Ở nước Đức có thể thấy người dân ở đây đọc sách bất kỳ đâu, cảm giác như
trong túi xách tay của người nào cũng có một cuốn sách. Họ đọc trên tàu điện,
trên ghế đá công viên hay trong lúc xếp hàng chờ đến lượt ở một sở nào đó. Hoặc
ngày nghỉ nằm phơi nắng bên bãi biển, hồ, bãi cỏ cũng có nhiều người đọc sách.
Quãng thời gian đọc sách là quãng thời gian họ chờ đợi tàu chở họ đến điểm
nào đó, chờ đến lượt mình ở sở nào đó, họ tận dụng những khoảng thời gian đó để
đọc sách. Nhiều cuốn sách có vật đánh dấu rất đẹp, chứng tỏ người đọc rất nâng
niu cuốn sách họ đang đọc.
Các hiệu sách ở Đức rất đồ sộ và phong phú, người mua lúc nào cũng tấp nập.
Những cuốn sách kỹ thuật, giáo dục, nấu ăn không nói làm gì, nhưng sách văn học
bán khá chạy.
Lần đầu tôi đến lớp học tiếng Đức, thầy giáo là một người Việt. Ông ấy dạy
tiếng Đức cho trường của Đức, tức học viên là đủ mọi người từ các nơi đến. Ai
là người mới đến đều phải giới thiệu về bản thân mình, tôi giới thiệu nghề
nghiệp của mình là công nhân xây nhà. Tất nhiên câu hỏi và trả lời đều bằng
tiếng Đức.
Ông thầy giáo nhướng cặp mắt lên hỏi.
– Sao?
Tôi trả lời lần nữa thật chậm, tôi là công nhân xây dựng.
Ông lắc đầu không hài lòng, ông bảo tôi nói lại lần nữa. Ánh mắt ông nhìn tôi
như muốn bảo, tôi không được nói tiếp như vậy.
Tôi nói tôi là nhà văn.
Ông thầy giáo nở nụ cười hài lòng, ông giải thích cho mọi người trong lớp từ
Schriftsteller là gì.
Ông quay ra hỏi tôi viết mấy cuốn sách rồi, tên sách là gì.
Khi tôi trả lời, tôi thấy nét mặt ông đầy tự hào, tôi không biết ông tự hào
về điều gì, có lẽ ông muốn gửi thông điệp cho những người bạn học ở các nước
khác, rằng đồng hương, học trò của ông là một nhà văn.
Sau này tôi có nói chuyện với ông bằng tiếng Việt ngoài giờ, rằng tôi không
phải là nhà văn, đó không phải là nghề của tôi. Ông thầy khẳng định dứt khoát
nghề tôi là nhà văn, vì tôi có viết sách, sách tôi có bán, tôi có thu được tiền
từ đó… như thế tôi nghề của tôi là nhà văn, ở đây người ta công nhận như thế là
nghề nghiệp.
Tôi không tranh luận với ông nữa, tôi không hiểu văn hoá ở nước Đức này bằng
ông. Nhưng tôi nghĩ tôi không phải là nhà văn gì cả.
Thời gian sau nữa, tôi mới hiểu rằng, ông thầy giáo người Việt đó đã làm một
điều mà tôi không hiểu lúc đó, là ông ấy muốn tôi viết tiếp, viết nữa về những
gì tôi nghĩ, tôi thấy. Ông đã thấy nhiều người Việt đến nước Đức rồi theo cuốn
theo việc kiếm tiền hàng ngày, họ rời bỏ những điều mà trước kia họ theo đuổi.
Ông động viên tinh thần tôi theo kiểu của đúng chất người Đức!
Tôi không muốn là nhà văn, tôi thậm chí còn chẳng muốn nói gì đến sách, ngay
cả sách mình viết ra tôi cũng ít khi nhắc đến. Như người khác họ luôn quảng
cáo, giới thiệu sách của họ, họ kể từng đoạn mà họ tâm đắc nhất trong sách họ
viết, họ diễn giải về nghệ thuật mà họ sử dụng để viết những áng văn đó. Tôi
thừa hiểu sách của tôi chẳng có giá trị gì về nghệ thuật, nó được viết theo
kiểu dễ dãi, nghĩ sao viết thế, không có một chút kỹ thuật nào cả, cũng chẳng
có những từ ngữ đặc sắc. Nó là loại đơn giản và bét dí nhất trong các loại
sách, có thể nó là sách 3 xu như ngày xưa người ta hay gọi.
Hồi trước cô bạn tôi cũng dân viết lách, cô ấy khuyên tôi đừng có dính đến
viết lách làm gì, cứ làm biển quảng cáo, nội thất như tôi đang làm là là quá
được rồi, nghề viết lách này chẳng có tương lai gì đâu. Dạo ấy tôi hay ghé qua
quán cà phê của chị Võ Thị Xuân Hà, ở đó vừa bán cà phê vừa bán sách của nhà
sách chị ấy xuất bản. Quán thường vắng teo, nghĩ mà ái ngại về chương trình Văn
Hoá Đọc chị ấy đang theo đuổi. Chị Hà dốc tiền theo đuổi nghiệp văn chương,
xuất bản sách, tôn vinh văn hoá đọc… nhưng văn hoá đọc của người Việt bây giờ
đìu hiu, quạnh quẽ đến nao lòng. Nhiều khi nhìn chị trong quán cà phê sách của
chị, tôi liên tưởng tới câu chuyện người giữ nghề làng tranh Đông Hồ, người đàn
ông mà hàng sáng quẩy bọc tranh đi bán, đêm về giã điệp trộn giấy. Ông gánh
tranh đi buổi sáng như đi bán, nhưng nào bán có ai mua. Tối mịt không ai trông
thấy, ông gánh trở về, đêm mang cối không ra giã điệp cứ như thể là nghề tranh
dân gian giấy dó điệp còn thịnh lắm.
Mỗi lần đến quán của chị Hà mua sách, cảm giác cũng như thấy hình người đàn
ông làng nghề ấy phảng phất đâu đó trong cái quán trang trí bằng tre nứa phết
màu nâu.
Tôi có thằng bạn ham đọc sách, chúng tôi thường gặp nhau bàn về những cuốn
sách hai thằng mới đọc. Nhưng chúng tôi thường chọn những quán vắng vỉa hè, ví
dụ như ra quán nước chè vườn hoa, hai thằng gọi trà thuốc rồi bê hai cái ghế
nhựa thấp ra xa, chỗ không gần ai cả, rồi thả hồn nói chuyện về sách. Sở dĩ như
thế vì có lần chúng tôi vội, ngồi xuống quán gọi nước và thao thao luôn về
sách, những người khách ngồi đó nhìn chúng tôi như hai thằng điên.
Thằng bạn ấy kể, nó nằm đọc sách, có người đến nhà hỏi vợ nó là nó có nhà
không. Vợ nó bảo:
– Thằng mọt sách ấy đang nằm đọc sách trên gác, nó chờ mài sách ra để có
tiền ăn đấy.
Lần đó nó kể rồi hỏi tôi rằng nhà tôi có nghĩ tôi thế nào không?
Tôi bảo không, tất nhiên là không, chẳng phải vì nhà tao trân trọng giá trị
sách, mà vì nhà tao nghĩ, thà tao đọc sách còn hơn tao mải thú chơi nào khác
như cờ bạc, giang hồ… khiến tao hư người.
Người viết sách, xuất bản sách như chị Hà đã buồn vậy, người đọc như thằng
bạn tôi cũng cảnh buồn vì sách như vậy.
Nhưng tôi vẫn mua sách đều đều, nó là thứ giải trí với tôi hữu ích và rẻ
tiền nhất.
Trên đường tôi đi làm về nhà, ở đoạn đầu Hoàng Quốc Việt vào mỗi buổi chiều
có hai vợ chồng nhà nọ bán sách cũ. Họ trải một tấm nilong, bày những cuốn sách
cũ bên lề đường. Hai vợ chồng ăn mặc đều giản dị, sơ sài. Bên cạnh tấm nylon
bày sách là hai chiếc xe đạp cũ.
Nếu nhìn kỹ sẽ thấy họ có những nét của người trí thức, nền nã, thanh tú,
lịch lãm… nhưng vỉa hè của Hà Nội vốn là nơi khắc nghiệt với những phận người
dựa vào nó để mưu sinh. Vẻ lam lũ, chớm chút thiêú thốn khiến gương mặt họ phủ
một màn sương khắc khổ.
Đấy là vào những năm 2002-2004, mùa hè cũng như mùa đông, vợ chồng bán sách
ngồi trên vỉa hè từ mùa này sang mùa khác. Trung bình mỗi cuốn sách chỉ 10 đến
20 nghìn. Tôi nhớ cuốn Bác Sĩ ZHIVAGO tôi mua của họ giá 25 nghìn. Bằng 1 phần
10 tiền bo cho một em cave ngồi hát karaoke với khách trong vòng 2 tiếng. Rất
nhiều cuốn sách chỉ giá mươi đến mười lăm nghìn.
Hàng ngày hai vợ chồng họ đạp xe đi những nơi bán giấy vụn, nhặt chọn trong
đống giấy vụn bán cân ấy ra những cuốn sách cũ, đem về bày bán vào chiều tối.
Anh chồng một dạo bày cờ thế, cho mấy cậu sinh viên trẻ ở khu đấy phá giải.
Mỗi lần phá cờ đặt cược 2 nghìn, hầu như chẳng ai phá được. Tôi phá cũng không
được, mỗi lần thế mất cỡ 6 đến 10 nghìn. Tôi nhớ thế cờ, về bày lại rồi mày mò
tự giải. Lần sau phá được, anh chồng cáu ra mặt, anh ấy chửi thề, vợ hỏi về
khách mua sách anh ấy gắt lại. Chị vợ hiền lành, nhẫn nhịn chẳng nói gì.
Rồi chán cờ thế, đánh cờ trận. Anh ta mỗi lần thắng nét mặt rất vui, cười
đùa trêu vợ mình. Lần thua thì anh ta lại cáu, con mắt anh ta long sòng sọc, cứ
thua anh ta lườm vợ mình đang bán hàng bên cạnh như chính chị ta là người có
lỗi. Tôi thường chơi với anh ta 3 ván, ván đầu anh ta thắng, ván sau tôi thắng,
ván tiếp theo anh ta thắng. Tỷ số luôn là 2-1. Mỗi ván 5 nghìn. Sau tôi chơi
với anh ta ván đầu tôi thua, ván sau tôi cầm hoà, ván sau nữa tôi thua. Tỷ số
chung cuộc là 2-0, đó là tỷ số mãn nguyện nhất cho cả hai. Nếu như anh ta đòi
đánh tiếp thì những ván sau ấy chỉ có hoà, nên sau cũng quen anh ta chỉ đánh tôi
3 ván là thôi.
Phải nói thế này, nếu như anh ta không bị vướng bận gì về tâm lý, anh ta sẽ
luôn chiến thắng tôi. Với tôi thua 10 hay 20 nghìn cho mấy ván cờ chỉ là trò
giải trí. Nhưng với anh ta đó là tiền lãi bán mấy cuốn sách mới có được. Chính
thế anh ta chơi tâm lý rất nặng nề, chỉ mong sao có thể thắng được, tâm lý như
thế chơi thế nào cũng có nước hớ khiến bị thua. Mà thua chỉ vì tự mình đi hớ
nước, uất ức là điều hiển nhiên.
Ngày ấy tôi khi anh ta bẩn tính, thua thì cáu gắt, sau tôi hiểu hoàn cảnh của
anh ta kiếm từng nghìn bạc lẻ, bày cờ mong kiếm chút ít góp cùng vợ trang trải
cuộc sống, thua buồn lắm chứ. Lúc ấy tôi chơi thua hay hoà, là chơi với tâm lý
thôi thì bỏ ra chút cho nó vui, chứ cũng không nghĩ đến hoàn cảnh của vợ chồng
họ mà thông cảm cho tính cáu gắt của anh chồng.
Hai năm sau tôi lâm vào cảnh khốn khó, số là tôi nhận gia công biển quảng
cáo cho một công ty, công ty đó đang nợ tôi món tiền khá lớn. Sắp đến ngày
thanh toán thì bỗng nhiên công an hốt ông giám đốc công ty ấy đi vì tội dùng
hoá đơn trôi nổi, trốn thuế. Thế là tôi bỗng nhiên trắng tay, lại còn mang nợ,
may là nợ người ruột thịt nên không đến nỗi phải trả gấp. Nhưng chỗ nợ mua
nguyên vật liệu thì phải bán đồ hết đi mà trả cho người ta. Xưởng cơ khí không
còn, tôi đi làm thuê theo kiểu ai có việc thì gọi, ngày có việc ngày không. Lúc
đó Tí Hớn mới 2 tuổi.
Đúng lúc ấy lại bị loét dạ dày, do nghĩ nhiều. Đi viện chữa bệnh cũng ngại
vì không có tiền.
Tôi chẳng còn qua chỗ vợ chồng nhà bán sách cũ kia nữa, vì tôi làm gì dư dả
nữa mà mua. Thậm chí tôi có lúc còn nghĩ ra gặp họ bảo bán lại chỗ sách của
tôi. Nhưng nghĩ họ vốn chẳng có, mua sách từ hàng giấy vụn, họ mua lại của tôi
sao được.
Tôi ra bán trên trang TTVN, ngày đầu tiên có người mua 3 cuốn trả 600 nghìn,
đó là những cuốn sách tôi mua ở Sài Gòn chúng xuất bản từ trước năm 1975. Ngày
hôm sau có người mua hai cuốn được 500 nghìn. Vợ tôi biết chuyện nghẹn ngào
nói, thôi mình ạ, đằng nào cũng chả thêm được bao nhiêu, bán làm gì sách. Tôi
bảo được nhiều chứ, bán hết chỗ này phải được mấy chục triệu. Thấy vợ tôi sắp
bật khóc, tôi bảo thôi không bán nữa.
Những giá để sách ở nhà đều do tôi tự tay làm, có cái bằng gỗ, có cái bằng
sắt. Đống sách đấy chẳng ai còn đọc nữa, nhà tôi luôn giữ gìn chúng như giữ kỷ
vật của tôi, từ những cuốn sách cũ nát ấy, tưởng là vô dụng ấy, chúng đã đưa
cuộc đời tôi đến một bước ngoặt lớn trong đời.
Đó là tôi được nước Đức mời đến nước họ ở lại định cư.
Chẳng biết bây giờ hai vợ chồng bán sách cũ ấy có còn quanh quẩn vỉa hè mạn
Hoàng Quốc Việt, Xuân Thuỷ, Mỹ Đình không. Tôi viết câu chuyện cũ này, mong bạn
nào quanh đó thấy họ, xin giúp tôi liên lạc với họ.
Có thể bây giờ họ nếu họ còn ở đó, họ đã mua được xe máy đi. Nhưng tôi muốn
tặng họ một chiếc xe máy làm kỷ niệm.
Xin các bạn giúp tôi.
Khi vừa đưa phần 2 về câu chuyện 2 người bán sách cũ với đoạn kết ngỏ ý nhờ
mọi người tìm hộ hại vợ chồng bán sách nọ, với ý định muốn tặng họ chiếc xe
gánh máy, tôi nhận ngay tin nhắn của một chàng trai đang học thạc sĩ bên Mỹ.
Chàng trai nhắn tin cho tôi như một người quen thân đã lâu, mà đúng cậu ấy
quen tôi thật. Cậu ấy lúc trước là sinh viên, hay ngồi la cà chơi với hai vợ
chồng nhà bán sách ở vỉa hè. Bấy giờ tôi mới nhớ thỉnh thoảng lúc tôi ghé qua
mua sách, có một cậu sinh viên thường quanh quẩn bên vợ chồng nhà nọ. Cậu ấy
bảo rất nhớ rõ tôi.
Như cậu ấy nói thì anh chồng không bao giờ đi xe máy, cũng không dùng điện
thoại. Chị vợ chiều chồng nên cũng đạp xe theo chồng.
Cậu ấy gửi ảnh chị vợ và cháu nội cho tôi xem.
Nghe chuyện mới biết, thì ra họ có một lai lịch khá bất ngờ. Thực ra với tôi
cũng bất ngờ ít thôi, những lần mua sách nhìn phong thái của họ, tôi nghĩ họ có
điều gì uẩn khúc nên chọn vỉa hè mưu sinh và sống kiên cường theo cái cách kham
khổ, vất vả ấy.
Anh chồng là con trai của một vị từng là bí thư tỉnh, hàm uỷ viên trung
ương, dòng họ nhà anh ta có những người hiện đang làm giáo sư giảng dạy, có
người làm quan chức khá to. Nhà của bố mẹ anh ta là một ngôi biệt thự ở trong
một những con phố thời Pháp, tức mạn phía nam quận Hoàn Kiếm, bạn nào người Hà
Nội chắc hình dung được khu ấy.
Anh ta là một giáo viên và cũng là một võ sư. Tất nhiên anh ấy cũng là người
mê đọc sách.
Vì bất đồng với gia đình trong cách sống, cách suy nghĩ. Anh ta bỏ ra ngoài,
bỏ cả nghề giáo, dẫn vợ đi thuê nhà trọ ở ven ngoại ô, sống bằng nghề mua bán
sách cũ.
Tôi không muốn đưa ảnh và tên họ vào trong bài viết này, tôi cam đoan những
gì tôi nói là sự thật, những ai nghĩ rằng tôi sáng tác ra câu chuyện này là
việc của họ, tôi không có ý đồ gì mà cần phải thanh minh.
Bây giờ vợ chồng anh ấy đã mua được một miếng đất sau mấy chục năm tích cóp,
miếng đất ấy ở tít tận trên mạn Phùng, dựng được cái nhà như cái lều, chứa toàn
sách. Hàng ngày đạp xe xuống mạn Cầu Giấy bày bán ở những vỉa hè.
Đáng buồn là việc muốn tặng anh chị ấy chiếc xe máy khó thành hiện thực, một
nhân cách như vợ chồng anh ta, từ bỏ một cuộc sống đầy đủ, một tầng lớp trên để
chấp nhận sống cuộc đời lam lũ ở vỉa hè, người như thế tính tự trọng của họ rất
cao.
Cái cậu sinh viên nghèo quanh quẩn bên vợ chồng nhà bán sách, giờ cậu ta
hiện đang học bên Mỹ với học bổng được cấp. Còn người khách thường xuyên hay kỳ
kèo giá cả như tôi, nhận học bổng nhà văn của Đức.
Trong một phần khiến số phận của hai thằng chúng tôi nhận được những học
bổng của Đức, Mỹ ngày hôm nay. Có một phần nhỏ của hai vợ chồng người bán sách
cũ ở vỉa hè đó.
Người Buôn Gió