26 November 2019

VÔ TẬN XỨ (1) - Việt Dương


Thiên nhai hải giác hữu cùng thì
Duy chỉ tương tư vô tận xứ.
Cổ thi
Chân trời góc bể còn đi tới
Chỉ có tương tư không bến bờ.
Vi Huyền Đắc dịch


1

Nguyên chợt thức giấc và nghe tiếng dương cầm ở phía đầu nhà vọng lại. Chàng kéo chiếc chăn mỏng phủ lên cổ, lắng nghe từng âm thanh nổi dậy trong sự yên tĩnh và hơi se lạnh của buổi tảng sáng. Tiếng đàn trải dài trong khoảng nửa tiếng, rồi ngừng lại một lúc lâu. Chàng tưởng đã hết, nhưng không, tiếng đàn lại nổi dậy... lên cao trong vắt, dồn dập, rồi âm thanh trầm xuống, rời rạc tan dần. Đây mới là bản cuối cùng và lần này thì chàng nhận ra đó là bản Clair de Lune của Debussy.

Thế ra cô con gái bà chủ nhà lại là một tay đàn dương cầm. Nguyên mỉm cười với ý nghĩ là bỗng dưng chàng lại rơi vào khung cảnh đượm màu vương giả cổ kính của tòa nhà cổ với vườn cây và tiếng dương cầm. Sau hơn 2 năm ra miền đất gọi là vùng hỏa tuyến này, Nguyên khá quen với nhiều khu vực của Huế, nhưng riêng Vĩ Dạ vẫn mãi là một nơi giữ nguyên nguồn quyến rũ với nét đẹp lạ có chất cổ tích, với những ngôi nhà cổ đầy hương thơm của hoa nhài, hoa ngọc lan và những cô gái thoáng hiện rồi mất hút trong vườn cây sau dậu dâm bụt. Nhiều buổi chiều đi tản bộ dọc con đường xuyên qua thôn Vĩ, Nguyên đã thầm ước giá có được một căn phòng trong vườn cây kia để thỉnh thoảng có thể tìm những giây phút yên tĩnh trong thời lửa đạn. Vì thế, khi đại đội của Nguyên được về Tiểu Khu nghỉ dưỡng quân sau một trận đánh bị nhiều tổn thất ở căn cứ Quảng Xuyên, chàng đã nhờ mấy người phụ trách hậu cứ đại đội ở Huế tìm thuê cho một chỗ ở Vĩ Dạ. 

Khi nghe Nguyên ngỏ ý nhờ, mấy nhân viên hậu cứ đều can là thời gian dưỡng quân tối đa chỉ được 2 hay 3 tháng, không nên thuê nhà, nếu cần ở ngoài cứ tới nhà họ. Nghe lời can, chàng cười nói ý mình là muốn có một chỗ lâu dài ở Vĩ Dạ, không phải chỉ trong thời gian dưỡng quân mà sau này nữa. Cuối cùng, ông trung sĩ tên là Lũy, phụ trách tiếp liệu, nói với Nguyên là Vĩ Dạ không có nhà cho thuê, nhưng ông đã kiếm được một chỗ nhà bà con ở Cồn Hến, cũng nhà gạch cổ, vườn cây biệt lập, không thua gì nhà ở Vĩ Dạ mà yên tĩnh thì còn hơn, vì Cồn Hến chạy song song với Vĩ Dạ, chỉ cách một dòng sông hẹp. Ông cho biết chủ nhà là công chức, thuộc dòng gia thế. Ông đã mất cách đây ít năm, chỉ còn bà với 4 người con. Người con trai trưởng tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, đi làm ở xa, hai người con gái và một cậu út còn đang đi học. 

Thật ra bà không nghĩ đến việc cho thuê nhà, nhưng do ông giới thiệu, lại thấy nhà ngang còn hai gian bỏ trống nên bà ưng thuận. Đây là một tòa nhà cổ đơn giản. Nhà trên 3 gian thông với bếp và nhà ngang 3 gian. Chàng ở gian cuối cùng của nhà ngang, gian giữa để nhiều thứ đồ đạc. Còn gian sát với nhà trên và bếp là phòng của cô con gái lớn tên là Thanh Thảo, nữ sinh Đồng Khánh. Chung quanh nhà là vườn rộng với nhiều loại cây trái như nhãn, thanh trà, măng cụt và nhiều loại hoa như hoa hồng, tường vi, nhài và ngâu. Ngay cổng là một cây hoàng lan bóng rợp đường vào nhà.

Bà chủ, gọi là bà Phán, tuy đã 60, nhưng vẫn còn nét kiều diễm sắc sảo của một thiếu nữ khuê các với tiếng nói thanh tao, và hai cô con gái, nhất là cô chị, chắc hẳn là hiện thân của mẹ thời niên thiếu. Sau mấy ngày dọn đến đây, Nguyên được sống gần với một sắc thái gọi là điển hình của miền Thần Kinh mà chàng đã có những ấn tượng lâu năm qua thơ văn và qua sự truyền tụng. Đó là những cánh áo lụa với suối tóc phủ vai và tiếng nói như chim hót ẩn hiện trên hiên nhà.
Nghe tiếng xe Honda dừng lại phía cổng, rồi tiếng lao xao của một số người đi vào. Nguyên ngồi bật dậy, tung chăn nhảy xuống giường, Chàng mở cửa nhìn ra, thấy cả ban nhân viên hậu cứ và ông đại đội phó đang đứng trước hiên, bèn nói lớn:
- Xin lỗi quý vị, tôi dậy trễ. Mời quý vị vào nhà.
Mọi người bước lên hiên, nhưng không vào nhà mà đứng lại ở hiên.
Ông đại đội phó nói:
- Thôi để chúng tôi ngồi ngoài này cho thoáng, rồi bảo mấy người đi cùng: Vô nhà đem ghế ra đây các cậu.

Khi Nguyên trở ra hiên, ngồi xuống ghế, ông đại đội phó nhìn chàng cười nói:

- Chỗ ở thế ni thì chỉ có thua tiên. Chúng tôi là người Huế mà cũng khó có cơ duyên với tới được.
Nguyên cười, chỉ vào trung sĩ Lũy:
- Cơ duyên là ở ông này. Ông ấy là cứu tinh của những kẻ vô gia cư như tôi, rồi nhìn vào xấp hồ sơ trên tay ông, hỏi:
- Quí vị đến tôi sớm thế này, chắc có việc gì gấp?
Ông tiếp liệu đáp:
- Dạ, không có việc chi gấp, chỉ xin thiếu úy duyệt qua một số hồ sơ và ký một số báo cáo. Rồi nhân tiện, anh em chúng tôi mời thiếu úy qua phố uống cà phê.
Trong khi đọc hồ sơ, Nguyên hỏi:
- Quý vị định tới đâu?
Trung sĩ Luỹ đáp:
- Mời thiếu úy qua Lạc Sơn. Nhân dịp hiếm có ni, ông cũng nên chiêm ngưỡng những màu sắc của một nơi rộn ràng nhất Huế.
Nguyên cười:
- Tôi ra ngoài này đã hơn 2 năm, cũng đã nhiều lần ngồi ở hè đường Lạc 
Sơn và Phấn với một ly cà phê để nhìn đủ thứ nhan sắc trong một buổi chiều.

Chàng ngừng lại, ký nốt mấy bản báo cáo, rồi nói:
- Cám ơn quý vị có lòng chiếu cố, nhưng xin để lần khác. Còn hôm nay dành phần cho tôi. Trước hết, chúng ta ra An Hòa ăn bún, rồi tới cà phê Tôn ở Đại Nội. Tôi nghe nói cà phê Tôn đã lâu, nhưng chưa biết mùi vị thế nào.

Trung sĩ Tòng, phụ trách quân số, người nhỏ loắt choắt, nổi bật chỉ ở hai mắt kính cận thị, giờ mới lên tiếng:

- Thời còn đi học, em cũng thường hay tới Tôn – Tòng cười: Đám học sinh mới lớn tới Tôn để tập làm nghệ sĩ, vì Tôn là quán của trí thức và nghệ sĩ Huế.
Chuẩn úy Song nói:
- Có một thời tôi cũng theo bạn tới Tôn, nhưng quán bên thành quách hiu quạnh không thể giữ mình lâu, còn Lạc Sơn ở ngay đầu chợ thì xô bồ và ồn ào, nên bọn tôi chọn quán Ngự Viên bên Gia Hội.
Nguyên hỏi:
- Cái tên nghe vương giả, nhưng có gì đặc biệt?
- Ngự viên ở trong một khu vườn, bàn được đặt rải rác bên những gốc cây. Tới đây. Nếu không uống cà phê, khách có thể gọi những loại trà đặc biệt như cúc, sen và Chính Thái. Về khung cảnh thì Ngự Viên không quá lặng như Tôn mà cũng không quá ồn như Lạc Sơn – Song cười: Ngoài ra còn có những mái tóc làm duyên cho hương cà phê và khu vườn.
Nguyên đứng dậy theo những tiếng cười của mọi người, rồi nói:
- Vậy hôm nào chúng ta sẽ tới Ngự Viên.

2

- Tối thứ Bảy răng anh Nguyên không đi chơi?
 Nghe tiếng hỏi, Nguyên quay lại thấy Thảo đang đứng bên cạnh chiếc ghế xích đu ở trước gian giữa, ngạc nhiên thốt lên: A, cô Thảo, rồi nói:
- Thời gian này với chúng tôi, ngày nào cũng là thứ bảy, chủ nhật cả mà có muốn đi cũng không biết đi đâu.

Thảo ngồi xuống ghế xích đu, nói:

- Tại anh không muốn đi, chớ bên phố đâu có thiếu rạp cine’, quán nhậu, quán cà phê.
- Tới mấy chỗ đó phải có bạn, còn tôi chỉ có mấy ông lính trong đơn vị - Rồi như chợt nhớ một điều, chàng tiếp: Cô Thảo ạ, hơn hai tuần nay, bây giờ tôi mới có dịp nói một lời là xin cám ơn tiếng đàn của cô.
Thảo ngạc nhiên:
- Anh nói chi lạ. Anh không phiền lòng vì phải thức sớm là quá quí rồi, răng lại cám ơn. Tôi thường tập đàn buổi sáng, sau khi học bài xong - Ngừng lại một lát, rồi nàng nói thêm như để giải thích: Vì ở biệt lập xa nhà trên, nên việc đàn buổi sáng đã thành một thói quen. Tôi sợ làm phiền anh, nên đã đàn muộn hơn.
Nguyên nói:
- Như thế, phải nói đó là cơ duyên, vì nhờ sự biệt lập mà ngôn ngữ có thêm thành ngữ “tiếng đàn về sáng”. Từ trước đến nay, người ta chỉ nghe nói “tiếng đàn trong đêm” chớ chưa từng nghe “tiếng đàn về sáng”.

Thảo cúi xuống cười, một lúc sau ngước lên:

- Tôi coi việc đàn cũng như việc học bài, nhưng nghe anh nói thì tiếng đàn về sáng...
Thấy Thảo ngập ngừng như đang tìm chữ, Nguyên ngắt lời:
- Cô cảm tiếng đàn của mình thế nào, chỉ cô biết. Còn tôi nói đây là nói theo cảm xúc của người nghe. Nhưng cứ tưởng tượng được tỉnh dậy trong âm thanh của Serenata, Clair de Lune hay của Ngọc Lan, Suối Tóc, cô sẽ cảm được sự kỳ diệu của tiếng đàn về sáng.

Như nhận ra sự chân thật trong cách nói đùa bóng bẩy của Nguyên, Thảo nói:

- Hôm nay thì tôi hiểu điều chú Lũy nói anh là nguồn vui của đại đội. Nhưng còn một điều..., Thảo ngập ngừng đưa tay hất mái tóc về phía sau, nhìn Nguyên:
- Tôi không hiểu tại răng anh lại ra miền hỏa tuyến ni. Vì ngay nhiều người Huế đi Thủ Đức cũng đã chọn ở lại miền Nam.

Nghe Thảo hỏi, Nguyên nhớ lại sau trận đánh bị nhiều thiệt hại ở Quảng Xuyên, chuẩn úy Song, đại đội phó, đã nói với chàng: “Gia đình tôi ở Huế, nên tôi phải về Huế. Còn anh không dưng ra miền đất nghèo, bão lụt hàng năm và đánh nhau tối ngày ni làm chi?”. Lời của người đại đội phó phản ảnh những thực tế mà Nguyên đã trải qua hơn 2 năm qua, vì gọi là ra Huế, nhưng Huế là bóng dáng thoáng qua có vẻ xa lạ, còn chàng chỉ quen thuộc với những vùng hoang dã, những thôn xóm đầy vết bom đạn và những người dân lam lũ, với những đêm dài nằm trên võng phủ poncho nghe mưa gió ào ào qua những rặng cây. Nguyên biết mình chọn Thừa Thiên do một âm hưởng lãng mạn, nhưng cái đẹp mơ hồ này đã biến mất sau một thời gian khi chàng phải đối diện với những trận đánh du kích suốt ngày qua từng luống khoai, từng bờ tre. 

Từ đó chàng mơ hồ nhận ra rằng ở xa Huế thì Huế gần, còn tới Huế thì thấy Huế xa quá. Bây giờ nhìn tóc Thảo xõa đầy hai bờ vai trên màu lụa trắng, trong bóng lá phản chiếu ánh trăng lay động trên hiên, tâm trí Nguyên bỗng lại tràn ngập những âm hưởng của ngày trước. Chàng bật diêm châm điếu thuốc, rồi nói:

- Việc chọn miền đất này là do những tiếng gọi từ xa và từ lâu, vì khi còn ở ngoài Bắc, tôi được học mấy cuốn Tân Quốc Văn của Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Quý Bính và Hoàng Đình Tuất, trong đó có những bài văn hoặc thơ nói về Huế. Sau 1954, ở trong Nam tôi không thấy bộ sách đó. Cô còn nhỏ, chắc cũng không biết bộ sách đó nhỉ?
Thảo đáp:
- Dạ.
- Trong cuốn lớp nhất có mấy bài tôi nhớ là bài Con Đường Cái Quan, thuật lại lời con đường xe lửa xuyên Việt, đoạn cuối cùng có câu: “Con tàu dừng lại. Tàu đã đến Huế rồi. Huế với những nàng tiên kiều diễm với núi Ngự sông Hương”. Rồi một bài thơ, tôi quên nhan đề, với những câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Yêu em anh cứ anh vô,
Kệ truông Nhà Hồ, kệ phá Tam Giang.
Xe hơi đã đến đèo Ngang,
Đấy qua Hà Tĩnh đường sang Quảng Bình.
Danh sơn gặp khách hữu tình,
Đèo Ngang ơi hỡi là mình với ta.
Nguyên ngừng lại một lát, rồi nói:
- Hai bài này không có gì gọi là tuyệt tác. Bài Con Đường Bắc Nam là một bài tự thuật bình thường, còn bài thơ thuần chất ca dao, nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi lại chịu nhiều ấn tượng. Vì thế sau này di cư vào Nam, tôi tìm đọc thêm nhiều sách, truyện viết về Huế, nghe nhiều bản tình ca của Huế như Mưa Trên Phố Huế, Đêm Tàn Bến Ngự, Mắt Huế... rồi nghe Hồ Điệp ngâm bài Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử với những câu:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra,
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Thì nguyện là sẽ phải tới Huế để biết sông Hương, núi Ngự và thôn Vĩ Dạ. Cứ thế, dần dần miền đất Thần Kinh trở thành một ám ảnh đầy thơ mộng và bí ẩn.
Thảo bỗng ngắt lời:
- Nhưng chừ thì tôi sợ anh thất vọng.
Nguyên nói:
- Không thể nói là thất vọng, vì thiên nhiên và con người Huế vẫn còn đó. Có điều chiến tranh đã làm biến đổi nhiều và làm mờ đi những tiếng gọi của ngày trước. Nhưng đó là chuyện khác. Còn bây giờ tôi đang nói về điều cô hỏi. Ngưng lại một lát như để nhớ chỗ bị ngắt lời, chàng tiếp:
- Chính do điều ám ảnh về sự thơ mộng và bí ẩn của Huế mà hè năm 1958 tôi đã ra đây đi lang tháng suốt hơn hai tháng.
Thảo hỏi:
- Anh thấy Huế ngày đó với chừ khác nhau ra răng?
Nguyên đáp:
- Khác nhiều. Vì lúc đó là thời bình nên mọi thứ êm ả với khung cảnh thiên nhiên đậm đà hơn. Tôi nhớ từ khoảng Phú Lương qua Dạ Lê tới gần Huế, hai bên đường là bờ tre xanh thẳm, nhiều chỗ cành lá vươn ra chạm mui xe. Hai bên đường Vĩ Dạ nhiều dậu bông bụt và trong vườn nhiều hoa hơn. Những quán bánh bèo ở Ngự Bình, Thiên Mụ và Vĩ Dạ còn nguyên nét thôn dã với những chiếc bánh đổ trong những chén nhỏ, muốn lấy ra phải dùng con dao làm bằng thanh tre mỏng. Bây giờ vào quán không còn thấy thứ bánh bèo đó mà chỉ thấy bánh đã xếp sẵn trên đĩa. Tôi nhớ thứ bánh ngày trước, nhưng không tìm đâu ra loại quán đó dù là quán ở chợ quận hay bên đường.
- Lúc nớ anh có tới mấy lăng tẩm?
- Tất nhiên phải tới. Được cái may, ra đây tôi kết thân được với một anh tên Điện, học Quốc Học, ở đường Hồ Xuân Hương, và hai chúng tôi đã dùng xe đạp tới mấy lăng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, và tới cả cầu ngói Thanh Toàn. Cô có nhớ hai câu hò về cái cầu này?
- Hai câu nớ thì ở Huế nhiều người biết - Thảo nói, rồi đọc:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui.
- Tôi muốn đến cái cầu này là do hai câu hò đó và Điện đã dẫn tôi đi. Năm ngoái đại đội tôi hoạt động ở hai quận Hương Thủy và Nam Hòa, nên đã có dịp trở lại vùng lăng tẩm và cầu Thanh Toàn. Bây giờ lăng tẩm gần như hoang phế. Lăng nào cũng chỉ có rêu phong, lá rụng đầy sân, đầy đường với tiếng chim hót. Còn cầu Thanh Toàn thì xác xơ. Có lẽ ít người qua lại nên con đường tới cầu và quanh cầu đầy cỏ.
 Thảo nói:
- Tôi là người Huế, nhưng chưa đi tới cầu Thanh Toàn, chỉ biết qua ảnh. Còn lăng tẩm thì cũng chỉ tới được lăng Minh Mạng và Tự Đức với ba mạ trước năm 60. Chiến tranh đã thu hẹp Huế mà tôi lại là con gái nên không thể muốn đi mô thì đi như anh.  Nhưng trong thời gian lang thang như rứa, anh thấy được chi là thơ mộng và bí ẩn của Huế?
Nguyên ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Chất thơ mộng của Huế biểu hiện ở toàn thể thiên nhiên núi sông, cây cỏ và nét dáng con người. Nhưng nếu nói riêng thì các cô áo dài trắng, đội nón, đạp xe dưới những hàng phượng vỹ trên đường Lê Lợi, trên cầu Trường Tiền hay sự lặng lẽ của sông Hương nhìn ngược dòng về phía đồi núi phía tây bắc là những nguồn cảm hứng khó nói bằng lời. Còn sự bí ẩn là ở khung cảnh cổ kính với những cô gái ẩn hiện trong những khu vườn ở Vĩ Dạ hay Kim Long.
Thảo nói:
- Tôi đã hỏi người Huế như rứa, mỗi người nói một điểm nào đó, nhưng không ai nói bao quát mà gọn như anh. Hình như người Huế cũng mơ hồ về những điều người ta nói về Huế.
Nguyên lắc đầu:
- Không chắc điều tôi nói đã tới được một phần của sự thơ mộng và bí ẩn của Huế. Nhân cô hỏi thì nói ra một nhận xét theo cảm quan riêng thế thôi. Nhưng tới đây thì chắc cô đã hiểu vì sao tôi ra miền đất này.

Nhìn hai bàn thay Thảo xếp vào nhau trên màu lụa trắng mờ ảo dưới ánh trăng, Nguyên hình dung những lúc hai bàn tay kia đuổi theo âm thanh trên phím dương cầm. Bỗng một nguồn sợ hãi ập đến, vì chàng nhận ra tâm trí mình đã bị cuốn vào một nguồn quyến rũ mà nếu để nó lậm vào sâu thì sẽ mang lụy. Một mối hận Nguyên mang nặng từ mười mấy năm qua lại dâng lên. Ngày đó, do đam mê, mỗi buổi chiều chàng đã đạp xe đi theo một cô nữ sinh Trưng Vương có mái tóc phủ vai gần một năm mà không nói một lời. Nhưng cuối cùng cô gái đó đã cúi xuống nhổ bọt với ánh mắt khinh bỉ khi chàng đạp xe qua cổng nhà. Nguyên hận mình đã đam mê để bị phỉ nhổ. Từ ngày ấy, Nguyên sợ sự quyến rũ và trước những cô gái đẹp, chàng giữ tâm trạng kính nhi viễn chi.

Nguyên bật diêm châm điếu thuốc khác, rồi ngước nhìn Thảo:
- Hơn 2 năm qua gọi là ra Huế, nhưng tôi chỉ sống với mìn bẫy, bắn sẻ và pháo kích ở những thôn làng hẻo lánh. Từ nay nhờ bác và các cô, tôi hy vọng sẽ có những giờ phút sống an bình giữa vườn cây và sông nước Cồn Hến. Nhiều lần tôi đã đứng lại rất lâu trên cầu nhìn hai bên bờ xanh ngắt của dòng sông phân cách Vĩ Dạ và Cồn Hến với bóng người dưới những tàn cây cổ thụ vươn tỏa ra mặt sông.
Thảo nói:
- Anh không biết chớ từ xưa đến chừ, Cồn Hến và Vĩ Dạ đã coi dòng sông như giếng nước của nhà mình.
Nguyên cười:
- Nếu thế thì cô là người đã chiếm phần lớn giếng nước Cồn Hến- Vĩ Dạ. Vì chiều nào tôi cũng thấy cô bơi lội trên đó.
- Còn anh mô có thua ai, chỉ mới tới được hai ngày đã ra chiếm dòng sông - Thảo bật cười đáp lại, rồi nói: Mà anh có thể ở dưới nước cả buổi như rứa thì đúng là một tay bơi lội chuyên nghiệp. Tôi chưa thấy ai ở đây bơi được như rứa.
Nguyên lắc đầu:
- Không phải chuyên nghiệp, nói như thế thì quá. Vì tuy tôi biết bơi lội từ lúc 7, 8 tuổi, vì làng tôi thuộc tỉnh Quảng Yên, bên cạnh một nhánh sông Bạch Đằng, rồi khi ra ngoài này, tôi có nhiều dịp ở gần biển và sông. Nhưng kiểu bơi của tôi là kiểu của nông dân, có thể ở dưới nước lâu mà không chìm thế thôi. Còn kiểu bơi của cô mới là kiểu tập luyện có phương pháp, nhanh mà gọn.

Thảo cười, định nói thì dừng lại khi thấy Thanh Chi bước nhanh từ nhà trên xuống. Chi cúi chào Nguyên, rồi hỏi Thảo:

- Chị có biết tập hồ sơ với lá thư của anh Khuê ở mô không. Mạ tìm hoài không thấy. Em độ chị đọc và để dưới phòng chị.
Thảo lặng yên như để nhớ lại, rồi gật đầu:
- Chắc để trong ngăn tủ.
Nguyên nhìn Thanh Chi hỏi:
- Ở đây có một dòng sông thật đẹp mà sao cô Chi không đi bơi?
Chi đáp:
- Dạ, cũng có thỉnh thoảng, nhưng Chi lội dở lắm.
- Không dở mô. Tại dị đó - Thảo cười nói, rồi đứng dậy chào Nguyên, cùng Chi vào nhà.


3

Nguyên mới về được ít phút thì Thảo tươi cười bưng một cái khay bước vào.
- Chào anh, anh mới về.
Nguyên đứng dậy:
- A, cô Thảo.

Thảo đặt chiếc khay lên bàn, rồi nói:

- Trung Thu anh không ở nhà, nên mạ tôi bảo dành phần lại cho anh.
- Cám ơn bác và các cô có lòng nhớ đến. Đã lâu lắm tôi không sống với khung cảnh Trung Thu trong gia đình. Trung Thu năm nay tưởng được ở đây với bác và các cô thì lại phải đi - Chàng ngừng lại để nén sự xúc động: Lúc nãy mới về đến cổng, nhìn chiếc đèn sao treo ở hiên dưới ánh trăng, tôi tưởng như mình đang trở về với thời học trò ở ngoài Bắc. Ngày đó mà Trung Thu có được một chiếc đèn thì quý lắm, không thường như bây giờ đâu.
Thảo hỏi:
- Nhà ni không ai còn nhỏ mà răng anh lại cho đèn?
Nguyên cười:
- Các cô thì lớn với ai. Tôi nghe cô dành chiếc đèn bông mai đấy thôi! - Thấy Thảo cúi xuống cười có vẻ thẹn, chàng nói thêm: Các cô với cậu Trung vẫn còn là học sinh mà thiếu đèn thì thiếu hương vị Trung Thu.

Thảo như chợt nhớ ra, lấy con dao nhỏ trên khay cắt chiếc bánh thập cẩm và bánh dẻo, rồi rót trà ra tách:

- Việc của tôi chỉ có chừng ni mà nghe anh nói nên quên mất. Chừ xin mời anh hỉ - nàng nói rồi quay gót bước nhanh ra cửa.
Nguyên nâng tách trà có hình vẽ một nhánh đào màu xanh dương, nhìn màu nước hổ phách với hương sen thoang thoảng, bỗng một nguồn ấm áp dâng lên. 

Trước đây, khi nghe ông tiếp liệu nói là ông phải kể nhiều về đời sống và nhất là cảnh không gia đình của anh, bà chủ nhà mới bằng lòng cho thuê và hẹn là chỉ cho thuê một thời gian, Nguyên đã định thôi. Nhưng sau đó thấy việc người ta ngại lính tráng là chuyện tự nhiên, còn mình sống thế nào là do mình, nên đã dọn đến. Vì sẵn có ý nghĩ như thế, Nguyên không quan tâm đến việc làm thân với những người trong gia đình. Có dịp tiếp xúc thì nói chuyện vui, rồi chàng quên và trở lại với đời sống lặng lẽ. Niềm vui của chàng là đang được sống với khung cảnh cổ kính đượm màu thôn dã và những nguồn quyến rũ của Vĩ Dạ. 

Trong hai tháng tới đây, chàng tưởng như đã quên tiếng bom đạn khi ngồi ở chiếc ghế vải ngoài hiên thoảng hương ngâu, đọc sách và nghe tiếng chim hót. Có lẽ đời sống lặng lẽ hồn nhiên này đã làm tăng sự quý mến của gia đình chủ nhà đối với chàng mà điểm dễ thấy là bà chủ đã gọi chàng bằng cậu, hoặc bằng tên, coi như con cháu, còn Thanh Chi và Trung đã xưng em khi trò chuyện. Cách đây ít ngày, khi Nguyên đem bánh và 3 chiếc đèn Trung Thu lên biếu gia đình, chàng đã sửng sốt thấy bà Phán bật khóc khi  bà nhìn thấy mấy chiếc đèn. Sau đó bà giải thích là mấy cái đèn đã nhắc lại những ngày ông Phán còn sống, vì tết Trung Thu nào ông cũng mua cho mỗi đứa con một cái. Chàng không ngờ việc mua mấy cái đèn, chỉ coi như thứ quà vui, lại trở thành một mối xúc cảm của cả gia đình.

Nguyên đứng dậy định đi lấy chiếc bếp dầu hôi đun nước pha bình trà khác thì bỗng một tiếng nổ như bom làm rung chuyển nhà cửa, liền đó một tiếng nổ gần hơn làm chàng lảo đảo ngồi xuống ghế và buột miệng: Pháo kích! Hai tiếng nổ kế tiếp xa hơn. Nguyên ước lượng trái đầu gần Đập Đá, trái thứ nhì sát đầu Cồn Hến, còn hai trái sau phía cầu Trường Tiền. Khi nghe tiếng nổ chuyển về phía Tây Lộc, chàng vội đi lên nhà trên. Vừa tới trước gian giữa thì Thảo mở cửa bước ra, Nguyên chỉ lên nhà, rồi cùng Thảo bước nhanh lên bậc thềm.
Thảo gõ cửa đợi một lúc, cửa mới mở. Nhìn Trung, Thảo hỏi: Mạ mô?
Trung vẫn còn sợ, không nói ra lời, chỉ vào gầm bộ ván ngựa.
Nguyên lên tiếng:
- Thưa bác hết pháo kích rồi.

Nhìn Thanh Chi và bà Phán lồm cồm bò ra khỏi gầm ván, mặt vẫn còn tái xanh, chàng tới cầm tay bà dẫn tới bàn, kéo ghế cho bà ngồi, rồi nói:

- Đó là hỏa tiễn 122 ly. Bác nghe tiếng nổ lớn, tưởng gần, nhưng không phải đâu. Con ước lượng nó nổ ở phía Đập Đá và Trường Tiền.
Bà Phán có vẻ hoàn hồn, nhìn Nguyên:
- Tưởng như đổ nhà. Chẳng biết núp ở mô, nên mạ con chui dưới bộ ngựa.
Nguyên nói:
- Thưa bác, mục tiêu pháo kích của nó ở khu này là Tiểu Khu và trung tâm MACV, còn mục tiêu trong thành nội là Mang Cá và sân bay Tây Lộc. Nhà mình ở đây gần mục tiêu pháo kích. Sao bác không nghĩ đến việc làm hầm trú ẩn trong nhà?
Thảo nói:
- Ở đây có một số nhà đã làm hầm. Bọn Thảo cũng có nghĩ tới, nhưng cứ chần chờ, vì mấy mạ con chẳng biết làm răng.

Nghe Thảo nói thế, Nguyên nhìn bà Phán:

- Thưa bác, nhân dịp con còn ở nhà, nếu bác và các cô muốn làm hầm, con sẽ tính cho. Việc đơn giản chớ có gì khó đâu. Nhà mình có bộ ngựa dày như thế kia thì tốt lắm. Chỉ cần bao cát xếp thật dày chung quanh là thành một cái hầm kiên cố.
Bà Phán vui hẳn lên:
- Nghe cậu nói, mới nghĩ ra. Thế ngày mô Nguyên làm được?
- Dạ, làm ngay ngày mai – Chàng vừa nói vừa đứng dậy đi đến bộ ván dùng gang tay đo chiều dài, rộng và cao. Trở lại bàn nhẩm tính, rồi hỏi Thảo:
- Cô biết vựa cát ở đâu không?
Thảo đáp:
- Dạ biết, ở gần đây thôi.
- Sáng mai cô bảo họ chở cho 4 thước, còn bao cát tôi sẽ đem về.
Thảo nhìn Nguyên ngập ngừng: Thảo... muốn làm một cái ở dưới nhà được không?
- Chỉ cần thêm bao cát và ván – Chàng gật gù: Cô tính thế cũng phải, vì khi pháo kích, chạy lên nhà trời tối có thể vấp té, mà lúc đó ai mở cửa. Nhưng còn ván?
- Nhà còn một bộ ván nữa.
- Hầm dưới cô chỉ cần một tấm, vì hai tấm sẽ choán hết phòng. Như thế cần 6 thước cát – Nguyên nói, rồi hỏi: Khoảng 12 giờ đã có cát sẵn sàng chưa?
- Sáng sớm xuống bảo họ chở thì chắc đến trưa phải có.
- Vậy khoảng 1 giờ tôi sẽ đem theo vài anh em trong đại đội về giúp. Chàng quay sang vỗ vai Trung: Ngày mai Trung giúp anh một tay, việc của chú là xúc cát hoặc buộc bao cát.
Thảo hỏi:
- Còn bọn Thảo làm chi?
- Hai cô là chủ, không làm gì hết, chỉ đứng nhìn và sai bảo nhân công. Cả nhà cùng cười.
Chàng nhìn đồng hồ:
- Hơn 2 giờ rồi, bác đi nghỉ thôi.

Nguyên đứng lại giữa sân thoảng mùi hoàng lan với tiếng xào xạc của gió thổi qua lá cây. Nghe sự yên tĩnh từ phía Đập Đá, chàng hy vọng mấy trái hỏa tiễn đã nổ trên sông. Nhưng hướng về Tây Lộc, khu dân cư chật hẹp, nhà cửa san sát... chàng hình dung những tiếng khóc bên xác người với những đống gạch vụn và những miếng tôn quằn bay khắp nơi. Hai năm qua trong những cuộc hành quân, Nguyên đã mấy lần chứng kiến xác binh sĩ tan theo tiếng nổ của đầu đạn đại bác 105 ly được gài bên những trái mìn đặt dưới những cái hố bẫy bên đường hay dưới những lùm cây. Những cái chết trong trận chiến, những cái chết do bắn sẻ, những cái chết do mìn bẫy... Mỗi lần đi là mỗi lần nghĩ đến cái chết... Nhìn lên hiên, chàng thấy Thảo đứng ở cửa nhìn ra sân.


4

Khi ra đến gần bờ sông, Nguyên thấy Thảo và Trung đứng trên bậc xi măng chỉ trỏ như đang bàn cãi điều gì. Chàng dừng lại lưỡng lự, rồi tìm đường đi xuống phía dưới. Lâu nay, ngày nào về sớm Nguyên cũng đi bơi, nhưng vì giữ ý, chàng đi khác giờ hoặc tránh gặp Thảo ở cùng một chỗ. Đi vòng qua hai khu vườn, thấy đã khá xa chỗ chị em Thảo, Nguyên rẽ ra sông, định sẽ bơi qua bờ bên phía Vĩ Dạ thì nghe tiếng Trung gọi. Nhìn lên, thấy Trung đang cười, vẫy tay, có ý gọi chàng tới. Nguyên nghĩ thầm, cười như thế kia thì chắc hai chị em có chuyện vui chớ không phải cãi nhau, nhưng chàng đứng yên, vẫy tay ra hiệu gọi Trung xuống chỗ mình.
- Em với chị Thảo thi lội. Em thắng, nhưng chị ấy cứ cãi, đòi thi lại – Trung vừa thở vừa nói.
Nguyên cười:
- Đòi thi lại thì cứ thi chớ sợ gì. Chú sợ thua à?
- Dạ không, nhưng em nhờ anh làm trọng tài.
Nguyên bật cười vỗ vai Trung:
- Hai chị em chú sao mà ăn thua dữ vậy?
- Em không ăn thua, nhưng chị Thảo nói hoài là ở đây không ai có thể lội hơn chị ấy – Trung vừa nói vừa kéo Nguyên đi.
Nguyên bước theo Trung và nói:
- Thảo năng tập luyện nên có thể nói như thế. Ở đây, thỉnh thoảng anh cũng thấy vài người bên Vĩ Dạ bơi, nhưng có ai bơi thường xuyên như Thảo đâu.
Vừa tới gần Thảo, Nguyên nói:
- Chị sao không biết nhường em mà lại đòi thua đủ như thế?
Thảo cười:
- Thi có độ răng nhường được.
- Vậy là cô đem cờ bạc vào cái giếng Cồn Hến – Vĩ Dạ - Chàng nói, nhìn Thảo bật cười, rồi hỏi: Thế bây giờ quý vị muốn tôi làm gì cho canh bạc này?
Trung đáp:
- Em với chị Thảo thi lại, lội hai vòng. Anh ở trên bờ làm trọng tài.

Nhìn đôi mắt đen ánh lên nét vui tinh nghịch của Thảo dưới chiếc mũ bơi khi nghe chàng nhắc đến cái giếng nước Cồn Hến- Vĩ Dạ, Nguyên muốn Trung thắng cuộc thi này xem ánh mắt đó sẽ biến đổi thế nào, nên chàng nói:

- Tôi đoán cô không nhận thua là do bờ bên này nước quá nông và bờ lồi lõm, khó xác định ai chạm bờ trước.
Trung nói như reo lên:
- Đúng như rứa. Chị ấy bảo em tới gần bờ đã không bơi mà chống chân nhào vô.
- Nếu vậy, để được chính xác, điểm kết thúc vòng hai sẽ ở bờ bên kia. Lấy bậc xi măng sát mặt nước làm chuẩn. Ai chạm tay vào bờ trước là người đó thắng – Nguyên nói rồi nhìn Thảo hỏi: Được không?
Trung gật đầu:
- Như rứa là hết cãi.
- Vậy bây giờ chúng ta bơi qua bờ bên kia – Nguyên nói rồi bước xuống nước, lấy chân đẩy người lao ra xa. Thảo và Trung lao theo làm nước tung tóe cả một vùng. Cả ba cùng tới bờ một lúc. Nhìn thân hình Thảo nở nang trong chiếc quần cụt ống dài tới đầu gối, áo chẽn và mũ bơi giữ gọn mái tóc, Nguyên chỉ Thảo nói:
- Kiểu nhà nghề thế này, anh sợ Trung khó thắng.
Trung nhìn chàng đầy vẻ tự tin:
- Rồi anh coi.

Nguyên thấy môi Thảo mấp máy như định nói, nhưng lại thôi. Nàng đứng thẳng, hai tay vươn ra phía trước như sắp nhào xuống nước. Những giọt nước đọng trên cánh tay, trên cổ và trên hai chân như hòa vào làn da trắng hồng khỏe mạnh. Thảo quay lại bắt gặp cái nhìn của Nguyên, mặt nàng bỗng lộ vẻ bối rối, nhưng vẫn ánh lên nét vui rạng rỡ. Để che lấp sự bối rối, nàng hỏi:

- Bắt đầu chưa anh?
Nguyên gật đầu:
- Bắt đầu, nhưng trước khi thi, tôi nhắc lại mấy điểm: Nghe tôi đếm một, hai, ba thì quý vị lao xuống nước. Tới bờ bên kia phải chạm tay vào, rồi mới quay lại.
Nguyên nói lớn:
- Chuẩn bị, rồi đếm: Một.. hai... ba.

Mới dứt tiếng “ba”, Thảo và Trung như hai mũi tên lao ra xa. Nguyên nghe tiếng cười khúc khích của mấy cô đang giặt ở bến kế bên và tiếng nói: Mấy người thi lội ngộ quá hỉ.


Thảo bơi gọn mà nhanh, nàng có vẻ khoan thai chớ không quá vội vã như Trung. Mấy lần Trung vượt lên, nhưng Thảo lại bắt kịp. Cả hai cùng chạm vào bờ một lúc. Khi quay trở lại tới nửa sông thì Thảo vượt Trung khoảng một nửa người. Tới đây thì Trung hình như mất bình tĩnh, sải tay và chân đập quá mạnh. Nguyên thầm nghĩ, thế kia thì thua mất rồi và chàng mỉm cười với ý nghĩ là không có cơ hội để nhìn mắt Thảo khi thua. Bỗng Thảo bơi chậm lại và Trung lại vượt lên. Nguyên nghĩ hay là nàng nghĩ tới lời phê bình của mình nên để cho em thắng. Nhưng không, nàng vẫn theo sát Trung, rồi khi tới gần bờ, hai cánh tay thon trắng vươn dài, vượt lên lướt vào bờ và thắng Trung một sải tay.


Nguyên đỡ Trung lên bậc xi măng, rồi nhìn Thảo nói:

- Cô thắng, nhưng mức cách nhau hẹp quá. Tôi nghĩ chỉ chừng 2, 3 giây. Như thế có thể nói là gần như hòa - Chàng quay lại Trung: Tôi không biết Thảo và Trung độ nhau cái gì, nhưng cả hai mới tựu trường, tôi sẽ treo giải một chiếc cặp da 4 ngăn loại thượng hạng. Ngày nào muốn thi cho tôi biết.
Trung hỏi:
- Ngày mai được không?
Nguyên đáp:
- Việc của tôi là treo giải, còn ngày nào thì hai người chọn.
- Ngày mai, anh. Trời lạnh rồi - Thảo nói rồi quay nhìn Nguyên mỉm cười: Anh cũng đi bơi thường, nhưng Thảo chưa biết thuật bơi của anh. Anh dám thi không?
Nghe Thảo hỏi, Nguyên bật cười lớn:
- Thua cô là cùng chớ chi mà dám hay không dám.
Trung reo lên:
- Em làm trọng tài cho.
Nguyên nói:
- Thì chú làm trọng tài, nhưng để Thảo nghỉ 15 phút nữa.
Thảo nói:
- Không cần mô. Thảo bơi như ri thường mà.

Nguyên nhìn ra sông, mỉm cười trước sự tinh nghịch của Thảo. Qua ánh mắt, chàng hiểu là Thảo đã tìm được cơ hội để đùa cợt với mình, cũng như thỉnh thoảng nàng đã đùa qua tiếng đàn nửa đêm.

- Bắt đầu hỉ - Trung nói, rồi đếm: Một, hai... ba.

Nguyên quay nhìn Thảo gật đầu, rồi cùng lao xuống sông. Ra tới giữa dòng, Nguyên theo sát và thấy thuật bơi của Thảo hơn mình nhiều, vì thân nàng lướt trên mặt nước như ếch với những sải tay dài, nhẹ nhàng. Chàng cố gắng thử vượt lên, nhưng chỉ có thể cao hơn một chút là Thảo lại theo kịp. Hình như nàng còn có thể bơi nhanh hơn nữa. Tới vòng hai, Nguyên vẫn theo sát Thảo, nhưng có lẽ cả hai thấy thử như thế đã đủ, nên bơi thung dung hơn. 

Nguyên thấy Thảo quay nhìn mình mỉm cười, rồi dấu mặt xuống nước. Chàng bơi chậm để Thảo vượt lên, nhưng Thảo cũng chậm lại. Cứ thế hai người lướt vào bờ.

Trung nói:
- Hôm nay hòa, nhưng em thấy anh bơi như rứa, chị Thảo khó thắng.
Nguyên nhìn thảo cười:
- Anh không phải là đối thủ của Thảo. Phải tận lực mới đạt được cái hòa đó.
- Em với chị Thảo còn thi lặn nữa, nhưng bơi chớ lặn thì em thua hoài – Trung nói, rồi quay sang Thảo: Chị dám thi lặn không?

Thảo bật cười nhìn Nguyên:

- Nếu anh Nguyên dám thì Thảo cũng liều.
- Thì cứ thử một lần cho biết cao thấp để khỏi phải áy náy – Nguyên nói, rồi lao ra xa.
Tới giữa sông, Thảo bơi quanh Nguyên một vòng, rồi đếm: Một... hai... ba...Tiếng “ba” vừa dứt, hai người ngụp xuống giữa giòng. Nguyên đang đẩy mình xuống sát đáy thì thấy thân hình Thảo loang loáng tới gần. Nhìn hai tay Thảo chờn vờn trước mặt, Nguyên bỗng cầm lấy tay Thảo kéo lại và cùng một lúc hai người đều dùng một tay ôm lấy nhau... Chỉ kịp chạm môi là cả hai buông nhau ra, bắn mỗi người về một phía.
Khi Nguyên ngoi lên mặt nước, thấy Thảo đang bơi đứng, ngơ ngác nhìn về hướng Nguyên. Chàng lấy tay ra hiệu bảo Thảo cùng bơi về bờ bên Cồn Hến.
(Còn tiếp)

Việt Dương