Sài gòn trước 30-4-1975 có một phong trào “Hát cho đồng bào
tôi nghe”. Những nhạc phẩm của phong trào này được viết bởi những nhạc sĩ trẻ
có lòng yêu nước rất ngây ngô, khờ dại.
Trong giảng đường đại học, trong sân trụ sở Tổng hội Sinh
viên ở số 4 Duy Tân Sài Gòn, dọc hành lang cư xá sinh viên Minh Mạng, tiếng hát
của ước mơ “hòa bình thống nhất độc lập tự do” vang lên. Phần lớn không biết
chiếc bánh “hòa bình thống nhất độc lập tự do” sẽ là màu gì hay tròn méo ra
sao.
Bên cạnh các nhạc sĩ có căn bản nhạc lý vững vàng như La Hữu
Vang với “Tổ quốc ơi ta đã nghe” cũng có những người đang tập kẻ những khung nhạc
lần đầu như Trần Long Ẩn với “Người mẹ Bàn Cờ”.
Họ không biết hay chỉ biết một cách mù mờ các hoạt động của
họ nằm trong chủ trương của Thành ủy Sài Gòn Gia Định thuộc đảng Nhân Dân Cách
Mạng, tên gọi cho bộ phận miền Nam của đảng Lao Động Việt Nam tức đảng CSVN.
Hàng trăm trí thức miền Nam, những giáo sư, luật sư, bác sĩ,
kỹ sư từ các trường Tây trường Mỹ về, những bậc thầy, bậc cha chú họ mà còn bị
cộng sản xỏ mũi dễ dàng nói chi là những cô cậu sinh viên trẻ tuổi vừa mới nện
gót giày lên hành lang đại học.
Dù khôn hay dại, ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là ngày đánh
dấu sự chia tay giữa đảng cộng sản và các thành phần mà đảng đã một thời liên
minh, thỏa hiệp và lợi dụng.
Những nhạc phẩm trong phong trào và cả tác giả của chúng
không còn cần thiết nữa. Mối quan hệ giữa hai bên nếu còn được duy trì cũng chỉ
là quan hệ giữa cai trị và phục tùng, giữa chủ và tớ chứ không còn tương kính
dù chỉ là đóng kịch như thời còn ở trong rừng.
Chính vì lẽ đó, ngay sau 30 tháng 4, 1975, để xác định vai
trò lãnh đạo của đảng, những bài hát mới với những câu đầy đe dọa như “Tiến về
Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”, “Đập tan mọi xích xiềng…” the thé vang lên
không chỉ trên đài phát thanh mà còn đến tận các hang cùng ngõ hẻm, trong lúc
những “Người mẹ bàn cờ”, “Dậy mà đi”, “Tổ quốc ơi ta đã nghe” bị loại bỏ ra khỏi
các sinh hoạt văn nghệ.
Sau 30 tháng 4, 1975 đảng đã công khai lộ diện nên không cần
phải che giấu dưới các khẩu hiệu yêu nước chung chung đầy lừa gạt nữa.
Thậm chí, những lời nhạc viết trong phong trào “Hát cho đồng
bào tôi nghe” như “Người người tìm nhau trong bác ái tin yêu đời , chung xây nước
Việt đẹp tươi” trong “Không ai ngăn nổi lời ca” của La Hữu Vang còn được xem là
phản động vì đi ngược với chủ trương và đường lối đảng.
Thái độ và chọn lựa của những khuôn mặt trong trào sinh viên
nói chung, trong đó có giới văn nghệ, bị đảng lợi dụng trước 30-4-1975 ra sao?
Một số thấy ra những chọn lựa đầy lầm lỡ thời trai trẻ của
mình và đã dùng những lầm lỡ như bài học, như chiếc gương cho các thế hệ mai
sau soi vào để qua đó mà nhận diện ra sự thật và chọn hướng đi đúng cho mình.
Những năm theo sau, họ lợi dụng ánh sáng internet, đã dùng ngòi bút, dùng tiếng
nói để phản biện một cách tích cực vào xã hội họ đang sống.
Một số im lặng rút về quê hay chết sớm. La Hữu Vang, tác giả
“Tổ quốc ơi ta đã nghe” đã sống một cuộc sống đạm bạc với chức vụ coi sóc nhà
văn hóa của huyện An Nhơn tỉnh Bình Định cho đến khi qua đời. Trong buổi phỏng
vấn dành cho báo Bình Định cuối tháng 4 năm 2003, anh xác nhận, trước 1975: “Phần
lớn những ca khúc mà chúng tôi viết chỉ nhằm vào việc kêu gọi lòng yêu nước”.
Trương Quốc Khánh, tác giả của “Tự nguyện” cũng qua đời.
Nhưng có một số thấy hướng bay, chiều gió của ngọn cờ quyền
lực, đã tự chôn sống đi con bướm vàng mơ ước tuổi hai mươi dù rất dại khờ để
hóa thân làm sâu bọ, trong đó có Trần Long Ẩn.
Lòng tham danh vọng đã biến lương tri Trần Long Ẩn thành mù
lòa.
Ông ta không biết cái đảng mà ông nịnh bợ đã và đang “tự diễn
biến” như thế nào.
Ông không biết các cấp cai trị CSVN từ trung ương tới tỉnh
huyện sống xa hoa và những người mang hình ảnh trong “bà mẹ Bàn Cờ”, vẫn “tay gầy
tóc bạc phơ” trong nghèo nàn và chịu đựng ra sao.
Mỗi khi có cơ hội, Trần Long Ẩn vẫn tuôn những câu nịnh hót
đảng một cách trơ trẽn đọc lên ai có chút tự trọng đều không khỏi ngỡ
ngàng:“Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền
Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó
xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể
tẩy xóa. ”
Người viết nhờ ông Trần Long Ẩn làm một việc và việc này chắc
hợp ý ông. Ông nên đề nghị ban tư tưởng trung ương đảng cấm tuyệt tất cả nhạc
được viết dưới chế độ VNCH thử xem người dân miền Nam và cả miền Bắc sẽ phản ứng
ra sao.
Không có âm nhạc VNCH và nhạc ảnh hưởng của âm nhạc VNCH,
cái gọi là văn học nghệ thuật CS chỉ còn lại những “Tiếng chày trên sóc bom
bô”, “Tiếng đàn ta lư”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” nghe vô duyên và lạc
lõng.
Nhạc CS chỉ còn được dùng hát nhái cho vui trong tiệc nhậu.
Nhắc chuyện nhạc nhái, chắc ông Trần Long Ẩn còn nhớ nhạc phẩm
được hát nhái nhiều nhất sau 30 tháng 4, 1975 là nhạc phẩm “Tình đất đỏ miền
đông” của chính ông với những câu đầy mỉa mai, nhưng cười ra nước mắt vì nói
lên sự thật: “Tổ trưởng ơi, ăn khoai mì ớn quá, từ giải phóng vô đây ta ăn độn
dài dài, từ giải phóng vô đây, ta ăn độn cầm hơi ..." hay tương tự.
Trần Long Ẩn dành gần suốt cả đời người để phấn đấu đến chức
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ của một thành phố đủ thấy con đường tiến
thân của tác giả “Tình đất đỏ miền đông” thật gian nan đến mức đáng thương và tội
nghiệp.
Bốn mươi bốn năm nhưng con sâu Trần Long Ẩn vẫn tiếp tục đo
mình trên chiếc lá công danh đang rã mục.
Trần
Trung Đạo