26 October 2019

NHẤT PHIẾN TÀI TÌNH, THIÊN CỔ LỤY… - Bùi Bích Hà



Nữ danh ca Edith Piaf
(Hình: Hulton Archive/Getty Images)

Tài tình chi lắm cho Trời đất ghen?” (Kiều)
Từ ngàn xưa, con người vẫn đứng trước một câu hỏi không có câu trả lời: vì có tài mà khổ hay vì khổ mà tài nảy sinh? Phải chăng nghịch cảnh như con nước xoáy, nhận chìm những ai không kham nổi đường bơi và bốc lên cao, đưa đi xa những ai dài hơi nín thở qua truông?

Tôi vừa có dịp tình cờ xem lại ở nhà một người bạn cuốn phim “La Vie En Rose” của đạo diễn Olivier Dahan, mô phỏng cuộc đời bi thương của nữ danh ca Edith Piaf, tiếng hát lẫy lừng trong ba thập niên tiền bán thế kỷ 20 của Âu Châu, Hoa Kỳ và các quốc gia Nam Mỹ.

Ra đời dưới ánh sáng ngọn đèn đường giữa đêm Paris tối tăm, được gói trong tấm áo choàng của viên cảnh sát tuần tra, cô bé sống sót ở tuổi lên một, lên hai, ốm yếu, ghẻ lở, bị mẹ bỏ rơi trong tay bà ngoại rượu chè be bét để đi kiếm ăn; bị bố giao cho bà nội vốn là chủ chứa một động mại dâm trong xóm nhà ổ chuột của vùng Normandy ô hợp, có lúc coi như bị mù vì chứng đục thủy tinh thể.
Rồi cô bé lăn lóc qua bàn tay vài cô gái ăn sương nhân từ trước khi bước vào tuổi chớm lớn, bị ông bố vừa mất việc với gánh xiếc lưu động, quay trở về bắt con gái theo ông ra hè phố làm một đôi đàn hát ăn xin độ nhật. Khi trò diễn của ông không đủ sức thu hút người qua đường, khi cái nón tàu phở méo mó trong tay con bé không hứng được đồng xu nào, bố nó đẩy nó ra phía trước, thì thào quát vào tai nó: “Mau lên, làm một cái gì đi kẻo mọi người đi mất! Mau lên, mau lên!”

Con bé sợ hãi, ngơ ngác, không biết phải làm gì. Cuống quá, nó hát bài quốc ca Pháp “Allons enfants de la patri…e…” Giọng con bé trong trẻo quá, nét mặt nó hồn nhiên và tội nghiệp quá nên tiền rơi bì bụp vào chiếc nón nó cầm khư khư trên tay. Sự nghiệp ca hát tuyệt diệu của Edith Giovanna Gassion, sau này mang nghệ danh Piaf, có nghĩa là “con chim sẻ nhỏ,” do ông bầu đầu tiên đặt cho bà, bắt đầu như thế.
Năm 15 tuổi, Edith gặp và kết bạn với Simone Berteaut, người bạn gái thân thiết sẽ theo sát bà qua những chặng đường vui buồn sau này nhưng cũng ảnh hưởng sai lệch rất nhiều trên cuộc sống sóng gió của bà ngay từ những năm tháng thanh xuân. Cả hai kiếm ăn bằng cách lang thang ca hát ở những ngã ba, ngã tư đông người qua lại, kiếm được đồng nào là tu rượu như hũ chìm, kể cả có lúc phải nộp tiền cho một tay anh chị đầu nậu hung ác để được yên thân.
Mười bảy tuổi, Edith gặp Louis Dupont, thương yêu anh chàng này bằng mối tình vụng dại đầu đời, ăn ở với chàng và sanh một con gái, đặt tên là Marcelle. Có con rồi, Edith mới biết cô không có thiên hướng làm mẹ. Bé Marcelle thường xuyên phải lăn lóc một mình trong căn phòng trọ rồi qua đời lúc 2 tuổi vì chứng viêm màng não. Khi cô vào tới nhà thương, bác sĩ hỏi: “Bà là mẹ đứa bé này?” Ðôi mắt ngơ ngác của Edith khép lại thay cho câu trả lời cùng một lúc với đôi mắt của bé Marcelle vĩnh viễn khép lại trên giường bệnh.
Năm 20 tuổi, vận may tới với Edith lần đầu khi tiếng hát “vang vang trời vào Xuân” của cô lọt vào tai ông bầu một hộp đêm đông khách, Louis Leplée. Ông cho cô một buổi hát thử rồi thu dụng cô hát cho nhà hàng của ông.
Ðêm đầu tiên Edith Piaf ra mắt đám đông thực khách sang trọng, cô dúm dó vì sợ hãi. Càng nhỏ bé hơn trong chiếc áo đầm đen thô sơ, đôi lông mày nhướng cao như hai cái dấu hỏi tội nghiệp, Edith cất tiếng hát trong sự lạnh nhạt đầy ngờ vực của cử tọa. Tuy nhiên, chỉ một chốc sau, quán rượu vỡ ra trong những tràng pháo tay đón nhận nồng nhiệt của người nghe, mở đường cho sự nghiệp của cô chắp cánh bay cao.
Có tiền, có danh vọng, cô bước vào thế giới nghệ sĩ có đẳng cấp của nước Pháp, làm bạn với Maurice Chevalier và được Marlène Dietrich ngưỡng mộ. Cô có nhà ở sang trọng, có người hầu và tất nhiên, nhiều cuộc tình vụt đến vụt đi, trong số này, có tài tử Yves Montand, được cô đỡ đầu trước khi là người tình. Khổ thay, số phận đa đoan không buông tha cô. Chỉ một năm ngắn ngủi thôi, Louis Leplée bị ám sát chết ngay tại văn phòng của ông ta. Edith Piaf bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án mạng, bị cảnh sát điều tra dằng dai.
Nhà hàng của Leplée đóng cửa, danh tiếng của Edith Piaf nhuốm bùn, cô tuột dốc trên nấc thang sự nghiệp. Mất bốn năm chịu đựng cho mọi việc sáng tỏ trước khi vận may nở nụ cười với cô lần thứ hai vào năm 1940. Từ đây, Edith Piaf thẳng tiến lên đài vinh quang. Tiếng hát của cô vượt biên giới nước Pháp, xâm chiếm nước Mỹ.
Trên sân khấu Nữu Ước, một lần nữa, cô xuất hiện với tất cả ngỡ ngàng trước một thính chúng chờ đợi được thấy dáng vẻ hào nhoáng của một nghệ sĩ thượng thặng đến từ thủ đô Ba Lê thanh lịch, khác hẳn với nhân vật còm nhom, cao chưa tới 5’, hai khuỷu tay khuỳnh khuỳnh, mắt nhìn lơ láo đang đứng trước họ. Tuy vậy, tiếng hát xé không gian, làm tan nát lòng người thoát ra từ hai lá phổi kỳ diệu của Edith Piaf lập tức chinh phục giới thưởng ngoạn Hoa Kỳ, mở đường cho những chuyến lưu diễn của bà tại đất nước này, xuống đến tận Nam Mỹ, trong suốt gần ba thập niên tiếp theo.
Cũng thời gian này, bà gặp và lần đầu, yêu một người đàn ông đứng ngoài lãnh vực âm nhạc: Marcel Cerdan, võ sĩ quyền Anh có vợ và ba con. Ông là mối tình lớn trong suốt cuộc đời sôi động của bà. Mặc dầu vậy, ký ức đau buồn về một tuổi thơ trải qua trong đổ vỡ của cha mẹ khiến bà không muốn ông phải rời bỏ gia đình.
Rủi ro thay, trong một chuyến đi Nữu Ước để gặp nhau, người tình của bà lâm nạn vì máy bay rớt. Sau biến cố bất ngờ này, bà suy sụp hẳn và bắt đầu buông mình vào rượu chè và ma túy. Những năm tháng tiếp theo là một chuỗi phấn đấu mệt mỏi để sống còn. Bà vẫn hát, vẫn đi lưu diễn khắp nơi, vẫn là thần tượng ca nhạc với trái tim nguội lạnh được cả thế giới say mê cho tới đầu thập niên 1960.
Năm 1962, bà gặp và kết hôn lần thứ hai với Theo Sarapo, một người thợ làm tóc trở thành ca sĩ và diễn viên, kém bà 20 tuổi. Theo yêu bà thật lòng, đem lại cho bà sự phấn khởi và hy vọng vào tương lai nhưng tiếc thay, một lần nữa (và là lần cuối cùng) định mệnh lại thẳng tay cướp khỏi bà chút hạnh phúc muộn màng. Edith bệnh nặng, tài chánh cạn kiệt, chập chờn mê tỉnh giữa những hồi ức buồn phiền của quá khứ. Theo tận tụy chia sẻ với bà quãng đời đầy bóng tối này và ở bên bà cho đến giây phút cuối cùng.
Một buổi chiều cuối đông hiu hắt nắng trên bãi biển vắng, được nhà báo phỏng vấn, hỏi bà muốn nhắn nhủ gì cho phụ nữ mọi lứa tuổi, bà chỉ lập đi lập lại một chữ AIMER, nghĩa là yêu thương. Cả cuộc đời bà là một hành-trình-đi-tìm-tình-yêu thất bại. Dường như tuổi thơ khốn khó, không cha, không mẹ, không gia đình, một mặt cấy vào tâm linh bà nỗi khao khát được yêu thương nhưng cũng đồng thời, đã lấy đi của bà khả năng nhận diện một tình yêu đích thực phải bắt nguồn từ chính trái tim mình.
Bà không tha thứ cho mẹ, không biết bế ẵm con thơ, tình yêu mà bà đuổi theo là sự đáp trả nguồn hứng khởi đến từ người khác, nó không có đất để bắt rễ và cho bà hoa trái, khi mất đi, nó cày sâu thêm nỗi đớn đau của những lần mất trước và hủy diệt bà. Nhiều người xung quanh chúng ta thường kể cho nhau nghe câu chuyện nắm cỏ xanh treo trước mũi con ngựa, ví nắm cỏ ấy với hạnh phúc. Tôi cứ tự hỏi có nơi nào trong lòng chúng ta có sẵn một vạt cỏ tươi non mà chúng ta cần nhớ tưới tẩm hàng ngày để được êm ái lăn mình trên đó không?

Thi văn sĩ Mộng Tuyết
(Hình: Tài liệu)

Cũng tình cờ lục lọi chồng báo cũ, đọc lại cái tin cách đây 12 năm, hiền thê của cụ Ðông Hồ là cụ bà thi văn sĩ Mộng Tuyết, quê quán Hà Tiên, qua đời ở tuổi 93.
Nhìn tấm hình nhà thơ trong tuổi già, nụ cười móm mém nhưng duyên dáng, đôi mắt vẫn còn nét tinh anh sau tròng kiếng trắng, cùng lắm thì tôi cũng chỉ mường tượng ra một bà nội hay bà ngoại sống yên vui buổi xế chiều bên con cháu, không cách nào hình dung được cuộc đời bà đã sống, đẹp và đầy phong vị như một bức tranh cổ.
Thập niên 1930 của thế kỷ trước, trong lúc tuyệt đại đa số phụ nữ Việt Nam còn giấu mình trong bốn bức tường gia đình với văn hóa tam tòng tứ đức, bà đã mạnh dạn bước vào vị thế người kế thất của nhà thơ Ðông Hồ, thay thế bà chị ruột qua đời vì sanh nở khó, cùng chồng xướng họa văn thơ, ngao du sơn thủy từ Nam ra Bắc, kết bạn với hầu hết văn nhân nghệ sĩ tài danh của đất Thăng Long thời ấy. Không những có tài năng, bà còn học rộng, kiến thức uyên bác, tư tưởng cấp tiến.
Bàn về trách nhiệm của người thưởng ngoạn, bà trả lời phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa như sau: “Người viết đã dọn mình mà viết, người đọc sao lại không dọn mình mà đọc dẫu rằng người đọc không cùng một quan điểm với người viết? Chiếc vòng ngọc thạch, hoặc rộng hoặc hẹp, không vừa với cổ tay mình nhưng mà nó vừa vặn với cổ tay người khác thì mình dẫu không đeo nó, cũng phải biết thưởng thức đúng với cái đẹp của nó ở cổ tay của giai nhân không phải là mình.” Lòng chính trực, ý thức tôn trọng sự thật và người khác, cho đến nay ở đầu thế kỷ 21, là những bài học vẫn có rất nhiều người chưa thuộc.
Khi tả cảnh, tả tình, ngòi bút của bà như mây vờn bướm lượn. Cả thiên nhiên trong một đêm trăng lộng lẫy ở khu vườn nhà bà tại Xóm Rẫy được mô tả như thế này: “Một đêm kia, hình như không phải là đêm rằm mà sao bóng trăng tròn trĩnh quá! Nửa mái nhà và một góc vườn ngập ánh trăng. Ðâu đây thoang thoảng mùi thơm. Một mùi thơm là lạ, vương vướng có hơi bạch đàn hương, thanh hải hương và một chút ngọc quế hương. Trăng diễm ảo, mùi thơm càng diễm ảo hơn… Trăng đã cao và sáng hơn. Mùi thơm theo độ trăng càng náo nức hơn. Mùi hương sực nức đã gọi nàng Út ngẩng lên. Nàng đưa tay vạch một kẽ lá và kêu lên ‘Ô! Một bông hoa quỳnh hé cánh.’ Cuống hoa xanh màu hoa lý từ trong nách một kẽ lá trổ ra. Trăng cao cao dần, hoa hé hé dần. Ai đã đem tơ trăng huyền ảo mà buộc vào những cánh thần hoa? Làn u hương kỳ diệu đồng thời toát theo từng cánh mở của bông hoa…”
Cùng với từng cánh mở của bông hoa, văn chương Mộng Tuyết hé lộ cái thế giới u uẩn, chứa chan tơ lòng huyền ảo giấu kín bên trong những người đàn bà Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong đó có mẹ tôi.
Không tài năng như nữ sĩ Mộng Tuyết, cũng không may mắn như bà, mẹ tôi suốt ngày lam lũ trên cánh đồng lúa, trong vườn cây trái bạt ngàn ở một nơi rất xa thành phố hoặc trong căn bếp ám khói để lo thức ăn cho chồng con mỗi ngày. Thỉnh thoảng lắm, đi học về đến ngõ trong buổi chiều mùa Hè nồng nực, tôi nghe lảnh lót tiếng mẹ lẩy Kiều theo khói bếp tỏa lên bầu trời trong và cao, quấn quýt những cành tre, thánh thót rơi xuống những tàu lá sen đọng mấy hạt thủy ngân phảng phất hương.
Mẹ không biết cách bày tỏ cảm xúc riêng mình nên phải vay mượn ngôn ngữ từ kho tàng văn học dân gian để trao gởi nỗi niềm. Có những đêm trăng sáng ngời ngợi trên khu vườn mướt xanh, mẹ ngồi ở đầu thềm hong mớ tóc vừa gội, tay phe phẩy chiếc quạt nan, mắt ngước nhìn lên bầu trời có những sợi mây xê dịch chầm chậm về nơi vô định.
Ngày ấy, tôi không biết mẹ nghĩ gì, có ao ước gì không? Biết đâu, mẹ tôi cũng có lúc say trăng và say hương trong khu vườn đêm đơn độc, là bông hoa quỳnh hé nở dưới trời linh hiển để được tái sinh cho một lần nở khác. Nghĩ như vậy, tôi đỡ buồn hơn khi nhớ về cuộc đời hẩm hiu của mẹ.

Bùi Bích Hà