21 September 2019

VỚI NHỮNG NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ VẮNG MẶT… - Phan Nhật Nam


Dẫn nhập:

Ngày 30 và 31 Tháng Tám, 2019 tại vùng Nam Cali có tổ chức Đại Hội Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam Hải Ngoại Lần Thứ 39, quy tụ hơn 800 cựu quân nhân nhảy dù, gia đình đến từ các Tiểu Bang Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, Úc Châu, Gia Nã Đại, bao gồm một số chiến binh nhảy dù đến từ Việt Nam. Đặc biệt kỳ đại hội nầy có nhiều sĩ quan cao cấp thuộc binh chủng Dù, các Quân Y Sĩ phục vụ Quân Y Nhảy Dù từ lúc đơn vị còn là mang phiên hiệu liên đoàn (sau 1954); lữ đoàn trước 1965… 
Đây là một đại hội tập họp số lượng người tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên có một số lớn vắng mặt: Những người không thể tham dự đại hội – Những Người Đã Chết – Những Chiến Binh, Quân Y Sĩ Nhảy Dù hiến thân trên các chiến trường sau lần Hà Nội mở cuộc chiến xâm lược Miền Nam qua tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (19/12/1960) cho đến ngày tàn cuộc – Sáng 30 Tháng Tư, 1975 trên đường phố Sài Gòn, ngay tại Ngã Tư Bảy Hiền, trước cổng Trại Hoàng Hoa Thám, bản doanh của Sư Đoàn Nhảy Dù.

Một:

Trước tiên cần đề cập đến một chi tiết nhỏ… Người viết nguyên là Thiếu Úy trung đội trưởng Đại Đội 72/TĐ7ND (1963-1965); Đại Đội 72 có nguyên gốc từ Tiểu Đoàn 3/ND do Trung Úy Trần Quốc Lịch đưa từ Sài Gòn về Biên Hòa khi TĐ7ND tái thành lập, 1 Tháng Mười Hai, 1960. Sau những đơn vị cấp tiểu đoàn, năm 1968, người viết nhận nhiệm vụ Sĩ Quan Hành Quân-Tiếp Vận/Lữ Đoàn 2 ND (1968-1970), do Trung Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy thay thế Trung Tá Đào Văn Hùng tại thời điểm Cộng Sản tổng tấn công Mậu Thân Đợt 2, Tháng Năm, 1968. Những chi tiết vừa nêu xét thấy cần thiết của bài viết sẽ trình bày về người và việc như sau...

Đầu năm 1970, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Trần Quốc Lịch được thăng cấp Đại Tá Nhiệm Chức, chỉ huy các tiểu đoàn cơ hữu (TĐ 5, 7, 11) và các đơn vị tăng phái, thống thuộc hành quân trong giai đoạn 1970-1972. Tháng Chín, 1972, do công trận, chiến tích các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 2 thâu đoạt, Đại Tá Lịch được bổ nhiệm giữ chức tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh thay thế Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng; 1 Tháng Mười Một, 1972, Đại Tá Lịch tiếp thăng cấp chuẩn tướng nhiệm chức; Tháng Bảy, 1973, Chuẩn Tướng Lịch được lệnh bàn giao Sư Đoàn 5 lại cho Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, tiếp giữ chức vụ chánh thanh tra Quân Đoàn IV/Quân Khu 4. Cuối năm 1974, Chuẩn Tướng Lịch bị câu lưu do tội danh tham nhũng, tạm giam tại Đề Lao Chí Hòa, buộc phải giải ngũ, giáng xuống cấp đại úy! Phiên tòa quân sự chính thức xét xử Đại Úy Trần Quốc Lịch về tội danh tham nhũng chưa thực hiện thì xẩy ra biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Vụ án Chuẩn Tướng/Đại Úy Trần Quốc Lịch chìm khuất trong đại nạn nước mất nhà tan. Chẳng mấy ai trong, ngoài quân đội nơi Miền Nam nhớ đến những vụ việc tai tiếng “tham nhũng còi hụ Long An”; vụ bán quân trang, vũ khí, gạo… chất sẵn trên quân xa chuyển giao cho Việt Cộng trên Quốc Lộ 13, trong vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại thời đoạn dưới quyền Tư Lệnh Trần Quốc Lịch… Coi như những giọt nước tràn chiếc ly đã vỡ của tình cảnh Quốc Hận toàn Miền Nam, cả Dân Tộc Việt Nam!
Đến đây chúng ta có thể kết luận: Vụ tham nhũng tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh trong giai đoạn Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch (1973-1974) là một sự kiện có thật qua thực tế: Trần Quốc Lịch từ chuẩn tướng bị giáng xuống đại úy và bị giam giữ tại Chí Hòa cho tới ngày 30 Tháng Tư, 1975. Riêng những chi tiết: Tổ chức tham nhũng gồm những ai? Đầu mối chỉ đạo, điều hành từ đâu? Diến tiến, quá trình tham thực hiện như thê nào…? Quả tình không ai được rõ, vì phiên tòa quân sự chính thức chưa mở với hồ sơ an ninh quân đội, quân cảnh tư pháp Quân Khu III/Vùng III dẫu đã thiết lập với chứng cứ đầy đủ… Nước mất, quân đội bó tay, thất trận 1975 thì có đáng kể gì thêm những mưu mô tham nhũng, nằm vùng, trở cờ, phản bội. Và quân dân miền Nam nơi hải ngoại, ở trong nước bởi mối đau chung quá lớn của ngày 30 Tháng Tư nên chẳng mấy ai nhớ ra, muốn nhớ đến những tính danh gọi là… Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Thành Trung, kể cả Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát! Người Việt-Người Lính Miền Nam chỉ CẦN nhắc đến những phương danh kỳ vĩ: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ.. Những lữ đoàn trưởng Nhảy Dù, Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong tình cảnh ấy, danh tính “Chuẩn Tướng/Đại Úy Trần Quốc Lịch” đồng bị bỏ quên – Bao gồm bản thân của chính đương sự kể từ thời điểm 1991, khi người nầy ra đến hải ngoại. Điển hình tại các sinh hoạt của Gia Đình Mũ Đỏ Hải Ngoại cho đến kỳ thứ 39 trong ngày 30 và 31 Tháng Tám vừa qua. Cũng cụ thể với chính bản thân người viết, dẫu có những liên hệ trực tiếp chặt chẽ như phần trên đã trình bày, nên đã không nghe/không biết/không nói đến danh tính “Chuẩn Tướng/Đại Úy Trần Quốc Lịch” – Hoàn toàn không là vấn đề yêu/ghét giữa hai cá nhân.
Hai:

Dạ tiệc Tiền Đại Hội Lần Thứ 39 được tổ chức tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, và dạ tiệc, văn nghệ mừng đại hội kết thúc tại đại sảnh đường khách sạn Delta, Marriot Hotel, Thành phố Anaheim với sự tham dự của một số lượng lớn chiến hữu, thân hữu, và thân nhân Gia Đình Mũ Đỏ Hải Ngoại, “Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch” được mời dự với tư cách Niên Trưởng Danh Dự do cấp bậc cao nhất của buổi hội. Hơn thế nữa, buổi Hội Ngộ Quân Y Sĩ Nhảy Dù trong đêm 1 Tháng 9 tiếp theo tại nhà hàng Paradise Seafood, Westminster, “Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch” cũng được mời tham dự với tư thế trang trọng tương tự: Niên Trưởng Mũ Đỏ Cao Cấp Nhất. Bài viết nầy được hình thành bởi lý do sau đây.

Trong cuộc đảo chính 11 Tháng Mười Một, 1960, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và các sĩ quan thuộc Lữ Đoàn Nhảy Dù như Thiếu Tá Trần Văn Đô, Phan Trọng Chinh khi khởi sự hoặc sau khi thất bại luôn nêu bật đến Yếu Tố Chính Trị của cuộc đảo chính hoàn toàn khác biệt với Công Trận của Lữ Đoàn Nhảy Dù. Sự kiện khác biệt nầy tạo nên một KHOẢNG CÁCH RẤT LỚN giữa Chiến Tích Quân Sự với Hành Vi Chính Trị của những cá nhân tham gia đảo chánh, điễn hình với Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Liên Đoàn/Lữ Đoàn Nhảy Dù (1956-1960). Cũng thế, có một khoảng cách khác biệt bất khả bù trừ, không tác động, không hỗ tương… giữa công trận của Trung Úy ĐĐT/ĐĐ72/TĐ7ND-Thiếu Tá TĐT/TĐ3ND-Đại Tá LĐT/LĐ2ND Trần Quốc Lịch với Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐ5BB/Đại Úy Quân Phạm Trần Quốc Lịch. KHOẢNG CÁCH KHÁC BIỆT NẦY KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ VƯỢT QUA. Bởi đấy là sự khác biệt có Tính Nguyên Lý: Thiện/Ác; Xấu/Tốt; Anh Hùng/Kẻ Phản Bội.. “Chuẩn Tướng Cựu Tư Lệnh SĐ5BB/Đại Úy Quân Phạm Trần Quốc Lịch” đã vượt qua ranh giới nầy từ, với Đại Hội 39 của Gia Đình Mũ Đỏ Hải Ngoại.
Bản thân cá nhân người tên là Trần Quốc Lịch không hề có khả năng vượt qua ranh giới khác biệt kể trên, nhưng đương sự đã vượt qua với sự đồng thuận, hỗ trợ thực hiện của Ban Tổ Chức Đại Hội 39 Gia Đình Mũ Đỏ Hải Ngoại, với sự quyết định cuối cùng của Ban Chấp Hành Gia Đình Mũ Đỏ Hải Ngoại. Sự xâm phạm Nguyên Lý Đạo Đức Chính Danh thêm được hiện thực qua đêm Hội Ngộ Cựu Quân Y Sĩ Nhảy Dù 1 Tháng Chín tại nhà hàng Paradise Seafood với “Niên Trưởng Mũ Đỏ Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch.” Chẳng lẽ trong ngàn quan khách tham dự đêm dạ tiệc Tiền Đại Hội, Đêm Dạ Tiệc Chính, Đêm Hội Ngộ Quân Y Sĩ… KHÔNG MỘT AI NHỚ ĐẾN LẦN GIÁNG CẤP CỦA ĐẠI ÚY QUÂN PHẠM TRẦN QUỐC LỊCH HAY SAO? Chẳng lẽ trí nhớ con người ngắn đến thế?!
Ba:

Quân sử Quân Lực VNCH nói chung, Binh Chủng Nhảy Dù nói riêng chắc không có đơn vị cấp đại đội nào gánh chịu số phần bi thảm khốc liệt như Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, KBC 4919 – Đơn vị mà năm 1960, Trung Úy Trần Quốc Lịch đã đưa từ Tiểu Đoàn 3 ND về Biên Hòa như trên đã trình bày. 11 Tháng Sáu, 1965, Đại Đội 72 chung nghiệt cảnh của Tiểu Đoàn 7, đã bị thiệt hại nặng chỉ còn khoảng 10 người! Bản thân là viên thiếu úy mang cấp bậc cao nhất còn lại với viên Chuẩn Úy Dương Văn Chánh (em của Phu Nhân Dương Thị Thanh, người nạn đời chiến đấu với Tướng Quân Trương Quang Ân, tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Nhị vị đồng hóa thân trong lửa vào ngày 8 Tháng Chín, 1968 trên chiến địa Đức Lập). Chuẩn Úy Chánh và Đại Đội 72 với quân số mới bổ sung dưới quyền của Trung Úy Phạm Ngọc Bích từ Tiểu Đoàn 3 chuyển về (Do Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3, Thiếu Tá Trần Quốc Lịch ưu tiên chỉ định đối với đại đội cơ hữu đầu đời của mình) tiếp nhận số mệnh bi thảm gấp bội.. Ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, toàn thể đại đội 81 người đồng tử nạn phi cơ trong chuyến bay từ Phú Bổn về Tuy Hòa. Năm 1974, 14 bao đựng xác được thu hồi, nhưng mãi đến năm 2012 tất cả mới được nhận dạng, xác định tính danh.

Năm 1968, trận chiến lớn xẩy ra tại một địa danh vang động thế giới: Chiến trận Khe Sanh khiến tất cả đại đội trưởng tác chiến của Tiểu Đoàn 3 đồng bị thương trận, bạn tôi, Đại Úy Nguyễn Đức Cần, Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt tử thương góp nên phần công trận hiển hách cho Thiếu Tá Trần Quốc Lịch. Thiếu Tá Lịch vinh thăng trung tá, tiếp giữ chức lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 2 như trên đã trình bày trong khi có những trung tá thâm niên chức vụ, cấp bậc như Trung Tá Nguyễn Viết Cần, bào huynh của Cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh.
Cuối cùng, trận chiến 1972, Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Đình Bảo và hàng trăm chiến binh của TĐ11ND đã hy sinh trên cao điểm Charlie (12/4/1972) nâng cao trị giá chiến đấu của Lữ Đoàn 2, tạo nên sức đẩy để Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Trần Quốc Lịch tiếp vinh thăng chuẩn tướng,  Tháng Mười Một, 1972.
Nhắc lại những chi tiết kể trên để dẫn chứng một điều: Suốt thời gian dài từ 1960 đến 1972… Bao nhiều Người Lính Nhảy Dù thuộc các đơn vị Đại Đội 72; Tiểu Đoàn 3; Lữ Đoàn 2 Dù những đơn vị dưới quyền chỉ huy trực tiếp của người mang tên Trần Quốc Lịch đã hy sinh.. Tất cả đã tạo nên “vinh quang dưới bóng cờ” – Một thành ngữ hoa mỹ mà Trần Quốc Lịch thường dùng để mô tả công trận của mình.
Xương máu của chiến binh đơn vị nhảy dù hy sinh xây dựng nên công trận Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch trong dịp cuối Tháng Ba, 1975 được đậm thêm bởi lượng máu của Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân, nơi chiến địa Chơn Thành, Bình Dương, cửa ngõ Bắc Sài Gòn trong trận chiến tuyệt vọng không cân sức chống lại Công Trường 7 (Sư Đoàn 7 Bộ Binh Cộng Sản) và thành phần Cộng Sản địa phương Miền Đông Nam Bộ… Phía Cộng Sản ngoài ưu thế hỏa lực, quân số vượt trội còn được tăng cường thêm vũ khí, quân trang cụ, lương thực, xe quân vận của quân lực VNCH do lần tham nhũng từ nhân sự chỉ huy Sư Đoàn 5 BB chuyển lại! Thế nên, chiến hữu Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở hải ngoại trong các dịp Lễ Tưởng Niệm chỉ bắt đầu từ Tư Lệnh Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, kết thúc với Tư Lệnh Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ và không hề nhắc tới “Tư Lệnh Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch”! Chắc hẳn chiến hữu Sư Đoàn 5 Bộ Binh không có ý phân liệt Nhảy Dù/Bộ Binh vì Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ vốn xuất thân từ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù – Và cả hai cũng từ cấp thiếu úy, trung úy nên danh vị Chuẩn Tướng – Nhưng rất khác xa!
Riêng về phần quân Y Sĩ Nhảy Dù với Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sĩ Tuấn thuộc Tiểu Đoàn 6 đã cùng lần hy sinh (Tháng Tư, 1968) nơi chiến địa Khe Sanh với Đại Úy Nguyễn Đức Cần thuộc Tiểu Đoàn 3, dưới quyền Thiếu Tá Trần Quốc Lịch. Cái chết của Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sĩ Tuấn hiện thực sự chọn lựa lặng lẽ đầy dũng khí của tuổi trẻ dấn thân ý thức nơi Miền Nam: Y sĩ trưng tập chỉ với thể hình cao 1 thước 58, nặng 40 ký nhưng đã tình nguyện chọn Binh Chủng Nhảy Dù trong ngày mãn khóa y khoa bác sĩ! Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sĩ Tuấn chết với bông băng cứu thương cầm trong tay khi băng mình dưới đạn pháo để chạy đến giao thông hào, nơi có người lính bị nạn kêu cứu.. Bác sĩ!! Bác sĩ! Với tính chất cao quý xã thân nầy, tôi có suy nghĩ rằng: Nếu còn sống đến hôm nay, Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sĩ Tuấn hẳn sẽ vắng mặt trong buổi hội ngộ Quân Y Sĩ Nhảy Dù với sự có mặt của người khách danh dự Chuẩn Tướng/Đại Úy Trần Quốc Lịch.
Tôi cũng đã vắng mặt. Thiếu Úy Phan Nhật Nam, trung đội trưởng/Đại Đội 72 Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, KBC 4919.

Phan Nhật Nam