17 September 2019

THEO CON THUYỀN NGƯỢC - Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích


Cơn sốt hành hạ Trần Vũ đã một tháng liền. Những liều thuốc xuyên tâm liên, ký ninh nội địa không đủ độ triệt hạ họ hàng lũ vi trùng sốt rét độc địa đã bám trụ cả ngàn năm tại khu rừng già nầy. Nhìn khuôn mặt tóp rọp vì thiếu ăn thêm màu da vàng tái vì mất máu, không ai nhận ra chàng phi công hai mươi tám tuổi lái chiến đấu cơ thuở nào..

Trần Vũ dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú. Cặp mắt to đen với hàng lông mi dài đậm lại thêm ánh mắt nhìn cuả Vũ đầy quyến rũ. Thời “oanh liệt”, không biết có bao nhiêu con tim nữ giới đã đắm đuối trong vòng tay chàng trai pilot hào hoa nầy?

Khi ra khỏi bệnh xá, Vũ hoàn toàn kiệt sức. Ban giám thị trại sắp xếp cho hắn vào toán làm việc nhẹ. Vì còn trẻ và nhanh nhẹn nên Vũ được điều đến giúp việc cho cán bộ Quản lý..

Buổi sáng đầu tuần, nhận lệnh của cán bộ trực ban, Vũ đến trình diện cán bộ Hạnh. Hắn lững thững đến khu nhà tập thể của cán bộ  tìm chị quản lý. Vừa tới khu chứa thóc, Vũ chợt thấy một cô gái mặc áo trắng quần tây xanh với mái tóc đen dài xõa kín bờ vai rất “nữ sinh” cũng lững thững đi ngược chiều. Vũ gục đầu chào và lên tiếng hỏi:
- Có phải tên cô là Hạnh không ạ?

Cô gái dừng chân, trừng mắt nhìn Vũ rồi nghiêm nghị hỏi lại:
- Nội qui có cho phép Tù Cải Tạo gọi cán bộ bằng cô không nhỉ?

Vũ chưa kịp trả lời, chị tiếp:
- Anh phải gọi tôi là cán bộ Hạnh.
- Vâng ạ, báo cáo cán bộ, tôi tên Trần Vũ thuộc toán làm việc nhẹ được lệnh Ban Giám Thị điều lên kho phụ việc.

Ánh mắt chị quản lý lướt nhanh trên tòan thân Vũ rồi với giọng chua chát:
- Mất sức còn cho lên đây làm gì nhỉ? Kho, đâu phải là chỗ dưỡng sức, các đồng chí trên ấy... Chị bỏ lửng câu nói rồi hất đầu về phía dãy nhà chứa thóc bảo:
- Thôi được, anh vào đấy ngồi chờ, tôi đến làm việc với thủ trưởng một khắc, sẽ bố trí công tác cho anh sau.

Chị quày quả bước chân về hướng khu nhà của Ban Giám Thị. Những căn nhà xây, mái ngói đỏ rực, đứng ngạo nghễ trên đỉnh đồi. Một công trình do sức lực, mồ hôi và nước mắt của tù dựng lên. Vũ thở dài ngao ngán. Dãy nhà kho nằm lưng chừng đồi nối dài ba căn. Tất cả đồ tiếp liệu cho trên một ngàn tù nhân và cán bộ được chứa trong đó.

Nửa giờ sau, cán bộ Hạnh trở lại, hất hàm bảo:
- Tôi tạm thời dùng anh một tuần lễ. Nếu anh không đủ sức làm việc, tôi sẽ trả anh về trại.   
Vũ lặng thinh, bụng bảo dạ: “Nước sông công tù, nơi nào vẫn thế!”   
Chị quản lý vừa mở cửa kho vừa gọi:
- Anh vào đây.
Vũ bước theo. Mùi gạo mốc, cá khô, nước mắm xông lên nồng nặc.
- Anh hốt hết gạo đổ trên nền kho, lượm sạch sạn, cứt chuột, xong dồn vào bao.
Chị quản lý ra lệnh cho Vũ,  rồi chỉ tay về hướng góc nhà:
- Đồ dùng ở đằng kia.

Vũ lặng lẽ đến nơi chứa dụng cụ lấy cây chổi quét gom số gạo vung vãi vào một nơi. Cán bộ Hạnh  đưa cho hắn chiếc sàng và nia. Vũ xúc gạo vào sàng, hai tay đưa chiếc sàng qua lại. Đất bột, cát và những hạt tấm lọt qua các lỗ nhỏ, còn lại trên mặt sàng là gạo, sạn, lúa và cứt chuột trộn lẫn với nhau. Vũ cố nhớ ngày xưa mẹ hắn đã sàng bằng cách nào mà gạo nhóm vào giữa, sạn thóc nổi lên trên.

Chị cán bộ xẵng lời:
- Nhìn cách làm của anh đủ thấy cái thói ăn bám vào nhân dân, không chịu lao động.
Vũ tức điên người trước thái độ xấc láo của con bé quản lý. Anh cố đè nén cơn giận đang bùng lên. Vũ muốn thét to vào mặt ả:
- Nghề nghiệp của tao là lái máy bay, đâu phải nghề làm gạo hàng xáo!  

Vũ được đào tạo tại Hoa Kỳ và đã thực hiện hàng bao nhiêu chục  phi vụ với mấy trăm  giờ bay. Mỗi lần máy bay cất cánh là Cộng quân “hồn xiêu phách lạc”. Anh luôn luôn mang về chiến thắng. Điều khiển một chiếc máy bay biết bao là động tác phức tạp. Tấm bảng điều hướng phi cụ chằng chịt những đồ thị, đối với anh chỉ là việc thường tình. Vậy mà cái công việc sàng gạo đối với Vũ lại khó khăn, nhiêu khê đến thế!

Sàng gạo, một việc làm thường xuyên của mẹ. Với đôi tay mềm dẻo, mẹ nhẹ nhàng hất sàng lên, tay quay đều là gạo nhóm vào giữa, những hạt thóc nổi lên trên mặt sàng. Mẹ đã chọn những hạt gạo trên sàng dành  cho anh mang ra tỉnh ăn học. Mẹ giữ lại phần gạo nát, tấm mẳn cho suốt cuộc đời mình. Ngày Vũ trở về nước, mẹ không còn nữa. Người chưa kịp thấy mảnh bằng phi công của con trai mình.

Cha Mẹ mất cả rồi. Người chị giờ lưu lạc phương trời nào. Vũ cảm thấy thương thân mình đơn độc, bỗng dưng nước mắt Vũ trào ra rơi trên sàng gạo. Anh giật mình, sợ cán bộ Hạnh trông thấy những giọt lệ, Vũ vội vàng lau mắt vào cánh tay áo. Chợt nhìn vào sàng gạo, Vũ ngạc nhiên thấy gạo trên sàng nhóm vào giữa chẳng khác gì sàng gạo của mẹ chàng ngày xưa. Thì ra, khi sàng gạo không nên chú ý quá vào đôi tay của mình, Vũ đã tìm ra nguyên tắc...

Chị cán bộ đi đâu đó quay về, nhìn đôi tay Vũ quay đều có vẻ sành sỏi y thị gúc gắc đầu.
Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả lưng áo, Vũ đã gắng hết sức mình vượt thắng đôi tay rã rời để hoàn tất một công việc mà anh cho là của đàn bà con gái.
Công việc nhẹ của nhà kho dành cho người mất sức trong buổi đầu như thế đấy!

Kẻng điểm giờ ăn trưa. Vũ báo cáo cán bộ về trại. Chị quản lý đưa cho chàng một trái chuối chín. Chuối, trước kia là món ăn tráng miệng hàng ngày, bây giờ là món “cao lương”. Qua bốn năm trong tù, lần đầu tiên Vũ mới ngửi được mùi chuối chín. Tay anh thọc vào túi áo vuốt ve vỏ chuối mịn màng, mát rượi. Vũ mân mê, trân quí nó như thuở còn bé mẹ đi chợ mua quà về cho con mà bé Vũ cố để dành thật lâu.

Ăn xong chén sắn độn cơm, Vũ mới bắt đầu thưởng thức cái giây phút ngất ngây: “ăn chuối chín.” Cắn từng miếng nhỏ, nuốt thật chậm, Vũ sợ không cảm nhận hết chất ngọt ngào và hương vị thơm lừng của chuối. Nhìn cái vỏ chuối vàng rực, Vũ chợt nhớ đến bài viết về Tân Dưỡng Sinh của một tác giả người Nhật đã khuyên rằng: “Ăn rau thì dùng luôn cả rể, ăn trái cây đừng bỏ vỏ. Có như thế mới kết hợp được âm dương vốn luôn luôn cân bằng của thiên nhiên”. Một chén sắn trộn cơm đối với tù có thấm vào đâu. Nó chỉ làm kích thích thêm cái bao tử thèm ăn kinh niên. Và Vũ không đắn đo, nhai ngấu nghiến cái vỏ chuối còn đắng chát, rồi tự an ủi mình: “không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang!”

Trở lại nhà kho, Vũ ngạc nhiên thấy cán bộ Hạnh đã có mặt. Chị trao cho Vũ hai tập vở học trò đã cuốn góc, bảo anh rà soát lại phần xuất và nhập hàng tiếp liệu có ăn khớp với nhau không.

Nhìn vào hai cuốn sổ, đầu Vũ lùng bùng trước sự ghi chép vô cùng cẩu thả, chứng tỏ nghiệp vụ của “con bé” còn rất lơ tơ mơ.

Điểm đầu tiên được lòng cán bộ là anh đã phát hiện những nhầm lẫn sai biệt giữa phần xuất và nhập. Qua mấy ngày kế tiếp, Vũ đã bỏ ra rất nhiều thời gian để trình bày hai cuốn sổ điều hành mới có tính “chính quy” hơn. Mỗi trang đều có chung cột ghi ngày tháng, số lượng, tên loại hàng, chữ ký cuả người nhận, tên giới chức ra lệnh xuất v. v..

Khi hai cuốn sổ khổ lớn bìa cứng trình bày khá đẹp mắt hoàn tất, cán bộ Hạnh mới thật sự cảm phục óc sáng kiến và sự khéo tay của Vũ. Qua hai tuần lễ thử thách, giờ đây Vũ nghiễm nhiên trở thành người giúp việc cho cán bộ quản lý.
Câu nói ví von của tù: “Làm nhà bếp đánh chết cũng no, gần nhà kho có lo gì đói”, giờ đây Vũ mới nhận chân được ý nghĩa của nó. Thân thể của Vũ có phần đầy đặn và da dẻ hồng hào nhờ những phần ăn từ nhà bếp do cán bộ Hạnh mang cho cùng với trứng vịt, chuối, đường bồi duỡng hàng ngày.

Vào ngày cuối tháng, Vũ ngồi liệt kê các loại thực phẩm đã xuất ra. Bàn bên cạnh, cán bộ Hạnh lo phần báo cáo số hàng tồn kho. Bất chợt nàng gọi:
- Anh Vũ!
Vũ ngửng đầu chờ đợi.
- Tôi muốn hỏi anh một điều. Nàng ngập ngừng…, nhưng phải trả lời thẳng thắn kia.  Vũ gật đầu.
- Anh còn nhớ ngày đầu tiên lúc sàng gạo, anh đã khóc. Tôi ngại ngùng bỏ ra ngoài. Có phải vì câu nói của tôi đã làm anh tủi thân?
- Tôi bực mình thì đúng hơn. Vũ nhìn vào mắt chị cán bộ, trung thực tiếp, nhưng đó không phải là nguyên nhân đâu.
- Vậy, vì lý do nào?

- Thuở bé, khi mẹ tôi sàng gạo, tôi thường ngồi bên chờ lượm những hạt lúa  trên sàng vứt cho bầy gà đang đứng trước hiên. Đôi tay mẹ quây sàng thuần thục như ngày nay tôi điều khiển phi cơ. Những thao tác nghề nghiệp trở thành phản xạ tự nhiên. Tôi ngồi sàng gạo mà nghĩ đến mẹ. Ngày xưa Người không bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày con trai mình phải cặm cụi làm cái công việc tầm thường này, bỗng nhiên tôi nhớ mẹ xót xa. Mẹ tôi góa bụa từ  lúc còn thanh xuân, thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Ngày tôi giã từ mẹ lên đường sang Mỹ theo học lái máy bay, miệng mẹ nở nụ cười mà nước mắt Người đầm đìa trên khuôn mặt nhăn nheo. Mẹ vừa mừng, vừa thương đứa con trai đã hai mươi năm chưa lần nào xa mẹ. Người dặn dò tôi phải giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập để mang mảnh bằng phi công về cho mẹ hãnh diện. Nhưng ngày về, mẹ tôi đã lìa đời. Mẹ mất vì bạo bệnh mà người chị đã cố ý giấu tôi.

- Chị anh bây giờ ở đâu? Hạnh tò mò hỏi.
- Bặt tin từ sau ngày 30 tháng 4.  Vũ lặng lẽ tiếp tục làm việc. Hạnh buông tiếng thở dài:
- Anh lái loại máy bay nào?
-  F5E.        
- Có phải máy bay cánh cụp cánh xoè?
- Không, đây chỉ là loại khu trục chiến đấu dội bom và tác xạ.
- Nghe nói các nữ sinh Miền Nam mê mấy ông giặc lái lắm phải không?  Hạnh hỏi Vũ với giọng giè bỉu.. Danh từ  giặc lái khiến cho Vũ khó chịu. Anh cúi đầu làm việc, giả vờ không nghe.

Cán bộ Hạnh không có nét đẹp quý phái nhưng khá duyên dáng, mặn mà. Một thân hình đầy đặn, cân đối.  Màu da nâu sáng khoẻ mạnh, thể hiện một mẫu người nghị lực và xốc vác. Khuôn mặt trái soan, với đôi hàm răng trắng đều, khiến cho nụ cười của nàng toát lên tính hồn nhiên đầy quyến rũ.

Vũ đến giúp việc cho cán bộ quản lý mới đó mà đã hơn ba tháng rồi.
Khác với ngày đầu tiên khi anh đến trình diện nhận việc, tính đanh đá, chua ngoa, đốp chát ở cán bộ Hạnh gần như biến mất mà thay vào đó là tính điềm đạm, lời nói trở nên dịu dàng lịch sự. Thái độ dằn mặt làm Vũ hụt hẫng trong buổi đầu dường như Hạnh đã cảm thấy mình vụng về. Dẫu biết địa vị mình là một “cán bộ cách mạng” và bên kia là tù cải tạo, nhiều lúc Hạnh lại thấy lúng túng khi xưng hô xẵng xớm với Vũ. Mỗi lần tiếp xúc với chàng, nàng không giữ được bản lãnh của một cán bộ quyền uy.. Có một chút gì len lỏi trong nàng như tình cảm giữa hai người khác phái. Tính hồn nhiên trong Hạnh dần dà bộc lộ không gìn giữ như những ngày đầu đối với chàng. Từ những câu hỏi vụn vặt cách riêng “con gái”, cung cách xưng hô, sai bảo đã khiến Vũ cảm nhận có cái gì khang khác nơi người cán bộ quản lý. 
Những ngày có Vũ, nhà kho trở nên ngăn nắp, sạch sẽ. Cán bộ Hạnh tiến bộ nhiều về mặt nghiệp vụ. Đặc biệt hơn cả là nàng đã bỏ cách nói năng kiểu “bài học thuộc lòng như loài vẹt”, trở nên ngọt ngào và trí thức hơn. Sau nầy, Vũ còn phát hiện bản chất hiền hoà và thương người của Hạnh. Có lần nàng tâm sự:        
- Tôi không chịu nổi cái cảnh tù cải tạo bị đói phải ăn cả cào cào, châu chấu.
Anh biết không, Hạnh nhìn Vũ rồi hạ thấp giọng:
-  Gia đình ông nội của Hạnh theo đạo Thiên Chúa, bố theo cách mạng bỏ đạo. Lần đầu tiên vào miền Nam, điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là nhà thờ nào cũng đồ sộ, còn ngoài Bắc thì tàn tạ. Ngừng một lúc, nàng đột ngột hỏi:
- Tại sao cấp trung học ở miền nam lại phải học tới mười hai  năm?    

Vũ không trả lời trực tiếp câu hỏi mà chỉ nở nụ cười kiêu hãnh:
- Vì lẽ đó mà trình độ của học sinh tốt nghiệp Trung học giữa hai miền cách nhau một trời một vực.

Hạnh đồng ý với nhận xét của chàng và thú thật:
- Ngày giải phóng miền Nam, tôi đang theo ngành Quản lý Xí Nghiệp tại Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Khi tốt nghiệp ra trường họ xét lí lịch đưa tôi vào đây coi như trong giai đoạn thực tập. Qua nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ với các anh chị ở trong nầy tôi mới thấy mình còn rất non kém.

Hạnh nói một hơi dài như ngại không có cơ hội bày tỏ một tâm sự thầm kín. Vũ lặng im nhưng rất ngỡ ngàng và lòng đầy xúc động. “Con bé” đã nói thật lòng mình. Rất hiếm những tên cán bộ cộng sản lại bày tỏ lai lịch mình cho tù nhân nghe. Hình như tâm hồn trong sáng của một nữ sinh chưa bị tập nhiễm lề thói dối mình dối người. Vũ đưa ánh mắt nhìn Hạnh với lòng mến phục và thoáng chút biết ơn. Nàng bắt gặp ánh mắt đó và đáp lại chàng bằng nụ cười đầy cảm thông và trìu mến.

*  *  *
   Từ sáng sớm, cán bộ quản lý nhận thêm một số tiếp liệu gồm gạo, mắm, bột ngọt và áo quần tù. Hạnh và Vũ phải làm tất bật cả  ngày.

Thời tiết chuyển mùa, khí trời oi bức, ngột ngạt. Cây rừng đứng chết lặng trước sức ép của bầu khí quyển nặng nề.. Rồi mây đen kéo về che kín cả bầu trời. Gió thổi. Sấm sét. Trận mưa đầu mùa trút xuống mờ mịt cả núi đồi. Mưa đổ trên mái ngói, mưa nổi bong bóng ngoài sân.

“ Nước! nước!”, 
Nước dột từ trên nóc nhà chảy xuống kho, Hạnh vừa hốt hoảng kêu lên vừa vội vã lấy vải nhựa đi mưa phủ lên đống hàng mới nhập. Vũ phát hiện một viên ngói trên nóc nhà bị bể.  Anh nhanh chân bắc thang trèo lên mái nhà thay viên ngói lành.
 Mưa mỗi lúc mỗi đậm lại thêm sấm sét, gió to. Năm phút rồi mười phút Vũ vẫn chưa làm xong. Hạnh cuống cuồng lo cho Vũ, nàng chạy ào ra mưa gọi chàng. Đúng lúcVũ vừa thay xong viên ngói, tuột khỏi mái nhà. Cả người Vũ ướt sũng nước, lưng áo bị rách toạc một đường dài. Hạnh bảo Vũ vào trong nhà thay bộ đồ khác. 
Anh chần chừ, định chạy về trại, nhưng Hạnh nói như ra lệnh: 
- Vào đi!.
Nàng đẩy Vũ vào trong rồi đóng cửa lại để tránh những cơn gió thốc.      
Hạnh lấy bộ áo quần tù mới nhập đưa cho Vũ. Anh đứng yên, ngần ngại. 
Nàng năn nỉ:
- Anh nghe lời em, đừng để nước mưa đầu mùa thấm vào người, vi trùng sốt rét sẽ hành hạ anh trở lại.

Vũ thật sự ngỡ ngàng đến độ bàng hoàng khi nghe Hạnh xưng em với mình. Vũ một mực đòi về trại thay áo dù cơn lạnh đã làm cho môi chàng thâm tím và hai hàm răng đánh vào nhau không còn kìm giữ được. Hạnh xốc tới tự động cởi nút áo cho Vũ. Bộ ngực nở nang đầy nam tính hiện ra, bất giác Hạnh áp mặt vào ngực chàng khóc nức nở. Lòng chùng xuống, Vũ đưa tay vuốt mái tóc ướt đẫm nước mưa của nàng.

Hạnh ngẩng đầu lên với ánh mắt dỗi hờn:
- Anh bướng bỉnh quá làm cho em đau khổ!

Trời tạnh mưa. Vũ xin Hạnh về trại trước nửa giờ. Chàng không muốn ở đó lâu hơn. Hạnh có tình ý với chàng, Vũ cảm thấy lo âu, rồi sẽ xảy ra những bất trắc mà nàng không thể lường trước được. Bạo lực sẽ bóp nát trái tim nàng.. Người ta sẽ không để cho trái tim cán bộ cách mạng có cùng chung một nhịp đập yêu đương với trái tim của người tù.     

Những ngày sau đó, Vũ thố lộ những cảm nghĩ của chàng và yêu cầu nàng trả chàng về đội. Hạnh buồn bã trả lời: 
 - Anh nhát gan quá. Hạnh mới là người chủ động. Em không để phiền lụy đến anh.

Lễ Lao động kết hợp với ngày kỷ niệm 30 tháng 4, cả Ban giám thị được lệnh về thành phố nhận khen thưởng. Tù nhân được nghỉ một buổi. Đang sửa lại vạc giường nằm, Vũ có lệnh lên văn phòng quản lý gặp cán bộ Hạnh.
- Chào cán bộ.
- Đâu cần phải cẩn trọng như thế! Hạnh vừa vén mái tóc qua một bên vừa buông lời trách móc. 
Vũ cười, giả lả hỏi:
- Hạnh không về thành phố à?
- Các đồng chí ấy có công trạng. Em đâu được cái danh dự đó. Hạnh nhoẻn miệng cười nhìn Vũ:
- Hôm nay ngày lễ, cán bộ được bồi dưỡng, em đem ít thịt heo và xôi để anh ăn tối.  Nàng vừa nói vừa đứng lên cầm gói thức ăn trao cho Vũ. 

Anh nhận gói giấy từ tay Hạnh, nói đùa:
- Vậy là cán bộ hối lộ cho tù nhân đấy nhé.
- Ừ, thế đấy! Hạnh nhìn Vũ thách thức, rồi choàng tay ôm cổ chàng, thỏ thẻ:
- Chỉ là món quà hối lộ nhỏ nhoi đầu tiên cho anh.      

Hạnh lại ôm chầm lấy Vũ, ép đôi vú căng đầy vào ngực chàng khiến máu trong người Vũ chạy rần rật, nóng bừng trong từng tế bào trương cứng. Cảnh vắng lặng của văn phòng kho như đồng lõa cơn dục tình quật ngã ý chí chàng. Vũ nâng đầu Hạnh hôn vào môi, đôi môi dày đầy dục tính. Lưỡi chàng quyện lấy lưỡi nàng. Hạnh run lên, toàn thân như tê dại. Gió đánh bật cánh cửa văn phòng khép lại, tạo điều kiện thuận lợi cho hai người. Hạnh nằm xuống kéo Vũ theo. Nàng nhanh tay lột hết áo quần phơi bộ ngực trắng ngần vun cao. Không kìm chế nổi, Vũ đặt môi vào núm vú son hồng đó. Hạnh trân người, siết Vũ vào lòng. Đã trên bốn năm vắng bóng đàn bà, tất cả sinh lực tích tụ dồn vào trong đó. Nàng ưỡn người lên, bấu vào lưng Vũ. Anh chủ động dìu nàng qua những cơn sóng ngầm cho đến khi oà vỡ. Ánh mắt Hạnh đắm đuối nhìn Vũ với gương mặt tràn đầy hạnh phúc.

 Sau lần ân ái đầu tiên, Hạnh thường tạo điều kiện thuận lợi cho hai người gặp nhau. Càng ngày nàng càng gắn bó với Vũ hơn. Có lần Hạnh thủ thỉ với chàng:
- Em muốn có con với anh.
- Hạnh sẽ không đạt được ý nguyện đó đâu.      

Vừa trả lời, Vũ vừa xoa nhẹ bàn tay nàng, lo ngại tiếp:
- Nếu Hạnh bảo vệ được đứa bé thì sau nầy, nó sẽ mồ côi cha, tội nghiệp.   Nàng xoay người lại, ôm cổ Vũ hỏi:
- Câu nói của anh có ý gì vậy?
- Vũ vén những sợi tóc mai loà xoà trên mặt nàng rồi điềm tĩnh trả lời:
- Họ sẽ giết anh!
Hạnh thở dài trước sự thực phũ phàng mà nàng chưa hề nghĩ tới.

* * *
- Em đi công tác bảy ngày. Hạnh báo cho Vũ và dặn dò thêm:
- Anh vẫn làm việc tại kho với cán bộ Toả, ngày mai em lên đường, anh ghi những vật dụng cần dùng để em mua cho.
- Cám ơn Hạnh, đời sống tù quen rồi, tôi chẳng cần gì đâu, Vũ thẳng thắn trả lời.

Ngày hôm sau, Toả đến kho. Hắn coi sơ qua hai sổ xuất nhập hàng tiếp liệu. Hắn luôn giữ khoảng cách giữa hai người. Toả là cán bộ chỉ huy đơn vị võ trang, tạm thời thay Hạnh, vì vậy phần ghi chép đều nhờ tay Vũ.. Tỏa không nghiêm khắc mà cũng không thân thiện. Hình như hắn muốn truy tìm cái gì đó nên hay lục lọi trong tủ hồ sơ của Hạnh.

Buổi chiều, chị cán bộ nuôi quân đến lãnh gạo hàng ngày.Tỏa sai Vũ mang gạo xuống nhà bếp. Chị nuôi nhìn Vũ rồi nói với Toả:
- Người ta đồn “ Có kẻ chê thuốc Bắc khoái thuốc Nam cũng có lý đấy chứ!.” Cả hai cùng cười.

Cán bộ Hạnh đi công tác về sớm hai ngày.. Chiều thứ Hai nàng trở lại làm việc. Vũ vừa bước vào phòng, Hạnh vội kéo anh vào góc nhà ôm hôn cuồng nhiệt.
Vũ đẩy nàng ra xa vì sợ có người vào bất chợt. Hạnh thì thầm:
- Em nhớ anh, nhớ điên người! 
Nàng bồng bột tiếp:
- Từ nay em bất chấp tất cả. Mấy ngày qua gặp Hoàng, em đã trả lời dứt khoát với anh ta rồi.
- Có vấn đề gì thế? Vũ ngạc nhiên hỏi.
- Em hủy bỏ lời hứa hôn. Hạnh thẳng thắn trả lời.

 Vũ sững sờ. Chẳng biết điều gì đã xảy ra cho Hạnh. Tên Hoàng là ai. Tại sao từ hôn? Chờ nàng bình tĩnh,Vũ yêu cầu Hạnh giải thích.

Hai tay chống cằm, mắt nhìn về hướng hàng cây bạch đàn chạy dài theo con đường đất đỏ ngập ánh nắng chói chang, Hạnh tâm sư:
- Trước đây, anh đã từng trông thấy một người đàn ông thường đến với Hạnh vào những ngày lễ hoặc cuối tuần. Đó là Thiếu tá Hoàng, người dự tính sang năm cưới em. Hoàng hiện giờ là Trưởng Phòng Hình Sự Ty Công An. Chuyến công tác vừa rồi em đã gặp anh ấy và nói rõ quyết định của em.
- Ông ta đã nói gì với Hạnh? Vũ thận trọng hỏi.
- Anh ấy bảo: “Quyết định đó là đồng chí tự hủy hoại sự nghiệp của mình”
Việc xảy ra quá bất ngờ khiến Vũ vô cùng băn khoăn và lo lắng. Chúng sẽ theo dõi, điều tra tìm hiểu nguyên nhân nào khiến cho Hạnh thay đổi tình cảm. Hạnh ngây thơ và nông nổi. Nàng sống cho mình, theo tiếng gọi trái tim mà quên đi những thủ đọan tàn độc. Vũ thở dài, rồi nhẹ nhàng trách:
- Hạnh cần phải đắn đo trước khi quyết định một việc làm có ảnh hưởng đến cả cuộc đời mình. Hạnh có biết việc từ hôn đó sẽ mang đến một hậu quả vô cùng tai hại không?  
- Biết chứ, nhưng lấy Hoàng em sẽ không có hạnh phúc.
- Hạnh mạo hiểm quá và cả Vũ nầy cũng thế! Ngày mai Hạnh trả tôi về lại đội, trả gấp. Tôi không muốn thấy sau nầy Hạnh phải chịu khổ đau và ân hận. Tôi cũng tránh được ngón đòn thù giáng trả.

Kẻng cơm chiều cũng vừa điểm, chàng vội vã về trại. Nàng nhìn theo Vũ với ánh mắt cảm thông.

 Sáng hôm sau, chờ các đội xuất trại xong, Vũ mới báo cáo cán bộ gác cổng lên kho. Hạnh đang sắp xếp lại giấy tờ với đôi mắt đăm chiêu. Hình như có vấn đề gì rắc rối, trông gương mặt của nàng phờ phạc hẳn đi. Vũ lấy sổ ghi chép báo cho Hạnh biết số lượng thực phẩm mà cán bộ Tỏa đã xuất mấy ngày nàng đi công tác. Hạnh vừa đến bên Vũ, bất ngờ hai công an xông vào phòng la lên:
“Mày làm gì cán bộ Hạnh đấy?”
Cán bộ quản giáo bảo vệ chính trị đứng bên ngoài cửa văn phòng Quản lý ra lệnh còng tay Vũ trước cặp mắt ngơ ngác của Hạnh. Họ đẩy Vũ ra khỏi cửa tiến thẳng đến khu kỷ luật. Sau khi cùm hai chân Vũ,  một người trừng mắt bảo:
- Mầy cả gan thật, dám cuỡng hiếp cả cán bộ”.

Vũ đặt lưng xuống mặt sàn, hai cổ chân đau nhói. Chàng thở dài: “Điều mình tiên đoán đã đến rồi!”
Mỗi ngày, Vũ bị áp giải lên phòng trực hỏi cung và viết kiểm điểm. Chủ tâm của họ là gán ghép cho anh tội cưỡng hiếp Hạnh. Hai ngày, rồi một tuần, Vũ cương quyết không chịu nhận tội. Đến ngày thứ tám quản giáo hỏi cung bảo:
- Cán bộ Hạnh gởi đơn tố cáo anh đã cưỡng hiếp đồng chí ấy và có kèm theo vật chứng. Anh nên khai báo sự thật và sớm nhận tội. Nếu ương ngạnh, chúng tôi sẽ chuyển nội vụ qua hình sự. Chừng đó, anh sẽ ngồi tù đến mọt gông.
Hắn ngừng nói, đưa cho Vũ điếu thuốc, chàng từ chối. 
Hắn tiếp:
- Anh khai rõ tình cảm của anh đối với cán bộ Hạnh kể cả quà cáp mà cán bộ Hạnh đã cho anh. 

Hắn châm lửa điếu thuốc, hít một hơi dài:
- Như anh thấy đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương giáo dục chứ không trừng trị. Tội giặc lái của anh đã giết hại biết bao dân lành vô tội, làng quê bị tàn phá tiêu điều, đổ nát là do bom đạn của anh trút xuống. Thế mà cách mạng vẫn khoan hồng, tha tội chết, lại còn nuôi duỡng bảo vệ các anh khỏi sự trả thù cuả nhân dân. Một lần nữa, tôi lưu ý anh, đây là lần viết kiểm điểm cuối cùng, nếu không thành khẩn, buộc chúng tôi phải đưa anh ra trước tòa án nhân dân.
Vũ nhủ thầm: “ Đây là thủ đọan họ cố hại mình.” rồi lặng lẽ viết và ký tên vào tờ tự kiểm.

Đọc bản tự kiểm Vũ vừa trao, cán bộ đập bàn quát:
- Mầy cứng đầu thật. Đã mấy chục tờ rồi mà tờ nào cũng chừng ấy lời khai. Mầy không phạm tội gì à, còn đồng lõa với “tên hủ hóa” đó nữa hả? Đôi mắt hực lửa, hắn nhìn Vũ rồi ra lệnh đưa anh vào phòng kiên giam, cắt thêm tiêu chuẩn phần ăn tối đa để trừng phạt.

 Ba ngày yên ổn, Vũ không bị đưa đi hỏi cung. Những cơn đói hành hạ anh mấy ngày qua, giờ đã trở lại bình thường, bao tử bớt phần đau rát. Vũ nghĩ đến Hạnh, không biết tình trạng của nàng hiện giờ ra sao. Chắc chắn là lũ chúng nó quần thảo dữ lắm. Chẳng thế mà tên quản giáo đã miệt thị nàng là “tên  hủ hóa” trước mặt anh.

Tiếng mở khóa lách cách, Vũ giật mình nhìn ra cửa, ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt. Hai bóng đen tiến vào phòng:
- Ngồi dậy!
Một người ra lệnh, người kia mở cùm chân. Cả hai xốc vai Vũ đẩy ra khỏi cửa hầm kỷ luật.
 Họ đưa vào một căn phòng lạ, ấn anh ngồi xuống ghế. Ánh sáng bóng điện tròn tỏa màu vàng vọt trong căn phòng xông mùi ẩm mốc. Một người đàn ông trung niên mặc áo quần đại cán màu xanh rêu bước vào và ra hiệu cho lính bảo vệ mở khóa cùm tay Vũ.     

 Người cán bộ có dáng cao gầy, mặt vuông. Phần quai hàm bạnh ra trông khắc khổ. Nhờ đôi gương cận thị gọng vàng giúp cho khuôn mặt ông ta cân đối phần nào và có vẻ trí thức. 
Hắn nhếch mép cười gượng gạo, rồi một giọng nói sắc, khô của người xứ Nghệ:
- Tôi là Thanh Hoàng, cán bộ Công an hình sự. Cấp trên có nhận được đơn tố cáo của đồng chí Quản lý Đỗ thị Hồng Hạnh về việc anh đã cưỡng dâm đương sự. Hôm nay tôi cần làm việc với anh một số vấn đề. Nhưng trước hết hãy xác nhận tên anh có phải là Trần Vũ không?

- Vâng, tên tôi là Trần Vũ.
-Anh làm những công việc gì ở kho?
- Làm theo lệnh của cán bộ Quản lý..
- Mà lệnh đó thường là công việc gì?
- Quét dọn, khuân vác hàng tiếp liệu, giúp làm sổ sách cho cán bộ Hạnh.
- Láo, anh là tù nhân, ai cho phép anh làm sổ sách. Anh biết cóc gì về kế toán mà lo chuyện sổ sách. Vũ ngước mắt nhìn ông ta. Ông ta trừng mắt nhìn lại Vũ trấn áp, rồi hỏi tiếp:
- Thời gian ở kho, cán bộ Hạnh có cho anh quà cáp gì không?
- Không.

Anh thành khẩn đi, cán bộ Hạnh đã báo cáo cho cấp trên đầy đủ rồi.    
Im lặng……...
Công an Hoàng tiếp:
- Ngày 25 tháng 5 năm 1979 anh đã cưỡng bức và xâm phạm tiết hạnh cán bộ Đỗ thị Hồng Hạnh?
- Không, không bao giờ, Vũ xác định.
- Láo, láo! 
Hắn đập bàn hét lên giận dữ. Đây là bản chất của lính ngụy. Trước đây, các anh đã cưỡng hiếp biết bao đàn bà con gái trong các trận càn. Chứng nào tật nấy. Đã cải tạo trên bốn năm mà chưa bỏ được thú tính. Có cả vật chứng và người chứng, anh làm sao chối cãi. Hãy thật thà khai đúng, chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên ân giảm, anh mới hy vọng có ngày đoàn tụ với gia đình.    Vũ im lặng, nghĩ ngợi:  “Họ muốn đánh gục mình.” 

Trước sự lặng thinh khá lâu, tưởng Vũ đã bị khuất phục, cán bộ Hoàng mỉm cười, với giọng đầy kịch tính, bảo:
- Như thế là tốt đấy, anh chỉ cần viết vào đây một câu thôi. Hắn chìa cây viết và trang giấy cho Vũ rồi đọc: 
“Tôi xin nhận đã có hành động sai trái với cán bộ Quản lý trong ngày 25 tháng 5 năm1979.”  

Ngưng một chốc, hắn bồi thêm lời khuyến dụ:
- Chừng ấy cũng đủ chứng minh anh đã ăn năn hối lỗi.

Vũ điềm tỉnh cầm viết ghi:
“Tôi Trần Vũ không hề có một hành động nào mang tính cách cưỡng hiếp cán bộ Đỗ Thị Hồng Hạnh trong ngày 25 tháng 5 năm 1979.”

 Cán bộ Hoàng nhìn vào tờ khai cung, đôi môi đang cười gượng gạo, chợt khuôn mặt đanh lại. Hàm răng cắn chặt vào nhau khiến cho quai hàm của y đã bạnh lại càng bạnh hơn, nom như đầu loài rắn mang gương xứ Ấn Độ. Hắn đứng dậy chồm qua bàn, một tay nắm bâu áo của Vũ, tay kia đấm tới tấp vào mặt Vũ. 
Hắn vừa đấm vừa hét lên: 
- Khốn nạn, đểu cáng”. 
Máu từ mũi Vũ phụt ra văng tung tóe, đỏ cả xấp hồ sơ. Thuận đà, y kéo Vũ về phía mình. Cạnh sắc của chiếc bàn chấn ngang bụng, Vũ cong người lại vì đau đớn rồi ngất xỉu trên bàn. Cán bộ Hoàng bỏ giấy tờ vào túi dết, gọi lính bảo vệ áp giải Vũ về lại hầm kỷ luật.

*  *  *
Tin Trần Vũ giúp việc trên kho đã cưỡng hiếp nữ cán bộ Quản lý gây xôn xao trong toàn trại. Đề tài nầy được xem là nóng hổi mấy ngày qua. Sau buổi cơm chiều, anh em tù thường tản bộ trên sân hội trường chuyền miệng cho nhau những mẫu chuyện vừa nghe lóm được. Một bạn nhận xét:

- Quả là một việc làm tầy trời, chỉ nghe thoáng qua cũng đủ xanh máu mặt, nổi da gà. Thế mà thằng Vũ dám “rờ dái ngựa!”
Phần lớn tù nhân đều chê trách Vũ, nào là: “ăn no bò cỡi, được voi đòi tiên”.
Những bạn gần gũi thì tỏ ra không tin, bởi họ hiểu Vũ là người có tư cách và giàu ý chí. 
  “Biết đâu, vì gần gũi lâu ngày nên hai người ghiền nhau, nhất là Trần Vũ vừa đẹp trai, lịch sự vừa có nghệ thuật đắc nhân tâm thuộc loại siêu đẳng”. Anh đội trưởng rau xanh nhận xét, rồi ghé tai anh bạn bên cạnh hỏi:
    -  Đằng ấy có nghe mấy cha cán bộ đùa cợt với nhau câu: “Thuốc bắc không chịu uống, lại đi ghiền thuốc nam!” trong mấy ngày qua không?

Một bạn tù thuộc đội chăn nuôi đột ngột đến báo:
    - Thằng Vũ bị bắt tại trận khi có tiếng kêu cứu của chị Quản lý và tịch thu được bộ áo quần của nó.

  Người đứng bên cạnh bổ túc thêm:
    - Tên trật tự đem cơm vào nhà cùm, tiết lộ rằng Vũ bị cán bộ Hạnh đánh vào mặt để thoát thân, mặt mày hắn còn sưng vù.
    Một bạn tù cao niên tỏ ra am tường luật pháp phát biểu:

    - Phàm“ bắt dâm bôn lấy l... làm chứng” là áp dụng cho tội ngoại tình kia. Tội hiếp dâm chỉ cần nạn nhân tố cáo là đủ rồi, đằng nầy còn  tịch thu được cái quần là thừa tang chứng kết tội rồi.

    Một bạn trẻ xen vào:
    - Ăn vụng mà còn ham cởi cả áo thì bị bắt là đúng thôi. 
Cả bọn cười ồ! Ông bạn già với giọng từng trải tiếp:
    - Án cải tạo của thằng Vũ nhiều lắm sáu năm, bây giờ vướng vào án hình sự nầy e ngày ra tù của nó ắc phải chống gậy!

Sáng Thứ Bảy, tù nhân cơm nước xong đợi giờ lên đường lao động. Bỗng có lệnh trên ban xuống: “Tất cả nghỉ làm ngày hôm nay, chuẩn bị lên hội trường.” 
 -“Lại có chuyện gì đây?” Mọi người xôn xao.

Mười lăm phút sau, tiếng kẻng gióng lên. Tù nhân hồi họp kéo đến hội trường. Cán bộ quản giáo, cán bộ vũ trang, các chị nuôi đều có mặt. Trên sân khấu được đặt ba chiếc bàn theo hình chữ U. Một tốp người vận đồng phục công an tiến vào hội trường, rồi lần lượt ngồi vào ghế đã được phân định trước. Bàn giữa gồm có: Giám thị trưởng, Thiếu tá công an Thanh Hoàng, và một người được giới thiệu là cán bộ phòng Kiểm Sát Nhân Dân của huyện. Hai Phó Giám Thị và một thư ký ngồi bàn cánh trái. Bàn bên phải bỏ trống.

 Thiếu Tá Thanh Hoàng mở đầu cuộc họp bằng giọng nói đầy uy quyền:
- Ty Công An nhận được bản tường trình của Ban giám thị trại về vụ cưỡng dâm đã xảy ra tại văn phòng quản lý trong ngày 25 tháng 5 năm 1979. Can phạm là cải tạo viên Trần Vũ, nghề nghiệp: Trung uý lái máy bay của ngụy quyền Sài Gòn. Nạn nhân là cán bộ Quản lý Đỗ Thị Hồng Hạnh. Đây là cuộc họp xét tội công khai trong nội bộ để lấy đầy đủ lý chứng chuyển qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tỉnh.. Dù có bằng chứng rõ ràng, tên Trần Vũ vẫn ngoan cố không chịu nhận tội. Để chứng tỏ công tác thi hành luật pháp của Nhà Nước là vô tư và đúng đắn, hôm nay chúng tôi cho nạn nhân, đồng chí Đỗ Thị Hồng Hạnh đến đây đối chất trực tiếp với can phạm Trần Vũ và trưng dẫn vật chứng để chúng tôi đúc kết hồ sơ truy tố can phạm ra trước Tòa Án Nhân Dân. Trước tiên, yêu cầu các đồng chí vũ trang áp giải phạm tù Trần Vũ ra trước Chủ Tọa Đoàn. Yêu cầu đồng chí Hạnh vào bàn bên phải.

Tiếng rì rào nổi lên khi Trần Vũ xuất hiện giữa hội trường. Với bộ áo quần tù màu xám tro còn mới, trước ngực dính lấm tấm những vệt máu khô, Vũ bước đi xiêu vẹo, khó khăn bởi dây xích chân quá ngắn. Khuôn mặt Vũ bị biến dạng do những vết sưng bầm. Cùng lúc, cán bộ quản lý Hồng Hạnh cũng bước vào ngồi trên ghế đã chỉ định, với khuôn mặt bơ phờ, tư lự.
  Mở đầu buổi tố khổ, cán bộ thư ký đọc bản tường trình nội vụ gồm có những điểm chính sau:
“Ngày 25 tháng 5 năm 1979, lúc 8 giờ sáng, tù cải tạo Trần Vũ bị bắt tại văn phòng quản lý về tội cưỡng dâm nữ cán bộ Đỗ Thị Hồng Hạnh. Tang chứng thứ nhất là bộ áo quần cuả can phạm bị tịch thu tại phạm trường. Tang chứng thứ hai là vết bầm trên mặt Trần Vũ là do nữ nạn nhân đánh để thoát thân. Thứ ba là chứng từ  trong lời khai của Trần Vũ đã thú nhận có cảm tình với cán bộ Hạnh.” Bản tường trình kết thúc với ý kiến đề nghị: “Yêu cầu cấp trên làm sáng tỏ nội vụ để trừng phạt đích đáng kẻ phạm pháp hầu ngăn chận hành vi tương tự của kẻ khác.”

 Công an Hoàng với tư cách là người trách nhiệm điều tra vụ án phát biểu:
 - Sau đây là phần xác minh của nạn nhân Đỗ Thị Hồng Hạnh. Lời khẳng định nầy là dữ kiện chính yếu để truy tố đương sự. Yêu cầu đồng chí Hạnh đứng lên.
Với thái độ điềm tĩnh, cán bộ Hạnh nói:
- Tôi xét thấy sẽ vấp phải sai lầm lớn lao nếu không đứng ra tố cáo kẻ phạm pháp. Tôi đoán biết thế nào Trần Vũ cũng sẽ không nhận tội. Điều đó không quan trọng mà  quan trọng là điều xác minh của chính tôi. Nhưng trước tiên tôi yêu cầu Trần Vũ hãy trung thực trả lời câu hỏi của tôi:
- Anh có công nhận vết sưng bầm trên mặt anh là do tôi đánh? Không thành khẩn, anh là kẻ yếu hèn.
- Đồng chí Hạnh không cần phải nhiều lời, nên đi thẳng vào vấn đề. Cán bộ  Hoàng chận lại.  

Hạnh tiếp:
- Tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy bản chất của con người mang tên Trần Vũ, một tù cải tạo, có đủ nghị lực nhận tội hay không.

Bỗng, từ dưới chân khán đài, Vũ la lớn:
 -Tôi xác nhận là không đúng! Vết thương trên mặt tôi là do cán bộ điều tra gây ra.
Công an Hoàng quắc mắt nhìn Vũ rồi nhìn Hạnh. Chị Quản lý quay mặt về phía bàn chủ tọa, tiếp:

- Được, bây giờ tôi đề cập đến vật chứng.. Hạnh vừa nói vừa cầm bộ đồ tù đặt trên bàn đưa ra trước mặt hỏi:
- Trần Vũ hãy xác nhận bộ áo quần nầy của ai?

Trần Vũ lớn tiếng trả lời:
- Của tôi.

Hoàng lên tiếng:
- Tôi xét thấy lời xác nhận của can phạm về vật chứng như thế là đủ rồi.
- Không, hãy cho tôi trình bày diễn tiến của sự việc.  
Hạnh bác bỏ ý kiến của công an Hoàng, tiếp:

- Cách đây trên một tháng, trong trận mưa đầu mùa, nước từ viên ngói bể trên nóc kho  đổ xuống đống hàng tiếp liệu, Trần Vũ đích thân lên thay viên ngói bể ấy. Chiếc áo bị rách toạc sau lưng, nước mưa ướt đẫm cả áo quần, tôi đã tự động ứng trước cho Vũ bộ áo quần mới và giữ  lại bộ áo quần cũ để đối chiếu khi vào sổ sách sau nầy.

 Đây là lưng áo bị rách, cán bộ Hạnh vừa nói vừa trình chiếc  áo ra trước cử tọa, rồi tiếp:       
 - Bộ đồ cũ nầy tôi cất trong kho, bỗng nhiên biến mất từ hơn hai tuần nay.”
    Hoàng đập bàn đứng lên, nhưng Hạnh vẫn tiếp tục nói với nhịp độ nhanh và quả quyết hơn:   
- Tôi xin xác định rằng Trần Vũ không hề cưỡng hiếp tôi.. Tôi không phải là nạn nhân của Trần Vũ mà là nạn nhân của ông, thưa ông Thanh Hoàng. Vừa dứt lời, Hạnh ôm mặt gục lên bàn khóc tức tưởi.

 Những lời chứng của cán bộ Đỗ Thị Hồng Hạnh là cú tát đau điếng đối với Thanh Hoàng. Hắn tái da mặt, đôi hàm răng nghiến lại.
Bên dưới hội trường, tù nhân xúc động, âm thầm bấm tay nhau. Những âm thanh lào xào nổi lên như khi ta đứng giữa rừng lau sậy trong cơn gió. Đó là âm thanh của hàng trăm bàn tay tù xoa vào nhau trong niềm phấn kích.
 Cuộc tố khổ bất thành. Nhân chứng đã can đảm lội ngược dòng. Giám thị trưởng cho lệnh giải tán. Trần Vũ trở lại nhà kỷ luật.

 Đêm nầy, đôi chân của Vũ nằm trong cùm, nhưng trái tim chàng ở bên Hạnh, người con gái can trường.
Hai ngày sau, Hạnh nhận được lệnh về trình diện ty Công an. Dù vô tội, Trần Vũ cũng bị cùm thêm bảy ngày nữa mới được thả. Đôi chân sưng vù, chàng phải lê từng bước. Máu rỉ ra từ những vết thương do miệng cùm cứa đứt. Niềm hân hoan trong trận “chiến thắng con tim” đã xoa dịu phần nào cơn đau đang hành hạ thể xác Trần Vũ.



*    *    *
Đã hai tháng qua rồi, cán bộ Hạnh không quay lại trại tù nầy nữa. Trần Vũ được trả về đội sản xuất rau xanh cùng làm việc với anh em những tháng ngày vui vẻ. Bạn tù đều cảm thông và thương mến chàng hơn.

Buổi sáng Chủ nhật, tù nhân lần lượt xuất trại làm công tác xã hội chủ nghĩa. Riêng Trần Vũ và bốn bạn tù nữa được lệnh ở lại thăm nuôi. Đây là lần đầu tiên trên suốt bốn năm Vũ mới được diễm phúc nầy. Anh vô cùng hồi hộp và nôn nóng tự hỏi, ai là thân nhân đến thăm mình. Hảo, người chị ruột đã mất tin tức sau ngày 30 tháng 4 năm 75? Tân, thằng bạn không quân được tha trước? Thời gian đợi chờ là lò lửa đốt nóng tim gan.
Một giờ, rồi hai giờ người ta mới kêu tên năm người ra khu thăm nuôi. Bốn bạn kia gặp được ngay vợ con. Họ nắm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Riêng Vũ thì ngơ ngác tìm thân nhân. 
Chợt, một thiếu phụ đến bên Vũ hỏi nhỏ:

- Chú là Trần Vũ?
Hai người cùng đến bàn ngồi. Thiếu phụ thấp giọng giới thiệu:
- Tôi tên là Hồng, chị của Hạnh. Cô ấy nhờ tôi lên thăm chú. Nó gởi ít quà và mười đồng cho chú bồi dưỡng. Tôi đã khai báo với cán bộ rằng, tôi là chị bà con của Trần Vũ và đưa số tiền đó cho ông ấy “quản lý” theo nội qui của trại. 
Chị vừa nói vừa luồn tay dưới bàn chuyển cho Vũ một gói giấy. Vũ vội lận vào lưng quần. Hai bên trao đổi với nhau về sức khỏe của Hạnh và đặc biệt Vũ muốn biết hiện giờ nàng đang làm gì, ở đâu? Chị Hồng không trả lời trực tiếp mà chỉ bảo từ từ rồi sẽ rõ.
Hai mươi phút trôi qua, giờ thăm nuôi chấm dứt. Dù mới gặp nhau lần đầu mà phút chia tay cũng nghe lòng quyến luyến.

Về đến trại, Vũ vứt xách quà trên sạp, vội mở gói giấy xem bên trong có gì. “Ôi, thư của Hạnh!”, Vũ thốt lên mừng rỡ. Tim anh vừa rộn ràng, vừa thương cảm. Nét chữ thân quen dịu dàng trải đều trên mặt giấy vàng đục:
“Anh Vũ Yêu Thương;
Không thể lên thăm anh được, nên Hạnh nhờ chị Hồng, người chị cả của em cũng trạc tuổi chị ruột anh. Em muốn mượn chị em để thay thế hình ảnh chị Hảo của anh hiện giờ ở rất xa. Em đã đến tận quê anh thăm dò mới biết chị ấy đang sống ở Mỹ cùng với chồng và một con. Đã có người hứa giúp liên lạc với chị Hảo để báo tin về anh. Sức khỏe của em vẫn tốt. Em đã nộp đơn xin chuyển cơ quan và đang chờ đợi cấp trên giải quyết.
 Bố em đã biết mọi chuyện đã xảy ra. Ông mắng em là thiển cận và hồ đồ. Chị Hồng là người cảm thông và thương em nhiều nhất.

Anh yêu ơi, hôm trên hội trường, nhìn những vết sưng bầm trên mặt anh, em rất đau lòng. Thanh Hoàng đã buộc em làm chứng gian để trị tội anh, bởi anh là nguyên nhân của việc em quyết định từ hôn. Đối với Thanh Hoàng sự phản bội là một sỉ nhục ông ta. Hôm ấy em nói như kẻ lên đồng. Em không nói bằng lý trí mà nói bằng trái tim em. Trước đây, em đã có giao tình với Hoàng. Làm vợ Hoàng, trên một bình diện nào đó thì có lắm phụ nữ mong ước. Bởi anh ấy xuất thân từ  một gia đình có bề dày công lao cách mạng.

Từ ngày gặp anh, ngoài những kiến thức hiểu biết tổng quát, anh còn cho em những xúc cảm rất mới mẻ về thể xác lẫn tâm hồn. Hoàng đã đến với em gần một năm nay, thật tình mà nói em rất khờ khạo. Nhờ anh, em mới phát hiện sự cục mịch, thô lỗ và ích kỷ của người đàn ông trong tình trường.
Vũ ơi! anh là tù nhân của chế độ. Nhưng trái tim không là tù nhân của một ai. Con tim không phân biệt kẻ chiến thắng, người bại trận, không phân biệt chủ ngục với người tù. Con tim chỉ biết yêu và dâng hiến. Tại sao phải dựng bức tường ý thức hệ để ngăn cản tình yêu? Em ngồi viết cho anh mà nghe lòng mình tận cùng cô đơn. Em chán ngấy cái xã hội nầy, cứ để hận thù dày xéo con tim. Em yêu anh và muốn được sống bên anh. Có lẽ trọn đời em sẽ không quên quảng thời gian trên ấy. Dù rất ngắn ngủi nhưng lại sâu đậm hơn bất cứ lúc nào. Ta đã từng yêu nhau trong khoảnh khắc, vụng trộm, nhưng đầy ngọt ngào nồng ấm. Với Hoàng, chỉ để lại cho em những giây phút nhạt nhẽo và chán chường.

Em không hề đặt hy vọng hai ta là đối tượng hôn nhân của nhau, nhưng em vẫn quyết định từ chối làm vợ của Hoàng, bởi em tin rằng làm vợ Hoàng sẽ không còn hạnh phúc.
      Thư không viết được nhiều đâu. Bị phát hiện sẽ làm khổ anh. Chị Hồng sẽ thay em thỉnh thoảng lên thăm anh. Rất nhớ anh.
Hồng Hạnh.

Thời gian qua nhanh, nhưng “Hội chứng Trần Vũ” vẫn còn âm ỷ trong đám tù nhân. Ngoài hiện trường lao động hay trong láng trại hễ có dịp là bạn bè trêu chọc. Một bạn tù cuốc đất bên Vũ ngâm nga:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn tù thui thủi biết bao năm?”
nhại theoThơ Xuân Diệu)
  Những cặp mắt đổ dồn về phía Vũ rồi những tiếng cười ha hả vang lên. Bạn khác chen vào với giọng thương cảm:
        “Thương cho cây quế giữa rừng, để cho con Mán mụ Mường nó leo.”(nhại theo ca dao)
 Tiếp theo là một giọng than vãn:
 “Muội ơi nắng quá bình khô nước, đời vắng nị rồi ngộ chết khô!” (nhại theo thơ Vũ Hoàng Chương)

Bốn tháng sau, Vũ lại được chị Hồng lên thăm. Lần nầy, sau khi lén đưa được bức thư, chị dặn Vũ phải cẩn thận. Chị cho biết Hạnh chưa được cấp trên chấp thuận chuyển cơ quan và hiện phục vụ tại thành phố Hội An.
Về đến trại, Vũ vội vàng bóc thư ra đọc:
       "Anh yêu thương, mới đó mà đã xa nhau hơn sáu tháng rồi. Em nhớ anh ray rứt trong những đêm dài thao thức. Có lẽ anh là người mới cảm nhận sâu sắc nỗi đau của đợi chờ vô vọng. Hiện giờ, người ta dùng thế lực gây sức ép không cho em chuyển cơ quan. Hoàng bảo với em hắn sẽ không bao giờ tha thứ trước hai cái tát phản bội của em: Một tình yêu và một nghề nghiệp. Tay nầy khá nhiều thủ đoạn. Em biết hắn đang tìm cách trả thù em. Em nhắc anh nhớ hãy hủy bỏ những thư em gởi. Thân phận tù đày của anh như “chỉ mành treo chuông”xin anh cẩn thận giữ thân mình. Không cần phải viết cho em. Vắn tắt mấy lời tin anh rõ. Nhớ anh.    Hồng Hạnh.

*  *  *
Vũ nhận lệnh mang hết đồ dùng cá nhân trình diện Ban Trực Trại. Họ xáo tung áo quần của Vũ và lục soát tất cả không bỏ sót cả lai quần, bâu áo. Chỗ nằm của Vũ cũng có người đến lật từng thanh giường từng miếng gỗ. Chẳng có kết quả nào, Vũ bị chuyển đến một đội khác, đội hình sự. Chỗ nằm của Vũ được sắp vào giữa hai tay tù hình sự khét tiếng ngoài đời, Đại và Phi. Cả hai mang án tù mười năm về tội đâm chết người trong sòng bạc.

Tính trầm tĩnh và kiên nhẫn là hai yếu tố giúp cho Vũ vươn lên và yêu đời. Chàng làm việc rất hăng say và xốc vác, sẵn sàng tiếp tay cho những bạn tù yếu sức. Những kiến thức trong trường, ngoài đời của Vũ đã giúp cho đội đi cây đạt được tiêu chuẩn của trại ấn định dễ dàng mà lại bớt phần vất vả. Công tác thường xuyên của đội là hạ những cây danh mộc xẻ thành ván chuyển về cho toán thợ mộc sản xuất bàn, ghế, tủ, giường.
Trời vào Đông, cơn mưa phùn rả rích đêm ngày. Đây là thời điểm gây khốn khổ nhiều nhất cho đội đi rừng.  Với dốc đèo trơn trợt, loài vắt, loài ve xuất hiện dày đặc trên lá cây rừng. Vắt bám vào lưng, vào cổ người tù. Vắt luồn lách vào nơi kín đáo nhất của con người. Chúng hút máu mà ta không hề hay biết, đến khi no nê là tự động buông mình rơi xuống đất để lại vết cắn máu vẫn tiếp tục chảy ra.

 Trời tạnh mưa, nhưng rừng già còn sũng nước.. Đội đi rừng khá vất vả mới hạ được cây gỗ lim. Toán dùng cưa dứt cây thành từng đọan. Vũ cùng anh em khác có trách nhiệm tỉa cành.

 Ngọn cây ngã đổ về hướng dốc đứng cao, bên dưới là con suối, nước nguồn đang chảy về cuồn cuộn. Vũ khó khăn lắm mới bám được bờ dốc đổ thoai thoải về hướng suối làm nơi đứng để chặt cành. Tên Phi và Đại với áo mưa trùm đầu, cũng đến bên Vũ tìm chỗ đứng. Vũ đưa chiếc rựa ra xa, người chênh vênh trên bờ dốc. Bỗng một bàn chân đạp mạnh vào lưng Vũ. Mất đà, anh lộn nhào từ trên cao rơi dọc theo triền dốc đầy đá tảng rồi rớt xuống dòng suối.
Chiếc áo mưa đang mặc trở thành cái phao cứu Vũ. Nước đẩy trôi một đoạn, anh bình tĩnh nắm được ngọn cây chìa ra trên mặt nước. Khi nghe tiếng la: “tai nạn, tai nạn!” của tên Phi, mọi người chạy dọc theo bờ suối cứu Vũ. Chân trái bị gãy, đầu và mặt có nhiều thương tích. Quản giáo cho người khiêng Vũ về trạm xá.
Những ngày chân bị bó bột, nằm buồn, Vũ chợt nhớ đến mẫu chuyện Phúc Họa Khôn Lường trong Cổ Học Tinh Hoa, rồi ngâm nga câu thơ của Huỳnh Thúc “Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt, Ngựa Tái Ông họa phúc biết về đâu”.

Vài ngày sau Trần Vũ được chuyển qua toán làm việc nhẹ, ngày ngày chẻ mây đan giỏ. Từ khi Hạnh thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc Vũ về tội cưỡng dâm do cán bộ Hoàng sắp đặt, anh luôn canh cánh nhớ ơn nàng vì mình mà Hạnh phải gánh chịu bao đắng cay, trù dập.

*   *    
Sáng ngày 15 tháng 2 năm 1980, sáu tháng sau ngày Vũ bị tai nạn, tù nhân chuẩn bị xuất trại đi làm, Vũ được lệnh mang tất cả đồ dùng cá nhân trình diện Ban Giám Thị. “Lại có chuyện gì sắp xảy ra cho hắn?”, bạn tù xì xào bàn tán. Người đoán Vũ bị chuyển qua đội khác, kẻ hoài nghi chẳng lẽ họ đưa hắn đi Bắc?  Dự đoán nào cũng khoác màu đen lên cuộc đời Vũ. Riêng Vũ thì rất điềm nhiên tự tại, bởi anh sẵn sàng chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào.
     -  “Anh đã thể hiện một cải tạo viên tiến bộ về mặt tư tưởng và lao động. Nay, Đảng và Nhà Nước  quyết định tha anh về đòan tụ với gia đình”.    
Lời tuyên bố quá bất ngờ của Giám thị trưởng, khiến Vũ đứng ngây người như trong cơn mơ. Anh không tin lỗ tai mình nữa, đến khi quản giáo trực gọi chàng vào ký giấy tờ, Vũ mới chắc chắn rằng chàng thật sự thoát được cảnh đọa đày.

 Sau một giờ làm thủ tục, Vũ nhận một giấy “Quyết Định Ra Trại” và 20 đồng bạc đi đường. Vũ rời trại với bộ áo quần tù mới phát. Tất cả đồ cá nhân còn lại, Vũ yêu cầu cán bộ chuyển cho hai tù hình sự tên Đại và Phi kèm theo mảnh giấy có ghi lời nhắn: 
“Xem như món quà mọn dành cho hai bạn với lời cảm ơn chân thành của tôi.  Trần Vũ.”   

Vũ lê đôi nạng gỗ suốt quãng đường dài mười cây số. Khi mặt trời chiều vừa gối đầu trên đỉnh ngọn núi cao nhất của Trường sơn, Vũ mới đến được bến xe huyện lỵ. Bác tài xế đỡ Vũ lên chiếc xe khách cuối cùng rời thị trấn.
Quyết định đầu tiên của Vũ là đến nhà chị Hồng để hỏi thăm tin tức của Hạnh.. Có thể Hạnh đã lấy chồng hoặc đã thuyên chuyển đến một đơn vị nào rất xa. Điều quan tâm của Vũ là phải cảm ơn nàng lần cuối cùng, trước khi gởi đời mình vào nơi bị cưỡng bức cư trú: Khu Kinh Tế Mới.

Nhà chị Hồng ở làng Cẩm Lệ, một địa phương nổi tiếng trồng thuốc lá. Ngôi nhà màu vàng nhạt, mái ngói lâu đời đã xanh rêu, nổi bật là chiếc sân rộng lát gạch bát tràng. Nghe tiếng chó sủa, chị Hồng ra mở cửa. Chị trố mắt, kinh ngạc kêu lên:

- Vũ, chú được tha rồi hả? Nhìn vào cặp nạng với ánh mắt đầy lo âu:
- Chuyện gì đã xảy ra cho chú thế? Vũ không trả lời ngay, anh lục túi lấy tiền trao cho bác xe ôm. Chị Hồng ngăn lại dành phần trả, bác xe ôm tươi cười nói:
- Tôi chở giúp đấy, người anh em cũ của chúng tôi mà. Vũ chưa kịp cám ơn, anh xe ôm đã vội vàng phóng xe đi. 
Vũ quay qua chị Hồng hối hả hỏi:
- Hạnh thế nào, bây giờ làm gì, ở đâu?
Chị Hồng nhìn Vũ bảo:
- Việc ấy sẽ nói sau, giờ đây mời Vũ dùng cơm với mẹ chị và gia đình. 

Bóng đêm phủ trùm cảnh vật, nhà nhà đều lên đèn. Bữa cơm đầu tiên với không khí gia đình đầm ấm khiến cho lòng Vũ cảm xúc dâng trào. Được biết chồng chị Hồng là công nhân của một Lâm trường cách xa nhà, lâu lâu mới được phép về thăm gia đình. Hồng và Hạnh là hai chị em cùng cha khác mẹ. Chị Hồng ở lại miền Nam với mẹ. Người cha tập kết ra Bắc lấy vợ khác, sinh ra Hạnh tại thành phố Vinh..

Đầu mùa Xuân mà tiết trời khá oi bức. Chị Hồng bắc ghế ngoài hiên cùng Vũ ngồi tâm sự. Sau khi nghe Vũ tường thuật những việc xảy ra cho chàng từ ngày Hạnh bị triệu hồi về Ty, cùng mưu đồ ám hại do hai tên tù hình sự thực hiện, Chị Hồng lắc đầu thốt lên:

- Ghê thật!  rồi tiếp:
- Đã trên một năm rồi, Hạnh không cho chị lên thăm Vũ vì tên Hoàng theo dõi chị. Phần Hạnh thì gặp muôn vàn khó khăn. Một mặt chúng lưu giữ không cho nó chuyển cơ quan, mặt khác cố truy tìm những vật chứng về sự liên hệ mật thiết giữa hai người. Đó là phương cách duy nhất để hủy họai danh dự của Hạnh mà Hoàng đã thề sẽ không bao giờ tha thứ. 

Chị Hồng ngưng kể, nhìn Vũ một hồi lâu rồi ân cần bảo:
- Đêm nay Vũ nghỉ lại đây. Ngày mai chị sẽ đưa chú đến thăm Hạnh. Con nhỏ vẫn còn tốt số, Chúa đã che chở cho nó! 
Vũ giật mình, nôn nóng ngắt lời:
Hạnh đã gặp tai nạn phải không?

Gần như thế, thằng Hoàng hăm he sẽ đòi lại món nợ đời mà Hạnh đã gây ra cho nó. Rất may là thư của Hạnh chú đã tiêu hủy. Bằng không, lần khám xét trên ấy mà họ bắt gặp chỉ một bức thư của Hạnh là hai người sẽ bị khốn đốn. Thằng ấy đầy mưu mô quỉ kế.

Mới đây, Thanh Hoàng bỗng làm lành với Hạnh. Hắn yêu cầu cô ấy rút lời từ hôn và trở lại với hắn. Con nhỏ cứng rắn bảo:  
-  Nước đổ ra sàn còn mong gì hốt lại, đồng chí tìm một người khác xứng đáng hơn.    
Hoàng gằn từng tiếng:
- Đến bây giờ mà cô vẫn còn mê muội.

Con nhỏ nổi giận quát lên:   
 - Đồng chí nói ai mê muội?

Hoàng trợn mắt, hét vào mặt Hạnh:
- Tôi nói đồng chí mê muội đấy, được không? Tao sẽ trị thằng giặc đó liệt đời luôn. 
Con bé không vừa, dang tay tát vào mặt Hoàng một cái như trời giáng, rồi thét lên:
- Quân đốn mạt!

Bất ngờ, Hoàng rút súng lẫy cò. Một tiếng nổ vang lên chát chúa. Hạnh ngã xuống, máu chảy tràn trên mặt đất. Người ta vội chở cô ấy đi bệnh viện cấp cứu ngay. Rất may là viên đạn không trúng tim mà đi chệch lên trên làm gãy xương vai.

- Sự việc xảy ra bao lâu rồi hả chị? Vũ lo lắng hỏi.
- Vừa tròn một tháng.. Với tấm chân tình Hồng tiếp:
- Hạnh, nó yêu em thật lòng Vũ à. Con nhỏ nầy cứng đầu lắm. Mẹ ruột nó mắng chửi, ông già khuyên răn mãi mà nó cương quyết không chịu trở lại với thằng Hoàng, nó bảo:  -Vợ chồng mà không hòa hợp làm sao chung sống với nhau cho tròn vẹn.   

Thiếu Tá Thanh Hoàng hiện nay đã bị ngưng chức. Hắn ra Hà Nội đã nửa tháng nay.
Suốt cả đêm Vũ không hề chợp mắt, trông trời mau sáng. Tình yêu trong trái tim đóng kín giờ đây như được thoát ra khỏi lớp vỏ bọc mặc cảm thân phận người tù và đang thôi thúc Vũ nhanh chân đến với Hạnh.

Trời còn tối mịt, chị Hồng cùng Vũ đón xe đi Hội An, một thành phố cổ nổi tiếng ngày xưa nằm về hướng đông nam Đà Nẵng.
Hội An mới trải qua 6 năm sau ngày “giải phóng” mà như người mắc bệnh cùi, khuôn mặt lở lói, nhớp nháp, xanh xao. Đường phố loang lổ ổ gà. Nhà nhà cửa đóng then cài, lưa thưa một vài bóng người thất thểu trên vỉa hè đầy rác rưởi.

Hạnh ở trong một tòa nhà chung cư ba tầng. Thang gác chật hẹp lại thêm dốc đứng, với đôi chân đi nạng, Vũ trèo lên vô cùng khó khăn. Trên lan can, người ta phơi áo quần giăng mắc khắp nơi. Ngay cả những quần đùi, xì líp họ cũng chẳng ngần ngại bày ra.    

Dọc theo một hành lang tối tăm, ẩm thấp là những cánh cửa có ghi số phòng: P311, P312, P313... Chị Hồng dừng lại cửa P319 rồi gõ vào đó bốn tiếng. Vũ hồi họp đợi chờ.
Cánh cửa từ từ xịch mở. Hạnh xuất hiện nơi khung cửa, vai trái bó bột, gương mặt xanh xao, tiều tụy nhưng đôi mắt nàng vẫn còn ngời lên ánh tự tin. Hạnh cười với chị Hồng. Bất chợt nàng trông thấy người đàn ông đi nạng đứng ngoài xa. Hạnh nhìn chị Hồng, rồi nhìn Vũ, bỗng nàng la lên:
- Vũ, anh đã về! 
Hạnh chạy tới ôm chầm lấy Vũ. Chàng buông cặp nạng gỗ, hai tay giữ đầu Hạnh. Họ gục mặt vào nhau. Dòng nước mắt nhớ thương tích tụ lâu ngày của đôi tình nhân đầy nghịch cảnh đã chan hòa. Họ uống những giọt lệ hạnh phúc qua làn môi mặn. Chị Hồng lặng lẽ lau khô dòng  nước mắt xúc động đang chảy dàn dụa trên má.
Vừng thái dương đã lên cao. Đôi bồ câu tha những sợi rác về làm tổ cũng vừa sà cánh trên nóc dãy nhà dân trước mặt. Nắng chan hòa trên mái ngói rêu xanh làm dịu bớt nét già nua của thành phố cổ. 

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích