Mùa Vu Lan mà để lòng xiêu, chỉ ngêu ngao về vợ mình thì nghĩ cũng không
phải. Nhưng có lắm hoàn cảnh trớ trêu đã bày ra những nghịch tử, chúng hiện
diện ở đời mà mãi trách cứ song thân, đẻ tui ra làm chi rồi vất tui vào cõi
trầm luân này. Trách cứ về lương duyên thành tựu vợ chồng bố mẹ, cứ vùi đầu tác
hợp mà chẳng chịu liệu cơm gắp mắm trông trước ngó sau. Đói cho vàng mắt mờ
người mà còn chí thú chuyện “hạnh phúc” lứa đôi. Chẳng chịu mua bánh trung thu
để được khuyến mãi tặng không một lố bao cao su chưa qua sử dụng. Càm ràm với
bất hiếu cũng một nghĩa như nhau. Tôi không càm ràm, tôi giận bà con cứ quen
dùng điệp ngữ “trăm năm hạnh phúc” làm quà cưới đến nhà hàng đặc sản, mang trao
cho đôi trẻ ý hợp tâm đầu. Trăm năm có dài không? Nghe đâu tới chừng bảy chục
cổ lai hy thì người ta đã đầu bạc răng long, sống đây cũng như chết rồi. Riêng
bố mẹ tôi thì xuội lơ đi gặp bác khi vào độ tuổi sáu chục. Bác ta nào ở xa xôi,
sắp hàng một chốc hỡi ôi ba đình.
Tôi nói câu này chắc quý bà nghe được sẽ lấy làm sướng: Đã có ngày Vu Lan thì
cũng nên dòm lịch mà định ra ngày “trả hiếu vợ mình”. Ca ngợi xưng tụng công
khó của người tay kê đầu tay ôm ấp thì so với trả hiếu cũng một nghĩa như nhau.
Mẹ đã vắng bóng thì có người phụ nữ khác thế thân, điền thế. Phụ nữ lập ngôn:
Thương anh mấy sông em cũng lội mấy đèo em cũng (mỏi đầu gối) tìm đường mòn vào
giải phóng anh. Hỡi giai cấp vô sản, hãy đoàn kết lại! Con ai đem bỏ chùa này,
xác xơ thấy thảm chị bày cuộc chơi. Chị nói ngoài ta không có cảnh bóc lột như
này, chị về cơ quan báo cáo trình bày liền khi.
Ban đầu vì mình thua cuộc nên mình mang tâm lý bình thường: Có hơi ngán, lễ
độ xưng hô là chị. Sống với nhau một thời gian đến lờn mặt, chị đổi qua em và
đêm hôm thanh vắng nghe em thủ thỉ: Cảm ơn anh đã giải phóng đời em, đàn ông
con trai trong này nom ngon cơm chết khiếp. Rộng rãi không xoi mói chăm bẳm tới
việc riêng tư của kẻ khác, sẵn sàng nhảy xổ vào ngoác miệng vừa ăn cướp vừa la
làng. Bố mẹ chúng nó chứ, hở cái là phê bình hở cái là kiểm thảo. Làm cái đếch
gì mà bảo con Hồng nầy hủ hoá mí lị mất lập trường.
Có thể tôi dốt môn lịch sử cũng như địa lý nước nhà. Nghe tên xã huyện quận
thành phố (ngoài ta) nơi Hồng sinh ra tôi bù trất, nghe xa lạ y như cảm giác
của Hồng lần đầu được mặc vào người chiếc quần bò. So sánh hơi bị khiên cưỡng,
vì sở hữu được chiếc quần bò thì Hồng trông có vẻ tự do độc lập hạnh phúc lắm
cơ. Hồng bảo, ngày nay làm chủ một tài sản không nhỏ, nó lưu lạc từ bên Cali
của thằng đế quốc Mỹ chứ không vừa đâu nhé, nghe bảo độ bền của nó tới trăm năm
vẫn chưa rách cái lai quần. Quần bò là quần gì? Người trong Nam lạc hậu như tôi
chưa đủ chất xám để ngộ ra. Tôi cần được vợ tôi giáo dục, uốn nắn thêm; kiểu
mười năm trồng cây trăm năm trồng người. Nữa, lại trăm năm? Có lẽ do lỡ vay
mượn từ truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta”? Trăm năm là một cái bánh
vẽ, giống như xổ số thì có lô an ủi vậy. Ai bỏ tiền ra mua vé số suốt đời mà
chẳng hề trúng giải, kẻ đó biến thành thi nhân: “Mai tôi chết ai là người xây
nấm mộ?”. Nếu không thì biến thành nhà hiền triết: Trăm năm chỉ là một thoáng
phù vân!
Mùa Vu Lan mà nói xấu vợ mình, nghĩ cũng không phải. Nhưng mà thú thật, Hồng
hơi bị nhà quê. Hồng ưa ăn to nói lớn cho sướng mồm. Hồng thích quát, thích
mắng, thích chửi và quen đếch với đéo. Hồng cần được giáo dục cho thành người
tử tế, chuyện ấy ở cơ quan họ lo chứ cá nhân tôi đâu đủ sức bao đồng việc nhớn.
Sức tôi chỉ vác cày qua núi mà đã bở hơi tai, luôn bị Hồng chê bai kiểu như cờ
không có gió, chả phất được khiến chị bực cả (cửa) mình. Đã từng bị ghẻ lở mụt
nhọt lần nào chưa? Có thấy sướng khi gãi cho đã ngứa? Bồi dưỡng cho là thế mà
người cứ mãi dở hơi. Chán bỏ mẹ!
Khi đối tượng chán mình thì coi như xong om. Lon méo và lu bể. Vì mưu cầu
hạnh phúc, đối tượng tự đi làm cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng nhung, nghĩa
là chẳng gây đổ máu, chỉ cắm vào đầu thằng đàn ông “chẳng ra đầu ra đũa” kia
một cái sừng. Nói thế cũng hàm hồ, sừng sỏ hay sững cồ? Người thôi mà, làm méo
gì được mọc sừng! Nôm na và rõ nghĩa, Hồng ngoại tình. Hồng chăm vào nhà nghỉ
hú hí với một thằng đàn ông trông đường bệ. Hắn tròn người, đỏ da thắm thịt.
Nhìn mặt mà bắt hình dong thì coi mòi hắn dư dả chuyện tiền nong. Ờ, thì phải
dư tiền mới chơi cha thiên hạ chứ? Tôi làm ăn đắp đổi qua ngày, trong lưng làm
gì có tới 10 triệu đồng theo yêu cầu của đứa gửi thư đen: “Bảo đảm sẽ xoá ngay
đoạn video quây lén nầy sau khi nhận tiền. Sẽ thông báo về điểm hẹn. Tuyệt đối
không được trình báo công an”.
Tôi làm thinh. Tôi ra quán cơm bụi nhậu sương sương. Về căn hộ mướn hàng
tháng tránh gió mưa, để nguyên áo xống nằm vật mình xuống chiếu vắt tay lên
trán, đầu nhức như búa bổ. Báo loan tin người Việt tiêu thụ bia đứng hàng đầu
trên thế giới? Không dám đâu, người mình nghèo đứng cuối bảng sắp hạng, chúng
đào đâu ra tiền để nhâm nhi một trà một rượu một đàn bà, ba cái lăng nhăng nó
quấy ta. Anh dài lời quá đấy, anh vô sản là thế thì có chó nào thèm tới quấy
anh. Nghèo mà ham! Nghèo thì nên ngậm bồ hòn làm ngọt. Mà giả như tôi có số
tiền khủng 10 triệu thì tôi cũng chả dại gì cho chúng nó ăn. Tang chứng vật
chứng mà làm gì, mỗi khi đàn bà “qua sông” kiểu đó thì xem như con đò đã đắm
chìm. Vợ qua cầu và vợ tuyệt tình rút ván không khoan nhượng. Mậu binh, chẳng
khinh, nỗi buồn ai rinh?
Một bộ phận không nhỏ gồm các đồng chí công nhân trong xí nghiệp, các chiến
hữu bia rượu, bạn chạy xe ôm và bạn ở nông trường khi nghe tôi rót nỗi buồn
xuống bàn rượu một chiều nhọ mặt người có mưa về chuẩn bị làm ngập mọi “tụ điểm
thoát nước” đã đồng loạt vỗ tay reo mừng: Kiếp nạn mày mang giữa cuộc lữ này
xem như đã vừa trút bỏ xuống đôi quan gánh. Đù mẹ, vô đi mày, trăm phần trăm đi
mày, không say không về mày. Í, ngộ hén, tự cổ chí kim giờ này mới hay ra là
nên mừng vui khi được vợ bỏ. “Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” thì
sau đó, chí ít cũng phải có triệu người vui có triệu người buồn mới được huề
vốn chứ nhỉ? Thằng Tám chạy xe ôm, bạn thời trung học thuở vàng son cũ, vỗ vai
tôi:
– Tao tôn trọng tự do của từng cá nhân nên chẳng đưa lời bình loạn tự buổi
đầu khi nghe mày đăng ký sống chung cùng Hồng. Tao nghĩ đến câu “ai nên khôn mà
chẳng dại một đôi lần”. Mày mở mắt chưa? Mày nên khôn chưa? Hay mày vẫn dại
khờ?
Chín, lao động trong xí nghiệp sản xuất mít sấy và sầu riêng xuất khẩu cười:
– Khôn hoặc dại được nhìn nhận: Người khôn là người mang chiếc áo lấm bụi ra
vò giặt phơi khô. Kẻ dại là khi đi ngủ vẫn ôm chiếc áo cũ vào lòng tưởng nhớ
một hương mùi quá khứ. Uống đi mày, cuộc nhậu hoành tráng này bọn tao sẽ chung
tay góp lửa sưởi ấm kẻ lạnh lòng.
Mười, cai công trường xây dựng nắm quyền sát sinh hơn chục mạng công nhân,
da đen nhẻm, tóc dựng đứng, mắt đục ngầu, ăn nói bỗ bã:
– Theo kinh nghiệm của thằng Mười này, chục thằng đàn ông đều chả có đứa nào
thích bị săn sóc kềm kẹp, mãi tìm cách lén nồi cơm nguội để ra đớp phở. Hôm nay
thằng Quốc, đùng một cái phá bỏ được xiềng xích, y như dân có số má được tại
ngoại điều tra mà chẳng cần đóng tiền thế chân. Mày phải nhớ tháng ngày này để
mai sau ôn cố tri tân. Chừng nào con cu có ưa tắm táp nghịch nước chút đỉnh thì
tìm tới tao, ba mươi giây. Đù mẹ, gì chớ hoa lê hoa lựu hoa phượng hoa hồng hoa
mồng gà thì tao có lắm vườn tược để vui chân lục lạo. Không chừng đi thực tế
xong vài bận lại thấy con vợ cũ của mình chả thấm béo gì, không ấn tượng bằng,
chẳng điện nước đầy đủ bằng.
Đồng chí là gì? Người cùng chí hướng với mình? Tôi không rảnh để tìm hỏi
truy nguyên, nhưng mấy ông bạn sôi nổi nhiệt tình này, vì chuyện đời tư thầm
kín mà tôi thẳng ruột ngựa bộc bạch, đã khiến họ “gặp cảnh bất bình rút đao
tương trợ”. Họ giận lẫy cuộc đời đã lâu, ai có qua cầu mới hay, nên họ an ủi vỗ
về tôi bằng cách riêng của họ. May mà các ông bạn của tôi có lý lịch tốt, cũng
đọc làu ba trang kinh Phật, chứ giao du bạn xấu, không chừng đã nghe tiếng mài
dao xoèn xoẹt rồi đưa lời dóng hỏi: Mày có muốn xin tí huyết nó không? Bạn tôi
hậu sinh khả uý, lớn lên chưa từng làm công an cảnh sát, chưa từng làm cho Mỹ,
“Công an cảnh sát thì tha, ai làm cho Mỹ lột da ba lần”. Câu thiệu ngày xưa
nghe muốn rụng rời tay chân. Nghe tàn canh gió lạnh. Người ngoài ta hơi bị sắt
máu!
Dù muốn dù không tôi cũng mang ơn các người bạn do bể dâu, do bụi trần đã
xúi cảnh đoàn viên hai phương Trung Nam hội tụ sau nhiều lần đói cơm rách áo
thiệt vàng không sợ lửa. Tháng năm sàng lọc vàng thau, tâm đầu thi nán lại mà
chẳng hợp ý thì rời nhau. Họ thương, cho ngọt cho bùi; họ ghét, cho vọt cho
roi. Họ đổi ngược lời của tiền nhân và điều này quá thích hợp cho chế độ tôi
đang sống thở. Người bạn chạy xe ôm (bỏ đi Tám) mang về cho tôi một tin vui:
Các đồng chí tâm đắc bên phía Hồng vừa tổ chức ra một tiệc mừng ly hôn thành
công, có cúng kiến, có nhang đèn vàng bạc, rình rang hơn cả đám giỗ tưởng niệm
kẻ xấu số. Hồng chia tay tôi để long trọng tìm ra duyên mới, tấp vào một bến
nước trong.
Người ta đang chú tâm tới việc phân định ai bông hồng ai tìm ra bông trắng
để cài lên ngực áo. Tôi mất Hồng nhưng lòng tôi không bạc trắng. Tôi đủ dũng
lược để nói, Hồng sáng suốt khi quyết định ân đoạn nghĩa tuyệt cùng tôi. Những
dòng chữ này xin ví như “vừa đi vừa kể chuyện” chứ không hề là ngục trung nhật
ký ghê gớm gì cả. Tôi tên Hồ Trung Quốc. Tôi xin chúc Hồng trăm năm hạnh phúc
sau khi cạy được mặt xấu xí của thằng tôi.
Hồ Đình Nghiêm
17/8/2019