12 September 2019

MỘT TRĂM NGỌN NẾN - Nguyễn Tường Thiết


Làng Yên Phụ Hà Nội
Tên chủ nhà ghi trên tấm bảng đồng gắn phía trước cửa khiến tiếng gõ của tôi thêm mạnh dạn. Bên trong có tiếng giầy dép khua động. Rồi cửa mở. Chủ nhà, một người nhỏ thấp, giơ bắt tay tôi rồi ra hiệu mời tôi theo anh ta lên gác. Tôi bước lên một chiếc cầu thang gỗ. Ở đầu cầu thang nhìn qua một gian phòng rộng trên gác tôi thấy khoảng vườn cây xanh của một công viên nhỏ trước nhà sau một cánh cửa sổ mở rộng, khoảng trống tươi mát rất hiếm quí của Hà Nội bây giờ. 

Tôi bước vào một phòng lớn trông như một thư viện. Một tủ sách rất rộng và cao chiếm nguyên một vách tường dài. Tủ gỗ đánh véc-ni bóng, sau ngăn kính những cuốn sách dầy cộm xếp ngay ngắn, trang trọng. Nhìn qua gáy tôi thấy có rất nhiều sách chữ Hán.

Giữa phòng là hai cái bàn phủ khăn trắng đặt liền nhau, trên để những chai rượu bia và đĩa đựng trái cây. Chủ nhà xếp tôi ngồi nơi một chiếc ghế đặt ở đầu bàn. Tôi nhìn hai dẫy ghế trống dài ở hai bên bàn, nói với chủ nhà:

– Anh bắt đầu làm tôi lo đấy. Tưởng đến thăm anh nói chuyện một lát thôi, không ngờ anh làm to chuyện quá.

Anh ta khẽ mỉm cười, nheo cặp mắt sáng sau cặp kính cận, nói:

– Có gì đâu. Nghe tin anh về một số anh em ở đây cũng muốn gặp anh. Vả lại hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày sinh thứ 100 của Cụ. Chúng tôi cũng muốn làm cái gì để tưởng nhớ Cụ. Anh cứ tự nhiên nhé. Các anh em cũng sắp tới cả bây giờ.

Nói xong anh xin lỗi đi xuống cầu thang. Tôi nhìn xung quanh. Bên cạnh tôi trên một chiếc bàn nhỏ có đặt một máy vi tính để mở. Màn ảnh của máy hiện lên bức chân dung màu của bố tôi, bức tranh do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ.

Ngay trước mặt tôi, trên bàn, đặt một quyển sách rất dầy, bìa bọc giấy láng đề TỪ ĐIỂN VĂN HỌC bộ mới, Nhà xuất bản thế giới.

Tôi giở trang sách. Trên trang giấy đầu dưới hàng chữ in Từ Điển Văn Học là hàng chữ viết tay nắn nót và chữ ký của chủ nhà.

Bản tặng anh Nguyễn Tường Thiết và gia đình Nguyễn Tường nhân 100 năm ngày sinh cố văn hào Nhất Linh. Hà Nội 25-7-2006. 
Nguyễn Huệ Chi.

*

Buổi sáng hôm ấy từ khách sạn Galaxy trước vườn hoa hàng Đậu tôi đáp xe ôm lên Yên Phụ. Chiếc xe hai bánh luồn lách trên đường Thanh Niên trong dòng xe cộ nườm nượp. Đường này xưa kia có tên Cổ Ngư nằm xuyên giữa hai cái hồ lớn của Hà Nội là hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đến cuối đường, vòng qua khách sạn Sofitel, xe vào một con đường nhỏ ôm sát hồ Tây và ngừng lại trước một cái cổng gạch quét màu vôi vàng.

Tôi nhìn lên vòm cổng hình cánh cung đề hàng chữ LÀNG YÊN PHỤ rồi trả tiền bác lái xe thả bộ vào làng trên con ngõ rất hẹp thoải dốc. Mặt ngõ tráng xi măng sạch sẽ. Hai bên những căn nhà gạch nằm ép sát nhau, quét vôi trắng, ngói mái đỏ, hai ba từng cao. Nhiều nhà truớc có cửa song sắt thò ra những chấm đỏ hoa giấy. 

Đi vào ngõ khoảng nửa cây số đến một khúc quành một tấm bảng bằng đá đen đập mắt tôi. Trên bảng có hàng chữ màu vàng ĐÌNH YÊN PHỤ dưới đề “Di tích lịch sử văn hóa. Đã xếp hạng”. Một mũi tên chỉ vào đình nằm phía bên kia ngõ. Ngay khúc quành một bờ xi măng cong vòng cao bằng đầu gối chắn ngõ với một cái đầm sen.

Khúc đường cong, đình Yên Phụ và cái đầm sen là ba điểm chuẩn giúp tôi định được vị trí ngôi nhà tôi đang tìm, ngôi nhà thời xửa xưa chúng tôi vẫn gọi bằng cái tên thân mật “nhà cây liễu”. 

Nhà ấy là nơi tôi đã từng ở những ngày rất thơ ấu, cũng là nơi chú Sáu tôi, nhà văn Thạch Lam đã sống, viết và chết tại đó.

Đứng xoay lưng về phía đầm sen nhìn vào đình Yên Phụ nhà cây liễu nằm sát đình phía tay phải, ngay vị trí khúc đường cong. Trước nhà có bờ tường gạch chạy dài trên là lan can làm bằng những thanh sắt đầu có móc nhọn. Đằng sau hàng lan can ấy lại che đi bằng những tấm tôn sơn màu xanh khiến ở ngoài nhìn vào không thể nào thấy được ngôi nhà bên trong. Cuối bờ tường xây một cổng gạch có mái ngói, giữa cổng có hai cánh cửa sắt cũng sơn xanh đóng kín mít. 

Theo trí nhớ tôi thì phía sau cổng mé trái là vị trí của một khóm tre. Khóm tre ấy không còn nữa. Nếu còn thì hôm nay tôi phải nhìn thấy nó ló lên cao khỏi bờ tường này. Khóm tre ấy cũng chính là khóm tre mà chú Thạch Lam tôi đã nhiều lần nhìn ngắm và tả những cảm nghĩ của mình trong Theo Giòng “khi thấy các lá tre thổi vút một chiều tôi cảm thấy một vang động âm thầm và kín đáo trong tâm hồn”. Khóm tre ấy chắc là đã bị ai chặt mất từ một thuở nào xa xôi lắm cùng với cây liễu ven hồ Tây yêu quí của chú.

Không một khoảng hở để tôi có thể ghé mắt nhìn trộm vào trong. Tôi đứng ở ngoài tần ngần nhìn cánh cổng và bờ tường một lát rồi tôi quay trở lui, lững thững bước vào đình Yên Phụ ở sát cạnh, mang theo hình ảnh ngôi nhà mà mặc dù tôi đang ở rất gần nó, vẫn nguyên vẹn trong tôi là ngôi nhà cũ kỹ trong tâm tưởng sáu mươi năm trước. 

Thủa ấy chúng tôi thuờng hay sang chơi bên đình Yên Phụ. Tôi còn nhỏ quá không thể nào nhớ hình dáng đình ra sao. Toàn thể khu này chỉ lưu lại trong trí tôi một màu xam xám nhàn nhạt trong đó hiện lên cái sân gạch bát tràng rộng thênh thang. 

Tôi bước vào sân đình vắng lặng. Màu xám nhạt thì vẫn còn nguyên đấy, nhưng cái sân gạch bé nhỏ hơn rất nhiều so với ký ức. Trong sân có mấy vại sành lớn trồng những cây mẫu đơn trổ hoa đỏ thắm. Tôi đến gần nhìn những đóa hoa này và ngay tức khắc hiện lên trong mắt những chấm đỏ xoay tít. Thì ra tôi đã thấy hoa này rồi, ở đây, thời bé. Hoa mẫu đơn là tập họp của vô số những cánh hoa bé tí màu đỏ với những cọng hoa li ti hình ống. Chúng tôi thường ngắt những cọng đó rồi luồn một sợi tóc qua ống, thắt một đầu nút và vê tròn sợi tóc trên hai đầu ngón tay nhìn những cánh hoa đỏ xoay xoay như một cái chong chóng tí hon. 

Không một bóng người. Từ lúc rời khỏi đường Thanh Niên để bước vào làng Yên Phụ những tiếng ồn ào của Hà Nội dường như đứng lại ở phía ngoài cổng làng. Trong tĩnh lặng hình như ngay cả tiếng chim kêu ở đây nghe cũng thanh sắc hơn. Tôi bước qua cái sân gạch. Nhưng thay vì đi thẳng vào đình phía chính diện tôi rẽ tay phải đi qua một cái vườn cây mà tôi đoán sau vườn là hồ Tây. 

Bước ra khỏi bóng tối của vườn cây mắt tôi lóa đi trong giây lát. Phản chiếu ánh gắt nắng hè mặt hồ Tây như một tấm gương mênh mông bằng nước. Một bờ rộng xi-măng uốn vòng quanh đình Yên Phụ. Dưới bờ ấy sóng vỗ vào thềm mang theo những cánh bèo trôi rập rình. Tôi đi lần phía tay phải theo bờ nước cho tới lúc tôi không thể nào tiến xa nữa. Một hàng rào bằng lưới sắt ngăn đình Yên Phụ với căn nhà bên cạnh. Từ một bụi rậm nhìn qua lưới tôi lặng người thấy phía sau của căn nhà cây liễu cùng với mảnh vườn nhỏ ở ven hồ. 

Ngôi nhà cũ của chúng tôi không còn nữa. Trước mặt tôi là một căn nhà gạch hoàn toàn khác, chắc là được xây rất gần đây vì màu nước vôi tường còn mới nguyên. Như vậy là từ hồi chú Sáu tôi ở đấy, căn nhà tranh của chú đã được xây lại hai lần bằng gạch. Tôi không thấy được toàn thể phía sau nhà vì bị chắn bởi một bức tường rộng bằng gạch ở giữa vườn. Tường này có khoét ba cái cửa tò vò lớn lại có mái hiên lợp ngói được xây với mục đích trang trí hơn là thực dụng. 

Trước là cái vườn nhỏ ngày xưa chúng tôi vẫn chơi đùa. Vườn thoải xuồng hồ. Xưa kia chỗ tiếp giáp với nước có cắm một hàng cọc tre lúc nào cũng vương bám những cánh bèo trôi bềnh bồng theo sóng vỗ. Những cánh bèo bây giờ vẫn còn đó, lại còn có vẻ dầy đặc hơn. Nhưng cây liễu trong tâm tưởng tôi thì biến mất. Chỗ đó bây giờ người ta trồng hai cây cau, giữa hai cây căng sợi dây kẽm phơi quần áo. Những chiếc cánh áo bay phần phật thay chỗ cho những nhánh liễu xưa kia lúc nào cũng chao nghiêng trong gió.

Một con chuồn chuồn xanh bay vụt trong trí nhớ tôi. Nó sà xuống đậu trên một chiếc lá liễu. Chà, con chuồn chuồn này thật to! Đầu bóng như hòn bi ve. Thằng bé đưa cánh tay thò phía sau đuôi con vật. Chiếc đầu bóng khẽ nhích một cái rất nhẹ như thể muốn ngoái nhìn phía sau. Thằng bé vội ngừng tay. Lát sau nó nín thở phóng tay thật nhanh nắm lấy chiếc cánh mỏng. Tôi còn nhớ lại như in cái cảm giác nháp nháp của những đường gân nhỏ trên cánh con chuồn chuồn áp vào làn da giữa hai đầu ngón tay. Thằng bé vạch bụng mình đưa đầu con vật gần lỗ rốn. Các anh nó nói để chuồn chuồn xanh cắn rốn sẽ biết bơi. Nó thèm biết bơi lắm. Nhưng cái miệng to ngoác của con chuồn chuồn làm nó sợ. Thằng bé tính thả con vật đi nhưng nó bỗng nghĩ ra được một trò chơi. Nó gập hai chiếc cánh chuồn chuồn làm một rồi lấy tay bứt đôi trước khi thả. Con vật với đôi cánh cụt ngủn không bay lên cao được. Nó đâm chúi xuống đám bèo. Thằng bé quên phắt con chuồn chuồn xanh. Mắt nó theo dõi những chấm đỏ vẽ loăng quăng trên đám bèo: vô số những con chuồn chuồn ớt đỏ chót là xuống nhón đậu trên những cánh hoa bèo tím, những hoa bèo nhấp nhô trên sóng nước mang những chấm đỏ rung rinh. “Nếu mình biết bơi mình sẽ bắt những con chuồn đỏ ấy”. Thằng bé nghĩ thế và nó tiếc đã không để con chuồn chuồn xanh cắn rốn.

Không biết bơi như các anh tôi, tôi cùng chị Thoa làm thuyền. Chị Thoa khéo tay lắm. Chị làm thuyền bằng những thân bèo ghép sát nhau giữ bởi những cây tăm cắm xuyên. Một cái đũa tre cắm giữa thuyền, một hai chiếc lá bèo to xuyên qua đũa làm cánh buồm. Chúng tôi làm nhiều thuyền như thế lắm. Nhưng những chiếc thuyền được thả xuống hồ không đi xa được vì thường bị vướng mắc giữa những đám bèo luôn luôn dầy đặc ở ven bờ hồ. Chúng tôi phải nhờ các anh lớn bơi ra ngoài thả thuyền ra khơi. 

Những con chuồn chuồn bay lả trên đám bèo, những cánh bướm bay loáng trên bờ cỏ... Như thế đấy. Vỏn vẹn những hình ảnh vặt vãnh như thế lưu giữ mãi trong trong ký ức tôi về căn nhà của người chú... toàn những cái không đáng nhớ.

Nhưng chú Đinh Hùng thì khác. Trí nhớ của nhà thơ này mới thật đáng nhớ. Trong cuốn hồi ký viết về những kỷ niệm “chia ngọt sẻ bùi cùng Thạch Lam” chú đã tả quang cảnh nơi tôi đang đối diện này bẩy mươi năm trước như sau:

“Tuy là nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có đủ cửa kính lẫn cửa chớp, có thềm cao, với một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ, với cây liễu rũ cành lá xuống nước và khóm tre xào xạc ngoài cổng”.

“Tôi đã ngủ nhiều đêm dưới mái nhà ấy, và canh khuya, khi cái tiếng vọng mơ hồ của thành phố xa xa lắng dần vào không khí óng ả của vùng hồ nước mát rượi, nằm nghe sóng vỗ vào bờ thao thức, nghe hơi thở uyển chuyển của gió lùa qua khóm tre, tôi cảm thấy những thời khắc đó thật đáng quý, khung cảnh thật dịu lành mà quyến rũ, và tôi thấm thía tại sao Thạch Lam không muốn đổi ngôi nhà tranh của anh lấy bất cứ một lâu đài dinh thự nào...”

“Những người bạn văn nghệ mà tôi thường gặp ở nhà Thạch Lam dạo đó là: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ (cùng cả vợ nhỏ là nữ kịch sĩ Song Kim), anh bạn thơ Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, đôi khi Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, và một lần, Nguyễn Tuân, một lần Nguyễn Đỗ Cung...”

“Tất cả những người kể trên đều đã có lần tụ họp tại nhà Thạch Lam, thường thường quanh mâm rượu, thỉnh thoảng quanh chiếu tổ tôm hay cạnh khay trà. Ở địa vị chủ nhân tác giả Hà Nội băm sáu phố phường thực đã xứng đáng với cái danh “Hào sĩ” mà chúng tôi tặng anh”.

“Tôi không bao giờ quên được bữa rượu hội kiến đầu tiên có mặt Nhất Linh, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Thạch Lam...”.

Từ trong nhà một người đàn bà đi ra bước qua cửa tò vò đến giữa hai cây cau. Người đàn bà túm lấy mấy chiếc áo khô bỏ trong một cái giỏ, lật mặt trái phơi tiếp mấy cái quần tây rồi bỏ đi vào trong nhà.

Trong căn nhà ấy... tôi nhìn thấy – qua con mắt của chú Đinh Hùng – hình bóng những người thân yêu đã khuất của tôi, bố tôi và các chú.... đang ngả nghiêng đánh chén. 

Khuya lắm, tiệc tàn. Bố tôi nằm trên chiếc võng giữa nhà, ê a ngâm thơ. Chú Sáu, chú Đinh Hùng và chú Huyền Kiêu thì loay hoay xuống bếp nướng mực và mò gậm giường lấy dưa chua trong vại ra nhậu... Cho đến rạng sáng, chú Sáu kêu người nhà đi mua thêm đồ nhắm. Bố tôi đã tỉnh ngủ từ hồi nào, ung dung ngồi vào dự tiệc. Trong khi tất cả đều say mèm bố tôi vẫn sung sức dẻo dai như khi bắt đầu uống. Bố tôi có tửu lượng rất cao. Hồi ở Đà Lạt tôi vẫn ngồi ngắm ông uống rượu. Càng uống ông càng ít nói, mặt chỉ tái đi chút đỉnh. Hồi ở bên Tàu – anh tôi kể – “cậu đã từng uống thi whiskey với ba tay lính thủy Mỹ lực lưỡng, ba tay này gục trên bàn rượu trong khi cậu vẫn còn tỉnh như sáo”. Cứ như thế tiệc rượu của bốn người kéo liền một mạch cho đến tận trưa. Tất cả đều say khướt, có lẽ chỉ trừ bố tôi. Chú Sáu và chú Huyền Kiêu rót rượu đầy tràn cả ra ngoài miệng chén. Bố tôi giằng lấy chai rượu đem giấu vào góc tủ, nói:

– Thôi đấy nhé! Hết rượu rồi. Không ai được uống nữa. 

Rồi bố tôi kêu nóng. Ông cởi phăng áo ngoài. Mình trần, quần cộc, bố tôi chạy ra sân, nhẩy tùm xuống Hồ Tây bơi ào ào. Khi cách bờ khoảng dăm chục thước ông lớn tiếng nói vọng lên:

– Các tửu đồ! Có hứng thử nhẩy xuống hồ này vùng vẫy chơi cho mát!

Chú Đinh Hùng cũng thoát y mặc xì-líp nhẩy xuống hồ bơi lóp ngóp dưới nước. Bố tôi vung tay vẫy và nhoài người bơi thật nhanh về phía chú. Còn cách nhau chừng dăm thước, bố tôi bảo chú Đinh Hùng:

– Tôi với anh bơi thi từ đây vào bờ, xem ai thắng.

Hai người ra sức thi đua liền. Biết là chú Đinh Hùng không bơi giỏi, lại sợ chú còn say, bố tôi bơi kèm sát chú để đề phòng bất trắc. Cả hai về gần tới bờ cùng một lúc. Nhưng bố tôi cố ý bơi thụt lại, nhường chú nửa sải tay.

Hai người khoác tay nhau bước lên bờ. Rồi bố tôi cúi xuống. Nước hồ chẩy trên chiếc lưng rộng của ông... 

Chiếc lưng ướt nước...

Trí tôi thoáng hiện một kỷ niệm với bố tôi ở Đà Lạt.

Trời nóng. Mấy bố con tôi vừa vào rừng tìm lan và đang đứng phía dưới của ngọn thác Pongour, nơi có một chỗ nước suối khét sâu làm thành một cái vũng lặng. Bố tôi ngồi xuống cát, tháo đôi giầy rồi đứng lên cởi áo sơ mi lột áo lót. Ông cúi xuống vén hai ống quần tây lên tận bẹn, quay sang tôi nói:

– Trời nóng quá! Chỗ này nước lặng con có thể tắm được. 

Tôi ngần ngại. Trên người tôi mặc độc chiếc quần cộc và áo ngắn tay. Không có cả xì-líp. Năm đó tôi 16 tuổi. Tôi đã qua từ lâu cái tuổi tắm truồng. Bố tôi biết ý nói:

– Con cứ mặc quần mà tắm. Trời này thì quần ướt sẽ khô ngay ấy mà!

Tôi cởi áo đi theo bố tôi lội xuống nước. Bố tôi không bơi mà chỉ dầm chân xuống suối ngang đầu gối. Ông cúi xuống hai tay vốc nước suối dấp lên mặt, lên vai, lên lưng. Trước khi nhẩy tùm xuống bơi tôi thoáng thấy trên cái chiếc lưng ướt của bố tôi một cục bướu tròn to bằng cái trứng chim cút nằm ngay giữa xương sống. 

Chỉ một thoáng thôi nhưng hình ảnh cái cục bướu ấy cứ lấn cấn mãi trong trí tôi cho tới tận ngày nay. Bố có cục u từ hồi nào? Liệu chú Đinh Hùng có nhìn thấy nó khi ông bơi với bố ở hồ Tây? Bố trăn trở ra sao mỗi khi nằm ngửa. Bố có khó chịu không? Vào khoảng đầu thập niên 60 ở Sài Gòn có phong trào các cô gái mặc áo cánh mà khuy cài lại ở phía sau lưng. Bố tôi thấy chị Thoa tôi mặc áo đó thì bình phẩm: “Mặc áo đó thì khó chịu chết, mấy cái khuy cứ cấn sau lưng sao mà ngủ được?”. Thế còn cái bướu của bố nó to và cộm hơn mấy cái khuy áo nhiều, thì sao?

Một tiếng động sột soạt ở phía sau lưng khiến tôi ngoảnh ra sau nhìn. Từ trong một bụi chuối bước ra một cụ già quần áo nâu, râu tóc bạc phơ nhưng người trông cứng cáp khỏe mạnh. Thấy tôi cụ trố mắt nhìn. Cái nhìn nghi hoặc làm tôi lúng túng. Rõ ràng là tôi vừa bị bắt quả tang đang toan tính chuyện gì mờ ám. Một người lạ đến khu này mà không vào đình, lại lén lút chui vô cái xó kẹt này nhìn chăm chăm vào căn nhà bên cạnh thì quả là rất khả nghi. 

Tôi mỉm một nụ cười gượng tiến lại phía cụ già lễ phép hỏi:

– Thưa cụ, cụ có phải cụ Từ trông nom đình Yên Phụ không ạ?

Ông cụ nhướng đôi mắt. 

– Phải. Chính tôi. Ông muốn gì?

Tôi phân trần:

– Thưa cụ cháu định vào tham quan đình nhưng cháu nhìn mãi chẳng thấy một ai cả, cháu bèn ra hồ để ngắm cảnh.

Thấy cụ già hết nhìn tôi lại nhìn căn nhà bên kia lưới sắt, vẻ nghi ngờ, tôi nói thêm:

– Chẳng nói dấu gì cụ... cháu từ ở nước ngoài về. Trước đây hồi cháu còn bé, dễ cũng đã sáu mươi năm rồi, chúng cháu có ở căn nhà này. Vâng đúng là nhà này vì cháu nhớ nhà cháu sát cạnh đình Yên Phụ. Cháu bèn mạn phép tự tiện mò vào đây chỉ cốt là để nhìn lại căn nhà cũ của cháu, chứ thực tình không có ý gì khác. Nhưng cháu chẳng nhận ra được nhà cháu ngày xưa. Họ phá ra xây lại hết rồi. Cháu nhớ là ở chỗ cây cau kia kìa trước kia có một cây liễu...

Đình Yên Phụ

Nói đến đây tôi thấy đôi mắt cụ Từ dịu xuống. Cụ nói:

– Cậu nhớ thế là đúng rồi. Cây liễu đó ai chặt mất từ lâu lắm. Ở đây không còn một ai nhớ ra là chỗ đó ngày xưa có cây liễu, ngoài tôi. 

– Thưa cụ, như vậy cụ trông nom đình này đã lâu lắm. Chắc cụ biết trước kia nhà này là nhà tranh và nhà văn Thạch Lam đã từng sống trong nhà tranh đó.

– Ừ tôi biết chứ. Ông Thạch Lam tôi không được quen nhưng tôi biết ông Hoàn. Ông gì Hoàn nhỉ...? Tôi quên rồi. Hình như ông ta cũng có liên hệ với ông Thạch Lam.

– Thưa, chú Nguyễn Kim Hoàn là anh rể của chú Thạch Lam cháu... 

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi chậm về phía đình. Đi qua bụi chuối gần đến bên hông đình thì cụ Từ lại rẽ ngang dẫn tôi ngược lại phía hồ. Cụ nói:

– Chẳng mấy khi mà đình làng này được đón khách từ ở nước ngoài về. Cậu ra đây một lát uống với chúng tôi chén nước. 

Chúng tôi vào một lối mòn xuyên giữa bụi chuối. Qua mấy chậu cây cảnh thì đến lại cái bờ xi-măng cong vòng lúc nẫy. Nhưng khúc bờ xi-măng này nhìn ra phía khác của hồ. Từ chỗ này không thấy nhà cây liễu, nhưng thấy được mái chùa Trấn Quốc ló ở tít xa.

Một hàng dừa cao phủ bóng mát trồng dọc theo bờ xi-măng. Dưới bóng cây mấy người đàn ông ngồi ngắm cảnh hồ trên những chiếc ghế nhựa thấp, trước một cái bàn con có để một ống điếu cầy, một bình nước trà và mấy cái chén. 

Cụ Từ chỉ tôi ngồi trên ghế rồi giới thiệu tôi với mọi người. Tất cả những người này đều đứng tuổi. Khi được biết tôi là cháu ruột của nhà văn Thạch Lam, một người lên tiếng bình phẩm:

– Thạch Lam à? Đệ nhất văn sĩ đấy! Văn thế mới đích thật là văn! Trước sau không một ai có thể viết được như Thạch Lam. Tôi dám cam đoan thế...

Với một vẻ trân trọng đặc biệt ông ta tiếp tục nói về Thạch Lam và những nhà văn khác thời đó. Giọng nói có xen lẫn chút u hoài như thể các nhà văn ông vừa nhắc tới khiến ông nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.

Câu chuyện xoay quanh vấn đề văn chương và đặc biệt là văn chương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi hơi ngạc nhiên nghe những vị này bàn về văn đoàn cũng như thành viên của văn đoàn này với một sự hiểu biết khá chính xác, mặc dù Tự Lực Văn Đoàn là một đề tài cấm kỵ không được nhắc đến từ hơn một nửa thế kỷ. Trước đây tôi đã có dịp nói chuyện với vài người trong giới trẻ Hà Nội như mấy cô chú hướng dẫn viên các hãng du lịch hoặc các cô cậu sinh viên làm việc ở quầy tiếp tân các khách sạn, những người trẻ này có khả năng về ngoại ngữ rất cao, có thể nói được nhuần nhuyễn cả hai thứ tiếng Anh, Pháp. Nhưng khi được hỏi về Tự Lực Văn Đoàn thì đa số trả lời là họ chỉ biết đến nhà văn Thạch Lam với truyện ngắn Hai Chị Em được dậy trong giáo trình giảng văn bậc trung học. 

Rít một hơi thuốc lào một người khác ngửa cổ lên trời nhả khói rồi nói:

– Bây giờ người ta không biết viết văn... Cả một thế hệ không biết viết văn... Sách truyện bây giờ người ta in khối ra đấy mà chả có một cuốn nào viết ra hồn... Văn chả ra văn.

Tôi lên tiếng bênh vực:

– Bác nói thế có hơi quá không? Nhìn chung thì đúng như thế đấy, nhưng cũng có ngoại lệ chứ. Tôi đã đọc vài truyện tôi rất thích của một hai tác giả ở Hà Nội. Theo tôi họ viết cũng hay lắm.

– Ông nói thế là thế nào? Ông thử nêu tên vài cuốn tôi nghe thử? Làm sao họ có thể viết văn hay như những tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn được?

Tôi im lặng. Hơn bốn mươi năm trước hồi ở Sài Gòn đã có lần tôi nói tôi thích đọc văn của nhóm Sáng Tạo hơn đọc văn Tự Lực Văn Đoàn và khen nhóm này có nhiều tay viết rất cừ, mới chỉ nói thế thôi mà đã gây tranh luận trong đám bạn bè. Bây giờ nếu tôi mở miệng khen ngợi vài ba nhà văn đương thời của Hà Nội với các vị mê say Tự Lực Văn Đoàn, xem văn của nhóm này như chuẩn đích cho cái hay của văn chương mọi thời thì chắc cũng lại chỉ gây tranh cãi vô ích.

Cụ Từ cúi xuống rót thêm nước chè vào chén của tôi. Từ lúc nẫy cụ yên lặng không tham dự vào câu chuyện văn chương. Cụ chắc đã trên tuổi bát tuần. Cái tuổi mà nếu các nhà văn bậc tiền bối còn sống hẳn là đã gọi cụ bằng hai tiếng thân mật “chú em”. 

Tôi nhìn ra hồ Tây phía xa. Trong rặng cây xanh bên kia bờ nổi bật mái đỏ của hai gian nhà lớn hai từng. Thấy tôi nhìn phía bên kia hồ cụ Từ chỉ tay về phía ấy nói:

– Bên ấy là làng Thụy Khuê. Rặng cây xanh là vườn Bách Thảo. Hai cái nhà lớn mái đỏ kia là trường Bưởi.

– Thế hả cụ? Cháu cứ nghe mãi tên trường Bưởi bây giờ mới biết nó ở đấy đấy.

Trường Bưởi, cái tên rất thân quen. Chu Văn An ngàn đời treo gương sáng...anh tôi vẫn cất tiếng hát, bài hát của ngôi trường một thuở nào xa xôi anh đã từng in dấu.

Trường Bưởi, cùng với sóng nước hồ Tây, đã đi vào văn chương. Tôi mê đoạn văn sau đây, nhớ mãi. Có thật chăng một cuộc tình não nùng đã từng nẩy nở bên kia bờ nước, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía góc trường kia?

“Hai mươi năm đã qua... Quanh hồ đủ thứ đã đổi thay, song thần thái của hồ vẫn là muôn thuở. Vẫn mênh mang thế, vẫn bình yên, thong dong, lãng đãng thế và say đắm thế. Với sương mờ ban mai. Với vừng ráng chiều tà. Với rặng núi xa. Kiên chưa lần nào vào lại sân trường xưa để vòng sau nhà bát giác tới lùm cây ấy, bãi cỏ ấy. Anh chỉ từ rất xa, mé đường Thanh Niên mà nhìn về góc trường đó, mặt hồ dường như ngước nhìn anh bằng đôi mắt lấp lánh màu nâu của Phương, với vẻ kỳ diệu và nỗi ngậm ngùi của tuổi thơ ấu, của tình yêu đã đi qua, đã xa vời vợi. Và những chiều ngồi bên hồ bao giờ anh cũng ngồi nán lại cho đến khi vừng ráng chỉ còn đọng lại một ngấn đỏ chạy ngang trời. Ấy là ánh hồi quang của cái đêm hai mươi năm trước, bên bờ hồ, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía góc trường...

Sóng hồ dập dềnh, ì oạp vỗ vào bờ cỏ. Xa xa, từ chỗ pháo đội cao xạ chốt nổi trên đám bèo neo sâu trong hồ một hồi kẻng khuya chậm rãi dóng lên. Vị thần bảo hộ cứu tinh cho sự trong trắng và trong sạch của đôi bạn, chẳng phải ai khác ngoài chính họ.

Gió thở dài. Im lặng lan xa. Hai người như thể vừa từ đáy nước nổi bồng lên để rồi bị cuốn dạt ra mỗi ngả...”(Bảo Ninh – Thân phận tình yêu).

Từ trái: Bảo Ninh, Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Xuân Nguyên (đứng), Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Huy Thiệp (24-7-2006).
Gió... không thở dài ở đây, bây giờ, mà lồng lộng thổi từ mặt hồ Tây mênh mang phía trước.

Ngày hôm qua tôi nói với Bảo Ninh ngồi đối diện tôi nơi một bàn tiệc:

– Tôi có đọc truyện Nỗi buồn chiến tranh của anh. Không khí truyện này rất lôi cuốn khiến tôi đọc mà muốn ngộp hơi. Đọc xong tôi hiểu vì sao anh bị giằng co trong sự lựa chọn giữa hai nhan truyện “Nỗi buồn chiến tranh” và “Thân phận tình yêu”. Tôi thích nhan đề sau hơn, có lẽ bởi vì tôi bị mê hoặc bởi những đoạn anh viết về những cuộc tình hơn là những đoạn anh viết về cuộc chiến, tôi thích style văn rất mới của anh, cái lãng mạn trong văn phong anh, không phải cái lãng mạn trữ tình êm đềm kiểu Tự Lực Văn Đoàn mà là thứ lãng mạn chua xót và đớn đau. Tôi cho rằng mình đã đọc một truyện rất hay về cuộc chiến tranh mà anh với tôi đã cùng trải qua và trực tiếp dự phần, từ hai phía đối nghịch.

Bên kia bàn Bảo Ninh, trẻ hơn tôi đúng một giáp, mái tóc đã điểm sương bồng lên bù xù, hàng râu quặp trên mép, nhận lời khen của tôi một cách trịnh trọng, hơi kiểu cách: anh nắm chặt hai bàn tay vào nhau để phía trước ngực khẽ cúi đầu nói nhỏ “đa tạ!”.

Trong lúc ăn Bảo Ninh luôn tay với chai rượu whiskey rót thêm vào cốc đưa lên miệng uống. Chả mấy chốc chai thứ hai đã được khui. Bàn tiệc có sáu bảy người. Một mình anh ta có lẽ đã tiêu thụ nguyên gần một chai rượu mạnh. 

Ngồi bên trái tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp yên lặng gắp đồ ăn, anh ăn nhỏ nhẹ không đụng tới một giọt rượu.

Bảo Ninh uống. Hết ly này đến ly khác. Mắt anh có một lúc rời tôi nhìn người ngồi cạnh tôi bên phải. Cặp mắt đã mờ say của anh ánh lên một tia nhìn dịu và đằm thắm, hẳn cũng là cái nhìn của nhân vật Kiên với những người nữ trong Nỗi buồn chiến tranhcủa anh. 

Bên cạnh tôi là Đỗ Hoàng Diệu một nhà văn nữ rất trẻ, tác giả một quyển truyện nổi tiếng “ Bóng Đè”. 

Tiệc tàn. Tôi hơi say. Cả bàn có lẽ chỉ có hai người không đụng tới rượu là Nguyễn Huy Thiệp và Đỗ Hoàng Diệu. 

Nguyễn Huy Thiệp quay qua tôi hỏi:

– Để tôi chở anh về. Anh có bận gì không?

– Không.

Anh ghé nói nhỏ vào tai tôi:

– Nhà anh Tô Hoài rất gần đây. Mình ghé thăm anh một lát rồi tôi chở anh về nhà tôi chơi...

Nơi mé hồ gần bờ hướng chùa Trấn Quốc có một người đang bơi, cái đầu chồi ngụp trên mặt sóng. Hình ảnh bố tôi bơi với chú Đinh Hùng lại thoáng trong trí.

Bố tôi đã ra đi bốn mươi ba năm trước... như con bướm trắng bay đi không trở lại. Nếu còn sống thì hôm nay là sinh nhật thứ 100 chúng tôi đã thắp một trăm ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật của ông. 

Tôi đứng dậy nhìn đồng hồ tay. Nhớ tới cái hẹn tại nhà anh Nguyễn Huệ Chi tôi nói với cụ Từ xin kiếu về.

Bước ra khỏi đình Yên Phụ tôi ngoái nhìn phía trước căn nhà cây liễu một lần cuối rồi đi rẽ về phía cổng làng. 

Mặc dù không dặn nhưng khi bước qua khỏi cổng làng tôi đã thấy bác lái xe ôm ban sáng ngồi chờ tôi dưới một gốc cây. Thấy tôi bác lật đật đứng lên vứt điếu thuốc xuống lề đường. Lúc nẫy tôi đã định bụng không về ngay khách sạn mà tản bộ một lát trên đường Cổ Ngư, nhưng thấy bác ta chờ từ sáng tội nghiệp, tôi đổi ý và để bác ta chở về. Ngồi sau lưng bác tài trên chiếc xe hai bánh chạy ngược trên đường Thanh Niên tôi nhớ ngày hôm qua tôi ôm eo Nguyễn Huy Thiệp trên chiếc xe gắn máy của anh ta và hình như cũng chạy qua con đường này. Không có ý niệm về đường phố ở Hà Nội tôi không biết anh Thiệp đã chở tôi đi những đâu, qua những con phố nào, chỉ biết là anh chở tôi đi xa lắm tôi ngồi lâu trên xe ê cả mông đít.

Nhà văn Tô Hoài và tác giả tại nhà Tô Hoài (24-7-2006)

Từ nhà hàng ăn chúng tôi đến thăm nhà văn lão thành Tô Hoài, tác giả của tập truyện Dế mèn phiêu lưu ký tôi đã mê say đọc từ hồi còn nhỏ. Anh Thiệp sau đó chở tôi đến phố Hàng Trống thăm một xưởng tranh hình như là của người con anh. Chiều đến anh chở tôi về nhà anh ở vùng ngoại thành Hà Nội rất xa khu trung tâm thành phố. Khi chiếc xe rời con đường chính vào một con ngõ tôi đinh ninh sắp đến nhà anh. Nhưng không. Xe còn đi lâu lắm rẽ qua không biết bao nhiêu con ngõ rắc rối rồi cuối cùng mới dừng lại trước căn nhà có bờ tường rêu bao quanh và có cổng gỗ kiến trúc giống như cổng một mái chùa hay một ngôi đình làng. 

Nguyễn Huy Thiệp tắt máy xuống xe tra chìa vào ổ khóa đẩy hai cái cánh cửa gỗ nặng nề dắt xe qua cổng. Bên trong mở ra một thế giới khác hẳn bên ngoài. Một khu tuy nằm trong lòng Hà Nội nhưng biệt lập yên tịnh và đặc biệt là rất đồng quê. Qua bóng rợp của một khu vườn cây rộng, toàn cây ăn trái, nào nhãn, nào ổi, nào khế... cây nào cây nấy nặng trĩu những quả, một con đường lát gạch dẫn tôi tới căn nhà hai từng nằm ẩn sau vườn, nơi mà “Không có vua”, “Tướng về hưu...” cùng những tác phẩm khác của anh được thai nghén và sáng tác. 

Tối đó anh Thiệp mời tôi dùng cơm tại nhà anh. Tôi nhớ mãi bữa cơm rau ấy vì đã từ lâu lắm rồi tôi không được ăn một bữa cơm rất thanh đạm nhưng đầy mùi vị quê hương. Về khuya anh đưa tôi ra đầu ngõ đón xe về khách sạn. Anh nói trước khi chia tay:

– Văn chương nó bạc lắm anh ạ. Phần thưởng quí nhất có lẽ là qua nó chúng ta có được những người bạn mới ở khắp bốn phương.

*

Tôi cúi xuống mở cái ba-lô tôi để dưới chân ghế lấy ra quyển hồi ký “Nhất Linh Cha Tôi” tôi mới xuất bản ở Mỹ. Tôi mở trang đầu cuốn sách viết lời đề tặng chủ nhà. 

Có tiếng động và tiếng người nói ở nhà dưới. Lát sau mọi người lần lượt lên cầu thang ngồi trên hai dẫy ghế hai bên bàn. Có hai vị khách được chủ nhà hướng dẫn ngồi ghế phía trước cạnh tôi. Tất cả khoảng hơn mười người.

Từ trái: Trần Văn Thủy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Tường Thiết, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Lân Bình, Nguyễn Đức Mậu, Đặng Thị Hảo, Phạm Ngọc Lan, Phạm Thu Hương, Trương Hồng Quang (25-7-2006).

Chủ nhà, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trưởng ban văn học Việt Nam Cổ cận đại viện văn học Hà Nội, cũng là chủ biên của tập Từ Điển Văn Học, giới thiệu những người hiện diện. Trừ vài người tôi đã nghe danh tánh như giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, giáo sư Phan Đình Diệu, hai vị ngồi cạnh tôi, và một người ngồi phía dưới là đạo diễn Trần Văn Thủy, những người khác tôi mới nghe tên lần đầu.

Nghe anh Huệ Chi giới thiệu những người đó với toàn chức vị “tiến sĩ” tôi nói đùa với anh:

– Mặc dù Hà Nội đang giữa mùa Hạ anh cũng làm tôi rét đấy! Tôi chưa từng bao giờ được diện kiến với nhiều vị tiến sĩ như vậy...

Vài nụ cười nhẹ thoáng trên môi của mấy vị khách phái nữ.

Câu nói đùa của tôi không phá được bàu không khí khá trịnh trọng lúc ấy. Trong một lát tôi ngỡ ngàng. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị để đối diện với cái không khí này. 

Vị trí ngồi của tôi ở đầu bàn cho thấy hậu ý của chủ nhà muốn tôi là người nói chuyện và có lẽ là người duy nhất phát biểu trong buổi kỷ niệm này với đề tài được mọi người trông chờ là nói về ông cụ. 

Tôi biết nói gì đây, ở một nơi mà chỉ nội nhắc đến cái tên ông cụ không thôi đã là một điều cấm kỵ? 

Tôi mở đầu nói về tiểu sử và các hoạt động văn hóa của ông cụ. Tôi nói vắn tắt vì biết rằng hầu hết những người trong phòng này là những học giả uyên bác, họ đã nghiên cứu tác giả Nhất Linh rất kỹ và chắc hẳn là tường tận hơn tôi. 

Còn về con người thứ hai của ông cụ, con người chính trị và cách mạng Nguyễn Tường Tam, thì đây mới thực sự là “điểm nóng”. Nhưng nơi này lại không phải là một chỗ thích hợp để nói tới và luận bàn.

Tôi với tay lấy cuốn hồi ký của tôi trên bàn và đọc nguyên một đoạn dài trong bài “Nói chuyện với Huy Cận”. Bài viết đó tôi tường thuật buổi gặp gỡ giữa anh em chúng tôi với thi sĩ Huy Cận vào mùa Hạ năm 2001, bốn năm trước khi thi sĩ qua đời. Trong buổi nói chuyện ấy chúng tôi đã có một lúc tranh luận khá gay gắt khi Huy Cận bắt đầu nói về chính trị, đặc biệt khi ông tự dành quyền “phán xét” hành động chính trị của bố tôi, điều mà bố tôi không muốn: bố tôi tự chết chỉ quyết là không để ai được quyền phán xét ông, ngoài “lịch sử”.

Buổi nói chuyện trong đó tôi là người duy nhất lên tiếng chấm dứt trong im lặng. Sau đó chủ nhà đứng lên chuyển lại lời mời của tôi với tất cả mọi người hiện diện đến dự buổi cơm trưa tại một nhà hàng do anh ấy lựa chọn. Rồi anh chuyển quanh bàn cuốn Từ Điển Văn Học để tất cả cùng ký tên trên trang sách anh đã viết sẵn lời đề tặng chúng tôi.

Sau khi chụp hình lưu niệm mọi người lần lượt bước xuống cầu thang. Anh Huệ Chi bảo tôi:

– Anh cứ ở trên này một lát để tôi xuống trước thu xếp xe.

Tôi hỏi anh:

– Anh đã chọn được quán ăn nào chưa?

– Rồi. Quán ngon.

Tôi hỏi lại:

– Quán gì?

– Quán Ngon.

– Chà, cái tên lạ nhỉ... 

Anh mỉm cười bước xuống cầu thang.

Tôi ngồi xuống ghế lật trang đầu cuốn Từ Điển. 

Bên dưới chữ ký của anh Nguyễn Huệ Chi có thêm chữ ký của các vị sau đây: Phan Đình Diệu, Trần Văn Thủy, Phạm Ngọc Lan, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Bá Dũng, Phạm Thu Hương, Trương Hồng Quang, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Văn Bình.

Phía dưới nữa là một hàng chữ lớn viết tay và chữ ký của người viết:

Với cả tấm lòng quý trọng đại văn hào Nhất Linh. 
Hoàng Ngọc Hiến

Nguyễn Tường Thiết