12 December 2019

DIỄN LẠI MỘT TRUYỆN THƠ NÔM ĐẦU THẾ KỶ 19: “THAY CHỒNG ĐI THI” - Nguyễn Văn Sâm


Thanh Hoa huyện nổi tiếng hai chàng Trương, Trần chăm học. Thường đóng cửa tạ khách dùi mài kinh sử đến quá nửa đêm hay tới khi trời hừng sáng. Nếu cần tham vấn bậc cao nhân điều chi về học thuật thì dù phải đứng đợi cửa ngoài tuyết rơi ngập chân vẫn chờ. Mùa Xuân năm ấy vua mở khoa thi, cả hai đều danh chiếm bảng vàng. Cờ lộng vinh qui rồi mỗi người một phương trấn nhậm ai lo việc nấy tuy vẫn giao tình bằng hữu qua thư tín.


Sau vài mươi năm cố công ích nước lợi dân, lưu phong vang lừng xa gần đều nghe biết, cả hai về trí sĩ với gia sản khiêm nhường, thậm chí còn thua xa mấy nhà phú hộ vùng quê.
Từ khi về hưu dưỡng, Trương trí sĩ vui cảnh điền viên, chăm lo giảng sách. Lắm học trò đậu đại khoa nhờ công sức của thầy. Phu nhân Trương công sanh đặng hai công tử Cảnh Tĩnh và Cảnh Yên cũng đều là danh sĩ tài cao học rộng. Cảnh Tĩnh đã yên bề gia thất, bào đệ Cảnh Yên còn mãi mê với bút mực thi ca chưa người sửa túi nâng khăn.

Ngày kia phu nhân thủ thỉ với chồng nên lo đường gia thất cho đứa con chưa yên nơi yên chốn.
Bà rằng nghe tiếng tiểu thư Phương Hoa nhà Trần trí sĩ là trang tuyệt thế mỹ nhân lại công ngôn hạnh đức hay ta tới đó cầu thân. Trương công mừng rỡ đồng ý cùng nhau lựa ngày đi hỏi vợ cho con.
Hôm xuất hành, ông bà ngồi kiệu, tùy tùng chuyên chở lễ vật theo sau, Công tử Cảnh Yên cỡi ngựa bạch đi cùng. Trên đường đi ai cũng trầm trồ khen chàng tuấn tú bàn rằng số chắc hanh thông.
Đến nơi, báo thiệp, Trần công lật đật sửa áo ra mời. Tiệc tàn, trà nước xong xuôi Trương công nói ý mình. Trần trí sĩ chưa dám quyết định bèn cho mời ái nữ ra chào khách. Phương Hoa điểm trang tóc tai son phấn xong xuôi ren rén ra dâng trà cho bá phụ. Nghe cha hỏi ý mình, nàng liếc nhìn Cảnh Yên. Vẻ thanh tú nghiêm trang của khách khiến nàng vững dạ ấp úng rằng mình tuổi còn thơ không dám tự chuyên quyết định chung thân đại sự. Áo mặc không qua khỏi đầu tất cả tùy lượng cả song thân. Trần công biết ý cười tươi cùng Trương công rằng ái nữ mình coi như từ nay là dâu nhà hiền hữu.
Lễ hỏi hoàn tất chỉ chờ ngày nghinh hôn. Trương công và Trần từ giã ra về.
Khi ấy nơi Trần trí sĩ cư ngụ có Tào Trung Úy là người quyền thế nhờ được vua yêu. Họ Tào vốn chưa có chánh thê lại nghe người đồn Phương Hoa xứng danh tài sắc chi nữ. Sử kinh làu thuộc, thi phú hoàn tất chỉ sau vài cái vẫy tay nên đem lòng ước ao gắn vó. Bèn sửa soạn hơn ngàn thứ lạ, quá trăm vật quí cùng tùy tùng đến cửa Trần công xin được làm rể Đông sàng.
Vốn ghét mặt họ Tào là kẻ gian ngoan lại có sẵn lý do từ chối Trần công từ tốn giãi bày:
Mỹ nhân trong thiên hạ không thiếu, Tào Trung Úy công danh trên đường tỏ rạng, tệ nữ dung mạo chẳng bằng ai lại đã lỡ hứa hôn nên mạn phép không dám tuân lời.
Hầm hầm từ giã ra về, họ Tào thề quyết trả thù cho thỏa dạ. Môn hạ có kẻ rộng miệng mách rằng Phương Hoa gá lời với con Trương trí sĩ. Diệt họ Trương thì sẽ rộng đường. Máu hận bốc lên, họ Tào không dừng được bèn mạo chỉ vua ra lệnh bắt hết nhà họ Trương với lý do mãi quốc cầu vinh. Cả đoàn lâu la nách thước tay đao ùn ùn kéo đến nơi thực thi tuyết hận. Trương trí sĩ vừa bước ra cửa chào khách đã bị một đao đứt làm hai đoạn. Gia nhân náo loạn chạy vào báo phu nhân xin lẹ chân đào tẩu. Cả nhà theo cửa sau băng rừng lội suối cao bay xa chạy. Bọn ngưu đầu mã diện gia tướng họ Tào tha hồ vơ vét của cải sạch xanh. Chẳng bao lâu tư gia họ Trương tan nát thành bãi hoang phế tích. Trương phu nhân với hai con cùng nàng dâu dắt díu chạy giặc ngày đêm tránh xa vùng nước lửa.
Cả bốn người mai danh ẩn tích chỉ mong sao được yên thân. Nơi đây Thị Trinh người vợ tấm mẳn của Cảnh Tĩnh hạ sanh được một gái. Chẳng bao lâu sau khi nở nhị khai hoa người mẹ trẻ lìa đời vì nghèo đói nhọc nhằn. Trương Tĩnh quá xót xa có làm bài văn tế vợ thiệt là cảm xúc.

Văn tế rằng:
Trước Đào sàng khóc mà than rằng:
Trời thường hai khí xoay vần, chẳng khỏi hơi âm
Người có năm đấng thường, chẳng chi hơn đạo vợ.
Nhớ nàng xưa:
Mày Liễu dịu dàng, mặt hoa hớn hở.
Tuổi xuân xanh vừa mới cả khôn.
Duyên tơ đỏ sớm đà gặp gỡ.
Số đã bày dâu cửa tướng công,
Lòng đã xứng vợ người quân tử.
Hỡi ôi!
Những ước xum vầy.
Bỗng nên cách trở.
Ấy ai làm phận bạc duyên hôi,
Mà ai khiến gương mờ đá rả.
Thương vì mẹ già yếu đuối, bỗng nàng về âm phận, ai nâng niu bát cháo lưng rau?
Xót vì điều con trẻ thơ ngây, mà nàng xuống đào nguyên, ai cúc dục lưng cơm bầu nước?
Mối tình bao xiết đắng cay, bát nước khôn bàn cơn cớ,
Canh chầy nguyệt xám, thảm thương đường nọ nỗi nầy,
Đêm vắng sầu tuôn, tư tưởng lời ăn nết ở.
Rày nhân tiết chí tống chung, lấy chi giả nghĩa!
Lễ vi vật bạc gọi là ba chén đầy vơi,
Biển rộng non xanh ngỏ trút tấm lòng thương nhớ.

Chừng vài năm sau, do nhiều gian truân, Tĩnh cũng về trời. Gia đình nhiều tai ương họ Trương giờ chỉ còn ba người thuộc ba thế hệ, cô đơn nơi heo hút. Chàng Yên bàn với mẹ đi lần về nơi đô hội hy vọng gặp được may nào chăng. Vã mấy năm qua có thể thời tiêu tội đã đến, không còn bị truy tìm. Bé Tiểu Thanh giờ lên tám, thông tuệ, hiếu thảo với chú với bà. Hằng ngày bé ra chợ xin ăn, sống nhờ lòng từ tâm của đời để nội tổ nghỉ ngơi và thúc phụ có thời giờ học hành kinh sử.
Một lần kia Tiểu Thanh gặp Phương Hoa, cả hai đem lòng quyến luyến. Phương Hoa đem bé về cho trú ngụ trong nhà mình coi như dưỡng nữ, thường xuyên đưa tiền để Tiểu Thanh giúp đỡ nội tổ và người chú còn nặng nợ sách đèn.
Cho đến lúc này, Phương Hoa vẫn chưa biết chú của bé là người mình đã có hôn ước. Một thời gian sau, nhân một buổi hai mẹ con tâm sự, Phương Hoa được nghe về gia đình của bé nên đau lòng, quyết định chu cấp nhiều hơn khi nghe thúc phụ của bé là Cảnh Yên.
Nàng dặn bé chuyển tin cho chú rằng đêm đó, đêm đó… ra sau vườn nhà mình nhận rương tiền hầu có phương tiện độ nhựt học hành khỏi phải cực nhọc mưu sinh mà lỡ đường ôn tập.
Phương Hoa giao cho tì nữ Đào thị việc trao tiền. Nàng không muốn gặp Cảnh Yên e rằng tai tiếng rừng mạch vách tai. Tì nữ Liễu thị tình cờ nghe được chuyện. Máu tham nổi lên, họ Liễu về bàn với chồng là tên vô lại Hồ Nghi mưu kế cướp rương tiền.
Đêm phải trao tiền, họ Đào khiêng tiền ra vườn sau đứng đợi, tên họ Hồ núp sẵn nơi kín đáo xông ra chém chết, cướp hòm tiền về nhà. Chàng họ Trương theo lời hẹn đến vườn nhà Phương Hoa sau đó trong vài khắc. Trong đêm tối đạp nhằm xác chết còn máu chảy tràn, cả sợ, mau chân trở lộn về nơi trú ngụ.
Việc có kẻ ám toán tì nữ họ Đào ra đến công đường. Cảnh Yên bị bắt giam ngục do vết chân máu dẫn dường từ thi thể nạn nhân đến nơi chàng nương ngụ.
Nghe vị hôn phu mắc vòng lao lý, Phương Hoa xót xa nhưng không có cách cứu sao cho khỏi mang tiếng trên bộc trong dâu hẹn hò trai gái đêm hôm.
Nàng xin với phụ thân cho mình lên kinh đô buôn bán với dụng ý tùy cơ cứu chồng.
Năm đó đức vua mở khoa Xuân thí. Nàng Phương Hoa cải nam nhân, gởi quyển dự thí với tên Trương Cảnh Yên. Bảng treo kết quả, thí sinh Cảnh Yên đoạt giải Trạng Nguyên. Đêm trước ngày các tân khoa được dự đại yến, đức vua nằm mộng thấy người thi đỗ đầu mặt hoa da phấn như là nữ nhân nên lấy làm lạ.
Vào đại yến, nhìn Trạng Nguyên Trương Yên thấy nét giông giống người mình gặp trong mộng đêm trước nên ngài ngự hỏi sao Trạng Nguyên có dạng nữ nhi. Phương Hoa bèn quì tâu thiệt sự, rằng mình phải lấy tên chồng đi thi mong đươc gặp đức vua giải oan chồng đương bị hàm ức về chuyện giết người mà mình biết rằng chồng không hề làm. Nàng kể chuyện Trương trí sĩ bị giết, nghĩ rằng người họ Tào thù ghét nhà họ Trương vì bị phụ thân mình không chấp nhận sự cầu hôn. Tào Trung Úy được triệu đến triều. Việc cầu hôn, việc chiếu chỉ giả mạo, việc tự chuyên giết người bị phanh phui… cả nhà họ Tào bị xử nặng.
Nhà vua hỏi bây giờ Cảnh Yên đương ở nơi nào, giải bày là đương ly tiết nơi huyện nhà. Hỏi sao lại bị giam, giải bày rằng chuyện bắt nguồn từ mình nhờ nữ tì họ Đào đem giao hòm tiền… Đình nghị rằng Đào thị chết do sứ mạng bị lộ từ bên trong. Kẻ biết được chuyện không ai ngoài tì nữ họ Liễu vốn ra vào bên cạnh tiểu thơ và bạn tì nhi. Họ Liễu được triệu tập, kéo theo việc Hồ Nghi phải thú nhận tội mình. Nghi, Liễu bị án, Trương Yên được vời. Nhà vua minh án giải oan và có ý muốn trao giải Trạng Nguyên cho người học trò vô tội, coi như vợ đi thi thay chồng.
Các quan đề nghị thử tài Trương Yên coi xứng đáng chăng một người đỗ Trạng. Bút mực đem ra. Trước triều đình văn võ bá quan, họ Trương vũ lộng thi thơ, chữ viết phụng múa rồng bay, văn tài Lý Đỗ Hàn Mạnh. Ngài ngự vui mừng, đặc cách ân tứ đỗ trạng lại tứ hôn cho Phương Hoa và Trương Yên nên duyên cầm sắt.
Hoạn nạn hết. Xum họp, hoan lạc từ đây cho người tài sắc, kiên trì.
Lời bàn của Đạt Giả.
Cảnh Yên, Phương Hoa ngại mang tiếng liễu ngõ hoa tường, không khai sự thực suýt chút nữa một người tù tội nặng nề một người lâm cảnh phòng không chiếc bóng. Có khi Phương Hoa chưa được cưới mà đã phải để tang chồng. Trương công bị giết, Tào Trung Úy bị xử cả nhà bắt nguồn từ đam mê bóng sắc và lòng sân hận của một người không biết kềm chế lòng mình. Mê tâm ôi sao mà nguy hiểm!
Gái Phương Hoa có tài thơ phú, ứng thí được đậu cao, ta tự hỏi nếu thi không đậu thì oan tình chàng Cảnh Yên tới bao giờ mới được bạch hóa? Tất cả câu chuyện mục đích xa gần đề cao nhà vua sáng suốt, giám khảo chấm bài trao giải đúng người. Cũng là đề cao người phụ nữ quyền biến, quyết đoán, dầu lén cha mẹ, tự chuyên làm chuyện cần làm nhưng chưa bao giờ bước ra khỏi vòng lễ giáo của thời đại.
Còn chuyện Trung Úy họ Tào lúc đắc thời cam tâm xé nát gia cang người vô tội thì đời nào cũng có. Thiên võng khôi khôi họa đến sớm chầy thôi. Tên tham tài họ Hồ và người vợ nữ tì phản chủ là loại người hạ cấp thiết tưởng không đáng ta tốn công tốn chữ.
Sách tham khảo:
Bốn bản Nôm Phương Hoa Tân Truyện có thể tìm thấy trên mạng và bản Phương Hoa Tân Truyện thời Tự Đức do nhà nghiên cứu Phạm Xuân Hy copy tặng có nguồn gốc từ Thư Viện Asiatique, Paris.

Nguyễn Văn Sâm
(Créteuil, Paris và Seattle, WA. tháng 11, 2019, viết theo truyện Nôm Phương Hoa coi như một cách lược truyện.)