ. Ông Lâm biết cách
nói chuyện và tế nhị không nói nhiều về việc ông giúp chị em cô, nhờ đó cô cũng
thoải mái hơn khi tiếp chuyện với ông Lâm. Câu chuyện cũng chỉ trao đổi quanh
cuộc sống hàng ngày, chuyện giá cả sinh hoạt, chuyện làm ăn...
Sau bữa cơm trưa ngon miệng, ông Lâm đẩy cái túi nhỏ về phía
cô hai nói:
- Ở trỏng có cái hộp nhỏ, mười lăm cây vàng Kim Thành cô út
muốn mượn trong đó. Cô mở ra xem đi. Cô có muốn đến tiệm vàng nào gần đây để
cân đo lại hay không?
- Tôi tin ông, con út muốn mượn vàng mai mốt trả lại vàng
cho tiện, với lại gọn, dễ giữ... Sang tiệm, người ta cũng muốn nhận vàng, như vầy
khỏi mất công.
- Dù vậy, việc tiền nong tôi muốn minh bạch, cũng nên cân,
thử lại cho rõ ràng.
*
Mãi đến gần bốn giờ, ông Lâm và cô Hai mới ra đến được bến
xe, chuyến chót rời bến lúc ba giờ rưởi...
Ông Lâm bàn:
-Bây giờ qua bắc, đón xe đi Vĩnh Long rồi lên Mỹ Thuận, lòng
vòng chưa chắc có xe đi ngay, không khéo cô bị kẹt lại dọc đường, dạo này lộn xộn,
tôi không an tâm. Hay là mình trở lại Ninh Kiều, tôi mướn khách sạn cô hai nghỉ,
mai về Sài Gòn sớm.
Cô hai lưỡng lự, phải chi không có gì, cô cứ đi xe chuyền, bất
quá chín mười giờ đêm về đến Sài Gòn là được, ngặt vì mang trong mình mười mấy
cây vàng, không lẽ lại yêu cầu ông Lâm theo hộ tống? Còn đang phân vân thì ông
Lâm nói tiếp:
- Lo khách sạn cho cô xong, tôi về nhà người bà con gần đó
nghỉ, sáng mai tôi đến đón cô ra bến xe.
Có lẽ cũng không còn giải pháp nào hay hơn, cô hai chấp nhận
quay trở lại Ninh Kiều. Buổi cơm tối trong không khí mát dịu, hai người có nhiều
thì giờ hơn để nói chuyện, gió từ bến sông xua bớt không khí oi nồng của buổi xế
chiều... Cuối cùng ông Lâm bảo:
- Thôi để tôi đưa cô hai về khách sạn nghỉ.
Hai người đi dọc theo bến Ninh Kiều về khách sạn gần đó.
Khung cảnh ít nhiều trữ tình khi màn đêm buông xuống, đó đây vài cặp nhân tình
ngồi âu yếm bên nhau dọc theo công viên.
*
Cô hai gần như hoảng hốt khi ông Lâm bất ngờ quì xuống trước
mặt cô:
- Tôi phải nói... Cô hai ơi, tôi không còn chịu đựng lâu hơn
nữa, tôi phải nói: tôi thương cô, thương cô thật tình cô hai à.
- Ông Lâm, xin ông đừng làm vậy, tôi có chồng, ông biết mà!
- Tôi biết chớ, nhưng tôi thương cô thật lòng từ lâu rồi.
Tôi cũng không muốn xen vào cuộc sống của gia đình cô, nhưng tôi phải tỏ thiệt,
tôi thương cô từ khi đến ở trọ nhà cô, nhưng tôi không dám nói ra...
Ông Lâm nói nhiều lắm về tình cảm của ông dành cho cô khi thấy
cô sống bên cạnh người chồng lạnh lùng khắc khổ... Ông nắm chặt hai bàn tay cô
và van lơn...
- Cô hai đừng hiểu lầm tôi cố ý lợi dụng việc tôi cho mượn
tiền để dàn xếp việc này. Tôi thấy hoàn cảnh cô và cô út như thế nên tôi có ý
muốn giúp, còn tấm lòng tôi đối với cô thì trước sau cũng như một. Tôi gặp và cảm
cô ngay từ hôm đám cưới cháu Nhân, tôi đi bên họ đàng trai còn cô bên đàng gái.
Tôi đã hỏi thăm về hoàn cảnh của cô, rồi tôi tìm đến ở trọ nhà cô, hàng ngày ra
vô gặp mặt, tôi càng thấy không có cách nào rứt cô ra khỏi tâm trí. Tôi đã nhốt
mối tình thầm lặng và đơn phương của mình vào lòng vì dù sao những ràng buộc về
đạo đức không cho phép tôi tỏ bày cùng cô. Nhưng càng đè nén, mối tình càng nung
nấu. Bây giờ hoàn cảnh khiến xui tôi có dịp tỏ bày, không nói được bây giờ, có
lẽ không bao giờ tôi nói được.
Ông Lâm choàng tay ôm vòng ngang lưng cô, gục đầu vào lòng
cô tiếp tục kể lể:
- Tôi đã một lần gãy đổ trong cuộc sống gia đình, vợ tôi đã
bỏ tôi đi theo một thầu khoán giàu có, mang theo thằng con trai mới một tuổi.
Tôi đã sống trong cô độc gần mười lăm năm nay, thiếu vắng hoàn toàn không khí
êm ấm của gia đình. Bây giờ gặp được cô hai, tôi nghĩ là tôi đã tìm được người
tôi hằng mong đợi. Tôi không dám mơ ước chi nhiều, chỉ mong sao cô hiểu được
cho nỗi lòng của tôi, thông cảm cho mối tình cảm đơn phương mà tôi đã dành cho
cô từ bao lâu nay...
Cô hai chết điếng, chỉ có hai người trong phòng, những chống
cự ban đầu dịu lần theo những vuốt ve và những lời nói van lơn của người đàn
ông trước mặt... Một cảm giác nhẹ nhàng thoải mái tăng dần theo những mơn trớn
và nỉ non của ông Lâm. Tay chân bủn rủn, không còn chút khả năng chống cự; miệng
cô khô khốc không nói được câu gì, dù rất muốn yêu cầu ông Lâm ngừng lại; cơ thể
cô như bốc lửa, chiều theo cảm giác đang mời gọi. Cho đến khi ông Lâm đẩy cô được
lên giường thì cô hoàn toàn buông thả, hai người lao vào nhau như chưa bao giờ
được hưởng. Cảm giác tuyệt đỉnh mà ông Lâm vừa cho cô làm cô choáng váng, tê dại,
một cảm giác kỳ lạ chế ngự, cô nhận ra từ gần hai mươi năm nay cô không hề có cảm
giác đó, họa hoằn trong những lúc gần gũi với chồng, cô chỉ làm tròn bổn phận của
người vợ, ông Tùng chưa bao giờ cho cô những cảm giác sảng khoái đê mê như lúc
này...
Hai người lại lao vào nhau, lần này cả hai cùng hưởng ứng và
tận hưởng hoan lạc, không ai nói với ai lời nào.
6.
Mấy ngày sau đó, cô hai sống trong nỗi bàng hoàng. Cảm giác
tội lỗi làm cô biếng ăn, biếng nói, mặc dù sinh hoạt hàng ngày của cô vẫn đều đặn.
Cô tránh mặt ông Lâm. Cô cũng ít cười hơn trước. Nhưng những lúc một mình cô
không thể nào không nhớ đến những cảm giác mới mẻ và kỳ lạ mà ông Lâm đã cho
cô. Quay lại với cuộc sống thường nhật, bên cạnh người chồng khô khan lạnh
lùng, cô cảm thấy ít nhiều tủi thân. Tâm trạng cô bây giờ hoàn toàn mâu thuẫn
nhau, một mặt nghĩa vợ chồng với ông Tùng gần hai mươi năm qua, không dễ gì một
sớm một chiều xóa nhòa, mặt khác những cảm giác mới lạ cô vừa mới có lại làm cô
rung động sâu sắc. Ông Tùng ngoài lối sống lạnh lùng khắc khổ, không có gì làm
cô buồn lòng, ông lo liệu cho cô đầy đủ, bảo bọc cho cả hai đứa em của cô, ông
cũng hề rầy la hay cấm đoán gì cô trong cuộc sống; những sinh hoạt của cô, ông
cũng không ý kiến. Ngày xưa khi chấp nhận ông Tùng, cô chỉ nghĩ đến việc lấy chồng,
làm tròn bổn phận mình với chồng, phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu;
có mất phần này thì được phần khác, đâu có ai vẹn toàn. Nghĩ như thế, cô an phận
với cuộc sống của mình, cho đó là việc đương nhiên phải như thế, không có gì phải
thắc mắc hay đắn đo. Bây giờ, bên cạnh đó, trong cô nảy sinh một tình cảm khác,
dù cô cho đó là việc không phải, kém đạo đức. Lý trí cho đó là một hành động
đáng xấu hổ, nhưng sao lòng cứ mãi vấn vương một cảm giác lâng lâng tuyệt vời.
Con tim có những cảm nghĩ mà lý trí không sao hiểu nổi. Cô thầm giận mình đã
không giữ được lòng trung trinh với chồng, thất thân với người khác chỉ vì những
rung động nhất thời, những rung động xuất phát từ sự kềm chế lâu ngày bên người
chồng khô khan lạnh lùng.
Ông Lâm sau đó ít lâu cũng đổi nhà trọ, ông tìm một chỗ trọ
khác ngoài Chợ Cũ. Ngày ra đi, ông có gặp riêng cô trong vài phút ngắn ngủi:
- Tôi phải đi, cô hai à, ở đây ra vô gặp cô hoài, có ngày
tôi điên mất, trong lòng tôi bây giờ chỉ có cô hai mà thôi! Đây là địa chỉ mới
của tôi, có gì cô hai cứ đến gặp, lúc nào tôi cũng lo cho cô được. Tôi là người
biết chịu trách nhiệm việc làm của mình.
Cô hai không nói gì, thầm nghĩ ông Lâm rời khỏi đây là hơn.
Cũng nên chấm dứt tình trạng này, trả cô lại với cuộc sống cũ. Đạo đức xã hội,
những luân lý tam tòng tứ đức mà ông bà cha mẹ cô hằng nhắc đến ngày xưa đã
ràng buộc cô vào bổn phận làm vợ của mình, cô nghĩ cô phải theo những ràng buộc
đó, không còn con đường nào khác. Không có ông Lâm bên cạnh, mặc cảm tội lỗi và
bất trung với ông Tùng có lẽ cũng dần dần phôi pha ...
Nhưng cô lầm! Ông Lâm đi rồi, cô sống trong nỗi ray rứt như
đánh mất vật gì. Cảm giác cô có được với ông Lâm trong lần gần gũi đó khiến cô
không quên được, những lúc một mình, cô lại thở dài. Mặc dù thấy mình có lỗi với
chồng, nhưng lại thấy không hối hận về việc đã xảy ra. Cứ một ngày một chút cô
thấy mình nghĩ đến những tình cảm dịu nhẹ mà ông Lâm đã trao cho cô nhiều hơn,
và thấy công việc từ trước đến giờ cô vẫn làm trở nên vô nghĩa và nhạt nhẽo. Có
những lúc cô ngồi yên lặng rất lâu trong phòng. Cô giao việc nhiều hơn cho người
em dâu và bà ba giúp việc. Ông Tùng vẫn sống lạnh lùng và cô độc như trước,
không nhìn thấy những thay đổi ở cô hai. Văng vẳng tiếng hát phát ra từ radio:
“Thân em như hạt mưa sa, hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng” càng khiến cô cảm
thấy tủi thân...
Cô hai bỗng thấy như mình đứng trước hai ngã đường phải chọn
một. Quên đi việc vừa xảy ra, coi như đó là một ngẫu nhiên để trở lại với cuộc
sống cũ nhạt nhẽo, bên cạnh người chồng lạnh lùng khắc khổ; hay quăng bỏ tất cả
để theo tiếng gọi của hạnh phúc cô vừa được người khác giúp tìm thấy, bắt đầu tạo
lại hạnh phúc cho chính mình mà đã bao lâu cô đã vì bổn phận mà quên mất... Cô
đã thao thức nhiều đêm để tự hỏi lòng.
*
Cuối cùng cô đi đến quyết định!
Trong phòng chỉ có ông Tùng và cô hai. Ông Tùng ngồi trên
chiếc ghế bên cạnh bàn ngủ, cô hai ngồi đối diện, bên mép giường. Cô kể hết với
ông Tùng mọi việc đã xảy ra... Cuối cùng cô nói trong nước mắt:
- Tôi là gái có chồng mà lại thất thân với người đàn ông
khác, bây giờ dù mình có tha thứ, tôi thấy tôi không thể nào tiếp tục sống với
mình mà không thấy xấu hổ. Tôi có giấu chuyện này thì cũng không ai biết nhưng
lương tâm tôi không giấu được. Mình có trách mắng tôi đành phải chịu. Ngày mai,
tôi sẽ thông báo hết tháng này tôi không nhận ở trọ nữa...
Ông Tùng chết cứng trên ghế; ông không hề nghĩ đến tình cảnh
này. Không biết từ bao giờ, cô hai đã như là một phần của đời ông. Dù trong cuộc
sống hàng ngày, ông không để lộ tình cảm của mình, nhưng quả thật ông không bao
giờ nghĩ đến việc có ngày cô hai rời bỏ ông. Khoảng thời gian gần đây, ông đã
não nề thấy mình như kẻ sống thừa vì kỹ thuật mới khiến của ông trở thành lạc hậu.
Cậu Tư Nhàn cũng xin phép ông thôi việc để theo học về transitor. Bây giờ, chuyện
của cô hai làm ông như không còn sức lực. Ông cứ yên lặng trong tiếng khóc thúc
thít của cô hai. Ông cũng muốn bày tỏ sự bực bội và nỗi đau đớn mà cô hai vừa
mang đến, nhưng ông vẫn ngồi yên. Hai tay vẫn ôm vòng hai đầu gối như lối ngồi
quen thuộc của ông. Mặt ông tái hẳn đi, cổ họng ông cuộn lên xuống liên tục như
ông đang cố phải nuốt vào lòng một cái gì khó nuốt. Cuối cùng ông nói, giọng Quảng
Trị thiểu não với cách nói lắp cố hữu của ông :
- Tôi... tôi đang ăn chén cơm, mà... mà thằng đó đến... đến
giựt mất. Bà... bà nói với nó: nó... nó phải lo cho bà đàng hoàng; nếu không
thì... thì nó coi... coi chừng tôi.
Ông chỉ nói vậy, rồi ra khỏi phòng.
7.
Thời gian cứ trôi qua, cho đến một ngày...
Mây đen như úp chụp trên bầu trời Sài Gòn sũng nước...
Thằng Phú dựng chiếc xe đạp trước cửa tiệm may của út Túc
trên đường Lê Văn Duyệt, chạy vội vào.
- Thím ba có nhà không cô út?
- Không, chỉ đi chợ rồi, có gì không Phú?
- Chú ba con gần chết rồi, Phú nói trong tiếng khóc. Tụi con
đưa chú lên bệnh viện Bình Dân hôm kia, chú bất tỉnh luôn từ đó. Bác sĩ nói chú
bị sưng phổi nặng lại quá yếu, sợ không qua nổi. Sáng nay chú tỉnh lại, nằng nặc
đòi gặp thiếm, lúc đó chỉ có thằng Quý, em con ở đó, nó không dám bỏ đi, chừng
con quay trở lại, chú nhắc lại, biểu con đi tìm thiếm, dặn con nói với thiếm
chú muốn gặp mặt thiếm.
- Trời ơi! ảnh đau làm sao vậy? từ bao lâu rồi?- Út Túc hỏi
một hơi.
- Dạ, cũng hơn tuần nay rồi. Ban đầu chỉ ho và nóng môt
chút, tụi con tưởng chú bị cảm thôi, nhưng cũng nói chú đi bác sĩ, chú không chịu,
thuốc chú cũng không uống, chú nói ho sơ sơ vài hôm thì hết, nhưng chỉ mấy ngày
sau, chú sút hẳn. Hôm kia, chú không thức dậy như mọi khi, con vào kêu thì thấy
chú con đã mê tự lúc nào rồi, tụi con lập tức chở nhà thương, ai dè...
- Thôi bây giờ ngồi đây chờ cũng không ích gì, Phú về thăm
chừng ảnh đi, khi nào chị hai về. cô Út nói lại. À, mà ảnh nằm ở phòng nào?
- Vẫn còn ở phòng cấp cứu... cô út nhớ nói lại với thím
nghe.
*
Khi cô hai đến được bệnh viện thì ông Tùng đã mất, Phú và
Quý đã đưa ông về nhà từ hơn nửa giờ rồi. Cô theo về.
Căn nhà gỗ xiêu vẹo trong hẻm cuối đường Huỳnh Quang Tiên, gần
bến Chương Dương ông mua để làm chỗ trú nắng mưa cho ba chú cháu. Từ ngày cô
hai rời bỏ ông, út Túc cũng sang được tiệm ra làm ăn, sinh viên ở trọ tứ tán,
căn nhà cũ trở thành thênh thang và lạnh lẽo. Ra vào chỉ còn ba chú cháu. Cửa
hàng của ông ngày càng vắng khách, có khi cả ngày không có ai tới. Suốt buổi
ông chỉ ngồi yên lặng bó gối nhìn ra ngoài. Ông trở thành lỗi thời trước những
tiến bộ của khoa học kỹ thuật... Mấy tháng sau, ông bán căn phố lầu, mua căn
nhà này. Từ đó, ông sống mà như đã chết, không còn thiết việc gì nữa. Cơm nước,
ba chú cháu đặt cơm tháng, có gì ăn nấy. Mà thật ra ông cũng không còn thiết gì
đến ăn. Thằng Phú nghỉ học, làm thợ sắp chữ cho một xưởng in gần đó, thằng Quý
còn bị ông bắt buộc tiếp tục học. Suốt ngày ông chỉ ngồi bó gối lơ đãng nhìn ra
ngoài. Có điều, ông hút thuốc và uống rượu nhiều hơn trước. Ông uống gần như liên
miên suốt ngày mà không thấy ông say, càng uống mặt càng tái mét, trông càng lạnh
lẽo. Có lần hai anh em Phú và Quý đã năn nỉ ông cố gượng sống, để ít nhất anh
em nó còn có chỗ dựa, ông chỉ ậm ừ gì đó, không trả lời... Ông tự tàn phá cuộc
đời mình như vậy, bệnh không đi bác sĩ, không uống thuốc, ăn uống chỉ qua loa,
cho đến hơn một năm sau thì ông suy sụp hẳn. Lạ một điều, trong suốt khoảng thời
gian đó, ông không hề nhắc tới cô hai, cũng không hề hỏi thăm cô đang sống thế
nào, ở đâu. Đối với ông, dường như cô hai đã chết từ ngày đó.
*
Cô hai lặng lẽ ngồi xuống ghế, bên cạnh xác ông Tùng trên
chiếc divan bằng gỗ tạp. Chỉ mới hơn một năm mà trông ông khác hẳn. Ông gầy và
già đi nhiều, đôi mắt nhắm nghiền trên gương mặt rúm ró như nỗi đau khổ vẫn còn
vương vấn, tâm sự chưa được giải tỏa. Cô quì xuống, nắm lấy bàn tay lạnh giá của
ông đặt ngay ngắn trên ngực, nước mắt vòng quanh cô thầm nói lời xin lỗi và
vĩnh biệt ông.
- Lỗi tại tôi mà mình ra thế này, mình hãy rộng lòng tha thứ
cho tôi như ngày xưa mình đã bao dung để tôi lựa chọn con đường của tôi. Hơn
năm nay, tôi đã ích kỷ sống với hạnh phúc của tôi, còn mình sống trong nỗi đau
khổ cô đơn của mình. Bây giờ thì mình đã bình yên về nơi khác, xin mình tha thứ
cho người đàn bà bất trung này mà yên nghỉ.
Lạ thay, gương mặt ông hình như giãn ra, bình yên hơn.
Cô hai đứng ra chu toàn mọi công việc tang ma cho ông. Hàng
xóm có người xầm xì khi biết liên hệ của cô và ông Tùng ngày trước, cô mặc kệ lời
đàm tiếu! Tang lễ của ông cũng đơn giản và có vẻ khắc khổ như con người ông.
Đưa ông ra huyệt chỉ vài chục người quen biết cũ, kể cả số người từng ở trọ nhà
ông ngày trước, cô Hai và ông Lâm.
Một tháng sau tang lễ, cô hai bất ngờ nhận được thư mời của
thừa phát lại. Người ta đọc di chúc của người quá cố, buổi lễ chỉ có năm người,
viên thừa phát lại, hai anh em Phú, Quý, cô Hai và người chứng.
Phần của cô hai theo di chúc để lại, lên đến năm mươi ba cây
vàng. Số vàng này do ông Tùng bán căn phố lầu ở đường Trương Minh Giảng, nơi
hai người đã chung sống với nhau gần hai mươi năm. Ông để lại phần nhỏ để sống
trọn kiếp sống thừa của mình phần còn lại, ông gửi ngân khố, làm di chúc, chia
đều cho hai cháu của ông và cô hai. Cô cảm thấy cay ở mắt, trong thâm tâm, cô
cho là cô không xứng đáng với tấm lòng bao dung của con người lạnh lùng, khô
khan và cô độc ấy.
Lúc đó cô hai đang có thai chừng bốn tháng, bào thai đầu
tiên cô có trong quãng đời đàn bà ở tuổi gần bốn mươi của cô sau hơn một năm
chung sống hạnh phúc với ông Lâm. Cô đã chọn con đường sống cho hạnh phúc của
mình, một chọn lựa không dễ dàng trong bối cảnh của một xã hội còn mang nặng
tính phong kiến cổ hủ về bổn phận và những trói buộc về luân lý dành cho người
phụ nữ.
Houston, Tháng 1-2005
Hòa
Đa