(tặng nhà thơ Hoàng Hưng)
Chân dung Khuất Đẩu
Võ Hồng Ngọc
Cùng với cái lạnh hiu hiu của đất trời lúc giao mùa, là cái lạnh thiên thu
do cái chết của chị bạn tôi từ bờ tây nước Mỹ đưa tới. Chị cùng tuổi với tôi, phải
nói con số 80 rất tròn và rất đẹp.
Vài năm gần đây, những người thân quen đi vào cõi trời quên khá nhiều. Có
buồn đấy, nhưng mà buồn chút chút vậy thôi, chứ không có gì lo vì chưa đến lượt
mình. Có nghĩa rằng đau tim, đau phổi, đau gan… đương nhiên là phải chết. Chứ
đau lưng vì cái cột sống thoái hóa thì hãy còn lâu.
Nhưng khi nhận được tin chị bạn qua đời vì tuổi già, tôi giật thót mình, cảm
thấy cái chết đã đứng sát ở sau lưng tự lúc nào rồi. Có vẻ như nó vừa vỗ nhẹ
lên vai tôi, và khi tôi quay lại, nó ra dấu bảo sắp đến cái thời khắc cuối cùng
của mày rồi đó. Hãy thu xếp nhanh nhanh lên.
Thì đúng là phải “về thu xếp lại”. Như Trịnh Công Sơn, yêu rất nhiều và được
yêu cũng lắm. Thu xếp những cuộc tình, thật rối rắm và bận rộn xiết bao. Hay
như tổng Trọng, cả một núi củi vừa khô vừa tươi, không biết đến hết thế kỷ 21
này có đưa hết vào lò hay không.
Còn tôi, tình chỉ như một con sông nhỏ đã cạn nước từ lâu, và đời, chỉ là
một công dân hạng hai ngay cả cái quyền cơ bản nhất là quyền làm người cũng
không có, thì có nhiều nhặn chi đâu mà phải thu xếp. Cho nên cái chết chỉ cần
“ới” lên một tiếng là tôi có mặt ngay!
Bảo rằng nôn nao đợi chờ cái chết là nói lấy được, nhưng cảm thấy lòng thật
bình yên là nói thiệt.
Từ nay, Trump cứ việc tuýt thả dàn, Kim Yong-un cứ việc thử bom nguyên tử,
Tập Cận Bình cứ việc gầm gừ ở biển Đông. Thương chiến Mỹ Trung có đưa đến thế
chiến thứ 3 thì cũng mặc. Bãi Tư Chính có mất đi thì cứ để nhà nước “no”. Sát
sườn nhất là xăng và điện có thể bị đẩy lên cao chót vót thì vợ con tôi xụ mặt
chứ tôi vẫn cứ phải tươi tỉnh để mà đón ông bạn vàng đáng ghét kia. Rầu rĩ thì
ông ấy hành cho lên bờ xuống ruộng.
Dường như các nhà làm văn nghệ suốt một đời dài ưa nói về tình yêu mà ít nói
về cái gọi là sự chết. Cũng phải thôi, nói tới chết ai mà không sợ. Bên trời
tây, người ta hình dung thần chết là một bộ xương khoác áo choàng đen với hai
hàm răng trắng hếu, tay cầm lưỡi hái. Phía trời đông, cái chết là những con ma
chưa hề có ai trông thấy nhưng lạ một điều là ai cũng biết rất tỏ tường. Ma le
có lưỡi dài tám thước, ma da trơn tuột như rong rêu ở dưới sông, ma Hời thư
bụng phình to như cái trống, ma lai rút ruột trong đêm tối bay đi ăn phân
người. Cứt ai bị nó ăn là phải chết!
Còn trong truyện Người tử tù, tôi đã cho cái chết hiện ra như thế này:
… Có một lúc người tù nhìn mặt được cái chết. Nó khác hẳn với những gì anh
đã nghĩ tới và tưởng tượng ra.
Nó không phải là con quỷ nhập tràng với hai chiếc răng nanh luôn nhỏ máu.
Nó cũng không phải là một yêu nữ xõa tóc, đêm đêm chui vào giường để hút hết
tinh lực của những anh chàng dại gái.
Nó không mang đôi cánh đen dài lượt phượt với lưỡi hái trong tay.
Nó cũng không nhe hàm răng trắng nhởn mà không một tiếng cười.
Nó không phải vậy.
Nó như anh!
Nó cũng buồn rầu mỏi mệt, cũng đơn độc bi thiết như bị bỏ rơi. Cặp mắt nó
đen, sâu thẳm, nhưng không như hai hốc mắt của đầu lâu, mà sâu êm đến nỗi người
ta có thể bình yên chui tuột vào đó.
Bằng cách nào? Từ lòng đất chui lên, từ trong các hốc đá bò ra, hay từ trời
cao đáp xuống?
Anh không rõ. Anh chỉ thấy nó ở bên mình, gần gũi thân quen, như đã từng
chung sống với nhau dưới một mái nhà.
Hắn ngồi xổm trên đất, hai bàn tay với những ngón dài và nhỏ, ôm lấy hai đầu
gối tựa cằm lên, tai hơi vểnh như sẵn sàng lắng nghe những lời khóc than xin
xỏ. Hắn chỉ nhìn, không nói. Hắn ân cần một cách tinh tế. Hắn như cha đạo đứng
trước con chiên trong giờ phút lâm chung.
Khi nhìn thấy hắn, anh ngạc nhiên đến độ muốn kêu lên. Anh nhìn hắn từ đầu
đến chân với cái nhìn thô bạo. Như muốn sờ nắn xem hắn có thật hay không. Anh muốn
vỗ vai, nhấc bổng hắn lên. Anh không tin hắn giống mình. Nhưng khi nhìn thấy
cái nụ cười hơi giễu cợt, hơi lạnh lẽo buồn rầu của hắn xuyên lướt qua tim óc,
thì anh tin là hắn có thật. Hắn chỉ khác anh cái hơi lạnh đặc biệt chỉ có hắn
mới toát ra được.
Đúng là y như một con người. Hắn giống anh như hai anh em song sinh. Nhưng
cái hơi lạnh ấy lại làm cho hắn không phải người, cũng không phải cái bóng, lại
càng không phải là một ảo ảnh.
Hắn ngồi gọn gàng, nhỏ nhắn, với một dáng vẻ hết sức dễ thương, y như một cô
gái vừa rụt rè vừa tình tứ, đang ngồi bên cạnh chàng trai yêu dấu của lòng
mình. Hai bàn chân hắn ngập sâu trong bụi đỏ và đôi mông hắn chạm đất khít
khao.
Rõ ràng là như thế, nhưng cũng thật lạ lùng là hắn như đang có vẻ lửng lơ.
Hắn như đang ngồi giữa khoảng không, nhìn anh với cái nhìn kiên nhẫn của kẻ
biết cách đợi chờ.
Đột nhiên, anh cảm thấy run sợ. Anh thực sự bối rối trước cái nhìn của hắn,
như con chuột bắt gặp cái nhìn của con mèo. Anh thôi không dám nhìn hắn. Cái
hơi lạnh kỳ lạ không ngớt tuôn ra từ đôi mắt đẹp của hắn, như hai luồng nhân
điện trong mắt người thôi miên. Nó làm cho bao nhiêu xương cốt của anh như sắp
tan ra, giống như con sứa với trái tim thoi thóp sắp tan chảy dưới ánh mặt
trời…
Và khi hắn nâng bàn tay xương xẩu của hắn lên, định đặt vào phía bên trái
ngực anh, nơi trái tim nhỏ bé nhưng dũng mãnh đang cố thủ, thì anh cũng đặt tay
lên ngực mình, quyết không cho bàn tay bẩn thỉu của hắn chạm vào. Anh ngẩng cao
đầu thách đố.
Nhưng cái chết rất khôn ngoan và lịch lãm. Hắn đã đoán trước phản ứng của
anh, nên bằng một cử chỉ thân mật, hắn đặt tay lên vai anh, vỗ vỗ. Tức khắc,
hắn làm dịu ngay cơn hốt hoảng của anh. Và, bằng cái nhìn của một người tình
hứa hẹn sẽ hiến dâng trọn thể xác nhưng chưa phải lúc này, hắn đứng dậy cáo từ.
Đôi môi mỏng của hắn bỗng trở nên ấm áp với một nụ cười tuyệt diệu.
Cho đến khi hắn mờ dần rồi tan loãng, anh hãy còn ngẩn ngơ. Anh vẫn chưa tin
được cái chết sao lại dịu dàng, dễ yêu mà cũng dễ ghét đến như thế.
… Anh bỗng trở nên khúc mắc, ngại ngùng. Anh cảm thấy rõ rệt là cùng lúc vừa
mong hắn tới, lại vừa mong hắn bận gì đó không tới. Anh nửa muốn được giải
thoát vì những khổ đau nhục nhã hết chịu đựng nổi, nửa hãy còn bịn rịn không
muốn rời xa cuộc sống. Anh hãy còn xúc động khi nghe trái tim vẫn đập bồi hồi
trong lồng ngực. Trái tim trì chí tội nghiệp vẫn thoi thóp lên tiếng đòi được
sống, cho dù là sống trong cuộc lưu đày.
Anh nhìn xuống cái thân thể quạnh hiu, nghèo nàn của mình. Nó giống như một
chiếc áo tồi tàn sắp bỏ lại trên trần gian. Những tay, những chân, những môi,
những miệng, xác xơ như thế này còn giữ lại cho ai! Anh bây giờ như một cây bị
tước trụi lá, như một hải đảo trên một cái biển chết không còn nước. Anh trơ ra
với nỗi vô duyên thừa thãi. Chỉ có lũ quạ đen là thực sự chờ mong anh với tất
cả thèm thuồng.
… Sau cùng, thì hắn cũng đến. Hắn mang theo một cái bọc đen ngòm. Hắn đến
sát bên anh như một bác sĩ ân cần đến thăm con bệnh. Anh không còn đủ sức để
chào mời hay đuổi xua. Anh để mặc hắn mưốn làm gì thì làm.
Đầu tiên, hắn vuốt ve chân tay anh. Bàn tay quỷ quái của hắn chạm tới đâu là
hơi lạnh tràn theo tới đó. Rồi hắn lôi từ trong bọc ra những thỏi đen dài mịn
như than đước. Hắn nhẹ nhàng luồn vào hai chân anh. Rồi hai tay. Rồi bụng. Và
sau cùng là đầu. Những thỏi đen khô rỗng hút nước nhanh như bọt biển.
Anh cảm thấy cả người đen như đêm ba mươi. Hắn cũng đen. Chỉ có trái tim anh
rực sáng và bất ngờ bay vọt ra khỏi lồng ngực.
Bay, bay vút lên trời cao với đường bay xanh biếc như sao băng.
Chết như thế đúng là chết như mơ. Nhưng đó là chết trong tiểu thuyết. Còn
chết ở ngoài đời, có lẽ khổ nhục nhất là cái chết của Chúa. Cho dù cây chữ thập
dùng để đóng đinh Chúa sau này trở thành cây thánh giá, cũng không ai mong được
chết như vậy.
Tôi vừa gặp Hoàng Hưng, người mà 37 năm trước đây phải vào tù vì được thi sĩ
Hoàng Cầm tặng cho tập thơ viết tay Về Kinh Bắc. Sau 1000 đêm mưa trắng đêm, ra
tù rồi, vẫn muốn cùng vợ nằm nghe mưa rồi chết.
Chết như thế không phải chết ngông, mà chết thật sướng vì được chết bên cạnh
người yêu và chết trong tự do.
Khác với chết trong đồn công an với một sợi dây thun tự siết cổ mình, có thể
gọi là “chết tự chọn” thì khó khăn và khổ sở làm sao.
Vậy thì, chết ơi, chào mi.
Ta phải chết, đương nhiên rồi…
Nhưng xin cho ta được chết trong tự do, chứ không phải chết trong tự chọn.
Khuất Đẩu
1/9/2019