(Tranh hí họa của Craig Stephens)
|
Hôm qua,
một cháu hỏi trong phần lời bình của bài Cơn Ác Mộng Của Tập Cận Bình:
Hong Kong Trở Thành Một Đài Loan: “Với nhãn quan và tầm nhìn của mình, chú cho
rằng Tập và Đảng CSTQ sẽ có những bước đi nào tiếp theo với nước Mỹ, thưa
chú?”
Câu trả lời nhanh của tôi hôm qua:
“Năm 2019 sắp qua, trong năm 2020, mỗi bên, Trump và Tập đều
có những ưu tiên cần phải hoàn thành. Ưu tiên của TT Trump là tái đắc cử tổng
thống nhiệm kỳ hai và ưu tiên của Tập là phục hồi hay ít nhất giữ nền kinh tế
không bị tụt nhanh hơn.
Về phía Tập, năm 2019, kinh tế TQ tăng chậm nhất kể từ 1992.
Các nhà kinh tế dùng năm 1992 làm khởi điểm của kế hoạch đổi mới kinh tế sau
Thiên An Môn. Tập còn nhiều tiền nhưng không thể tự động đổ vào thị trường để
bơm kinh tế lên như TQ đã làm trong đại suy thoái kinh tế thế giới 2009 vì y sợ
cùng lúc cũng làm mức lạm phát gia tăng nhanh.
Về phía TT Trump, kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng trong chiến
tranh thương mại với TQ và TT Trump cũng không muốn kinh tế Mỹ bị rơi vào suy
thoái trước mùa bầu cử Tổng thống vào tháng 11/ 2020. Xã hội Mỹ là xã hội tiêu
thụ, yếu tố kinh tế có tác dụng trực tiếp vào lá phiếu.
Nhắc lại lịch sử, TT George H. Bush (Bush cha), người đại thắng
trong chiến tranh Iraq và trước đó chứng kiến sự sụp đổ của phong trào CS Châu
Âu nhưng vì suy thoái kinh tế mà thất cử vào tay Bill Clinton. Trước đó TT
Jimmy Carter cũng vì lý do kinh tế mà không tái đắc cử.
Tóm lại cả Tập lẫn TT Trump đều có nhiều việc phải làm nên
có thể không có biện pháp nào quá cứng rắn có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế
thế giới.
Mức gia tăng vượt bực của thị trường chứng khoáng Mỹ trong mấy
tháng qua cho thấy các nhà phân tích thị trường gần như bỏ qua bên những lời
hăm he, ăn to nói lớn.
Tập khó khăn hơn vì ngoài việc đối phó với Mỹ, y còn phải lo
đối phó với các chống đối, bảo thủ và cực đoan dân tộc tại lục địa. Đó là chưa
kể đến phong trào dân chủ Hong Kong.
Sáng nay đọc các biện pháp gọi là trả đũa của Tập đáp lại
hai đạo luật do quốc hội Mỹ thông qua gần như tuyệt đối cho thấy Tập đúng là
“thùng rỗng kêu to”.
Đáp lại hai đạo luật có giá trị, tác dụng và ảnh hưởng lâu
dài, Tập phản công bằng những biện pháp ngắn hạn, vá víu và tạm thời như không
cho phép các chiến hạm Mỹ thả neo cảng Hong Kong và cấm các cơ quan nhân quyền
phi chính phủ Mỹ cử nhân viên theo dõi các cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Mỹ không có nhu cầu quân sự hay lợi ích chiến lược để các
tàu chiến phải thả neo tại cảng Hong Kong và trong thời đại tin học ngày nay có
hàng trăm cách theo dõi các cuộc biểu tình tại Hong Kong mà không cần phải cử
các đại diện chính thức đến.
Những biện pháp của Tập rõ ràng không nhắm vào Mỹ mà chỉ nhằm
làm dịu chảo dầu đại Hán yêu nước cực đoạn tại lục địa khỏi văng phỏng tay
y.
Trần
Trung Đạo