Du Tử Lê có nghĩa là chàng du tử họ Lê, tên thật là Lê Cự Phách.Từ ngày biết
mình được hình thành một cuộc làm người, chàng du tử lang thang “ở cõi nhân
gian không thể hiểu” miết đâm chán nên sau 77 năm để lại cho đời 77 tác
phẩm thơ và văn xuôi, chàng từ bỏ gia đình, bỏ bạn bỏ bè mà ra đi. Cuộc ra đi
trí mạng này làm tôi nhớ tới lần đi lạc xuống trần của Trung niên Thi sĩ Bùi
Giáng trước khiông giũ áo trần ai:
“Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc.
Tất nhiên cách nói đầy cảm khái của Bùi thi sĩ là cách… nói thơ. Ai
đọc qua, nghe qua cũng đều thích thú nhận ra mình cũng… ở mãi trong cõi thơ
thần khí của ông. Nhưng mà nói gì thì nói rốt cuộc cả hai ông nhà thơ họ Bùi và
họ Lê trước sau không hẹn đều trở về bên kia thế giới.
Du Tử Lê, nhà thơ nổi tiếng từ trong nước trước 1975, mãi đến 20 năm sau tôi
mới gặp ở chốn quê người. Mùa hè năm 1995 chàng du tử họ Lê và nhạc sĩ Trần Duy
Đức từ Califonia, Hoa Kỳ bay qua Montreal và Toronto, Canada ra mắt CD “Em Hiểu
Vì Đâu Chim Gọi Nhau”. CD này của Trần Duy Đức phổ từ thơ Du Tử Lê là sự phối
hợp nhịp nhàng giữa thi ca với ngôn từ mới lạ và âm nhạc có âm hưởng đầy sáng
tạo, được giới thưởng ngoạn nhiều nơi ưa chuộng.
Lắng nghe thi sĩ nói, nhạc sĩ hát tôi nhận ra nghệ thuật và người nghệ sĩ là
một biểu tượng văn hóa cuộn thi ca và âm nhạc thành một. Ở đó không gian và
thời gian diễn ra một cuộc hội tụ như đã định sẵn giữa hai tâm hồn nghệ sĩ có
chung một trái tim, một người có công sắp chữ thành thơ mới và lạ, một người có
công đẩy thơ lên thành nhạc cũng thật khác thường.
Nghệ thuật ở chỗ nhân gian là như vậy. Hiểu hay không hiểu cũng vậy
thôi. Mà nghĩ cho cùng nghệ thuật mới lạ của họ cũng chẳng có gì khó hiểu, cho
dù “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu. Tôi với người chung một trái tim”.
Thật vậy. Thù hận là riêng. Trong suốt cuộc đời làm người, tinh thần và vật
chất, đói hay no, đau khổ hay hạnh phúc, niềm vui hay nỗi buồn, tất cả đều hóa
thành không. Rốt cuộc chỉ có tình thương mới là chung một trái tim..
Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Trần Duy Đức, tóc râu lùm xùm bao kín mặt, mới
dòm cứ tưởng cụ, nhưng thật ra chàng còn trẻ trung, phong độ ra gì. Riêng nhà
thơ du tử với bàn tay phù thủy nặn ra loại chữ nghĩa ngày càng mới lạ làm chàng
trẻ ra, miệng cười hiền lành, nói năng hòa nhã. Từ đó mỗi lần có dịp ghé ngang
Toronto, chàng du tử đều réo vợ chồng tôi đi ăn phở, uống cà phê với vài người
bạn.
Năm 2005, tôi qua Quận Cam ra mắt CD và tập nhạc Tình Khúc PNT, nhà thơ Du
Tử Lê làm diễn giả, nhạc sĩ Trần Duy Đức làm… khán giả. Từ đó tôi không còn gặp
lại Du Tử Lê cho đến ngày nhà thơ qua đời. Riêng Trần Duy Đức và tôi thỉnh
thoảng vẫn liên lạc qua facebook.
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương đồ sộ của Du Tử Lê phải nói là đã được
nhiều nơi trên thế giới ưu đãi, nhưng trong bài viết này tôi chỉ nêu ra một vài
đặc điểm mà tôi được biết về ông:
Nhà thơ Du Tử Lê từng là sĩ quan QLVNCH, phóng viên chiến trường, làm báo và
dạy học.
Vì chống đối chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam, sau ngày mất nước Du Tử Lê bị
Cộng sản lên án tử hình khiếm diện nên ông mau chóng chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn.
Sống lưu vong gần 44 năm ở chốn quê người, những tưởng một đi là ly biệt,
không ngờ sau khi Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chàng
du tử lại hân hoan trở về quê cha đất tổ. Từ đó nhà thơ vui với hàng loạt tác
phẩm thi ca và văn xuôi được in ấn tại quê nhà. Tuy nhiên, cũng vì cố sự này,
Du Tử Lê không được trong lẫn ngoài nước hoan nghênh. Nhiều ý kiến mang tính
khích bác, công kích cá nhân nhà thơ và cả những tác phẩm xuất bản từ trong
nước.
Dù sao những cuốn sách đó, hay những tác phẩm xuất bản ngoài nước, tất cả
với ông cũng là một kỷ niệm xuất phát từ tấm lòng vời vợi tình yêu đôi lứa, ướt
đẫm tình tự quê hương và thao thức thân phận con người, để rồi về bên kia thế
giới muôn đời ông vẫn “thiếu đôi” chỉ vì:
ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi gửi trong người những hạt sương
xót nhau mai mốt về đâu đó
đều thấy hồn tôi trên cỏ hoang
(Bài Nhân Gian Thứ Ba)
Và muôn đời, ở bên kia thế giới ông vẫn nhớ “tháng tư”:
Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi
Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôi. Mưa…đã …mưa
Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?
Nhà thơ Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, Bắc Việt. Mất ngày 7/10/2019 tại
Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ.
Phan Ni Tấn
oOo
Mời đọc thêm:
Phan Ni Tấn và, chuyến tàu thi ca / âm nhạc việt nam, không nhiều ga
dừng
Du Tử Lê
Tôi nghĩ, thời gian đã cho thấy, Phan Ni Tấn không chỉ có một tấm lòng ăn ở
thủy chung với thi ca; (mà,) còn cả với âm nhạc.
Những ngôn ngữ chân chất, những rung động đầu nguồn, như những cánh cò,
những ngọn lau trên thổ ngơi Việt Nam, chắt chiu giọt lệ, tâm cảm.
Nhưng, tấm lòng ăn ở một đời với thi ca, âm nhạc, không phải là chiếc vé
nhiệm mầu, để đương nhiên bước lên chuyến tàu văn học – nghệ thuật, nếu thiếu
vắng tài năng!
Tôi biết, nhiều người, cũng một đời ăn ở với thi ca…
Nhưng ăn ở kia, chung thủy nọ, tiếc thay, chỉ đem lại cho họ những hoạt cảnh
bèo nhèo, thất lỡ!
Nói cách khác, đó chỉ là hí lộng, quá tay của định mệnh, khi tài năng đỏng
đảnh, chảnh chọe, quay lưng!
May mắn (hay bất hạnh,) cho họ Phan, tài năng thi ca và, âm nhạc, đã mỉm
cười, với ông.
Tôi muốn gọi đó là trường hợp nhị-trùng-bản-ngã-Phan-Ni-Tấn.
Bởi vì, muốn hay không, cuối cùng, Phan Ni Tấn cũng đã bước lên chuyến tàu
văn học nghệ thuật Việt.
Chuyến tàu liền toa, mang thi ca và, âm nhạc.
Chuyến tàu xuyên Việt không có bao nhiêu ga dừng; cho dù, dọc lộ trình, chập
chùng tiếng người ồn ào, réo, gọi, hoang mang!!!
Từ đây, theo tôi, đã đến lúc, chung ta có thể dùng cụm từ tài-hoa-Phan-Ni-Tấn
– Để chỉ danh tác giả các tuyển tập âm nhạc óng ả thi ca, này.