30 November 2019

BÀ CÂM - Nguyễn Thùy Dương


Bà Câm là con một của hai vợ chồng nông dân nghèo. Từ nhỏ bà đã không nói được, chỉ ú ớ trong họng. Hai vợ chồng ông bà cũng không sanh thêm được con nữa. Khi bà câm còn nhỏ, mẹ bà chẳng may qua đời sớm. Bà Câm ở với cha.


Câm cứ vậy lớn lên như mớ cỏ ống trên đồng. Cô làm được đủ việc từ xúc cá, hái rau, nấu nướng đan lát. Năm cô Câm tới tuổi chập chững, cô không có chồng, cô có bầu rồi sanh con. Đứa con đó là con của cô và cha mình. Tôi nghe người già kể lại, đứa nhỏ đẻ ra dặt dẹo, nuôi được mấy tháng thì nó chết. Cô Câm ôm con không chịu chôn, cô rú lên từng cơn, nước mắt dàn dụa. Cô cứ vậy xiết chặt đứa con trong lòng, không cho ai ẵm đi. Cứ một lát cô giở áo cho con bú, đứa nhỏ không bú, nước mắt cô Câm chảy xuống. Qua ngày sau, cô chịu cho người ta đem đứa nhỏ đi chôn ở ngoài đồng. Cô về héo hắt như ngọn cỏ tranh bị bị cắt khỏi đất.
Cô Câm đổi tính, người cha của cô không tới gần cô được. Cô hung dữ với mọi người, cô gào thét mỗi khi nhớ con. Một thời gian sau, cô lại bị đám trai làng xâm hại. Lần này, cô Câm lại mang thai. Cô mang cái bụng chửa đi xúc, đi tát, đi bắt cá. Hàng xóm không ai ghét cô Câm vì cái bụng của cô. Họ ghét cô vì cái tính cọc cằn hung dữ. Mấy bữa đi xúc cá lạnh quá, cô bắt chước người ta đốt thuốc rê hút. Gần sanh con, cô Câm đi xin báo cũ về để dành, tiền bán mớ cá, bó rau cô để dành mua đồ cho con. Cô chuyển qua ở hẳn với người anh họ và chị dâu. Mùa mưa năm đó, cô Câm sanh được thằng cu con nhỏ xíu, ốm nhách. Cô Câm chăm con không rời, thằng Cu lớn lên nhỏ thó được cái nó thương mẹ lắm. Cái cô Câm vui nhất có lẽ là nó không câm như cô.

Cô Câm trồng nhiều bông quanh nhà, cho thằng Cu coi đặng đỡ buồn. Cả xóm nghèo, nhà cô Câm chiều tờ mờ phải đốt đèn dầu mới thấy đường đi vì căn nhà tối như mực. Chiều nào có phim hoạt hoạ (hoạt hình) là cô Câm cầm đèn dẫn con qua nhà lối xóm canh coi phim. Con coi, mẹ ngồi ngoài chờ, buồn thì vấn một điếu thuốc. Con coi xong, mẹ đốt đèn dẫn về. Cô Câm thương con lạ lắm, cô không cho ai đánh con cô dù là đánh răn dạy, có gì thì về báo cô. Một lần, Cu nghịch phá trong nhà, anh họ cô cột cháu lại lấy roi đánh. Cô Câm về thấy con bị đánh, cô cởi đồ con ra rờ rẫm từng vết roi, cô chảy nước mắt. Cô chặt cây roi khác, bắt đứa cháu họ vào vụt mấy cây. Ông anh họ hết hồn, ra dấu hỏi cô Câm sao đánh con mình. Cô làm dấu lại: “tui đánh con anh, anh đau. Sao anh đánh thằng Cu. Ngoài tui ra không ai được đánh nó. Ra dấu vậy chứ có khi nào cô đánh thằng Cu đâu, con sai gì thì kêu vô, ra dấu ú ớ.
Thằng Cu đã xấu hình mà học cũng dốt, nó nghỉ học đi làm đồng. Nó thương mẹ làm ăn chăm chỉ, bà Câm cũng ra đồng phụ con. Một phần tuổi thơ tôi là ác cảm về bà Câm, về bầy chó dữ bà nuôi, là hàng bông mỗi ngày đều nở rộ, là tiếng ú ớ của bà kêu anh Cu hiền lành thật thà, là bà già ốm nhách, đen thui hay hút thuốc. Bì lại có món chè bột nếp nấu với nước đường gừng cực thơm cực ngon, là mớ kẹo ú trên chái bếp của bà Câm…
Anh Cu lớn lên yêu một chị gái khá xinh xắn. Hai người đều tâm đầu ý hợp, bà Câm vui lắm. Mỗi lần, cô gái tới chơi là bà cười hết cỡ, bà chắt mót, bà hi vọng nhiều. Nhưng rồi nhà gái chê mẹ con bà neo đơn, nghèo khó. Họ gả con gái cho nhà khác. Ngày cô gái đi lấy chồng, anh Cu buồn trốn trong buồng, tụi con nít tụi tui qua rủ anh ra tạt lon, anh không ra. Bà Câm ngồi trước nhà hút thuốc, mắt vô hồn. Một lát sau, bà ú ớ kêu anh Cu ra sân ngồi với bà. Bà vấn một điếu thuốc đưa con rồi vỗ vai anh Cu. Tụi tui cũng ngồi xuống bên cạnh nhìn bà. Bà Câm vỗ vai, vỗ đầu con trai, bà ôm đứa con vào lòng, bà cười với con, ra dấu cho con cười lên. Lạ là khi anh Cu cười thì nước mắt bà Câm chảy ra, anh Cu đang cố cười thấy mẹ chảy nước mắt, anh cũng chảy nước mắt. Bà Câm ôm con khóc lớn, tiếng ú ớ vô nghĩa vọng vào bóng đêm lờ mờ đang dần xuống.
Cuối tháng giêng năm đó, bà Câm dọn nhà. Bà không ở nhờ nữa. Bà dọn về đất cũ, ba bà đã chết lâu năm. Bà không lập bàn thờ người cha đó. Bà về đất cũ làm ruộng, nuôi heo, nuôi cá. Mấy năm sau, anh Cu cũng gặp được người ưng ý, anh cưới vợ sanh con. Bà Câm cưng con dâu dữ thần, bà chăm sóc, phụ việc nhà, giữ cháu cho con. Từ ngày có cháu nội, bà Câm dễ tính hẳn ra, bà lúc nào cũng cười vui vẻ. Bà thương cháu, cháu mến bà.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang vài năm sau Bà Câm đổ bệnh. Bà nằm bệnh vài tuần rồi mất. Trước khi mất bà nắm tay con dâu, cảm ơn vì đã chịu lấy con bà. Nàng dâu khóc, chị hối hận vì nhiều khi chê bà Câm, bà dơ, bà khó hiểu. Chị hối hận vì khi giận chồng chị bỏ nhà đi đem theo hai đứa con cho mẹ chồng khóc chết luôn. Chị ngẫm lại đời này có mấy mẹ chồng nào được như bà Câm, giờ đó chị mới biết bà coi chị như người ơn. Vậy mà chị lại coi bà như cục nợ. Bà rờ mặt con trai, hai đứa cháu, tay còn lại nắm chặt tay con dâu, nước mắt bà chảy ra. Hơi thở cuối cùng thở ra rồi tắt lịm.
Dòng người đưa tiễn bà Câm không hề ít. Lúc đó, tôi chẳng hiểu người đàn bà Câm đó để lại cho đời điều gì mà người ta thương tiếc đến thế. Bây giờ nghĩ lại tôi mới lờ mờ nhận ra bài học từ bà, từ tình mẫu tử của bà với anh Cu, từ sự chịu đựng rồi quyết vươn lên từ con người cơ cực lương thiện đến cùng.

Nguyễn Thùy Dương