02 November 2019

BÁN CHỮ - Song Thao


Quảng cáo của trang “Luận Văn Việt”.


Năm học Đệ Nhất ban Triết tại Chu văn An Sài Gòn, tôi được học môn văn chương Pháp với thầy Nguyễn văn L.. Ông thầy trẻ này chịu chơi hết biết. Tóc bồng bềnh, miệng lúc nào cũng cài điếu thuốc (thuốc đen nhưng phải quệt dầu cù là suốt chiều dài điếu thuốc), lái xe hơi thể thao chạy bụi tung mù mịt, nói tiếng Pháp như tây Paris. Ai cũng tưởng thầy du học bên Pháp về nhưng “du học mẹ gì!”. Thầy được một ông tây chính cống nuôi từ bé nên tiếng tây rổn rảng. Vào lớp, nháy mắt cười một cái, tay không chẳng sách vở chi, rút bao thuốc lá, móc chai dầu nhị thiên đường, xổ tiếng Pháp như điên. Chúng tôi chỉ biết há mồm nghe. Giờ dạy của thầy thiệt vui. Vui nhất là thầy hay nghỉ ngang xương. Cứ thấy bóng ông giám thị bước vào loan báo thầy không tới là lòng chúng tôi như mở hội, được về bát phố sớm. Nhưng thầy rất có lương tâm, bao giờ cũng dậy bù cho đủ giờ. Thường thì thầy dậy bù vào chiều thứ bảy, trường nghỉ, chỉ có lớp thầy dạy. Những giờ học bù này lớp vẫn đông đủ. Phần vì anh nào cũng khoái giờ của thầy, phần vì trường chẳng có ai, nên thầy trò muốn tự tung tự tác chi cũng được. Thầy mua la-ve cho cả lớp vừa học vừa nhấm nháp. Thầy một chai, trò mỗi bàn một chai, văn chương Pháp càng dậy mùi. Giọng tiếng Pháp của thầy hớp hồn chúng tôi ngơ ngẩn. Giảng xong, thầy cười cười xổ tiếng tây tiếp: “Văn chương để làm chi? Chẳng làm chi cả. Chỉ để cho tui tán dóc, bán chữ kiếm tiền mua la-ve thuốc lá!”.
Dân gian không gọi nghề dậy học là nghề bán chữ mà là nghề “bán cháo phổi”. Đó là một nghề cao quý, giáo dục con người, mà cài chuyện bán buôn vô thiệt không xứng đáng. Ông thầy dậy văn chương Pháp của tôi chỉ nói cho vui. Chuyện bán cháo phổi cũng chỉ là chuyện cám cảnh của những người trong nghề. Chữ nghĩa là thứ không để đem ra bán. Nhưng sống nhờ chữ nghĩa như cụ Dương văn Ngộ thì có thể gọi là bán được không? Nếu người có chữ nghĩa mang chữ ra làm một thứ trao đổi để nhận tiền công, và người thiếu chữ nghĩa bỏ tiền ra để lấy chữ về làm lợi cho mình, thì có lẽ có chuyện bán buôn thiệt!


Cụ Dương văn Ngộ trên đường từ nhà ở Thị Nghè tới Bưu Điện Sài Gòn mỗi sáng.

Những ngày trước 1975, tại các bưu điện, nhất là các bưu điện lớn, thường có những người ngồi viết thư mướn cho những người có nhu cầu viết thư mà không biết chữ hoặc không biết ghép chữ thành câu cú chỉnh tề. Cụ Dương văn Ngộ, nay đã 89 tuổi, là một người làm nghề viết thư mướn tại Bưu Điện Sài Gòn. Chắc chúng ta còn nhớ Bưu Điện Sài Gòn có những chiếc bàn dài, to bản, nằm chính giữa để cho dân chúng ngồi viết hay dán tem thư. Tôi nhớ những chiếc bàn này dính bê bết hồ, mỗi lần cần dùng phải đi quanh lựa chỗ sạch sẽ. Cụ Ngộ chiếm một góc bàn phía bên phải làm…đại bản doanh. Cụ bày ra tấm biển nhỏ, vài xấp giấy, mấy cuốn từ điển  và chiếc kính lúp. Nếu theo đúng thời thì cụ phải có thêm chiếc máy đánh chữ như các người viết thư mướn khác thời trước 1975. Và có lẽ ngày nay phải tiến tới chiếc laptop mới đủ hiện đại. Nhưng cụ là người nệ cổ và nặng tình nghĩa nên ngại thay đổi. Cụ cho biết: “Tôi thấy viết tay khỏe hơn nhiều, tôi suy nghĩ đến đâu viết đến đó. Nó còn có thể bôi sửa. Đánh máy chữ nó sạch sẽ nhưng lỡ sai thì phải bỏ hết và viết lại. Vả lại, viết tay nó có hồn hơn nhiều. Giả dụ, lỡ mình đang viết thì mình muốn chữ lớn, chữ nhỏ gì thì theo đó mà viết. Mình có thể sáng tạo tùy hứng theo từng nét chữ của mình. Như vậy giờ có máy tính cũng không thể thay cách viết tay của tôi đâu”.
Cả đời cụ dính với bưu điện. Cụ làm tại bưu điện Thị Nghè từ năm 16 tuổi. Năm 1948 cụ chính thức nhập ngạch công chức bưu điện. Công việc lúc đầu của cụ là lựa thư. Sau đó, sống lâu lên lão làng, cụ lần lượt được chuyển qua các công việc chuyên môn hơn. Năm 1990, cụ về hưu, xin với bưu điện cho cụ ngồi viết thư thuê. Và cụ kiên trì viết cho tới nay, tổng cộng đã 29 năm. Sáng sáng cụ gò lưng trên chiếc xe đạp cũ, đạp từ Thị Nghè tới Bưu Điện Sài Gòn, cạnh nhà thờ Đức Bà, để hành nghề. Khách hàng của cụ có khi nhờ cụ viết thư tiếng Việt, có khi bằng tiếng Anh tiếng Pháp.
Với những thư tiếng Việt, cụ phải chỉnh sửa lời kể, viết sao cho thích hợp và…văn chương. Ngôn ngữ của cụ vẫn là những chữ cũ kỹ từ xưa. Cụ ít dùng những từ mới. Cụ nói: “Những từ mới không nên dùng cho những ông cụ bà cụ, người lớn tuổi. Trừ trường hợp là những người trẻ tôi mới dùng từ mới bây giờ. Gởi cho cha mẹ phải có lời lẽ kính trọng khác, anh em gửi thì tôi viết khác nhau, bạn bè tôi dùng ngôn từ cũng khác nhau nữa.”
Với những bức thư bằng tiếng ngoại quốc, cụ không chỉ viết theo lời khách, cụ còn phải dịch, nắm ý chính rồi diễn tả ra tiếng ngoại quốc. Cuốn tự điển bên cạnh giúp cụ trong những trường hợp…gay go. Khách hàng của cụ có khi là người ngoại quốc nhờ viết thư tiếng Việt cho người thân là người bản xứ. Vậy nên các báo ngoại quốc mới biết tới cụ và chạy nhật trình về cụ. Đầu tiên là một bài báo của Đức viết khoảng 12 năm trước. Cụ rất trân trọng những bài báo này. Cụ cắt ra và để trong chiếc cặp không lúc nào rời bên mình cụ. Chiếc cặp cũng cũ kỹ như cụ. “Chiếc cặp này chắc cũng hai mấy năm rồi. Từ lúc tôi làm việc này tôi không có thay nó. Khi cặp bị rách tự tôi cũng vá nó đó. Tôi đi mua kim, cước về tự làm hết. Chứ hỏng lẽ mỗi cái mỗi đem mướn. Tôi xài đồ quen rồi thay cái khác cũng mắc công”.

Bài báo Đức đề cập tới cụ Ngộ.

Nếu cho là cụ Dương văn Ngộ bán chữ thì cụ chỉ là thứ tép riu, bán cò con. Ngày nay việc bán chữ được tổ chức quy mô hơn nhiều. Ngày chúng ta còn mài đũng quần nơi ghế nhà trường, ngày thi, bí quá, cọp-dê tên bên cạnh bị giám thị tóm được là có cơ bị phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì cấm thi. Nếu leo cao hơn, làm Cao học hay Tiến Sĩ, phải có luận án.  Đây là cái ách chúng ta phải vác nếu muốn làm ông Nghè. Cái ách này ngày nay có người công khai đề nghị vác giùm chúng ta, với điều kiện là chúng ta phải chi. Họ quảng cáo trên internet như một món hàng thông thường. Tôi tò mò thử vào một trong nhiều quảng cáo loại này. Đó là trang AceMyHomeworkWriters. Họ có thể sản xuất một bài essay trong vòng 24 giờ. Không phải theo mẫu sẵn đâu. Khách hàng cho họ biết nhu cầu làm như thế nào, họ sẽ thỏa mãn trong thời gian một ngày một đêm. Chúng ta chỉ nằm khểnh cũng có bài nộp. Họ bảo đảm bài viết thuộc loại xuất sắc, dư sức qua cầu. Họ có cả một giàn người viết thuê, bằng cấp đầy mình, thuộc mọi lãnh vực học thuật, ngành nào cũng cân hết! Họ là ai?
Thường những người viết thuê là những người sinh sống tại một đất nước đang phát triển. Phần lớn họ đã từng du học tại các nước Âu Mỹ có nền giáo dục xịn. Như anh Roynorris Ndiritu, 28 tuổi, ở Kenya. Anh tốt nghiệp kỹ sư công chánh. Về nước, anh kiếm việc không được, được mời viết luận án, anh nhận liền. Tiền anh nhận được rất khá, đủ để anh có thể sắm xe hơi và mua đất. Được hỏi là làm công việc viết thuê này có phải là một hành động lừa gạt không, anh lắc đầu quầy quậy. Lương tâm anh không có chi cắn rứt cả. Tiền là thứ duy nhất anh nhìn thấy.
Anh Roynorris Ndiritu chỉ là một trong vô vàn người bán chữ kiếm tiền trên thế giới này. Chuyện bán chữ loại này, từ chục năm nay, đã thành một kỹ nghệ sầm uất, cạnh tranh nhau sát ván. Địa chỉ AceMyHomeWorkWriters tôi vào coi chỉ là một trong nhiều địa chỉ cung cấp dịch vụ này. Họ bảo đảm là bài viết của họ không phải là “đạo văn”, và đầy đủ tiêu chuẩn do người thuê đưa ra. Họ còn chơi bạo hơn là cam đoan sẽ hoàn lại tiền nếu có vấn đề.
Kỹ nghệ tiện lợi cho các sinh viên này ngày nay đang rộ lên một cách đáng lo ngại khi dịch vụ internet ngày càng thông dụng. Người ta tính ra có hàng triệu bài văn đã được các nhà viết thuê sản xuất. Các nước Kenya, Ấn Độ và Ukraine là nguồn cung cấp các người viết thuê mạnh nhất. Chỉ một cơ sở tại Kenya đã có tới 50 ngàn thành viên.
Người ta thường nói: it takes two to tango, phải có hai người mới nhảy được bài tango. Đặt vấn đề đạo đức cho phía người cung cấp dịch vụ, người ta cũng phải đặt vấn đề cho phía người tiêu thụ. Các sinh viên có thấy thiếu đạo đức khi dùng dịch vụ viết thuê này không? Phần lớn các sinh viên đều không muốn dối trá. Chúng ta sống ở các nước phát triển một thời gian đủ lâu để có thể biết được nền giáo dục ở nơi chúng ta tạm dung. Con em chúng ta được dậy dỗ về đạo đức, về sự lương thiện từ nhỏ. Những đức tính này đã nhập tâm vào đứa trẻ khiến chúng để lương tâm trên bất cứ hành động nào trong cuộc sống. Chúng sẽ không bao giờ có một hành động khuất tất nào. Ngược lại chúng còn tự thấy có nhiệm vụ ngăn cản người khác làm những chuyện không đúng chuẩn mực của xã hội chúng ta đang sống. Chẳng hạn như việc giữ sạch môi trường. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta đều gặp trường hợp bị con em trách cứ khi không gìn giữ môi trường. Rác có thể tái sinh được phải để trong thùng recyclage, bỏ đại vào thùng rác là bị con cái nhăn nhó bất bình.
Đại đa số con cái chúng ta sống đàng hoàng như vậy, chúng sẽ không sa vào những chuyện khuất tất, gian dối. Nhưng dĩ nhiên xã hội nào cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Trong một cuộc nghiên cứu tại Bắc Mỹ vào năm 2005, 7% sinh viên nhận có dùng những bài luận văn do người khác viết. Bà Tricia Bertram Gallant, giám đốc một văn phòng duy trì sự chính trực trong đại học tại Đại Học California ở San Diego, đã phát biểu: “Đây là một vấn đề lớn. Nếu chúng ta không có biện pháp đối phó thì chúng ta sẽ biến các đại học của chúng ta thành các nơi phân phát bằng đại học!”.
Thường thì các tổ chức bán chữ này thuê người viết luận văn sống tại các nước đang phát triển. Tiền công rẻ hơn. Như cô Mary Mbugua ở Kenya chỉ được trả có 4 đô mỗi trang viết. Mỗi tháng cô kiếm được 320 đô. Số tiền này tại Mỹ hoặc Canada chỉ là tiền lẻ nhưng tại Kenya, đây là số tiền lớn, ít khi kiếm được. Dân viết thuê tại Mỹ chẳng ai nhọc công để nhận số tiền mạt hạng như vậy. Giá trung bình của dân viết thuê Mỹ là 30 đô mỗi trang. Nhưng dân viết thuê Mỹ tự hào là luận văn họ bán sẽ “Mỹ” hơn, không bị nghi ngờ là viết thuê như những bài luận văn do dân Kenya chẳng hạn, viết ra với cách hành văn nhiều khi không “Mỹ”.
Tưởng là chuyện bán chữ…Mỹ là chuyện của người ta nhưng trên NguoiViet Online tôi bắt gặp bài “Viết Thuê Luận Văn: Nghề “Kiếm Cơm” của Du Học Sinh Việt Nam” của tác giả Tâm An. Hóa ra chuyện bán chữ chẳng phải là chuyện của người mà còn là chuyện của ta! Tác giả được một sinh viên Việt Nam, anh Tiến Vương, kỹ sư hiện sống tại thành phố St Paul, tiểu bang Minnesota kể lại chuyện bán chữ trong cộng đồng sinh viên Việt Nam. Nhưng hãy nghe chuyện viết thuê bất đắc dĩ của anh trước. Chuyện xảy ra đã được 7 năm, khi anh từ Bình Thuận sang Mỹ du học. “Tôi từng lâm vào cảnh không có đủ tiền trang trải cuộc sống. Học kỳ đầu, tôi phải đi bộ hàng giờ dưới trời tuyết để đi làm chui nhưng tiền kiếm được không đáng là bao. Rất may sau đó, tôi quen được một đồng hương học cùng ngành, cậu ta vốn là con nhà giàu bên Việt Nam. Tôi được cậu ta cho ở nhờ miễn phí, sau này còn được bao luôn cả tiền ăn. Đổi lại, tôi phải làm tất cả bài tập làm ở nhà, các bài tiểu luận cho cậu ta”. Như vậy anh Tiến Vương chỉ đổi chữ chứ không bán chữ. Nhưng anh biết rất rõ về tình trạng bán chữ của giới sinh viên Việt tại ngoại quốc. “Hầu như du sinh nào cũng biết, từ lâu, trên mạng đã xuất hiện dịch vụ thuê mướn người viết essay hay assignment trong cộng đồng các sinh viên đại học. Nhất là từ khi có các mạng xã hội như Facebook, Instagram, tôi thấy nhan nhản các quảng cáo rao vặt về dịch vụ này. Chỉ cần vào trang của các group du sinh trên Facebook hoặc tìm trên Google là có thể thấy ngay”.
Ký giả Tâm An thử vào một nhóm có tên là “Du Học Sinh Mỹ” để tìm hiểu. Từ khóa ông dùng là “nhận viết essay / assignment”. Ông tìm thấy hàng chục rao vặt về dịch vụ học thuê, học mướn này nhưng núp dưới mỹ từ “hỗ trợ / assistant” sinh viên học tập và nghiên cứu.
Tôi cũng vào “thực tế” coi xem chuyện bán chữ này trong giới sinh viên Việt Nam ra sao. Tôi tìm được trang “Luận Văn Việt”. Mấy dòng quảng cáo mào đầu nguyên văn như sau: “Bạn đang cần làm bài Assignment, Essay nhưng không có đủ thời gian để hoàn thành? Bạn đang muốn tìm kiếm một dịch vụ viết Assignment “ngon, bổ” nhưng phải hợp lý? Bạn đang đắn đo giữa vô số những đơn vị cung cấp trên các trang tìm kiếm? Làm sao để tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ viết assignment uy tín, chuyên nghiệp? Trong bài viết này bạn sẽ biết cách nhận biết đơn vị “nhận làm thuê assignment” như thế nào là uy tín, chất lượng để bạn khỏi “tiền mất tật mang”. Nhận viết thuê assignment, essay, thesis. Viết thuê dissertation – làm thuê luận văn bằng tiếng Anh của các chương trình liên kết uy tín, giá rẻ tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ. Với phương châm, chữ tín và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, nhóm chúng tôi nhận hỗ trợ: làm bài tập lớn, viết báo cáo, chuyên đề, viết essay, luận án tốt nghiệp cả đại học và cao học (tiếng Anh và tiếng Việt). “Luận Văn Việt” đã nhận làm assignment, essay xin học bổng với thâm niên khá lâu khi còn là du học sinh. Hiện tại chúng tôi đã có rất nhiều thành viên ưu tú. Vì vậy các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng”.
Trong một ô có tô màu mè hấp dẫn, tiểu sử của nhóm được kể hấp dẫn như sau: “Thành lập từ năm 2005 – với hơn 10 năm kinh nghiệm viết thuê luận văn, nhóm “Luận Văn Việt” là nơi hội tụ của hơn 300 thành viên ưu tú, đã tốt nghiệp đại học, cao học, Thạc Sĩ loại giỏi tại các trường hàng đầu”. Họ liệt kê tên các trường đại học trong nước và thòng thêm “cũng như các trường đại học nước ngoài và các trường liên kết”.
Khi tôi vừa vào đọc mấy dòng quảng cáo này, computer của tôi kêu và nổi lên một ô mang tên “Hỗ Trợ” mời nói chuyện trực tuyến. Như vậy kể ra tính chuyên nghiệp rất khá! Đó là chuyện quảng cáo ở Việt Nam. Các du sinh Việt Nam ở Mỹ, Úc, Anh cũng làm ăn không kém. Chúng ta thử đọc một quảng cáo tại Anh: “Nhóm mình gồm những du học sinh đã tốt nhghiệp các trường đại học hàng đầu ở Anh, có cung cấp dịch vụ hỗ trợ các bạn sinh viên hoàn thiện essay, assignment, thesis (luận văn), dissertastion (luận án) tất cả các chuyên ngành. Với cam kết không đạo văn (plagiarism), vi phạm bản quyền, giao bài đúng hẹn, kết quả như ý, an toàn tuyệt đối”.
Dưới các quảng cáo có ghi phản hồi của các khách hàng. Xin kể ra một vài cái. “Mình đã nhận được điểm của bài assignment rồi, điểm cao lắm ạ. Mình đã sử dụng hai lần bên bạn và cả hai lần đều rất tốt”. Một cái khác: “Bài assignment hôm trước thầy giáo cho em điểm 11/15. May mà anh không làm cao siêu quá chứ không thầy tra khảo lại chết em”.
Tình trạng bán chữ này rất công khai, chẳng cần giấu giếm chi. Có quảng cáo không ngần ngại cho biết cả tên, địa chỉ, điện thoại. Chẳng care gì hết. Bởi vì họ đâu có làm bài thuê, họ chỉ “hỗ trợ” làm bài! Ôi chữ nghĩa!

09/2019
Song Thao