29 October 2019

TRỞ LẠI VỚI “ĐÊM QUA BẮC VÀM CỐNG” VÀ MẤY BÀI THƠ ĐẦU ĐỜI CỦA TÔ THÙY YÊN - Ngự Thuyết


Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019)

Tôi đã viết khá vội vàng về Đêm Qua Bắc Vàm Cống ngay sau khi nghe tin nhà thơ Tô Thùy Yên không còn nữa. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi đối với Tô Thuỳ Yên rất lớn, không khác gì đối với Thanh Tâm Tuyền. Trong khi đó tôi đã “kể lể dài dòng” nhiều lần về nhà thơ sau. Cho nên tôi cảm thấy có bổn phận trở lại với Tô Thùy Yên, Trở Lại với Đêm Qua Bắc Vàm Cống để nói lên “mối tình thủy chung và kín đáo” của tôi đối với bài thơ ấy, và đồng thời nêu vài ý nghĩ về mấy bài thơ đầu đời nhưng rất quan trọng của Tô Thùy Yên.

Đấy chỉ là bước đầu của tôi đối với những bài thơ đầu tiên của nhà thơ. Tôi mong sẽ có dịp đề cập thêm về sự nghiệp thi ca lớn lao mà Tô Thùy Yên đã để lại cho nền Văn Học Việt Nam. 
***
Thỉnh thoảng tôi hát một mình, không muốn cho ai nghe, vì hát nhảm, hoặc huýt sáo miệng, một vài điệu nhạc bất chợt hiện lên trong đầu khi gặp một cảnh ngộ lạ lạ nào đó. Thường thì điệu nhạc đó là do cảnh ngộ đang xẩy ra trước mắt gợi hứng, thì hát lên cho đỡ ngứa miệng. Nhưng cũng có khi điệu hát và cảnh ngộ chẳng ăn nhập gì với nhau, hoặc còn trái ngược nữa. Mà vẫn cứ hát. Một cách vô thức. Một cách khật khùng. Chẳng hạn trưa hè nắng gắt, lại hát, Mùa Đông đang đến trong thành phố/Buổi chiều ngủ vùi …Hay mưa phùn gió bấc “nước lạnh như đồng, khổ lắm chồng tôi”, lại nghêu ngao, Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song.
Nhưng đối với thơ, khác. Có “quy củ, nề nếp” hơn. Có lẽ vì tôi thiên vị thơ, thích thơ hơn ca khúc chăng. Trên đường vượt biên, câu thơ Nguyễn Du luẩn quẩn trong đầu, rồi biến thành tiếng thì thầm trên cửa miệng:

Lối mòn cỏ nhạt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau

Hoặc mùa hè đang đến:

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông

Cuối thu thì:

Nàng thì dặm khách xa xăm
Bạc phau cầu giá đen dầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người

Hoặc bốn mùa trong năm vùn vụt bay như bóng câu qua cửa, tôi lại lẩm bẩm:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Những câu thơ đó, và nhiều câu thơ khác nữa của Nguyễn Du lui tới với tôi không biết bao nhiêu lần trong đời. Tất nhiên không phải chỉ có thơ của nhà thi hào đó mà thôi. Còn nhiều nhà thơ khác nữa, từ Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích), Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, qua những nhà Thơ Mới thời tiền chiến, và cuối cùng là những nhà thơ đồng thời với tôi như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Dưới đây tôi chỉ xin ghi lại năm ba câu thơ tiêu biểu của Tô Thùy Yên đã cùng đồng hành với tôi trên nhiều chặng đường dài.
Thời còn chân ướt chân ráo vào Đại Học, lại phải kiếm sống, xin dạy tại các trường Trung Học tư ở Sài Gòn không ai nhận, thì mò xuống Lục Tỉnh “đáo nhậm”. Bạn bè lớn tuổi hơn đáo nhậm những đơn vị nhà binh, mình thì đáo nhậm những ngôi trường xa xôi. Vâng, có khi dạy hơn một trường tại Miền Tây. Những buổi chiều quê thường im lặng, và buồn. Nhìn cánh đồng mênh mông dưới nắng hanh vàng, nghĩ đến đàn cò đói bay mệt mỏi trên đám ruộng nghèo nàn nơi quê cũ:

Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
(Qua Sông)

Những lúc chán nản, vẫn hay xẩy ra vào tuổi mới vào đời, thấy mọi thứ đều vô nghĩa:

Ví dù ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng
(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)

Đọc sách loạn óc, loạn tâm, rồi nhìn vào cuộc sống chán chường, thấy nó thừa thãi, phi lý:

Ta bằng lòng phận que diêm tắt
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông
(Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch)

Và những nôn nao lên đường mong thoát ly hiện tại ù lì:

Hỡi ôi gió nổi lên cùng khắp
Giục gã du hành rảo bước thôi
(Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai)

Vân vân.
Nhưng ám ảnh đeo đẳng không rời vẫn là Đêm Qua Bắc Vàm Cống. Bài thơ, đối với tôi, mang những ý nghĩa khác nhau trải qua những quãng thời gian khác nhau trong đời. Hồi đó, còn trẻ, hay buồn, bài thơ đó nghe càng buồn mênh mang, khác hẳn cái buồn của những bài thơ cũ mà tôi được biết. Đối với tôi, dường như không có bài thơ Tiền Chiến nào có thể gây nên nỗi tịch liêu và hoang mang như thế. Bởi vậy, mấy câu trong Đêm Qua Bắc Vàm Cống tôi thường thì thầm nơi cửa miệng đã đành, nó còn đi vào một trong những truyện ngắn đầu tay của tôi viết cách đây hơn 20 năm. Tự trích dẫn những câu mình đã viết trước đây, đó là việc làm vụng về, lố bịch. Nhưng để cho câu chuyện có mạch lạc và sáng tỏ, tôi đánh bạo làm việc đó.
Trong truyện ngắn Khăn Vắt Lên Vai (Tập truyện Sóng Trôi, Thanh Văn, California, xuất bản năm 1996), có đoạn mô tả hai nhân vật lơ láo, ngơ ngác, lạc lõng:
Em, em, lần sau đi phép anh sẽ đưa em đi chỗ khác vui hơn. Đi Long Xuyên, qua bắc Vàm Cống, nghe em. Long Xuyên đẹp lắm. Rồi mình tuốt lên Châu Đốc có thằng em họ của anh đóng quân trên đó. Em đừng lộn Vàm Cống với Vàm Láng:

Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước dâng”

Anh nói lung tung, vong mạng, chẳng đâu vào đâu, miễn sao làm cho em hết buồn là anh đỡ bối rối.
Và mới năm ngoái đây, trong tập truyện Về Đâu của tôi do Diễn Đàn Thế Kỷ California xuất bản năm 2018, Đêm Qua Bắc Vàm Cống lại xuất hiện. Xin dẫn một đoạn trong Tình Yêu Mùa Đông nhắc đến Vàm Cống thời chiến trước 1975:
Nhưng không phải cái bắc nào cũng vui. Không vui thì buồn. Bắc Vàm Cống chẳng hạn. Quán hàng lỏng chỏng xác xơ, hành khách lác đác lặng câm. Sông không rộng, nước phù sa đục chảy nhanh, phà ít khách, ban đêm càng vắng. Nhớ tuổi trẻ hoang mang, nhớ mấy câu thơ của một thi sỹ có tiếng. Vâng. Tô Thuỳ Yên hồi đó cũng còn ‘tuổi xanh’:

Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước dâng
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh

***
Khi được tin Tô Thuỳ Yên qua đời, tôi vô cùng xúc động. Thơ Tô Thuỳ Yên, bài hay rất nhiều, lại trở về với tôi, trong đó Đêm Qua Bắc Vàm Cống vẫn nổi bật. Không phải đấy là bài thơ hay nhất, có vài đoạn tôi không thích, nhưng nó đã biến thành kỷ niệm, biến thành quá khứ, biến thành một phần của đời tôi. Còn đối với sự nghiệp thi ca lừng lẫy của nhà thơ, theo tôi, Đêm Qua Bắc Vàm Cống đóng một vài trò rất quan trọng:
Những bài thơ về sau của Tô Thùy Yên, cũng thế, không ít thì nhiều mang dáng dấp khó phai mờ của một trong những bài thơ đầu đời, Đêm Qua Bắc Vàm Cống. Nói cách khác, Đêm Qua Bắc Vàm Cống là khúc dạo đầu cho bản trường ca thiên thu của Tô Thuỳ Yên. (Xin xem chú thích 1)
Thật ra Đêm Qua Bắc Vàm Cống gồm 5 đoản khúc, tôi chỉ trích dẫn và đưa ra vài nhận định liên quan đến 3 đoản khúc 1, 4 và 5, là vì đoản khúc thứ 2 và thứ 3 vừa hơi non kém, vừa không có quan hệ chặt chẽ với toàn bài.
Tô Thuỳ Yên là thi sĩ hàng đầu của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Ông đã nổi tiếng ngay khi vừa xuất hiện trên thi đàn Việt Nam vào khoảng thập niên 1950 lúc ông chưa tới tuổi hai mươi. 5 bài thơ đầu đời của ông được đăng lại trong tập thơ “Tô Thuỳ Yên thơ tuyển” (tác giả xuất bản năm 1995, Saint Paul, Minnesota) theo thứ tự: Thi Sĩ (1960), Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu (1956), Đêm Qua Bắc Vàm Cống, Hải Phận, Tội Nghiệp (cũng có tên là Tình Yêu, 1958). Trong 5 bài thơ nói trên, ngoại trừ bài Thi Sĩ hình như chưa thấy ai đề cập đến, 4 bài còn lại rất được người đọc và giới phê bình ngưỡng mộ. Dưới đây tôi xin lần lượt đề cập đến 4 bài thơ đó.
Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu.

Bài thơ này đã được nhiều nhà phê bình văn học phân tích, nhận định, và ca ngợi, trong đó có những bài viết rất giá trị của Nguyễn Hưng Quốc, Đặng Tiến. Một bài thơ hay thường được tiếp cận dưới những góc độ khác nhau. Để có một cái nhìn mới, xin mạn phép trích dẫn một đoạn phê bình của cô giáo trẻ dạy học ở Hải Phòng, Việt Nam, cô Thảo Dân, về bài thơ nói trên:

Thơ Tô Thùy Yên thể hiện một sự trái ngược khá lạ lùng. Ông là một trong 5 thành viên của nhóm Sáng Tạo (mà duy nhất ông là người Nam), một nhóm thơ mong muốn thổi vào thi ca Saigon khi đó một sự cách tân cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng trong những sáng tác của ông, ta thấy ông lại dùng tấm áo gấm cổ điển để gói bọc nội dung siêu hình, giàu tính triết học, vô cùng hiện đại. Bài thơ Cánh đồng con ngựa chuyến tàu viết năm 1956 khá tân kỳ. Đặt vào hoàn cảnh quốc gia Việt Nam Cộng Hòa khi đó, nó mang tính thời sự rất cao nhưng vẫn không bớt chất lãng mạn, bay bổng. Bài thơ mở ra bức tranh động với hình ảnh cánh đồng một màu xanh cây cỏ nhưng không bằng phẳng êm xuôi mà có “gò nổng cao” và “thung lũng sâu”, như ẩn dụ về đường đời đầy thử thách. Trên nền màu xanh của cỏ cây, chú ngựa nâu đang rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu, còn đoàn tàu vẫn vô tri vô giác chạy mau, chạy mau, chạy mau để rồi rốt cuộc ngựa thua. Gục đầu, gục đầu, gục đầu ngã lăn và để lại trên tấm thảm xanh trải dài hút mắt một vết nâu. Dường như, trong hai hình ảnh sóng đôi con ngựa và toa tàu không chỉ là cuộc phân tranh giữa “thảo mộc phương Đông và Tây phương cơ giới” như nhà phê bình Đặng Tiến nhận xét, mà dường như, ý thơ còn muốn mở ra điều sâu kín hơn: Con tàu văn minh rất hiện đại nhưng không có hồn vía, không có sự sống, không có cảm xúc và vẫn chịu sự điều khiển của con người. Con ngựa (phải chăng là ẩn dụ về con người?), tuy phải trải qua những cung đường gập ghềnh, thử thách, nhưng luôn được sống trong những giây phút thăng hoa, có thể thắng thua trên đường đời nhưng luôn được làm chủ cảm xúc, luôn được là mình. Bài thơ là khúc hoan ca về cái tôi kiêu hãnh. Hoặc nữa, nó còn là một lời dự báo, một âu lo ngấm ngầm trong tiềm thức: Một ngày nào đó, nền văn minh công nghiệp sẽ tàn phá tất cả, bỏ lại loài người bị tước bỏ môi trường sống, không còn được thung dung như chú ngựa nâu an nhiên thuộc về cội nguồn thiên nhiên cây cỏ đồng hoang?

Đêm Qua Bắc Vàm Cống.
Bài này đã đăng trên các trang mạng Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, và Sáng Tạo, vào thượng tuần tháng 6, 2019 (xin xem chú thích 1, và những chi tiết có liên quan rải rác trong bài “Trở Lại với …” này).
Còn lại hai bài thơ về tình yêu, đó là Tội NghiệpHải Phận.
Tội Nghiệp (hay Tình Yêu.)
Trong tác phẩm Tìm Thơ Trong Tiếng Nói, Thanh Văn, California xuất bản năm 1992, Đỗ Qúy Toàn bình luận bài thơ như sau. Xin trích dẫn vài đoạn:
… Nhưng bài thơ 7 đoạn của Xuân Diệu không làm cho tôi hứng thú bằng bài thơ về tình yêu của Tô Thuỳ Yên chỉ có 4 câu:

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương gió bão
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru

Bài thơ bốn câu nói rất ít nhưng đưa ta tới những tình tứ giàu có hơn nhiều.

Hình ảnh ngựa chạy hiện lên, vì ngựa chứng, và chân người chạy vào mộng mị nối với nhau. Ngựa chứng là ngựa chưa thuần hóa, ở trạng thái hoang dã. Tình yêu có hoang dã như vậy chăng? Ngựa chạy làm nổi hình ảnh bờm ngựa bay, và lại có hàng thùy dương gió bão. Ngựa trên mặt đất (bãi) và gió bão ở không gian (hư vô), và mặt trăng, sóng biển, tất cả đều trong mộng mị. Hai đứa kéo nhau, và bầy ngựa chứng, và gió bão, tình yêu có hình ảnh một chuyển động đam mê mãnh liệt. Vào mộng mị, và biển đưa trăng, và trăng lăn vào đá, tình yêu cũng là một cảm xúc miên viễn êm dịu. Tiếng ru làm dịu gió bão ở hàng thùy dương. Trăng lăn vào đá vỡ tan, hay bay lên thinh không, tiếng ru vọng lại, hình ảnh bãi hư vô lại hiện lên.
Bài thơ gợi lên rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi bao giờ cũng gợi lên các hình ảnh, liên tưởng, phong phú hơn là các câu trả lời. Ba mươi hai chữ, bao nhiêu ý tứ dạt dào. Vì thi sĩ đã đẩy chúng ta vào một thế giới ngôn ngữ mới. Tiếng nói khích động chúng ta vì đã cởi bỏ các luật tắc chật hẹp của cách nhìn và lối nói năng máy móc.

Hải Phận.
Đây là một một tuyệt tác. Xin ghi lại toàn bài:
Hải Phận

Như một con sò giữa chiếc vỏ,
Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu.
Như đôi dã tràng không biết mỏi,
Chúng ta khởi sự lại mối sầu.


Từng chút vỗ về, từng chút một,
Em tạt vào anh rồi rút đi…
Thương tích chẳng lành chan muối xót,
Bào sâu thân đá, nước tay ghì.


Anh sống làm quen cùng cái chết,
Liếm lấy mặn mà trên đau thương,
Chìm mãi xuống em và mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang.


Vị thần mun hải đăng trơ trọi
Trừng mỏi con mắt ngó không gian.
Em trở về em chờ biến đổi,
Trở về em như chim chỉ nam.

Trong Tội Nghiệp, một loại tình yêu hoang dại đầy mộng mị và nhuốm màu sắc hư vô, nhưng cũng không kém phần “êm dịu”, chữ của Đỗ Qúy Toàn. Cái “êm dịu” đó được gói trọn trong câu cuối rất hàm súc, đầy hình ảnh, và liên tưởng:
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru
Tình yêu trong Hải Phận hoàn toàn khác. Nó không có chút gì gọi là êm dịu, ngọt ngào. Nó khốn đốn, ngang trái, đau thương, sầu khổ, nhầy nhụa, ướt át, lén lút, giấu diếm, và cứ thế lặp đi lặp lại. Loại văn học “chấn thương” của Miền Nam dường như đã khởi sự từ những bài thơ đầu đời của Tô Thùy Yên, của Thanh Tâm Tuyền. Càng về sau thương tích, của nhiều nhà thơ Miền Nam, càng trầm trọng theo nhịp độ chìm nổi, khốn đốn, của quê hương đất nước. Cũng như Tội Nghiệp, thấp thoáng trong Hải Phận là những khắc khoải siêu hình, những ám ảnh của hư vô, của cái chết.
Suốt đời làm thơ, Tô Thùy Yên rất hiếm khi nói đến tình yêu nam nữ. Thế mà lạ thay, hai trong năm bài thơ đầu tiên của ông đều lấy tình yêu làm đề tài, và đều mang đầy hình ảnh của biển. Đặc biệt trong bài Hải Phận, biển và những gì gần gũi với biển tràn ngập cả bài thơ.
Tình yêu kín bưng, trốn tránh, như con sò trong vỏ sò:

Như một con sò giữa chiếc vỏ
Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu

Thế nhưng không dứt bỏ được, nó tái diễn hoài trong sầu khổ chẳng khác gì, Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Nó tràn đến rồi rút đi để lại vết thương xót xa. Anh là đá, tay em là nước ôm ghì, bào sâu. Nước chảy đá mòn mà:

Thương tích chẳng lành chan muối xót
Bào sâu thân đá, nước tay ghì

Anh sống như chết. Anh là con thú bị đạn liếm láp thương tích. Rồi sẽ bị xóa nhòa như mặt trời rã trong nước loang:

Chìm mãi xuống em rồi mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang

Nhưng anh vẫn trừng mỏi con mắt tìm em, đưa những tín hiệu cho em biết mà trở về với anh cho an toàn. Và em sẽ trở về với anh, chờ những đổi hay. Tại sao? Đổi thay để khỏi lén lút, vụng trộm, đau thương. Đấy là những gì được bộc bạch trong 4 câu thơ cuối cùng:

Vị thần mun hải đăng trơ trọi
Trừng mỏi con mắt ngó không gian.
Em trở về em chờ biến đổi,
Trở về em như kim chỉ nam.

Tóm lại Hải Phận biểu lộ tình yêu ngang trái, vụng trộm. Nhân vật nam hẳn đã “có nơi có chốn”, cho nên nhân vật nữ, “Em tạt vào anh rồi rút đi”. Rồi “trở về em chờ biến đổi”.
Thơ Tình với rất nhiều không gian của Tô Thùy Yên khiến ta liên tưởng đến Huy Cận thời Tiền Chiến. Trong thơ Huy Cận không gian cũng choáng ngợp. Chẳng hạn trong những bài thơ nổi tiếng như Tràng Giang, Đẹp Xưa, Thu Rừng, Buồn Đêm Mưa, Trông Lên, Đi Giữa Đường Thơm, Em Về Nhà, vân vân. Ngay trong thơ tình của Huy Cận, không gian vẫn lồng lộng.
Đôi lứa tình tự trong căn phòng:

Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
Lá nhỏ nừng vui phất cửa ngoài
(Áo Trắng)

Khi say đắm, trí tưởng tượng dâng lên:

Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non
(Áo Trắng)


Đấy là tình yêu đằm thắm, thơ mộng, trộn lẫn chút say sưa nhục dục, Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Với Ngậm Ngùi, một bài thơ nổi tiếng khác được Phạm Duy phổ nhạc rất đạt, không gian rộng lớn hơn. Và ngậm ngùi hơn. Yêu nhau trong vườn hoang lúc nửa chiều:


Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu

Trinh nữ là loại cây mắc cỡ hễ bị cái gì chạm vào thì hai cánh xếp lại. Khi chiều tối xuống, đôi cánh cũng xếp. Nhưng trinh nữ trong bài cũng có thể là người đẹp. Yêu nhau buổi chiều trong vườn hoang, bỗng cảm thấy mất mát, cả hai cùng mất mát, có lẽ người nữ cảm thấy mất mát hơn. Anh ngậm ngùi bảo em ngủ, có anh hầu quạt:

Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây

Và có tiếng thùy dương thay tiếng ru, em ngủ yên giấc nhé:

Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ

Tay anh em gối lên cho anh ngậm ngùi nghe sầu rụng:

Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

Áo Trắng thì khỏi nói, vì đấy là thứ tình yêu nồng nàn, êm ái, rối rít, vồ vập của tuổi trẻ. Nó không vương vấn một chút lo âu, sầu muộn. Ngậm Ngùi thì đã nhuốm buồn đau, tiếc nuối, và cũng rất nhiều thơ mộng và lãng mạn. Tình yêu xẩy ra trong một căn phòng nhỏ (Áo Trắng) là chuyện bình thường; xẩy ra trong vườn hoang (Ngậm Ngùi) là chuyện khá bất thường; xẩy ra giữa trời cao biển rộng (Hải Phận) là chuyện lạ. Dường như Tô Thùy Yên mang ám ảnh biển cả khi nói đến tình yêu. Lấy biển cả làm bối cảnh, làm ẩn dụ thì tình yêu ấy quả là sâu thẳm, và nỗi đau cũng lớn lao, mênh mang. Hơn nữa, trong Ngậm Ngùi nỗi đau chủ yếu là từ người nữ; anh chỉ đưa tay cho em gối lên cho anh lắng nghe cái buồn lan tỏa từ em, cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi. Trong Hải phận, cái buồn, cái đau lớn lao quá, như trời như biển, trong đó người nam mới là nạn nhân rã rời cả hồn lẫn xác, chìm mãi xuống em … rồi, như mặt trời rã trong nước loang.
Tuy nhiên, nghĩ lại, cái to lớn không hẳn có ưu thế hay giá trị hơn cái nhỏ bé. Và ngược lại. Hơn nữa, ai cấm thi sỹ thả hồn bay bổng tưởng tượng. Hoặc giả như một danh tướng ngồi trong màn trướng mà quyết thắng ngoài sa trường. Hoặc giả như người nhìn giọt nước đọng trong vỏ sò nằm trên bãi cát mà thấy cả đại dương. Vâng, hải phận chỉ là sản phẩm của tưởng tượng mà thôi, biết đâu.
Một điểm nổi bật khác, cách diễn tả trong Hải Phận thật mới mẻ, chữ dùng sắc cạnh, mạnh bạo, cảm xúc gắt gỏng, dồn dập, bão táp. Bài thơ có sức lôi cuốn ào ạt đến nỗi nếu sơ ý ta tưởng đây là một bài thơ tự do không vần tuôn ra như thác đổ. Thật ra, vần cách câu khá chặt chẽ.
Nhưng tại sao nhan đề của bài thơ là Hải Phận? Hải phận, hay lãnh hải, là vùng biển nằm ven một nước và thuộc chủ quyền của nước ấy. Tàu bè nước khác có thể tự do đi lại ngoài đại dương, nhưng nếu tự tiện tiến vào hải phận của một nước là trái phép, là bị đánh đuổi. Cũng thế, anh, không ít thì nhiều như chim vào lồng như cá cắn câu trong ca dao. Em đến với anh như vào hải phận, Em tạt vào anh rồi rút đi.
Như đã trình bày bên trên, 4 bài thơ tuyệt tác đó là những bài thơ đầu đời của nhà thơ. Điều này chứng tỏ rằng ngay từ lúc mới chập chững bước vào làng thơ, Tô Thùy Yên đã xác lập vị trí của mình, và từ đấy tiếp tục xây dựng một sự nghiệp thi ca lừng lẫy.

Ngự Thuyết
9/2019

CHÚ THÍCH
(1) Đêm Qua Bắc Vàm Cống. Ngự Thuyết. Sáng Tạo, 10/6/2019.
Đêm Qua Bắc Vàm Cống
Đêm qua bắc Vàm Cống,
Mối sầu như nước sông,
Chảy hoài mà chẳng cạn,
Cuốn phăng khiếp bềnh bồng.

Tôi đi xuống Lục Tỉnh
Để rắc bỏ ven đường
Tài, tâm hồn, kỷ niệm …
Giữ làm gì đau thương.

Đã đôi lần nhầm lẫn,
Còn gõ cửa ái tình,
Van vài chút lưu luyến.
Của không về người xin.

Tôi châm điếu thuốc nữa,
Đốt tàn thêm tháng năm.
Chiếc bắc xa dần bến.
Đời xa dần tuổi xanh.

Nước tách nguồn về biển.
Sầu lại chảy về hồn.
Khi tôi vuốt lấy mặt,
Nghe bàn tay trống trơn.

Cũng xin lưu ý trong bản cũ, chữ cuối câu 2 là “dâng”, và 2 chữ cuối câu cuối cùng là “ướt mem”.
Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu
Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu. rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nỗng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.