Trời Sydney năm
nay lạnh hơn mọi năm. Đêm đông buốt giá, phải trở dậy kiếm cái
heater. Mở đèn lên, nhìn ra ngoài vườn, sương đêm đã đọng thành một màn băng mỏng.
Nhìn màn băng mỏng trên sân, ký ức tôi bỗng trở về cái lạnh buốt xương năm
1976, khi tù cải tạo miền Nam năm đầu tiên ra Bắc. Tụi tôi được "chiếu cố"
cho ở Sơn La, địa danh nổi tiếng "Nước Sơn La, ma Vạn Bú". "Sơn
La âm u, núi khuất trong sương mù". Tù cải tạo thuộc trại 1, liên trại 2
được phân ra ở trong trại tù Sơn La thời Pháp thuộc. Sau nhiều cuộc biến thiên,
nhất là sau vụ ném bom miền Bắc, các trại tù này đã đổ nát, chỉ còn lại cái nền
xi măng. Nhà tù đã đổ bây giờ được che tạm bằng ni lông, hoặc lợp bằng tranh mỏng.
Sơn La là miền cao nên lạnh sớm. Mới tháng 11 gió bấc đã lồng lộng thổi về. Đến
cuối tháng 12, lạnh vào cao điểm... Chậu nước để ngoài sân, qua đêm đã đọng
thành băng mỏng bên trên.
Hồi đó nằm cạnh bên tôi là hai người bạn tù cùng trong đội
rau... Một ông nguyên là dân Thiết Giáp, một ông nguyên là Thượng Tọa (giám đốc
nha Tuyên Úy Phật giáo). Ông Thiết Giáp trước đây vốn là một tay hào hoa rất mực.
Ông thuộc loại "Tây con", học trường danh tiếng Saumur, đánh giặc rất
chì, ăn chơi rất bảnh... Đôi lần tâm sự vụn, ổng rút trong ngực áo ra có tấm ví
có hình một bà rất đẹp, rất mignonne mà khẽ nói "bà xã moi". Đôi mắt
đục và nhăn vì đói lạnh của ông chợt sáng lên khi nhìn lại hình ảnh vợ. Mới đây
ổng vừa nhận được một gói quà 1kg đầu tiên từ trong Nam gửi ra. Ông hy vọng lắm
vì có người nhận được ít thịt khô, ít ruốc chà bông. Gói quà của ông, xem đi
xem lại mãi chỉ có một cái áo lạnh và đặc biệt có hai cái quần slip màu hồng nhạt,
chắc là của phái nữ. Tôi không tiện tò mò, hỏi han về việc riêng của bạn nhưng
tôi chắc bà xã của bạn phải yêu thương lắm, phải lãng mạn lắm mới gửi món quà để
"tưởng nhớ một mùi hương" như vậỵ. Đôi khi rảnh rỗi, ông bạn tù hàng
xóm của tôi lại khẽ giở món quà đặc biệt ra hồi tưởng...
Trước đây ông bạn tôi thường hút Lucky. Đi cải tạo ông mang
theo một cái pipe Dunhill và vài hộp thuốc Half and Half. Nhưng đã lâu rồi hết
thuốc hút pipe, ổng cũng như mọi người khác hút thuốc lào. Quá nửa đời người rồi
mới biết cái hấp dẫn của thuốc lào. Nhất là mùa rét, sáng sớm tinh mơ ngồi dậy,
hút một điếu đầu tiên trong ngày, cho nó say lơ mơ quên trời, quên đất, quên cảnh
lên voi xuống chó, quên luôn cảnh lưu đày tù tội. Ôi phút tuyệt vờị…
Thuốc lào hấp dẫn như vậy nên trong tù đã có thành ngữ
"Có thuốc lào là có tất cả". Nhưng ở miền Bắc cái cần thiết nhất là gạo,
ăn còn không đủ thì lấy đâu ra thuốc lào cho tù. Đành trông chờ vào quà của gia
đình gửi tới. Nhưng trong những chuyến gửi quà đầu tiên, có mấy ai được nhận
thuốc lào. Thuốc lào thành của hiếm... Ở trong tù cái gì thiếu cũng chấp nhận
được, nhưng thiếu thuốc lào là một thiếu thốn rất lớn lao. Thuốc lào không những
làm quên hiện tại mà thuốc lào còn là dấu móc để người tù cải tạo thêm kiên nhẫn
đi tiếp cuộc đời tù dằng dặc. Trong trại không có ai có quyền đeo đồng hồ. Phải
gửi đồng hồ cũng như những đồ tùy thân có giá ở trại. Ngày ngày đi làm, cuộc sống
khổ sai nhọc nhằn, đời tù hun hút, thời gian mịt mờ.
Trong khi đó quy định của trại giam cứ một tiếng rưỡi đồng hồ
lao động là có "kẻng" nghỉ 10 phút "hút thuốc, uống nước".
Điếu thuốc lào ở trên một cái đích gần gũi để người tù vươn tới, một đoạn đường
dù ngắn nhưng sắp đến nơi. Nó cũng là một an ủi nhỏ sau hơn một giờ cực nhọc.
Vì vậy nên dù khó kiếm, dù đắt đỏ, cũng không ai muốn bỏ thuốc lào. Những tay
có thuốc lào thấy vậy nên càng ngày càng lên giá. Một phần ăn sáng (một phần tư
chiếc bánh mì luộc) trước đổi được 5 điếu thuốc lào, sau xuống giá còn 3, rồi
còn 2 điếu... Người ta sẵn sàng quên đi cái đói để đổi lấy một vài phút say
quên.
Anh bạn tù hàng xóm của tôi, nghiền thuốc lào quá nặng, rét
đến nơi mà không thuốc hút. Anh liền lấy cái pipe Dunhill nổi tiếng của Ăng lê
ra đổi thuốc lào. Được chừng 10 hôm là hết thuốc. Có người mách lấy lá ngải cứu
phơi khô thái nhỏ hút vô nghe được lắm. Anh bạn tôi nghe lời, phơi đi phơi lại
lá ngải cứu trộn thêm với nước điếu và một chút nước mắm, một chút đường. Hôm
hoàn thành thuốc lào ngải cứu, anh có mời tôi hút thử, cũng thấy say say nhưng
không êm bằng thuốc lào, mà rát cổ họng. Ông bạn tù Thượng tọa mới bảo rằng
không nên hút cái giống ấy, hao người, hao phổi. Nhưng anh bạn tôi thèm thuốc
quá cứ hút thuốc ngải cứu cho đỡ thèm. Một hôm, vừa hút xong, chưa kịp đặt cái
điếu cày xuống, máu mũi anh đã chảy ròng ròng.,..
Mùa đông đầu tiên ngoài Bắc, anh bạn tù hào hoa một thuở của
tôi vừa đói, vừa lạnh, vừa thèm thuốc. Theo anh thì mùa lạnh ở VN khó chịu hơn
bên Tây nhiều mà lạnh nhất là hai cái taị "Nhiều khi tôi cứ tưởng hai cái
tai lạnh cóng của tôi nó rụng mất rồi". Anh vừa nói, vừa run lập cập. Một
buổi tối trời vừa lạnh, vừa mưa, lán lợp giấy nilong, nước mưa giột tí tách,
anh bạn tù của tôi chợt có sáng kiến mớị Anh lấy chiếc quần slip của vợ gửi cho
chụp lên đầu, kéo sụp xuống tận mí mắt, che kín hai tai. Trong cái chập choạng
của một ngọn đèn dầu hỏa, tôi thấy anh "không giống ai", mà trên thế
giới này chắc không thể có một cái mũ, cái nón nào ly kỳ đến vậy. Anh nhếch một
nụ cười, vừa hài lòng vừa ngượng ngập và khẽ nói: "Cho nó ấm hai cái tai
mà đỡ nhớ thương vợ con, ông ạ..."
Dạo ấy, tù cải tạo còn thuộc quyền quân quản, thuộc Bộ quốc
phòng, chưa thuộc Bộ nội vụ. Quân đội trông nom tù, chưa phải công an. Anh em
chưa phải vào các trại tù mà ở trong các lán, có dây thép gai bao quanh và bộ đội
canh gác ở ngoài. Buổi tối chưa có lệ vào phòng giam, xích cửa lại, gióng sắt
đưa lên giam tù trong đó suốt đêm, sáng mai mới tháo xích, mở cửa, ăn uống, ỉa
đái trong đó luôn như các trại tù công an sau này. Nhưng mỗi tuần vài ba lần thế
nào quân đội Vi Xi cũng có kiểm tra đột xuất, mà kiểm tra thường vào ban đêm.
Nghe tiếng còi gắt gỏng rít lên là anh em phải vội vàng trở dậy, mắt nhắm mắt mở
chạy ra sân đứng xếp hàng 2 để cho cán bộ kiểm soát. Anh "lán trưởng"
sau khi kiểm lại số người trong lán, đứng nghiêm báo cáo.
- Báo cáo cán bộ, lán 4 trại 1, 30 người đủ.
Tên Thượng úy chính trị viên cầm đèn pin, đứng cạnh một anh lính mang AK tùy
tùng, hất đầu ra lệnh:
- Được, cho vào.
Tù hàng hai lần lượt kéo nhau vô lán. Anh bạn tù Thiết Giáp của tôi đang giở thức
giở ngủ nên lật đật cứ đội nguyên cái "mũ" không giống ai ra xếp
hàng. Khi anh vừa đi qua tên Thượng úy, chợt có tiếng giật giọng:
- Anh kia đứng nại.
Tất cả anh em vô lán hết, chỉ còn NVP Thiết giáp đứng co ro ngoài cửa. Anh em lắng
nghe cuộc đối thoại bên ngoài:
- Cái này là cái gì?
- Dạ... cái quần...
- Ở đâu ra?
- Vợ tôi gửi cho tôi.
- Tại sao mà anh nại đội cái quần của vợ anh...
- Tại trời lạnh quá... mà không có mũ...
- À, anh này bôi bác chế độ. Anh tên gì? Mai nên nàm việc...
Tên Thượng úy Vi Xi này anh em trong trại đặt tên là
"Thượng úy Không No". Tuần nào sáng thứ Hai, y cũng lên lớp anh em về
mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Nói thì ngọng líu, ngọng lo, l đánh ra n
nhưng lúc nào cũng thở ra giọng "đỉnh cao trí tuệ". Một hôm trong đề
tài "an tâm học tập, cải tạo" y ta lên tiếng: "Các anh không no,
gia đình các anh không no, nhân dân không no, đã có đảng và nhà nước no".
Mọi khi, y ta nói trời trăng mây nước gì, tù cũng cứ ậm ừ, coi như gác bỏ ngoài
tai. Bữa ấy, khi vừa nghe y nói tới đó, đám bạn tù cải tạo bỗng phát lên một trận
cười rầm rĩ cũng với tiếng vỗ tay vang dậy. Y ta tưởng bở, lại càng đỏ mặt tía
tai lên mà nói tiếp....
Nhưng sau này không biết có tên "thối mồm" nào đó
mới lý giải cái cười rôm rả và tiếng vỗ tay không ngớt của tù cải tạo cho y. Y
ta giận lắm. Giận lắm nên y hành hạ anh em tù sát ván. Một anh bạn tù đói quá,
nhổ trộm khoai mì (sắn) mọc trên sườn non. Trước đây, cái tội như thế này chỉ bị
cảnh cáo trước đội, rồi viết kiểm điểm "rút kinh nghiệm" là xong. Kỳ
này, chính trị viên "Không no" liền nhốt anh bạn nhổ trộm sắn 1 tuần
vào trong cái cũi dây thép gai, một kỳ công của đỉnh cao trí tuệ. Đây là một
túp lều, nhưng một túp lều quây bằng dây kẽm gai. Không có tường mái, chỉ có một
tấm bạt được coi như mái lềụ Ở trong dây thép gai quấn ngang dọc, chằng chịt
cao thấp. Người vô ở trong đó phải cẩn thận lắm không thì bị gai cào rách lưng,
rách mặt, đặc biệt là ngồi không được vì thấp quá, nằm cũng không được vì không
đủ chỗ. Lúc nào cũng phải nửa nằm, nửa ngồi cứ lom khom, lom khom...
Chính trong thời điểm này anh bạn tù Thiết Giáp của tôi lên
gặp "y ta làm việc". Khi về NVT mặt mũi chảy dài. Anh cho hay là cán
bộ "không no" tuyên bố không cho anh đội cái mũ "thiếu văn
hóa" ấy nữa. Anh phải làm kiểm điểm "hứa trước đảng và nhân dân thực
hiện nghiêm chỉnh lệnh của cán bộ". Buổi tối, bên ngọn đèn dầu tuôn khói mịt
mù, anh bạn thiết giáp của tôi thở phào phào ngồi viết kiểm điểm, vừa viết vừa
run vì đói lạnh, vì không có cái mũ che tai... Chợt ông bạn hàng xóm bên phải của
tôi là Thượng tọa Thích Thanh Long (nguyên giám đốc nha tuyên úy Phật giáo) từ
từ lên tiếng:
- Đừng có lo, rồi đâu có đó...
Nói xong, ông khẽ lục trong đám quần áo của ông lấy ra một tấm áo nâu dài, tấm
áo "Thượng tọa" của ông mà đưa cho ông Thiết Giáp.
- Hãy cứ quấn cái áo này lên đầu cho ấm... Rồi ta tính...
Chúng tôi, ông Thượng tọa, ông Thiết Giáp, và tôi, là 3 người
trong số 1 tổ "tam tam" trong đội rau. Ba người chúng tôi phụ trách một
khu rau ở bên bờ suối, cạnh bệnh xá và khu B dưới gốc cây lim già... Chúng tôi
cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm... nên hiểu nhau nhiều lắm. Được làm với ông già
này là một điều may mắn lớn. Vì ông Thiết Giáp với tôi, từ xưa đến giờ đâu có
biết cày cuốc, trồng rau trồng củ ra làm sao đâu. Ông già Thượng tọa chỉ vẽ cho
chúng tôi hết thảy. Từ cách cầm cái cuốc, cái thế đứng khi cuốc phải như thế
nào? Cuốc hùng hục "như trâu đánh mả" như tôi là không được. Cuốc như
thế là "cuốc lật" dành cho việc cuốc ruộng, cuốc vườn. Ở đây trồng
rau thì cuốc phải "đầm", nhẹ nhàng, từ tốn như mưa dầm, mưa lâu thấm
đất. Cuốc hùng hục như tôi thì sức đâu mà cuốc cả ngày cả buổi. Ông cụ còn chỉ
cách sử dụng các loại cuốc thật nhỏ, chỉ lớn hơn cái bay thợ nề một chút thôi.
Rồi còn ủ phân, pha nước tiểu, tưới bón, trồng trọt...
Mỗi loại rau, mỗi thời kỳ đều tưới bón khác nhau, lúc nhỏ tưới
bón khác, lúc lớn phải bón thúc lại khác. Bây giờ chúng tôi đang trồng rau cải
ngồn ngộn, những trái su hào no tròn... Đi tưới nước giữa hai hàng cây cải tốt
tươi, tiếng vòi nước hoa sen dội vào lá cải nghe rào rào, ông cụ ung dung làm
việc, thần thái an nhiên. Ngoại cảnh hình như không ảnh hưởng được đến ông cụ.
Ông giống như một ông già nhà quê thuần hậu, quanh quẩn bên cây lá trong vườn.
Ông hình như không lo, không sợ cái gì. Ông nói ít, cái câu thường thấy ở ông cụ
là: "Đừng có lo, rồi đâu có đó"...
Để cho cái việc của ông bạn Thiết Giáp "đâu có đó"
đối phó với anh thượng úy "không no", ông cụ Thanh Long một ngày chủ
nhật sau đó liền cắt cái vạt áo dài nâu "Thượng tọa" của ông lấy vải
may cho ông bạn Thiết Giáp một cái mũ đội đầu. Bàn tay già nua run rẩy (năm ấy
1976 ông cụ đã 63 tuổi) đường kim mũi chỉ cũng thô sơ vụng về nhưng ông bạn Thiết
Giáp đón nhận cái mũ mà rưng rưng xúc động. Ông cụ đã cắt chiếc đạo y ra may
mũ. Ai cũng tiếc chiếc áo dài theo ông cụ đã lâu, chắc mang nhiều kỷ niệm tu
hành của một vị cao tăng, nhưng ông cụ chỉ cười xòa mà nói: "Thì nó cũng
chỉ là cái áo..."
Đã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có
năm quá lạnh như năm nay. Đúng là "giậu đổ bìm leo", vào cái lúc mà
tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn... Mà xưa nay cái lạnh
và cái đói có nó có liên hệ "hữu cơ" với nhau. Càng đói thì càng rét
- mà càng rét thì càng đói. Anh em ta đã có người "nằm xuống" vì đói
lạnh. Vũ Văn Sâm (viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1976 bên
bịnh xá, sau cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Đến đầu tháng giêng 1977 (không rõ
là ngày 3 hay 13 tháng giêng, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Quý Thuyết tòa án
quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh
ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi. Trong tờ
khai của đội trưởng đội của anh NQ Thuyết, có nói rằng "Anh NQ Thuyết được
đội cử nuôi heo, anh đói quá nên thường ăn vụng cám heo. Chắc là bị ngộ độc nên
đã chết".
Ở xứ thượng du này có cái rất sẵn là đá và cỏ. Những bữa trời
quang mây tạnh, trèo lên núi kiếm lá về ủ phân, thấy bát ngát toàn núi là núi.
Những chỏm núi gần xa, chập chùng ngút mắt trông giống y như một màng lưới bao
la mà mỗi ngọn núi là một mắt lưới. Sơn la: lưới núi. Hay thật, đúng y như thế
thật. Tù mà ở trong cái lưới núi này thì chạy đi đâu cho thoát. Vì nhiều núi
nên có nhiều loại đá. Một bạn tù trẻ tuổi ở khu B bên cạnh, Vũ Xuân Th. tay biệt
kích dù mũ xanh kiệt hiệt có khá nhiều tài: đóng ciné, điêu khắc, vẽ, đánh bóng
chuyền có hạng, mưu sinh kỳ tài... Bây giờ Vũ Xuân Th. kiếm ăn lần hồi những
khi rảnh rỗi bằng cách chọn đá marble về gọt thành nõ điếu hút thuốc lào. Nõ điếu
made in Vũ Xuân Th. thì khỏi nói, vừa đẹp vừa có khắc hoa, khắc chữ (theo yêu cầu)
vừa kêu ròn rã không thể tả. Giá rẻ thôi: một ký sắn hay 2 cục đường tán 1 cái.
Tôi và Vũ Xuân Th. là chỗ "bồ tèo" nên Vũ Xuân Th. có tặng một cái nõ
điếu tuyệt vời: rất kêu (cái này là dĩ nhiên rồi) mặt trước có khắc nổi hình một
con diều hâu đậu trên cành thông, một bên là một đóa hoa hồng, một bên nữa là
khắc năm tháng... Khi đem tặng cái nõ điếu, Vũ Xuân Th. mới "bốc láo"
rằng: "Một đóa hồng cho đại bàng cô đơn đây". "Đại bàng đại biếc
gì nữa ông ơi, đáng lẽ ông phải khắc một con quạ già mắc bẫy".
Trong khi đó ông bạn già Thượng tọa của tôi cũng đi kiếm đâu
được mấy mảnh đá dài dài. Lúc nào rỗi rãi lại thấy ông cụ ra bờ suối mài mài, đục
đục.... Một hôm tôi thấy trong lều dụng cụ của tổ rau tụi tôi, hình dạng hai tấm
bia đá thô sơ có khắc tên Vũ Văn Sâm, mất ngàỵ.., Ngô Quý
Thuyết mất ngàỵ.. Tôi nhấc tấm mộ bia lên, nhìn ông cụ. Ông cụ ngó
mông ra khoảng rừng núi chập chùng mà nói: "Thì cũng mong đánh dấu được vài
nắm xương tàn."
Một sáng mùa đông vào khoảng nửa buổi, tôi đang lặc lè 2 thùng "ô
doa" (arrosoir) tưới nốt cho khoảng vườn rau trước mặt, gần nhà bếp khu B
thì bỗng có tiếng gọi khe khẽ, khẩn trương:
- Này, nàỵ
- Ai đấy?
- Vũ Xuân Th. đây.
- Làm gì đấỷ
- Bữa này làm "chảo trưởng". Thổi cơm nhà bếp. Ăn cháy không?
Tại sao mà bạn ta hôm nay lại hỏi một câu "thừa
thãi" như thế nhỉ. Tôi và Vũ Xuân Th. đều là dân "volley". Tôi
thì già rồi còn Th. thì đang sức. Trong làng "bóng chuyền" tụi tôi, mỗi
khi mà cây nêu lỡ tay nêu sang lưới bên kia thì dân bóng chuyền kêu bằng
"cơm nắm cho tù", nghĩa là đối phương được biếu không một trái banh
ngon lắm, bổ lắm, chắc ăn lắm, ít khi có lắm. Bây giờ chúng ta là tù
"chính cống bà lang trọc" rồi, đói lòi xương, vàng mắt mà lại còn hỏi
"có ăn cháy không?". Chừng như nhận ra sự vô duyên của mình, Vũ Xuân
Th. vội nói:
- Chạy ra góc vườn lấy mảnh lá chuối lại đâỵ
- Có ngay.
Sau đó từ cái lỗ mắt cáo của hàng rào nhà bếp khu B, qua đám lá duối và dây leo
bìm bìm, tôi nhận được từ bạn ta Vũ Xuân Th. một cái gói lá chuối âm ấm, nóng
nóng. Để ngay cái gói này áp sát vào bụng, mà đi về dưới gốc lim già bên bờ suối,
nơi cái lều nhỏ của tiểu tổ chúng tôi.. Ôi chao, cái làn da bụng lép kẹp của
tôi đang được sưởi ấm, đang được phỉnh nịnh. Cái may mắn này ít khi có lắm. Tôi
phi về như bay. "Tây con" Thiết Giáp thấy tôi mặt mày tươi rói liền
ngẩng đầu lên hỏi:
- Cái gì mà hí hửng thế?
Tôi bước vô lều, nhìn trước nhìn sau, rút từ trong bụng ra gói lá chuối còn
tươm khóị Mở ra, miếng cháy vàng rộm, nóng hổi, đang bốc hơi.
"Tây con" sáng mắt ra, vội hỏi:
- Ở đâu ra thế?
Tôi chỉ sang khu B mà khẽ nói:
- Bạn vừa cho...
Tôi để phần ông cụ một miếng, ông cụ đang bận tay ngoài chỗ
"cây giống". "Tây con" và tôi chia nhau miếng cháy nóng, vừa
ăn rau ráu vừa hít hà. Từ sáng đến giờ, mỗi đứa chúng tôi xách ít ra cũng hàng
trăm đôi nước, chân tay, mình mẩy rã rời, bởi vì buổi sáng có cái gì vào bụng
đâu. Dạo này hết bột mì cứu trợ rồi. Cái gọi là "bữa sáng" chỉ là một
chén cháo bột khoai mì loãng đầy mùi hôi mốc. Không ra đâu vào đâu. Mùa lạnh nước
suối cạn, phải lần xuống dưới lòng suối mới múc được nước. Leo lên bao bậc đá
trơn, tay xách đôi thùng tưới, miệng thở dốc, sức cứ oải dần, tay chân càng lúc
càng nặng trĩu, nhấc không muốn nổi. Trời thì lạnh và ẩm. Cái rét thượng du miền
Bắc rất thấm, rất sâụ Người Bắc kêu bằng rét ngọt. "Cái ngọt nó lọt tận
xương", lại thêm xách nước nên áo quần thấm nước suối. Cái lạnh bên ngoài
cái đói bên trong nó hành mình tơi tả. Đang khi sức cùng lực kiệt, đầu váng mắt
hoa như thế thì có miếng cháy nóng này…"Ôi món quà từ trên trời rơi xuống".
Chưa có món bánh mì nào trên thế giới có thể sánh được với miếng cháy.
Ông cụ ăn từ tốn, không có ào ào như tụi tôi. Ông cụ làm còn
nhiều, còn mạnh hơn tụi tôi nữa mà hình như ông già không thấy mệt mỏị Lúc nào
cũng nhẩn nha, lững thững mà việc gì cũng xong. Ông cụ vẫn nói "từ lúc nhỏ
đi tu ở nhà chùa.... thì tôi vẫn làm lụng như thế này, cũng dưa cà như thế
này... chỉ tội nghiệp các ông..." Ông cụ chỉ vẽ cho chúng tôi cách làm vườn,
trồng cây, bón tướị.. Những công việc gì khó khăn, vất vả ông cụ giành lấy mà
làm. Như cái món lấy phân bắc (phân người) về ủ, ông cụ cũng tự tay làm lấy.
Hôm nay, sau khi ăn miếng cháy xong, ông cụ khẽ nheo mắt, tay giơ một nhúm thuốc
lào mà nói "hút đi". Thuốc lào thật, dẻo quánh, thơm nồng, đâu phải
thuốc lào "ngải cứu" hay thuốc lào "lá cải khô".
- Hút luôn hở cụ. Hay là xái nhì, xái ba?
- Hút luôn đi.
Trong cái lúc thuốc lào khan hiếm như lúc này, nếu có thuốc
lào thật, đâu có dám hút luôn cả điếu. Phải hút xái nhì, có khi xái ba, tức là
một điếu thuốc mà hút 2 hay 3 người. Người thứ nhất châm lửa, rít một hơi, người
thứ 2 rít một hơi, rồi người thứ 3 hơi cuối cùng. Người nào mà được hút cuối
cùng là "đặc biệt", vì được hưởng cái hậu, được rít kêu lóc cóc...
Hôm nay, trúng số rồi. Vừa được ăn "bữa lỡ", lại có thuốc lào thật
rít thẳng tay. Tôi hút xong điếu thuốc lào mà say lừ đừ. Từ mấy bữa nay, hôm
nay mới có thuốc lào thật. Còn toàn hút thuốc lào "lá cải già tẩm nước điếu
phơi khô". Ăn xong, hút xong thấy đời sáng láng, phơi phớị Tôi liền tà tà
đi ra gần chỗ nhà bếp, đằng hắng lấy giọng mà thưa với bạn ta rằng:
"Tương phùng được buổi hôm naỵ.. Trùng phùng lại nhớ
giờ này hôm sau".
Tôi nghe thấy tiếng cười rinh rích rồi Vũ Xuân Th. vừa cười, vừa nói vọng ra:
- Được rồi, hiểu rồi.. ông nội ... Cứ khoảng giờ này ngày mai ông lại tới đâỵ..
Nhưng mà khéo léo đấy nhá.
Thế là cứ vào khoảng nửa buổi, 9 giờ rưỡi mười giờ sáng những
ngày sau đó, mỗi khi thấy bạn tôi "chảo trưởng" ra cơm, tiếng xẻng
khua xuống chảo gang kêu xoèn xoẹt, là tôi lại lững thững giả vờ bắt sâu bọ,
bên bụi ruối.. rồi lĩnh từ tay bạn ta một gói cháy vừa chín tới mang về...
Nhưng cái thời gian "bồi dưỡng" này không được bao
lâu. Chừng hơn nửa tháng sau, bạn tôi Vũ Xuân Th. đã rời khỏi nhà bếp, ra làm
công việc khác. Nguồn tiếp tế của tụi tôi bị cắt. "Phúc bất trùng lai họa
vô đơn chí", bạn Thiết Giáp NVP của tụi tôi cũng điều sang đội chăn
nuôi. Cái khu rau này, thượng úy "không no" tuyên bố: "Chỉ cần
2 người cũng đủ. Các anh khắc phục". Công việc 3 người làm trước đây
đã "bá thở" bây giờ còn lại có 2 ngườị Ông cụ gần như bao giàn hết
công việc cũ của NVP nhưng tôi vẫn phải làm thêm. Nhưng điều đáng phàn nàn là
trong thời gian bồi dưỡng vừa qua cái bao tử của tôi nó bắt đầu quen ăn "bữa
lỡ" hồi 9, 10 giờ sáng rồi. Bây giờ "ăn quen nhịn không quen" cứ
nửa buổi là tôi phờ phạc, đói mịt mờ, cất chân, cất không muốn nổi. Thấy tôi rũ
rượi như "gà chết" ông cụ một bữa nhìn tôi rồi chắt lưỡi: "Đừng
có lo..." Ông cụ cầm con dao, xách cái bị cói phăng phăng, chừng nửa giờ
sau ông cụ về, đặt phịch cái bị vào trong bếp. Trong cái lều nhỏ của tụi tôi,
lúc nào bếp cũng cháy lim dim, vừa để đun nước, hút thuốc vừa để sưởi những lúc
nghỉ tay… Bây giờ ông cụ quạt lửa lên, lấy mấy củ sắn ở trong bị ra bỏ vào bếp
nướng. Ông cụ bảo tôi ra ngoài coi "động tĩnh". Tôi lại bắt đầu mừng
vì có đồ ăn, nhưng lại ghê vì tôi biết ông cụ vừa lên trên đồi lấy sắn của trại.
Ở các trại tù hoặc các nơi đóng quân của Vi Xi, ở chung
quanh thế nào cũng có một số đất đai thống thuộc. Ở vùng đồng bằng hoặc trung
du thì trồng lúa, trồng ngô khoai trồng trà, trên thượng du như Sơn La này thì
trồng sắn, trồng ngô, trồng mía. Thứ sắn lưu niên để từ năm này sang năm khác,
coi như là nguồn lương thực dự trữ. Đây là thứ cây lương thực dễ trồng nhất
trong thiên hạ. Nhổ cây sắn lên lấy một chùm củ. Xong rồi cứ cây sắn ấỵ lấy dao
chặt một gang tay, phải có ít nhất là 3 mắt. Cuốc một nhát cuốc hay lấy dao đào
lên, nhét một cái hom lên trên mặt đất. Cứ thế là chừng năm sau, mỗi cái hom lại
thành một cây sắn, lại cho một chùm củ. Đất tốt thì củ lớn, đất xấu thì củ nhỏ.
Trong những thứ lương thực ở trại tù miền Bắc, sắn được xếp
vào hạng bét. Chỉ tiêu, cân đo, đong, đếm của lương thực là 1 gạo ăn 2 ngô, hay
là 3 khoai, hay là 4 sắn. Dù là hạng bét nhưng đối với tù đói nhăn răng, nó vẫn
là rất quý. Tù mà động đến sắn, ngôi, khoai của trại là xâm phạm tài sản xã hội
chủ nghĩa". Nhất là trong khi thượng úy "Không no" cứ như cái
bóng ma, lúc ẩn lúc hiện, chuyên môn rình rập theo dõi anh em. Đó là nghề của hắn.
Tôi có một anh bạn cùng khóa, NKB xưa nay tính tình
"nhà binh" cho đến tận kẽ răng. "Reglo" số 1, việc làm răng
rắc quần áo là ủi thẳng tắp, giầy botte de saut bóng láng, huy chương đeo một dề,
xe díp bóng ngời nệm trắng tinh tươm. Đi cải tạo ra Bắc bây giờ bạn tôi,
không biết vì không hợp thủy thổ hoặc đói khát ra sao mà răng rụng hết, thành một
ông già móm xọm. Nhưng bạn tôi lại thèm đường thèm mật quá. Ở gần khu trại mộc
của đội anh có một khu trồng mía. Mía cứ bị bẻ trộm hoài, thượng úy "không
no" rình rập mãi mà không bắt được ai. Một bữa, thượng úy thấy thấp thoáng
bóng người trong ruộng mía liền nhảy ra bắt giữ. Gặp ông bạn móm xọm của tôi.
- Anh vào đây nàm gì? Ăn trộm mía phải không?
- Tôi đi kiếm rau "tàu bay", tôi đâu có ăn trộm mía.
- Không ăn trộm mía vào đây để làm gì?
Anh bạn tôi liền há mồm ra, chỉ vào hai hàng lợi không răng mà phều phào nói:
- Tôi đâu còn răng mà ăn mía.
Thượng úy "không no" thấy vậy, không còn bắt bẻ vào đâu được nữa nên
vùng vằng bỏ đi. Nhưng y ta nhất quyết bắt cho bằng được người ăn cắp mía. Một
bữa không biết y ta đến từ bao giờ, cải trang ẩn dạng ra sao mà ông bạn móm của
tôi vào chặt một cây mía là bị y ta bắt được ngay tại trận. Y rất bằng lòng về
chiến công "bắt trộm" của mình. Bạn tôi quá thiếu chất đường (cũng
như hầu hết các tù cải tạo thèm chất ngọt và thèm mỡ) nên thường lén vô ruộng
mía, đem dao chặt vội một vài đẫn, nhét vào người mang về. Lấy dao dóc mía, chẻ
mía ra từng miếng nhỏ đưa vào miệng không răng mà nhần, mà ngậm. Nó cũng khỏe
lên được phần nào. Còn vỏ mía thì phải chôn xuống đất ngoài vườn.
Ngay bữa bắt được kẻ trộm mía, thượng úy "không
no" liền biểu diễn quyền uy của mình bằng cách khác; không có giam tội
nhân vào cái cũi dây kẽm gai mà y bắt ông bạn không răng của tôi cầm nguyên một
cây mía đứng riêng ở ngoài cổng trại. Y ta nói: "Hãy nhìn cho kỹ đi, thượng
cấp của các anh đấy". Anh em đi làm về đều thấy ông bạn tù gì, cầm cây mía
đứng lom khom, cúi mặt không dám nhìn ai. Ai cũng thương anh.... đồng cảm với
anh vì đi tù cải tạo trăm người như một đều phải "cải thiện" cách
này, cách khác. Con người "một động vật xã hội", nên "đói là đầu
gối phải bò". Thế thôi, chả ai coi thường, chả ai bỉ thử anh đâu. Nhưng
tôi biết, bạn tôi vốn trọng phép tắc lễ nghi nên bạn tôi đau lắm.
Do vậy nên bây giờ thấy ông bạn già Thượng tọa đi lấy trộm sắn
về cho tôi ăn vì tôi thèm quá, đói quá, tôi vẫn cứ ghê ghê trong bụng. Thượng
úy "không no" mà bắt được, không biết y ta sẽ hành hạ mình cách nào
đây? Nhưng sợ bị bắt là cái lo xa. Còn đói cồn cào ruột gan là cái lo gần. Thế
thì ta hãy cứ ăn cái đã. Đang đói bụng mà lại có sắn lùi bếp than thì nhất thế
giới rồi. Tôi cứ chạp thẳng cánh. Ông cụ đi lấy sắn, nướng sắn mà ông cụ có ăn
bao nhiêu đâu. Tôi ăn phần lớn. Và sau đó cứ vào khoảng 9, 10 giờ sáng, tưới
bón xong là ông cụ xách cái bị đi ra. Lúc thì sắn lúc thì khoai, lúc thì củ
giong... Tôi cứ có ăn đều đặn.
Bạn "Tây con" Thiết Giáp NVP phải đổi sang đội
chăn nuôi, trong cái rủi lại có cái may. Bên ấy có công tác lên rừng đẵn cây
chuối hột về cho heo ăn. Được ra ngoài thuộc "diện rộng" đi xa xa, gặp
được 'đồng bào nên mới có cơ hội kiếm ăn, đổi chác. Vắng mặt tên quản giáo, len
lén đem được một cái quần tây, một cái ao pull, một cái kính, một cái bật lửa...
đem "quy ra thóc" lấy xôi, lấy cơm mắm... hoặc 'quy ra thuốc' lấy thuốc
lào... đều được cả, thành ra tụi tôi dạo này có vẻ "phong lưu" hơn
trước.
Một bữa lấy sắn về ông cụ đang ngồi trong lều, quạt đang đều
tay, sắn đã bắt đầu chín bốc mùi thơm ngậy, tôi đã chực sẵn đến giờ ăn, thì bỗng
có tiếng động nhẹ đằng sau. Tôi quay lại thì thấy đôi ủng màu đen đã đứng sau
lưng tự lúc nào rồi. Tôi chết sững. Thượng úy "không no" đã tới.
- Biết ngay mà, cứ vào khoảng 10 giờ nà cái nều này có khóị
- Thượng úy "không no" đắc chí.
Tôi cứng họng không biết nói năng gì, tâm thần hoảng hốt.
Ông già thượng tọa của tôi, khẽ ngước lên, nhìn thượng úy "không no"
rồi điềm đạm nói:
- Cán bộ thứ cho. Anh em chúng tôi ... đói quá...
Giọng nói ông bình tĩnh, người ông vẫn ngồi vững vàng, cái
tay quạt sắn vẫn đều đặn không thay đổi, không cuống quýt, mà cũng không ngừng
nghỉ.
- Như thế này là nâu rồi đấy nhá. Không phải chỉ một hôm nay mà thôi đâu?
Thượng úy "không no" vừa nói vừa quay ra xem xét,
kiểm soát căn lều. Chợt y thấy hai cái mộ bia mà ông già Thượng tọa của tôi mới
đục xong còn để đó. "Vũ Văn Sâm mất ngàỵ..", "Ngô Quý Thuyết mất
ngàỵ..." Y đọc mộ bia xong nhìn chúng tôi, một anh tù già tóc bạc phơ, một
anh tù trung niên xác xơ ốm đói. Hình như có một suy nghĩ gì đó thoáng qua, nên
nét mặt y có vẻ đắn đo, xong rồi y lững thững đi ra mà nói:
- Sau không được thế nữa nhá. Ninh tinh.
...Cho đến bây giờ không biết vì lý do nào mà tên thượng úy
hầm hừ ấy đã bỏ qua cho chúng tôi. Có thể vì những tấm mộ bia, nghĩ đến những
người anh em xấu số của chúng tôi đã chết vì đói lạnh... hoặc là phong
thái "đại hùng, đại lực, đại từ bi" của con nhà Phật
trong phút giây nào đó đã khơi dậy được "chút tính người còn sót lại"
trong y?
Phan Lạc Phúc